Wednesday, 15 December 2021

THĂM VIẾNG: DẤU CHỈ TÌNH THƯƠNG

 


Trong nhà dòng tôi ở, có một linh mục có tài kể truyện. Truyện của Ngài làm say mê lòng người. Câu chuyện nào cũng có sức lôi cuốn và thu hút người nghe. Khi kể truyện Ngài có pha các tình tiết làm cho người nghe vui, nhưng không vì thế làm giảm đi ý nghĩa của sứ điệp mà cha muốn truyền đạt. Có một lần anh em trong nhà xin Ngài bớt chút cường điệu hay cử chỉ khi kể truyện. Nhưng kết quả vẫn như nguyên.

Phần tôi không có năng khiếu kể truyện. Tôi đã cố gắng, nhưng vẫn thấy lối kể truyện của mình thật vô duyên. Nhiều lúc, sau khi kể truyện tôi cũng chẳng biết đầu đuôi hay tình tiết của câu chuyện mình đã thuật lại nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn biết rằng dùng câu chuyện để truyền tải sứ điệp thì ích lợi hơn cho người nghe. Do đó, xin bắt đầu bằng một câu chuyện và truyện kể như sau.

Trong xóm đạo kia có một chàng thanh niên, khôi ngô tuấn tú, diện mạo khá bảnh bao mà nhiều người hằng ngưỡng mộ. Chúng ta gọi tên anh là Thi nhé. Thi có tài ca hát. Thêm vào đó, anh ngoan và siêng năng trong mọi công tác của xứ đạo. Nói chung, anh là mẫu mực mà nhiều người thán phục.

Vào một ngày kia, anh phải đối diện với một biến cố thật kinh hoàng. Anh là nạn nhân trong một tai nạn xe cộ. Tuy thoát chết, nhưng đôi chân anh bị cưa. Nghịch cảnh đã tiêu hủy mọi ước mơ của anh. Những người trước đây ngưỡng mộ anh thì bây giờ họ nhìn anh bằng cặp mắt thương hại và tội nghiệp. Cuộc đời anh xem như đã xong. Người ta dần dần quên đi sự hiện diện của anh. Đó là nguyên nhân khiến anh bị trầm cảm kinh niên. Đôi khi anh có ý nghĩ chẳng thà bị trẻ con chọc ghẹo và coi thường còn hơn là bị quên lãng. Anh chỉ muốn chết!

Vào một ngày kia, anh nhận được tin người bà con, tuy không phải ruột thịt, từ Mỹ về thăm quê nhà, nghe kể về hoàn cảnh của Thi nên muốn đến thăm. Thi chẳng bận tâm hay có kỳ vọng nào trong chuyện thăm viếng này. Lần viếng thăm này rồi cũng giống như bao lần thăm viếng trước đây. Lại thêm một cử chỉ tội nghiệp và vài lời khuyên nhủ. Cuối cùng, anh vẫn là người cụt hai chân.

Trong lúc hai người trò chuyện với nhau. Bỗng nhiên anh nghe ông anh họ hỏi anh rằng: “Cậu có muốn đi đứng lại được không?” Thi không tin vào đôi tai của mình, nên đã hỏi lại:  “Anh đùa để chọc tôi phải không?” Ông anh họ đáp: “Không tôi nói thật, tôi có thể tặng cậu đôi chân nhân tạo.” Thi đáp: “Đêm nào tôi cũng mơ đến điều kỳ diệu này! Nhưng hoàn cảnh thiếu thốn của gia đình đã khiến tôi bỏ qua ý nghĩ này. Như anh biết, kể từ ngày bị tai nạn đến nay, trong nhà còn gì thì cũng đã bán hết để lo thuốc men cho tôi. Giờ này, cơm lo từng ngày còn chưa đủ no, nói chi đến việc đi đứng!” Ông anh họ từ tốn nói: “Tôi sẽ biếu cậu, hãy coi cặp chân này như món quà Giáng Sinh sớm của gia đình chúng tôi tặng cậu.”

Thế là mọi sự đã xẩy ra. Giáng Sinh năm đó Thi đã có đôi chân để đi. Lòng tự tin của anh được phục hồi. Sau này, anh còn tìm được việc trong chức vụ cố vấn của một trung tâm thể dục thẩm mỹ. Cuộc sống gia đình ổn định hơn. Thi rất hài lòng với những gì anh đang có. Tất cả được bắt đầu qua lần thăm viếng của ông anh họ. Và, tuy việc này xẩy ra đã lâu, nhưng Thi không bao giờ quên cuộc viếng thăm của ông anh họ năm nào.

Câu chuyện nói trên có thể minh họa phần nào ý nghĩa của bài Tin Mừng mà chúng ta suy tư trong tuần này, đó là cuộc viếng thăm của Mẹ Maria dành cho người chị họ mình, bà Ê-li-sa-bét.

Kính thưa anh chị em,

Thăm viếng là dấu chỉ của tình thương. Đó có thể là khởi điểm của một mối tình hay là bước đầu của một dự án. Chúng ta thường đến thăm những người chúng ta yêu thương. Tình yêu cần được nhìn thấy, chứ không thể khư khư, giữ kín và ôm lấy cho riêng mình. Một thứ tình yêu âm thầm, chỉ dựa vào ngôn từ mà không được biểu lộ thành hành động thì không phải là tình yêu chân chính và đích thực. Đây là kinh nghiệm vô cùng quí giá của những ai đang yêu. Họ tìm mọi cách để thăm nhau. Và thường thì mỗi lần như thế họ để lại trong nhau các trải nghiệm khó phai mờ.

Không chỉ có thế, thăm viếng là một trong các điều vô cùng cần thiết trong xã hội mà khuynh hướng tôn sùng chủ nghĩa cá nhân được cổ võ và phát triển như hiện nay. Ngày xưa, con người đến với nhau để giao tiếp. Hôm nay, lệ thuộc vào sự tiến bộ của truyền thông, con người bỗng trở nên lười biếng hơn, chưa kể đến việc lạm dụng các phương tiện văn minh kỹ thuật để bớt gặp nhau hơn. Có ai ngờ được hiện tượng của những con người sống chung trong một mái nhà mà lại phải dùng điện thoại để nhắn tin hay gọi nhau xuống ăn cơm tối. Tiện lợi vô cùng, nhưng hiểm họa ngay bên! Lối sống mỗi người là một ốc đảo càng ngày càng hiện rõ trong các sinh hoạt của gia đình và đương nhiên sẽ lan tràn như bệnh dịch sang môi trường mình sinh sống.

Ngày xưa, trong các tuần đại phúc, nghĩa là trong các lần giảng tĩnh tâm tại các Giáo xứ, chúng tôi thường dành mấy tuần đầu cho chương trình, ban ngày đi thăm viếng buổi tối họp nhóm. Công việc này giúp chúng tôi và giáo dân trong xứ hiểu nhau hơn, nhìn thấy nhu cầu của nhau mà quan tâm… rồi từ đó các bài giảng thuyết được chuẩn bị hầu đáp ứng đúng nhu cầu của bà con trong giáo xứ.

Vì sao mà được như thế? Tất cả nhờ vào công tác thăm viếng. Qua đó, chúng ta dễ dàng tiếp cận và hiểu nhau hơn. Ngày nay, vì nhiều nguyên do khác nhau, dù lòng chúng ta muốn áp dụng cách thức này; nhưng thực tế cũng không cho phép. Con người quá bận rộn! Nhu cầu thăm viếng, đến với nhau càng ngày càng thấy hiếm. Chính vì thế, bài học trong bài Tin Mừng hôm nay nên được chúng ta ôn lại.

Quả thật, đây cũng không phải là điều gì mới lạ. Lần giở sách Kinh Thánh, chúng ta nhận ra chuỗi dài của việc viếng thăm mà Thiên Chúa đã thực hiện trong dân Ngài. Qua các sứ giả của Thiên Chúa, mà cụ thể là việc Thiên Thần đến với E-li-sa-bét và Đức Maria trong các trình thuật truyền tin; rồi qua môi miệng và chứng từ của các ngôn sứ, như lời tụng ca của Dacaria “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.”

Trong sách Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, chúng ta có thể liệt kê vô số các lần thăm viếng và đồng bàn với dân chúng của Đức Giê-su. Và nhiều điều kỳ diệu đã xẩy ra trong và sau những lần thăm viếng đó. Cụ thể như việc Đức Giê-su chữa lành cho người đầy tớ của viên Đại Đội Trưởng trong lần Người ghé thăm Ca-pha-na-um; qua lần ghé Nain, Người đã làm cho cậu con trai duy nhất của bà goá được sống lại. Với việc đến thăm và làm bạn với những người tội lỗi khiến cho mấy ông bà tưởng mình đạo đức phật lòng… Nhưng lần thăm Giê-ru-sa-lem sau cùng, tuy được đón tiếp trọng thể như một quân vương, nhưng lại không có kết quả tốt. Người đã bị từ khước và cuối cùng là hành trình khổ nạn và Thập Giá; nhưng đàng sau của Thập Giá là vinh quang của sống lại mà ngày nay con cháu của Người được thừa hưởng sự hy sinh đó.

Trong bối cảnh đó, giờ đây chúng ta cùng suy gẫm cuộc thăm viếng của Đức Maria và bà Ê-li-sa-bét.

Sau khi để cho ý định của Thiên Chúa được thành sự trong cung lòng của Ngài, Đức Maria vội vã ra đi lên miền sơn cuớc để thăm bà Ê-li-sa-bét, chị họ Ngài. Trình thuật này thường được suy gẫm trong Kinh mân côi để ca tụng nhân đức thương người, luôn quan tâm đến nhu cầu của kẻ khác nơi Mẹ. Tất cả đều là những bài học thật quí giá mà Mẹ đã để lại cho chúng ta học hỏi và noi gương.

Tuy nhiên, hôm nay tôi xin dựa vào một yếu tố khác. Đây là hậu quả dưạ trên các kinh nghiệm thật sâu xa của các bà mẹ đang mang thai đã chia sẻ với nhau mà tôi nghe đuợc. Nhờ đó, chúng ta khám phá ra một điều là trình thuật diễn tả việc Đức Maria thăm viếng bà Ê-li-sa-bét mang tính nhân bản, nói lên cách xử sự thật con người của Mẹ.

Trước tiên, việc mang thai là niềm vui khôn tả, là nguồn sức mạnh của tất cả các người mẹ. Mẹ Maria cũng thế. Trong niềm vui được Thiên Chúa đoái thương viếng thăm, Mẹ được thúc đẩy để lên đường, chia sẻ niềm vui và điều kỳ diệu đang xẩy ra trong cung lòng của Mẹ cho người khác. Và ai là người có thể đồng cảm với Mẹ trong giai đoạn này? Người đó chính là chị họ Mẹ, người cùng cảnh ngộ và đang mang thai như Mẹ, bà Ê-li-sa-bét. Niềm vui không chỉ được trao đổi giữa hai người mẹ: Đức Maria và bà Ê-li-sa-bét mà thôi, nó còn được lan tỏa qua hai người con. Vừa nghe lời Mẹ chào thì Gio-an Tẩy giả, tuy là một thai nhi nhưng cũng đã nhẩy lên để diễn tả niềm vui khi được Mẹ và Chúa đến viếng thăm.

Như vậy, mỗi lần chúng ta gặp nhau, dù là tình cờ hay đã định trước, đều là cơ hội để chúng ta có thể đem tin vui đến cho nhau, hỗ trợ nhau trong nỗi đau, củng cố và giúp nhau đối diện với cơn buồn phiền rồi hướng dẫn nhau vuợt qua tình trạng bối rối để hướng về cùng đích của Nuớc Trời. Chính qua các cử chỉ đó, chúng ta làm cho mầu nhiệm hy tế của Đức Giê-su mà chúng ta đang cử hành trong các Thánh Lễ trở thành hiện thực và sống động hơn bởi cuộc sống dấn thân và phục vụ mà chúng ta dành cho nhau.

Uớc mong Chúa vừa là hành trang vừa là quà tặng mà chúng ta mỗi lần thăm viếng đem đến cho nhau trong cuộc sống, cụ thể trong Mùa Giáng Sinh này. Bởi vì, chúng ta tin rằng: mỗi lần gặp gỡ là một cơ hội mà chúng ta đem Chúa đến cho nhau để niềm vui mà chúng ta trao cho nhau trong Chúa được trở nên trọn vẹn hơn. Amen!

No comments:

Post a Comment