Thursday, 26 July 2018

HÃY TRAO RỒI CHÚA SẼ BAN.



Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe hôm nay được trích dẫn từ Tin Mừng theo Thánh Gio-an. Và trong các Chúa Nhật của những tuần kế tiếp, chúng ta sẽ được nghe Lời giải thích của Đức Giê-su về việc này, mà chúng ta hay gọi đó là diễn từ bánh hằng sống. Nói khác đi, trong phần phụng vụ Lời Chúa của thời gian này, chúng ta được Thánh Gioan mời gọi, cùng với ngài, một lần nữa đào sâu phần suy niệm về Bí tích Thánh Thể và về cách thức đáp trả bằng đức tin về Mầu nhiệm do chính Đức Giêsu cử hành và diễn giải.

Trước tiên, trình thuật phép lạ Bánh hóa nhiều dường như đã được lưu truyền bằng cách kể truyện cho nhau nghe, trước khi các Thánh sử ghi lại trong sách Phúc âm. Trong khi các sách Tin Mừng nhất lãm (Mat-thêu, Mác-cô và Lu-ca) đều ghi lại việc Đức Giê-su lập bí tích Thánh Thể thì Thánh Gio-an lại không có trình thuật này; nhưng để bù lại, ngài đã dành nguyên một đoạn, đó là đoạn 6 để bàn về chủ đề: Đức Giê-su là sự sống đích thật cho những ai tin vào Người.

Không giống như các sách Tin Mừng khác, Thánh Gio-an không dùng từ phép lạ, thay vào đó ngài dùng cụm từ ‘dấu lạ-sign’ để nói về biến cố này. Theo ngài, dấu lạ tuy quan trọng, nhưng diễn từ giải thích ý nghĩa của dấu lạ ‘bánh hoá nhiều’ thì quan trọng hơn. Người chính là Bánh Hằng sống duỡng nuôi chúng ta.

Tấm bánh mà Người nhận được từ bàn tay của em bé, một chú trẻ con không có địa vị và tiếng nói trong xã hội thời đó, có thể là dịp để Chúa thể hiện quyền năng của Người. Tấm bánh đó không chỉ nhắc lại cho dân Do Thái nhớ lại tình yêu thương săn sóc của Thiên Chúa, Đấng đã ban Manna nuôi sống họ trong hoang địa qua sự dẫn dắt của Mai-sen. Tấm bánh đó còn là dấu chỉ hướng họ về Thân Thể của Đức Ki-tô, Đấng sẽ dùng chính thân xác mình làm của ăn nuôi toàn dân.

Như vậy, dấu lạ hôm nay là một cơ hội để Đức Giê-su loan báo một sứ điệp quan trọng. Sứ điệp không chỉ đem lại sự sống cho thân xác; nhưng toàn diện, từ thân xác đến tâm linh, từ tư tưởng đến lối suy nghĩ, từ lời nói đến hành động của con người.

Kính thưa anh chị em,

Ý nghĩa thần học về bí tích Thánh Thể rất sâu xa và không thể nào có thể hiểu thấu một cách trọn vẹn. Con người ở các thời đại khác nhau có cách diễn tả khác nhau về mầu nhiệm mà họ đã lĩnh nhận. Mỗi giai đoạn lịch sử và qua từng thế hệ, con người bầy tỏ và sống niềm tin của mình cách khác nhau. Nhưng nói chung, niềm tin đó đều phải được trao ban và xuất phát từ Hội Thánh. Vì thế, đứng trước mọi mầu nhiệm trong đạo, cho dù cao siêu đến đâu, hay là đã được giải thích tường tận và rõ ràng đến độ nào, rồi sau cùng chúng ta cũng quay về để đón nhận và sống chung một niềm tin với gia đình Mẹ Hội Thánh.

Nói như thế để xin anh chị em tạm dừng bàn về các điều sâu thẳm của mầu nhiệm Thánh Thể. Chúng ta hãy tự đặt mình trong vị trí và phản ứng của đám đông đứng trước biến cố này, rồi suy nghĩ và tìm ra cho mình một bài học. Phản ứng của họ trước tiên là thán phục, muốn tôn Chúa lên làm vua; thế mà sau khi nghe Chúa giải thích, họ liền bỏ đi hết, nghĩa là sao?

Đối với người Do Thái, dấu lạ bánh hoá nhiều hôm nay làm cho họ nhớ lại bàn tay Chúa đã dẫn dắt họ vượt qua biển đỏ dưới sự lãnh đạo của Mai-sen trong thời xuất hành. Từ đó, cho dù chứng kiến các việc Chúa làm khiến họ nhận ra vai trò ngôn sứ của Đức Giê-su. Nhưng, với hoàn cảnh đất nước đang bị đô hộ, dân chúng trải qua muôn vàn đau khổ, mọi đắng cay đang dầy xéo thân xác và tâm can họ, thì làm sao họ có thể nhận ra và đánh giá đúng việc làm và chân tướng của Đức Giê-su được. Tầm nhìn của họ tuy thực tế, nhưng lại thiển cận, bị ước vọng chính trị che khuất. Họ chỉ nghĩ đến những gì có thể xẩy ra trước mắt.

Trong tâm tình và lối suy nghĩ đó, họ có thể nghĩ rằng Đức Giê-su là vị lãnh đạo mà Thiên Chúa sai đến để cứu thoát và giải phóng họ như Thiên Chúa đã làm qua bàn tay của Mai-sen khi xưa. Vì thế, họ muốn ép Đức Giê-su lên làm vua để Người thực hiện ý muốn và yêu cầu của họ. Họ đã để cho ước muốn và các ý nghĩ sai lầm hướng dẫn cách nhìn của họ. Thay vì tìm ra ý nghĩa của dấu lạ để tìm ra chân tướng đích thật của Đức Giê-su như là Đấng được Thiên Chúa sai đến, thì mắt họ lại chỉ dán vào bánh, của ăn chóng qua nuôi sống nhất thời cho thân xác của họ mà thôi.

Đức Giê-su đã sinh ra, lớn lên và sống cùng thời với họ; cho nên Người hiểu lối suy nghĩ mang tính phù phiếm ấy. Hơn nữa, cũng vì lối suy nghĩ này cho nên đã phát sinh ra các nhóm bạo động nổi lên chống lại chính quyền, hậu quả là bị đế quốc Rô-ma tiêu diệt; cho nên Đức Giê-su không muốn bị dính líu vào các phong trào đấu tranh cực đoan và mang sắc thái chính trị như thế. Cho nên, Người tìm cách né tránh các lối hiểu lầm có thể làm sai đi ý nghĩa của sứ vụ mà Chúa Cha đã tín thác và trao vào tay Người.

Chúng ta nên thông cảm cho các nhận định sai lầm của họ và rồi suy cho cùng thì lối suy nghĩ và thái độ cư xử của chúng ta cũng như họ mà thôi! Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta hãy quên đi bổn phận xây dựng trời mới, nghĩa cử yêu thương và giúp đỡ những ai đói kém hay sao? Không phải thế, tất cả chúng ta được mời gọi đi vào các cơ cấu của trần gian mà làm cho nó tươi đẹp hơn, công bằng hơn. Nhưng hãy nhớ rằng, vinh quang của chúng ta không dừng lại ở các công việc đó. Hướng về Thiên Chúa bằng con tim mở rộng để nhận biết rằng chỉ có Chúa thì chúng ta mới hoàn thành được các dự án mục vụ, không phải theo ý mình mà là theo ý Chúa.

Xin hãy để cho Chúa làm việc của Người. Chỉ có Đức Giê-su mới đủ uy quyền giúp chúng ta thực hiện kế hoạch và các dự án của Người mà thôi. Chúng ta chỉ là những chú bé với vài chiếc bánh và mấy con cá để trao tặng lại cho Người. Phần làm cho mọi người khỏi đói, trong đó kể cả chúng ta, là việc của Người.

Khi xưa Người đã cầm trên tay tấm bánh cuộc đời mà chia sẻ cho mọi người được no nê mà còn dư thừa thế nào, thì ngày nay, Lời của Chúa vẫn còn đủ năng lực và uy quyền như thế; miễn là chúng ta, đừng ai làm thay Người, tự đưa ra một phương án chính trị rồi lôi Người vào. Hãy làm việc để Nước Cha trị đến, Vương Quyền Cha bao phủ trên mọi cách cư xử của chúng ta trước, rồi mọi sự sẽ được cho thêm và trở thành hoàn hảo hơn.

Tóm lại, cuộc sống và những gì chúng ta có không bao giờ thuộc về chúng ta. Trước hết, tất cả đều thuộc về tài sản của Thiên Chúa. Chúng ta là những món quà trân quí đến từ Thiên Chúa cho thế giới này. Và Đức Giê-su, qua dấu chỉ hôm nay, đã đến để mở tấm lòng và bàn tay của chúng ta cho những người xung quanh. Giống như Người, chúng ta hãy cố gắng sống để trở thành nguồn trợ lực và giúp nhau hoàn thành sứ mạng trở thành món quà như ‘tấm bánh của Thiên Chúa’ ban cho thế gian đầy bão tố này.


Monday, 23 July 2018

CHÚA ĐỘNG LÒNG THƯƠNG RỒI SAI TÔI ĐI



Hình ảnh ‘người chăn chiên’ đã được các ngôn sứ thời Cựu Ước dùng để ám chỉ đến các vị lãnh đạo về phần đời cũng như trong đạo của người Do Thái. Khái niệm này đã bắt đầu xuất hiện khi dân Do Thái bị lưu đầy bên Ba-by-lon. Đó là giai đoạn đau khổ. Họ mất đi tất cả, sống lưu đầy và chịu nhiều khổ dịch như những con người nô lệ. Trong hoàn cảnh cơ cực như thế, họ dành nhiều thời gian để ôn lại bàn tay của Thiên Chúa đã thể hiện trong quá khứ và nhìn về tương lai với niềm hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ giải thoát và đưa họ trở về cố hương.

Một trong những khuôn mặt sáng giá xuất hiện trong thời lưu đầy, đó là ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Ngôn sứ đã khơi lên niềm hy vọng cho dân bằng cách trình bầy Thiên Chúa là Người chăn chiên tốt lành, là Mục tử nhân hậu, là Đấng dẫn đường để dẫn dắt đàn chiên, tìm chỗ cho chiên ăn, dẫn lại về đàn các con chiên lạc đường và cứu chiên thoát khỏi các cạm bẫy, các hiểm nguy của các thợ săn và thú dữ.

Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã thẳng thắn nói ra những sai lầm của các nhà lãnh đạo thời bấy giờ, đó chính là thay vì quy tụ, họ lại làm cho đàn chiên bị phân tán; thay vì chăm sóc họ lại xâu xé đàn chiên! Nhưng Thiên Chúa vẫn là chủ. Vì thế cho dù các vị lãnh đạo có sai lầm khiến cho đàn chiên của Chúa bị tan tác. Sau cùng Ngài cũng qui tụ đàn chiên và trao vào tay một vị mục tử duy nhất, từ dòng giống Đa-vít. Người được sai đến để cất đi các nỗi lo sợ rồi dắt họ về đồng cỏ xanh tươi và đầy mầu mỡ.

Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã áp dụng cho chính Người một cách thật tự nhiên hình ảnh vị Mục Tử mà ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã loan báo.

Kính thưa quí ông bà và anh chị em.

Trình thuật trong bài Tin Mừng tuy ngắn gọn nhưng diễn tả dung mạo của Đức Giê-su thật thân tình, gần gũi và đầy tình người. Người cho chúng ta biết tâm tình của vị mục tử ấy. Đức Giê-su không chỉ tin và trao cho các ông chia sẻ sứ mạng với Người; nhưng Đức Giê-su còn dậy cho họ biết một điều sâu thẳm nữa là các ông chỉ có thể trao ban cho người khác điều mà các ông phải nhận lãnh trước. Muốn lo cho người khác thì trước tiên các ông cũng cần lo cho bản thân mình. Trong tâm tình yêu mến, với một thái độ rất ân cần trong việc chăm sóc các Tông đồ, Người đã khuyên họ: “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.

Khi đưa cho họ lời khuyên này, Đức Giê-su nói lên lòng quan tâm của Người đến toàn bộ con người của người môn đệ hơn là công việc, Người muốn các ông noi gương Người khi yêu cầu họ nghỉ ngơi. Cả các con nữa hãy dành những giây phút để lắng đọng tâm hồn, để múc lấy nguồn năng lực rồi mới có thể trao ban. Có nghĩa là, muốn cho công việc rao giảng được bền lâu các Tông đồ cần ý thức rằng nghỉ ngơi cũng là một phần của sứ vụ. Trong giây phút đó họ không hưởng thụ, nhưng nạp thêm sức lực để công việc phục vụ được hữu hiệu và lâu dài hơn.

Tuy ý định của Đức Giê-su thật tốt, nhưng mọi nỗ lực, cố gắng để tìm một giây phút cho tâm hồn được thư dãn và thân xác được nghỉ ngơi cũng không thực hiện được. Cùng với nhóm 12, Đức Giê-su đã lên thuyền, nhưng đám đông dân chúng đã chạy đến trước nơi Thầy trò sắp đến.

Trước cảnh tượng đó, lòng dạ của Đức Giê-su rối bời. Người sững sờ nhìn họ. Những khuôn mặt mệt nhọc, những bước chân lê thê trên đường tìm Người. Cảnh tượng trước mắt khiến cho tâm hồn của Chúa bị rung động một cách mãnh liệt hơn. Người biết họ đang khao khát điều gì. Người không thể bỏ rơi khiến họ phải bơ vơ và lạc bước. Với tấm lòng của người mục tử, trái tim Chúa đau nhói vì đám đông theo Người như bầy chiên không người chăn dắt. Người không thể để họ bơ vơ, cho nên đã tiếp tục dậy dỗ họ.

Nhìn lại lịch sử giáo hội, chúng ta thấy rất nhiều gương sáng của các đấng đã noi gương Đức Giê-su, sẵn sàng hy sinh tất cả để ra đi phục vụ đàn chiên bị bỏ rơi, không người chăm sóc.

Như trường hợp của Cha Thánh An Phong. Trước tiên ngài là linh mục triều. Sau nhiều ngày tháng miệt mài nhiệt tâm phục vụ tại các họ đạo khiến ngài bị kiệt sức. Vì thế bác sĩ buộc ngài và các bạn đồng hành phải đi dưỡng sức tại Scala, thuộc xứ Naples. Vị trí và phong cảnh của Scala thật trữ tình. Nó nằm trên một ngọn núi hướng ra mặt biển, không khí thật trong lành. Quả là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, phong cảnh trữ tình và không khí trong lành như thế cũng không quyến rũ được ngài. Trái lại, chính những ngọn gió đó đã làm thay đổi đời ngài. Vì vừa đến nơi Thánh An Phong đã nhận thấy những người nông dân, kẻ chăn chiên và dân chúng tại Scala là những người bơ vơ, không ai đoái hoài, không ai quan tâm và chăm sóc cho họ.

Quả thật, số giáo sĩ tại vương quốc Naples lúc đó không thiếu. Dựa trên một bản thống kê tương đối chính xác thì tại Naples có 130 giám mục, 56.000 linh mục triều, 31.000 nam tu sĩ bao gồm các cha và các thầy và 26.000 nữ tu. Với một con số đông như thế, mà không một ai tình nguyện ra đi để lo cho họ hay giả như có ai được sai đến thì cũng tìm cách khước từ. Họ chọn những nơi có những ‘con chiên béo’ để làm thịt. Chắc hẳn thịt của những ‘con chiên béo’ này thơm và ngon hơn!

Như Đức Giê-su, thay vì nghỉ ngơi và dưỡng sức, cha An-Phong và các bạn đồng hành lập tức mở lớp giáo lý buổi tối tại tư gia để dậy dỗ và chuẩn bị cho họ lĩnh nhận các bí tích. Nghe tiếng ngài, dân chúng thuộc các vùng lân cận lũ lượt kéo đến để nghe giảng dậy. Qua kinh nghiệm này, ngài nhận rõ con đường phải đi nên đã sáng lập một nhà dòng mà ngày nay chúng ta gọi là Dòng Chúa Cứu Thế, chuyên lo cho những người bị bỏ rơi, bơ vơ không nơi nương tựa, những người nghèo khó.

Trong tinh thần nói trên, xin mời anh chị em cùng nghe một kinh nghiệm.

Số là, cho đến nay, tôi sống với các cha, các thầy trong cộng đoàn hưu dưỡng này cũng gần được 3 năm. Người ta nói đạt đến tuổi 70 đã là hiếm, nhưng tu sĩ nhỏ tuổi nhất trong cộng đoàn này đã được 79, dĩ nhiên không kể đến tôi. Thời gian làm việc của các ngài đã trôi qua. Mọi vinh dự và thử thách cũng là những chuyện của quá khứ. Hiện nay, chúng tôi về đây để chuẩn bị cho bước nhẩy kế tiếp, bước nhẩy sau cùng để san sẻ hào quang và ánh sáng Phục Sinh với Chúa. Vì thế, trong giai đoạn này, anh em cố gắng tạo một bầu khí yêu thương, giúp nhau sống trong vui vẻ rồi hân hoan nhẩy bước sau cùng này. Tinh thần và sự chăm sóc này cũng được nới rộng và trải dài cho quí cha, quí thầy đang ở trong các nhà dưỡng lão.

Trong nhà dưỡng lão, họ được chăm sóc rất cẩn thận, ân cần và đôi khi chuyên biệt hơn những người bình thường. Nói chung, nhân viên đều được đào tạo và đối xử với các cụ rất tốt. Dường như đó là nơi lý tưởng cho những ngày còn lại của cuộc đời. Tuy nhiên, không mấy người lại vui vẻ và chấp nhận sống trong môi trường đó. Ngày ngày, họ trông mong sẽ có người đến thăm. Lúc nào sắc diện và khuôn mặt của họ cũng trầm tư và suy nghĩ. Không biết ai sẽ đến thăm tôi hôm nay? Con trai hay con gái? Hay là một đứa cháu nào đây? Nhưng ngày này qua ngày khác, vẫn không một ai. Thật đau thương!

Chính vì biết như vậy nên chúng tôi dành nhiều thời gian đến thăm anh em tại các nhà dưỡng lão. Chúng tôi cố gắng làm tốt công tác này. Tuy là như thế, qua những lần viếng thăm tôi mới nhận ra một điều là cho dù các cha, thầy được chăm sóc thật chu đáo, nhưng dường như anh em vẫn khao khát điều gì đó mà các chuyên viên, dù tài giỏi và ân cần trong việc chăm sóc cũng không đem lại cho họ được. Phải chăng đó là tình gia đình, nghĩa huynh đệ của anh em cùng Dòng?  

Giống như người mục tử biết từng con chiên thì anh em có cùng một chí hướng, chia sẻ một hướng đi, cùng chung một đặc sủng cũng biết về nhau nên sự quan tâm và hiện diện bên nhau cũng đặc biệt hơn.

Vì thế, đừng cho ai có cảm tưởng là họ đang sống bơ vơ, bị bỏ rơi và không ai quan tâm đến họ. Tâm trạng của người bị bỏ rơi và bơ vơ là một trong những hình thức đau khổ nhất mà con người phải gánh chịu. Đức Giê-su hôm nay bức xúc vì đám đông theo Người như bị bỏ rơi, không ai chăm sóc nên Người đã hy sinh chuyện nghỉ ngơi để chăm lo và dậy dỗ cho họ.

Từ trải nghiệm nói trên, tôi chợt nhớ lại một san sẻ khác của một cha cố, tuy ngài đã khuất, nhưng điều mà ngài nói vẫn lưu lại như sau: “Muốn công việc phục vụ người tất bạc, bơ vơ, nghèo khổ được hữu hiệu, anh em chúng mình, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế cần phải có con tim rung cảm, con tim bị bốc cháy bằng trái tim nhân hậu và rực cháy lửa yêu mến của Chúa.” Và điều này cần được áp dụng cho anh em mình trước tiên. Đừng bỏ rơi ai và đừng để ai bị bơ vơ!

Còn chúng ta thì sao? Tôi không phải là Chúa. Tôi không thuộc về nhóm 12. Và tôi cũng chẳng phải là Thánh An-Phong. Tôi không phải là cha, thầy hay một tu sĩ nào đó. Tôi chỉ là một con người thật bình thường.

Đúng vậy, xin bạn đừng lo! Bởi vì Chúa không đòi chúng ta trao ban hơn điều chúng ta có thể nhận lĩnh. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mọi chương trình mục vụ của chúng ta phải được xuất phát từ lòng từ bi và nhân hậu của Đức Giê-su.

Vì thế, với niềm vinh dự của người môn đệ, nhân danh Chúa chúng ta ra đi. Và, trước khi ra đi, chúng ta hãy tập để đôi mắt của chúng ta nhận ra dấu chân của những con người đang bơ vơ, lạc bước và không ai đoái hoài bằng đôi mắt từ bi, nhân hậu và luôn thương xót của Chúa. Amen!


Thursday, 12 July 2018

CẢNH NGHÈO LÀ HẠNH PHÚC CHO NHỮNG AI LÀ MÔN ĐỆ!



Trong những ngày qua, không chỉ chúng ta mà còn có rất nhiều người trên thế giới để mắt theo dõi các diễn biến trong cuộc giải cứu các thành viên thuộc đổi tuyển bóng đá bên Thái Lan. Thoạt tiên đội tuyển này đã bị mất liên lạc từ ngày 23 tháng 6; sau này, đoàn cứu hộ đã tìm thấy các cháu đang bị kẹt trong một hang động, bị ngập lụt vì mưa lũ, tại Chiang Rai.

Công cuộc giải cứu thật khó khăn và đầy hiểm nguy. Đã có một người hy sinh tính mạng khi thi hành nhiệm vụ. Nói chung, chúng ta nhận ra bao cố gắng, công sức và hy sinh của mọi người trong toán cứu hộ. Họ là những nhà chuyên môn, tự nguyện tham gia. Số khác là đại diện của một cơ quan hay đoàn thể nào đó, còn một số khác nữa đuợc sai đến từ Mỹ, Anh, Úc và các nước khác trên thế giới. Muôn người như một, tất cả đều được sai đến vì một mục đích chung là giải cứu các cháu. Tính đến nay, cuộc giải cứu đã thành công, sức khỏe các cháu đang được theo dõi, chờ ngày đoàn tụ với gia đình.

Qua biến cố này, chúng ta học được gì?

Thứ nhất, rất nhiều người trong chúng ta bi quan, than phiền về hiện trạng của xã hội mà chúng ta đang sống. Cuộc sống của con người càng ngày càng bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa đề cao ‘cái tôi’, tôn sùng chủ nghĩa cá nhân. Thậm chí, con người ngày nay không chỉ đồng ý mà còn cổ suý cho một nền văn hoá ‘vô cảm’. Nó càng ngày càng ảnh hưởng trên lối cư xử của chúng ta: chỉ biết lo cho mình mà quên quan tâm cho nhau.

Nhưng qua sự cố này, chúng ta cảm phục những nhà chuyên môn. Ngoài các nhà chuyên môn đã tình nguyện nói trên, chúng ta phải kể đến các phái đoàn y tế, nhân viên bác ái, các đội thiện nguyện. Họ đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới, san sẻ một tấm lòng, cùng chung một chí hướng.

Mỗi người một công việc. Họ đồng tâm nhất trí để hoàn thành công tác giải thoát các cháu. Lòng dũng cảm, hy sinh, đại lượng nói lên lòng nhân đạo của họ đã như một luồng sáng chiếu soi vào cõi âm u của thế giới này.

Tất cả có chung một sức mạnh. Đó chính là tình yêu.

Và, nói theo ngôn ngữ nhà đạo, họ đã được ‘sai đi’.
Trong tinh thần đó, có một điều giống như vậy đã xẩy ra trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là việc Đức Giê-su ‘bắt đầu’ sai các Tông đồ ra đi rao giảng. Đã có bắt đầu thì phải có sau này. Điều này có nghĩa là các Tông đồ được sai nhằm tiếp nối sứ vụ của Chúa, chứ không hẳn là của các ông.

Thật vậy, Chúa là Đấng được Chúa Cha sai đến; và chúng ta, giống như các Tông đồ khi xưa, là những người được sai. Người được sai không thể cao trọng hơn kẻ sai phái, và những ai được sai đi cũng không thể tiếm quyền kẻ sai mình.

Hãy nhìn lại lịch sử cứu độ, trong những ngày đầu tiên và trải dài theo dòng chảy của ân sủng, Thiên Chúa đã không ngừng sai các sứ giả của Ngài đến với chúng ta; và qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận con người mà lưu ngụ giữa chúng ta. Vì thế, chúng ta có thể xác tín rằng Thiên Chúa không hề bỏ rơi con người, dù hành vi và cách ứng xử của chúng ta có như thế nào vẫn không làm lay chuyển lòng thương xót của Ngài. Và, giống như Đức Giê-su, Đấng đã được Chúa Cha sai đến như thế nào, thì hôm nay Người trao ban cho các Tông đồ như vậy. Vì thế, hiệu quả sứ vụ của các Tông Đồ nói riêng và chúng ta nói chung hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự gắn bó vào Chúa.

Có Chúa trên hành trang là có tất cả, và đó cũng là điều mà Đức Giê-su căn dặn các Tông đồ hôm nay. Để nhẹ nhàng mà lo việc Chúa, các Tông đồ tuy sống vào lòng hiếu khách và rộng rãi của tha nhân, nhưng không được dính bén với bất kỳ môt ai. Các ông cũng không để cho bất kỳ một quyền lực nào ảnh hưởng trên hành trang của người môn đệ. Ngay cả cơm ăn, áo mặc và nơi cư trú là những điều cần thiết cho cuộc sống, nhưng các ông cũng không nên lo lắng thái quá. Mọi sự đó Chúa sẽ ban tặng. Phần các ông, hãy trao hết mọi sự cho Ngài và chỉ cần ra đi với một lòng tín thác vào Ngài là đủ.

Ở đây cho chúng ta nhận thấy yêu cầu mà Chúa mời gọi các môn đệ là biết chấp nhận thân phận nghèo của mình. Nghèo ở đây không chỉ thu tóm vào đời sống vật chất hay tinh thần cho bằng nhấn mạnh đến việc chúng ta phải lệ thuộc vào Chúa như thế nào! Điều này có nghĩa là người được Chúa sai đi luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng, bằng lòng từ bỏ dần dần và trọn vẹn để cho sự giầu có và phong phú của Thiên Chúa được biểu lộ.

Như vậy, sống nghèo là sống dựa vào Chúa chứ không dưạ vào bất cứ một thứ quyền lực nào, cho dù đó là thứ thần quyền của một tổ chức, ngay cả tổ chức đó là giáo hội. Sống nghèo là mệnh lệnh mà Chúa dành cho ai muốn trở thành môn đệ đích thực của Người. Với lối sống như thế thì lời rao giảng của người môn đệ sẽ trở thành Tin Vui cho mọi người. Đó đích thực là lối rao giảng của Chúa.

 Muốn được như vậy, người môn đệ cần sống điều mình sẽ công bố. Đức Ki-tô phải là tin vui cho người môn đệ trước khi họ giới thiệu và chia sẻ cho người khác. Triều đại Thiên Chúa mà Đức Giê-su đã rao giảng phải là vương quốc của người môn đệ trước khi họ ra đi loan báo cho người khác.

Trái với các điều ấy có thể là sự giàu có của giáo hội; lòng tham lam thích vơ vét của hàng giáo sĩ; sự bủn xỉn, thiếu đại lượng, không đủ bao dung của những ai làm môn đệ… tất cả đều làm cho lời rao giảng trở nên cằn cỗi, nghèo nàn, thiếu sức thuyết phục và không đủ sức để chữa lành các vết hằn hoặc không đủ hấp lực để thu hút tâm hồn người nghe.

Hơn thế nữa, có một sự thật mà chúng ta không thể chối cãi đó là thân phận mỏng dòn với muôn ngàn yếu đuối đã là nguyên nhân khiến các môn đệ của Chúa muốn tháo lui. Ngoài ra, giống như Đức Giê-su, thân phận và ơn gọi của chúng ta cũng bị từ khước. Trong hoàn cảnh đó, lời mời gọi ăn năn và sám hối để đón nhận tin vui của Đức Chúa phải là lời cảnh tỉnh đánh thức các môn đệ trước tiên. Môn đệ cần được đổi mới và chính tâm tình đổi mới này sẽ là nguồn động lực giúp họ tiếp tục tiến bước để thi hành sứ vụ.

Đây cũng chẳng phải là điều gì mới lạ, vì chính Đức Giê-su, khi bắt đầu sứ vụ đã mời gọi chúng ta: “Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng.” Và, Tin Mừng mà chúng ta tin, nó đang hiện diện, được biểu lộ bằng hành động, có thể được minh hoạ trong câu chuyện sau đây.

Số là, trong cuộc chiến tại Hàn Quốc, có một ngôi làng nhỏ nằm ngay trên làn mưa đạn của các trận pháo kích. Trong làng, có một ngôi nhà thờ. Bên ngoài nhà thờ, có một bức tượng Chúa Giê-su Kitô đuợc đặt trên một cái bệ. Và, sau cuộc chiến, người ta chỉ thấy cảnh tang hoang và đổ nát. Bức tượng cũng không ngoại lệ. Nó nằm chung số phận, bị đổ xuống và vỡ thành từng mảnh vụn tung tóe trên nền nhà thờ.

Xẩy ra là có một nhóm lính Mỹ đến thu dọn. Thấy cảnh tượng như thế, một cách thận trọng, họ đã thu thập các mảnh vụn rồi ráp lại thành gần như một pho tượng, chỉ thiếu đôi tay. Họ đề nghị với cha sở của họ đạo đó cho phép họ đem pho tượng về Mỹ để gắn thêm đôi tay vào cho hoàn chỉnh. Nhưng vị linh mục đó đã từ chối. Ngài nói: “Tôi có một ý tưởng hay khác”, đó là “chúng ta cứ để nguyên pho tượng thiếu hai tay như thế” rồi ghi dưới bệ của bức tượng hàng chữ “bạn ơi, làm ơn cho tôi mượn đôi tay của bạn”.

Với cách thức đó, pho tượng thiếu đôi tay của Chúa sẽ nhắc nhở những ai đi qua nơi này nhớ lại rằng giờ đây Chúa đang cần đôi tay của bạn để nâng dậy những ai bị vấp ngã, những ai đang cần bạn ôm ấp để bớt cô đơn và vơi đi nỗi phiền sầu. Không chỉ có thế, Chúa còn cần đôi chân bạn để đi tìm những ai bị lạc lối. Chúa lại cần bờ vai của ban để cho những ai lao đao vất vả có chỗ dựa. Chúa cần con tim của bạn để nhìn ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi những con người bé mọn và bị coi thường. Sau cùng, Chúa rất cần mọi chi thể của bạn để nối kết những nguời mà bạn đã gặp và cùng nhau xây dựng trời mới đất mới, nơi đó chỉ có bình an, hoan lạc, niềm vui và tất cả những gì Chúa muốn dựng xây trong Nước Thiên Chúa.

Quả thật, đó là niềm vinh dự dành cho những ai được tham gia vào việc kiến tạo trời mới đất mới! Và, hạnh phúc thay cho ai đã được Thiên Chúa trao ban cho nhiệm vụ cao quí như thế!

Trong tâm tình đó, hãy dâng lời ngợi khen với tâm tình cảm tạ vì lòng tín thác của Thiên Chúa dành cho, dù chúng ta bất xứng. Amen!


Thursday, 5 July 2018

BỞI ĐÂU ĐỨC GIÊ-SU KHÔNG ĐƯỢC CHẤP NHẬN?



Để bắt đầu cho bài suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, xin mời anh chị em cùng nghe vài truyện ngắn.

Số là, tại một làng kia, vào những dịp hè, có một đoàn xiếc thường xuyên đến diễn cho bà con xem. Họ đóng lều và dựng sân khấu ngay trên mảnh đất không mấy xa chỗ ở của dân chúng.

Vào một buổi tối nọ, trước giờ trình diễn, người ta phát hiện một ngọn lửa bùng cháy lên trong một chiếc lều. Ông giám đốc đoàn xiếc muốn kêu cứu bà con ra giúp đỡ. Nhìn đi, quay lại ông chỉ thấy có người mặc trang phục đóng vai anh hề, đang đứng gần đó. Ông bèn sai anh ta chạy vào làng cầu cứu. Ông nghĩ rằng họ sẽ giúp ông. Bởi vì, nếu ngọn lửa cháy lan rộng ra, thì những căn nhà trong làng cũng bị thiệt hại.

Anh hề vội vã chạy vào cầu cứu bà con. Nhưng họ lại nghĩ là anh đang làm trò. Lại có một số người khác nghĩ anh đang quảng cáo cho đoàn xiếc. Và, chính vì cái nhìn đầy thiên kiến này đã khiến cho họ không nhận ra tâm tình khẩn khoản van xin và yêu cầu được giúp đỡ của anh. Anh càng cố gắng thì họ càng chế nhạo. Sau cùng lửa cháy lan ra và cả làng bị thiệt hại trong trận hỏa hoạn đó.

Lại có một câu chuyện khác.

Như anh chị em đã biết về đại thi hào Tagore. Khi còn trẻ, ông đã có biệt tài về thơ văn. Thỉnh thoảng, ông đã sáng tác vài bài thơ, ký tên đàng hoàng rồi gửi cho tờ báo do cha ông làm chủ. Chú bé Tagore nhà mình thầm nghĩ rằng bố cậu sẽ nâng đỡ nhân tài bằng cách cho đăng các bài thơ do cậu sáng tác. Nhưng, kết quả lại khác với ý nghĩ của cậu. Khi thấy những bài thơ gửi đến ký tên con mình, bố của Tagore chẳng thèm đọc mà quẳng ngay vào sọt rác vì cho rằng con của ông còn nhỏ dại thì biết gì về thi ca và thơ phú.

Khi hiểu rõ sự tình, Tagore tiếp tục gửi cho toà soạn những bài thơ mà cậu đã gửi trước đây. Nhưng trong những lần gửi sau này, cậu đã không ký tên thật mà dùng một bút hiệu khác. Khi nhận được những vần thơ đó, nhân viên xét duyệt đọc qua, thấy quá hay bèn đệ trình cho bố của cậu và cuối cùng mọi người trong ban biên tập đều nhận ra giá trị văn học của những bài thơ đó. Thế là thay vì bị đưa vào máy xén, lần này các bài thơ được đăng trên báo theo như ước nguyện của cậu.

Hai câu chuyện tiêu biểu nói trên giúp chúng ta đi đến một nhận định. Đó là, bởi thành kiến cho nên chúng ta thường nhận định sai về khả năng và giá trị của người khác. Hình ảnh mấy anh mù đi xem voi lại là một thí dụ tiêu biểu nữa. Mỗi người sờ một phần của con voi rồi đoán sai bét. Như họ, chúng ta chỉ biết nhận định về tha nhân dựa trên các tiêu chuẩn và lối nhìn thiển cận ở một góc độ nào đó của chính mình. Cách nhìn này rất dễ sai lầm và làm trở ngại trong việc xây dựng cộng đoàn.

Kính thưa quí ông bà và anh chị em,

Có một điều tương tự đã xảy ra với Đức Giêsu khi Người trở về quê hương Na-da-rét. Dân trong làng, cho dù vẫn nhận ra sự khôn ngoan trong lời giảng dậy của Người. Nhưng khi nhớ lại gốc tích và các kinh nghiệm mà họ đã trải qua với Đức Giê-su trong thời thơ ấu thì không một ai trong họ còn có thiện cảm với Chúa. Đối với họ, Đức Giê-su vẫn chỉ là con của bà Maria, anh chị em của Người, họ đều biết rõ. Ngoài ra, trong trình thuật hôm nay, Thánh Mác-cô lại không đề cập đến Thánh Giu-se, cha của Đức Giê-su. Chúng ta có thể cho rằng Thánh Giu-se đã chết. Giả như đó là sự thật rồi vịn vào đó để lãng quên vai trò của Thánh Giu-se thì cũng hơi lạ!

Tuy nhiên, có một chi tiết mà chúng ta nên để ý là Đức Giê-su không lớn lên trong một gia đình vọng tộc, có bề thế hay danh giá. Trái lại, dưới cái nhìn của họ thì Người thuộc về tầng lớp không được trọng vọng, chẳng có địa vị gì. Và như vậy, dù Người có nổi tiếng và làm được nhiều điều kỳ diệu tại các nơi khác, thì trước mặt họ, Chúa của chúng ta với gốc tích bần cùng như thế thì có làm được gì để cho họ khâm phục. Thậm chí, có một số người thân của Đức Giê-su còn cho rằng Người bị mất trí nữa. (Mc 3:20)

Nói khác đi, Đức Giê-su không có quyền trở thành một người khác hơn là một con người do họ nghĩ và tạo nên. Có nghĩa là Đức Giê-su bị nhốt trong lối suy nghĩ và cách nhìn của họ. Người bị giam lỏng như một số người trong chúng ta vẫn thường xuyên nhốt Người trong các cơ sở vật chất, cho dù nguy nga và tráng lệ đến đâu; nhưng thiếu tình yêu, bác ái và lòng thương xót thì các đền đài đó còn có ý nghĩa gì hay không?

Với ngần ấy lý do, chúng ta có thể thông cảm với cách hành xử thiếu tin tưởng của dân làng Na-da rét. Họ từ chối đón nhận sứ điệp của Người. Vì với lối suy nghĩ rất giới hạn và đầy thành kiến như thế thì làm sao họ có thể nhận ra chân tướng đích thật của Đức Giê-su! Làm thế nào họ có thể đón nhận Người là Đấng mà Thiên Chúa sai đến để loan báo sứ điệp giải thoát và đem tin vui đến cho họ!

Trước tình hình đó, Đức Giê-su còn biết nói gì hơn! Người chỉ biết trích một câu ngạn ngữ rất phổ thông để làm cho tình hình bớt căng thẳng hơn, và đây cũng là dịp nhắc lại cho họ biết về sứ mạng và thân phận của một ngôn sứ. Đó là: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”

Như chúng ta đã biết, tuy Đức Giê-su được tán dương hay công nhận tại một số nơi, bởi  một số người theo chân Chúa trên hành trình rao giảng. Nhưng nói chung là Đức Chúa gặp nhiều chướng ngại, thử thách và chống đối trong khi thi hành sứ mạng. Hầu hết các mầm mống của sự đối kháng phát xuất từ phía những người lãnh đạo và bà con của Người. Tuy con đường và thân phận của một ngôn sứ không có nhiều hào quang như chúng ta lầm tưởng. Nhưng, không có người nào hay quyền lực nào, ngay cả sự chết có thể ngăn cản Đức Giê-su chu toàn sứ mạng. Thái độ thiếu lòng tin dẫn đến việc từ khước Đức Giê-su của dân làng Na-da-rét cũng không làm cho Người bị chùn bước hay thất vọng. Người chỉ ngạc nhiên và lấy làm lạ vì họ thiếu tin.

Thưa anh chị em,

Công việc mà Đức Giêsu cần làm trong hoàn cảnh này là đối diện với hiện tượng không tin của họ. Không thể để cho các hiện tượng tiêu cực đó làm Người bị gục ngã. H không tin. Nhưng các môn đệ cần nhìn vào gương sáng của Thầy, đó là tiếp tục tin tưởng và phó thác vào Cha của Người, Đấng hiện diện trong mọi tình huống, nhất là trong những lúc họ cần đến Ngài.

Hiện tượng thiếu niềm tin này có thể được cụ thể hoá qua lối sống của những người trẻ trong xã hội mà chúng ta đang sống hôm nay. Biết bao bậc làm cha làm mẹ đã và đang ngao ngán trước lối sống xa cách với niềm tin tôn giáo của con cái họ. Chính Đức Giêsu, dù là Đấng được Cha sai đến cũng đã gặp những người không tin, nhất là những người đó lại là thân nhân của Người. Đứng trước thái độ không tin của những người đồng hương, Đức Giê-su dường như bị bất lực. Thật ra, không hẳn là như thế. Sự im lặng của Chúa có thể cho chúng ta biết rằng Người hoàn toàn tôn trọng quyền tự do mà Thiên Chúa đã ban cho họ.  Cho dù con người đã nhiều lần xử dụng sai cái thẩm quyền đó. Nhưng vì yêu thương, Ngài vẫn tôn trọng và tìm cách khác để lôi kéo họ về nẻo chính đuờng ngay.

Có một sự thật vô cùng hiển nhiên mà chúng ta không thể chối bỏ được là Đức Tin tuy là điều cần thiết để nhận ra uy quyền của Thiên Chúa. Nhưng đức tin đó không phải là thành quả phát sinh từ sự cố gắng của con người, cho bằng đó chính là hồng ân cao quí của Thiên Chúa ban cho.

Và, với bản chất mỏng dòn và yếu đuối của con người như thế nào thì niềm tin của chúng ta cũng mỏng dòn và yếu đuối như thế. Chính vì thế, chúng ta cần có sự trợ lực. Sự hỗ trợ này không phát xuất bất cứ từ một sức mạnh nào, cho bằng nhìn nhận sự yếu đuối của bản thân, rồi để cho sức mạnh của Thiên Chúa được tỏ hiện. Đó chính là kinh nghiệm đã được san sẻ bởi Thánh Phao-lô trong bài đọc thứ hai mà chúng ta vừa nghe hôm nay.

Những gì mà Thiên Chúa đã nói với Thánh Phao-lô khi xưa, cũng là Lời mà Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay. Đó là “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Và Thánh nhân đã rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của mình, để sức mạnh của Đức Ki-tô luôn toả sáng.

Đây, chính là bài học vô cùng quý giá cho những yếu đuối và thất bại của chúng ta.

Tóm lại, đứng trước sự từ khước của thân nhân và bà con lối xóm, Đức Giê-su đã không chấp nhận ngã gục hay thua cuộc, nhưng lại tiếp tục lên đường hoàn tất sứ mạng. Thánh Mác-cô nhận xét là Người ngạc nhiên vì họ thiếu lòng tin. Nhưng cũng chính vì ngạc nhiên mà Người tiếp tục tìm kiếm câu trả lời bằng cách thi hành sứ vụ. Câu trả lời đã đến qua việc Người đón nhận sự gục ngã toàn diện trên Thập Giá để củng cố niềm tin cho những ai đi theo Người.  Và, đó cũng là cách mà Đức Giê-su muốn tỏ bầy để biểu lộ trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa thành toàn nơi bản thân Người.

Ước mong chúng ta thành tín bước theo chân Chúa đến cùng trên con đường đó. Amen!