Cách
đây vài tuần, trong Lễ đêm giao thừa mừng xuân Ất Tỵ, chúng ta đã nhận được
phúc lành, thường được gọi là tám mối phúc thật của Chúa Giê-su mà Thánh
Mat-thêu đã ghi chép trong bài giảng trên núi rồi truyền lại. Hôm nay, Thánh
Lu-ca trong bài giảng trên đồng bằng đã trình bầy bốn mối phúc và bốn mối họa.
Tuy
có sự khác biệt giữa hai bản văn; nhưng nói chung tất cả đều là giáo huấn của Đức
Giê-su, do các Thánh sử biên soạn sao cho phù hợp với tình hình của các cộng
đoàn do các ngài coi sóc, và dĩ nhiên những lời chúc phúc này cũng rất cần cho
chúng ta nữa, và bốn mối họa mang tính răn đe và giáo huấn hơn là các lời chúc
dữ!
Như anh chị em đã biết, vào các thế kỷ đầu
tiên, đời sống và các sinh hoạt tôn giáo của các tín hữu trong giai đoạn này gặp
rất nhiều khó khăn. Họ bị khước từ, bắt bớ, giam cầm và rất nhiều người trong
nhóm họ đã trải qua một cuộc sống rất cơ cực, nghèo đói, bị ngược đãi thậm chí
còn bị giết chết. Và như vậy, nhìn thoáng qua chúng ta có thể cho rằng các mối
phúc trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca dường như dành cho nhửng người nghèo khổ
và bị bách hại vì Chúa như hoàn cảnh của họ. Còn bốn mối họa như những lời cảnh
tỉnh dành cho những kẻ giầu có, ăn trên ngồi chốc, bóc lột dân chúng biết mà
thay đổi.
Với
những suy nghĩ như thế, chúng ta có thể cho rằng Chúa Giê-su có cái nhìn khác với
chúng ta. Hình như Chúa đang binh vực và chúc phúc cho những người nghèo khổ
còn những ai giầu có, cuộc sống sung túc và dư thừa lại là các mầm họa. Thật
ra, điều mà Chúa Giê-su muốn nhắm đến chính là hạnh phúc đích thật không nằm ở
sự giầu sang vật chất mà là ở trong sự gắn bó với Thiên Chúa.
Trong
tinh thần đó, chúng ta hãy tìm xem đâu là hạnh phúc thật mà áp dụng.
Tuy
cuộc sống của chúng ta đã khá hơn xưa, không còn bị chèn ép hay bị giết vì danh
Đức Ki-tô một cách công khai nữa; nhưng con người ngày nay lại đi tìm và xây dựng
hạnh phúc cho cuộc sống của mình khác xa với những yêu sách của Tin Mừng. Vì thế,
giá trị các mối phúc của Đức Giê-su vẫn cần thiết. Và cũng chính vì lối tìm hạnh
phúc của chúng ta khác với hạnh phúc Nước Trời nên chúng ta khó chấp nhận giáo
huấn và những lời chúc phúc của Đức Giê-su cho nên mỗi khi nghe liền cảm thấy bị
chói tai.
Nhìn
vào thực tế, ai trong chúng ta lại không mong có nhiều của cải, ăn nên làm ra.
Thế mà Chúa lại nói: “Phúc cho người nghèo khó”. Ai cũng mong cuộc sống bình
an, thoải mái, không sợ bị theo dõi, bắt bớ. Thế mà Đức Giê-su lại nói: “Phúc
cho các con khi bị bắt bớ”.
Vì thế, hạnh phúc đích thật vẫn chỉ
là những ước mơ, mãi mãi là một khát vọng. Còn đau khổ lại chồng chất: Đau khổ
vì nghèo đói, vì bệnh tật, vì chết chóc. Đau khổ vì thất bại, vì chia ly, vì những
cám dỗ đè nặng.
Thật
ra ai cũng biết rằng nghèo và khổ, đói và khát thường đi đôi với nhau. Sống
trong cảnh nghèo, chúng ta mới thấy được các nỗi khó khăn. Và thật tâm mà nói
thì không ai trong chúng ta cứ muốn sống mãi trong hoàn cảnh cơ cực như thế. Họ
cần vươn lên, cố gắng vượt qua mọi gian nan để tìm cơ hội phát triển và khẳng định
chính bản thân. Nhưng làm thế nào để vươn lên là cách ứng xử và lựa chọn của từng
người.
Có
người chọn các phương tiện bất chính, trái với lương tâm, thiếu đạo đức, thiếu
công bằng … nói chung là họ sẵn sàng làm mọi sự để thoát khỏi cảnh nghèo. Và
khi thoát khỏi cảnh cơ cực về mặt vật chất họ lại rơi vào một vũng lầy của tham
lam, tư lợi và cuộc sống cũng chẳng được hạnh phúc. Đó không phải là cách lựa
chọn đúng đắn.
Trái
lại, nếu chúng ta biết chấp nhận cảnh nghèo, sống ngay thẳng và lương thiện rồi
tìm cách vươn lên bằng các cố gắng của bản thân để bước đi từ những bước nhỏ nhất
thì cho dù chúng ta không thành công, vẫn có thể thành nhân và được mọi người
quí mến. Hạnh phúc là ở đó, không tùy thuộc vào cảnh sống nhưng bằng chính thái
độ trong các hoàn cảnh của cuộc sống khiến cho các phúc lành của Thiên Chúa được
biểu lộ trong cách sống của mình.
Nói
như thế, chúng ta không coi thường người nghèo và ca tụng những người có của; bởi
vì giàu có cũng không là điều tất nhiên đem lại hạnh phúc cho con người. Tiền của có thể mua cho họ đủ thứ,
nhưng họ khó mua được hạnh phúc đích thật. Dựa vào một số thống kê mà chúng ta
biết được con số những người giàu đi tìm cái chết để giải thoát những nỗi cô
đơn, trạng thái trầm cảm đông hơn bọn dân nghèo mà biết chấp nhận. Đối với ai
giầu có thì hạnh phúc đích thật vẫn còn là một ước mơ mà họ phải nỗ lực tìm kiếm.
Vấn
đề hạnh phúc chủ yếu ở cái tâm, ở tâm hồn; hạnh phúc không hoàn toàn lệ thuộc
vào vật chất hay của cải mà người đó làm ra. Như vậy, mối phúc thứ nhất có thể
nói là mối phúc căn bản, bao gồm các mối phúc khác là “Phúc cho ai có tâm hồn
hay tinh thần nghèo khó”.
Nhìn
lại lịch sử cứu độ, chúng ta nhận thấy ‘người nghèo’ được Thiên Chúa quan tâm
nhiều hơn. Vì trong cảnh nghèo, con người có thể dễ làm bạn với Thiên Chúa hơn.
Theo truyền thống của Thánh Kinh thì những “người nghèo của Thiên Chúa” không
phải là người có đời sống vật chất khó khăn túng quẫn, mà là kẻ trước hết hoàn
toàn tin tưởng phó thác cậy trông nơi Chúa, lấy Chúa làm gia nghiệp, và luôn
luôn sống trong tình liên đới với anh em đồng loại.
Hơn
thế nữa, căn cứ vào những lời giảng dậy của Đức Giêsu, chúng ta nhận ra rằng hoàn
cảnh của “người nghèo của Thiên Chúa” là một cơ hội giúp họ nhận ra họ mới thật
là người có phúc, là người may mắn, vì chính Thiên Chúa sẽ là hạnh phúc của họ.
Nói
chung, các mối phúc thật xét về mặt nội dung thì cũng chỉ là mối phúc duy nhất:
“Phúc cho những người sống tinh thần nghèo khó”. Và, chỉ có những người nào sống
nghèo mới cảm nhận được sự cần thiết phải nương tựa vào Chúa như thế nào.
Thưa
anh chị em,
Vì
chúng ta, Đức Giê-su đã trở thành người nghèo nhất. Trong cảnh nghèo tột cùng
đó, Người đã để cho quyền năng, sức mạnh và sự giầu có của Thiên Chúa được tỏ
hiện. Như vậy, sau cùng các mối phúc hôm nay đều quy về một mối: Phúc cho ai có lối sống như Đức Giêsu.
Ước mong chúng ta có thể tuyên xưng
hay nói với nhau rằng: những điều chúc phúc của Đức Giê-su trong các mối phúc
thật mà tai chúng ta vừa nghe đã được ứng nghiệm trong cuộc sống của chúng
mình. Một cách cụ thể, chúng ta được mời gọi sống bao dung, rộng lượng và chia
sẻ hầu giúp đỡ những người cùng khốn. Muốn được như thế, chúng ta phải biết
nương tựa vào Chúa hơn là vào tiền bạc và địa vị. Từ đó, chúng ta biết chấp nhận
những đau khổ với lòng tín thác, vì biết rằng Chúa luôn đồng hành với chúng ta.
Sau cùng là sống đẹp lòng Chúa hơn là tìm kiếm danh vọng trần thế. Và như vậy,
các mối phúc của Chúa Giê-su loan báo hôm nay không chỉ là những lời hứa hẹn
cho tương lai mà còn là một lối sống của những ai cảm nhận được niềm vui và
bình an đích thật ngay trong hiện tại.
Sau cùng, xin Chúa giúp chúng ta biết
đặt trọn niềm tin vào Người, để dù giàu hay nghèo, vui hay buồn, chúng ta vẫn
luôn tìm thấy hạnh phúc đích thực trong tình yêu của Thiên Chúa. Amen!
No comments:
Post a Comment