Saturday, 26 October 2024

LẬY CHÚA, XIN CHO CON NHÌN THẤY.

Anh chị em thân mến,

Trình thuật nói về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và anh mù Ba-ti-mê làm tôi nhớ đến câu chuyện của anh Nguyễn Quốc Phong, người mà tôi đã gặp và đem lòng kính phục. Truyện kể như sau.

Anh vốn là một thanh niên đang theo đuổi ơn gọi để trở thành tu sĩ Dòng Salesian và đã bị mù qua một tai nạn giao thông. Và dĩ nhiên, với hoàn cảnh như thế anh không thể tiếp tục ơn gọi để trở thành linh mục. Anh đã xin về nhà. Thoạt đầu, anh không chấp nhận và sống trong nỗi phẫn uất qua biến cố kinh hoàng đã xẩy ra làm biến đổi toàn bộ dự định và nỗi ước mơ của anh. Trước đây còn đôi mắt để được nhìn thấy mọi sự, nay anh tự học để mò mẫm bằng cây gậy dò đường, thường xuyên bị vấp ngã. Nói chung, anh không còn biết diễn tả thế nào để nói lên tâm trạng và nỗi chán đời của một kẻ bị mù. Thậm chí, đôi khi anh đã có ý nghĩ tự tử. Nhưng sau này anh mới một điều là Chúa không muốn anh chết thì anh phải sống, sống cho có ý nghĩa, sống để hoàn thành lý tưởng mà anh đã theo đuổi, đó là giáo dục giới trẻ.

Anh bắt đầu lại, bước ra khỏi những suy nghĩ tối tăm. Tuy anh không còn đôi mắt để nhìn đời, nhìn người, thì giờ đây anh nhìn cuộc sống bằng con tim, bằng trí tưởng tượng. Anh không còn mắt để nhìn thấy người thì nhìn họ bằng đôi tai. Anh tập lắng nghe để thấu hiểu và thông cảm những nỗi khó khăn của họ. Thời gian cứ thế trôi qua, nhất là với ơn nghĩa của Chúa, Đấng không hề bỏ rơi anh. Người vẫn hiện diện và làm ánh sáng soi đường cho anh bước tới.

Từ đó, “Mái ấm Thiên Ân” hay còn gọi là trung tâm hướng nghiệp dành cho các trẻ em bị khiếm thị được thành hình. Tại nơi đó, anh không chỉ nuôi các em bị mù, mà còn tạo cho các em tay nghề hợp với năng khiếu của các em. Đến khi lớn khôn, chính các em này là những người thầy dậy các em khác. Có nhiều em đến tuổi trưởng thành, đã lập gia đình, vẫn thường xuyên trở về mái nhà Thiên Ân để cùng đồng hành với anh trong công việc nuôi nấng và tạo ra các công ăn việc làm khác cho các trẻ em bị mù lòa. Anh thật xứng đáng là người thầy, người cha kính yêu của gia đình ‘Mái Ấm Thiên Ân’.

Qua truyện kể về mẫu gương sáng lạng của Thầy Phong, tôi khám phá rằng những người mà thân thể của họ tuy bị khiếm khuyết, nhưng nghị lực, ý chí và tấm lòng của họ dành cho các công tác giáo dục, việc bác ái đem lại ích lợi và hạnh phúc cho tha nhân, có thể vuợt xa chúng ta là những kẻ tưởng rằng mình sáng mắt, ai ngờ lại bị khiếm thị. Dành cho họ tấm lòng thán phục và ngưỡng mộ là việc cần; nhưng còn hơn thế nữa, chúng ta nên khám phá nơi họ sự can thiệp của Thiên Chúa, Đấng hiện diện và thường xuyên hoạt động nơi họ.

Anh chị em thân mến.

Trước khi gặp Đức Giê-su, anh Ba-ti-mê không chỉ bị mù mà còn là người ăn xin nữa. Cuộc sống của anh hoàn toàn lệ thuộc vào lòng tốt, sự bố thí của khách qua đường. Việc Đức Giê-su chữa lành cho anh không làm cho chúng ta ngạc nhiên. Bởi vì, cho đến hôm nay không ai trong chúng ta có thể phủ nhận uy quyền của Thiên Chúa hoạt động nơi Người. Tuy nhiên, ý định của Thánh Mác-cô khi sắp xếp trình thuật này khiến chúng ta ngạc nhiên và cần tìm hiểu.

Trong bài Tin Mừng tuần trước, Đức Giê-su đã hỏi Gia-cô-bê và Gio-an: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Hôm nay, Người lại hỏi anh Ba-ti-mê: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Hai câu hỏi cùng một ý nhưng cách trả lời lại khác nhau. Lẽ ra, câu trả lời của anh Ba-ti-mê “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” phải là câu trả lời của các môn đệ. Trái lại, các ông đã không xin Chúa ơn soi sáng để nhận biết về con người của Thầy mà lại xin chỗ ngồi tốt, địa vị cao.

Vẫn chưa hết. Sau đây là câu chuyện của Si-môn Phê-rô, vị Tông Đồ cột trụ của Hội Thánh. Phê-rô đã theo Thầy, vượt qua bao cạm bẫy, nhận được bao lời huấn giáo để có thể tuyên xưng Thầy là Đức Ki-tô; thế mà sau khi nghe thầy loan báo về cuộc khổ nạn, ông lại đứng ra ngăn cản Thầy thực hiện ý định của Thiên Chúa, không chấp nhận cho Thầy mình đi vào vinh quang qua cuộc khổ nạn. Vì thế, ông đã bị Chúa khiển trách là ‘Xatan, lui lại đàng sau Thầy.’

Trong khi đó, một con người bị khuyết tật, cuộc sống lệ thuộc vào lòng thương xót của người khác như anh Ba-ti-mê hôm nay, lại đạt được đích điểm khi đã tuyên xưng không chỉ bằng miệng mà còn bằng cuộc sống, là sẵn sàng theo Thầy đi vào Giê-ru-sa-lem, không phải để đón nhận hào quang, mà là để chịu thương khó.

Hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược nhau. Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là những người tưởng mình sáng mắt lại trở thành mù tối, còn anh Ba-ti-mê lại trở thành người sáng mắt qua việc gặp gỡ Đức Giê-su. Chính anh đã trở thành gương mẫu cho những ai muốn trở thành môn đệ. Tin và theo Chúa.

Đức tin của anh đã được nung nấu từ lần gặp Đức Giê-su, người mà anh chỉ nghe người ta nói chứ chưa bao giờ được nhìn thấy vì anh bị mù. Chính vì không nhìn thấy bằng mắt phàm cho nên anh phải nhìn Chúa bằng một cặp mắt của niềm tin. Anh tin nơi Đấng mà anh kêu xin, đang đứng trước mặt anh. Anh không xin những đồng tiền bố thí từ Đức Giê-su. Anh nhận ra nơi Người có một quyền năng có thể giúp anh. Anh xin Người dủ lòng thương đến thân phận của anh. Trong khi đó những người sáng mắt theo Chúa như các môn đệ lại không nhận ra điều mà họ cần. Trái lại họ lại hành động như một thứ rào cản, ngăn chận người khác đến với Chúa.

Như vậy có một nghịch lý ở đây là người mù đã thấy được nhiều hơn là người sáng mắt. Và những gì đã xẩy đến cho anh Ba-ti-mê hôm nay cũng là lời mời gọi mà các môn đệ cần phải tìm cho ra câu trả lời trên đường theo Chúa của các ông. Hành trình và nỗ lực để được gặp Chúa của anh Ba-ti-mê cũng là bài học dành cho những ai muốn trở thành môn đệ của Thầy. Sau đây là các bước nhẩy trong hành trình niềm tin của anh.

Trước tiên, chúng ta hãy hình dung ra cảnh anh mù Ba-ti-mê đang ngồi ăn xin. Nơi anh ngồi là vệ đuờng. Không ai chọn các nơi hẻo lánh. Họ phải chọn chỗ đông người qua lại như giữa phố xá, rất nhộn nhịp và là nơi tập trung các khách từ bốn phương tuôn về. Ngày hôm đó, anh Ba-ti-mê nghe thấy nhiều tiếng ồn ào, anh nhận ra có đám đông đi qua chỗ anh đang ngồi. Anh nghe người ta nói rằng trong đám đông, có một người tên là Giê-su, đến từ Na-za-rét, Người đã thực hiện nhiều việc lạ lùng và kỳ diệu. Chỉ cần biết ngần ấy, anh liền la thật to để xin Đức Giêsu giúp đỡ.

Trước hoàn cảnh của anh lẽ ra các môn đệ và đám đông nên nhường đường mở lối dẫn anh vào gặp Chúa. Họ đã không làm như thế, trái lại còn ngăn cản, thậm chí có một số người muốn đuổi anh đi. Tuy nhiên, sự ngăn cản của đám đông không làm cho anh nản lòng. Anh quyết tâm hơn, gào thét to hơn, cho đến khi Đức Giê-su để ý đến anh. Cuối cùng, Người nhận ra anh. Người dừng lại và yêu cầu người ta đưa anh đến.

Nghe đuợc những lời cho phép của Đức Giê-su, anh không cần đợi người ta giúp. Tuy bị mù, nhưng đôi tai của anh rất thính; anh đã nhận ra hướng của Đức Giê-su đang đứng. Lập tức, anh quăng chiếc áo choàng, đang khoác trên người của anh lại đàng sau, rồi đứng phắt dậy để tiến về phía Chúa. Hành động này cho chúng ta nhận ra một điều là anh sẵn sàng buông bỏ tất cả, buông cả chiếc áo hộ thân đã bao bọc anh bấy lâu nay để gặp Chúa.

Nhu cầu đuợc xót thương và niềm tin là động lực và sức mạnh giúp anh vuợt qua mọi trở ngại để gặp Chúa. Đến lúc này, câu hỏi của Đức Giê-su “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” và câu trả lời: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” của anh Ba-ti-mê xem ra hơi dư thừa. Bởi Chúa biết anh đang cần gì rồi. Quả thật cả câu hỏi lẫn câu trả lời không dư thừa chút nào. Bởi vì, với câu trả lời, anh đã trở thành gương mẫu cho những ai muốn trở thành môn đệ của Người.

Sau cùng, câu hỏi của Đức Giê-su dành cho anh mù năm xưa cũng là câu hỏi của Chúa dành cho chúng ta hôm nay: Chúng ta muốn Đức Giê-su làm gì? Và lời đáp trả xin cho chúng con được thấy cũng cần đuợc lập đi lập lại trong cuộc sống của những người môn đệ của Chúa. Chúng ta không xin Chúa ban cho chúng ta nhìn thấy về mặt thể lý cho bằng nhìn ra việc Chúa làm gì trong và cho chúng ta, để mãi mãi chúng ta nhìn ra sứ mạng mà Chúa muốn chúng ta thực hiện.

Xin cho chúng con được nhìn thấy các kỳ công, những việc lạ lùng của Chúa thực hiện trong thân phận mỏng dòn, trong lúc chúng con yếu đuối và cuộc sống bị bao phủ bởi bóng tối và sự dữ. Chúng con tin rằng Chúa là ánh sáng và chỉ có ai để Chúa hướng dẫn thì mắt người đó mới nhìn ra sứ mạng mà Chúa đã trao, và hoàn thành sứ mạng theo như ý định của Chúa mà thôi. Amen!

Saturday, 19 October 2024

LÃNH ĐẠO LÀ PHỤC VỤ


Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy chúng ta bài học về quyền lãnh đạo. Ai muốn làm lớn thì phải là người phục vụ. Sứ điệp này nghe quen tai, nhưng về mặt thực hành thì đây vẫn là một thách đố lớn trong Hội Thánh nói chung, gia đình nhỏ bé và các nhóm của chúng ta nói riêng.

Để khám phá ra mục tiêu theo Chúa có chính đáng hay không, chúng ta hãy điểm qua vài trường hợp. Thật ra, ngay từ ngày đầu tiên, không mấy ai trong chúng ta nhìn thấy rõ vì sao mà mình dấn thân. Có linh mục kia muốn đi tu vì thấy Cha xứ của mình được ăn chuối. Lại có một chú bé nọ thích mặc phẩm phục linh mục, nhìn mấy ông cha ăn mặc cao sang và quí phái nên cậu ước ao làm thầy cả. Có người nghĩ rằng mình phải dấn thân để thay đổi nếp sống và các sinh hoạt trong xứ cậu đang sống, thế mà trải qua trên dưới nửa thế kỷ, cho đến hôm nay ông đã ngoài 70 tuổi mà vẫn chưa thay đổi được gì, ngay cả chính mình. Rồi lại có những người phải tiếp tục nằm gai nếm mật trong sứ vụ linh mục để làm vui lòng ông bà cố. Thậm chí có nhiều người muốn chia sẻ uy quyền như ước muốn của hai ông môn đệ, tên là Gia-cô-bê và Gio-an. Các ông vốn là các chú thuyền chài, thế mà hôm nay dám nổ khi xin ngồi hai chỗ cao trọng nhất trong nội các chính phủ của Đức Giê-su.

Tuy rằng các lý do theo Chúa của các ông mang tính chính trị và thêm chút lợi ích cho bản thân. Nhưng Đức Giê-su không vì thế mà khiển trách hay dùng nó như một tiêu chuẩn để sàng lọc các môn đệ. Người kiên nhẫn trong cách hành xử. Người nhìn thấy nỗi bất toàn, các yếu đuối, thậm chí sự thất bại của họ. Người muốn dậy bảo họ bằng chính các kinh nghiệm mà họ có thể sẽ phải kinh qua.

Ngoài ra, nội dung giáo huấn của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay gắn liền với lời loan báo lần thứ ba về cuộc khổ nạn tại Giê-ru-sa-lem mà Đức Giê-su đang hướng về. Đức Giê-su không tiến về Thánh Đô Giê-ru- sa-lem để đón nhận vinh quang, mà là khổ nạn và cái chết! Trong khi đó các môn đệ lại tưởng rằng Người lên đó để đuổi bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi và phục hồi quyền làm chủ đất nước lại cho họ. Nói chung, quan niệm và chủ thuyết về một Đấng Mê-si-a theo nghĩa chính trị đã là một trong những nguyên nhân thúc đẩy các môn đệ theo Đức Giê-su. Họ mải mê trong các tham vọng rất mực con người và mang tính trần tục. Cho nên hai ông Gia-cô-bê và Gio-an, đại diện cho nhóm người có tham vọng chính trị, đã mau mắn hơn các ông kia khi xin Chúa điều mà các họ đều mơ ước: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.”

Còn các môn đệ kia không nhanh miệng bằng Gia-cô-bê và Gio-an cho nên đâm ra tức tối. Dường như, giữa các ông đã có một cuộc chiến quyền lực, tranh dành địa vị, ai cũng muốn trèo lên ghế cao, ai sẽ là kẻ lớn hơn. Và khi trèo lên cao thì phải đạp kẻ bên dưới mình. Dĩ nhiên, khi con người có ghế, có địa vị thì dễ sinh ra quyền lực và bị quyền lực cám dỗ hầu bảo vệ vị trí và quyền lợi.

Trước tình hình của các môn đệ khi xưa và trong hàng ngũ của các vị lãnh đạo hôm nay, Đức Giêsu cần hành động ngay. Người dậy bảo các ông về sự khác biệt về vai trò lãnh đạo trong Nước Thiên Chúa và các nước trần gian.

Trong các quốc gia tại trần gian thì người ta dùng quyền để cai trị, quyền sinh ra lực. Những ai có ‘quyền’ thì thích ‘hành’ kẻ yếu thế để ra oai và bảo vệ uy quyền của mình. Và như thế họ luôn bị quay cuồng bởi việc nắm giữ quyền lực để củng cố điạ vị rồi hành hạ kẻ khác, nói gì đến phục vụ anh chị em.

Trong khi đó, đối với Đức Giê-su, nước mà Người khai mạc là triều đại hồng ân của Thiên Chúa. Hiến chương là Tình yêu và phương pháp thực thi là phục vụ. Sự cao trọng mà các vị lãnh đạo trong Nước Thiên Chúa cần thực hành là phục vụ, như Lời Đức Giê-su phán: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Anh chị em thân mến,

Bài học phục vụ nói lên mối tình của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Với Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đến để mở ra một con đuờng, một lối sống yêu thương, vô vị lợi. Nếu tình yêu mà còn mong đáp trả thì còn là tình yêu được hay sao! Lúc đó, tình yêu đã biến thành phương tiện cho bản thân. Như vậy có nghĩa là tôi yêu người khác vì tôi; và người khác có đáp trả tình yêu cho tôi cũng vì cái lợi mà họ có thể thu hoạch được; như vậy họ cũng yêu chính họ chứ không hề yêu tôi. Một tình yêu cho đi, không cần đáp trả mới là mối tình của Chúa và thuộc về Chúa.

Dựa vào lời dậy bảo của Đức Giê-su thì những ai được mời gọi là Con Chúa, trở thành môn đệ của Người là những con người biết cho đi, biết san sẻ và cùng chung chia sứ mạng của Người. Đó chính là điều mà Đức Giê-su yêu cầu Gia-cô-bê và Gio-an hôm nay: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”

Chén mà Đức Giê-su sắp uống và phép rửa mà Người sắp chịu là hành trình Thập Giá mà Người sắp đón nhận. Đức Giêsu muốn nói đến sự chọn lựa của Người. Với quyền năng sẵn có, Người có thể sắp xếp cuộc sống hoàn toàn phù hợp với chính Người, nhưng Người đã không làm thế, sẵn sàng dâng hiến, ngay cả bản thân và tất cả những gì Người có chỉ để phục vụ người khác. Có nghĩa là luôn đi tìm và tạo hạnh phúc cho người khác như hành động quì xuống rửa chân cho các môn đệ. Phục vụ là quì xuống, là hiến dâng để phục hồi tình trạng làm con Thiên Chúa và qua đó chúng ta cũng có thể chia sẻ cuộc sống thần linh với Người.

Đấy là con đuờng của Đức Giê-su, và đó cũng là con đường của người môn đệ; có nghĩa là giống Đức Giê-su, chúng ta sinh ra để phục vụ, mong làm đầy tớ mọi người. Đây không phải là một điều luật trong những điều luật khác nhưng đó là “hiến chương” của Giáo Hội, tiêu chuẩn sống của người môn đệ: Mỗi người phải trở nên đầy tớ của mọi người.

Trong Giáo Hội, chỉ có một nguyên tắc, đó là phục vụ. Nguyên tắc này áp dụng cho tất cả mọi người. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta coi thường năng quyền được trao ban trong Hội Thánh. Chúa không hủy bỏ vai trò của người lãnh đạo; nhưng làm đầu là để phục vụ người khác thì khác với tinh thần làm lớn để bắt người khác cúc cung quì gối phục vụ mình.

Vì thế, cho hàng giáo sĩ, những người được mời gọi vào các vai trò đặc biệt trong Hội Thánh mà chúng ta thường gọi họ là các thừa tác viên: linh mục hay phó tế. Họ cũng nên nhớ rằng năng quyền mà họ đang có đã được Hội Thánh trao ban vì lợi ích chung của cộng đoàn, chứ không thuộc về riêng họ. Họ là những kẻ lãnh nhận quyền thừa tác của Đức Giê-su trong gia đình Hội Thánh. Uy quyền lãnh đạo sau cùng và tối cao vẫn thuộc về Đức Giê-su. Như vậy, làm gì có lãnh tụ theo nghĩa thế gian trong cơ chế của Giáo Hội. Chỉ có những “thừa tác viên”, những người “phục vụ”.

Trong thời gian gần đây, chúng ta được nghe rất nhiều về ý định của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong việc cải tổ cơ cấu của giáo triều bên Rô-ma. Ngài cũng muốn các vị lãnh đạo tại các Giáo hội địa phương áp dụng đường lối cải cách này. Đã đến lúc Giáo Hội phải trở về nguồn, trở về với yêu sách của Đức Giê-su trong Tin Mừng.

Tóm lại, những ai đã được Chúa mời gọi chia sẻ quyền lãnh đạo với Người hãy cân nhắc cẩn thận để lời nói và hành động được hợp nhất. Chúng ta ai cũng được mời gọi thực hiện quyền của những kẻ thừa kế, chia sẻ quyền lãnh đạo của Đức Giê-su.

Ai được mời gọi sống bậc tu trì thì có trách nhiệm và bổn phận phục vụ cộng đòan.

Ai được mời gọi sống bậc đôi bạn thì có trách nhiệm với nhau và gia đình mình. Đừng dùng quyền ra lịnh cho con trẻ điều mà chính các bậc phụ huynh chưa làm được. Người nào có bổn phận của người ấy.

Tất cả đều là môn đệ, đều được gọi để phục vụ. Đó là cách sống của Chúa muốn chúng ta thực hành. Amen!

Friday, 11 October 2024

GIÚP NHAU SỐNG TỐT

 Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã không mấy hài lòng trước lối suy nghĩ ích kỷ, thái độ hẹp hòi và tinh thần phe phái của các môn đệ, mà người lên tiếng hôm nay lại là môn đệ mà Người yêu mến nhất. Gio-an đã phân bua với Chúa rằng: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ, chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Theo ý kiến của Gio-an thì chỉ có những ai thuộc về nhóm ‘chúng mình’ mới được nhân danh Chúa để trừ quỷ. Chỉ vì quyền lợi của phe nhóm và ý nghĩ sai lầm mà các ông đã trói buộc các ân huệ và uy quyền của Chúa vào trong tay của phe nhóm mình.

Đối với Đức Giê-su thì khác. Người đến để chữa lành, để cứu thoát, để tháo cởi cho nên nhu cầu của người bịnh, người nghèo khó, khổ đau là ưu tiên số một mà Người quan tâm. Tình trạng cần được giúp đỡ của họ đã choán hết tâm trí và sức lực của Người. Vì thế, Đức Giê-su nhắc các môn đệ nhớ lại rằng không ai nhân danh Chúa để thi hành ý muốn của Người rồi sau đó quay lại để nói xấu Người. Các môn đệ đừng ngồi đó mà phân bì rồi ngăn cản người khác làm điều tốt.

Thật vậy, chúng ta nên nhớ rằng còn rất nhiều người sống tốt lành, sống thiện hảo, làm được nhiều việc thiện mà không thuộc về phe nhóm hay cùng chung chia một niềm tin với mình. Thiên Chúa không bị ràng buộc hay bị trói bởi suy nghĩ hẹp hòi, ích kỷ và đầy tính độc tôn của phe ta, cho dù đôi lúc trong quá khứ chúng mình tự nhận rằng mình mang tính chính thống. Không một ai có quyền nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ thuộc về họ và phe phái họ mà thôi. Lối suy nghĩ ích kỷ, hẹp hòi và độc tôn này không phải là tinh thần của Tin Mừng.

Chúng ta vui mừng khi được mời gọi ra đi làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống của mình, nhưng chúng ta không thể nắm giữ hay tạo một Đức Chúa và bắt người khác phải thần phục. Thiên Chúa đã hiện diện trong mọi nền văn hoá, trong các lối sống trước khi chúng ta đến với họ. Bổn phận của mình là đến để khơi dậy cho những người không cùng nhóm với mình nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi họ.

Một cách cụ thể, chúng ta hay nhìn lại lối suy nghĩ và cách hành xử của các nhà truyền giáo về việc tôn kính tổ tiên của chúng ta thì thấy! Nếu các nhà truyền giáo tôn trọng và nhìn ra việc tôn kính tổ tiên của chúng ta như là một cách thức mà Thiên Chúa dọn sẵn để mời gọi chúng ta phải hiếu thảo với Cha Mẹ thì việc rao giảng về Thiên Chúa còn hiệu quả biết chừng nào! Tuy nhiên chúng ta cũng không thể quên gương sáng, lòng hy sinh trong việc từ bỏ để dấn thân loan báo Tin Mừng mở mang Nuớc Chúa của các Ngài. Thiên Chúa làm việc trong các nỗi bất toàn của chúng ta.

Ngoài ra, nhưng ai theo chủ nghĩa độc tôn, bảo vệ quyền lợi của phe nhóm mình dễ dàng theo đuổi quyền lực nhằm bảo vệ quyền kiểm soát của nhóm mình, và hậu quả là có thể dẫn đến ghen tỵ khi nhìn thấy nhóm khác hay người nào đó thành công hơn mình. Thật ra, người môn đệ chân chính là người nhận ra lỗi lầm để sửa đổi hầu nhận ra hoạt động của Thánh Linh ở bất cứ nơi nào và qua bất cứ người nào mà Thiên Chúa muốn dùng, không phân biệt phe nào hay nhóm nọ. Và một khi người môn đệ có tâm tình và thái độ rộng mở như vậy là lúc người môn đệ biết quan tâm đến nhu cầu của những người mà họ được sai đến để phục vụ hơn là tìm kiếm vị trí đứng đầu hầu để kiểm soát. Hãy nhớ rằng Chúa mới là vị lãnh đạo duy nhất, là người đứng đầu còn tất cả chúng ta chỉ là những kẻ được sai, thuộc về Chúa mà thôi!

Anh chị em thân mến,

Sau khi nhắc nhở cho các môn đệ nhớ rằng Thiên Chúa là Chúa, là chủ tể của mọi người và mọi người đều thuộc về Người, vì thế không một ai hay bất kỳ phe nhóm nào được phép giữ Ngài làm của riêng cho họ hay phe của họ. Trong phần kế tiếp, Đức Giê-su cảnh báo họ rằng mầm móng sinh ra gương xấu, các hành vi dẫn đến sự tội không bị xâm nhập từ bên ngoài, nhưng nó lại xẩy ra từ bên trong cộng đoàn, do các người lãnh đạo. Họ là những người cầm cán cân công lý, tự nhận mình là người trưởng thành. Thế mà thay vì làm gương sáng, họ lại có những hành vi xấu ảnh hưởng trên cuộc sống của những kẻ bé mọn, những người yêú đuối thì quả thật giống như tội ác giết những người này vậy. Những kẻ bé mọn ở đây có thể hiểu là trẻ con, ngây thơ, yếu đuối, những ai yếu đức tin, những người cô thân tất bạt, không có ai bảo vệ. Và, nếu những người lãnh đạo mà làm cớ cho họ vấp phạm thì “thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà ném xuống biển còn hơn”

Điều mà Đức Giê-su nói với các Tông đồ “nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn” không có ý ám chỉ hay thúc dục chúng ta vi phạm tội ác giết người, cho bằng đó là kiểu nói nhấn mạnh. Hình thức nói như thế có thể hiểu là một khi chúng ta làm gương mù gương xấu, dẫn đưa người khác đến sự tội thì chẳng thà giết chết họ cho xong.

Trên thực tế, không một cộng đoàn nào mà không có người xấu. Không một tập thể hay cá nhân nào hoàn toàn thánh thiện. Hãy nhìn chung vào hoàn cảnh của thế giới. Nếu trên thế giới này chỉ bao gồm những người đạo đức, những người công chính; và nếu sự tội đã hoàn toàn bị bẻ gẫy thì Mầu nhiệm nhập thể và ơn cứu độ của Đức Giê-su còn có ý nghĩa gì. Lịch sử nhân loại vẫn còn bị dầy vò và đầy dẫy những hiện tượng khiến con người bị giằng co bởi hai mặt thiện và ác.

Tất cả những gì mà chúng ta biết được, ngay cả niềm tin của mình không khiến cho chúng ta sống biệt lập, sống tách biệt với thế giới này. Trái lại, đó là những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban để chúng ta ra đi, bước vào thế giới. Chúng ta lĩnh nhận và biết rằng phải làm giầu có gia tài hồng ân của Chúa. Đó là bổn phận và trách nhiệm của những kẻ tin đối với xã hội mà chúng ta là thành viên.

Vì thế, mang trong mình sức sống của Đức Kitô, chúng ta hãy lắng tai để nghe tiếng nói của Chúa nơi những người chung quanh, mở mắt ra để nhìn các việc lạ lùng của Chúa trong cuộc sống của họ. Cho dù họ không thuộc về nhóm mình, nhưng điều quan trọng là chúng ta nhận ra Chúa đang hiện diện trong lối sống của họ.

Trên hết mọi sự, chúng ta không được phép thất vọng. Nhân loại vẫn đang chờ đợi lối sống quảng đại, cái nhìn bao dung, cuộc sống đầy gương sáng, con tim chan chứa tình yêu thương và lòng thương xót của chúng ta.

Hãy dùng cuộc sống của mình như lời rao giảng minh chứng sự hiện diện của Thiên Chúa.

Hãy giúp nhau sống tốt và đừng cản trở sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động nơi người khác.

Hãy mở lòng mở trí ra để đón nhận và nhìn ra quyền năng của Chúa đang hoạt động trong và cho mọi người. Bởi vì những hành vi tốt lành và các gương sáng không chỉ xuất hiện trong cộng đoàn của những kẻ tin mà còn được thể hiện trong cuộc sống của nhiều người khác nữa. Amen!