Thursday, 10 July 2025

HÃY ĐI VÀ LÀM NHƯ VẬY


 Câu hỏi của người thông luật “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” mở đầu bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay.

“Sự sống đời đời” là một thực tại mà hầu hết mỗi người tín hữu đều nhắm đến. “Tôi phải làm gì?” nhắc nhở đến bổn phận và trách nhiệm mà chúng ta cần thực hiện ngay bây giờ. Nếu chúng ta không có niềm tin vào sự sống đời đời thì quả thực chúng ta sẽ sống buông thả và thiếu trách nhiệm với Thiên Chúa và tha nhân. Vì thế, cho dù sự sống đời đời thuộc về Thiên Chúa và chúng ta chưa nắm trọn vẹn được; nhưng ngay bây giờ chúng ta cần thực hiện các việc làm để thể hiện lòng mến Chúa và yêu người thì sẽ được sống.

Giả như ông luật sĩ đừng tranh luận thêm và cố gắng thực thi những khoản luật mà ông đã được dậy bảo thì chúng ta không còn gì để tìm hiểu thêm. Nhưng ngay từ đầu của bài tường thuật, người luật sĩ đã không có lòng thành để tìm kiếm, ông đặt câu hỏi nhằm thử Đức Giê-su cho nên giờ này ông nghĩ là tiếp tục bắt bí Người bằng một vấn nạn khác, đó là: “Ai là người thân của tôi?”

Có người cho rằng người thân của họ là những người cùng một huyết thống trong gia tộc: ông bà, cha mẹ, vợ chồng con cái, cháu chắt, v.v… Đúng vậy, và nếu người nhà mình mà mình không yêu, không sống tử tế thì làm sao yêu người khác được. Nhưng, trong thân phận của người tín hữu, chúng ta được mời gọi sống và vượt lên trên tiêu chuẩn nói trên. Và câu trả lời cho câu hỏi “Ai là người thân của tôi?” đã được Đức Giê-su diễn tả thật sống động qua truyện ngắn mà chúng ta hay gọi là dụ ngôn “Người Sa-ma-ri-a nhân hậu.” mà chúng ta vừa được nghe trong phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay.

Truyện ấy xẩy ra trên con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, đây là một đoạn đường đầy nguy hiểm, thường xuyên xẩy ra các nạn cướp của và giết người.

Xẩy ra, có một người mà chúng ta không hề biết gốc tích, gia thế hay địa vị, nói chung là một người vô danh, không hề có bất cứ một chút quan hệ gì với mỗi người chúng ta. Ông đi ngang qua đó và đã rơi vào tay bọn cướp. Chúng cướp hết tiền bạc, đánh ông nhừ tử, thừa sống thiếu chết rồi quăng ông nằm bên vệ đường. Tình trạng của ông cần được cứu cấp.

Cùng vào thời gian đó, có một ông tư tế mà chúng ta hay gọi là ông cha, cũng đi trên con đường đó. Cha nhìn thấy cảnh tượng của người bị nạn bèn quay mặt làm như không thấy gì rồi đi sang lối bên kia để đi.

Lại có một ông luật sĩ, thông thạo và giảng dậy cho dân chúng biết về đạo lý, cũng đi qua, cũng nhìn thấy rồi cũng ngoảnh mặt làm ngơ và rẽ sang lối khác để đi. Tuy trong bản văn chúng ta không hề hay biết lý do tại sao họ lại làm như thế! Cho dù, có một số lý lẽ được đưa ra để bảo vệ cho việc làm của hai vị trọng vọng nói trên, đó là các ngài có chuyện gấp cần phải đi hay sợ bị trở thành ô uế khi đụng chạm vào nạn nhân. Nhưng thái độ sống và việc làm của họ cũng khó chấp nhận. Nói chung chúng ta có thể coi họ là người ‘vô cảm’.

Tình cờ, lại là truyện tình cờ. Nhưng lần tình cờ này đáng cho chúng ta phải suy nghĩ. Số là, cùng vào lúc đó, có một người thuộc dòng giống Sa-ma-ri-a mà người Do Thái coi họ là kẻ thù; vì họ đã dám phế bỏ truyền thồng của tiền nhân, thu nhập các thói tục ngoại giáo và luôn sống trong tình trạng bị ô uế. Họ bị coi như là kẻ thù của người Do Thái.

Giống như vị tư tế và ông kinh sư, người Sa-ma-ri-a cũng đi trên con đường ấy, ông  nhìn thấy nạn nhân nửa sống nửa chết, nằm thoi thóp bên vệ đường. Ông cảm thấy như có lưỡi dao đâm vào tim ông. Bỏ hết mọi sự mà ông dự tính thực hiện sang một bên. Ông dừng lại, tiến lại gần, dùng tất cả khả năng và dụng cụ cứu thương sẵn có để cứu giúp nạn nhân. Chưa xong, ông cảm thấy không thể để người bị cướp này nằm ở lề đường. Ông đưa nạn nhân, người mà ông không hề quen biết đến quán trọ và xin chủ quán săn sóc cẩn thận và mọi chi phí sẽ được bồi hòan khi ông trở lại.

Thưa anh chị em,

Sau đó, thay vì tiếp tục cuộc tranh luận và đưa cho nhà thông luật câu trả lời thì Đức Giê-su đã hỏi ý kiến ông rằng: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?" Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy". Ðức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy". (Luca 10: 30-37)

Người thông luật trả lời thật là chí lý. Kẻ thực thi lòng thương xót, thực hiện việc bác ái là người thân cận của kẻ đang sống dở chết dở. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây không phải là chuyện lý lẽ. Lời xác định của Đức Giêsu làm cho chúng ta suy nghĩ. Ông hãy đi và làm như vậy.

Người thông luật dĩ nhiên là người có học và thông hiểu giáo lý trong đạo. Nhưng hiểu mà làm gì nếu không biết đem ra thực hành. Đó là điều Đức Giêsu nhấn mạnh ở đây: “Hãy đi và làm như vậy”. Khi nói thế Đức Giêsu muốn cho chúng ta biết ý muốn của Người. Việc xác định ai là người thân của tôi không quan trọng về mặt lý thuyết. Nhưng điểm quan trọng là thái độ và cách sống của chúng ta nói lên tiêu chuẩn để xác định mình có là người thân của người khác hay không?

Người thân cận là người có lòng thuơng xót, biết động lòng thương, biết rung động trước nhu cầu của người khác. Một khi mà hành trang trong cuộc sống của chúng ta còn thiếu những khí cụ như tình yêu, lòng thương xót, thông cảm và tha thứ cho nhau, … thì mình vẫn xa lạ với chính mình và chưa là người thân của ai hết.

Chúng ta hãy trở lại với trình thuật của dụ ngôn. Người thân cận không phải là người nửa sống nửa chết, nằm bên vệ đường, đang cần được chăm sóc. Nhưng là người Sa-ma-ri-a biết ‘động lòng’ trước cảnh khốn cùng của kẻ bị (cuộc đời) cướp đi gần như tất cả những gì ông có.

            Không chỉ là người Sa-ma-ri-a mà thôi. Ngay cả chúng ta nữa. Nếu ai ai cũng có tấm lòng như thế thì dù bất cứ ai coi chúng ta là kẻ thù, nhưng với mình thì chẳng ai là kẻ thù hết. Tất cả đều là người thân của nhau. Tất cả những người mà ta gặp trên hành trình sống đều là đối tượng để ta ban phát và ‘động lòng thương’.

Vì vậy, hãy ra đi và ‘động lòng thương’ bởi vì mình luôn là người thân của nhau. Tất cả chúng ta, không phân biệt giới tính, chủng tộc, địa vị, mầu da hay tín ngưỡng... đều là hình ảnh và thành viên của gia đình có người Cha chung là Thiên Chúa. Tất cả đều xứng đáng thừa hưởng sự kính trọng và yêu thương của chúng ta. Giữa chúng ta không có định kiến hay thù ghét, chỉ có thông cảm và yêu thương.

Nhưng trên thực tế chúng ta vẫn chưa thực hiện trọn vẹn những yêu cầu của Chúa hôm nay. Vì thế phải cần ơn Chúa. Với Người, trong Người chúng ta có thể tiến lại gần các nạn nhân, với niềm kính trọng, như người Sa-ma-ri-a đã làm.

Hãy đi và làm như Chúa đã làm là điều Chúa muốn chúng ta thực hiện hôm nay rồi chúng ta sẽ đạt được sự sống đời đời làm gia nệp. Amen!

No comments:

Post a Comment