Thursday, 11 January 2018

CHÚA và TA, AI GỌI AI?




Đã lâu lắm rồi, khi nói đến ơn gọi hay ơn thiên triệu là chúng ta nghĩ đến giai cấp giáo sĩ và tu sĩ, các đấng các bậc làm thầy. Thật ra ơn gọi là tiếng mời gọi của Thiên Chúa cho mọi tín hữu để thi hành một sứ mệnh nào đó. Tất cả chúng ta được Thiên Chúa mời gọi tham dự vào sứ mạng của Chúa Kitô trong hoàn cảnh sống của mình. Có ơn gọi sống bậc hôn nhân, gia đình hay sống độc thân; có người được gọi để trở thành các nhà giáo dục; có người muốn trở thành giáo sĩ hay tu sĩ. Chúng ta không thể dùng quan niệm bình dân để giải thích rằng cứ điều gì hiếm thì quí. Vẫn biết là có ít người chọn lối sống tu sĩ hay giáo sĩ; nhưng không vì thế mà chúng ta xem họ là những con nguời phi thường. Tất cả đều cần sống cho đúng với ơn và ý định của Thiên Chúa, Đấng soi sáng giúp mình chọn lựa theo đúng ý Ngài.

Ngày xưa, khi còn chập chững tìm kiếm hướng đi hay ơn gọi cho cuộc sống; chúng tôi được mời gọi tìm kiếm ý Chúa để thi hành. Chúng tôi bị quay cuồng bởi “ý Chúa” và bị chìm ngập bởi những lời hướng dẫn của ‘các đấng các bậc’ có kinh nghiệm trong việc tìm kiếm và khám phá ra ý của Thiên Chúa cho người khác. Lại còn ghê gớm hơn thế nữa khi quí vị này ngồi trên ngai toà để thẩm định xem chú nào có ơn gọi và ứng sinh nào không đủ điều kiện theo Chúa.

Nói gì thì nói, bàn gì thì cứ bàn. Cuối cùng thì ‘ý Chúa qua quí bề trên’ vẫn thắng.

Tuy nhiên, nếu có ai hỏi ‘ý Chúa ở đâu’ thì vẫn là một màn sương mù với những lời giải nghĩa rất ư trừu tượng và tối nghĩa. Chúng ta vẫn thường cho rằng ‘ý Chúa’ là tiếng gọi của Chúa dành riêng cho những ai sống đời tận hiến trong lối sống tu trì. Họ làm như là những người sống trong bậc đôi bạn không được Chúa gọi để sống tận hiến cho Thiên Chúa qua việc hy sinh và trao ban tình yêu cho nhau và cho tha nhân vậy!

Vậy, đâu là tiếng gọi của Chúa? Và đâu là ơn gọi và cách thức đáp trả của mình?

Ngay từ thủa tạo thiên lập địa, con người đã gặp những khó khăn này. Từ lầm lẫn này đến ngộ nhận khác, con người khó lòng phân biệt đâu là tiếng nói của Chúa. Và đến khi nhận ra lại còn lẩn tránh để khỏi giáp mặt Thiên Chúa (St 3:8tt).

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhận ra một công thức được dùng trong truyền thống Thánh Kinh để mô tả ơn gọi. Trong không khí thật yên tĩnh của đêm khuya, chú bé Samuel đã nghe thấy một tiếng nói, ngay khi nghe thấy tiếng gọi đó, cậu đã trả lời “này con đây”; nhưng sau đó, cậu lại nghĩ đó là tiếng của thầy cả Eli gọi cậu. Sau đó, Samuel nghe thấy tiếng Chúa thêm 2 lần nữa; nhưng cậu vẫn chưa nhận ra đó là tiếng gọi của Chúa; vì Chúa chưa mạc khải cho cậu. Phải đến lần thứ tư và nhờ sự giúp đỡ của Thầy cả Eli, là người đã khám phá ra tác giả của tiếng nói là Chúa và đề nghị với Samuel, đệ tử của mình một lời đáp tuyệt vời như sau: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe”. Và từ đó, Thiên Chúa ở cùng cậu. Phần Samuel, đã không để rơi mất lời nào của Chúa trở về với Ngài mà không sinh hoa trái.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, để mời gọi, Đức Giêsu hình như không nói trực tiếp. Người chỉ trả lời cho nỗi khát vọng tìm kiếm khi hỏi những ai đi theo Người rằng “các ông tìm gì?”. Thật là một điều ngạc nhiên cho chúng ta khi nghe họ hỏi lại: “Thầy ở đâu?”. Câu hỏi của họ có thể hiểu theo nghĩa bình thường là ám chỉ đến nơi cư ngụ của Đức Giêsu. Nhưng, theo nghĩa của Tin Mừng, thì câu hỏi này còn có thể quảng diễn như: Chúng tôi sẽ gặp Thầy ở đâu? Làm thế nào chúng tôi có thể gặp Thầy để được biến đổi? Làm thế nào chúng tôi có thể tiếp cận và chia sẻ cuộc sống với Thầy? Đứng trước yêu cầu chính đáng của họ, Đức Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của họ; Người lại mời họ “Hãy đến mà xem”. Chúa không chỉ cho họ đi đến đâu và xem cái gì? Người chỉ nói “Hãy đến mà xem”. Câu nói này ám chỉ đến cuộc gặp gỡ sống động và riêng tư. Đức Giêsu không trao cho họ một mớ tín điều, yêu cầu họ phải sống theo một vài tiêu chuẩn luân lý của Giáo Hội. Người kêu gọi họ thiết lập và xây dựng mối dây hiệp thông với Người. Phần những kẻ theo Người, họ không được phép đóng vai như những “người dưng khác họ”, như những quan sát viên. Họ cần dấn thân, chia sẻ cuộc sống và bước đi với Người, cùng Người đi trên các nẻo đường khác mà đến với mọi người.

Như vậy, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả đi vào trong thân tình của Người, vào trong nhà Người. Những ai muốn biết Người ở đâu thì cứ đến rồi sẽ thấy! Việc này không thể xẩy ra trong một giây một phút; nhưng đó chính là tiến trình của cả đời tìm kiếm. Đến rồi gặp, gặp xong lại nhớ hơn, gặp rồi tưởng bớt nhớ, ai ngờ lại nhớ hơn, cứ gặp lại nhớ và rồi ước mong gặp lại cứ thôi thúc khiến đã nhớ lại càng nhớ thêm và như thế tình của Chúa càng gặp càng cắm rễ sâu đậm hơn trong cuộc sống của những người môn đệ như chúng ta.

Rồi như trường hợp của các nhà chiêm tinh hay đạo sĩ, trên đường tìm kiếm hài nhi Giê-su trong biến cố Thiên Chúa tỏ mình cho muôn dân trong Lễ Hiển Linh.  Các ông đã được dẫn đường chỉ lối không chỉ bằng ánh sao lúc ẩn lúc hiện; nhưng còn qua miệng của Vua Hê-rô-đê: người đã toan tính hãm hại Chúa. Thiên Chúa hay thật, dùng cả người tính hãm hại con mình để dẫn lối chỉ đường cho người khác!

Có trăm phương nghìn cách Thiên Chúa dùng để nói với con người. Mỗi người là một cá thể riêng biệt. Và có bao nhiêu cá thể thì có bấy nhiêu cách qua đó Thiên chúa không ngừng dùng để tiếp cận với ta. Và có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu vì sao Thiên Chúa dùng để soi dẫn mở đường cho ta nhận biết và vâng nghe tiếng Ngài.


Cách thức của Thiên Chúa thật diệu kỳ và khó hiểu. Có nhiều trường hợp con người phải trải qua những đau khổ, những mất mát và đổ vỡ rồi mới nhận ra tiếng Chúa. Như trường hợp của hai anh em mà chúng ta thường được nghe trong Tin Mừng của thánh Luca. Người con thứ trải qua trăm cay nghìn đắng mới nhận ra ý Chúa. Còn ông con cả thì thế nào? Anh chưa bao giờ làm trái lịnh cha. Anh sống trong khuôn mẫu, kích thước của chính anh. Cuộc sống của anh quá êm đềm; êm đềm đến độ anh cũng chẳng cần biết người khác nghĩ gì về anh, và anh cũng chẳng thèm nghĩ đến nhu cầu của người khác. Phải chăng anh chỉ là ‘một xác chết biết đi’. Nhưng mọi sự đều đổi khác khi em anh trở về. Quả thật, anh không có trách nhiệm gì về sự sai lầm của chú em. Nhưng với sự đỗ vỡ của chú ta, qua đó Thiên Chúa dùng để đánh thức anh!

Nếu muốn sống thật mối tương quan cha con, anh cần chọn lựa một lối đi mới. Một lối đi khác hẳn lối đi cũ. Lối đi không bị bao vây bởi giáo điều và kinh kệ. Nhưng được phát xuất từ mối dây liên kết giữa anh và Cha.

Phần chúng ta cũng thế. Chuyện mà chúng ta cần bàn ở đây không phải là chọn lựa bậc sống này và coi thường lối sống kia. Nhưng lý do nào là động cơ thúc đẩy cho việc chọn lựa lối sống của mình. Điều này rất quan trọng; thiếu nó mọi công việc của chúng ta làm chẳng còn giá trị gì; thiếu nó cuộc sống của chúng ta cũng chỉ là thanh la phèng phèng và chũm chọe xoang xoảng. Đó là điều mà thánh Phao-Lô đã nhận lãnh và Ngài cũng muốn truyền lại cho chúng ta bí quyết căn bản và quan trọng đó: “Giả như tôi có nói được thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi… Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1 Cor.13:1-13)

Như vậy, để khám phá ra ý định của Thiên Chúa, chúng ta cần sống mật thiết với Ngài. Chính trong sự kết hợp của tình yêu này chúng ta sẽ được giải thóat để sống với điều đôi khi không giống với sự kỳ vọng của đám đông. Nhưng, chắc hẳn một điều là quyết định hay chọn lựa phát sinh từ lòng yêu mến của chúng ta với Chúa và dĩ nhiên điều đó rất phù hợp với ý Chúa, Đấng không ngừng yêu mến, họat động và cùng ta dấn bước. Và nếu chúng ta cưỡng lại ý Chúa thì những lời Chúa đã phán cho Phê-rô khi xưa cũng là những điều Ngài sẽ nói với chúng ta: “Xa tan, lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mc 8:33b) Vì thế, mọi chọn lựa sống theo ý Chúa đều đòi buộc lòng can đảm, vị tha và trên hết mọi sự là lòng yêu mến của chúng ta với lối sống đó.

Tóm lại, Thiên Chúa thăm viếng và nói với ai lắng nghe Người. Lời của Người không ép buộc ai, và những ai đã nghe lời Chúa thì không thể cưỡng lại ý Chúa được. Một cách đặc biệt, qua mầu nhiệm Nhập Thể, và để tỏ lộ mình ra, Thiên Chúa, cách khiêm tốn, ẩn mình trong những từ ngữ và tiếng nói của con người. Không ai có thể nghe được Thiên Chúa nếu người ấy tự khép mình lại, xa lánh những người khác, chọn một cuộc sống đơn độc.


Sống với Đức Giêsu, chia sẻ mối thâm tình của Người sẽ đem đến cho ta niềm vui; để rồi lại đến lượt chúng ta là những chứng nhân mời gọi người ta đến chia vui với mình. Vẫn biết bổn phận của người môn đệ là như thế, nhưng liệu chúng ta có dám nói với những người trong cộng đoàn, xóm giáo, gia đình của chúng ta là hãy đến mà xem cuộc sống của chúng ta rồi qua đó họ sẽ thấy Chúa không? Thật sự, đây là một thách đố cho chúng ta là các môn đệ của Chúa, không phân biệt giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân. Tất cả đều được mời gọi để sống thân tình với Chúa và đủ can đảm để tuyên xưng rằng “Hãy đến mà xem chúng tôi yêu mến nhau dường nào. Amen!” 

No comments:

Post a Comment