Thursday, 28 June 2018

GẶP CHÚA ĐƯỢC ĐỔI MỚI



Trình thuật Tin Mừng hôm nay mô tả việc Đức Giê-su chữa lành cho hai người thiếu nữ Do Thái. Tuy rằng hiệu quả của hai người nhận được như nhau, họ đều được khỏi bịnh. Nhưng chúng ta cũng nên để ý đến một số chi tiết được đề cập trong bài Tin Mừng theo Thánh Mác-cô của Chúa Nhật hôm nay.

Trong bài Tin Mừng, có một sự tương phản giữa hai người phụ nữ. Một người có lẽ đã bước vào tuổi trung niên, bà bị băng huyết đến nay đã được mười hai năm. Không ai biết bà là ai! Từ điểm này, chúng ta có thể suy đoán ra thân phận của bà. Bà thuộc vào hàng ngũ của những kẻ thấp cổ bé miệng. Bà liên tục sống trong tình trạng bị ô uế như thế thì ai dám tiếp cận với bà! Phương chi ai mà biết đến bà, cũng chỉ mang họa vào thân thôi.

Còn cô kia, là con gái ông Giai-rô, viên trưởng hội đường, một người có danh vọng và chức tước trong dân. Cô con gái cho đến nay cũng được muời hai tuổi. Đối với người thời đó thì đó là độ tuổi trưởng thành cho phép người con gái lập gia đình.

Tuy xuất thân, hoàn cảnh sống và địa vị của hai người khác nhau. Nhưng khi gặp Chúa, họ đều được kết quả giống nhau. Cả hai đều được phục hồi, được chữa lành khỏi bịnh.

Dựa trên cách xết đặt của bài Tin Mừng, chúng ta hãy bắt đầu truyện kể về việc Đức Giê-su chữa lành cho con gái ông Giai-rô.

Như chúng ta đã biết, trong khi thi hành sứ vụ, Đức Giê-su đã không gặp thuận lợi trong hàng ngũ lãnh đạo dân Do thái. Đã có những lúc, họ sẵn sàng bỏ qua các điểm bất đồng với nhau, ngồi chung vào một phe rồi tìm cách hãm hại Đức Giê-su (Mc 3:6).

Ông Giai-rô trong bài Tin Mừng hôm nay có thể là một trường hợp ngoại lệ. Tuy, ông cũng thuộc vào hạng danh giá, có quyền có thế, đường đường là người thủ lãnh của hội đường. Nhưng đứng truớc một hoàn cảnh thập tử nhất sinh của cô con gái, ông đã sấp mình dưới chân Đức Giê-su và van xin Người: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.”

Sự chết luôn luôn là mối bận tâm của con người. Nó trở thành nỗi lo âu, mối đe dọa thật khủng khiếp cho mọi người, đặc biệt những ai còn trẻ. Hoàn cảnh của cô con gái ông Giai-rô là như thế. Cô ta sắp chết. Cô rất khó để qua khỏi cơn gian nan này.

Trong bối cảnh như thế, chúng ta có thể tìm ra vài lời để giải thích cho hành động của ông Giai-rô hôm nay. Vì tình thương của người cha dành cho con, xen kẽ với niềm tin vào Đức Giê-su và nhất là ông phải thoát khỏi vòng ảnh hưởng của các bạn đồng nghiệp, rồi mở lòng ra để đón nhận Tin Vui của Đức Giê-su mang đến. Đó là các động lực giúp ông can đảm hơn để gặp Chúa. Một cuộc gặp gỡ công khai chứ không thầm kín hay lén lút. Ông cần mạnh dạn để làm điều ông tin. Thật đáng cảm phục!

Tuy là như thế, nhưng con đường dẫn Đức Giê-su đến nhà ông Giai-rô lại bị gián đoạn bởi sự chen lấn của đám đông. Trong đám đông đầy người đó, có một người phụ nữ vô danh, đã tiếp cận Đức Giêsu một cách bí mật. Thật ra bà nhận biết hoàn cảnh của bản thân, không cho phép bà đụng chạm đến ai. Vì theo luật thì dù bà đụng vào ai hay ai chạm vào bà đều bị ô uế và cần tẩy sạch.

Khỏi cần nói nhiều, chúng ta cũng hiểu bà này đau khổ như thế nào. Đau khổ vì bịnh tật, vì bị cách ly khỏi các sinh hoạt của cộng đoàn. Thậm chí bà còn bị lừa, bao phen khổ sở vì tìm sai thầy, uống nhầm thuốc khiến cho bà tiền mất tật mang. Bịnh vẫn hoàn bịnh mà còn bị nặng hơn. Bà không còn biết trông cậy vào ai!

Trong cơn đau khổ hầu như tuyệt vọng đó, bà tìm đến Đức Giê-su. Lúc đó bà chỉ nghe người ta nói về Người, thế mà bà đã can đảm chen lấn để chỉ cần sờ vào tua áo của Người với ý nghĩ trong đầu là chỉ cần như thế bà cũng được cứu.

Qua cử chỉ và ý nghĩ của người phụ nữ vô danh này khiến chúng ta phải ngạc nhiên trước một niềm tin thật sâu sa của bà. Không chỉ đụng vào Đức Giê-su mà chỉ cần chạm vào tua áo của Người cũng có thể chữa lành bệnh tật. Ngay khi đó bà ta nhận thấy có một sự thay đổi trong cơ thể của mình. Và, cũng ở thời điểm đó, Đức Giê-su nhận ra một sự thay đổi trong cơ thể của Người. Không ai nhận ra điều này kể cả các môn đệ thân tín của Người. Chỉ mình Chúa và người phụ nữ biết có sự thay đổi đang xẩy ra nơi họ!

Cho đến lúc này thân xác của người phụ nữ đã đuợc chữa lành, bà không còn bị băng huyết nữa. Nhưng, cuộc gặp gỡ giữa Đứa Giê-su và bà không ngừng ở phần chữa lành thể xác. Sau khi thấy lực trong người thoát ra, Chúa nhìn bà.

Bằng vào cái nhìn của Đức Giê-su khiến bà cảm thấy sợ phát run lên. Tuy nhiên, không vì nỗi run sợ khiến bà chạy trốn cái nhìn của Chúa. Trái lại, bà can đảm bước ra khỏi cõi lòng để tự giới thiệu mình với Chúa và trình bầy toàn bộ sự thật. Không ai bắt người phụ nữ này phải làm như thế. Bà vẫn có thể ẩn mình vì máu đã ngưng chảy, căn bịnh băng huyết đã được chữa khỏi. Nhưng hình như bà thấy đuợc cái nhìn mãnh liệt, một cái nhìn soi thấu tâm can của Chúa, khiến bà phải bước ra để bộc lộ và phơi bầy mọi sự đang xẩy ra cho bà.

Nhờ cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su, nhất là với cái nhìn của Người khiến bà thay đổi và bước vào để thiết lập mối quan hệ với Đức Giê-su, Đấng đã phán: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bịnh.”

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người phụ nữ bị băng huyết đã làm trì hoãn việc Người đến chữa lành cho con gái ông Giai-rô. Nên khi Người đến nơi thì được tin cô bé đã chết.

Với nguồn tin sét đánh này, người nhà của ông chủ hội đường mới góp ý đừng làm phiền đến Chúa nữa. Họ có lý khi có lối suy nghĩ như thế. Bởi vì, sự chết vẫn là một vấn nạn khiến họ phải bó tay. Chạy đến với Đức Giê-su để xin Người chữa lành bịnh tật là chuyện mà ông Giai-rô và một số người cùng thời với Chúa đã làm; nhưng bây giờ đứa bé đã chết, còn gì để hy vọng nữa đây!

Nghe được những lời bàn như thế, Đức Giê-su quay sang an ủi và động viên ông đừng sợ, nhưng hãy vững tin. Quả thật, đây là một thách đố mới. Thách đố này đòi hỏi ông tiến thêm một bước trong lòng tin. Ông đã tin rằng Đức Giê-su có thể chữa lành tình trạng thập tử nhất sinh của chứng bịnh mà con gái ông phải mang thế nào; thì giờ đây ông hãy tin rằng Chúa còn có quyền trên cả sự chết nữa. Nói thế rồi, Người tiếp tục bước đến nhà ông Giai-rô, có ba môn đệ thân tín cùng đi với Người. Bước vào nhà, Đức Giê-su liền nói: “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Nghe những lời nói đó, phản ứng của đám đông là chế riễu Người.

Thật vậy, làm sao chúng ta có thể nói một người đã chết là họ đang ngủ. Nhưng, đối với Đức Giê-su thì khác. Người mang đến một giáo lý mới, Người loan báo một Tin Vui. Đó chính là điều mà con người gọi là sự chết thì đó chỉ là một sự nghỉ ngơi, đợi chờ ngày được đánh thức để sống đời đời, để tham dự vào cuộc sống vĩnh hằng với Thiên Chúa, Cha Người. Điều này có nghĩa là, khi Đức Giê-su đến thì cái chết không còn là cái chết nữa mà đó chỉ là giấc ngủ. Đến lúc này là sự đáp trả của ông Giai-rô: Ông có tin hay không?

Xuyên qua niềm tin của ông, Đức Giê-su cùng với ông và bà nhà tiến vào nơi cháu bé đang nằm, cầm tay cháu và truyền cho nó chỗi dậy. Con bé liền chỗi dậy và đi lại được. Chi tiết đi lại được vì nó đã mười hai tuổi ám chỉ cho chúng ta biết rằng sau khi được hồi sinh, cháu đã trưởng thành và có thể tự mình đi lại như người lớn.

Ngoài ra, Đức Giê-su yêu cầu họ cho cô ăn chứng minh là cô đã hồi sinh. Cô không chỉ đi lại mà còn ăn uống bình thường như mọi người. Nhưng bên cạnh đó là qua cử chỉ quan tâm của Đức Giê-su dành cho cô hôm nay, chúng ta thấy sứ mệnh toàn diện của Người. Người đến để chăm sóc cho mọi nhu cầu của con người, từ tinh thần, thể xác, tình cảm, tâm lý đến hoàn cảnh chính trị của chúng ta nữa.

Tóm lại, Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta đến gặp Chúa Cứu Thế. Qua hành trình rao giảng, cùng với các phép lạ kèm theo sau cùng là sự chết của Người đã ban cho nhân loại ơn chữa lành và cuộc sống được thay đổi, một sự thay đổi toàn diện, không phân biệt và cũng không loại trừ một ai. Tất cả đều được chữa lành và đổi mới. Có nghĩa là khi gặp Chúa thì được đổi mới. Người muốn chúng ta tin rằng Người có sức mạnh đổi mới và hoàn thiện chúng ta.

Còn chúng ta thì sao?

Là thành viên của một cộng đoàn của những kẻ tin, cùng san sẻ một lòng mến, nhất là cùng đón nhận Chúa làm gia nghiệp, chúng ta có thể thay đổi các điều kiện của cuộc sống mình và những người xung quanh hay không? Và, liệu chúng ta có thể mang lại sự chữa lành cho những ai đang lâm vào các hoàn cảnh khó khăn hay không?

Xin Chúa ban cho chúng ta can đảm để làm như vậy. Amen!


Thursday, 21 June 2018

MỜ NHẠT ĐỂ CHÚA ĐƯỢC TỎA SÁNG




Hôm nay, cùng với toàn thể Hội Thánh, cộng đoàn chúng ta mừng kính trọng thể lễ sinh nhật Thánh Gio-an Tẩy Giả. Theo truyền thống phụng vụ của Giáo Hội thì lễ này đã được mừng kính từ hồi thế kỷ thứ Tư. Và một cách đặc biệt hơn nữa là ngoài lễ Giáng Sinh và lễ sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, thì chỉ có mình Gio-an Tẩy Giả là vị Thánh duy nhất có lễ mừng vào ngày sinh nhật mà thôi.

Ta có thể nói đây là lễ của lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Dựa vào truyền thống của các sách Tin Mừng, chúng ta biết rằng Gio-an đã đến để dọn đường và chuẩn bị cho sứ mạng của Đấng Cứu Thế thế nào thì việc sinh hạ của Thánh nhân cũng được sắp đặt để loan báo cho cuộc chào đời của Đức Giê-su như thế.

Tâm tình vui mừng và hân hoan của ngày lễ đuợc hiện tỏ thật rõ ràng trong trình thuật Tin mừng hôm nay. Tin vui và niềm hạnh phúc khi được Chúa cho sinh con đã phủ lấp nỗi buồn phiền trong cảnh hiếm muộn, quá độ tuổi có thể mang thai của bà Ê-li-sa-bet. Và, hơn thế nữa, chúng ta còn nghe bao điều kỳ diệu đã xẩy ra xoay quanh việc sinh hạ của Gio-an, khiến ai nghe xong cũng phải để tâm suy nghĩ và đặt vấn nạn rằng: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và câu trả lời cũng được Thánh Luca ghi lại là “Quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.”

Theo tục lệ thì ông phải mang tên của dòng họ của cha mình là Da-ca-ri-a; nhưng sứ thần đã mạc khải cho cha mẹ ông biết ý định của Thiên Chúa dành cho trẻ nhỏ mà ông bà sẽ sinh ra. Ông sẽ đuợc đặt tên là Gio-an. Tuy rằng tên này không có trong gia phả của dòng họ. Nhưng đó là tên được chọn bởi Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên ông. Điều này có nghĩa là ngay từ trong bụng mẹ ông đã được Chúa đoái thương, hộ phù và ban ơn. Rồi, đây cũng là sứ vụ của ông, đã nhận  như thế nào thì trao ban như thế!

Tuy Gio-an xuất thân từ một gia đình vọng tộc và danh giá. Ông Da-ca-ri-a, cha của Gio-an thuộc dòng tộc tư tế A-a-ron. Nhưng Gio-an có được dậy dỗ và lớn lên trong khung cảnh của đền thờ hay không thì không ai hay biết. Chúng ta chỉ biết rằng Gio-an càng lớn càng thêm mạnh mẽ. Và, ngay từ thủa ấu thơ, Gio-an đã sống trong hoang địa cho đến ngày ông ra mắt toàn dân Ít-ra-en.

Tại hoang địa, Gio-an đã có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa. Và chính trong hoang địa mà Gio-an đã khám phá ra ơn gọi, sứ mạng mà Thiên Chúa muốn ông thi hành. Qua Gio-an chúng ta nhận thấy bài học của Chúa, có nghĩa là chỉ có những lúc chúng ta đối diện với sự thật của đời mình, trút bỏ hoàn toàn các mặt nạ, trút bỏ kiêu ngạo, lo lắng, phân tán đi vào cõi sa mạc của chính mình để lắng nghe Lời Chúa thì chúng ta mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa, có cơ hội khám phá ra Thánh Ý của Ngài, như trường hợp của Gio-an Tẩy Giả.

Trước khi kêu gọi dân chúng dọn sẵn con đường cho Chúa đến, sửa lối cho thẳng để Người đi thế nào thì bản thân Gio-an cần có cảm nghiệm về việc chuẩn bị, thống hối và dọn đường cho Chúa nơi chính mình trước. Như thế, chúng ta nhận ra rằng: thời gian sống trong hoang địa thật quan trọng đối với sứ vụ và sứ điệp của ông. Đây là một hành trình cần phải có để ông chuẩn bị hoàn thành tốt sứ vụ làm người tiền hô, đi trước để dọn đường cho sự xuất hiện của Đức Ki-tô, Đấng sẽ đến để cứu chuộc dân Người.

Ngay tại bờ sông Gio-đan, Thánh nhân đã được nhiều người biết đến. Lối sống và lời rao giảng của Gio-an thu đã hút họ, và người ta đã lầm tưởng và coi ông như Đấng Thiên Sai, nhưng Gio-an chỉ nghĩ đến sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao ban cho là giới thiệu về Đức Giêsu cho nhân loại. Cụ thể, Gio-an đã giới thiệu và tiến cử các môn đệ của mình cho Chúa và hầu hết họ đã trở thành các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu.

Gioan không phải là ánh sáng mà chỉ là nhân chứng của ánh sáng. Ánh sáng đích thật là Chúa Giêsu. Vì thế khi Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ công khai thì vai trò của Gio-an phải lu mờ. Cũng như Gio-an, chúng ta phải biết chấp nhận sự thật về mình, sự giới hạn của mình, không giả tạo, không qui công về mình cái mà mình không có, điều mà mình không làm. Bằng không, chúng ta có thể trở thành những con người bất mãn và chỉ biết đòi hỏi.

Đây chính là điểm làm cho vị thế của Gio-an trở nên cao trọng. Chính vì biết mình là ai, và cần phải làm gì trong chuơng trình của Thiên Chúa, nên Gio-an đã trở thành con người vĩ đại như lời ca tụng của Đức Giêsu: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước trời còn cao trọng hơn ông.” Bởi vì, vai trò của Gio-an dù có cao trọng đến đâu thì ông vẫn chỉ là người dọn đường; còn chính Chúa Giê-su và những kẻ thuộc về Người mới thuộc về Nước Trời. Đó là giáo lý mới, tin vui mà Chúa Giê-su đã đem lại. Chính Gio-an cũng phải thay đổi lối sống và cách nhìn sao cho phù hợp với những yêu sách của Tin Mừng về Nước Trời.

Gio-an đã không chỉ làm chứng bằng lời nói; nhưng gương can đảm, sống theo sự thật của ông khiến chúng ta phải cảm phục. Gio-an được ví như cây sậy phất phơ trước gió, nhưng ông đã không ngã gục trước quyền lực của những người đến hỏi tội ông. Gio-an cũng không đánh lừa dân chúng. Ông can đảm nói lên vai trò của nhân chứng về sự thật. Và vì sự thật khiến ông đã bị xử tử, bị giết chết. Đó chính là con đường mà ngôn sứ phải đi: chỉ biết nói sự thật cho dù phải chết.

Như Gio-an, sự hiện diện của chúng ta nơi đây và trong khoảnh khắc này không thể là một việc tình cờ. Trước khi được hình thành trong lòng thân mẫu, Thiên Chúa đã biết chúng ta. Ai trong chúng ta cũng đều có một sứ mạng cần thi hành. Sứ vụ đó xuất phát từ Thiên Chúa, và cũng chính Ngài là Đấng đã chuẩn bị cho chúng ta qua những ân năng được ban tặng; qua bàn tay thương yêu, chăm sóc, nâng niu và đồng hành của bao nhiêu người đã và đang đồng hành trong cuộc sống của chúng ta. Họ và tất cả các công việc họ làm đều nói lên tính xây dựng và vun trồng để ta trở thành ta như hôm nay. Phần còn lại là bổn phận mà ta phải thi hành để cho bao hạt giống đã được gieo vãi và vun trồng được lớn lên trong ngày thu hoạch. Ngày mà trời mới đất mới hiển trị theo ý muốn của Thiên Chúa.

Tóm lại, trong ngày mừng lễ sinh nhật của Thánh Gio-an Tẩy Giả hôm nay, chúng ta nhận thấy bao điều kỳ lạ đã xẩy ra chung quanh con trẻ Gio-an.

Việc sứ thần truyền tin cho bố ông và báo tin mẹ ông, bà Ê-li-sa-bet sẽ mang thai trong lúc tuổi già. Qua việc này, Thiên Chúa đã thương và cất đi nỗi hổ nhục của ông bà trước mặt người đời và trao cho ông bà niềm vui. Con trẻ mà ông bà sẽ sinh ra, hoàn toàn nằm trong kế hoạch yêu thương và cứu độ của Thiên Chúa dành cho dân Ngài.  

Sau đó là cuộc gặp gỡ giữa mẹ ông và Đức Maria giúp cho chúng ta nhận ra vai trò nhân chứng của Gio-an ngay khi ông vẫn chỉ là thai nhi trong lòng mẹ.

Cuộc chào đời của Gio-an chấm dứt thời gian bị câm nín trước mầu nhiệm mà bố của Gio-an, ông Da-ca-ri-a, cho dù là một tư tế nhưng vẫn không thể nào hiểu và đủ sức đón nhận việc tỏ bầy của Thiên Chúa. Nói khác đi, qua cuộc sinh hạ của Gio-an khiến niềm tin của Da-ca-ri-a trưởng thành hơn. Ông nhận ra rằng Thiên Chúa có chương trình riêng của Ngài, phần ông và chúng ta chỉ đón nhận và thần phục bằng niềm tin kính và tri ân mà thôi.

Vì thế, khi suy tư về ngày sinh thần của Gio-an, chúng ta hãy nhìn lại hành trình đời sống của mình. Kể từ lúc đuợc sinh ra cho đến hôm nay, chúng ta đã nhận được bao điều kỳ diệu. Bàn tay của Thiên Chúa hằng dủ thương, chăm sóc và nâng đỡ chúng ta qua bao nhiêu người đã và đang xuất hiện trong cuộc sống mình; thế mà chúng ta đã thể hiện thế nào để hoàn thành vai trò chứng nhân của mình; chúng ta đã nỗ lực giới thiệu Chúa cho tha nhân và cùng giúp nhau chuẩn bị con đường để Chúa ngự đến chưa?

Do vậy, tâm tình dành cho buổi lễ hôm nay là niềm cảm mến và tri ân về những gì mà Thiên Chúa đã đặt để chung quanh cuộc sống mình, từ ngày lọt lòng mẹ cho đến hôm nay. Chúa đã yêu thương và tác tạo ta trước khi hình thành trong dạ mẹ thế nào thì Ngài cũng hiện diện trong mọi diễn tiến của cuộc sống chúng ta như thế. Ngài muốn và đem mọi sự đến chỗ thành toàn miễn là chúng ta sẵn sàng để cho Ngài tự do hoạt động trong ta.

Thật thế, ngay cả tội lỗi và bất trung cũng không thể là những chướng ngại ngăn cản sức mạnh của Chúa trong ta. Sau khi con người phạm tội, Chúa vẫn thương yêu mà trao phó công cuộc kiến tạo trần gian, xây dựng trời mời đất mới cho chúng ta. Bổn phận của mình, giống như Gio-an Tẩy Giả là biết rõ vị trí của mình trong chương trình của Chúa, giới thiệu và đem Chúa đến cho nhau để cùng nhau hoàn tất ý định của Thiên Chúa nơi sứ vụ mà Chúa đã trao ban.

Xin cho chúng ta biết noi gương Thánh Gio-an Tẩy Giả sống tốt vai trò chứng nhân giới thiệu Đức Ki-tô cho người khác; biết và sẵn sàng chấp nhận thử thách để cho Người được tỏa sáng. Và, xin cho chúng ta đủ can đảm chấp nhận bị lu mờ để cho nguồn sáng đích thật là Đức Ki-tô luôn chiếu tỏa trong tâm hồn và cuộc sống của những ai mà Chúa gửi đến cho mình. Amen!

Friday, 15 June 2018

HẠT GIỐNG ÂM THẦM MỌC



Trong những ngày Đại Lễ vừa qua, tâm hồn chúng ta đã trải qua những giây phút vô cùng vui tươi và hân hoan vì các hồng ân của Chúa Phục Sinh đem lại. Nay, chúng ta trở về với cuộc sống thường ngày. Trong phần phụng vụ Lời Chúa, nhất là các bài Phúc Âm, chúng ta tiếp tục nghe những lời giảng dậy và các phép lạ kèm theo trong Tin Mừng theo Thánh Mác-cô.

Bài Tin Mừng hôm nay bao gồm hai dụ ngôn: thứ nhất là dụ ngôn nói về sự lớn mạnh của Nước Thiên Chúa giống như hạt giống mọc lên một cách thật âm thầm; và dụ ngôn thứ hai nói về sự phát triển của Nước ấy lớn mạnh như sự tăng trưởng của hạt cải, tuy nhỏ bé nhưng khi mọc lên thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, làm nơi trú ngụ cho các sinh vật như chim trời.

Chúng ta cùng nhau dành một vài phút để suy tư về dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc lên. Điểm chính của dụ ngôn nằm ở thái độ của người gieo giống: Ông được trình bầy như một kẻ lười biếng, chỉ biết gieo mà không biểu lộ một chút công sức nào để cho hạt giống đựợc phát triển. Sau khi gieo hạt, ông trở về với cuộc sống thường nhật của mình. Tuy, đó là vẻ bề ngoài của ông, nhưng chúng ta có thể suy luận rằng: vì ông là một nhà trồng cấy chuyên nghiệp, cho nên ông có đủ kinh nghiệm để xác tín rằng thủa đất mà ông vừa gieo hạt giống xuống sẽ khai sinh một quá trình khiến cho hạt giống tăng trưởng mà không cần bất kỳ một sự can thiệp nào của ông. Ngoài niềm tin đó, việc kế tiếp mà ông cần làm là quan sát và kiên nhẫn chờ đợi, cho đến khi hạt giống chín thì vác liềm ra gặt mà thu hoa lợi về cho chủ.

Nếu dụ ngôn được hiểu như thế thì chúng ta cũng dễ dàng nhận ra ý của Thánh sử là: Nước Thiên Chúa thuộc về quyền cai quản của Thiên Chúa. Mọi người chúng ta chỉ là những người thợ trong cánh đồng này. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta có bổn phận đóng góp và thể hiện vai trò, như những người con, những người phụ giúp; còn việc làm cho Nước ấy tăng trưởng hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.

Cụ thể hơn, qua mầu nhiệm nhập thể Đức Giê-su đã đảm nhận vai trò đó. Người đến để rao giảng và phát triển Nước Thiên Chúa. Vì thế, Người có bổn phận làm cho hạt giống tăng trưởng. Người mới là người gieo giống chân thật. Còn chúng ta chỉ là những kẻ thừa hành, những người cộng tác.

Nhìn lại các sách Tin Mừng, chúng ta cảm nhận rằng hình như Đức Giê-su đã thất bại trong việc này: Người đã bị khước từ, bị chống đối, loại bỏ khỏi hội đường. Người xem ra thất bại trước sự cứng tin của người nghe. Tâm hồn họ đã ra chai đá và không mở lòng ra để đón nhận những hạt giống trong Lời rao giảng của Người. Tuy nhiên, không vì thế mà hạt giống không được tăng trưởng. Chúng ta phải tin rằng: Hạt giống được gieo bởi Đức Giê-su. Người biết làm sao để cho hạt giống được tăng trưởng. Và, trong niềm tin, chúng ta chắc chắn rằng không có một sức mạnh nào có thể ngăn cản sự tăng trưởng của hạt giống.

Trong cùng một lối suy tư đó, chúng ta cùng nhìn lại cuộc sống mình. Hạt giống Lời Chúa đã gieo vào trong cuộc sống của chúng ta từ dạo nào. Thế mà, có ai trong chúng ta có thể nhìn thấy sự tăng trưởng của hạt giống đó như thế nào trong cuộc sống của mình chưa? Hay là chúng ta vẫn chìm đắm trong các vũng lầy của ‘cái tôi’, với những đam mê và thói xấu phát sinh từ đó, vẫn sống ích kỷ và tham lam, vẫn đóng kín cõi lòng và chiều theo các sở thích của nền văn hoá dẫn đến sự chết.

Cho dù là như thế, với sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta không đuợc phép vịn vào những điều đó rồi chạy trốn. Trái lại, chúng ta phải sống lạc quan và tin rằng sự tăng trưởng của hạt giống không hoàn toàn dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng có đủ quyền làm cho hạt giống đuợc tăng trưởng theo ý muốn của Người.

Mặt khác, chúng ta cũng nên lưu tâm đến một yếu tố khác, đó chính là việc tham gia vào các công việc truyền giáo, rao giảng tin mừng, xây dựng cộng đoàn giáo xứ hay bất kỳ một đoàn thể nào là một hồng ân. Vì thế, để đáp trả chúng ta phải xung phong, đi bước trước trong các công tác, hăng say, nhiệt thành làm tốt mọi công việc. Nhưng, hãy nhớ rằng chúng ta chỉ là những người cộng tác với Đức Giê-su, hạt giống không thuộc về chúng ta. Hạt giống là của Chúa và chính Người mới là người gieo giống thật.

Hạt giống là Lời Chúa chứ không phải lời hay công sức của chúng ta. Việc hạt giống nảy mầm, sinh hoa kết trái là của Chúa. Tuy nhiên, những điều cần làm thì chúng ta vẫn phải làm, vì đó là bổn phận của mình, người môn đệ của Chúa. Còn phần còn lại, kết quả của nó, thành công hay thất bại không phải là việc của mình. Đó là việc của Chúa. Kiên nhẫn đợi chờ với tinh thần lạc quan để chờ ngày thu hoạch.

Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy hết lòng tin tưởng với tâm hồn khao khát rằng Nước Thiên Chúa, cho dù đã đến, nhưng còn sẽ đến. Nhưng Nước ấy đến như thế nào vẫn là một điều bí nhiệm đối với chúng ta. Chúng ta chỉ cần biết rằng, trong ngày đó, lối sống yêu thương và các công sức của chúng ta sẽ trở thành những bông luá rực mầu nắng ấm của tình yêu, sẽ triển nở một cách vẹn toàn để báo cho biết mùa gặt đã đến. Và lúc đó, chúng ta chỉ biết dâng lời chúc tụng và tôn vinh Chúa, Đấng đem mọi sự đến mức hoàn hảo và sung mãn nhất theo ý của Ngài.

Thưa anh chị em,

Khi viết đến các điều lạc quan và tràn đầy hy vọng này, tôi nghĩ đến hòan cảnh thực tế của anh chị em trong cuộc sống gia đình, với bổn phận thật cao quí, làm cha làm mẹ để trao ban tình yêu cho đàn con, đàn cháu. Ai cũng cầu mong cho gia đình mình hạnh phúc và bình an. Nhưng, nào có mấy ai được trọn vẹn như lòng mong ước. Gia đình nào chẳng có vấn đề!

Xin chia sẻ với anh chị em hoàn cảnh của gia đình người bạn. Anh chị có 4 người con. Họ cố gắng chu tòan bổn phận và trách nhiệm làm cha mẹ trong môi truờng của một xã hội mà chính họ còn bỡ ngỡ. Khi còn nhỏ, cháu nào cháu ấy thật dễ thương, chăm chỉ học hành, vâng lời anh chị, ngoan ngõan trong công việc.

Đến khi cậu con trai lên 18, có bồ, bỏ học… mang cả bồ về nhà mà không xin phép bố mẹ…
Cô con gái thứ hai thua anh 2 tuổi, cũng làm như thế, công khai đi với bạn trai và cũng đôi ba lần kéo nhau về nhà…
Chú con trai thứ 3, nay đã đuợc 18, tuy không giống như anh chị cháu; nhưng đã làm cho anh chị buồn và lo lắng rất nhiều; còn cô gái út thì chưa biết sẽ ra sao?

Tôi không dám góp ý về phương pháp giáo dục của anh chị. Tôi thông cảm và chia sẻ nỗi khó khăn, niềm lo âu và cơn buồn phiền trong đời sống với họ. Tôi cảm phục lòng can đảm, hy sinh, lòng kiên nhẫn nói lên tình yêu của họ dành cho các cháu. Đó chính là công sức mà họ đã đóng góp để cho hạt giống mà Chúa đã gieo, đang gieo và tiếp tục gieo qua cuộc sống của họ và âm thầm mọc lên trong cuộc sống của các cháu. Tất cả đuợc đặt trong niềm hy vọng là các hạt giống đó sinh sinh hoa kết trái sau này.

Trước hoàn cảnh thật chông gai mà gia đình bạn tôi đã và đang đối diện. Anh chị có thể nhận ra mình là kẻ thua cuộc, nhưng anh chị hãy tin rằng Thiên Chúa yêu thương những người con của anh chị hơn chúng ta. Bởi vì, các cháu trước khi là con của chúng ta thì phải là con của Thiên Chúa trước. Như thế, Ngài có đường lối và cách ứng xử của Ngài. Hãy tin rằng Ngài không muốn một ai trong chúng ta bị hư đi.

Thưa anh chị em,

Dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc đem đến cho chúng ta một cuộc sống thật lạc quan, tràn trề hy vọng. Nó được cụ thể hóa trong cuộc sống của chúng ta như thế đó. Chúng ta là những con người bất tòan mà còn biết hành xử với con cái mình như thế, gieo và tiếp tục gieo hạt giống tin yêu và hy vọng là nó sẽ sinh hoa kết trái; phuơng chi là Thiên Chúa. Ngài yêu thương, tiếp tục ban phát ân huệ, kiên tâm chờ đợi kết quả của ngày mùa, đến mùa thu họach sẽ được bội thu.

Vẫn biết là yêu cầu như thế quả thật rất khó với chúng ta. Nhưng, anh chị em hãy nhớ rằng Lời rao giảng của Chúa đến với chúng ta còn tuỳ thuộc vào sự đón nhận của chúng ta. Chúa không hề ép buộc ai, chỉ biết chờ đợi mức đáp trả tuỳ thuộc vào sự nhận thức và khả năng của chúng ta, miễn là chúng ta thành tâm và sẵn lòng.

Vì vậy, Lời Chúa trong dụ ngôn ‘hạt giống âm thầm và tự mọc lên’ hôm nay giúp cho tôi xác tín hơn rằng: Chúa chúng ta là Đấng thật quảng đại, kiên tâm trong tình yêu và không hề áp đặt, luôn tôn trọng quyền tự do và mức độ đón nhận của con người. Để đáp trả, chúng ta hãy tự do đứng dậy rồi yêu thương, tha thứ và kiên tâm chờ đợi nhau cùng sinh hoa trái nhé. Amen

Tuesday, 5 June 2018

TRONG CHÚA, MỌI SỰ ĐỀU KHẢ THI!



Bài đọc một hôm nay kể lại một phần của sự tích sa ngã trong sách Sáng Thế. Như chúng ta đã được dậy bảo các sự kiện này mang tính thần học, chứa đựng và truyền đạt một sứ điệp hơn là những dữ kiện lịch sử. Qua đó, chúng ta nhận thấy sự tội đã hiện diện trước khi con người bất tuân. Con người không tạo ra tội, nhưng tiếp tục sự hiện hữu của nó bởi việc ưng thuận và để cho quyền lực của sự tội thống trị. Tội có nguồn gốc riêng, luôn luôn đối nghịch với uy quyền của Thiên Chúa, và con người là nạn nhân cho sự hoành hành đó.

Trong thân phận con người, bằng kinh nghiệm sống, chúng ta cũng cảm nghiệm được sự thống trị này: Con người khó khăn trong việc thiện và dễ dàng chiều theo sự xấu. Chúng ta thường sống theo ý muốn của mình hơn là ý định của Thiên Chúa. Và như vậy tương quan giữa Thiên Chúa và ta cũng bị đứt đoạn. Từ sự đứt đoạn đó, như Adam, chúng ta đi trốn: trốn Thiên Chúa, trốn nhau và trốn chính mình. Từ sự rạn nứt trong tương quan với Thiên Chúa, con người đi đến sự đổ vỡ khác. Chúng ta không dám nhìn nhận việc mình đã làm, lại đổ thừa cho người khác và gián tiếp đổ thừa cho Chúa.

Trước khi phạm tội thì người đàn ông đã nhìn người phụ nữ bằng câu nói thật âu yếm và thơ mộng như ‘nàng là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi’. Nhưng sau khi sa ngã thì khác; tất cả sự âu yếm và thơ mộng không còn nữa, để nhường chỗ cho những oán trách và thở than, như ‘giả như không có người đàn bà đó thì đời con đâu đến nông nỗi này’. Từ tình nghĩa phu thê bị rạn nứt dần đến tình anh em cũng chẳng còn, giết nhau chỉ vì ghen tương như trường hợp của Ca-in và A-ben. Lối cư xử mất tình mất nghĩa cứ thế lan rộng ra, bao trùm xã hội và cả thế giới,

Như vậy, khi con người muốn chiếm đoạt lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa, khi muốn tự mình tiếm quyền Ngài để định đoạt điều thiện – điều ác, để tìm cứu cánh cho đời mình ngoài sự bao bọc của Thiên Chúa thì mình không còn là mình nữa. Chỉ có mình Chúa mới là Đấng khôn ngoan. Các hành vi kiêu ngạo, từ chối uy quyền và sức mạnh của Thiên Chúa chỉ làm cho con người khám phá ra cảnh trơ trụi, cô đơn, lẻ loi, đổ thừa trách nhiệm cho kẻ khác và cuối cùng tương quan giữa con người với Chúa và với nhau bị sứt mẻ.

Tuy nhiên, kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa không lệ thuộc vào những hành vi bất tuân của con người. Thiên Chúa là Tình Yêu và tình yêu đó được trải dài bằng chương trình cứu độ. Cho nên, tác giả của trình thuật không hề nói đến việc Thiên Chúa trực tiếp trừng phạt con người. Trái lại, Ngài còn đi bước trước để tìm kiếm và gỡ rối cho họ. “Nghe thấy tiếng Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Thiên Chúa. Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?” Và, trong phần cuối của bài đọc một hôm nay, tác giả đã hé lộ cho chúng ta thấy Chúa sẽ không bỏ cuộc. Uy quyền của Ngài sẽ thắng sự dữ và những kẻ thuộc về nó sẽ thần phục dưới chân của Ngài. Đó là sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, tuy chất chứa nhiều phần riêng biệt nhưng tác giả đã làm nổi bật vai trò và sứ vụ của Đức Giê-su. Người là Đấng mà tác giả của bài đọc 1 đã tiên báo, thì nay đã xuất hiện. Nơi Người, quyền năng của sự dữ bị tiêu diệt, Nước Thiên Chúa được thiết lập. Trong đó, mối dây liên kết chúng ta lại với nhau không dựa trên huyết thống, máu thịt; nhưng trên căn bản của niềm tin và lòng mến mà con người trao cho nhau để thành gia đình mới.

Quả là một điều đáng buồn là hàng ngũ lãnh đạo, nhất là thành phần có ăn có học trong dân chúng lại không nhận ra được các điều đó. Họ đã vu cáo Chúa là tay sai của thần dữ. Thậm chí cũng có một vài người trong huyết tộc lại cho rằng Người là kẻ mất trí. Tuy Thánh sử không nói rõ tại sao họ lại có cái nhìn lệch lạc như thế. Nhưng dựa vào tinh thần của bài đọc 1 và kinh nghiệm tôn giáo của mỗi người, chúng ta cũng có thể cho rằng thói hành xử và lối nhìn sai lầm đó phát sinh từ tính kiêu ngạo, khư khư ôm lấy ‘cái tôi’ của bản thân, gán ghép cho người khác điều mà chính bản thân mình lo lắng và sợ hãi. Thái độ của họ phản ảnh đúng như Lời cảnh báo của Đức Giê-su phán hôm nay “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.”  

Kính thưa quí cụ, ông bà và anh chị em,

Như vậy, với những quà tặng và giá trị đặc biệt như: sự sống, tâm hồn, lý trí và lẽ khôn ngoan để phân biệt điều thiện – điều ác, con người được mời gọi vào một hành trình tìm kiếm sự hiệp thông với Thiên Chúa, với nhau và với thiên nhiên. Trên con đường này, họ khám phá ân phúc và đau khổ, sức mạnh và mỏng dòn, thánh thiện và tội lỗi, hài hòa và dị biệt. Và con người phải chọn lựa!

Chọn lựa thì liều lĩnh và bấp bênh. Chọn lựa nào cũng có những dằn vặt và gian truân, nhất là khi phải chọn sao để sống đúng với ơn gọi và thân phận của mình, nhưng không phải là thứ thân phận được ‘ngụy tạo’ bởi tham vọng hay ‘vẽ vời’ theo sức quyến dũ của Thần dữ. Chọn lựa thật nào, ngay cả chọn lựa theo kiểu Adam – Evà và của người con thứ trong dụ ngôn ‘tình phụ tử’, cũng là dấu chỉ của nỗ lực hướng đến sự vươn lớn và trưởng thành trong thân phận con người.

Thiên Chúa đã yêu thương và chờ đợi mỗi người trong thân phận mỏng dòn và các chọn lựa của chính bản thân. Ngài trung tín trong việc tìm kiếm trước khi mời con người sống đổi mới. Đó là khuôn mẫu mà Ngài muốn chúng ta thực hiện.

Đối diện với thực tại chúng ta đang sống, nơi mà sức mạnh của sự dữ tràn lan. Nó ảnh hưởng vào các hệ thống quyền lực trong xã hội, len lỏi vào lối sống chung cũng như cuộc sống riêng của từng người. Nó nhen nhúm và tạo trong ta một sức mạnh và lôi kéo ta nhìn nhận và đánh giá sai các dấu chỉ của ân huệ.

Tất cả những điều đó khiến chúng ta chùn bước và gặp nhiều khó khăn khi áp dụng khuôn mẫu mà Thiên Chúa mời gọi. Nhưng không vì thế, mà những lời mời gọi sống trọn vẹn những giá trị của thân phận con người mất đi tiếng âm vang. Trái lại, chúng ta lại ý thức hơn về nhiệm vụ của mình: Quên đi các mặc cảm phát sinh bởi các chọn lựa sai trái, đôi khi sự sai trái này bóp méo hình ảnh của Thiên Chúa nơi bản thân mình. Hãy tin tưởng vào sự thành tín của Thiên Chúa, và sống thật các giá trị mà Thiên Chúa trao ban khi tạo dựng nên con người. Có điều nào Thiên Chúa tạo dựng mà lại xấu đâu, như tác giả trong sách Sáng Thế đã khẳng định “Thiên Chúa thấy mọi sự Người làm ra quả là rất tốt đẹp!” (1:31a)

Thưa anh chị em,

Trong thân phận làm người, chúng ta gắn liền với những mâu thuẫn và các đổ vỡ. Tuy nhiên, mọi mâu thuẫn và đổ vỡ chỉ có thể được giải quyết khi con người học biết không chỉ chấp nhận mà còn trân trọng các sự khác biệt của nhau. Thái độ sống này giúp chúng ta nhận ra sự phong phú và tốt lành của Thiên Chúa vẫn tiềm tàng hoạt động không ngừng nơi cuộc sống riêng biệt, đầy mầu sắc của mỗi cá nhân và cộng đoàn.

Và với lượng ân sủng vô cùng phong phú của Thiên Chúa ấy, chúng ta có khả năng trao cho nhau tình yêu thương và lối sống hài hòa với thiên nhiên, với đồng loại và trên hết với Thiên Chúa. Được tạo dựng như hình ảnh của Thiên Chúa, bổn phận của con người là nên giống Ngài và trở thành nguồn năng lực cho nhau, cho thế gian còn nhiều gian khổ và cho chính vũ trụ mà Thiên Chúa đã tin tưởng và trao cho chúng ta nhiệm vụ phải chinh phục và biến nó trở thành trời mới đất mới. Đó chính là lối sống ở vườn địa đàng. Đó là lối sống chúng ta đang tiến bước.

Như vậy, vườn địa đàng không phải là cảnh thần tiên ở quá khứ nhưng là mục tiêu chúng ta hướng tới. Vườn địa đàng đó đã được thể hiện một cách thật trọn vẹn nơi cuộc sống, sứ vụ và nhất là qua biến cố Phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô, nơi đó Người đã kéo mọi loài thụ tạo lên cùng Người. Cũng chính trong cảnh sắc của vườn địa đàng đó mà nền văn hoá đổ lỗi cho nhau trong bài đọc một đã bị đảo ngược bởi nền văn hoá mới mà Đức Giê-su đem lại, trong đó các thành viên của gia đình mới, gia đình Nước Thiên Chúa sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm, dấn thân, xung phong, nhập trận và chọn lựa Chúa là ưu tiên duy nhất cho cuộc đời mình.

Chính vì thế, khi được biết Đức Ki-tô, đồng cam cộng khổ, chia vui sẻ buồn để rồi nên một với Người là mối lợi và ân phút tuyệt vời mà tất cả chúng ta đều nhắm tới.  Giây phút thần tiên là khi được cùng với Người san sẻ một cảm xúc, hoàn thành một hướng đi, không cho riêng mình, nhưng cho thế gian là đối tượng Tình yêu mà Thiên Chúa muốn trao ban. Chỉ có như thế thì quyền lực của sự dữ mới bị tiêu diệt dần dần để nhường chỗ cho sự hiển trị của Nước Thiên Chúa. Amen!