Tuần truớc, Thánh Matthew đã dậy chúng ta bài học về việc sửa
lỗi, hoà giải và giúp nhau kiện toàn trong việc xây dựng cộng đoàn. Đây là một
việc rất cần thiết. Tuy nhiên, đó cũng là một việc thật tế nhị và khó khăn. Tế
nhị vì chúng ta thường có khuynh hướng giáo huấn, lên mặt thầy đời dậy dỗ người
khác hơn là giúp họ. Chúng ta cần khiêm nhường hơn trong công tác này. Một khi
chúng ta đến với họ vì yêu thương thì việc giúp họ nhận ra lỗi lầm dễ được đón
nhận hơn. Trái lại, một khi tự ái bị đụng chạm thì thay vì đón nhận họ lại cố
chấp và từ khước sự giúp đỡ. Từ muôn thuở ‘cái tôi’ vẫn là điều khó vượt qua nhất.
Hôm nay, Chúa lại đòi hỏi chúng ta phải tha liên lỷ, tha
không điều kiện, tha không giới hạn. Vẫn biết đây là việc thật khó khăn, nhưng
nếu không làm thì cuộc sống sẽ thiếu hạnh phúc và niềm vui; nói chi đến toại
nguyện?
Truyền thống tiền nhân dậy Thánh Phêrô và nhóm bạn của ông chỉ
cần tha 3 lần là quá đủ. Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Thánh Phêrô, lại
cũng là Phêrô, nhanh trí cho rằng nếu ông tha đến 7 lần, tức là ông đã là một
việc làm thật quảng đại và không còn chê vào đâu. Nhưng với con số 77 lần 7
Chúa đưa ra lại làm cho thánh nhân ngỡ ngàng. Chúa đòi hỏi ông và nhóm bạn của
ông phải tha liên lỷ, tha không giới hạn.
Đây không chỉ là lời mời gọi hay yêu cầu nhưng là mệnh lệnh.
Bởi vì trong dụ ngôn kế tiếp Chúa đã xác định cho chúng ta nhận biết rằng: việc
tha thứ này không tùy thuộc vào khả năng của chúng ta; nhưng đó là hiệu quả của
ơn tha thứ mà chúng ta đã nhận từ Chúa., như trong Kinh Lậy Cha, chúng ta đã cả
gan dám xin điều quá sức mình: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ
có nợ chúng con.”
Hồi tưởng lại quá khứ, tôi thấy nuối tiếc cách cư xử với nhau
trong thời thơ ấu, lúc mình còn là trẻ con. Lúc đó chỉ biết vui chơi, phá
phách; nhưng lại hồn nhiên. Sáng đập nhau xưng đầu sứt trán, chiều bên nhau
không chút giận hờn. Không bắt lỗi nhau, làm gì có giận hờn mà cần tha thứ. Trẻ
con là vậy. Vừa bị đẩy té đập đầu xuống đất; đứng dậy, xoa đầu rồi tìm thủ phạm,
chửi đổng vài câu hay cùng lắm nện nó vài cái là huề cả làng.
Đến khi lớn lên, học khôn đủ thứ. Nhưng chỉ có việc tha thứ
là ngu dốt. Phải chăng vì ích kỷ và thích làm chủ nên khó chấp nhận? Chúng ta
có biết đâu khi tha cho tha nhân là tha cho chính mình. Giận hờn và ghen ghét
chỉ làm cho mình thêm đau khổ. Đã bao nhiêu đêm mất ngủ, trằn trọc chỉ vì giận
hờn và ghen ghét; chưa kể có người còn tính trăm phương nghìn kế để trả thù và
triệt hạ nhau. Một khi đã tha cho họ rồi lòng mình cảm thấy thật thư thái và
bình an. Tất cả đều là bạn hữu, cùng nắm tay nhau đi quả thật vui thú biết bao!
Tuy nhiên, không dễ dàng khi làm được việc này. Tha thứ không
xuất phát từ tình yêu vẫn chỉ là việc quên tạm thời và chờ cơ hội để tính sổ tiếp.
Tha thứ xuất phát từ lòng yêu mến sẽ đem đến kết quả tồn tại lâu dài.
Chúa dạy chúng ta hãy yêu mến Chúa và tha nhân. Yêu Chúa như
Chúa yêu. Tha thứ như Chúa đã tha thứ và chấp nhận lỗi lầm của nhau, nhất là của
người thân cận, không phải là việc dễ làm. Có lẽ, suốt đời chúng ta vẫn bị mệnh
lệnh này cật vấn.
Làm thế nào chúng ta có thể tha nợ nếu không mắc nợ nhau? Hay
làm sao tôi có thể tha tội (lỗi) cho người khác nếu anh hay chị không phạm tội
(lỗi) với tôi và ngược lại?
Làm sao chúng ta có thể tha thứ cho người đã lợi dụng, chà đạp
niềm tin và tình yêu khi mình dâng trọn cuộc đời vì yêu cho người đó?
Làm sao, anh hay chị có thể tha thứ cho người bạn đời đã
không chung thủy trong tình nghĩa vợ chồng và chia sẻ niềm vui chăn gối với người
khác?
Trong thời gian qua, chúng ta đã nghe qua nhiều về hiện tượng
lạm dụng tình dục của một số rất ít các giáo sĩ, đã lạm dụng uy quyền của mình
làm các điều tổn hại đến cuộc đời và tương lai của các trẻ em. Làm thế nào để
các nạn nhân có thể tha thứ cho các tội ác như thế?
Giả như đã có ai làm đươc việc này thì họ cũng đã trải qua một
giai đoạn thật thương tâm. Cuộc sống của họ trải qua những cơn sóng gió về mặt
nội tâm và tình cảm như: tim bị tan vỡ, kinh nghiệm bị phản bội, giận dữ chính
mình và người khác…, tuyệt vọng, chán sống… Đối với họ, không chỉ là việc tha
thứ (forgiveness) cho kẻ có lỗi với họ
mà thôi; họ cần hoà giải (reconcilation) với chính bản thân và thời gian để được
chữa lành (healing). Theo tôi, các yếu tố đó rất cần thiết cho tiến trình phục
hồi.
Huấn lịnh của Chúa hôm nay mời chúng ta đặt lại vấn đề căn bản:
Đạo Công giáo không chỉ gồm tóm những điều khoản phải giữ; nhưng là con đường tha
thứ và yêu thương. Vì thế, cách sống đạo của chúng ta không chỉ dựa vào chuyện
đọc kinh ê a, dài dòng, hoặc tổ chức các chuyến hành hương, tụ họp biểu dương
niềm tin tôn giáo; nhưng còn phải và nhất là: Tha Thứ và Yêu Thương.
Cho dù tha thứ cho nhau không là điều dễ thực hiện, nhưng lại
rất khẩn thiết. Thành viên của cộng đoàn đó chỉ có thể thực hiện được huấn lệnh
này khi họ cảm nhận được việc tha thứ của Thiên Chúa, Đấng hiện diện và hoạt động
trong mỗi cá nhân và mọi sinh hoạt chung của cộng đoàn.
Ước mong tất cả chúng ta biết chia sẻ cho nhau kinh nghiệm
tha thứ mà Chúa đã thực hiện trong cuộc sống của chúng ta. Amen!