Bài Tin Mừng hôm nay là phần tiếp nối
với các mối phúc của Đức Giê-su trong bài giảng trên đồng bằng trong Tin Mừng
theo Thánh Lu-ca. Đối tượng trước tiên mà Thánh sử muốn gửi đến là các môn đệ,
sau đó là cộng đoàn của Thánh sử và cho chúng ta ngày nay.
Giả như các mối phúc của Đức Giê-su
mà chúng ta đã nghe vào Chúa Nhật tuần trước chưa đánh động hay làm cho chúng
ta thay đổi lối sống thì hôm nay, qua những hướng dẫn cụ thể trong bài Tin Mừng,
chúng ta được thúc đẩy để đi đến một lựa chọn trong cách xử sự đối với nhau và
đặc biệt đối với kẻ đã làm tổn thương chúng ta.
Như chúng ta còn nhớ, đời sống của các
tín hữu thuộc các cộng đoàn sơ khai bị bầm dập dưới ách thống trị của Đế Quốc
Rô-ma. Của cải, danh tiếng và sinh mạng của họ hoàn toàn tuỳ thuộc vào những
người linh đô hộ. Họ bị khước từ, bắt bớ, giam cầm và rất nhiều đã
trải qua một cuộc sống rất cơ cực, nghèo đói, bị ngược đãi thậm chí còn bị giết
chết.
Với
một bối cảnh như thế, những lời giảng dậy cuả Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm
nay “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” không nhằm cổ võ cho sự tồn tại
và phát triển của sự ác. Người cũng không khuyên họ và chúng ta chấp nhận hoàn
cảnh với tinh thần bất bạo động. Người đứng ngoài những đấu tranh về chính trị
hay đòi hỏi quyền lợi cho dân.
Thật
ra, Khi Chúa Giêsu đưa ra lịnh truyền “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh
em,” và các việc làm cụ thể để diễn tả lòng yêu thương kẻ thù của chúng ta như:
ai vả má phải thì đưa cho họ má trái, ai đoạt áo chòang thì cho luôn họ áo
trong, ai xin thì hãy cho v.v., là lúc Người dẫn chúng ta đi vào phần sâu thẳm,
trọng tâm của Tin Mừng. Chỉ có sức mạnh của Tin Mừng mới có thể lấp đầy khoảng
trống giữa kẻ thù và chúng ta.
Tình
yêu, lòng thương xót dành cho kẻ thù không giống như cách diễn tả tình cảm giữa
những người thân trong gia đình, tình bạn, tình hàng xóm láng giềng của những
người cùng chia sẻ hoạn nạn với nhau, hay là kiểu ‘phải lòng nhau – falling in
love’ của những ai đã từng yêu. Nhưng yêu thương kẻ thù ở đây còn là sự cho đi
chính bản thân trong cách hành xử ngược lại với cách cư xử mà họ đã làm cho
chúng ta bị tổn thương. Điều quan trọng là mọi việc cần được diễn tả bằng hành
động chứ không chỉ bằng kiểu nói xuông.
Thật
ra, đây không phải là điều dễ làm. Nhưng khi hành xử được như thế là lúc chúng
ta noi gương Đức Giê-su, Đấng suốt cuộc đời luôn tìm cách tha thứ và làm ơn cho
những kẻ hại Người. Người đã để cho tên đầy tớ tát vào má Người, chịu những roi
vọt và mão gai đâm vào mình; Người đã để cho người ta lột tất cả, từ áo ngoaì lẫn
áo trong, và sau cùng giang tay trên Thập Giá như một tội nhân. Thê mà, trong
giây phút sau cùng đó, Người đã không lên án, nhưng đã cầu xin Thiên Chúa tha
thứ cho những kẻ haị Người.
Tất
cả những gì Người làm, tất cả những gì Người nói đều qui về một mối là chứng tỏ
cho nhân loại thấy lòng thương xót và hay tha thứ của Thiên Chúa dành cho tất cả,
không loại trừ một ai, bao gồm cả những ai thù ghét Người.
Bổn
phận của chúng ta, những người con của Cha trên trời, là hãy làm cho thế gian đầy
hận thù và ghen ghét này nhận ra quyền năng của Đấng đã và đang ban ơn cho tất
cả mọi người, kể cả quân vô ơn và phường gian ác, đang hiện diện và hoạt đông
trong bản thân mình.
Là chứng nhân của Đức Kitô, ta tin rằng
Người đang sống trong ta. Chúng ta là hình ảnh sống động của Người. Và một khi
chúng ta không có tấm lòng bao dung, không sẵn sàng tha thứ cho những ai đã làm
tổn thương mình là lúc chúng ta làm mờ hình ảnh của Thiên Chúa nơi bản thân.
Làm thế nào mà chúng ta có thể thực
hiện được những điều Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay đây? Chỉ có quyền năng
và sức mạnh của Chúa mới giúp chúng ta đạt được nguyện ước này. Tha thứ cho người
thân đã khó, tha thứ cho kẻ thù còn khó hơn gấp bội. Tuy nhiên, có những con
người đã làm được điều ấy, biến hận thù thành lòng bao dung và thay đổi cả cuộc
đời mình lẫn người khác. Chúng ta hãy noi gương họ.
Năm 1981, Đức Thánh Giáo Hoàng John
Paul II bị một sát thủ tên Mehmet Ali Agca bắn trọng thương. Nhưng sau khi hồi
phục, ngài đã làm một việc khiến cả thế giới kinh ngạc: ngài đến gặp Ali Agca
trong tù và tha thứ cho ông ta.
Hình ảnh Đức Thánh Giáo Hoàng nắm chặt
tay kẻ muốn giết mình trở thành một biểu tượng của sự bao dung và tha thứ. Còn
hơn thế nữa. Sau này, nhờ sự can thiệp của ngài, Agca được đặc xá và trở về quê
nhà với một cuộc đời mới.
Lại có một câu chuyện khác.
Nelson Mandela, cựu tổng thống Nam
Phi, đã trải qua 27 năm trong tù vì cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng
tộc Apartheid (A-pá-thai). Ở trong tù, ông bị đối xử vô cùng tàn nhẫn. Nhưng
khi được thả, thay vì kêu gọi trả thù, ông chọn tha thứ.
Cựu Tổng Thống Mandela đã từng nói:
“Khi tôi bước ra khỏi cánh cửa nhà tù, tôi biết rằng nếu tôi không bỏ lại nỗi
oán hận, tôi vẫn sẽ bị giam cầm.”
Ông đã không chỉ tha thứ mà còn hợp
tác với chính những kẻ từng đàn áp mình để xây dựng một Nam Phi hòa bình. Chính
nhờ tấm lòng bao dung ấy mà ông đã giúp đất nước tránh khỏi một cuộc nội chiến
đẫm máu.
Lại có gương sáng của những người rất
thường như chúng ta.
Corrie ten Boom là một phụ nữ Hòa Lan.
Trong Thế chiến II, gia đình cô đã che giấu những người Do Thái đang bị lùng bắt
bởi quân đội Đức Quốc Xã. Chẳng bao lâu sau, việc làm của họ bị phát giác. Cô Corrie
và người chị gái bị đưa vào trại tập trung. Tại đó, chị gái cô đã chết vì bị
hành hạ.
Sau chiến tranh, Corrie trở thành một
nhà truyền giáo, rao giảng về sự tha thứ. Một ngày nọ, cô gặp lại một cựu sĩ
quan Đức Quốc Xã, người từng hành hạ chị gái mình. Ông ta đã trở lại và tin vào
Chúa. Sau khi nghe cô thuyết giảng, ông đã tiến đến xin lỗi cô. Corrie kể rằng
lúc đó lòng cô tràn đầy sự căm hận. Hình ảnh của những lần tra tấn, nhất là cái
chết tức tưởi của chị cô hiện lên trong ký ức.
Cô không biết hành xử thế nào. Hít một
hơi thật dài. Mắt nhìn lên trời cao. Miệng và tâm trí nhớ điều cô vừa nói. Và sau
một giây phút lắng đọng tâm can và cầu nguyện, mắt cô nhìn thẳng vào mặt ông
ta, còn đôi tay của cô giơ ra nắm lấy bàn tay của ông cựu sĩ quan mật vụ Đức Quốc
xã đó rồi nói: "Tôi tha thứ cho ông."
Sau khi nói xong lời tha thứ đó, cô cảm
thấy như một gánh nặng khổng lồ được cất khỏi trái tim. Hành động tha thứ không
chỉ giải thoát người sĩ quan kia mà còn giải phóng chính cô khỏi xiềng xích của
hận thù.
Còn ta thì sao? Nếu muốn sống lịnh
truyền của Chúa và theo gương những người nói trên thì việc tha thứ - nhất là tha
thứ cho kẻ thù, là điều chúng ta phải thực hiện. Đó chính là con đường dẫn
chúng ta được hạnh phúc.
Cầu xin cho Lời Chúa trong bài Tin Mừng
hôm nay được ứng nghiệm nơi cuộc sống của chúng ta, nhất là trong Năm Thánh hy vọng
và tràn đầy sự tha thứ của Chúa, Amen!
No comments:
Post a Comment