Wednesday, 29 March 2023

VINH QUANG CỦA THÁNH GIÁ LÀ NIỀM VUI PHỤC SINH

 

Anh chị em thân mến,

Cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta khai mạc Tuần Thánh bằng việc đón tiếp Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Với những nhành lá vạn tuế kèm theo những lời tán tụng, chúng ta đón tiếp Chúa như một quân vương. Nhưng vài ngày sau, trên con đường khổ nạn chỉ còn lại có mình Người. Mẹ của Người và các người thân tín chỉ dám đi xa xa để trông chừng. Chúa Giêsu hoàn toàn cô đơn. Không còn những lời tung hô; thay vào đó là những lời lên án. Cũng chẳng còn những nhành lá biểu lộ sự vui mừng, mà là cây thập giá. Gia tài mà Chúa để lại cho chúng ta là thế: một cái chết cô đơn, tủi nhục như một phạm nhân trên thập giá.

Thưa anh chị em,

Vào thời Đức Giê-su, chết trên thập giá là một án tử hình dành cho các tội nhân. Và án này được chính quyền Roma đặt ra để áp dụng cho người Do thái. Hàng năm có rất nhiều người bị treo trên thập giá. Nhưng tại sao chỉ có mình việc Chúa bi treo và chết trên thập giá lai được lưu truyền cho đến ngày nay. Sự chết của Đức Giêsu đã có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của anh em tín hữu tiên khởi, đến nỗi qua bao thế hệ, hàng hàng lớp lớp vẫn vui vẻ dấn thân vì lợi ích của người khác cho dù phải hy sinh chính bản thân mình.

Chúng ta cần tìm ra những giá trị đích thực của con đường Thánh Giá mà Chúa đã đi qua. Điều đó có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của chúng ta.

Sau nhiều lần chuyện vãn với anh chị em về những khó khăn trong đời sống gia đình. Tôi thường được nghe anh chị em phàn nàn là cha đâu có biết là chúng con đang vác thánh giá bùn. Ý của anh chị em là thánh giá thì dễ vác; nhưng bùn lại trươn chượt nên rất khó vác. Phàn nàn là bản tính của con người. nhưng một điều đáng mừng là anh chị em chưa quăng cây thánh giá bùn đó. Dù người nào muốn quăng hay có ý định quăng đi, thì tôi xin có một lời khuyên là nên suy nghĩ lại. Bởi vì, quăng cây này anh chị lại tìm được cây khác giống như hệt cây đã quăng đi. Hãy học noi gương Chúa.

Người cũng than van, lo sợ… Và chắc một điều là Thập Giá mà Người đã vác khi xưa, không chỉ nặng về phần thể lý mà thôi. Đau khổ về phần xác không sánh gì với nỗi thống khổ của sự cô đơn, bị bỏ rơi trơ trọi một mình. Nhưng cuối cùng là một sự đón nhận trong yêu thương khi nhận biết đó là ý muốn của Cha Người, Đấng mà Người hết lòng tùng phục trong yêu thương.

Thập giá là đích điểm của mọi đau khổ mà Chúa đã chịu, nhưng bề sâu của Thập giá là một sự hòa hợp nên một trong Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nơi đó sự chết và tội lỗi bị phá hủy để nhường lại sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Thập giá còn biểu lộ sự bất lực của con người và biểu dương sức mạnh vô song của Thiên Chúa. Nhìn vào thánh giá ta thấy bình minh của ngày Phục sinh đã hiện tỏ.

Thưa anh chị em,

Đã hơn 2000 năm qua đi, tất cả những gì xảy ra thời Đức Giêsu vẫn còn tiếp diễn. Mỗi người chúng ta cũng được Đức Giêsu mời theo Người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Vác thập giá hôm nay chính là đón nhận những thử thách như bệnh tật, thất bại, bị bỏ rơi, những lời sỉ nhục đầy bất công... Đó là những thập giá do Chúa gửi đến để thanh luyện lòng tin của chúng ta được kiên vững mà trung tín với ơn gọi đi theo con đường của Chúa. Con đường tuy hẹp nhưng lại thênh thang vì có nhiều bạn hữu cùng đi. Con đường tuy khiêm tốn nhưng biểu lộ sức mạnh và lòng quyết tâm phục vụ tha nhân.

Con đường Thập Giá mời gọi chúng ta đi vào cái chết – cái chết cho chính mình, cái chết cho tính kiêu ngạo, chết cho cái tôi đáng ghét của mình. Khi nói đến con đường Thập giá mà đích điểm là sự chết, tôi nghĩ đến đời sống cộng đoàn. Và cụ thể là cuộc sống gia đình. Sau đây là vài nét suy tư về mối liên hệ giữa hôn nhân và Thánh giá.

Hôn nhân là trường học mà những ai đã bước vào thì không mong có ngày ra trường. Cha mẹ con cái chuyên cần học tập luôn mãi, học cách lắng nghe nhau, học cách phục vụ, học tôn trọng và đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của bản thân.

Điều gì sẽ xảy ra nếu trong hôn nhân, chúng ta luôn tôn trọng và đặt nhu cầu của người phối ngẫu trên nhu cầu của cá nhân mình. Hẳn nhiên là một nếp sống an bình và vui tươi sẽ bao trùm những ai đã chọn lối sống như thế. Trên thực tế, chúng ta đã áp dụng lối sống thua cuộc trong việc giáo dục con cái thì tại sao chúng ta lại không làm được với người bạn đường của mình. Phải chăng là cái tôi đã quyến rũ và làm chủ khiến chúng ta mất phương hướng!

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta dành thời gian còn lại của cuộc sống để tôn trọng và đặt nhu cầu của người phối ngẫu lên trên nhu cầu của mình?

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta ngừng tính toán mà chỉ biết cho đi bằng những lời nói và cử chỉ yêu thương và tha thứ cho những lỗi lầm của nhau!

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chết đi cho những nhu cầu của chính mình và yêu thương người khác tha thiết hơn.

Điều gì sẽ xảy ra nếu trong Tuần Thánh này, chúng ta cùng vác Thánh Giá bùn bằng cách buông bỏ lối sống cũ mà chúng ta đã sống trong hôn nhân của mình?

Đây không phải là điều vợ làm cho chồng hay chồng làm cho vợ. Đây là cách Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta sống trong hôn nhân. Nếu chúng ta làm đi làm lại điều này, với sự kiên nhẫn và dũng cảm cần thiết, chúng ta thấy sự khác biệt sẽ xẩy ra trong cuộc sống chung.

Vì thế, trong tuần này chúng ta cùng với toàn thể giáo hội suy niệm về mầu nhiệm Thập giá không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, mà trái lại để cảm nếm được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn vui tươi và bình an hơn. Suy gẫm về hành trình thương khó và thập giá để cảm nếm được ơn tha thứ của Người. Như thế, chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ hơn đối với người anh em của chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi để tha thứ nhiều hơn. Càng tha thứ nhiều hơn, chúng ta càng dễ cảm nếm được ơn tha thứ của Chúa hơn.

Và sau cùng, qua hành trình Thập giá, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sức mạnh của Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng đang hiện diện để yêu thương và mời gọi chúng ta ra đi để trao ban tình yêu đó cho tha nhân. Ước gì Thập giá của năm nay không còn là những gánh nặng của cuộc đời nhưng chúng ta vui và tiến bước vì biết rằng chúng ta thật diễm phúc được Chúa mời gọi để chia sẻ hồng ân cao quí này. Amen!

No comments:

Post a Comment