Anh chị em thân mến,
Hôm nay là Chúa Nhật thứ 13 mùa thường
niên, Hội Thánh cho phép chúng ta mừng trọng thể Lễ hai Thánh Tông Đồ Phê-rô và
Phao-lô. Tại sao lại như thế? Phải chăng việc tôn vinh các ngài cao trọng hơn
‘ngày của Chúa’. Không thật như thế. Chủ đích vẫn là tình yêu của Mẹ Hội Thánh.
Vì yêu thương con cái mình cho nên Hội Thánh muốn chúng ta nhìn lại mẫu gương sống
động mà các ngài đã để lại, hầu giúp chúng ta khám phá ra sự quan tâm và yêu
thương của Thiên Chúa, đấng làm chủ đời các ngài và nhất là không ngừng ban cho
chúng ta những gương sáng để chúng ta noi theo. Vì thế, việc tôn kính và cùng
nhìn lại đời sống của các ngài, không chỉ để ngưỡng mộ, mà còn để ca tụng tình
yêu và sự can thiệp của Thiên Chúa.
Cả hai là những con người rất khác
nhau về xuất thân, tính cách và đời sống đức tin. Nhưng họ có những điểm chung
như: họ đã được Chúa chọn, họ để Chúa biến đổi và sai đi. Và mỗi người một vẻ,
đối tượng tuy khác nhau. Phê-rô được sai đi để rao giảng cho người Do Thái, còn
Phao-lô dành cho dân ngoại. Nhưng cả hai đã cùng nhau rao giảng một Tin Mừng:
Chúa Giê-su, đấng họ hết mực yêu thương, và là Đấng Cứu Độ trần gian.
Như thế, việc nhìn lại cuộc sống, lối
đáp trả và hành trình đức tin của các ngài không chỉ là việc học hỏi lịch sử,
mà còn là một cơ hội giúp chúng ta sống đức tin một cách sâu xa hơn, gắn bó và
thực tế hơn trong sứ mạng của mỗi tín hữu. Và
sau đây là một vài nét chính trong đời sống và hành trình niềm tin của các
ngài, đặc biệt của Thánh Phê-rô, mà tôi tin rằng vẫn còn sức tác động và ảnh hưởng
đến đời sống của chúng ta.
Xuất thân là một người đánh cá tại biển
hồ Ga-li-lê, Phê-rô đã được Chúa gọi và đào tạo ông trở thành kẻ chài lưới người
ta. Và theo giải thích của William Barclay, nhà chú giải Thánh kinh nổi tiếng
bên Scotland, thì các đặc tính của người đánh cá có thể giúp họ dễ dàng trở
thành những kẻ chài lưới người ta một cách tốt hơn. Vậy đâu là những đặc tính của
một người đánh cá chuyên nghiệp, và chúng ta thấy những điều đó nơi Thánh Phêrô
như thế nào?
Người đánh cá không phải lúc nào cũng
đánh được mẻ cá lớn. Có những lần làm việc thâu đêm mà vẫn trắng tay. Thánh
Phêrô cũng từng trải qua điều đó, như đêm ông và các bạn “vất vả suốt đêm mà
không bắt được gì” (Lc 5,5). Nhưng khi nghe Chúa bảo “hãy chèo ra chỗ nước sâu”
thì ông lập tức vâng lời mà thả lưới. Và kết quả là một mẻ cá đầy. Tính kiên nhẫn
và thái độ sẵn sàng mở ra trong vâng phục của Phêrô là bài học cho chúng ta
trong đời sống đức tin. Người tín hữu trung kiên chỉ có thể là một người môn đệ
luôn tìm kiếm và vâng lời Chúa cho dù chúng ta chưa thấy kết quả.
Người đánh cá thường xuyên đối diện với
hiểm nguy, càng ra xa bờ càng gặp nhiều nguy hiểm. Nhưng có ra xa bờ và vào nơi
chỗ nước sâu mới có cơ hội đánh được nhiều cá. Quanh quẩn bên bờ thì chỉ trắng
tay. Cũng vậy, Phêrô đã dám ra khỏi nơi an toàn trên thuyền, bước đi trên mặt
nước đến với Chúa. Trong khi đi trên biển, ông đã có lúc hoảng sợ, nhưng chính
sự can đảm, liều lĩnh trong niềm
tin nơi Chúa đã giúp ông trở thành đá tảng mà Chúa xây Hội Thánh trên đó.
Đặc tính tiếp theo mà chúng ta thấy được
nơi những người đánh cá đó là biết lắng nghe và học hỏi. Một người đánh cá giỏi
không dựa vào sức mình mà còn học hỏi kinh nghiệm, theo dõi thời tiết, quan sát
thiên nhiên. Những điểm này chúng ta cũng nhìn thấy nơi Phêrô.
Cho dù ông rất thẳng thắn, bộc trực,
nóng tính và thường xuyên phạm sai lầm trước khi được sửa đổi. Ông đã tuyên
xưng Thầy mình là Đức KI-tô, nhưng đến khi Chúa mặc khải Đức Ki-tô phải chịu
nhiếu đau khổ thì ông đã không chấp nhận nên Chúa đã khiển trách ông là “Satan,
lui ra đàng sau.” Trong lúc yếu đuối, Phê-rô đã sai lầm nhưng ông không bỏ cuộc,
luôn sẵn sàng học hỏi từ Thầy mình.
Phê-rô đã ba lần chối là ông không hề
biết Chúa. Nhưng với ân huệ của Chúa Phục Sinh, Phê-rô nhớ lại việc ông đã làm,
nhất là việc ông nhận ra lòng thương xót luôn tha thứ của Chúa khi Người muốn
tao một cơ hội để chữa lành vết thương trong tâm hồn khi ông chối Chúa, cho nên
ông đã khiêm tốn thân thưa với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết
con yêu mến Thầy.”
Tình yêu mà Phê-rô tuyên xưng hôm nay
là kết quả tiến trình của một con người đã được yêu thương và hối cải. Phê-rô
đã từng sai lỗi, từng té ngã, nhưng Chúa yêu ông cho nên ông được biến đổi. Nói
khác đi, chính tình yêu của Chúa đã làm thay đổi đời Phê-rô.
Giống Phê-rô, không ai trong chúng ta
là những con người hoàn hảo. Nhưng chúng ta có biết để Chúa uốn nắn, sửa đổi mỗi
khi phạm sai lầm hay không?
Chính Tình yêu Chúa đã khiến Phê-rô
thay đổi. Từ người đánh cá trở thành ngư phủ của Nước Trời. Phê-rô đã dùng
chính kinh nghiệm nghề nghiệp của mình để phục vụ Nước Trời.
Tình yêu nồng cháy của Phê-rô: “Thưa
Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.” dẫn chúng ta bước vào đời
sống cảm nghiệm được Chúa yêu thương của Phao-lô. Trong thư gửi giáo đoàn Roma,
Phao-lô đã khẳng định rằng: Không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của
Đức Ki-tô. Đấng đã yêu mến và hy sinh mạng sống vì ông. (Rm 8,35 và Galat 2,20)
Trước khi được Chúa biến đổi, Thánh
Phaolô là người có quá khứ chống đối đạo. Ông rất nhiệt thành trên đường lùng
kiếm và bắt bớ các tín hữu. Nhưng sau khi gặp Chúa trên đường đi Đa-mát, ông đã được biến đổi và
trở thành vị tông đồ nhiệt thành nhất. Ông không rao giảng bằng lời nói suông,
mà bằng chính mạng sống của mình.
Dù đời sống và hành trình đức tin của
Phêrô và Phaolô khác nhau, nhưng cả hai thánh đều yêu một Chúa, cống hiến cả đời
để phục vụ một Tin Mừng, một Chúa. Gương chứng nhân của hai Thánh đã dậy chúng
ta nhớ rằng:
Thiên Chúa có đường lối riêng cho mỗi
người. Vẫn biết rằng không ai giống ai, nhưng điều quan trọng là mỗi người sống
đúng với ơn gọi của mình, và góp phần xây dựng Nước Trời bằng khả năng và hoàn
cảnh sống của mình.
Cả hai thánh đều đã tử đạo vì Tin Mừng.
Không phải ai trong chúng ta cũng được phúc tử đạo, nhưng lòng trung kiên và sự
trung thành của chúng ta khi sống giữa những thử thách và cạm bẫy của đời sống
hàng ngày cũng là một cách chết dần vì yêu Chúa vậy. Hãy đưa Chúa đến mọi ngã rẽ,
mọi góc khuất trong đời thường.
Thật vây, thế giới hôm nay đang rất cần
những Phêrô mới biết yêu mến và kiên trì, và những Phaolô mới biết dấn thân và
nhiệt thành.
Cho dù chúng ta rất yếu đuối và đã bao
phen từ chối Chúa. Nhưng Chúa vẫn gọi như đã gọi và giúp Phêrô chữa vết thương
trong lòng ông.
Cho dù chúng ta đã phạm phải sai lầm
khi nhiều lần chống đối Chúa, Chúa vẫn can thiệp và chờ đợi ta như đã can thiệp
để thức tỉnh Phaolô.
Chúng ta không cần phải đi đâu xa. Hãy
sống đạo giữa gia đình, nơi làm việc, trên mạng xã hội, vì đó là nơi Chúa sai
chúng ta đến để loan báo Tin Mừng.
Xin Chúa giúp chúng ta không chỉ tôn
kính hai thánh tông đồ hôm nay, mà còn nhờ lời cầu nguyện và gương sáng của các
ngài, chúng ta luôn là chứng nhân trung tín để làm chứng cho tình yêu của Chúa
giữa thời đại hôm nay. Amen!
No comments:
Post a Comment