Thursday, 17 April 2025

HY VỌNG CHÁY SÁNG MÃI

 Anh chị em thân mến,

Hôm nay, cùng với toàn thể các tín hữu trên toàn cầu, chúng ta hân hoan mừng trọng thể Lễ Chúa Giêsu Kitô phục sinh. Đây không chỉ là một nghi lễ phụng vụ mà còn là biến cố trọng đại nhất đã xẩy ra và làm thay đổi bộ mặt của trái đất nói chung và mỗi người chúng ta nói riêng. Với các Ki-tô hữu thì đây là trung tâm của đức tin.

Chúa đã sống lại thật, Alleluia.

Năm nay, chúng ta sống lễ Phục Sinh với chủ đề của Năm Thánh: “Những người hành hương của hy vọng”, đã được khai mạc vào đầu năm phụng vụ 2025 vừa qua. Với tâm tình hân hoan của năm Thánh, chúng ta được mời gọi sống như những người mang hy vọng của Chúa Kitô phục sinh đến cho thế giới hôm nay.

Thật vậy, qua biến cố này, Đức Ki-tô đã khơi dậy niềm hy vọng, không chỉ trong lòng các tông đồ, nhưng trong lòng mỗi người chúng ta, giữa một thế giới còn nhiều bóng tối.

Hãy nhìn lại một vài sự kiện. Thế Kỷ 21 được bắt đầu bằng cuộc tấn công của quân khủng bố đã kéo sập hai tòa nhà tại trung tâm thương mại thế giới tại Nữu Ước (World Trade Center) và giết bao nhiêu người dân vô tội. Tình hình khủng bố cho đến nay vẫn gia tăng, những cuộc tàn sát thật man rợ vẫn còn tiếp diễn. Hàng ngàn người dân vô tội vẫn bị giết trong các cuộc chiến bên Urkranie và Gaza.  

Thêm vào đó, nhân loại vẫn còn bị đe dọa bởi các tai ương, và mới đây vụ động đất bên Myanmar đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng và thân nhân của họ lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, không nơi nương tựa. Chưa kể đến các nạn nhân do thiên tai lũ lụt gây ra…

Hơn thế nữa, chúng ta đang sống trong một thế giới có tất cả mọi tiện nghi nhưng hình như con người trong xã hội trọng vật chất, tôn sùng chủ nghĩa cá nhân dần dần đánh mất đi một điều quan trọng nhất, đó là hy vọng.

Thế giới mà chúng ta đang sống là thế đó.

Còn bản thân và gia đình mình thì sao?

Có bao giờ anh chị em đã phải trải qua những kinh nghiệm của cuộc đời: như nếm cảnh cô đơn, bị ruồng rẫy, bị phản bội, bị lợi dụng, bị phụ tình, là nạn nhân của ghen tuông, bị nhạo báng, chịu sỉ nhục, sống trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan không? Tức: muốn nói ra mà không biết giải thích làm sao. Bởi, sự im lặng, câm nín không lối thoát vẫn cứ bao vây đời mình. Và lúc đó chúng ta thấy cuộc đời chỉ là đêm đen, bóng tối luôn bao phủ và hầu như không có lối thoát.

Chính trong cảnh ngộ đó, nhiều người đã lâm vào trạng thái trầm cảm rồi tự tìm cho mình một giải pháp để xa lìa và tránh thoát tất cả. Còn chúng ta, là tín hữu, tìm giải pháp ở đâu - hy vọng vào ai cứu ta ra khỏi tình trạng ‘bí lối và bó tay’ này?

Thưa anh chị em,

Ai là những người đã từng trải qua một vài kinh nghiệm nói ở trên, hãy cùng ôn lại con đường Chúa đã đi qua, không phải để tưởng niệm một biến cố xẩy ra ở quá khứ; cho bằng sống đường Thương Khó bằng chính những kinh nghiệm sống của mình.

Trong những ngày qua, chúng ta đã sống Tuần Thánh – cùng đi với Chúa Giêsu trong đau khổ, nhục nhã, cô đơn, bị phản bội, bị đóng đinh. Sự thinh lặng trong Ngày thứ Bẩy Tuần Thánh nhắc cho chúng ta biết về thân phân ‘bó tay’ của mình: không còn đường nào để đi, không còn lối nào để thoát. Tưởng chừng mọi sự đã chấm hết. Nhưng, chính vào lúc đó Thiên Chúa lại ra tay làm việc và can thiệp vào tình trạng ‘bó tay’ của nhân loại và của riêng chúng ta.

Vào buổi sáng đầu tuần hôm nay, cùng với các phụ nữ, những người bạn của Chúa chúng ta đi thăm viếng mộ phần của Người. Và, oh kìa! Ngôi mộ trống, không thấy xác của Chúa đâu cả. Biến cố này đã nói lên một sự thật mà chúng ta chỉ có thể đón nhận bằng niềm tin, đó là:

“Người đã sống lại thật như lời Người đã phán.”

Đức Giê-su đã sống lại ngay trong lúc ta bị bí lối. Quả thật, có cảm nhận được điều đó mới biết Phục sinh là ánh sáng soi đường cho ta và mọi người. Có cảm-nghiệm như thế, ta mới biết là sự sống vẫn rất cần và quan trọng đến thế nào.

Ánh sáng Phục Sinh đã bùng lên trong đêm tối của cuộc đời mình và trong niềm hy vọng chúng ta tin rằng chỉ có Ánh sáng Phục Sinh mới đem đến cho cuộc đời mình một ý nghĩa mới, mục đích mới. Và như vậy chúng ta khám phá ra rằng hành trình Phục sinh dẫn con người từ tuyệt vọng, bí lối đến hy vọng, từ nước mắt đến vui mừng, từ chết đến sống.

Hy vọng là một hồng ân, không phải cảm xúc. Hy vọng không phải là sự lạc quan chờ đợi ở tương lai, nhưng là một trạng thái an bình về những đau thương trong hiện tại. 

Hy vọng của người Kitô hữu là niềm xác tín rằng: Thiên Chúa vẫn đang hành động, ngay cả khi ta không hiểu, không thấy.

Vì Chúa Giêsu đã phục sinh, nên không đau khổ nào là vô nghĩa, không bóng tối nào là đêm đen vĩnh viễn, không thập giá nào là gánh nặng khiến con người đi vào tuyệt vọng.

Chúa Phục Sinh đem đến cho chúng ta niềm hy vọng. Hy vọng và xác tín rằng ngay vào lúc đen tối nhất, Thiên Chúa không bỏ rơi con Ngài thì Người cũng không bỏ rơi ta. Can đảm, mạnh dạn mà tiến bước với niềm hy vọng là thái độ sống mà chúng ta từng học được qua Phục sinh.

Với tâm tình và niềm xác tín vào nguồn của mọi hy vọng nơi Chúa. Chúng ta sẽ có một lối nhìn tích cực hơn vào cuộc sống này. chính vì những gì đang xẩy ra trong thế giới đầy bóng tối này mà chúng ta mỗi Ki-tô hữu càng xác tín hơn về vai trò và bổn phận của mình.

Vì thế, đừng bao giờ nói với Chúa tại sao lại để con rơi vào cảnh khốn khổ thế này.

Nhưng hãy:

Tạ ơn Ngài đã dùng chúng ta để đốt lên một ngọn lửa hy vọng soi chiếu người khác.

Tạ ơn Ngài đã sai con vào thế giới đang mất hướng đi.

Tạ ơn Ngài đã gửi con vào môi trường mà người ta chỉ biết sống cho mình.

Tạ ơn Ngài đã tín thác trao cho con việc phục vụ và dấn thân được bắt đầu ngay trong gia đình và lan tỏa cho bà con lối xóm chung quanh con.

Và chúng ta tin rằng Chúa cũng làm như thế trong hoàn cảnh tương tự mà chúng ta đã và đang trải qua.

Như vậy, ý thức được nhiệm vụ cao cả của người tín hữu, chúng ta được sai đến trong thế gian. Và để hoàn tất nhiệm vụ, chúng ta đều được mời gọi để nên trọn hảo và việc nên trọn lành không được thưc hiện một sáng một chiều. Vì thế bước đi bằng niềm hy vọng để tiến về đích ngay lúc chúng ta không biết làm thế nào để đi nữa.

Và đây là câu chuyện, xin mời anh chị em nghe.

Có bốn cây nến biểu tượng cho Bình An-Peace, Đức Tin-Faith, Tình Yêu-Love và Hy Vọng-Hope.

Một ngày nọ, bốn cây nến đang trò chuyện với nhau. Bình An, Đức Tin và Tình Yêu đều nói rằng chúng không còn được coi trọng trong thế giới ngày nay. Ánh sáng của từng cây nến yếu dần dần rồi tắt hẳn.

Có một cháu gái, đại diện cho thế hệ tương lai, nhìn thấy ba cây nến không còn cháy sáng nữa liền bật khóc và hỏi: “Tại sao các cây nến quan trọng lại không cháy để chiếu sáng thế giới này nữa? Các ngươi đáng lẽ phải cháy sáng liên tục cho đến cuối cùng cơ mà.” Khi đó, cây nến thứ tư mới nhỏ nhẹ nói với em gái: “Chị ơi, đừng sợ, vì em là Hy Vọng. Khi em còn cháy, chúng em vẫn có thể thắp sáng lại ba ngọn nến kia.” Amen. Alleluia!

No comments:

Post a Comment