Monday, 28 April 2025

HÃY CHĂN DẮT VÀ YÊU THƯƠNG NHAU

 

Hôm nay, trong bài Tin Mừng, Thánh Gio-an đã tường thuật cuộc hiện ra lần thứ ba của Chúa phục sinh cho các môn đệ. Tuần trước, chúng ta đã được nghe Thánh sử ghi lại 2 lần hiện ra, lần thứ nhất không có Tô-Ma, lần thứ hai có mặt Tô-ma. Nếu không tính việc hiện ra cho cá nhân bà Ma-ri-a Mác-đa-la, thì đúng thật đây là lần thứ ba Chúa hiện ra với các môn đệ.

Với lối tính này, chúng ta đoán được chủ ý của Thánh sử là muốn trình bầy những lần hiện ra cho cộng đoàn hơn là cho từng cá nhân. Cho dù Tô-Ma và Ma-ri-a Mác-đa-la đã nói và tuyên xưng rằng Thầy mình đã sống lại; nhưng dù sao chăng nữa thì các lời tuyên xưng của họ vẫn mang tính cá nhân. Các lời tuyên tín của cộng đoàn bao giờ cũng có giá trị hơn. Niềm tin vào Chúa Phục Sinh là quà tặng của Chúa Cha và cũng là niềm tin chung của cộng đoàn dân Chúa, Hội Thánh của Người. Chúng ta cùng nhau suy niệm yếu tố này.

Thưa anh chị em,

Sau khi Đức Giê-su bị giết! Thế giới mà các môn đệ mong chờ để được chia chác và kiếm một chỗ đứng đã bị sụp đổ. Cho dù các ông đã hai lần được nhìn thấy Chúa, nhưng tiến trình đổi mới để thay đổi nhất là niềm vui và ơn bình an của Chúa Phục sinh không có hiệu quả ngay tức khắc; nó không được xẩy ra một sớm một chiều.

Các ông vẫn còn buồn chán và với tâm trạng thất vọng, các ông trở về nghề chài lưới tại Biển Hồ Ti-bê-ri-a, nơi mà các ông đã làm trước khi đi theo Chúa. Có bẩy môn đệ có mặt trong lần hiện ra này, đó là “ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau.”

Giống như mọi lần, hôm nay Phê-rô mau mắn lên tiếng đề xuất “tôi đi đánh cá đây.” Phê-rô chỉ nói lên ý định của mình, không có ý truyền lịnh hay yêu cầu điều gì nơi các bạn đồng nghiệp. Như một vị lãnh đạo tài giỏi và nhiệt thành, ông chỉ gợi ý mời gọi việc cộng tác của các bạn và tự nguyện đi bước trước. Ông tôn trọng ý kiến hay việc đóng góp của các bạn. Các bạn của ông thấy được trách nhiệm và tinh thần cùng chia sẻ nên đã đồng thanh xin đi cùng. Tinh thần hiệp nhất trong công tác chung đã được nói đến, nhưng kết quả của việc ra khơi trong đêm hôm ấy vẫn không bắt được con cá nào hết! Có lẽ, chúng ta cũng đoán được lý do tại sao. Câu trả lời sẽ tìm thấy trong phần kế tiếp của trình thuật. Theo kinh nghiệm của những ngư phủ, cá thuờng đi ăn vào ban đêm; thế mà các môn đệ đã vất vả cả đêm mà vẫn không luới đuợc con cá nào cả!

Khi màn đêm đã trôi qua thì trời sáng, lúc đó các môn đệ đã mệt nhoài nên các ông chuẩn bị đi về. Ngay thời điểm ‘khi trời đã sáng’, Chúa Ki-tô không chỉ hiện đến mà Người đang đứng trên bãi biển mà các môn đệ không nhận ra Người. Điều này có nghĩa là Người hiện diện và đang đứng ở đó, lúc ánh sáng của thái dương bắt đầu xuất hiện. Người không biến mất rồi hiện ra, Người đang đứng ở đó; nhưng các môn đệ và chúng ta (vẫn đang ở trong đêm tối) không nhận ra Người.

Cho dù các môn đệ không nhận ra Người, nhưng các ông vẫn vâng lời mà làm theo điều Người dậy bảo mà thả luới ở bên phải mạn thuyền và kết quả là các ông thu đuợc một mẻ cá lớn mà nhiều người gọi là mẻ luới kỳ diệu bao gồm 153 con thuộc đủ mọi loại cá khác nhau. Trước kết quả này, người môn đệ được Chúa yêu, có thể là nhân vật đại diện cho tất cả mỗi người chúng ta, bởi vì ai trong chúng ta lại không được Chúa yêu sao. Ông môn đệ được Chúa yêu nhận ra Chúa và lên tiếng cho Phê-rô biết là “Chúa đó”. Còn phản ứng của Phê-rô lại khác, vẫn bộc trực, thẳng thắn và mau mắn. Vừa nghe bạn mình nói “Chúa đó” là ông lập tức nhẩy ngay xuống biển bơi vào bờ đến với Chúa. Lời nói và hành động của người được Chúa thương yêu và Phê-rô đã để lại cho chúng ta bài học vô cùng cao quí là sự nhận biết Chúa của chúng ta không dừng lại ở mặt cảm xúc; nhưng cần đuợc thể hiện bằng hành động mà gặp gỡ Chúa.

Sau đó, Chúa Giê-su mời các ông cùng ăn sáng đã được Người dọn sẵn. Thầy trò cùng ăn với nhau. Một bữa ăn sáng đơn sơ, thanh đạm nhưng đầy tình thân. Lương thực của buối sáng hôm đó chỉ vỏn vẹn có mấy con cá và vài khúc bánh thế mà đã để lại trong tâm tư của họ một điều thật kỳ diệu đến nỗi không một ai trong nhóm họ dám hỏi về thân thế của Người, vì tất cả đều biết Người chính là Đức Chúa của họ, là chính Đức Giê-su, bằng xuơng bằng thịt mà các ông đã theo Người trên con đường sứ vụ. Người không phải là bóng ma, mà là Đấng đã chỗi dậy từ cõi chết.

            Trong bầu khí thân tình đó, Chúa Giê-su biết rằng đã đến lúc Người phục hồi niềm tin và uy quyền lãnh đạo cho Phê-rô cho nên Người đã không trách móc hay nhắc đến chuyện ông đã chối Người mà nhẹ nhàng hỏi ông, không chỉ một lần mà là ba lần hỏi: “Anh có yêu mến Thầy không?”

Cho dù trước đây, trong buổi tối đau thương, Phê-rô đã ba lần chối là ông không hề biết Chúa. Nhưng hôm nay, với ân huệ của Chúa Phục Sinh, Phê-rô nhớ lại việc ông đã làm, nhất là việc ông nhận ra lòng thương xót luôn tha thứ của Chúa khi Người muốn tao một cơ hội để chữa lành vết thương trong tâm hồn khi ông chối Chúa, cho nên ông đã khiêm tốn thân thưa với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.”

Tình yêu mà Phê-rô tuyên xưng hôm nay là kết quả tiến trình của một con người đã được yêu thương và hối cải. Phê-rô đã từng sai lỗi, nhưng Chúa yêu ông cho nên ông được biến đổi. Nói khác đi, chính tình yêu của Chúa Phục Sinh đã làm thay đổi đời Phê-rô.

Đây chính là tiêu chuẩn để lượng định và đánh giá vị trí và ơn gọi của người lãnh đạo. Người lãnh đạo không dựa vào khả năng hay sự khôn ngoan của bản thân; nhưng hoàn tòan được phát xuất từ sự đáp trả về câu hỏi “anh hay chị, ông hay bà có yêu mến Chúa không?” Yêu mến thì ra khơi múc nước mà rửa chân cho nhau. Làm to là như thế, là quì xuống mà phục vụ theo gương của Thầy, Đấng yêu thương mình và ngược lại mình cũng hết lòng yêu thương Chúa và tha nhân nữa.

Như vậy, sau khi cùng nhau suy niệm bài Tin Mừng về việc Chúa đến với các môn đệ hôm nay, chúng ta cùng nhớ lại rằng giống như các môn đệ, chúng ta đã nhiều lần để cho đêm tối lấn át nên đã không nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục sinh, Đấng đang đứng chờ đợi ta trên con đường mà chúng ta đang đi. Người hiện diện trong những lúc chúng ta gặp khó khăn. Người có mặt khi chúng ta vui cũng như lúc buồn phiền. Người hiện diện khi chúng ta cô đơn và bí lối. Người ở đó và chuẩn bị bữa cơm tình thương rồi mời chúng ta cùng ăn với Người. Người biết rõ các nỗi yếu đuối, các cơn hoạn nạn, những lần chúng ta ngã gục, những giây phút chán nản, khiến chúng ta thất vọng…

Tóm lại, trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời Người vẫn có mặt. Người đứng đó chờ đợi lời đáp trả của chúng ta trước câu hỏi “anh chị em có yêu mến Chúa không?” Người hiện diện và biết chúng ta yêu mến Chúa nên Người đã cho phép chúng ta tham dự vào sứ vụ của người mục tử nhân lành, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì yêu.

Vì thế, dựa vào hoàn cảnh riêng của mỗi cá nhân, Chúa đã đến, gặp và diễn tả tình thương và sự săn sóc của Người dành cho từng người. Giờ đây, theo gương Người, chúng ta cũng được mời gọi ra đi, đến với anh chị em trong hoàn cảnh của họ mà thể hiện tình yêu thương và sự chăm nom của chúng ta dành cho họ; nhất là những người nghèo đói yếu đuối, đau khổ, lạc lối hoặc đang gặp rắc rối.

Hãy hiện diện và chăm sóc cho nhau như Chúa đã luôn hiện diện và chăm sóc cho chúng ta. Amen! Alleluia.

CHÚA PHỤC SINH VẪN CÒN MANG ĐẦY THƯƠNG TÍCH!


           Việc đầu tiên mà Chúa Phục Sinh đã làm trong hai lần hiện ra là chúc bình an cho các môn đệ. Người không chỉ chúc một lần, nhưng đã lập lại lời chúc bình an đến ba lần. Đó chính là ân huệ đầu mùa của Chúa Phục Sinh ban cho các môn đệ.

Tại sao Chúa lại làm như thế?

Thưa anh chị em, không ai hiểu trò bằng thầy. Đức Giê-su thấu hiểu lòng trí hoang mang và các nỗi sợ hãi của các môn đệ, cùng nhau co rúm và trốn trên lầu vì sợ người Do Thái. Vì thế họ cần được bình an để thoát khỏi nỗi âu lo này.

Sau đó Chúa cho họ thấy tay và cạnh sườn của Người. Đây là một điều thật đặc biệt, Chúa muốn cho các ông nhận ra rằng thân xác của Chúa Phục Sinh và con người đã trải qua khổ nạn, chết trên Thập Giá là một người. Vinh quang chỉ tỏ hiện qua hành trình của đau khổ. Hy sinh bao gồm những bi kịch cuả cuộc sống; nhưng qua hy sinh Chúa đã hoàn tất mầu nhiệm Tình Yêu để chiến thắng bằng cuộc chỗi dậy và hiện diện một cách vĩnh cửu. Khi thấy những chứng tích đó, các môn đệ đã vui mừng và tin rằng người đang ở trước mặt họ là Đức Giê-su, vị Thầy đáng kính của họ. Sau đó, Chúa Giêsu lại ban bình an và Thánh Thần cho các ông ra đi và hoàn thành sứ mạng mà chính Người vừa hoàn tất.

Tô- ma không có mặt trong lần hiện ra thứ nhất này. Các môn đệ khác đã nói cho ông biết rằng: “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Các ông đã thấy Chúa, nhưng việc các ông làm cũng chẳng làm chứng được điều gì. Các ông vẫn co rúm và trốn trên lầu. Các Tông Đồ vẫn chưa ra khỏi vùng an toàn, vẫn dựa vào các cánh cửa đã đuợc đóng kín để bảo vệ. Cho dù đã được Chúa thổi hơi và trao ban Thần Khí, thế mà các ông vẫn chưa sẵn sàng ra đi! Việc làm của các ông không đi đôi với lời tuyên xưng của các ông như thế thì làm sao khởi động niềm tin của Tô-Ma đây!

Còn Tôma, ông muốn niềm tin của ông phải dựa trên trải nghiệm của cá nhân; ông muốn giác quan (xúc giác) của ông có thể chạm vào thân thể của Chúa, nên đáp rằng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 

          Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra với các ông, lần này có mặt Tôma. Trước tiên, Người cũng ban bình an cho các môn đệ rồi quay sang Tôma và nói: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Nghe Chúa phán đến đây, Tôma không dám chạm vào vết thương, không dám sờ vào các lỗ đinh trên thân xác của Chúa nữa, ông đã vội vàng thưa với Chúa: “Lậy CHÚA của con, Lậy THIÊN CHÚA của con.” Cao điểm của niềm tin là thế.

Sau đó qua Tôma, Chúa đã thể hiện tình thương bằng cách trao ban cho chúng ta thêm một mối phúc nữa là “Phúc thay những người không thấy mà tin.”

            Trước khi tìm hiểu về cách thức biểu lộ niềm tin của Tôma, chúng ta cũng nên nhớ rằng ông không phải là trung tâm của bài Tin Mừng hôm nay. Trình thuật diễn tả cách thức Chúa hiện ra thì Chúa phải là trọng tâm. Khi nhìn như thế, chúng ta mới khám phá ra lòng đại lượng phát sinh từ tình yêu của Chúa.

Chúng ta vẫn thường đuợc dậy bảo niềm tin vào Chúa phải là một niềm tin vô điều kiện, phó thác hoàn toàn theo Chúa. Nhưng hôm nay, Chúa hành xử với Tôma quả thật khác hẳn với lối suy nghĩ cầu toàn của chúng ta. Chúa chấp nhận điều kiện mà Tôma đưa ra. Cho dù đã đuợc tôn vinh, nhưng Chúa vẫn không che dấu các thương tích. Đó chính là chứng tích của Tình yêu thì làm sao phải che dấu! Các vết thương đó cần đuợc bộc lộ hơn là che dấu.

            Tôma cũng có nỗi đau của riêng mình. Ông cũng là nguời đang mang thương tích. Chúa Giê-su, Thầy đáng kính của ông đã chết. Cái chết của Người để lại trong ông một tâm trạng buồn rầu và mất mát; ông và dân tộc ông còn biết trông cậy và nương tựa vào ai nữa đây. Ông đi trốn, cần có một không gian và nơi ẩn nấp để đối diện với niềm đau này. Vì thế ông đã hụt mất một cơ hội khi Chúa hiện ra lần trước.

Các bạn của ông cũng thế, họ cũng có niềm đau rồi sinh ra chán nản và thất vọng. Nhưng họ đã chọn cách đối diện với bi kịch mà họ đang đón nhận bằng cách liên đới, chia sẻ, an ủi và hỗ trợ nhau. Trước đây họ nương tựa vào Thầy. Sau những hoạn nạn và cái chết đã xẩy đến cho Thầy, họ nghĩ mọi sự dường như đã chấm dứt. Thầy của mình quyền năng đến dường nào mà còn bị xử tử phương chi là họ, những cậu học trò nhút nhát và sợ sệt. Trong tình thế đó, họ chọn giải pháp đi trốn để dấu đi nỗi sơ hãi và tìm ra chốn an toàn.

Nói chung là chỉ có ai đã kinh qua đau khổ mới thông cảm cho những người đồng cảnh ngộ. Chúa đã bị thương tích và Người cũng nhìn thấy các nỗi đau khổ mà Tôma đang đối diện; vì thế Người cũng muốn cho ông biết là Người rất thông cảm với yêu cầu của ông.

Qua sự tiếp xúc, Thầy trò gặp và nhận ra nhau. Chúa chữa lành thuơng tích cho ông. Còn ông nhận ra Thầy mình là Chúa và là Thiên Chúa của ông. Ông đầu phục hoàn toàn trước quyền năng của Thầy mình, Đấng mới bị án tử mấy ngày qua.

Qua cách đón nhận niềm tin của Tô-Ma, chúng ta khám phá ra một điều, đó là Chúa sống lại mang theo những vết thương mà Người đã chịu trong khi thi hành sứ vụ, đặc biệt trên hành trình khổ nạn và sự chết của Người. Vết thương vẫn là vết thương.

Thế giới của chúng ta đầy những vết thương. Ai nhắm mắt làm ngơ không màng đến những vết thương của tha nhân thì lời tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa của họ vẫn chưa trọn vẹn. Chạm vào những vết thương của nhân loại là điều kiện cần thiết cho một đức tin đúng nghĩa.

Chúng ta hãy chạm vào vết thương của người nghèo, hãy đặt bàn tay vào cạnh sườn bị đâm thâu của họ. Đó chính là phần tuyên xưng đức tin của chúng ta. Chối từ những vết thương của anh chị em mình là cắt đứt những cầu nối của tình hiệp thông.

Nhưng trên thực tế, chúng ta thường sợ chạm vào những vết thương của người khác. Tại sao vậy? Một phần sợ bị lây nhiễm, phần khác vì chúng ta sợ khi chạm vào vết thương của tha nhân sẽ làm cho chúng ta nhớ lại chính những vết thương của chúng ta. Trạng thái lo sợ này làm cho chúng ta xa cách anh chị em mình.

Thật ra, giữa chúng ta và những người bị tổn thương có một mối hiệp thông sâu xa. Đó là hiệp thông trong những vết thương chung, nỗi đau chung, cái nghèo chung.  Chính Chúa Giê-su đã ôm lấy tất cả mọi vết thương của nhân loại trên thân xác của Người. Phục Sinh đã được tỏ hiện dưới chân Thập Giá, đích điểm của mọi đau khổ mà Đức Giê-su đã đón nhận là như thế. Vì thế, trong Đức Ki-tô chúng ta hiệp thông với nhau; trong Chúa Cứu Thế chúng ta liên đới với nỗi đau và mang lấy vết thương của anh chị em mình.

Hãy gặp và chạm vào chính Chúa Phục Sinh, Đấng mang đầy thương tích nơi những anh chị em nghèo, trong cuộc sống bị tổn thương, bị bỏ rơi của anh em mình. Cùng nhau đến với họ bằng sự dịu dàng của lòng thương xót của Thiên Chúa. Hãy để tình liên đới với người nghèo trở thành nền tảng, trở nên bản chất đích thật cấu tạo nên người môn đệ của Chúa Cứu Thế, Đấng đã sống lại và hiện diện nơi những con người tất bạt về mọi phương diện, thể xác cũng như tâm hồn.

Chúa Phục Sinh vẫn còn mang đầy thương tích về tinh thần cũng như thể xác.  Người đang chờ chúng ta nơi những con người bị tổn thương đó!

Hãy đi và làm như Chúa đã làm, vì nay Người đã Phục Sinh, Alleluia. Alleluia!

Thursday, 17 April 2025

HY VỌNG CHÁY SÁNG MÃI

 Anh chị em thân mến,

Hôm nay, cùng với toàn thể các tín hữu trên toàn cầu, chúng ta hân hoan mừng trọng thể Lễ Chúa Giêsu Kitô phục sinh. Đây không chỉ là một nghi lễ phụng vụ mà còn là biến cố trọng đại nhất đã xẩy ra và làm thay đổi bộ mặt của trái đất nói chung và mỗi người chúng ta nói riêng. Với các Ki-tô hữu thì đây là trung tâm của đức tin.

Chúa đã sống lại thật, Alleluia.

Năm nay, chúng ta sống lễ Phục Sinh với chủ đề của Năm Thánh: “Những người hành hương của hy vọng”, đã được khai mạc vào đầu năm phụng vụ 2025 vừa qua. Với tâm tình hân hoan của năm Thánh, chúng ta được mời gọi sống như những người mang hy vọng của Chúa Kitô phục sinh đến cho thế giới hôm nay.

Thật vậy, qua biến cố này, Đức Ki-tô đã khơi dậy niềm hy vọng, không chỉ trong lòng các tông đồ, nhưng trong lòng mỗi người chúng ta, giữa một thế giới còn nhiều bóng tối.

Hãy nhìn lại một vài sự kiện. Thế Kỷ 21 được bắt đầu bằng cuộc tấn công của quân khủng bố đã kéo sập hai tòa nhà tại trung tâm thương mại thế giới tại Nữu Ước (World Trade Center) và giết bao nhiêu người dân vô tội. Tình hình khủng bố cho đến nay vẫn gia tăng, những cuộc tàn sát thật man rợ vẫn còn tiếp diễn. Hàng ngàn người dân vô tội vẫn bị giết trong các cuộc chiến bên Urkranie và Gaza.  

Thêm vào đó, nhân loại vẫn còn bị đe dọa bởi các tai ương, và mới đây vụ động đất bên Myanmar đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng và thân nhân của họ lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, không nơi nương tựa. Chưa kể đến các nạn nhân do thiên tai lũ lụt gây ra…

Hơn thế nữa, chúng ta đang sống trong một thế giới có tất cả mọi tiện nghi nhưng hình như con người trong xã hội trọng vật chất, tôn sùng chủ nghĩa cá nhân dần dần đánh mất đi một điều quan trọng nhất, đó là hy vọng.

Thế giới mà chúng ta đang sống là thế đó.

Còn bản thân và gia đình mình thì sao?

Có bao giờ anh chị em đã phải trải qua những kinh nghiệm của cuộc đời: như nếm cảnh cô đơn, bị ruồng rẫy, bị phản bội, bị lợi dụng, bị phụ tình, là nạn nhân của ghen tuông, bị nhạo báng, chịu sỉ nhục, sống trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan không? Tức: muốn nói ra mà không biết giải thích làm sao. Bởi, sự im lặng, câm nín không lối thoát vẫn cứ bao vây đời mình. Và lúc đó chúng ta thấy cuộc đời chỉ là đêm đen, bóng tối luôn bao phủ và hầu như không có lối thoát.

Chính trong cảnh ngộ đó, nhiều người đã lâm vào trạng thái trầm cảm rồi tự tìm cho mình một giải pháp để xa lìa và tránh thoát tất cả. Còn chúng ta, là tín hữu, tìm giải pháp ở đâu - hy vọng vào ai cứu ta ra khỏi tình trạng ‘bí lối và bó tay’ này?

Thưa anh chị em,

Ai là những người đã từng trải qua một vài kinh nghiệm nói ở trên, hãy cùng ôn lại con đường Chúa đã đi qua, không phải để tưởng niệm một biến cố xẩy ra ở quá khứ; cho bằng sống đường Thương Khó bằng chính những kinh nghiệm sống của mình.

Trong những ngày qua, chúng ta đã sống Tuần Thánh – cùng đi với Chúa Giêsu trong đau khổ, nhục nhã, cô đơn, bị phản bội, bị đóng đinh. Sự thinh lặng trong Ngày thứ Bẩy Tuần Thánh nhắc cho chúng ta biết về thân phân ‘bó tay’ của mình: không còn đường nào để đi, không còn lối nào để thoát. Tưởng chừng mọi sự đã chấm hết. Nhưng, chính vào lúc đó Thiên Chúa lại ra tay làm việc và can thiệp vào tình trạng ‘bó tay’ của nhân loại và của riêng chúng ta.

Vào buổi sáng đầu tuần hôm nay, cùng với các phụ nữ, những người bạn của Chúa chúng ta đi thăm viếng mộ phần của Người. Và, oh kìa! Ngôi mộ trống, không thấy xác của Chúa đâu cả. Biến cố này đã nói lên một sự thật mà chúng ta chỉ có thể đón nhận bằng niềm tin, đó là:

“Người đã sống lại thật như lời Người đã phán.”

Đức Giê-su đã sống lại ngay trong lúc ta bị bí lối. Quả thật, có cảm nhận được điều đó mới biết Phục sinh là ánh sáng soi đường cho ta và mọi người. Có cảm-nghiệm như thế, ta mới biết là sự sống vẫn rất cần và quan trọng đến thế nào.

Ánh sáng Phục Sinh đã bùng lên trong đêm tối của cuộc đời mình và trong niềm hy vọng chúng ta tin rằng chỉ có Ánh sáng Phục Sinh mới đem đến cho cuộc đời mình một ý nghĩa mới, mục đích mới. Và như vậy chúng ta khám phá ra rằng hành trình Phục sinh dẫn con người từ tuyệt vọng, bí lối đến hy vọng, từ nước mắt đến vui mừng, từ chết đến sống.

Hy vọng là một hồng ân, không phải cảm xúc. Hy vọng không phải là sự lạc quan chờ đợi ở tương lai, nhưng là một trạng thái an bình về những đau thương trong hiện tại. 

Hy vọng của người Kitô hữu là niềm xác tín rằng: Thiên Chúa vẫn đang hành động, ngay cả khi ta không hiểu, không thấy.

Vì Chúa Giêsu đã phục sinh, nên không đau khổ nào là vô nghĩa, không bóng tối nào là đêm đen vĩnh viễn, không thập giá nào là gánh nặng khiến con người đi vào tuyệt vọng.

Chúa Phục Sinh đem đến cho chúng ta niềm hy vọng. Hy vọng và xác tín rằng ngay vào lúc đen tối nhất, Thiên Chúa không bỏ rơi con Ngài thì Người cũng không bỏ rơi ta. Can đảm, mạnh dạn mà tiến bước với niềm hy vọng là thái độ sống mà chúng ta từng học được qua Phục sinh.

Với tâm tình và niềm xác tín vào nguồn của mọi hy vọng nơi Chúa. Chúng ta sẽ có một lối nhìn tích cực hơn vào cuộc sống này. chính vì những gì đang xẩy ra trong thế giới đầy bóng tối này mà chúng ta mỗi Ki-tô hữu càng xác tín hơn về vai trò và bổn phận của mình.

Vì thế, đừng bao giờ nói với Chúa tại sao lại để con rơi vào cảnh khốn khổ thế này.

Nhưng hãy:

Tạ ơn Ngài đã dùng chúng ta để đốt lên một ngọn lửa hy vọng soi chiếu người khác.

Tạ ơn Ngài đã sai con vào thế giới đang mất hướng đi.

Tạ ơn Ngài đã gửi con vào môi trường mà người ta chỉ biết sống cho mình.

Tạ ơn Ngài đã tín thác trao cho con việc phục vụ và dấn thân được bắt đầu ngay trong gia đình và lan tỏa cho bà con lối xóm chung quanh con.

Và chúng ta tin rằng Chúa cũng làm như thế trong hoàn cảnh tương tự mà chúng ta đã và đang trải qua.

Như vậy, ý thức được nhiệm vụ cao cả của người tín hữu, chúng ta được sai đến trong thế gian. Và để hoàn tất nhiệm vụ, chúng ta đều được mời gọi để nên trọn hảo và việc nên trọn lành không được thưc hiện một sáng một chiều. Vì thế bước đi bằng niềm hy vọng để tiến về đích ngay lúc chúng ta không biết làm thế nào để đi nữa.

Và đây là câu chuyện, xin mời anh chị em nghe.

Có bốn cây nến biểu tượng cho Bình An-Peace, Đức Tin-Faith, Tình Yêu-Love và Hy Vọng-Hope.

Một ngày nọ, bốn cây nến đang trò chuyện với nhau. Bình An, Đức Tin và Tình Yêu đều nói rằng chúng không còn được coi trọng trong thế giới ngày nay. Ánh sáng của từng cây nến yếu dần dần rồi tắt hẳn.

Có một cháu gái, đại diện cho thế hệ tương lai, nhìn thấy ba cây nến không còn cháy sáng nữa liền bật khóc và hỏi: “Tại sao các cây nến quan trọng lại không cháy để chiếu sáng thế giới này nữa? Các ngươi đáng lẽ phải cháy sáng liên tục cho đến cuối cùng cơ mà.” Khi đó, cây nến thứ tư mới nhỏ nhẹ nói với em gái: “Chị ơi, đừng sợ, vì em là Hy Vọng. Khi em còn cháy, chúng em vẫn có thể thắp sáng lại ba ngọn nến kia.” Amen. Alleluia!

Wednesday, 9 April 2025

TÂM TÌNH TUẦN THÁNH


Anh chị em thân mến,

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta bước vào Tuần Thánh. Đây vừa là nền tảng vừa là cao điểm trong cuộc sống mà chúng ta cần nhắm đến. Vẫn biết rằng, chúng ta không chỉ được mời gọi để đồng hành và chia sẻ sự chết của Con Chúa mà thôi. Hơn thế nữa, với lòng xác tín, qua sự chết của chính mình, chúng ta sẽ được thông hiệp vào giây phút mà Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Ki-tô trong Mầu Nhiệm Phục Sinh.

Trong tuần này, chúng ta sẽ cùng với Đức Giê-su hiên ngang buớc vào Tuần Thương Khó. Cùng với Đức Giê-su, chúng ta can đảm và mạnh dạn bước vào ‘thời điểm – giờ’ của Thiên Chúa. Vì chúng ta biết rằng qua đó, Thiên Chúa sẽ bộc lộ trọn vẹn mối tình của Thiên Chúa. Tất cả mọi việc Người làm đều vì yêu.

Truyện kể rằng: Có ông chồng kia thật là diễm phúc khi đuợc vợ cùng đến văn phòng bác sĩ để khám bịnh. Sau khi kiểm tra sức khỏe cho ông, bác sĩ gọi vợ ông vào văn phòng rồi báo cho bà nhà biết rằng: “Thưa bà, chồng của bà đang bị căng thẳng, tình hình rất nghiêm trọng. Nếu bà không làm những điều mà chúng tôi đề nghị sau đây, hẳn nhiên ông nhà nhất định sẽ chết.” Nghe thấy thế, bà ta nhanh chóng nói, “Thưa bác sĩ, hãy nói cho tôi biết những việc mà tôi cần làm”. Bác sĩ trả lời, “mỗi buổi sáng, bà hãy chuẩn bị cho ông một bữa ăn sáng lành mạnh; ban trưa bà cố nấu những món gì mà ông thích và trong bữa ăn tối, bà và con cái hãy tạo cho ông cảm nhận tình yêu và sự hỗ trợ của gia đình qua bữa cơm tối. Bà hãy nhớ là đừng chất thêm gánh năng hay tạo sự căng thẳng trong cuộc sống ông. Quan trọng nhất, đừng cằn nhằn ông nhà. Nếu bà có thể làm các điều này trong khoảng thời gian từ 10 tháng đến một năm thì sức khỏe của ông sẽ hồi phục hoàn toàn.”

Trên đường về nhà, người chồng nhìn thấy vẻ mặt trầm tư và đau khổ của vợ mới hỏi “các bác sĩ đã cho em biết về tình trạng sức khỏe của anh như thế nào?” Bà nhìn chồng mình rồi nói: “Anh yêu ơi! họ nói rằng anh sẽ chết. Em và các con phải làm gì cho anh đây?”

Câu chuyện dừng lại ở đó và không có kết luận.

Như người vợ trong câu chuyện, anh chị em chúng mình sẽ làm thế nào để diễn tả tình yêu với những người đang chung chia cuộc sống với mình đây?

Yêu mà không có việc làm thì tình yêu đó cũng mai một và dẫn con người đến nấm mồ mà thôi.

Lẽ ra, trong cuộc đời và nhất là Tuần Thánh này, chúng ta cố gắng sống và trao cho nhau trọn vẹn lòng yêu mến của Đấng đã trao cho chúng ta quà tặng tình yêu đó. Nhưng, thực tế chúng ta lại mang lấy tâm trạng của những kẻ nhút nhát và phản bội như các môn đệ: ông này chối Chúa, ông kia bán Người; lại có ông bỏ rơi Người trong giây phút Nguời cần sự đồng cảm và hỗ trợ của các ông… Rồi chúng ta cũng có thể lại đồng ý với dã tâm và lòng thâm độc của các nhà lãnh đạo tôn giáo, đã bày mưu giết Người; rồi một cách nào đó, chúng ta cũng đồng ý với các hành động tàn nhẫn của quân lính khi hành hình Chúa tôi!

Tuy nhiên, những cực hình về mặt thể xác và tinh thần mà Đức Giê-su đón nhận một cách hiên ngang và tự nguyện vì yêu thuơng sẽ nâng đỡ chúng ta suy gẫm và sống các sự kiện xẩy ra trong Tuần Thương Khó năm nay một cách tích cực hơn.

Vào tối thứ Năm, Chúa đã quỳ xuống và với đôi bàn tay, Người đã rửa và lau sạch mọi thứ bụi trần còn dính vào đôi chân của những kẻ theo Người. Việc làm này không chỉ nhấn mạnh đến tinh thần phục vụ như một người tôi tớ; nhưng qua nghĩa cử yêu thuơng hạ mình thâm sâu đó, Người muốn phá tan mọi hàng rào ngăn cách giữa thầy và trò, chủ và tôi tớ, người với người.

Rồi sang ngày thứ Sáu, Đức Giê-su đã dâng hiến tinh thần, thân xác và sứ vụ của Người như lễ vật hy sinh vào tay Chúa Cha. Người mở tay ra để trao phó, còn đôi bàn tay của Thiên Chúa, Cha Người cũng mở ra để đón nhận. Một giao uớc được ký kết, giao ước Tình Yêu nói lên đích điểm của việc trao ban và đón nhận. Giao Uớc này thay thế cho mọi giao ước trước. Vì thế, ngày thứ Sáu sẽ không còn là ngày buồn thảm và tang thương như một số người chủ truơng. Nhưng đó là “Good Friday – Ngày Thứ Sáu Tốt-Đẹp.” Trong ‘ngày và giờ’ đó, tình yêu của Chúa được thể hiện một cách thật trọn vẹn qua con đuờng Người đã đi.

Sự thinh lặng trong ngày thứ Bẩy Tuần Thánh nhắc cho chúng ta biết về thân phân ‘bó tay’ của mình: không còn đường nào để đi, không còn lối nào để thoát. Nhưng, chính vào lúc đó Thiên Chúa lại ra tay làm việc và can thiệp vào tình trạng ‘bó tay’ của nhân loại và của riêng mỗi người chúng ta.

Vì thế, các nghi thức phụng vụ mà chúng ta cử hành trong những ngày này, cách xử thế trong cuộc đời và lối sống đạo của chúng ta rất cần đuợc dẫn dắt bởi mối tình cao cả mà Con Thiên Chúa đã thực hiện.

Vẫn biết đó là lối sống đạo đích thật. Nhưng trở về đối diện với thực tế, tôi tự hỏi mình rằng: đã bao lần tham dự các nghi thức trong Tuần Thánh, đã bao lần suy niệm về con đuờng Thập Tự của Đức Giê-su; thế mà các biến cố đã xẩy ra trên con đuờng Thương Khó của Chúa, nhất là sự chết của Người đã có ảnh hưởng gì trên hành trình niềm tin và lối sống đạo của tôi?

Rồi lại, nếu nay mai có người hỏi tôi rằng: anh hay chị đã yêu Chúa như Chúa yêu chưa? Có lẽ, chẳng có mấy người trong chúng ta dám mạnh dạn trả lời ‘có’. Giả như có một số người thật dũng cảm khi trả lời có thì câu trả lời ‘có’ đó cũng chỉ là từ ngữ; bởi vì, sau đó khi được yêu cầu liệt ra các việc làm cụ thể của yêu thương thì chúng ta lại ấp úng, rồi cười xoà cho xong.

Nhưng nếu nói về việc phê phán hay nhận định về lối sống của người khác thì chúng ta giỏi lắm. Và còn một số người thường ‘suy bụng ta ra bụng người’ nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để tìm ra ý nghĩa sâu sắc của viêc làm nào đó của tha nhân!

Hãy nhớ lại. Maria, chị của Lazarô, người đã dùng dầu thơm hảo hạng để xức chân Đức Giêsu; thế mà cũng có người phê phán hành động của Maria thật là hòai của và lãng phí. Tại sao chị lại không dùng tiền đó mà cho người nghèo? Với Chúa thì khác, Người nhìn thấy tấm lòng của chị ta. Chúa xác định một cách thật chắc chắn rằng, hãy để chị ta làm việc của chị ấy. Việc làm của chị thật tuyệt diệu; qua hành vi này Maria đã bộc lộ tấm lòng quí mến của chị dành cho Thầy.

Chúng ta nên đến với nhau bằng tấm lòng độ luơng và đôi tay mở ra, chứ đừng hoài nghi hay phê phán các việc tốt của người khác đã và đang làm. Trái lại, chúng ta cũng không nên quá cẩn thận và e dè khi cần làm một điều thiện cho tha nhân. Tất cả đều đuợc đánh giá bằng lòng yêu mến.

Hành vi của lòng nhân hậu phát sinh bởi ý ngay lành đều là những hành vi Thánh Thiện. Những gì càng nhỏ bé và dấu kín và một khi được bộc lộ thì giá trị càng cao. Sự thánh thiện đích thật thường được giấu trong cái vỏ bình thường bên ngòai. Và với lòng yêu mến, việc phục vụ tha nhân chính là phụng sự Thiên Chúa vậy.

Với tâm tình như thế, cầu chúc anh chị em buớc vào Tuần Thánh với tấm lòng yêu mến để múc thêm năng luợng mà phục vụ và trở thành của lễ cho Thiên Chúa và sinh nhiều ích lợi cho nhau. Amen!