Thursday, 21 December 2023

CHÚA ƠI, CÓ THẬT NGƯỜI ĐÃ SINH RA!


Không khí lễ Giáng Sinh đã đến, thật tưng bừng và rộn rã. Nhà thờ nào cũng làm máng cỏ với ánh sáng muôn mầu rực rỡ luợn đi luợn lại chung quanh hang đá; lại có những dòng suối nhân tạo róc rách chảy. Đủ thứ trang trí và đồ chơi lạ mắt. 

Trong khi đó tại các trung tâm thương mại tràn ngập người; ai ai cũng hối hả chọn lựa những món quà cho người thân. Hình như những cảnh tượng đó có cái gì tương phản với sứ điệp của Chúa. 

Những quà tặng của thế gian quá nhiều, nhiều đến độ làm chúng ta bị che mắt, không nhìn ra sứ điệp của Chúa. Chúng ta quá chú tâm đến quà tặng, trao đi và nhận lại những phẩm vật tuy quí giá nhưng vẫn chỉ là tặng vật do con người tạo ra. Trong khi đó, hôm nay Chúa ban cho nhân loại một món quà là chính Chúa trong thân phận của một hài nhi mang tên Giê-su. 

Hài nhi Giê-su đã sinh ra trong cảnh khó nghèo. Cha mẹ của Người không có chốn nương thân, phải mượn hang bò lừa để sinh hạ hoàng tử, con Vua vũ trụ. Cho dù là như thế. Nhưng cuộc sống của hài nhi Giê-su là một chuỗi ngày cho đi và cho đi tận cùng của kiếp phàm nhân; khiến cho con người dù có bất hạnh hay bị ruồng bỏ đến đâu cũng tìm được niềm vui và tình thân thuơng. Và nhân lọai cũng đã tìm thấy nơi cuộc sống của hài nhi những câu giải đáp, những thao thức của kiếp nhân sinh. 

Sứ điệp mà hài nhi đem lại thay đổi tư tưởng và lối tư duy của mỗi người. Sứ điệp đó còn thách thức nhân lọai qua mọi thời đại. Bởi vì, từ ngày hài nhi Giêsu xuất hiện, bộ mặt của thế giới đã thay đổi. Ai mất phương hướng tìm được lối đi, kẻ đói khát no đầy ơn phúc, những ai bị giam cầm tìm được sự trợ giúp, trong Người mọi người được giải thóat, muôn dân muôn nước tìm được giải pháp cho hòa bình. 

Vẫn biết sứ điệp quá tuyệt vời. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn thấy có điều gì không ổn! Phải chăng tôi đã quá quen với những náo nhiệt bên ngoài mà quên đi sứ điệp của Hài Nhi Giê-su đem lại cho thế gian trong đêm Giáng sinh?

Thật vậy, nhìn vào thực trạng của thế giới trong những năm gần đây, chúng ta cảm thấy ngao ngán và buồn phiền. Sau cuộc chiến đấu với nạn đại dịch Covid-19, con người quay lại chém giết nhau. Chiến tranh xẩy ra bên Ukraine chưa chấm dứt thì một cuộc chiến khác lại xẩy ra bên Gaza, Trung đông. Bao trẻ em vô tội bị chết thảm thiết. Lại thêm một số đông người không cửa không nhà, lang thang vô định tìm chỗ an toàn để trú thân. Tội nghiệp cho thân phận con người tại các nơi đó. Họ đã làm gì để rồi cuộc sống bị hủy diệt trong tay của những bạo chúa. Trước các cảnh tượng đau buồn nói trên, tôi muốn mươn lời của Thánh Gio-an tẩy giả: “Thầy có thật là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

Chúng ta đã quá quen với lối sống an nhàn, thủ phận, giữ mình bởi những việc đạo đức trong khuôn viên nhà thờ. Trong khi đó sứ điệp của Chúa thách thức lương tâm con người trước sức bành trướng của nền văn minh thế tục đang soi mòn căn tính làm người mà mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giê-su đã đem đến.

Thật vậy, qua mầu nhiệm của đêm Giáng Sinh. Thiên Chúa hiện diện giữa thế gian, cư ngụ ngay trong hòan cảnh riêng của từng người. Dù người đó sống trong tình huống nào, Người chẳng hề có ý định bỏ rơi họ. Người đã mặc lấy thân phận con người và chờ đợi ta. 

Người đã đến nơi nhà mình. Nhà của Người bao gồm mọi người, đặc biệt qua thân phận của các tù nhân, qua lối sống của những người nghèo khổ, đói khát, cô thân cô thế, không nơi nương tựa. Người đã nên đồng hình đồng dạng, hiệp hành với con người nói chung và những dạng người nói trên để qua họ Người mời chúng ta “hãy yêu thương nhau”, hãy vì Người mà phục vụ, vì Người mà tha thứ và hy sinh cho nhau, vì Người mà tôn trọng và nâng đỡ nhau. Tóm lại, vì Người mà chúng ta làm tất cả mọi sự cho nhau. 

Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn có những người bị tẩy chay, bị loại bỏ. Bao nhiêu người đã bị đẩy ra sống bên lìa xã hội vì họ không nhận được những ánh mắt cảm thông của chúng ta. Vì thành kiến, chúng ta lên án và không tiếp nhận họ. Một mặt chúng ta tin rằng Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta. Mặt khác, chúng ta lại không nhận ra Người nơi tha nhân. Tìm trăm phương ngàn kế để loại trừ nhau, hạ nhau để được ngoi lên. Bằng mọi cách để xua đuổi nhau một cách thiếu khoan dung. Và, cũng chính vì thiếu khoan hồng và dung thứ của chúng ta nên những người tuy đã hối cải lại không được nâng đỡ khi chính bản thân họ muốn sửa đổi và làm lại cuộc đời.

Người ta kể rằng: Trong một xóm giáo kia; những người sống tại đó hầu hết là nguời công giáo. Ai ai cũng tin vào Chúa. Và có một thanh niên mồ côi cha mẹ. Anh ta nổi tiếng ăn chơi, trộm cắp, xì ke, ma túy, cướp của. Nói chung anh là loại người bại hoại trong xóm giáo. Cuối cùng anh bị bắt đi tù. Trong trại tù anh có nhiều thời gian để suy nghĩ về những thói hư tật xấu và tự hứa sẽ thay đổi. Đến ngày mãn hạn tù. Anh hân hoan bước ra và tràn đầy hy vọng vào cuộc sống tương lai. Nhưng vì thành kiến và sợ hãi nên dân trong xóm xa lánh anh. Với những ánh mắt dè chừng, những nụ cười gượng ép khiến anh cảm thấy như bị xua đuổi. Không lâu sau đó, anh gây ra vụ án khác và lại bị bắt. Trước mặt quan tòa anh ta khai báo: "Vì đời không đón nhận mà lại khinh khi tôi cho nên tôi mới như thế này."

Anh không được đón nhận. Anh bị khước từ bởi lầm lỗi đã xẩy ra ở quá khứ. Chính thái độ hoài nghi, thành kiến và thiếu khoan dung của chúng ta đã tạo nên một người tù chung thân. Giả như Thiên Chúa cũng không chấp nhận chúng ta thì giờ đây nhân loại sẽ ra sao! Điều mà chúng ta cần suy nghĩ ở đây là một môi trường tốt không tự nhiện được thành hình. Nó chỉ được xây dựng bởi những bàn tay nhân ái, những con tim vị tha và những tấm lòng khoan dung độ lượng. 

Vì thế, trong khi mừng lễ Giáng Sinh hôm nay, chúng ta có cơ hội để nhắc cho nhau rằng Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta. Người nhắc chúng ta bài học quên mình, đón nhận, yêu thương, giúp đỡ và tha thứ cho nhau. Vì qua các cử chỉ như thế, chúng ta tiếp tục sinh hạ và giới thiệu Chúa cho nhau. Amen!

Tuesday, 12 December 2023

AI LÀ CHỨNG NHÂN?


Người ta nói ‘con đuờng dài nhất là con đuờng từ đầu đến bàn tay’. Câu nói này thường được dùng để ám chỉ đến những người nói nhiều, làm ít hay không làm gì cả. Nói thì ai nói mà không đuợc, nhưng biến lời nói thành việc làm là điều thật khó khăn. Thế giới ngày nay cần có nhiều chứng nhân hơn là các chứng từ. Chứng nhân cần sống đúng với chứng từ của mình, điều đó có nghĩa là chứng nhân không có lối sống chạy theo đám đông, hay làm để chiều theo thị hiếu của quần chúng; nhưng là sống thế nào để họ noi guơng rồi đi theo và làm theo.

Tôi còn nhớ những nỗi niềm, các trăn trở và thao thức mà các bậc phụ huynh đã từng chia sẻ, như sau: Làm thế nào để khuyến khích, cổ võ, thúc giục và động viên con cái của họ tình nguyện, vui vẻ tham dự Thánh Lễ, ít nhất vào dịp cuối tuần hay là một ngày trong tuần? Quí phụ huynh cảm thấy như có một gánh nặng đè trên hai vai về lối giữ đạo của con cái họ. Nhà thờ và các nghi lễ phụng vụ không còn hấp dẫn các cháu nữa. 

Đây không chỉ là vấn đề làm cho quí vị nhức đầu; nhưng đó là thách đố chung của Hội Thánh và cho những ai còn môt chút quan tâm đến cuộc sống của giới trẻ hôm nay. Tôi không tìm thấy câu trả lởi. Nhưng điều khiến tôi cảm động khi nghe quí vị chia sẻ rất chân thành rằng chính quí vị đã dành quá nhiều thời gian và sức lực để ổn định cuộc sống tại đây cho nên đã sao lãng trong bổn phận của người tín hữu nhất là chưa sống trọn vẹn vai trò của một chứng nhân, chưa làm gương sáng. Và đó có thể là một trong nhiều nguyên nhân khiến các cháu có lối sống như thế. 

Qua lời than van này, quí vị đã giúp tôi nhớ lại rằng, điều kiện tiên quyết của người làm chứng là sống đúng như chứng từ của mình. Và, Gioan Tẩy giả trong bài Tin Mừng hôm nay là guơng mẫu trong sứ mạng làm chứng như thế. Xin mời anh chị em cùng với Thánh Gioan Tẩy giả ôn lại công trình tay Chúa đã thực hiện nơi cuộc sống của Thánh nhân cho dân của Người.

Thưa anh chị em, 

Đời sống và các sinh hoạt tôn giáo của dân Do Thái được nuôi dưỡng bởi các ngôn sứ. Họ đã đóng một vai trò thật quan trọng trong việc nuôi duỡng niềm tin của dân chúng huớng về ngày cứu độ. Tiên tri Malachi là vị ngôn sứ đã xuất hiện khoảng 450 năm trước khi Gioan đến. Khoảng thời gian 450 năm không là một giai đoạn ngắn, ít nhất cũng trải qua 4, 5 thế hệ. Vì không đuợc huớng dẫn bởi các ngôn sứ, cho nên thời gian này có thể đuợc ví như khoảng thời gian dân Do Thái mò mẫm trong đêm tối. Và như vậỵ, họ không chỉ mong chờ mà còn rất cần được Ánh sáng dẫn đuờng chỉ lối!

 Với một bối cảnh như thế, và lòng dân chúng đang mong chờ vị Cứu Tinh, Đấng Cứu Thế sẽ đến để giải thóat họ khỏi ách nô lệ, cứu thoát họ khỏi cảnh lầm than. Vì thế, khi nghe tin Gioan xuất hiện, họ từ Giê-ru-sa-lem, khắp miền Giu-đê và vùng lân cận sông Gio-đan hân hoan kéo đến nghe ông giảng. Trái lại, thái độ của các vị lãnh đạo đền thờ lại khác. Họ sai các tư tế và mấy thầy Lêvi đến chất vấn ông. Nhân dịp này, Gio-an đã làm chứng cho họ biết Người không phải là Đức Ki-tô, cũng chẳng phải là Ê-li-a hoặc là ngôn sứ gì cả. Người chỉ là tiếng hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đấng Cứu Thế đến như ngôn sứ Isaia đã nói.” (Ga 1: 20-23) Rồi mấy người trong nhóm Pha-ri-sêu lại hỏi tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đức Kitô. Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi, và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1: 26-27)

Giả như Đức Giê-su không xuất hiện và Gio-an không nói sự thật về vai trò của ông thì khách quan mà nói trong bối cảnh xã hội và tôn giáo như thế; Thánh Gio-an Tẩy giả, với lối sống khổ hạnh và lời rao giảng có sức lôi cuốn mãnh liệt, có thể bị ngộ nhận là Đấng Cứu Thế mà tòan dân đang mong chờ. Gioan đã không chỉ làm chứng bằng lời nói; nhưng gương can đảm, sống theo sự thật làm cho chúng ta phải cảm phục. Gioan đuợc ví như cây sậy phất phơ trước gió, nhưng Người đã không ngã gục trước quyền lực của những người đến hỏi tội ông. Gio-an cũng không đánh lừa dân chúng. Người can đảm nói lên vai trò của nhân chứng về sự thật. Và vì sự thật mà Người đã bị xử tử, bị giết chết. Đó chính là con đường mà ngôn sứ phải đi: chỉ biết nói sự thật cho dù phải chết. 

Tuy là như thế, nhưng Gioan không phải là ánh sáng mà chỉ là nhân chứng của ánh sáng. Ánh sáng đích thật là Chúa Giêsu. Vì thế khi Đức Kitô bắt đầu sứ vụ công khai thì vai trò của Gio-an phải lu mờ. Cũng như Gio-an, chúng ta phải biết chấp nhận sự thật về mình, sự giới hạn của mình, không giả tạo, không qui công về mình cái mà mình không có, điều mà mình không làm. Bằng không, chúng ta có thể trở thành những con người bất mãn và chỉ biết đòi hỏi.

Đây là sự cao trọng trong sứ mạng của Gio-an. Chính vì biết mình là ai, và cần phải làm gì trong chuơng trình của Thiên Chúa, nên Gio-an đã trở thành con người vĩ đại như lời ca tụng của Đức Giêsu: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan tẩy giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước trời còn cao trọng hơn ông.” Bởi vì, vai trò của Gio-an dù có cao trọng đến đâu thì ông vẫn chỉ là người dọn đường; còn chính Chúa Giê-su và những kẻ thuộc về Người mới thuộc về Nước Trời. Đó là giáo lý mới, tin vui mà Chúa Giê-su đã đem lại. 

Chính Gio-an cũng phải thay đổi lối nhìn và cách sống sao cho phù hợp với những yêu sách của Tin Mừng về Nước Trời. Với Đức Giêsu, trong Vương Quốc của Người, chúng ta hãy cứ để cho ‘cỏ lùng và lúa tốt” cùng mọc lên, cho ‘chiên và dê’ cùng sống chung. Việc phân xử là của Chúa. Thời gian phân xử cũng thuộc về Người. Còn bây giờ, chúng ta hãy noi gương Chúa Cứu Thế, đi trên con đuờng mà Người đã đi, chiếu hy vọng đến những nơi tăm tối, đem tin vui tận hang cùng ngõ hẻm của thế giới; rao giảng Đấng có quyền làm cho “kẻ què được đi (trên con đường của Chúa), người điếc được nghe (tin vui), người mù được nhìn thấy (ánh sáng) và kẻ chết được sống lại từ cõi chết”. 

Tóm lại, vai trò của Gio-an là giới thiệu và dọn đường cho Đấng Cứu Thế; còn Chúa Giêsu và chúng ta là niềm hy vọng, nguồn sống sung mãn của Thiên Chúa cho người khác. Có như thế, viêc chúng ta mừng lễ Giáng Sinh không phải là việc tưởng niệm biến cố đã xẩy ra trong quá khứ; nhưng là tiếp tục công việc mà Chúa Giêsu đã làm cho những hạng người nói trên. Ước mong ân huệ của đêm Giáng Sinh sẽ biến cuộc đời của chúng ta trở thành nhân chứng của niềm vui; niềm vui này giống như niềm vui mà sứ thần đã loan báo: “Hôm nay Đấng cứu Thế đã sinh ra” không phải tại Bê-lem nhưng bởi lối sống của chúng tôi, là những người có nhiệm vụ cao trọng hơn Gio-an Tẩy giả. Amen!