Monday, 23 July 2018

CHÚA ĐỘNG LÒNG THƯƠNG RỒI SAI TÔI ĐI



Hình ảnh ‘người chăn chiên’ đã được các ngôn sứ thời Cựu Ước dùng để ám chỉ đến các vị lãnh đạo về phần đời cũng như trong đạo của người Do Thái. Khái niệm này đã bắt đầu xuất hiện khi dân Do Thái bị lưu đầy bên Ba-by-lon. Đó là giai đoạn đau khổ. Họ mất đi tất cả, sống lưu đầy và chịu nhiều khổ dịch như những con người nô lệ. Trong hoàn cảnh cơ cực như thế, họ dành nhiều thời gian để ôn lại bàn tay của Thiên Chúa đã thể hiện trong quá khứ và nhìn về tương lai với niềm hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ giải thoát và đưa họ trở về cố hương.

Một trong những khuôn mặt sáng giá xuất hiện trong thời lưu đầy, đó là ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Ngôn sứ đã khơi lên niềm hy vọng cho dân bằng cách trình bầy Thiên Chúa là Người chăn chiên tốt lành, là Mục tử nhân hậu, là Đấng dẫn đường để dẫn dắt đàn chiên, tìm chỗ cho chiên ăn, dẫn lại về đàn các con chiên lạc đường và cứu chiên thoát khỏi các cạm bẫy, các hiểm nguy của các thợ săn và thú dữ.

Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã thẳng thắn nói ra những sai lầm của các nhà lãnh đạo thời bấy giờ, đó chính là thay vì quy tụ, họ lại làm cho đàn chiên bị phân tán; thay vì chăm sóc họ lại xâu xé đàn chiên! Nhưng Thiên Chúa vẫn là chủ. Vì thế cho dù các vị lãnh đạo có sai lầm khiến cho đàn chiên của Chúa bị tan tác. Sau cùng Ngài cũng qui tụ đàn chiên và trao vào tay một vị mục tử duy nhất, từ dòng giống Đa-vít. Người được sai đến để cất đi các nỗi lo sợ rồi dắt họ về đồng cỏ xanh tươi và đầy mầu mỡ.

Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã áp dụng cho chính Người một cách thật tự nhiên hình ảnh vị Mục Tử mà ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã loan báo.

Kính thưa quí ông bà và anh chị em.

Trình thuật trong bài Tin Mừng tuy ngắn gọn nhưng diễn tả dung mạo của Đức Giê-su thật thân tình, gần gũi và đầy tình người. Người cho chúng ta biết tâm tình của vị mục tử ấy. Đức Giê-su không chỉ tin và trao cho các ông chia sẻ sứ mạng với Người; nhưng Đức Giê-su còn dậy cho họ biết một điều sâu thẳm nữa là các ông chỉ có thể trao ban cho người khác điều mà các ông phải nhận lãnh trước. Muốn lo cho người khác thì trước tiên các ông cũng cần lo cho bản thân mình. Trong tâm tình yêu mến, với một thái độ rất ân cần trong việc chăm sóc các Tông đồ, Người đã khuyên họ: “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.

Khi đưa cho họ lời khuyên này, Đức Giê-su nói lên lòng quan tâm của Người đến toàn bộ con người của người môn đệ hơn là công việc, Người muốn các ông noi gương Người khi yêu cầu họ nghỉ ngơi. Cả các con nữa hãy dành những giây phút để lắng đọng tâm hồn, để múc lấy nguồn năng lực rồi mới có thể trao ban. Có nghĩa là, muốn cho công việc rao giảng được bền lâu các Tông đồ cần ý thức rằng nghỉ ngơi cũng là một phần của sứ vụ. Trong giây phút đó họ không hưởng thụ, nhưng nạp thêm sức lực để công việc phục vụ được hữu hiệu và lâu dài hơn.

Tuy ý định của Đức Giê-su thật tốt, nhưng mọi nỗ lực, cố gắng để tìm một giây phút cho tâm hồn được thư dãn và thân xác được nghỉ ngơi cũng không thực hiện được. Cùng với nhóm 12, Đức Giê-su đã lên thuyền, nhưng đám đông dân chúng đã chạy đến trước nơi Thầy trò sắp đến.

Trước cảnh tượng đó, lòng dạ của Đức Giê-su rối bời. Người sững sờ nhìn họ. Những khuôn mặt mệt nhọc, những bước chân lê thê trên đường tìm Người. Cảnh tượng trước mắt khiến cho tâm hồn của Chúa bị rung động một cách mãnh liệt hơn. Người biết họ đang khao khát điều gì. Người không thể bỏ rơi khiến họ phải bơ vơ và lạc bước. Với tấm lòng của người mục tử, trái tim Chúa đau nhói vì đám đông theo Người như bầy chiên không người chăn dắt. Người không thể để họ bơ vơ, cho nên đã tiếp tục dậy dỗ họ.

Nhìn lại lịch sử giáo hội, chúng ta thấy rất nhiều gương sáng của các đấng đã noi gương Đức Giê-su, sẵn sàng hy sinh tất cả để ra đi phục vụ đàn chiên bị bỏ rơi, không người chăm sóc.

Như trường hợp của Cha Thánh An Phong. Trước tiên ngài là linh mục triều. Sau nhiều ngày tháng miệt mài nhiệt tâm phục vụ tại các họ đạo khiến ngài bị kiệt sức. Vì thế bác sĩ buộc ngài và các bạn đồng hành phải đi dưỡng sức tại Scala, thuộc xứ Naples. Vị trí và phong cảnh của Scala thật trữ tình. Nó nằm trên một ngọn núi hướng ra mặt biển, không khí thật trong lành. Quả là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, phong cảnh trữ tình và không khí trong lành như thế cũng không quyến rũ được ngài. Trái lại, chính những ngọn gió đó đã làm thay đổi đời ngài. Vì vừa đến nơi Thánh An Phong đã nhận thấy những người nông dân, kẻ chăn chiên và dân chúng tại Scala là những người bơ vơ, không ai đoái hoài, không ai quan tâm và chăm sóc cho họ.

Quả thật, số giáo sĩ tại vương quốc Naples lúc đó không thiếu. Dựa trên một bản thống kê tương đối chính xác thì tại Naples có 130 giám mục, 56.000 linh mục triều, 31.000 nam tu sĩ bao gồm các cha và các thầy và 26.000 nữ tu. Với một con số đông như thế, mà không một ai tình nguyện ra đi để lo cho họ hay giả như có ai được sai đến thì cũng tìm cách khước từ. Họ chọn những nơi có những ‘con chiên béo’ để làm thịt. Chắc hẳn thịt của những ‘con chiên béo’ này thơm và ngon hơn!

Như Đức Giê-su, thay vì nghỉ ngơi và dưỡng sức, cha An-Phong và các bạn đồng hành lập tức mở lớp giáo lý buổi tối tại tư gia để dậy dỗ và chuẩn bị cho họ lĩnh nhận các bí tích. Nghe tiếng ngài, dân chúng thuộc các vùng lân cận lũ lượt kéo đến để nghe giảng dậy. Qua kinh nghiệm này, ngài nhận rõ con đường phải đi nên đã sáng lập một nhà dòng mà ngày nay chúng ta gọi là Dòng Chúa Cứu Thế, chuyên lo cho những người bị bỏ rơi, bơ vơ không nơi nương tựa, những người nghèo khó.

Trong tinh thần nói trên, xin mời anh chị em cùng nghe một kinh nghiệm.

Số là, cho đến nay, tôi sống với các cha, các thầy trong cộng đoàn hưu dưỡng này cũng gần được 3 năm. Người ta nói đạt đến tuổi 70 đã là hiếm, nhưng tu sĩ nhỏ tuổi nhất trong cộng đoàn này đã được 79, dĩ nhiên không kể đến tôi. Thời gian làm việc của các ngài đã trôi qua. Mọi vinh dự và thử thách cũng là những chuyện của quá khứ. Hiện nay, chúng tôi về đây để chuẩn bị cho bước nhẩy kế tiếp, bước nhẩy sau cùng để san sẻ hào quang và ánh sáng Phục Sinh với Chúa. Vì thế, trong giai đoạn này, anh em cố gắng tạo một bầu khí yêu thương, giúp nhau sống trong vui vẻ rồi hân hoan nhẩy bước sau cùng này. Tinh thần và sự chăm sóc này cũng được nới rộng và trải dài cho quí cha, quí thầy đang ở trong các nhà dưỡng lão.

Trong nhà dưỡng lão, họ được chăm sóc rất cẩn thận, ân cần và đôi khi chuyên biệt hơn những người bình thường. Nói chung, nhân viên đều được đào tạo và đối xử với các cụ rất tốt. Dường như đó là nơi lý tưởng cho những ngày còn lại của cuộc đời. Tuy nhiên, không mấy người lại vui vẻ và chấp nhận sống trong môi trường đó. Ngày ngày, họ trông mong sẽ có người đến thăm. Lúc nào sắc diện và khuôn mặt của họ cũng trầm tư và suy nghĩ. Không biết ai sẽ đến thăm tôi hôm nay? Con trai hay con gái? Hay là một đứa cháu nào đây? Nhưng ngày này qua ngày khác, vẫn không một ai. Thật đau thương!

Chính vì biết như vậy nên chúng tôi dành nhiều thời gian đến thăm anh em tại các nhà dưỡng lão. Chúng tôi cố gắng làm tốt công tác này. Tuy là như thế, qua những lần viếng thăm tôi mới nhận ra một điều là cho dù các cha, thầy được chăm sóc thật chu đáo, nhưng dường như anh em vẫn khao khát điều gì đó mà các chuyên viên, dù tài giỏi và ân cần trong việc chăm sóc cũng không đem lại cho họ được. Phải chăng đó là tình gia đình, nghĩa huynh đệ của anh em cùng Dòng?  

Giống như người mục tử biết từng con chiên thì anh em có cùng một chí hướng, chia sẻ một hướng đi, cùng chung một đặc sủng cũng biết về nhau nên sự quan tâm và hiện diện bên nhau cũng đặc biệt hơn.

Vì thế, đừng cho ai có cảm tưởng là họ đang sống bơ vơ, bị bỏ rơi và không ai quan tâm đến họ. Tâm trạng của người bị bỏ rơi và bơ vơ là một trong những hình thức đau khổ nhất mà con người phải gánh chịu. Đức Giê-su hôm nay bức xúc vì đám đông theo Người như bị bỏ rơi, không ai chăm sóc nên Người đã hy sinh chuyện nghỉ ngơi để chăm lo và dậy dỗ cho họ.

Từ trải nghiệm nói trên, tôi chợt nhớ lại một san sẻ khác của một cha cố, tuy ngài đã khuất, nhưng điều mà ngài nói vẫn lưu lại như sau: “Muốn công việc phục vụ người tất bạc, bơ vơ, nghèo khổ được hữu hiệu, anh em chúng mình, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế cần phải có con tim rung cảm, con tim bị bốc cháy bằng trái tim nhân hậu và rực cháy lửa yêu mến của Chúa.” Và điều này cần được áp dụng cho anh em mình trước tiên. Đừng bỏ rơi ai và đừng để ai bị bơ vơ!

Còn chúng ta thì sao? Tôi không phải là Chúa. Tôi không thuộc về nhóm 12. Và tôi cũng chẳng phải là Thánh An-Phong. Tôi không phải là cha, thầy hay một tu sĩ nào đó. Tôi chỉ là một con người thật bình thường.

Đúng vậy, xin bạn đừng lo! Bởi vì Chúa không đòi chúng ta trao ban hơn điều chúng ta có thể nhận lĩnh. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mọi chương trình mục vụ của chúng ta phải được xuất phát từ lòng từ bi và nhân hậu của Đức Giê-su.

Vì thế, với niềm vinh dự của người môn đệ, nhân danh Chúa chúng ta ra đi. Và, trước khi ra đi, chúng ta hãy tập để đôi mắt của chúng ta nhận ra dấu chân của những con người đang bơ vơ, lạc bước và không ai đoái hoài bằng đôi mắt từ bi, nhân hậu và luôn thương xót của Chúa. Amen!


No comments:

Post a Comment