Wednesday, 26 June 2019

THEO CHÚA: ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU.



Thời gian qua cùng với toàn thể Hội Thánh chúng ta đã cử hành các lễ trọng để tưởng nhớ và làm sống động các mầu nhiệm cao cả của Thiên Chúa. Bầu khí của các ngày đại lễ hẳn nhiên thật tưng bừng; ai ai cũng vui mừng. Dư âm của các ngày lễ vẫn còn để lại âm vang trong tâm trí và cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, giờ đây trở về với cuộc sống thường nhật, chúng ta tiếp tục đón nhận các thách đố của Tin Mừng để cùng với Đức Giê-su hoàn thành sứ vụ đã được trao phó.

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ mười ba tuần này nói đến lòng quyết tâm đi lên Giê-ru-sa-lem, đỉnh cao của sứ vụ, nơi Đức Giê-su sẽ bị đóng đinh.

Trên hành trình đi, Người đã ghé vào làng của người Samaria; nhưng không được họ tiếp nhận; vì thế Gia-cô-bê và Gio-an mới tỏ thái độ. Một thái độ quá khích, cực đoan và bạo động của các môn đệ, sẵn sàng xử chết những ai không thuộc về phe mình.

Sau đó Đức Giê-su gặp một vài người muốn làm môn đệ của Thày. Nhân cơ hội này, Đức Giê-su đã đưa ra các điều kiện tiên quyết mà các môn đệ cần có để trung tín với ơn gọi theo chân Đức Giê-su.

Căn cứ vào kinh nghiệm sống, chúng ta thường hay chủ quan và tìm mọi cách để biện minh cho quan điểm của mình là đúng, là chính thống. Thậm chí có một số người còn đi xa hơn, có ý muốn dùng bạo lực để khuất phục và bắt đối phương phải nhận ra sai lầm về học thuyết cũng như cách sống của họ. Giả như, chúng ta có một chút sức mạnh quân sự, chúng ta cũng dám dùng nó để trừng phạt họ.

Nghe đến đây anh chị em sẽ có cảm nghĩ là tôi hơi chủ quan và cũng có phần quá khích khi có giọng điệu nói trên. Thật ra, để có được một Hội Thánh như hôm nay, chúng ta, trong quá khứ, đã trải qua nhiều giai đoạn mà người ta gọi là ‘Hộ Giáo’; có nghĩa là dùng mọi cách để bảo vệ giáo lý đức tin của Hội Thánh. Nếu có người nào dám nói trái ý thì lập tức các đấng bản quyền sẽ nhân danh việc bảo vệ đức tin, sẵn sàng ra hình phạt cho người đó, như tống vào hang thú dữ hay đưa lên dàn hỏa thiêu.

Đó là chuyện quá khứ, ngày nay nhiều lãnh vực trong cuộc sống đạo của chúng ta đã được canh tân bởi Công Đồng Vatican II; và con người càng ngày càng đối xử với nhau một cách văn minh hơn, sẵn sàng đón nhận sự khác biệt của người khác và tôn trọng nhau hơn. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều người có lối suy nghĩ và hành động nói trên.

Hiện nay, Giáo Hội bên các nước Tây Phương phải ứng phó với tệ nạn lạm dụng quyền bính, bao che khiến một số chức sắc phải hầu tòa, nhiều người đã lãnh án tù. Thế mà vẫn có người nhiệt thành, quá khích muốn binh vực Giáo Hôi nên đã nói, nếu họ có quyền thì họ sẽ có biện pháp trừng phạt những ai, theo họ, đang tấn công Giáo Hội! Ý nghĩ như thế mà không mang tính bạo động thì còn là gì nữa?

Mới đây tôi nhớ lại một sự kiện, thái độ nhiệt tình của người trong câu chuyện rất giống với lối dẫn giải nói trên. Số là có một người, sau khi đi tham dự một khóa tĩnh huần về cảm thấy bản thân bị tác động nên muốn truyền lửa cho bạn anh, một Thầy sáu mới chịu chức. Anh nói “Thầy nên tham dự khóa, em bảo đảm, thầy sẽ đổi đời.” Nghe hai chữ đổi đời, thầy sáu nhà ta cảm thấy choáng vang. Đổi đời là thế nào? Không lẽ từ trước đến giờ Chúa đã lầm khi mời thầy, đến bây giờ mới sai sứ giả đến để bảo thày thay đổi cách sống! Thật là một cú shock (sốc) khiến thầy lúng túng, chưa kịp đáp trả, thì anh bạn của Thầy nói tiếp “chúng em sẽ lo hết mọi chuyện trong dịp truyền chức linh mục của thày sắp đến,” đương nhiên là với điều kiện thầy phải đi tham dự khóa. Thái độ chính thống và xem như chỉ có nhóm mình mới có tiếng nói duy nhất để giúp người khác gặp Chúa là thế đó. Anh ta trói Chúa trong cái nhìn vô cùng thiển cận và hạn hẹp của anh ta. Rõ khổ, cách hành xử này vẫn còn thấy xuất hiện nhan nhản trong các sinh hoạt của các cộng đoàn.

Vì thế, không có gì làm chúng ta ngạc nhiên khi nghe Gia-cô-bê và Gio-an muốn trừng phạt những người Sa-ma-ri-a vì họ dám từ chối đón tiếp Đức Giê-su. Hai ông, có thể coi như là đại diện cho nhóm mười hai, xem ra rất chủ quan và tự tin về ý định của các ông. Binh vực thầy mà! Các môn đệ làm như là những người có quyền lấy lửa từ trời xuống để thiêu sống những người dân trong làng này vậy.

Cách hành xử của Chúa thì sao? Đức Giê-su đã không sử dụng quyền lực để lên án những ai không đón tiếp Người. Thánh Luca cho biết Đức Giê-su quở trách các môn đệ, sau đó hướng dẫn họ tiếp tục sứ vụ. Thầy trò Đức Giê-su đã đi đến ngôi làng khác. Đức Giê-su tiếp tục vai trò của một vị Thầy, đó là không để cho các ông tiếp tục tranh luận về việc từ chối đón tiếp Người của dân làng Samaria nữa. Đây không phải là một tranh luận để thẩm định ai đúng ai sai, ai là kẻ chiến thắng và ai là người thua cuộc. Hãy tiến về phía trước, chúng ta còn việc phải làm, đó là cùng đi để loan báo Tin Mừng.

Có một chi tiết quả thật rất là thú vị, đó là chính Gio-an sau này được gọi là ‘người môn đệ Chúa yêu’ và cũng là người thầy rao giảng về tình yêu, thế mà ông lại là người đã đưa ra đề nghị quá khích này. Còn Chúa, nơi Người không có bạo động và khép kín. Đức Giê-su đón nhận và mở lòng ra cho tất cả mọi hạng người; ngay cả những ai chống đối, Người tha và đón nhận tất cả. Người không trả thù ai. Trên Thập giá, Đức Giê-su đã cầu nguyện: “Lậy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”

Anh chị em thân mến,

Chúng ta bước sang phần kế tiếp của bài Tin Mừng. Tiếp theo sự cố xẩy ra tại Samaria, Đức Giê-su tiếp tục đi lên Giê-ru-sa-lem. Trên đường đi, Người gặp ba người muốn theo Chúa. Nhưng mỗi người đều có chuyện cần làm trước. Trước cách chọn lựa thiếu ưu tiên của họ, Đức Giê-su đã trả lời như sau:

Đối với người thứ nhất, Chúa nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” Lý do mà người thứ hai đưa ra rất đáng kính phục, anh cần phải báo hiếu. Cha anh vừa chết nên việc chôn cất là bổn phận. Anh cần lo việc chôn cất cha anh trước, rồi mới theo Thầy. Đối với anh, Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Ðại Thiên Chúa". Và người thứ ba, Ðức Giêsu bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa".

Dựa trên kinh nghiệm trong cuộc sống, chúng ta đều biết rằng muốn đạt được ước mơ, chúng ta cần hy sinh rất nhiều, nhất là cần đặt trọn tâm tư, ý chí và trung thành với điều mà chúng ta đã cam kết. Không có sự thành công nào mà không đòi buộc sự quyết tâm. Không một ai dấn thân nửa vời mà có kết quả tốt bao giờ. Không một ai cứ chần chừ không dám quyết định mà có thể đạt được điều mình mong ước. Vì thế, quyết tâm dấn thân cho lý tưởng đòi buộc chúng ta phải kiên tâm và bền chí. Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta sẽ hy sinh đến độ mất hết tự do. Thật ra chúng ta dùng quyền tự do của mình để hạn chế những phần không cần thiết của sứ vụ để dùng sự do đó mà thực hiện điều chúng ta đang mong đợi.

Như vậy, căn cứ vào lời dậy bảo của Đức Giê-su, chúng ta nhận ra rằng nếu ai có quyết định theo Chúa, thì người đó phải chuẩn bị hy sinh và hao tốn rất nhiều năng lực. Nhưng tất cả những hy sinh này sẽ giúp cho họ đạt được Nước Thiên Chúa. Chính Đức Giê-su là Người cho chúng ta được theo Người, cho nên Người có đủ thẩm quyền để yêu cầu chúng ta làm theo ý của Người.

Trong cuộc sống của người Ki-tô hữu, chúng ta có hai chọn lựa: hoặc là sống độc thân vì lý tưởng hay lập gia đình. Cả hai chọn lựa đều yêu cầu chúng ta phải ra khỏi vùng an toàn của chính mình, và chấp nhận một lối sống với nhiều hy sinh hơn lối sống ở hiện tại. Nếu họ quyết tâm thực hiện điều họ đã cam kết và chấp nhận mọi hậu quả để hoàn thành ước nguyện thì giả như có gặp khủng hoảng hay khó khăn thì họ cũng dễ dàng đón nhận và tìm ra phương thức để giải quyết ổn thỏa hơn.

Nhưng nếu một người không có định hướng rõ ràng. Anh muốn thử nghiệm mọi hướng, có nghĩa là cái gì anh cũng muốn thử rồi đến khi gặp khó khăn thì lùi bước. Với thái độ như thế, thì dù anh chọn bậc sống nào như đi tu hay lập gia đình, thì kết quả sẽ không tốt và cũng chẳng được bền vững. Thiếu quyết tâm trong việc sắp đặt ưu tiên cho cuộc sống sẽ đưa anh đến một thỏa hiệp mở ra cho hai phía và kết quả mà anh sẽ đón nhận là sự đổ vỡ vì đã không chọn lựa, chỉ muốn đi hai hàng.

Tóm lại, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã mời gọi các môn đệ hãy mở lòng ra để đón tiếp Chúa và anh em. Trong tiến trình của việc đón tiếp, các môn đệ và chúng ta được yêu cầu hy sinh để thực hiện điều mình đã cam kết khi chọn lựa. Vì thế, câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra cho bản thân là mình thuộc về ai, biết nương tựa và gắn bó với ai? Và chỉ có trong Chúa, Người mới ban cho các môn đệ và chúng ta một sự tự do đích thực để chúng ta hoàn thành sứ vụ theo đúng như các yêu cầu mà Đức Giê-su phán trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta hãy cầu nguyện và giúp nhau đạt được nguyện ước này. Amen!


Thursday, 20 June 2019

THẾ LÀ ĐỦ CHO CHÚNG TA RỒI, AMEN!




Để bắt đầu bài suy niệm hôm nay, xin chia sẻ với anh chị em và bà con xa gần một trong những kỷ niệm mà mẹ tôi để lại. Đó chính là tâm tình hiếu khách và lòng quảng đại của mẹ. Khách của mẹ tuy ít, ngoại trừ con cái cháu chắt; nhưng lòng mẹ rất vui khi có người đến thăm, đặc biệt những ai đã quên mình mà sống cho tha nhân thì bao giờ cũng được mẹ đón tiếp một cách chu đáo hơn. Cũng có lúc hoàn cảnh gia đình trải qua những giai đoạn khó khăn, nhưng không vì lý do đó mà làm cho mẹ mất đi thói quen này. Dường như, đây chính là một phần trong huyết quản của mẹ; nó nuôi dưỡng cuộc sống của mẹ.

Mẹ thường xuyên nhắc nhở cho con cháu của mẹ hãy nhớ ngày hôm nay còn găp họ; ngày mai đâu biết sẽ ra sao! Hãy dành cho họ cả con tim của mình, để khi họ ra về thì lòng mình cũng vui vì đã làm được những điều mình mong muốn. Thú thật với anh chị em, cho đến nay tôi vẫn chưa học và tập thành công thói quen mà mẹ tôi đã để lại. Vui khi cho đi và còn vui hơn khi có cơ hội được đón tiếp tha nhân.

Khi đọc Tin Mừng theo Thánh Luca, chúng ta nhận ra ý định của Thánh sử khi trình bầy về con người và sứ vụ của Đức Giê-su. Sự hiện diện của Đức Giê-su nói lên lòng quảng đại và cuộc viếng thăm vĩ đại của Thiên Chúa dành cho dân Ngài nói riêng và toàn thế giới nói chung. Người đã đến nơi nhà của Người, hầu những ai tiếp nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm Con Thiên Chúa. Như vậy, vị trí được hoán chuyển ở đây. Người đã đến như một vị khách quí, như quà tặng cao quí của Thiên Chúa và chúng ta là người có nhiệm vụ đón tiếp. Thế mà sau khi được đón tiếp thì Đức Giê-su lại trở thành kẻ ban ơn còn chúng ta là người tiếp nhận.

Ý nghĩ này được bộc lộ trong câu chuyện nói về việc đón tiếp với tâm tình hiếu khách mà Da-kêu đã dành cho Đức Giê-su. Cuối cùng, chính ông thay vì làm chủ cuộc đón tiếp lại trở thành kẻ được Chúa ban ơn. Người nói với ông rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, …” Ông Da-kêu là người bị xã hội coi là phường tội lỗi. Ông bị cách ly với các sinh hoạt tôn giáo lúc bấy giờ; thế mà ông lại nhận được ơn cứu độ khi tỏ lòng hiếu khách trong việc đón tiếp Chúa.

Trong chương 16, sách Công Vụ Tông Đồ, Thánh Lu-ca kể lại một câu chuyện nói lên tâm tình hiếu khách của bà Ly-đi-a khi đón nhận Lời rao giảng từ Phao-lô. Để tạ ơn vì đã được Lời Chúa cảm hóa và nhất là ơn được làm Con Chúa, bà đã mời các Tông Đồ, sứ giả của Chúa đến ở nhà bà. Chúng ta đừng quên bà Ly-đi-a là tân tòng, trong khi đó các Tông Đồ là người Do Thái. Giữa họ không có mối dây giao tiếp nào cả; thế mà lòng hiếu khách của bà như cánh cửa mở cho đôi bên đến với nhau một cách dể dàng hơn. Việc nói chuyện với người khác phái bên bờ sông xem ra dễ dàng hơn việc đi qua ngưỡng cửa nhà của bà Ly-đi-a, một người mà chiếu theo luật bị liệt vào phường ô uế. Thế mà, tâm tình đại lượng khi đón tiếp các sứ giả đã giúp họ đến với nhau.

Thưa anh chị em,

Trình thuật mà người ta thường gọi là phép lạ ‘Bánh Hóa Nhiều’ được đặt sau việc Đức Giê-su sai mười hai Tông Đồ ra đi tham dự vào việc truyền giáo của Người; và tiếp theo sau bài Tin Mừng này là việc sai 72 môn đệ ra đi. Xen kẽ giữa hai bài sai  này là câu chuyện nói về việc đón tiếp Chúa của hai chị em Martha và Maria. Tuy không rõ nét, nhưng ý định diễn tả các chủ đề có ý nghĩa tương tự nhau như việc đón tiếp, lòng hiếu khách và tâm tình quảng đại cũng được ẩn chứa nơi đây!

Khi sai các Tông Đồ và nhóm 72 môn đệ, Đức Giê-su đã dặn họ nhớ rằng trong khi thi hành sứ vụ, trước tiên họ phải nương tựa vào Chúa và sau đó dựa vào lòng quảng đại của người nghe. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” và “hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, ...”

Bài Tin Mừng ‘Bánh Hóa Nhiều’ hôm nay tuy ý chính nói về việc nuôi ăn và lòng quan tâm của Chúa dành cho những kẻ đi theo Người; nhưng cũng là cơ hội để Chúa huấn luyện các môn đệ của mình về sứ vụ mà họ vừa thực hiện. Tham dự vào sứ vụ giới thiệu Nước Thiên Chúa cho người khác không chỉ bằng lời nói xuông, nhưng cần được thể hiện bằng việc làm nữa. Làm sao người môn đệ của Chúa có thể đặt tay ban bình an cho tha nhân khi những người đến với họ đang lâm vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc và khổ sở trăm bề. Hẳn nhiên chúng ta không được huấn luyện trở thành các nhân viên xã hội hay các nhà hoạt động cho nhân quyền, luôn quan tâm đến nhu cầu vật chất của người khác. Tuy là như thế, nhưng chúng ta đừng quên lời yêu cầu của Chúa hôm nay rất đáng được quan tâm là “các con hãy cho họ ăn đi.”

Làm thế nào nuôi ăn một số đông như thế khi trời đã chập choạng tối và nơi họ đang tụ họp lại hoang vắng và cách xa thị trấn hay làng mạc; vì thế việc tìm kiếm lương thực quả thật khó khăn cho các môn đệ. Lý do của các Tông Đồ đưa ra quả thật rất đáng thuyết phục. Nhưng khi nại vào các lý do như thế, các Tông đồ cho chúng ta biết rằng các ông tuy là những người bạn hữu thân thiết với Đức Giê-su, nhưng các ông vẫn chưa học được bài học quên mình và quan tâm đến người khác. Dân chúng đã tuôn đến với họ để nghe Thầy rao giảng; còn các ông vừa được Chúa sai đi; giờ đây cơ hội đã đến để các ông thực tập những gì các ông vừa giảng dậy là quan tâm và lo cho đám đông thì các ông lại không nhận ra. Các môn đệ còn bỏ sót một yếu tố thật quan trọng, đó là sự hiện diện của Đức Giê-su, Đấng có thể làm mọi sự, hiện đang ở giữa họ.

Nhưng các lý do của nhóm mười hai không làm thay đổi ý định của Đức Giê-su. Người biết sẽ phải làm gì. Người có thể yêu cầu đám đông chia thành nhóm rồi ngồi xuống đồng bằng; nhưng Đức Giê-su đã không làm như vậy. Trái lại, Người nhân cơ hội này dậy và mời nhóm 12 giúp, huấn luyện các ông trở thành các thừa tác viên của Người. Đức Giê-su nói với các môn đệ các con hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một. Họ đã làm theo ý Người.

Sau đó, Đức Giê-su cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá. Thực phẩm chỉ vọn vẹn có bấy nhiêu thì ai ăn ai nhịn đây. Nhưng đó lại là tất cả những gì các môn đệ có. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Kết quả là ai ai cũng hài lòng vì được ăn no. Có lẽ Người hài lòng nhất là chính Đức Giê-su. Giống như dân Is-ra-el khi xưa, trong hoang địa đã được Thiên Chúa nuôi ăn bằng manna và nước uống thế nào thì hôm nay qua việc phân phát bánh, Đức Giê-su cũng nuôi những ai đã bỏ hết mọi sự, vất vả theo chân Người được ăn no nê.

Thưa anh chị em,

Các cử chỉ như đón nhận, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao ban hôm nay chỉ được ghi lại một lần khác; đó là trong bữa tiệc ly Người đã san sẻ bánh và rượu cho các môn đệ. Bánh và rượu đây là dấu chỉ tượng trưng cho Thịt và Máu của Người như Đức Giê-su đã phán: “Ta là bánh trường sinh và ai đến với Người sẽ không đói bao giờ.

Bánh, của ăn và thực phẩm là những thực vật nhằm nuôi dưỡng và làm cho con người được lớn lên. Con người cần đến nó để duy trì sự sống. Nhưng ý nghĩa của bữa ăn không nhằm đến việc ăn cho đầy bụng. Đói quá thì cũng chết mà ăn no quá thì bội thực và cũng chết. Việc của chúng ta là biết ăn. Bữa ăn là cơ hội để xây dựng tình nghĩa, thể hiện tình yêu, cùng san sẻ và chia vui những thành công trong đời và qua bữa ăn con người còn đến gần và thông cảm nhau hơn; từ đó cộng đoàn được gầy dựng một cách thật tự nhiên.

Đây là một biểu tượng vô cùng phong phú qua mọi thời đại, đến nỗi Đức Giê-su cũng không bỏ quên nó. Người đã dùng nó như một phương tiện để nói lên lòng quan tâm và lo lắng của Người dành cho chúng ta. Trình thuật ‘Bánh hóa Nhiều’ hôm nay là thế. Biến cố này nói lên tình yêu của Người dành cho những ai đã theo Người. Sự kiện này còn nhắc nhở chúng ta nhớ rằng những gì chúng ta có được để duy trì cuộc sống thể lý của chúng ta đều được ban tặng từ Chúa; và sau cùng Người còn là bánh trường sinh nuôi dưỡng toàn bộ con người chúng ta.

Giống như thức ăn có thể dẫn chúng ta đến gần nhau và nhiều việc được bắt đầu và tiến đến thành tựu qua bữa ăn thế nào thì của ăn mà Chúa ban phát cũng làm cho chúng ta trở nên thành viên của một cộng đoàn thuộc về Người, nhất là giúp chúng ta nhận thức rằng qua đó chúng ta nên những người bạn thân tình với Chúa và với nhau.

Tuy nhiên, họ và chúng ta vẫn còn gặp trở ngại; như hai môn đệ trên đường Em-mau, chúng ta có thể biết kế hoạch của Chúa, chứng kiến việc Chúa chết, nghe các bạn nói rằng Người đã sống lại và hiện ra với họ… Nói chung là giống như họ, chúng ta biết rất nhiều, biết rất rõ những kế hoạch và gần như là biết mọi sự; nhưng lại quên sự hiện diện của Đấng trở thành của ăn cho chúng ta; cho nên chúng ta e ngại vì thấy mình đứng trước những nhu cầu quá lớn lao của con người. Nhìn chung quanh vẫn thấy bao người đói khổ. Hàng giây, hàng phút vẫn còn bao nhiều sinh mạng nhất là các trẻ em bị chết đói trên thế giới này. Thế mà, trong tay chúng ta chỉ vỏn vẹn vài tấm bánh nhỏ, chúng ta lúng túng và thấy mình bất lực.

Nếu chúng ta dám trao cho Chúa Giêsu tất cả những gì chúng ta có; trao cho Người những cố gắng thật khiêm tốn của chúng ta thì việc làm cho ‘Bánh Hóa Nhiều’ vẫn có thể xảy ra hôm nay. Chúng ta vẫn có thể làm hài lòng người khác bằng lòng quảng đại và sẵn sàng cho đi tất cả những gì chúng ta có; thế là quá đủ cho chúng ta rồi. Thế mà chúng ta lại không dám, cứ khư khư giữ làm của riêng cuối cùng mọi người, cả chúng ta nữa, đều bị đói khát.

Như vậy, hãy nhớ rằng chúng ta còn nhiệm vụ phải chu toàn. Nhiệm vụ đó là được gửi đi, gặp gỡ những người mà chúng ta chưa biết. Đến với nhau bằng tấm lòng rộng mở và cùng nhau chia sẻ một nhịp đập, cùng tiến về một mục tiêu. Mục tiêu đó được phát sinh từ những lần chúng ta cùng nhau tham dự tiệc bẻ bánh và trao ban của ăn cho nhau thì ai trong chúng ta còn bị thiếu thốn và đói khát nữa. Ai ai cũng hài lòng, người hài lòng nhất có lẽ là Chúa và như thế là đủ cho chúng ta rồi, Amen!



Thursday, 13 June 2019

TÌNH YÊU: MỐI DÂY LIÊN KẾT CỦA THIÊN CHÚA



Trong lúc chuẩn bị viết những dòng suy niệm về tín điều Chúa Ba Ngôi, tâm trí  tôi nhớ lại một mẩu truyện ngắn đã được nghe trong các lớp giáo lý dành cho các em thiếu nhi dạo nào. Truyện đó như sau: Một ngày kia, trong lúc đi dạo bên bờ biển, Thánh Au-gus-ti-nô đang suy nghĩ về tín điều này. Cũng vào lúc đó, có một Thiên Thần hiện đến qua hình dạng của một em bé. Chú nhỏ này, như bao đứa trẻ khác, đang ngồi nghịch cát bên bờ biển. Em đào một lỗ trên bãi cát rồi lấy vỏ sò múc nước biển đổ vào lỗ cát đó. Đổ đến đâu nước ngấm vào bãi cát và tuôn trở lại lòng biển cả bấy nhiêu. Thấy thế, ngài mới lên tiếng ngăn cản và khuyên em đừng làm những công việc vô ích như thế. Nghe xong, em bé bèn trả lời cho Thánh Au-gus-ti-nô biết rằng việc làm của em còn dễ thực hiện hơn điều mà ngài đang suy nghĩ. Nghe em bé nói xong, Thánh nhân hiểu ngay sứ điệp mà Chúa muốn gửi đến ngài qua môi miệng và việc làm của em bé.

Vẫn biết câu chuyện nói trên chứa đựng nhiều chi tiết mang tính huyền thoại. Nhưng chúng ta cũng nhìn ra chủ đích của người kể; đó là cho dù con người có uyên bác hay thông minh đến đâu cũng không làm sao có thể hiểu hay giải thích cặn kẽ về Thiên Chúa. Vì vậy, trong khi cử hành mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy khiêm tốn nhìn nhận đừng bao giờ dựa vào sức riêng và sự khôn ngoan của loài người để diễn tả trọn vẹn mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cũng như các mầu nhiệm khác trong đạo. Do đó, thay vì giải thích về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mà có lẽ không có lời giải thích nào thực sự đầy đủ và trọn vẹn cả; thế thì tại sao chúng ta không nghiệm lại và tìm ra cho mình một cách thức để nhận ra sự mạc khải của Thiên Chúa một cách thực tế hơn. Đó là, hãy giúp nhau nhận ra rằng cách suy nghĩ của chúng ta về Thiên Chúa phải dựa vào đức tin; nhờ niềm tin này mà chúng ta sẽ nỗ lực tìm kiếm để nhận ra các hoạt động và sự tỏ bầy của Thiên Chúa qua cuộc sống của mình nói riêng và Giáo Hội nói chung. Và nếu tín điều Chúa Ba Ngôi quan trọng trong lòng Hội Thánh và trong đời sống của chúng ta thì không chỉ là việc cử hành như một nghi lễ phụng vụ hôm nay mà là suốt mọi ngày trong đời sống chúng ta phải cố gắng làm chứng cho thế giới về mầu nhiệm mà chúng ta tuyên xưng. Vì thế, với lòng khiêm tốn và tâm tình cầu nguyện chúng ta sẽ có thể tiếp thu một phần nào về những bí nhiệm của Thiên Chúa.

Thưa anh chị em,

Dựa trên kinh nghiệm sống và một cuộc đời chìm đắm trong mối tương quan với Chúa Giê-su Ki-tô, Thầy mình, Thánh sử Gio-an đã chia sẻ cho chúng ta một cảm nhận vô cùng sâu sắc về Thiên Chúa. Ngài chính là tình yêu. Khi nói như thế, nghĩa là Ngài không đơn độc một mình. Nếu như Ngài đơn độc một mình thì Ngài sẽ yêu một mình Ngài một cách ích kỷ vô cùng. Nhưng Ngài là ba: Cha, Con và Thánh Thần. Là ba, nhưng cả ba hoàn toàn yêu thương nhau, hiến tặng sự sống cho nhau, hoàn toàn tương quan, hiệp nhất với nhau: Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha và mối tương quan tình yêu và sự sống này giữa Cha và Con, chính là Chúa Thánh Thần.

Tình yêu Thiên Chúa không khép kín lại nơi cộng đồng Ba Ngôi, nhưng lan toả trên khắp vũ trụ. Ba ngôi yêu thương nhau và đối tượng tình yêu của Ba Ngôi là toàn thể nhân loại. Từ đó, chúng ta xác tín rằng tất cả mọi người, dù hoàn cảnh và cuộc sống ra sao, mỗi người chúng ta đều có một vị trí thật quan trọng trong trái tim nhân hậu của Thiên Chúa.

Như vậy, tình yêu là mối dây lên kết trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi; và đó cũng là nền tảng của sự hiệp nhất.

            Khi nói đến điều này, tôi xin đưa ra một hình ảnh và cũng là lời nhắc nhở cho anh chị em là những người đang sống trong bậc gia đình nói riêng và gia đình nhân loại nói chung. Trong cuộc sống gia đình, anh chị em thật có phúc khi được nếm hưởng phần nào về mầu nhiệm Tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi.

            Khi yêu nhau anh chị mong muốn cho gia đình được hiệp nhất. Ước vọng hiệp nhất và nên một của anh chị trước tiên phải được phát sinh từ lòng yêu thương, và tình yêu hiến dâng đó sẽ được thực hiện nơi người con mà Thiên Chúa ban cho anh chị. Nó là của chàng và cũng là của nàng. Nó không chỉ là của chúng ta mà là hiện thân của chúng ta; là tình yêu chung mà anh chị có thể thấy được. Tình yêu giữa hai người đã triển nở thành tình yêu chung trong một ngôi vị thứ ba: Tình yêu của họ được trao ban cho nhau và cho những người con.

Hình ảnh gia đình ấy có thể giúp chúng ta tiếp cận phần nào với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi - gọi là phần nào - bởi vì mọi hình ảnh đều bất toàn và không thể diễn đạt trọn vẹn về sự vô biên của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa là tình yêu và yêu thương là bản tính chung của Ba Ngôi. Yêu thương cũng là nền tảng của gia đình. Vì vậy, cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi là sức đẩy cho chúng ta yêu thương nhau.

Thưa anh chị em,

Trong Thiên Chúa, khởi điểm của tình yêu là mở ra, thông ban, chia sẻ. Thái độ mở ra, thông ban, chia sẻ nầy đòi hỏi chúng ta phải ra khỏi bản thân và đi đến với người khác. Thái độ nầy đòi hỏi chúng ta từ bỏ não trạng ích kỷ để ra đi khỏi chính mình mà quan tâm đến ích lợi và hạnh phúc của người khác.

Tuy nhiên, chúng ta không chỉ mở ra để tạo nên một thứ “tôi và chúng ta” khép kín. Tinh thần bè phái và phe nhóm lại chẳng có mặt trong cuộc sống của chúng ta đó hay sao? Nơi Thiên Chúa Ba Ngôi thì không như thế. Tình yêu đã chẳng tự khép kín trong gia đình Ba Ngôi, nhưng lan tràn và chan hoà trong vũ trụ bao la, tuôn đổ trong lòng mọi người.

Thật vậy, niềm tin và tình yêu của chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngội thúc bách chúng ta đi tới, phá đổ mọi bức tường ngăn cách tạo thành sự hiệp nhất để tình yêu hiện diện và lan toả khắp nơi. Vì tình yêu là hơi thở của sự sống.

Tóm lại, Mầu nhiệm mà chúng ta cử hành hôm nay mời gọi chúng ta sống; sống điều mà Thiên Chúa Ba ngôi đã sống là trao ban Tình Yêu cho nhau và cho nhân loại. Chúng ta cũng cầu xin Chúa ban cho chúng ta biết chia sẻ tình yêu cho nhau và cho tha nhân. Amen.




Friday, 7 June 2019

THẦN KHÍ: NGUỒN ĐỘNG LỰC YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ



Khi còn bé, hầu hết các trẻ em chúng ta say mê những câu chuyện được trích dẫn trong sách ‘Sấm Truyền Cũ’ hay còn gọi là các sách ‘Cựu Ước’. Các tình tiết của câu chuyện trở nên sống động hơn bởi tài kể truyện của các dì phước và mấy ông bà quản giáo. Họ là những người tràn đầy kinh nghiệm trong việc dậy giáo lý bằng những câu chuyện như thế này. Một trong những truyện tích mà tôi còn nhớ đó là cuộc chiến giữa cậu bé Đa-vít của Is-ra-en và anh chàng khổng lồ Go-li-át bên Phi-lip-tinh.

Câu chuyện đó được tóm tắt như sau:

Vào thời đó, dân Phi-lip-tinh và dân Ít-ra-en thường xuyên xẩy ra các cuộc giao chiến. Trong một trận chiến kia, quân Phi-lip-tinh cử đấu thủ tên là Go-li-át bước ra gây chiến với quân lính Ít-ra-en. Người khổng lồ này cao khoảng 3 thước, mình mặc áo giáp và trang bị vũ khí của một vị dũng tướng. Với vẻ uy nghi bộc lộ một sức mạnh phi thường, Go-li-át ra đứng trước hàng quân ròng rã 40 ngày, liên tục thách đố quân lính Ít-ra-en bằng những lời khiêu khích như: “Hãy chọn lấy một người và nó hãy xuống đây với ta. Nếu nó đủ mạnh để chiến đấu với ta và hạ được ta, thì chúng tao sẽ làm nô lệ chúng bay. Còn nếu ta mạnh hơn và hạ được nó, thì chúng bay sẽ làm nô lệ chúng tao và sẽ hầu hạ chúng tao.” Vua Sa-un và toàn thể quân lính Ít-ra-en nhìn thấy tướng uy nghi của Go-li-át thì đã khiếp sợ, và khi nghe tiếng áp đảo của ông ta lại càng kinh khiếp hơn; thế là không một ai trong quân đội của Ít-ra-en dám ra đương đầu với Go-li-át.

Đến một ngày kia, có chàng thiếu niên tên là Đa-vít, làm nghề chăn cừu, chưa đủ tuổi gia nhập quân ngũ. Cậu có biệt tài bắn ná, trăm phát trăm trúng. Vào một hôm, cha cậu, ông Gie-sê sai cậu mang thực phẩm ra thăm ba người anh của cậu đang đóng quân tại cuộc giao chiến đó. Cậu đến trại binh vào lúc quân đội hai bên đang dàn trận tuyến đối đầu nhau. Khi nghe những lời thách thức và khinh thường quân đội Ít-ra-en của Go-li-át, Đa-vít đã vào xin vua Sa-un cử mình ra để nghinh chiến với đấu thủ. Thoạt đầu, khi nhìn thấy cậu, nhà vua do dự nhưng sau cùng vua Sa-un đã bị thuyết phục bởi các lý lẽ và chứng từ mà cậu đưa ra và cử cậu ra trận tuyến. Vũ khí của cậu chỉ là cây gậy, dây phóng đá và mấy hòn đá bỏ vào túi.

Khi nhìn thấy cậu bé, chỉ đứng tới ngang hông của mình nên Go-li-át coi thường và bằng giọng khinh bỉ đã nói với Đa-vít rằng: “Tao là chó hay sao mà mầy cầm gậy đến với tao? Đến đây, tao sẽ đem thịt mày làm mồi cho chim trời và dã thú.” Đa-vít đáp trả tên Phi-lip-tinh rằng: “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao. Còn tao, tao đến với mày bằng sức mạnh của Thiên Chúa mà mày thách thức. Ngay hôm nay, Thiên Chúa sẽ nộp mày vào tay tao…” Nói xong, Đa-vít thọc tay vào bị, rút ra một hòn đá, rồi dùng dây phóng mà ném trúng vào trán tên Phi-lip-tinh. Hòn đá cắm sâu vào trán, khiến nó ngã sấp mặt xuống đất; cậu chạy lại và dùng gươm đâm và chặt đầu Go-li-át. Thế là Đa-vít thắng Go-li-át và quân Phi-lip-tinh thua trận và tháo chạy không còn manh giáp nào.
Câu chuyện về cuộc giao chiến giữa Đa-vít và Go-li-át nói trên giúp cho chúng ta nhận ra bài học, đó là sức mạnh và uy quyền của Thiên Chúa luôn đánh bại sức mạnh của quyền lực chống lại Ngài. Go-li-át cậy vào sức mạnh của bản thân nên đã bị bại; còn Da-vít đã dùng sức mạnh nội tâm, một nguồn sức mạnh của Thiên Chúa, chiến đấu và chiến thắng cho Thiên Chúa nên tuy nhỏ con nhưng cậu đã đánh bại người không lồ.
Đó là những gì đã xẩy ra cho các môn đệ trước và sau ngày Lễ Ngũ Tuần.
Trong hành trình theo Chúa, các môn đệ đã tìm kiếm sức mạnh và quyền uy của thế gian. Và cho đến lúc trước khi Chúa Phục Sinh được cất nhắc về trời, trong hàng ngũ các môn đệ vẫn còn có ông đã hỏi Chúa rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” Tham vọng quyền bính, óc quyền lực và dùng sức mạnh để chinh phục và chiến thắng vẫn còn trong tâm não và quan niệm sống của các môn đệ. Các ông vẫn còn mê quyền uy và sức mạnh để chiến thắng địch thù. Vì thế, những gì Chúa ban, những điều Người truyền dậy vẫn như ‘nước đổ lá khoai’. Trong các lần hiện ra, Người đều thổi hơi, thông truyền sức mạnh và Thần Khí cho các môn đệ thế mà các ông vẫn ù lì, không cất bước để ra đi thực hiện lịnh truyền vì lo sợ!

Thế mà, những gì xẩy ra cho họ vào dịp Lễ Ngũ Tuần đã gây kinh ngạc cho mọi người. Vẫn biết rằng Thần Khí và sức mạnh của Thiên Chúa không chỉ đến một lần. Thần Khí đã được trao ban ngay khi trên Thánh Giá. Người đã thực hiện cuộc trao ban Thần Khí qua việc trút hơi thở từ thân xác sống động của Người xuống trên những ai đứng dưới chân Thập Giá mà đại diện của toàn thể nhân loại là Mẹ Người và những ai mà Chúa yêu thương.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần hôm nay, các ông đã để cho quyền lưc của Thiên Chúa qua sức mạnh của Thần Khí thúc đẩy. Đó là sức mạnh nội tâm, luồng gió tái sinh thổi tung mọi thứ rào cản, kéo các ông lại gần và thông cảm cũng như hiểu biết nhau hơn. Cho dù những người qui tụ tại Giê-ru-sa-lem ngày hôm đó vẫn còn nói các thứ tiếng khác nhau, nhưng trên hết mọi sự, ngôn ngữ của con tim, tiếng nói cũa cõi lòng, sức mạnh của lòng mến đã bao trùm và đẩy các ông và cử tọa, là những người nghe các môn đệ loan báo Tin Mừng Phục Sinh, gần nhau hơn.

Thần Khí Thiên Chúa đã hiện diện nhưng không ép buộc con người phải đón nhận. Thần Khí như mầm hạt giống, không phát triển trong một giây lát, nhưng lớn lên từ từ cho đến lúc bung ra thì không còn chỉ là những nụ hoa mà trở thành những bông hoa rực rỡ muôn mầu trong vườn hoa muôn mầu muôn sắc của Thiên Chúa. Như vậy, người tín hữu có thể được gọi là những con người tràn đầy Chúa Thánh Thần, là những con người đã để cho Thần Khí bao phủ, chỉ đạo và hướng dẫn.

Vậy Thần Khí ở đâu?

Nhìn lại lịch sử cứu độ chúng ta nhận biết rằng Thánh Thần đã hiện diện và không ai có thể tách Ngài ra khỏi sự sống của Chúa Cha và Chúa Con được. Chúa Thánh Thần là sự sống của Thiên Chúa, Đấng không ngừng hoạt động trong dòng lịch sử nhân loại, trong lòng Hội Thánh và trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Thần Khí Thiên Chúa không chỉ là quà tặng của Thiên Chúa mà chính là sự sống của chúng ta.

Trong trình thuật tạo dựng của sách Sáng Thế Ký, tác giả đã truyền tải cho chúng ta một kinh nghiệm tôn giáo thật sâu sắc về sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa. Bằng hình ảnh của ông thợ gốm, tác giả đã mô tả việc Thiên Chúa tạo dựng nên con người qua việc nặn, đắp tượng. Tượng đất, tương gỗ muôn đời vẫn mãi là pho tượng bất động nếu Thiên Chúa không thổi ‘Thần Khí’ vào lỗ mũi. Như vậy sự sống con người, ngay từ ngày đầu, đã thuộc về Thiên Chúa.

Trong hành trình tiến về ‘Đất Hứa’, Thánh Thần đã hiện diện và hoạt động không ngừng trong tiến trình hình thành để trở thành dân riêng cư ngụ nơi mảnh đất mà Chúa đã hứa; như lời của ngôn sứ I-sa-i-a đã quả quyết “Thần Khí Đức Chúa đã đưa họ về chốn nghỉ ngơi” (Is 63,14).

Thần Khí Thiên Chúa hiện diện với Đức Giêsu. Người làm mọi việc với Chúa Thánh Thần: Người đầy Thánh Thần, đã bỏ bờ sông Gio-đan và được Thần khí đưa vào sa mạc (Lc 4:1). Người bắt đầu sứ vụ với Chúa Thánh Thần (Lc 4:14 và 18). Với Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu đã chọn nhóm 12 (Cvtđ 1:2); và với Thần Khí, Người đã hiến mình làm của lễ hy sinh không tì vết mà dâng lên Cha. (Dt 9:14). Ngay trong giây phút từ gĩa cõi trần, Người gục đầu xuống mà trao ban Thần Khí (Gioan 19:30). Duới chân Thập Giá có Mẹ Người và toàn thể những ai mà Chúa yêu thương, mà ở đây hình ảnh biểu tương được dùng là Thánh Gioan. Thật ra, ai trong chúng ta lại không đuợc Chúa yêu thương. Nói khác đi, ngay trong giây phút Đức Giêsu đi về cùng Cha, Người đã trao ban Thần Khí cho Hội Thánh, đó cũng là chủ đích mà Thánh Luca đã ghi lại trong sách Tông đồ công vụ. 

Nhìn lại lịch sử của Hội Thánh, cho dù ai có khó tính đến đâu, thì người đó cũng không thể phủ nhận được hoạt đông của Thần Khí Thiên Chúa vẫn hiện diện trong lòng Hội Thánh. Nhất là qua những thời điểm đen tối nhất, Hội Thánh lại nhận thấy quyền năng của Thần Khí hoạt động hữu hiệu hơn cả.

Sau cùng, đối với các tín hữu, chúng ta mang trong mình sức mạnh của Thiên Chúa. Chính sức mạnh của Thần Khí giúp chúng ta hy vọng rằng: dù đời sống con người có ra sao; ngay cả lúc yếu đuối, tội lỗi thì Thần Khí của Thiên Chúa sẽ ban sức mạnh cho sự yếu đuối, ban ơn bình an khi tha thứ tội lỗi cho chúng ta như Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Như vậy: Bình an, lịnh truyền ra đi, quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Linh để tha thứ là những gì Chúa muốn cho con người thực hiện trong cuộc sống. Nói khác đi, chỉ có sức sống và sự đổi mới của Thần Khí mới làm cho con người dễ dàng thông cảm, hiểu biết, đón nhận và tha thứ cho nhau một cách chân thật hơn.

Sức mạnh của Thần Khí là thế: truyền ban sự sống, ban ơn tái tạo. Thần khí Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, dù nhiều lúc chúng ta không ý thức về sự hiện diện đó. Nhưng Thần Khí của Thiên Chúa vẫn âm thầm hoạt động, cả những lúc chúng ta không ngờ. Chỉ có một việc mà chúng ta cần làm là để cho hơi thở của Thần khí biến đổi chúng ta, làm mới lại tất cả. Ngài đã, đang và mãi họat động. Phần chúng ta hãy cảm nhận bằng lòng tin về sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Qua hoạt động của Ngài, chúng ta đuợc diễm phúc gia nhập vào hàng ngũ của những người đi theo Ðức Giêsu và được chọn để làm chứng cho cuộc đời và sự Phục Sinh của Người. Alleluia, Alleluia!