Wednesday, 31 January 2018

MỘT NGÀY LÀM VIỆC CỦA ĐỨC GIÊ-SU, CÒN CHÚNG TA?


Bài đọc thứ nhất hôm nay, trích sách ông Gióp, bàn về đau khổ. Tuy ông đã vượt qua bao thử thách; nhưng cũng có lúc ông cảm thấy như không còn sức để đi tiếp. Trong cơn thử thách hầu như không chịu nổi; vì quá uất ức và đau khổ nên ông mới thốt lên những lời đầy bi quan như “chừng nào tôi mới thức dậy, và chừng nào là đến chiều? Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối. Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào.”

Tuy vậy, ông cũng không để cho buồn chán, uất ức và đau khổ làm chủ cuộc sống của ông. Bởi vì, tình trạng đau khổ của ông tuy kéo dài nhưng niềm tin của ông vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng không hề bỏ rơi ông mới là các điểm chính mà tác giả muốn gửi đến cho chúng ta. Cuối cùng ông Gióp đã tìm lại được tất cả.

Ai trong chúng ta chẳng biết rằng đau khổ là một phần của đời sống. Không ai trong chúng ta có thể chạy trốn hay tránh né nó. Hãy đối diện bằng niềm tin. Dũng khí của Thiên Chúa ban cho sẽ là khí cụ giúp chúng ta an bình để chấp nhận những khổ đau.

Từ câu chuyện của ông Gióp, chúng ta rút ra được bài học, đó là luôn tin tưởng vào lòng thành tín và yêu thương của Thiên Chúa, Đấng chỉ muốn cho con người có cuộc sống tốt đẹp và tràn ngập hạnh phúc. Còn khổ đau phần đông là do cách đối xử của chúng ta như: thiếu yêu thương, thiếu kiên nhẫn hay bắt bẻ, xét nét và không cảm thông cho những bất toàn của nhau để rồi làm khổ nhau.

Nếu không có đau khổ, bất hạnh thì làm sao con người biết trân quí cái gì là hạnh phúc! Vì vậy, mặc dầu đau khổ gắn liền với thân phận con người, nhưng nó lại là một cơ hội để con người đến với nhau bằng sự cảm thông, yêu thương, hỗ trợ, ủi an và giúp đỡ nhau. Đó chính là hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy qua cuộc sống, công việc mà Đức Giê-su thực hiện trong trình thuật mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay.

Bài Tin Mừng tuần này có thể được mô tả như phần thứ hai trong ngày làm việc đầu tiên của Đức Giê-su tại Ca-pha-na-um. Sau phần giảng dậy và chữa người bị quỷ ám trong hội đường. Đức Giê-su cùng với các môn đệ đi đến nhà mẹ vợ của ông Simon, sau này gọi là Phê-rô. Việc Đức Giê-su từ hội đường về nhà là một việc rất tự nhiên và bình thường. Người giống như chúng ta cần nghỉ ngơi sau cơn vất vả; cần được bồi dưỡng mỗi khi đói hay khát. Nhưng, chi tiết này không vô tình khi được nhấn mạnh. Đây là một chi tiết thật quan trọng.

Chúng ta vẫn chưa quên rằng tất cả các sách Tin Mừng được hoàn thành sau khi đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá. Sau biến cố thật đau thương đó, anh chị em tín hữu tiên khởi, nhất là những tín hữu gốc Do Thái không còn cơ hội lên đền thờ để thờ phượng nữa. Vì thế, họ dùng nhà riêng để cử hành việc bẻ bánh và các nghi thức phụng vụ thờ phượng Chúa.

Còn thêm một chi tiết khác, trong đoạn sau của bài Tin Mừng hôm nay, khi mô tả việc Đức Giê-su chữa cho nhiều người, Thánh sử Mác-cô đã mô tả là ‘cả thành xúm lại trước cửa’. Cửa ở đây không phải là cửa nhà hay sao. Như vậỵ thật quan trong khi ý niệm ‘giáo hội tại gia’ được đề cao và nhấn mạnh trong giai đoạn khởi đầu và vô cùng quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh.


Hội Thánh hoàn vũ như hiện nay không cần đi lùi lại thời điểm này. Nhưng yếu tố này  nhắc nhở chúng ta một điều thật quan trọng là nếu chúng ta quá chú trọng đến việc cử hành phụng tự tại các đền thờ đồ sộ, nguy nga và tráng lệ. Rồi đến một lúc, đền thờ không còn thì chúng ta thờ phượng ở đâu. Tinh thần và chân lý vẫn có thể được bắt đầu tại các ‘giáo hội tại gia’. Tình yêu mà không được bắt đầu từ gia đình thì chúng ta biết tìm nó ở đâu đây!

Các công việc trong một căn nhà phần lớn lệ thuộc vào người phụ nữ. Trong trình thuật hôm nay, chúng ta không biết mẹ vợ ông Simon Phê-rô tên là gì? Và nếu bà bị ốm thì cũng còn vợ ông Phê-rô đứng ra lo việc đón tiếp Đức Giê-su. Nhưng vợ của Simon Phê-rô không được nói đến lại là một cơ hội để chúng ta nhìn ra vai trò của người phụ nữ trong sứ mạng của người môn đệ. Nhiệm vụ của các chị mà một số người gọi là nữ quyền thật quan trọng và đáng được tôn vinh. Đó là các chị đến để phục vụ chứ không đến để được phục vụ như lời nói của Chúa: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạnh sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:43-45)

Ngày hôm nay, mỗi khi lên sơn sốt chúng ta chỉ cần 2 viên Panadol là xong. Bà mẹ vợ ông Simon Phê-rô yếu liệt và không thể đi lại được là do cơn sốt cuả bịnh sốt rét hành hạ. Thế mà, ngay sau khi được chữa khỏi bà đã lập tức đứng dậy để phục vụ và thực hành đức ái. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong Tin Mừng thực hành nhiệm vụ của người môn đệ, đến để phục vụ tha nhân, chứ không phải đến để được người khác phục vụ. Điều này cũng có thể giúp chúng ta nhận ra rằng chỉ vì cơn sốt khiến bà không thể chia sẻ hồng ân để phục vụ người khác. Nói khác đi, vai trò của một người hiếu khách và thích phục vụ đã đuợc trao ban. Vì bịnh tật mà công việc này bị dở dang. Nay qua bàn tay của Đức Giê-su, chúng ta đuợc phục hồi không chỉ để lo cho mình mà còn lo cho tha nhân mới là nhiệm vụ chính.
Ngày nay với nền tiến bộ của y học, đã có nhiều chứng bệnh được chữa khỏi. Tuy nhiên, bịnh hoạn tật nguyền vẫn là nguyên nhân khiến con người bị suy nhược về tinh thần lẫn thể xác. Nó khiến chúng ta mất tự tin, các sinh hoạt bị đình trệ hoặc tắc nghẽn. Họ cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ, y tá và những nhân viên chuyên nghiệp. Nói chung tự mình không lo được cho bản thân mà phải nhờ đến người khác giúp đỡ.

Như hoàn cảnh của bà mẹ vợ ông Simon, bà bị trói trên giường thế nào thì bịnh tật cũng làm cho mọi sinh hoạt của con người thu hẹp lại. Đức Giê-su không chỉ chữa cho bà và chúng ta  khỏi bệnh mà còn nối kết chúng ta lại với những gì trước đây đã bị tắc nghẽn, bị gián đoạn. Đức Giê-su hoàn trả lại cho người vừa được khỏi bịnh căn tính của một con người, không còn bị ngăn trở. Họ tiếp tục các công việc đang bị dở dang.

Sau đó, đến phần Đức Giê-su lén rời Ca-pha-na-um. Đây là một thói quen tốt lành thường xẩy ra trong cuộc sống của Người. Đức Giê-su thường bắt đầu một ngày mới bằng việc cầu nguyện, liên kết và đàm thoại với Cha. Thật vậy, lại một lần nữa, chúng ta không được biết là Đức Giê-su đã cầu nguyện gì với Cha hôm nay. Chúng ta có thể dựa vào những câu tiếp theo để tìm hiểu và suy đoán được phần nào ý của Người.  

Trước khi tìm hiểu. Chúng ta cần thống nhất với nhau điểm chung này là Đức Giê-su đến để thi hành ý muốn của Cha và làm cho ý Cha được hiển thắng. Còn về phần Người, chắc hẳn không đi tìm sự tôn vinh của người đời hay của những kẻ đi theo Người. Vinh quang đó tùy thuộc nơi Cha. Còn phần Đức Giê-su, chu toàn tôn ý của Cha là sứ mạng của Người.

Với nhận xét này, chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa lời yêu cầu của Simon Phê-rô: “Mọi người đang tìm Thầy đấy.” Dân chúng tìm Đức Giê-su để được chữa cho khỏi bịnh hay là họ tìm để tôn vinh Chúa? Cả hai điều hình như đều không hợp ý Đức Giê-su cho lắm.
Bởi vì, việc chữa cho người ta khỏi các bịnh tật về phần xác là điều cần thiết, nói lên tình yêu và lòng thương xót của Đức Giê-su. Nhưng, Đức Giê-su đến trần gian không chỉ để chữa cho người ta hết bịnh về phần xác. Và nếu sứ vụ của Người chỉ thu hẹp trong phạm vi đó thì đến lúc Người trở về với Thiên Chúa thì bịnh tật và đau khổ vẫn tiếp tục làm khổ con người. Thật sự có thể chứng minh cho chúng ta điều này. Vấn đề vẫn còn nguyên, không giải quyết được gì!

Như vậy, mục đích tìm kiếm của dân chúng xem ra không chính đáng cho lắm. Và, khi  chữa bịnh Đức Giê-su cũng không làm để thỏa mãn nhu cầu của dân chúng, cho bằng công bố một sứ điệp thật quan trọng là Nước Thiên Chúa đã gần bên. Uy quyền của Satan sẽ bị trục xuất để hoàn lại bản chất đích thực của con người như đã được tạo dựng. Đó là việc chúng ta phải nhìn ra và tiếp tục công việc của Người cho đến mọi thời. Hãy để việc chữa bịnh cho những ai được ơn đó. Phần chúng ta hãy đến với nhau bằng sự cảm thông, yêu thương, hỗ trợ, ủi an và giúp đỡ nhau. Đó chính là các phương dược hữu hiệu có thể giúp con người đối diện với bịnh tật và đau khổ.


Còn nếu họ tìm để tôn vinh Thầy thì như anh chị em đều biết là Đức Giê-su luôn tìm cách để trốn họ. Bởi vì vinh quang thuộc về Thiên Chúa. Người không phục vụ để thế gian khen tặng. Nhưng thi hành triệt để tôn ý của Cha là mục tiêu và lẽ sống của Người. Còn vinh quang có được ban tặng hay không hoàn toàn tuỳ thuộc nơi Cha.

Đức Giê-su không chỉ lẩn trốn rồi đi vào các nơi hoang vắng để cầu nguyện mà thôi; nhưng Người còn lẩn tránh những ai hiểu sai ý định của Thiên Chúa. Người đến trong trần gian để làm việc đó, hôm nay Người lại ‘ra đi để làm việc đó’. Có nghĩa là Đức Giê-su hoàn toàn tự do trong việc việc rao giảng. Không một thế lực nào, không một truyền thống nào có thể tạo nên một sức ép để điều khiển Người. Đức Giê-su hoàn toàn tự do để công bố rằng: Uy quyền của Thiên Chúa đã đến và con người không còn thống trị bởi sự ác nữa.


Vì thế, chúng ta hãy đến với Người, ở lại trong Người và cùng Người làm việc để Uy quyền và Danh Thánh của Thiên Chúa được cả sáng hơn. Bằng thái độ sống như thế, chúng ta tin rằng mọi tình huống khiến cho con người bị đau khổ sẽ giảm bớt hơn. Amen! 

Wednesday, 24 January 2018

AI CÓ UY QUYỀN NHƯ THẾ?



Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả sách Đệ Nhị Luật đã trình bầy về vai trò và sứ vụ của ngôn sứ trong cộng đồng Do Thái. Ơn gọi ngôn sứ thật cao cả. Ngôn sứ là người nói Lời Chúa. Ai cho ngôn sứ quyền đó? Thẩm quyền đó trực tiếp đến từ Thiên Chúa. Còn dân chúng, họ sẽ nghe và học những điều Thiên Chúa dùng miệng các ngôn sứ để nói cho họ. Nếu vị ngôn sứ này lợi dụng quyền năng của Thiên Chúa để củng cố vị trí của ông ta thì số phận ộng ta sẽ phải chết. Nếu vị ngôn sứ nói về tương lai, mà các điều do miệng ông nói ra không có chứng thực, thì ông đã nói theo ý riêng. Và những gì ông loan báo sẽ không được Thiên Chúa chứng thực.

Như thế, các ngôn sứ có vai trò thật quan trọng trong việc hình thành và phát triển dân Thiên Chúa. Trách nhiệm của ngôn sứ thật năng nề. Họ phải trung thành và nói đúng theo ý Chúa muốn. Số phận của họ thường rất bi thảm vì dám làm chứng cho sự thật và những kẻ có quyền thường không ưa họ.

Trong cùng một ý hướng đó, trình thuật Tin Mừng tuần này trình bầy cho chúng ta nhìn thấy vai trò ngôn sứ của Đức Giêsu. Qua lời giảng dậy và các chứng cứ kèm theo khiến chúng ta phải nhìn nhận rằng Triều đại và uy quyền của Thiên Chúa đã đến. Chúng ta không được biết nội dung lời giảng dậy của Đức Giêsu như thế nào. Tuy nhiên, điều mà Thánh Mác-cô muốn nhắm đến là phản ứng và thái độ của dân chúng trước lời giảng dậy của Người. Đức Giê-su đã không vịn vào bất cứ một truyền thống nào để hỗ trợ cho lời rao giảng của mình. Chính Lời giảng và các chứng từ kèm theo của Đức Giê-su khiến họ phải ngỡ ngàng và nhận ra trong Lời giảng dậy của Người có uy quyền. Đó là điều mà Thánh sử đã xác định ngay từ đầu: “Thiên hạ sửng sốt về Lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.”

Và cũng trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được chứng kiến thêm cuộc đối thoại, đúng hơn là cuộc chiến bằng Lời của Đức Giê-su và thần ô uế. Cuối cùng, Đức Giê-su đã chiến thắng, và qua đó Người đã trục xuất thần ô uế ra khỏi người bị ám. Hơn thế nữa, Người đã trả lại phẩm giá và căn tính làm người cho ông. Điều này xuất phát từ tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng muốn chúng ta biết rằng phẩm giá và căn tính của thân phận làm người không khi nào bị thống trị bởi quyền lực sự dữ. Nhưng ngay lúc con người thiết lập tương quan với Thiên Chúa là lúc chúng ta để cho quyền lực của Thiên Chúa trở thành hiện thực và giải thoát mình. Phải chăng Đức Giê-su đã đến, đi vào nhà của Người để xua đuổi thần ô uế, kẻ chiếm đóng ra khỏi xác thịt, và đem lại cho thân xác chúng ta phẩm giá xứng đáng là Đền thờ của Thiên Chúa?

Anh chị em thân mến,
Qua bí tích rửa tội, chúng ta đã gia nhập vào hàng ngũ của những người môn đệ; chúng ta là chi thể của Đức Kitô là tư tế, ngôn sứ và vương đế đến cõi sống đời đời. Để chu toàn vai trò ngôn sứ, chúng ta phải học để nói Lời Chúa, và cuộc sống mình cần phản ảnh sứ vụ của Đức Giê-su. Chúng ta vẫn biết rằng không bao giờ chúng ta trở nên và giống Chúa hoàn toàn. Và không phải tất cả chúng ta đều có năng quyền xua trừ ma quỷ hay các ảnh hưởng của nó. Chỉ một số người được trao ban cho đặc ân, họ mới có năng quyền trên các tà thần. Tuy nhiên, nói chung, ai trong chúng ta cũng có thể nói lời yêu thương, hành động vì lòng mến. Và đó chính là những điều mới lạ, phi thường mà thế giới này đang cần.
Sau đây là một số chứng từ được ghi nhận để anh chị em cùng suy nghĩ.

Trong nhà Dòng có một linh mục đã truyền giáo cả đời bên Phi luật Tân. Khi đến tuổi về hưu, ngài được gọi về Úc để gần gũi anh em và người thân trong gia đình. Vào những giờ rảnh rỗi, tôi thường đến hỏi thăm và nghe ngài kể lại các truyện vui buồn trong cuộc đời truyền giáo. Có một câu chuyện mà ngài vẫn thường kể đi kể lại mà không hề thấy chán.

Truyện kể như sau: Trong thời gian làm việc với nhóm người thuộc dân tộc thiểu số -Dumagat- bên Phi luật Tân. Một lần kia, trong lúc đi vào buôn làng. Ngài nghe thấy tiếng nói rất hung hăng và cử chỉ thật dữ tợn của một chàng thanh niên thuộc buôn làng đó. Hình như anh này đã uống quá chén cho nên không còn kềm chế được bản thân. Có một nhóm nhân viên công lực đi ngang qua. Nhìn thấy cảnh tượng như thế, họ tính dùng vũ lực để áp chế và còng tay anh chàng say rượu này rồi đưa về đồn.

Ngay lúc đó, có một ông cụ đã từng dậy học cho những người thiểu số tại làng đó đi ngang qua. Nghe đâu khi còn là thầy giáo, ông đã dùng tình thương thay vì roi đòn để giáo dục lớp trẻ trong làng. Thấy tình hình đó, ông thầy giáo già xin nhân viên cảnh sát cho phép ông gặp để khuyên anh ta. Ông đến gần và choàng tay qua vai người đó rồi nhỏ nhẹ nói: “Jim, đừng làm những chuyện quá trớn. Hãy điềm tĩnh và về nhà đi con.” Qua cử chỉ và lời nói thật thân thương của ông thầy giáo đó, Jim có vẻ như đã biến thành một người khác. Trông anh không còn giống như người say rượu nữa, miệng lí nhí nói câu chào thầy. Sau đó, anh bình tĩnh đi về hướng mấy ông cảnh sát nói lời xin lỗi vì đã làm huyên náo xóm làng, rồi đi về nhà trước các cặp mắt đầy ngạc nhiên của các kẻ có quyền. Họ tự hỏi nhau rằng: “Ông thầy này là ai mà chỉ bằng một câu nói đã có thể biến một người đang hung hăng trở nên thuần thục như vậy!”

Đó là truyện xẩy ra bên Phi.
Còn bên nhà chúng ta thì sao?
Anh chị em thân mến. Tôi tin rằng, có nhiều người trong chúng ta đã làm được các việc giống như thế. Ở đây, tôi xin mượn lại một sự kiện đã được cố giáo sư Nguyễn Ngọc Lan ghi trong “Chủ nhật hồng giữa mùa tím.”  Sau năm 1975, có một người bị bịnh phong cùi ra ngồi ăn xin tại chợ Bến Thành. Anh ta xem ra có vẻ hơi hung hăng và sẵn sàng cắn người nào không làm theo ý của anh. Không ai dám đến gần, vì sợ nếu bị ông ta cắn thì có thể bị lây nhiễm bịnh phong cùi. Các nhân viên công an cũng sợ. Thấy thế anh ta càng hung hăng hơn. Cho đến lúc họ dự định dùng vũ lực để trói anh lại. Ngay lúc đó, có người đến báo cho bịnh xá chuyên trị bịnh da liễu gần đó. Dì Hai Loan nhận được tin báo, lập tức đi đến hiện trường và nhận ra anh là một trong những bịnh nhân do các dì coi sóc. Nhìn thấy anh, dì tiến đến gần, với một giọng nhỏ nhẹ, cực kỳ dễ thương, dì nói: “Trời ơi! Tại sao con lại ở đây. Các dì và những người bạn của con đang lo lắng cho con. Đứng dậy, rồi đi với dì về nhà.” Không một chút phản kháng, anh lập tức đứng dậy và theo chân dì Hai Loan đi về như một chú chiên con.” Các chú công an, những người qua đường nhìn thấy hiện tượng đó bằng một cặp mắt ngạc nhiên và kính phục. Họ tự hỏi nhau rằng: “Bà này là ai mà lại có uy quyền như thế!”

Các hiện tượng này làm tôi nhớ lại phản ứng của dân thành Ca-pha-na-um đã dành cho Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân theo!”

Những người thấp cổ bé miệng, không có quyền lực, bị ngược đãi và coi như thành phần lạc hậu, chậm tiến vì còn tin vào những điều dị đoan: làm dấu trước khi ăn như nữ tu Ngọc Loan trong chứng từ nói trên, lại trở nên vũ khí bén nhọn mà Thiên Chúa dùng để biến đổi người khác.

Trong khi đó, có những người được tuyển chọn vào hàng ngũ các đấng các bậc. Họ đã dùng các cách thức và phương tiện hiện đại không để thông truyền Lời; nhưng lại tô điểm cho chính mình. Họ trình bầy quá nhiều ‘points’, nhưng chẳng có chút ‘uy quyền – power, authority’ nào chứng thực cho các ‘điểm-point’ mà họ đã trình bầy hết.

Ước vọng của dân chúng mọi thời đều giống nhau. Họ ước mong được nghe những lời giảng ích lợi cho cuộc sống, nhưng tốt hơn vẫn cần có các chứng từ kèm theo để chứng thực những lời nói hay lời giảng đó được xuất phát từ Chúa. Mới đây, tôi được nghe một linh mục thú nhận rằng bản thân ông đã dùng Lời Chúa để hỗ trợ cho các ý tưởng và dự án của mình hơn là để cho Lời Chúa hướng dẫn ông. Tôi cảm phục người bạn đồng nghiệp này, vì ông ta dám nhìn nhận và nói sự thật của chính ông. Trong khi đó, cũng có đấng mỗi lần bước lên bục giảng lại nói những lời diễu cợt để mua vui; thậm chí còn có bậc vị vọng dùng Lời Chúa làm bàn đạp để ‘mài dũa’ dân chúng. Tuy nhiên không phải ai cũng như thế. Trong một lần tĩnh tâm do cố Viện Phụ Vuơng đình Lâm hướng dẫn. Nội dung các bài giảng và cách thức truyền đạt cuả ngài rất bình thường; nhưng lại đánh động tôi bằng những dấu ấn khó quên. Lời giảng của Ngài dường như có sức mạnh của lửa, nhằm sưởi ấm tâm hồn nguội lạnh như tôi. Quả thật, rất khó để nhận định ai là ngôn sứ thật, ai là ngôn sứ giả. Trong Chúa thì mọi sự đều có thể.

Khi ghi nhận các hiện tượng nói trên, tôi không dám ‘bới lông tìm vết’ hay ‘vạch áo cho người xem lưng’. Thú thật chính bản thân tôi cũng lâm vào hoàn cảnh tiêu cực nói trên; có nghĩa là thay vì để cho Lời Chúa hướng dẫn thì lại hướng dẫn Lời Chúa. Đứng trước các hiện tượng nói trên, chúng ta không nên bi quan quá. Nhưng hãy tin rằng Chúa có lối giáo dục của Ngài và Ngài rất kiên nhẫn trong việc sửa dậy con người; còn tất cả chúng ta vẫn còn đang đi trên con đường sám hối để được Chúa thành toàn.

Trở lại với ơn gọi ngôn sứ trong phận vụ của người tín hữu, chúng ta xác tín rằng ai cũng được mời gọi để cổ vũ, hỗ trợ và thi hành sứ mạng ngôn sứ mà chúng ta đã được trao ban. Vẫn biết là ngoài vai trò ngôn sứ, còn nhiều ơn gọi và đặc sủng khác để xây dựng cộng đoàn dân Chúa. Nhưng, hữu hiệu hơn cả vẫn là vai trò ngôn sứ; vì ngôn sứ nói Lời Chúa và khi trung thực với sứ mạng, các ngôn sứ đều vượt lên trên mọi cơ cấu, qui chế và các thứ quyền lực có thể làm cho Lời bị bóp nghẽn.  


Chỉ có lời nói hay lời rao giảng đi kèm với hành động yêu thương mới chứng thực rằng chúng ta có uy quyền và uy quyền đó từ Thiên Chúa. Ai cũng đuợc Chúa yêu thương. Đây là một hồng ân thật cao cả, một chân lý luôn luôn mới và không bao giờ bị phai lạt. Qua lời nói kèm theo với các chứng từ, chúng ta được mời gọi làm cho người khác nhận ra điều khác lạ và mới mẻ để tôn vinh Chúa. Chỉ có ai dám sống cho cái gì tồn tại mãi mới dẫn họ đến sự sống đời đời. Nói khác đi, Sống Lời Chúa dẫn chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu. Cầu xin được như thế, Amen! 

Wednesday, 17 January 2018

SÁM HỐI TRONG HÀNH TRÌNH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ




Phụng vụ Lời Chúa hôm nay có thể coi là phần bổ sung cho chủ đề ơn gọi mà chúng ta đã tìm hiểu trong các bài đọc của Chúa Nhật tuần trước. Thiên Chúa không thiên vị. Tất cả đều được mời gọi tham dự vào việc xây dựng và thay đổi thế giới mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn. Việc tham dự này không phát sinh từ sáng kiến hay nằm trong chủ đích của con người; nhưng đó là sáng kiến của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có bổn phận đáp trả. Chúa gọi và chúng ta đáp trả. Việc gọi và đáp trả như thế được đặt trên nền tảng của cuộc gặp gỡ giữa Chúa và ta. Mỗi lần gặp gỡ như thế đều làm ta đổi mới. Chúng ta có thể nói, cuộc sống và hành trình của người môn đệ được kết nối bởi những cuộc gặp gỡ và đổi mới không ngừng. Muốn đổi mới chúng ta cần nhận ra chính mình mà từ bỏ. Từ bỏ là việc mà các môn đệ của Chúa cần ghi nhớ và thực hiện luôn. Môn đệ của Chúa cần từ bỏ nếp sống cũ và mặc lấy con người mới trong Đức Kitô.

Chính vì thế, trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, trước khi kêu gọi Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan trở thành những môn đệ, Chúa đã công bố về sự hiện diện của Triều Đại Nước Thiên Chúa. Phần chúng ta hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Vì thế, xin đề nghị với anh chị em dành đôi phút để tìm hiểu về lệnh truyền sám hối và tin vào Tin Mừng của Chúa trong Chúa nhật hôm nay.

Thưa anh chị em,
Trong sự tích sa ngã của con người trong sách Sáng Thế. Chúng ta nhận thấy sự tội đã hiện diện trước khi con người bất tuân. Con người không tạo ra tội, nhưng tiếp tục sự hiện hữu của nó bằng việc ưng thuận và để cho quyền lực của sự tội thống trị. Tội có nguồn gốc riêng, luôn luôn đối nghịch với uy quyền của Thiên Chúa, và con người vừa là nạn nhân vừa là tác nhân cho sự hoành hành và phát triển đó.

Bằng kinh nghiệm sống, chúng ta cảm nghiệm được sự thống trị này: con người khó khăn trong việc thiện và dễ dàng chiều theo sự xấu. Chúng ta thường sống theo ý muốn của mình hơn là ý định của Thiên Chúa. Và như vậy tương quan giữa Thiên Chúa và ta cũng bị đứt đoạn. Từ sự đứt đoạn đó, như Adam, chúng ta đi trốn: trốn Thiên Chúa, trốn nhau và trốn chính mình. Từ sự rạn nứt trong tương quan với Thiên Chúa, con người đi đến sự đổ vỡ khác. Câu nói ngọt ngào “phen này nàng là xương bởi xương tôi thịt bởi thịt tôi” của giây phút thân tình, đã biến thành kiểu nói gay gắt: tại cái người đàn bà mà Chúa đã đặt bên con nên con đã ăn. Con người không dám nhìn nhận việc mình đã làm, lại đổ thừa cho người khác và gián tiếp đổ thừa cho Chúa (giả như không có người đàn bà đó thì đời con đâu đến nông nỗi này). Và tình anh em cũng chẳng còn, giết nhau chỉ vì ghen tương như trường hợp của Cain và Abel. Và lối cư xử đó như vết dầu loang, cứ thế lan rộng ra, bao trùm xã hội và cả thế giới.

Trong hoàn cảnh đó, nhất là chỉ có lúc con người nhận ra rằng mình không còn lối thoát thì chúng ta mới thấy được điều mới lạ trong lời công bố của Đức Giêsu hôm nay. Nước Thiên Chúa hiện diện nói lên uy quyền và sức mạnh của Thiên Chúa nơi bản thân Người. Đấng chiến thắng và thống trị quyền lực đó. Đấng ban cho con người niềm vui, sự hoan lạc và ơn cứu độ. Để được hưởng lợi ích này con người đòi buộc phải ăn năn, sám hối và tin vào Tin Mừng.

Nhìn vào cuộc đời của Đức Giêsu, chúng ta thấy những ai thành tâm đi theo Người và trở thành bạn hữu của Người đa số là những kẻ tội lỗi, những con người bị áp bức, bị chà đạp, bị tẩy chay bởi những ai có quyền lực. Những người này không tạo một khó khăn hay rắc rối nào cho Chúa. Trái lại, những người tự nhận mình là công chính thì khác. Họ đến với Chúa để gài bẫy. Họ thiếu thành tâm khi gặp Chúa. Họ âm mưu khi theo Chúa. Điều này cũng dễ hiểu: như những người đau yếu cần đến thầy thuốc thế nào thì Chúa cần cho những người tội lỗi như thế. Còn người công chính, tự nhận mình là kẻ không có tội thì cần đến ai nữa.
Việc Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Người thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, với điều kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Người.
Vì thế,
Sám hối không chỉ là một cách nhìn lại hành trình trong quá khứ để ăn năn; cho bằng mở rộng tâm hồn để đón nhận quyền năng và hoạt động của Đức Giêsu. Đấng đang hiện diện trên thế gian này và nhất là trong cuộc sống mình.

Sám hối để nhận ra rằng với Đức Giêsu, chúng ta đã được giải thoát khỏi sự giam cầm của quyền lực sự dữ đang thống trị cuộc sống mình.

Sám hối và ý thức rằng trong Đức Giêsu, con người đã được tự do.

Sám hối là tiến trình của cuộc sống. Sám hối là cơ hội giúp ta sống đổi mới. Muốn đổi mới, con người cần có can đảm để đối diện với các khuyết điểm của chính mình. Sự can đảm này thật cần thiết, bởi vì theo lẽ thường thì con người thích đi trên lối cũ, sống với những thói quen đã ăn sâu trong cuộc sống, cho nên rất khó thay đổi.

Sám hối là hồng ân, vì tự chính bản thân, ta có thể thấy được gì! Và, chỉ ở trong tình yêu và ánh sáng của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, ta mới thấy các khuyết điểm và yếu kém của mình để đổi mới. Đó là hồng ân mà Chúa chiếu soi để ta nhận biết về mình.

Sám hối không chỉ là việc nhận ra mình có tội, xưng tội để hòa giải cho được sạch tội mà thôi; nhưng để tin vào Tin Mừng, nghĩa là tin vào lời giảng dậy, việc làm và lối sống của Đức Giêsu, Đấng đã tiêu diệt quyền lực của sự ác trong ta, để nhường chỗ cho sự hiện hiện của Nước Thiên Chúa qua Đức Giêsu, Đấng sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của Người với đời sống của ta. Niềm xác tín này là một yếu tố quan trọng trong hành trình của môn đệ. Thiếu vắng nó thì cuộc sống của chúng ta cũng lâm vào cảnh “bị tắc nghẽn”, giống như trường hợp thiếu niềm tin của dân làng Nazareth trong lần Đức Giêsu về cố hương thăm họ.

Phần tiếp theo của bài Tin Mừng là việc Đức Giêsu “thấy” và “gọi” các môn đệ và hứa sẽ làm cho họ trở thành các kẻ chài lưới người, đây là một điều hoàn toàn mới lạ đối với họ. Đó là một lời hứa, và giống như các lời hứa khác trong Thánh Kinh, người được gọi có quyền tự do chấp nhận hay từ chối. Họ đã “từ bỏ mọi sự” rồi “chấp nhận theo Người”. Chấp nhận là khởi điểm của một tiến trình xây dựng mối quan hệ mới, thân tình và thắm thiết hơn với Đức Giêsu và những người lân cận.

Thưa anh chị em,
Cho đến lúc này, chúng ta mới thấy rằng 2 phần của bài Tin Mừng hôm nay nối kết với nhau để tạo nên một tổng thể duy nhất, trong đó Đức Giêsu loan báo về Nước Thiên Chúa trước và kêu gọi các môn đệ tham dự vào việc loan báo đó. Có nghĩa là ơn gọi và sứ mạng của họ cũng là ơn gọi và sứ mạng của mỗi người chúng ta. Bản chất của ơn gọi trở thành môn đệ của Chúa thì giống nhau, không phân biệt giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân. Tất cả đều được dự phần mở mang Nước Chúa.

Để đáp trả, người đó phải sám hối, nghĩa là từ bỏ cuộc sống cũ có thể bao gồm các tham vọng ích kỷ ở một mức độ nào đó, để những ước mơ cũ ở lại sau lưng; rồi tin vào Tin Mừng, chấp nhận rằng theo Đức Giêsu và sống theo các huấn lệnh của Người, sẽ làm cho chúng ta xứng đáng trở nên thành viên của Nước Thiên Chúa. Chúng ta không thể tách rời các yếu tố: sám hối, từ bỏ, tin, chấp nhận rồi theo Chúa ra các mảnh riêng biệt để thực hiện. Các yếu tố này xẩy ra trong lúc chúng ta đưa ra quyết định. Không ai khác có thể làm thay cho chúng ta. Không có việc từ bỏ trước rồi mới thành môn đệ sau. Không có việc hôm nay quyết định với một quyết tâm rõ ràng, rồi mai này khi gặp hoàn cảnh khó khăn sẽ làm tiêu hao nguồn năng lực, và việc dấn thân cho ơn gọi cũng bị suy giảm. Các điều này đã được Đức Giêsu diễn tả trong dụ ngôn “người gieo giống”. Thời gian chờ đợi, các thú vui trước mắt và sự yếu hèn của bản thân cũng có thể là nguyên nhân khiến lời cam kết đầy nhiệt huyết của thủa ban đầu bị bóp nghẽn và chết đi. Chỉ có quyền năng và sức mạnh của Chúa mới giúp chúng ta sống trung tín với các lời cam kết để hoàn thành sứ mạng của người môn đệ. Đây không chỉ là việc nguyện cho Nước Cha mau đến; nhưng thật ra Nước Thiên Chúa đang gần tầm tay - near at hand – đang tìm cách xâm nhập và chinh phục trái tim và biến đổi chúng ta trở nên những công dân của một thế giới mà Đức Giêsu đã chuẩn bị và mở ra cho cuộc sống của chúng ta.


Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng để được như thế, anh chị em ơi. Amen! 


Thursday, 11 January 2018

CHÚA và TA, AI GỌI AI?




Đã lâu lắm rồi, khi nói đến ơn gọi hay ơn thiên triệu là chúng ta nghĩ đến giai cấp giáo sĩ và tu sĩ, các đấng các bậc làm thầy. Thật ra ơn gọi là tiếng mời gọi của Thiên Chúa cho mọi tín hữu để thi hành một sứ mệnh nào đó. Tất cả chúng ta được Thiên Chúa mời gọi tham dự vào sứ mạng của Chúa Kitô trong hoàn cảnh sống của mình. Có ơn gọi sống bậc hôn nhân, gia đình hay sống độc thân; có người được gọi để trở thành các nhà giáo dục; có người muốn trở thành giáo sĩ hay tu sĩ. Chúng ta không thể dùng quan niệm bình dân để giải thích rằng cứ điều gì hiếm thì quí. Vẫn biết là có ít người chọn lối sống tu sĩ hay giáo sĩ; nhưng không vì thế mà chúng ta xem họ là những con nguời phi thường. Tất cả đều cần sống cho đúng với ơn và ý định của Thiên Chúa, Đấng soi sáng giúp mình chọn lựa theo đúng ý Ngài.

Ngày xưa, khi còn chập chững tìm kiếm hướng đi hay ơn gọi cho cuộc sống; chúng tôi được mời gọi tìm kiếm ý Chúa để thi hành. Chúng tôi bị quay cuồng bởi “ý Chúa” và bị chìm ngập bởi những lời hướng dẫn của ‘các đấng các bậc’ có kinh nghiệm trong việc tìm kiếm và khám phá ra ý của Thiên Chúa cho người khác. Lại còn ghê gớm hơn thế nữa khi quí vị này ngồi trên ngai toà để thẩm định xem chú nào có ơn gọi và ứng sinh nào không đủ điều kiện theo Chúa.

Nói gì thì nói, bàn gì thì cứ bàn. Cuối cùng thì ‘ý Chúa qua quí bề trên’ vẫn thắng.

Tuy nhiên, nếu có ai hỏi ‘ý Chúa ở đâu’ thì vẫn là một màn sương mù với những lời giải nghĩa rất ư trừu tượng và tối nghĩa. Chúng ta vẫn thường cho rằng ‘ý Chúa’ là tiếng gọi của Chúa dành riêng cho những ai sống đời tận hiến trong lối sống tu trì. Họ làm như là những người sống trong bậc đôi bạn không được Chúa gọi để sống tận hiến cho Thiên Chúa qua việc hy sinh và trao ban tình yêu cho nhau và cho tha nhân vậy!

Vậy, đâu là tiếng gọi của Chúa? Và đâu là ơn gọi và cách thức đáp trả của mình?

Ngay từ thủa tạo thiên lập địa, con người đã gặp những khó khăn này. Từ lầm lẫn này đến ngộ nhận khác, con người khó lòng phân biệt đâu là tiếng nói của Chúa. Và đến khi nhận ra lại còn lẩn tránh để khỏi giáp mặt Thiên Chúa (St 3:8tt).

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhận ra một công thức được dùng trong truyền thống Thánh Kinh để mô tả ơn gọi. Trong không khí thật yên tĩnh của đêm khuya, chú bé Samuel đã nghe thấy một tiếng nói, ngay khi nghe thấy tiếng gọi đó, cậu đã trả lời “này con đây”; nhưng sau đó, cậu lại nghĩ đó là tiếng của thầy cả Eli gọi cậu. Sau đó, Samuel nghe thấy tiếng Chúa thêm 2 lần nữa; nhưng cậu vẫn chưa nhận ra đó là tiếng gọi của Chúa; vì Chúa chưa mạc khải cho cậu. Phải đến lần thứ tư và nhờ sự giúp đỡ của Thầy cả Eli, là người đã khám phá ra tác giả của tiếng nói là Chúa và đề nghị với Samuel, đệ tử của mình một lời đáp tuyệt vời như sau: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe”. Và từ đó, Thiên Chúa ở cùng cậu. Phần Samuel, đã không để rơi mất lời nào của Chúa trở về với Ngài mà không sinh hoa trái.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, để mời gọi, Đức Giêsu hình như không nói trực tiếp. Người chỉ trả lời cho nỗi khát vọng tìm kiếm khi hỏi những ai đi theo Người rằng “các ông tìm gì?”. Thật là một điều ngạc nhiên cho chúng ta khi nghe họ hỏi lại: “Thầy ở đâu?”. Câu hỏi của họ có thể hiểu theo nghĩa bình thường là ám chỉ đến nơi cư ngụ của Đức Giêsu. Nhưng, theo nghĩa của Tin Mừng, thì câu hỏi này còn có thể quảng diễn như: Chúng tôi sẽ gặp Thầy ở đâu? Làm thế nào chúng tôi có thể gặp Thầy để được biến đổi? Làm thế nào chúng tôi có thể tiếp cận và chia sẻ cuộc sống với Thầy? Đứng trước yêu cầu chính đáng của họ, Đức Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của họ; Người lại mời họ “Hãy đến mà xem”. Chúa không chỉ cho họ đi đến đâu và xem cái gì? Người chỉ nói “Hãy đến mà xem”. Câu nói này ám chỉ đến cuộc gặp gỡ sống động và riêng tư. Đức Giêsu không trao cho họ một mớ tín điều, yêu cầu họ phải sống theo một vài tiêu chuẩn luân lý của Giáo Hội. Người kêu gọi họ thiết lập và xây dựng mối dây hiệp thông với Người. Phần những kẻ theo Người, họ không được phép đóng vai như những “người dưng khác họ”, như những quan sát viên. Họ cần dấn thân, chia sẻ cuộc sống và bước đi với Người, cùng Người đi trên các nẻo đường khác mà đến với mọi người.

Như vậy, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả đi vào trong thân tình của Người, vào trong nhà Người. Những ai muốn biết Người ở đâu thì cứ đến rồi sẽ thấy! Việc này không thể xẩy ra trong một giây một phút; nhưng đó chính là tiến trình của cả đời tìm kiếm. Đến rồi gặp, gặp xong lại nhớ hơn, gặp rồi tưởng bớt nhớ, ai ngờ lại nhớ hơn, cứ gặp lại nhớ và rồi ước mong gặp lại cứ thôi thúc khiến đã nhớ lại càng nhớ thêm và như thế tình của Chúa càng gặp càng cắm rễ sâu đậm hơn trong cuộc sống của những người môn đệ như chúng ta.

Rồi như trường hợp của các nhà chiêm tinh hay đạo sĩ, trên đường tìm kiếm hài nhi Giê-su trong biến cố Thiên Chúa tỏ mình cho muôn dân trong Lễ Hiển Linh.  Các ông đã được dẫn đường chỉ lối không chỉ bằng ánh sao lúc ẩn lúc hiện; nhưng còn qua miệng của Vua Hê-rô-đê: người đã toan tính hãm hại Chúa. Thiên Chúa hay thật, dùng cả người tính hãm hại con mình để dẫn lối chỉ đường cho người khác!

Có trăm phương nghìn cách Thiên Chúa dùng để nói với con người. Mỗi người là một cá thể riêng biệt. Và có bao nhiêu cá thể thì có bấy nhiêu cách qua đó Thiên chúa không ngừng dùng để tiếp cận với ta. Và có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu vì sao Thiên Chúa dùng để soi dẫn mở đường cho ta nhận biết và vâng nghe tiếng Ngài.


Cách thức của Thiên Chúa thật diệu kỳ và khó hiểu. Có nhiều trường hợp con người phải trải qua những đau khổ, những mất mát và đổ vỡ rồi mới nhận ra tiếng Chúa. Như trường hợp của hai anh em mà chúng ta thường được nghe trong Tin Mừng của thánh Luca. Người con thứ trải qua trăm cay nghìn đắng mới nhận ra ý Chúa. Còn ông con cả thì thế nào? Anh chưa bao giờ làm trái lịnh cha. Anh sống trong khuôn mẫu, kích thước của chính anh. Cuộc sống của anh quá êm đềm; êm đềm đến độ anh cũng chẳng cần biết người khác nghĩ gì về anh, và anh cũng chẳng thèm nghĩ đến nhu cầu của người khác. Phải chăng anh chỉ là ‘một xác chết biết đi’. Nhưng mọi sự đều đổi khác khi em anh trở về. Quả thật, anh không có trách nhiệm gì về sự sai lầm của chú em. Nhưng với sự đỗ vỡ của chú ta, qua đó Thiên Chúa dùng để đánh thức anh!

Nếu muốn sống thật mối tương quan cha con, anh cần chọn lựa một lối đi mới. Một lối đi khác hẳn lối đi cũ. Lối đi không bị bao vây bởi giáo điều và kinh kệ. Nhưng được phát xuất từ mối dây liên kết giữa anh và Cha.

Phần chúng ta cũng thế. Chuyện mà chúng ta cần bàn ở đây không phải là chọn lựa bậc sống này và coi thường lối sống kia. Nhưng lý do nào là động cơ thúc đẩy cho việc chọn lựa lối sống của mình. Điều này rất quan trọng; thiếu nó mọi công việc của chúng ta làm chẳng còn giá trị gì; thiếu nó cuộc sống của chúng ta cũng chỉ là thanh la phèng phèng và chũm chọe xoang xoảng. Đó là điều mà thánh Phao-Lô đã nhận lãnh và Ngài cũng muốn truyền lại cho chúng ta bí quyết căn bản và quan trọng đó: “Giả như tôi có nói được thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi… Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1 Cor.13:1-13)

Như vậy, để khám phá ra ý định của Thiên Chúa, chúng ta cần sống mật thiết với Ngài. Chính trong sự kết hợp của tình yêu này chúng ta sẽ được giải thóat để sống với điều đôi khi không giống với sự kỳ vọng của đám đông. Nhưng, chắc hẳn một điều là quyết định hay chọn lựa phát sinh từ lòng yêu mến của chúng ta với Chúa và dĩ nhiên điều đó rất phù hợp với ý Chúa, Đấng không ngừng yêu mến, họat động và cùng ta dấn bước. Và nếu chúng ta cưỡng lại ý Chúa thì những lời Chúa đã phán cho Phê-rô khi xưa cũng là những điều Ngài sẽ nói với chúng ta: “Xa tan, lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mc 8:33b) Vì thế, mọi chọn lựa sống theo ý Chúa đều đòi buộc lòng can đảm, vị tha và trên hết mọi sự là lòng yêu mến của chúng ta với lối sống đó.

Tóm lại, Thiên Chúa thăm viếng và nói với ai lắng nghe Người. Lời của Người không ép buộc ai, và những ai đã nghe lời Chúa thì không thể cưỡng lại ý Chúa được. Một cách đặc biệt, qua mầu nhiệm Nhập Thể, và để tỏ lộ mình ra, Thiên Chúa, cách khiêm tốn, ẩn mình trong những từ ngữ và tiếng nói của con người. Không ai có thể nghe được Thiên Chúa nếu người ấy tự khép mình lại, xa lánh những người khác, chọn một cuộc sống đơn độc.


Sống với Đức Giêsu, chia sẻ mối thâm tình của Người sẽ đem đến cho ta niềm vui; để rồi lại đến lượt chúng ta là những chứng nhân mời gọi người ta đến chia vui với mình. Vẫn biết bổn phận của người môn đệ là như thế, nhưng liệu chúng ta có dám nói với những người trong cộng đoàn, xóm giáo, gia đình của chúng ta là hãy đến mà xem cuộc sống của chúng ta rồi qua đó họ sẽ thấy Chúa không? Thật sự, đây là một thách đố cho chúng ta là các môn đệ của Chúa, không phân biệt giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân. Tất cả đều được mời gọi để sống thân tình với Chúa và đủ can đảm để tuyên xưng rằng “Hãy đến mà xem chúng tôi yêu mến nhau dường nào. Amen!” 

Thursday, 4 January 2018

TA VÀ CHÚA, AI TÌM AI?


Âm hưởng của Lễ Giáng Sinh vẫn còn vang vọng trong tâm trí chúng ta. Các buổi diễn nguyện, các bài thánh ca nói về lịch sử cứu độ, diễn tả việc Thiên Chúa làm người, nhắc nhở chúng ta về lòng thành tín và yêu thương của Thiên Chúa vẫn còn. Các buổi tiệc gia đình Mừng Chúa ra đời vẫn tiếp diễn. Các trung tâm thương mại vẫn còn nhiều người mua sắm. Trước vẻ huy hoàng tráng lệ và nhiệt náo đó, có một số người cho rằng hình như có cái gì hơi dư thừa. Nói cho cùng, những điều đó vẫn đóng một vai trò nào đó, vì qua đó chúng ta được nhắc nhở về một biến cố đã xẩy ra trong lịch sử nhân loại, đó chính là việc ‘Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta’.

Chỉ còn vài ngày nữa là hết Mùa Giáng Sinh. Niên lịch phụng vụ của Hội Thánh sẽ bước vào Mùa Thường Niên bằng việc mừng Lễ Đức Giêsu chịu phép rửa. Với việc đón nhận phép rửa bên bờ sông Gio-đan, Đức Giêsu đã khai mạc sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa, công bố cho toàn dân biết về Triều đại của Thiên Chúa đã đến. Nhưng Mầu Nhiệm Nhập Thể mà chúng ta đang mừng kính vẫn là một thách đố trong cuộc sống của chúng ta. Làm cách nào để việc Thiên Chúa giáng trần không chỉ dừng lại ở các nghi lễ, mà còn được hiện diện qua lối sống của chúng ta nữa?

Hôm nay, chúng ta cùng mừng Lễ Hiển Linh, còn gọi là Lễ Ba Vua. Tuy nhiên, hầu hết các nhà chuyên môn về Thánh Kinh đều cho rằng chẳng có vua chúa trần gian nào đến bái thờ hài nhi Giêsu hết, ngoại trừ Vua Hê-rô-đê, một bạo chúa đã tìm cách giết Người. Vậy, ai là những người đã đến từ Phương Đông để tôn thờ Hài Nhi? Họ là các nhà chiêm tinh, chuyên nghiên cứu thiên văn và nhìn ngắm sao trời để đoán ra vận mạng của môt số người nổi tiếng. Tuy hành trình và mục tiêu kiếm tìm của họ đáng cho chúng ta ngưỡng mộ và noi gương. Nhưng việc hệ trọng hơn cả là việc Thiên Chúa hiện diện trong thân phận con người cho muôn dân; chứ không chỉ cho dân Do Thái mà thôi.


Hiển Linh giúp chúng ta nhận ra chiều kích tràn đầy của việc Giáng Sinh. Giáng Sinh dù thế nào vẫn chỉ là cuộc viếng thăm của Thiên Chúa dành cho dân Israel, dân riêng của Ngài. Với Lễ Hiển Linh, mầu nhiệm đó đạt đến mức toàn diện. Thiên Chúa sinh ra làm người và tỏ mình không chỉ cho dân Do Thái; mà còn tỏ mình cho muôn dân muôn nước, bao gồm cả chúng ta nữa. Việc tỏ mình là sáng kiến của Thiên Chúa, không ai có thể yêu cầu hay buộc Ngài phải làm chuyện đó. Nhưng, nếu chúng ta không nhận biết, không đón nhận và không loan báo cho nhau thì quả là một điều thiếu sót. Như thế, biến cố này đóng một vai trò thật quan trọng trong hành trình niềm tin và cách sống đạo của chúng ta.

Ngày xưa, có nhiều người đã gặp Đức Giêsu. Họ đã cùng lớn lên với Người tại Na-za-reth. Họ đã dong duổi theo Người trên bước đường rao giảng, từ làng này qua làng kia, từ tỉnh này đến thành phố kia. Họ còn được Người nuôi ăn trong cơn đói khát. Họ đã chứng kiến các phép lạ. Cuối cùng thì sao, đâu cũng hoàn đấy? Dân Na-za-reth, dân Ga-li-lê-a hay dân Giê-ru-sa-lem cũng tìm cách bỏ Người.

Nhưng các nhà chiêm tinh hôm nay lại khác. Họ đã không nhận ra sự xuất hiện của Thiên Chúa bằng truyền thống, hay tìm ra Chúa qua mớ giáo lý kinh điển do cha ông truyền lại. Thiên Chúa đã đến trong hoàn cảnh, lối sống và khả năng chuyên môn của họ. Ngài đã xuất hiện ngay trong tầm nhận biết của họ. Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và họ cũng giống như việc Chúa kêu gọi các môn đệ của Người. Người đã đến trong lúc Phê-rô và các bạn đồng nghiệp đang chài lưới để kiếm ăn. Người đã đến trong lúc Phaolô thi hành bổn phận chống lại Người. Người gọi Mat-thew khi ông ta đang ngồi thu thuế. Không ai có đặc quyền hay đặc lợi. Sáng kiến là của Thiên Chúa. Ngài đã đến ngay tại nhà, trong hoàn cảnh riêng của mỗi người. Như các nhà chiêm tinh, chúng ta hãy lên đường.


Hành trình tìm kiếm của họ không dễ dàng. Dù có ngôi sao dẫn đường, nhưng ngôi sao lại có lúc ẩn lúc hiện. Cũng có lúc các ông bị mất dấu; không phải do các ông đi lạc; nhưng ngôi sao không xuất hiện thì biết lối nào để đi. Trong hoàn cảnh đó, họ không hề thất vọng; tiếp tục tìm kiếm bằng cách dò hỏi những ai đã được tiên báo về sự xuất hiện của con trẻ Giê-su. Đó là các thượng tế và kinh sư của đạo Do Thái, dân riêng của Chúa; nắm giữ trong đầu các lời loan báo của các ngôn sứ về nơi chốn của vị lãnh tụ, đấng chăn dắt dân của Thiên Chúa sẽ ra đời. Các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó biết theo kinh điển mà không hề cất bước đi tìm nên cái biết của họ đã chẳng giúp gì cho họ. Vua Hê-rô-đê cũng biết; nhưng điều mà vua biết không đem vua lại gần Chúa; trái lại cái biết đó lại là nguyên nhân đem đến cho vua nỗi lo sợ. Phát sinh từ nỗi sợ hãi hoang tưởng, sợ mất quyền hành; vua đã tìm cách tiêu diệt bằng cách giết lầm hơn bỏ sót, ông ta đã giết hết những ai là mầm mống đe doạ sẽ lật đổ ngai vàng của ông.


Hành trình tìm kiếm của các nhà chiêm tinh không phải là mối bận tâm của Thánh Sử. Qua trình thuật này, Ngài muốn nhấn mạnh đến chương trình của Thiên Chúa dành cho mọi dân tộc. Việc Chúa tỏ bầy, Chúa hiển linh là một sáng kiến phát sinh từ kho tàng ân huệ của Thiên Chúa. Ngôi sao cũng là một cách thức để dẫn đưa họ. Thậm chí, Chúa có thể dùng cả những kẻ gian ác như Vua Hê-rô-đê như là cách thức soi sáng, cung cấp thông tin giúp họ khỏi lạc hướng. Như vậy, Thiên Chúa luôn soi sáng cho những ai tha thiết tìm ơn cứu độ, dù đôi khi họ cảm thấy ánh sáng lúc ẩn lúc hiện, đường đi không rõ và tương lai lại mịt mù.

Việc hiển linh đã trở nên trọn vẹn khi Đức Giê-su đã cho đi tận cùng cuộc sống của mình. Chính việc cho đi và tự hiến sau cùng của Người lại là cuộc tỏ mình huy hoàng nhất về chân tướng đích thật của Người qua biến cố Phục Sinh. Vào ngày đó, con người Giêsu được bao phủ trọn vẹn thần tính của Thiên Chúa. Và chính nhờ ơn Phục Sinh mà chúng ta nhận ra thần tính của Đức Chúa. Các môn đệ là nhân chứng về cuộc Hiển Linh Phục Sinh. Niềm tin của chúng ta hôm nay cũng dựa vào lời chứng của các tín hữu tiên khởi; đó chính là: Thiên Chúa đã tỏ mình trong thân phận con người của Đức Giêsu, Người đã ở giữa chúng tôi và chúng tôi đã thấy vinh quang của Người từ Chúa Cha mà đến.


Với trình thuật Hiển Linh, Thiên Chúa tỏ mình cho mọi người biết rằng: với Chúa không ai là ‘người dưng khác họ’, chẳng ai người ngoài cuộc hết. Tất cả đều được mời gọi đón nhận ơn cứu độ. Ai ai cũng được diễm phúc làm con của Ngài. Ai ai cũng được mời gọi sống để tỏ bầy sự hiện diện của Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã làm người, đã tỏ chân tướng đích thật của Ngài cho chúng ta nhận biết. Nhưng chúng ta đã làm gì để việc hiển linh của Thiên Chúa trở thành lời chứng sống động trong cuộc sống mình? Cũng có lúc chúng ta cảm thấy Chúa quá gần gũi, sát bên mình và thúc giục chúng ta ra đi để thực hiện các việc cả thể. Với ý ngay lành chúng ta tưởng như là Chúa rất cần chúng ta để làm các việc phi thường… Nhưng rồi đời đâu dễ chi, thêm một lần, lòng con oán than, trái tim con nặng chĩu. Chán nản, buông xuôi và thất vọng khiến con muốn bỏ cuộc. Nhưng có một điều khiến ta ngạc nhiên và ngạc nhiên luôn mãi là Thiên Chúa không chán, không thất vọng về ta. Ngài dùng đủ mọi cách thức để bộc lộ và hướng dẫn chúng ta: Từ ngôi sao lúc ẩn lúc hiện, đến người không tin như Hê-rô-đê và các bậc vị vọng am tường đạo Chúa. Thiên Chúa vẫn dùng họ, không chừa một ai, để hỗ trợ, động viên, nhắn gửi cho ta một sứ điệp là ta vẫn đáng tin, đừng chán nản, hãy tiếp tục lên đường, căng buồm xuôi gió ra khơi.


Con đường làm chứng về việc tỏ mình, hiển linh của Thiên Chúa không nằm xa và ở ngoài khả năng của chúng ta. Nó nằm ngay bản thân, trong gia đình, giữa vợ chồng và con cái, giữa kẻ tin và người không tin, giữa những ai đủ can đảm để cho chất ‘người’ lớn hơn và bóp nghẹt chất con (vật) của mình. Đó chính là:

·        Những nụ cười, các câu nói cảm thông hơn là trách móc, ghen tỵ và oán than nhau.

·        Những con tim mở rộng hơn để khoan hồng và dung thứ cho những thiếu sót và bất toàn của nhau.

·        Các bàn tay nhân ái để đón tiếp hơn là loại bỏ, hất hủi và xua đuổi nhau.

·        Các công việc tìm kiếm và thực thi lời Chúa – lời yêu thương, nâng đỡ, hỗ trợ và khích lệ nhau, chứ không chỉ ngồi đó mà kêu nài Lậy Chúa và Lậy Chúa xuông thôi đâu.
                    
Đó là một số đề nghị tiêu biểu mà ai trong chúng ta cũng có thể thực hiện. Tất cả đều là cơ hội để vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện qua lối sống chứng nhân, tuy tầm thường nhưng lại chứa đựng quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa. Cầu xin được như thế. Amen!