Monday, 31 May 2021

TRONG CHÚA, MỌI NGƯỜI LÀ CỦA ĂN

 

Anh chị em thân mến,

Truyện kể rằng: Có một cha giáo chuyên dậy về môn thần học bí tích. Trong tuần cha lo việc giảng dậy, cuối tuần ngài đi vào các thôn làng giúp mục vụ ở các xứ đạo nghèo. Cha chọn lối sống sát cánh với nếp sống của người miền quê. Họ tuy nghèo nhưng đơn sơ và chân thật. Nơi họ sinh sống lại chịu nhiều thiên tai, nhưng ít ai oán trách.

Trong làng, có gia đình hai cụ kia, lớn tuổi, nghèo. Hai cụ cư trú trong một căn chòi chỉ đủ để che mưa, che nắng mà sống qua ngày. Họ không có con cái nên cũng chẳng có ai để nhờ vả. Xẩy ra là có cơn bão quét qua làng khiến cho căn chòi của hai cụ bị thiệt hại nặng hơn các nhà khác.

Sau cơn bão, theo thông lệ cha giáo xuống làng để cùng bà con cử hành Thánh Lễ. Trong các bài giảng, cha luôn tìm cách nhắc nhở cho bà con biết về tình trạng của hai cụ. Tuần thứ nhất qua đi, rồi lại một tuần nữa trôi qua, sang thêm một tuần nữa, đến cuối tuần thứ tư, mọi sự vẫn y nguyên. Sau khi dâng Lễ vào cuối tuần đó xong. Cha báo cho bà con biết tuần tới Ngài sẽ không đến dâng lễ cho họ nữa. Nghe đến đó, bà con trong nhà thờ nhốn nháo và xôn xao cả lên. Họ nghĩ là cha ốm hay bị thuyên chuyển.

Cha giáo giải thích: “Tôi không đến dâng lễ vì anh chị em chưa sống đúng vai trò của người tín hữu, ngài nói thêm: đây nhé, kể từ ngày cơn bão quét đến làng này, tuần nào tôi cũng nhắc cho anh chị em biết về hoàn cảnh mục nát, xiêu vẹo của căn chòi mà hai cụ đang ở. Thế mà có ai quan tâm làm gì để giúp họ đâu!” Chúng ta cùng chia một bánh, cùng uống một chén trong Thánh Lễ, rồi có ai sống điều mình đã lĩnh nhận chưa? Nghe đến đâu lòng họ bị đau nhói lên đến đó. Cả nhà thờ lặng yên. Ai ai cũng cúi gầm mặt xuống. Không ai nói với ai điều gì.

Sau vài phút trôi qua, ở góc cuối nhà thờ, có một người đàn ông bị tàn tật, run rẩy đứng lên và thưa với cha và cộng đoàn lời lẽ sau đây: “Dạ thưa cha, lời cha dậy thật chí phải! Tuy nhiên, thay vì nhắc nhở cho chúng con biết nhiệm vụ phải làm, sao cha không dẫn chúng con đi, rồi mỗi người một tay sửa lại căn chòi xiêu vẹo cho hai cụ ấy. Theo con, đó là cách thế hữu hiệu và nhanh nhất.”

Đến lúc này, không chỉ có giáo dân mà cả cha giáo cũng cúi gầm mặt xuống. Cha ngẫm lại mới thấy ông này nói đúng. Cha thường xuyên giảng dậy và khuyên bảo họ hãy sống điều mình đã lĩnh nhận, hãy trở nên của ăn cho nhau, hãy giúp đỡ nhau; thế mà bản thân cha cũng chỉ biết nói mà không biết làm. Cha dường như đã quên điều cha thường nói là con người ngày nay muốn được nhìn thấy nhiều gương sáng hơn là nghe những lời nói suông!

Truyện dừng lại ở chỗ đó, như lời mời gọi để chúng ta đáp trả! Phần còn lại tùy thuộc vào cách đón nhận của từng người, những ai tham dự tiệc Thánh Thể, bao gồm mọi người, cả cha lẫn con, không chừa một ai!

Anh chị em thân mến,

Ít nhất mỗi tuần một lần, nhớ đến Lời Chúa dậy ‘Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.’ Chúng ta cùng nhau dâng Lễ, cùng nhau cử hành bí tích Thánh Thể, nhưng chúng ta đã sống điều mà chúng ta cử hành và lãnh nhận như thế nào?

Tại tiệc Thánh Thể, chúng ta làm lại các việc mà Chúa đã làm, như đã đuợc ghi lại trong các sách Tin Mừng, cụ thể trong trình thuật của Tin Mừng theo Thánh Mác-cô như sau: “Cũng đang trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy." Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.”

Tất cả các hành động “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao ban” của Đức Giê-su trong bữa tiệc vượt qua đã đuợc thể hiện trọn vẹn trong sự chết, cao điểm của mầu nhiệm hiến dâng mà Đức Giê-su đã thực hiện. Đây không chỉ là huấn lịnh. Đó là việc làm của Đức Giê-su. Người đã làm mọi sự được cử hành trong nghi lễ của bữa tiệc vượt qua này. Thân xác Người là tấm bánh mà Người đã bẻ ra và trao ban để nuôi sống muôn người.

Kính thưa anh chị em,

Tìm hiểu sâu để chúng ta yêu mến bí tích Thánh Thể là chuyện cần thiết. Nhưng, cuối cùng chúng ta hãy nhớ rằng ‘Đây là mầu nhiệm đức tin’. Đã là mầu nhiệm thì hiểu sao cho thấu! Con người ở các thời đại khác nhau có cách diễn tả khác nhau về mầu nhiệm mà họ đã lĩnh nhận. Tuy nhiên, tất cả đều cần đón nhận bằng niềm tin rồi sống niềm tin đó.

Giả như có ai cầm tấm bánh đã được truyền phép và hỏi anh chị em có tin đây là Thánh Thể Chúa hay không? Bảo đảm cả nhà thờ sẽ đồng thanh tuyên xưng “Amen, nghĩa là đúng như vậy”. Sẽ có anh chị em nói rằng việc đó sao xẩy ra được! Ai có gan làm chuyện tầy trời đó! Đúng vậy, anh chị em tín hữu không dám làm và không có năng quyền để làm. Nhưng các thừa tác viên linh mục của Hội Thánh đều làm sau khi truyền phép và tất cả đều tin nhận đó là Mình và Máu Thánh Chúa. Không chút ngần ngại. Không phút nghi ngờ. Tất cả đều tuyên xưng. Chúa hiện diện hữu hình qua hình bánh và hình rượu mà tất cả chúng ta đều chấp nhận bằng niềm tin.

Thế nhưng có trường hợp, hy vọng không bao giờ xẩy ra, như sau: Ai trong chúng ta có gan cầm tấm bánh đã được truyền phép rồi giơ lên, bỏ xuống đất rồi chà và dẫm đạp. Truớc cảnh tượng đó, tôi tin chắc anh chị em sẽ bầy tỏ thái độ đối với người bất kính ngay.

Nhưng, nếu có người nào trong anh chị em bị bạo hành trong gia đình, là nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục, bị ngược đãi, bị chà đạp, nhân phẩm không còn chất người thì chúng ta sẽ hành xử ra sao? Chúng ta có cảm nhận rằng thân thể Chúa đã bị thương tích và cần đuợc hàn gắn hay là chúng ta lại chọn thái độ im lặng, ngu si hưởng thái bình và ai chết mặc ai, miễn là ta vẫn ruớc lễ, sống thánh thiện và giữ vững vị thế trong cộng đoàn là đủ rồi!

Nói như thế có nghĩa là, đôi khi chúng ta nhấn quá mạnh, bàn quá sâu, làm chứng quá hùng hồn về sự hiện diện đích thật của Chúa trong bí tích Thánh Thể trong các Thánh Lễ, các giờ suy tôn, chầu Thánh Thể rồi sau đó chúng ta lại giam Người trong nhà tạm rồi ra về. Trong khi đó, Người đang hiện diện và chờ đợi chúng ta nơi những anh chị em đang bị thương tích nói trên. Anh chị em đừng quên họ cũng là một phần của thân thể Người.

‘Hãy làm việc này’ là bắt chước, noi gương những gì mà Chúa đã làm cho Chúa Cha và cho chúng ta. Người đã trở thành của lễ hiến dâng đẹp lòng Thiên Chúa và cũng trở nên nguồn ơn cứu độ nuôi dưỡng thế gian và những kẻ thuộc về Người thế nào thì trong phận vụ của người môn đệ, chúng ta cũng được hối thúc, để ngày qua ngày, sống trong mối dây hiệp thông với Đức Ki-tô để trở thành của lễ hoàn hảo cho Thiên Chúa trong niềm vui phục vụ và trở thành của ăn cho nhau như thế.

Tóm lại, rao giảng Nước Trời và phục vu tha nhân là nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng của người môn đệ. Nhưng, để chu toàn đuợc nhiệm vụ cao cả và quan trọng đó, chúng ta cần đuợc nuôi dưỡng bởi sức sống là Thánh Thể Chúa. Chính bí tích Thánh Thể là nguồn sức mạnh giúp chúng ta làm đuợc những việc mà thế gian không làm được. Thế gian có thể tạo ra những anh hùng nhưng không tạo ra người môn đệ. Người ta có thể hiến dâng vì lý tưởng. Nhưng người môn đệ hiến dâng mình vì Yêu. Nguồn sức mạnh giúp các môn đệ có thể hiến dâng chỉ được tìm thấy trong Thánh Thể Chúa. Chúng ta chỉ có thể quên mình để phục vụ người khác hết lòng nếu chúng ta được nuôi dưỡng bởi Tình Yêu của Đấng đã hiến dâng và sẵn sàng chết vì yêu.

Như vậy, chạy đến với bí tích Thánh Thể để múc thêm năng lực của sự sống rồi ra đi chu toàn nghĩa vụ yêu thương mà người môn đệ cần thực hiện là sứ điệp mà chúng ta cần ghi nhớ trong ngày mừng kính Lễ Mình và Máu Thánh Chúa hôm nay. Cầu chúc mọi người đạt được nguyện ước này và trở thành của ăn nuôi sống nhau trong Chúa. Amen!

TRONG TÌNH YÊU CON NGƯỜI ĐƯỢC TỎA SÁNG

 

Hôm nay cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta mừng trọng thể Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm lớn lao và quan trọng nhất trọng đạo, vì mầu nhiệm này thuộc về đời sống thâm sâu của Thiên Chúa. Và đã là mầu nhiệm thì trí khôn con người làm sao hiểu thấu được! Chúng ta vui lòng chấp nhận bằng niềm tin. Và sở dĩ chúng ta tin là vì chính Thiên Chúa đã mạc khải và cho chúng ta chạm vào Mầu Nhiệm này. Vì Người yêu thương và không dấu chúng ta một sự gì. Nhưng nếu Chúa đã mạc khải thì tại sao Chúa lại không ban cho chúng ta ơn khôn ngoan để chúng ta hiểu?

Trước hết, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su trao cho chúng một nhiệm vụ thật cao cả là hãy ra đi rao giảng cho thế gian biết về Tình yêu. Và nhờ vào lời rao giảng và các việc làm trong cuộc sống của chúng ta mà người ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và trở về với Ngài qua phép rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Và như vậy, trong khi thực hiện  nhiệm vụ làm chứng nhân, chúng ta không được phép chỉ dựa vào trí óc hay sự hiểu biết của con người, mà còn phải lệ thuộc vào các chứng từ trong đời sống của chúng ta nữa.

Tuy nhiên, dù chúng ta nỗ lực đóng góp hết công sức của mình vào công việc truyền giáo. Nhưng, ngay từ đầu việc tham gia vào sứ mạng rao giảng là hồng ân được ban tặng. Chính Thiên Chúa mới là người giao nhiệm vụ. Chúng ta chỉ là những kẻ được sai, là những người thừa hành. Vì thế, để hoàn tất sứ mạng cao cả này, chúng ta phải gắn kết cuộc sống mình với Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng không ngừng trao đổi và hy sinh cho nhau rồi tuôn đổ suối nguồn yêu thương của chính Thiên Chúa trên cuộc sống của chúng ta.

Vì thế, nhân dịp mừng lễ hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi nhau rằng: Mối tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa ảnh hưởng như thế nào trong cuộc sống mình? Và chúng ta được lôi kéo như thế nào vào trong vòng xoáy yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi, để từ đó cuộc sống của chúng ta cũng được bung ra mà làm cho Tình Yêu của Ba Ngôi được toả sáng hơn.

Nhìn lại cuộc sống, tôi cảm nhận được một điều là tôi được Ba ngôi Thiên Chúa che chở, cho dù đã nhiều lần tôi chẳng có ý thức gì về việc tuyên xưng hay hành động cuả tôi.

Đã bao nhiêu lần chúng ta làm dấu Thánh giá: Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen.

Trong cuộc sống, mỗi khi gặp gian nguy và thoát cảnh hiểm nghèo, chúng ta thuờng dâng lời tạ ơn rồi làm dấu Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen.

Đến lúc sinh thì, trong giây phút lâm chung; tôi thuờng nghe một công thức phó linh hồn cho nguời quá cố như sau: Giêsu, Maria, Giuse con phó linh hồn Maria, Giuse, Phêrô hay linh hồn người thân nào đó vào trong tay Chúa, Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen.

Phải chăng mỗi lần như thế là chúng ta đặt mình duới sự bảo vệ của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Như vậy, dù ý thức hay sự hiểu biết của chúng ta về Mầu nhiệm Ba Ngôi đến độ nào cũng không quan trọng bằng việc đặt mình duới sự bao bọc và yêu thuơng của Ba Ngôi Thiên Chúa bằng chính các việc làm thật đạo đức và ý nghĩa của mình. Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.

Ba ngôi Thiên Chúa thuờng xuyên hiện diện và hoạt động thật mãnh liệt trong cuộc sống, cả những lúc chúng ta không ý thức về sự hiện diện đó; nhưng Ngài vẫn hiện diện; vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Đó chính là chân tướng đích thật về Thiên Chúa. Có nghĩa là, điều làm cho Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện truờng cửu và bất toàn là Tình yêu. Ba ngôi trao đổi và làm giầu có Tình Yêu bằng cách trao ban Tình yêu đó cho nhân loại. Như vậy, cho dù thế gian và những lực luợng của thế gian luôn chống đối chuơng trình của Thiên Chúa; nhưng chính thế gian và mọi sự thuộc về nó lại là đối tuợng để Thiên Chúa trao ban Tình Yêu. Đó chính là Tình Yêu dâng hiến như Cha đã hiến dâng Con vì yêu. Tình yêu cho đi như quà tăng sự sống mà người Con đã trao ban cho thế gian. Và, trong nguồn suối yêu thuơng đó, con người được lôi về quĩ đạo của sáng tạo và đổi mới luôn.

Như vậy, khi tuyên xưng Thiên Chúa là tình yêu, có nghĩa là chúng ta chứng tỏ cho thế giới biết Thiên Chúa không đơn độc một mình. Bởi vì, nếu như Ngài đơn độc một mình thì Ngài sẽ yêu một mình Ngài một cách ích kỷ vô cùng. Nhưng Ngài là ba: Cha, Con và Thánh Thần. Là ba, nhưng cả ba hoàn toàn yêu thương nhau, hiến tặng sự sống cho nhau, hoàn toàn tương quan, hiệp nhất với nhau: Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha và mối dây liên kết tình yêu và sự sống giữa Cha và Con là Chúa Thánh Thần. Người chính là hoa quả tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại.

Tình yêu Thiên Chúa không khép kín lại nơi cộng đồng Ba Ngôi, nhưng lan toả trên khắp vũ trụ. Ba ngôi yêu thương nhau và đối tượng tình yêu của Ba Ngôi là toàn thể nhân loại. Tôi xác tín rằng tất cả mọi người, dù có cuộc sống ra sao, vẫn có một vị trí thật quan trọng trong trái tim nhân hậu của Thiên Chúa.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là mầu nhiệm của sự hiệp nhất.

Khi nói đến điều này, tôi xin đưa ra một hình ảnh và cũng là lời nhắc nhở cho anh chị em là những người đang sống trong bậc gia đình. Bởi vì anh chị em thật có phúc khi được nếm hưởng phần nào về mầu nhiệm Tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi.

Khi yêu nhau anh chị mong muốn cho gia đình được hiệp nhất. Ước vọng hiệp nhất và nên một của anh chị sẽ được thực hiện nơi người con mà Thiên Chúa ban cho anh chị. Nó là hiện thân của chàng và cũng là của nàng. Nó là chúng ta, là tình yêu chung mà anh chị có thể thấy được. Tình yêu giữa hai người đã triển nở thành tình yêu chung trong một ngôi vị thứ ba: Tình yêu của họ được trao ban cho nhau và cho những người con.

Hình ảnh gia đình ấy có thể giúp chúng ta tiếp cận phần nào với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi - gọi là phần nào - bởi vì mọi hình ảnh đều bất toàn và không thể diễn đạt trọn vẹn về sự vô biên của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa là tình yêu và yêu thương là bản tính chung của Ba Ngôi. Yêu thương cũng là nền tảng của gia đình.

Vì vậy, cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi là sức đẩy cho chúng ta yêu thương nhau.

Thưa anh chị em,

Trong Thiên Chúa, khởi điểm của tình yêu là mở ra, thông ban, chia sẻ. Thái độ mở ra, thông ban, chia sẻ nầy đòi hỏi chúng ta phải ra khỏi bản thân và đi đến với người khác. Thái độ nầy đòi hỏi chúng ta từ bỏ não trạng ích kỷ, quên mình mà quan tâm đến ích lợi và hạnh phúc của người khác.

Tuy nhiên, chúng ta không chỉ mở ra để tạo nên một thứ “tôi và chúng ta” khép kín. Tinh thần bè phái và phe nhóm lại chẳng có mặt trong cuộc sống của chúng ta đó sao? Nơi Thiên Chúa Ba Ngôi thì không như thế. Tình yêu đã chẳng tự khép kín trong gia đình của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng lan tỏa và chan hoà trong vũ trụ bao la, tuôn đổ xuống lòng mọi người.

Thật vậy, niềm tin và tình yêu của chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngội thúc bách chúng ta đi tới, phá đổ mọi bức tường ngăn cách sự hiệp nhất để tình yêu hiện diện và lan toả khắp nơi. Vì tình yêu là hơi thở của sự sống.

Tóm lại, Mầu nhiệm mà chúng ta cử hành hôm nay mời gọi chúng ta sống; sống điều mà Thiên Chúa Ba ngôi đã sống là trao ban Tình Yêu cho nhau và cho nhân loại. Và khi đặt mình vào trong vòng tròn Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi là lúc chúng ta thực hiện sứ mạng mà Đức Giê-su truyền ban hôm nay: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Amen!

THẦN KHÍ THIÊN CHÚA: SỨC MẠNH YÊU THƯƠNG

 


Lâu lắm rồi, tôi đã đuợc nghe một câu chuyện. Truyện này chỉ có thể xẩy ra tại các nơi mà chính phủ chưa đủ khả năng để cung cấp một nền y tế và bảo vệ sức khoẻ cho người dân, như ở Việt Nam, Phi Luật Tân và các quốc gia nghèo. Truyện kể như sau:

Có hai mẹ con gốc người dân tộc Đu-Ma-Gat bên Phi luật Tân sống với nhau trong một hoàn cảnh nghèo đói và thiếu thốn mọi sự. Đã xẩy ra là con của chị mắc phải một cơn bịnh hiểm nghèo và cần một khoản tiền để chữa trị. Hoàn cảnh của họ, tiền ăn còn chưa đủ lấy đâu mà trả tiền viện phí và thuốc men. Cuối cùng, chị cũng đành bó tay nhìn người con ra đi!

Sau khi lo ma chay cho cháu xong. Trong một lần dọn dẹp nhà cửa, chị tìm thấy một gói giấy nằm trong góc tủ, sát bên bức tường bám đầy bụi bặm. Lôi gói giấy đó ra, chị đã lần mòmở từng lớp rồi từng lớp, cuối cùng chị khám phá ra một xấp tiền, theo sự suy đoán của chị thì đó là số tiền dành dụm của ông bố chồng; ôngđã nhét vào nơi đórồi với cơn bịnh đãng trí nên không còn nhớ đến nó nữa. Cầm xấp tiền trên tay, chị nghĩ đến chú con trai mình với tâm hồn chua xót, đầy nghẹn ngào cho số phận của cháu! Chúng ta không bàn về số phận của những người nghèo. Cuộc đời của họ bị bao phủ bởi đắng cay, bạc phước và bất hạnh.

Câu chuyện nói trên khiến tôi nhớ đến vai trò của Thánh Linh trong cuộc sống mình. Người vẫn có đó, thế mà nhiều lúc tôi cứ nghĩ Người đi vắng. Như người phụ nữ trong câu chuyện, chúng ta có thể sở hữu một năng lực phi thường, có thể giúp mình biến đổi từ trạng thái chết sang sống, thế mà chúng ta nhiều lần đã không nhận ra sự hiện diện đó.

Thánh Thần không chỉ là quà tặng cao quí nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta một lần mà thôi. Ngay từ thủa sơ khai, trong trình thuật tạo dựng, tác giả sách Sáng thế đã mô tả sự hiện diện của thần khí Thiên Chúa bay lượn là đà trên mặt nước; rồi đến khi tạo dựng con người như hình ảnh của Thiên Chúa; tác giả một lần nữa, bằng một thể văn rất ấn tượng, ẩn chứa một ý nghĩa thật sâu sắc khi mô tả việc Thiên Chúa thổi sinh khí vào pho tượng mà ban cho con người sự sống.Chính Thần Khí của Thiên Chúa là nguồn sự sống của nhân loại.

Thánh Thần hoạt động liên lỉ trong dòng lịch sử của dân Do Thái nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung. Ngài hiện diện với mọi dân tộc. Ngài xuất hiện tựa làn gió, thổi sức mạnh và hơi ấm đến mọi người, mọi nơi và mọi chốn.Không một cá nhân hay tổ chức nào có thể cầm giữ và điều khiển được Ngài.

Rồi đến lượt các Tông đồ, Chúa Thánh Thần hoạt động nơi các ngài. Trước đó các ngài đã từng theo Chúa, đã từng nghe bao lời dạy dỗ của Chúa, đã từng chứng kiến bao điều cả thể của Chúa. Rồi chỉ vì sợ hãi nên sau lần hiện ra, với lời chúc bình an và qua việc Chúa thổi hơi trên các ông; thế mà các ông vẫn trốn chui trốn nhủi trong nhà. Thậm chí đến ngày Người gọi các ông đến chứng kiến cảnh tương Người đi về cùng Cha, thế mà các ông vẫn còn cho rằng đó là lúc Người khôi phục vuơng quyền Israel. Rồi thế nào mà các ông lại không đuợc chia sẻ ít chức quyền. Óc não chính trị. Tìm kiếm chức quyền là những vật cản khiến các ông không nhận ra chân tướng và sứ vụ của Đức Giê-su.

Thế rồi Chúa Thánh Thần ngự đến và các ông được biến đổi hoàn toàn: nhiệt thành và can đảm rao giảng Tin Mừng. Phêrô đã từng run sợ chối Chúa trước mặt những người đầy tớ, thế mà sau biến cố Thánh Thần ngự xuống, ông đã đứng trước một đám đông rao giảng hùng hồn về sự chết và sống lại của Đức Giê-su, khiến cho mấy ngàn người bị đánh đông và trở lại với niềm tin Phục Sinh.

Như Phêrô, chúng ta đuợc mời gọi đóng góp công sức của mình. Nhưng chính Chúa Thánh Thần mới là nguồn động lực họat động nơi kẻ nói và người nghe; để ai nói sẽ nói Lời Chúa và kẻ nghe cũng sẽ đón nhận bằng một con tim bằng thịt mà tin và trở lại với sự thật là Tình Yêu của Chúa đã thể hiện qua sự chết và Phục sinh của Đức Giê-su.

Cu thể, trong bài đọc 1 mà chúng ta vừa nghe hôm nay. Sau khi Chúa Thánh Thần ngự xuống, các Tông Đồ nói đuợc các thứ tiếng mà những người nghe đến từ các nơi đều hiểu các ngài muốn nói gì. Chúng ta có thể giải thích rất đơn giản là các ngài được ơn nói ngoại ngữ. Thật ra, dân chúng tập hợp tại Giê-ru-sa-lem vẫn còn giữ nguyên nền tảng cá biệt của dân tộc họ và ngôn ngữ riêng của họ. Nhưng quyền năng của Chúa Thánh Thần đã hoạt động để các ngài có thể diễn đạt sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa cho mọi người.

Như vậy, tuy họ vẫn còn sự khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ, chủng tộc hay mầu da; nhưng bằng Tình yêu con người có thể đón nhận và hiểu sứ điệp của Thiên Chúa muốn nói gì qua lời rao giảng của các Tông Đồ. Trong Tình yêu, dù vẫn còn khác nhau, nhưng trong sự khác nhau đó, con người vẫn đồng cảm, thông hiệp và yêu thương nhau hơn. Chỉ có ngôn ngữ của yêu thương mới giúp con người nối kết được với nhau. Tình Yêu là hoa quả mà Chúa Thánh Thần tác động và ban cho con người. Nói khác đi, Chúa Thánh Thần là nguồn suối, hoa quả của yêu thương mà Chúa Cha và Chúa Con trao ban cho những kẻ thuộc về Người.

Sự thán phục của dân chúng từ khắp phương thiên hạ kéo về Giê-ru-sa-lem dành cho các Tông Đồ không phải vì các ngài thông thái hay tài giỏi, can đảm hay mạnh dạn; nhưng vì các ngài đã để cho Thánh Thần ngự xuống trên môi miệng mà ca tụng và loan báo những kỳ công của Thiên Chúa. Như vậy, quả là rõ ràng cho chúng ta nhận thấy rằng Chúa Thánh Thần đã dùng các ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau để truyền đạt sứ điệp của Chúa cho con người. Khác xa với quan niệm cho rằng chỉ có dân tộc này, ngôn ngữ kia, văn hoá nọ mới mang tính ưu vượt và duy nhất để truyền đạt tư tưởng và sứ điệp của Chúa.

Chúa Thánh Thần hoạt động trong mọi dân tộc, như dân thành Ê-phê-sô khi xưa. Họ chưa từng nghe biết về Chúa Thánh Thần, nhưng họ đã tin. Đức Tin này không phải là khám phá của họ, nhưng đó chính là hoa quả của Thần Khí! Ai trong chúng ta dám khẳng định rằng Thánh Thần chưa hoạt động nơi họ. Nếu đã không dám khẳng định thì tin là giải pháp thuận lợi nhất.

Chúa Thánh Thần đã đuợc diễn tả qua các biểu tượng như gió, cuồng phong và lửa. Và như anh chị em đã từng có kinh nghiệm: gió muổn thổi đâu thì thổi, nào ai biết được gió từ đâu đến và sẽ đi về đâu; cuồng phong mà đến thì ai cản được!

Sau cùng, nhân dịp mừng Lễ Chúa Thánh Thần ngự xuống hôm nay, xin mời anh chị em cùng tiếp tục:

·        Hãy nói lời yêu thương. Vì một khi chúng ta nói với nhau bằng tiếng nói của yêu thương thì chúng ta sẽ chạm đến những cảm xúc chân thật của con tim; từ đó mọi gắn bó và các dây liên kết của chúng ta sẽ bền chặt hơn bởi Thánh Linh.

·        Hãy tạo mọi cơ hội để tiếng nói của mình xứng đáng truyền đạt sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa.

·        Và, đừng dập tắt hay từ khước nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng đang hiện diện và hoạt động nơi con người tại các nền tôn giáo khác, nơi các dân tộc khác, thậm chí ngay cả trong các tổ chức mà nhiều người lầm tưởng là họ đang chống lại Giáo Hội. Có thể, ở một bình diện nào đó, họ không đồng ý với lối hành xử thiếu tính con người, không có dân chủ trong một hình thức cơ chế nào đó của Giáo Hội. Nhưng qua nỗ lực, sự thành tâm và thiện chí xây dựng; chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần vẫn hiện diện trong các nỗ lực mà họ đang làm để giúp chúng ta hành xử và xây dựng một thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô theo đúng ý Chúa hơn.

Sau cùng, Thánh Linh, khấn xin ngự đến và giúp chúng con nhận ra các hoạt động của Người không chỉ trong cuộc sống của chúng con mà thôi; nhưng còn mở tung cánh cửa tâm hồn của chúng con, và tác động thật mãnh liệt để chúng con còn nhận ra sự hiện diện và tác động của Thánh Linh nơi mọi người; hầu chúng con đủ can đảm ra đi mà làm chứng cho sự thật, làm chứng cho Tin Mừng như các Tông đồ khi xưa. Amen!

Wednesday, 12 May 2021

Về Trời Để Cùng Hiện Diện

 

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta long trọng mừng Lễ Chúa Giê-su lên trời. Bài đọc một và trình thuật Tin Mừng trong phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay tuy có một chút khác biệt, nhưng nội dung chính yếu là nói về việc Đức Giê-su được cất nhắc lên trời trước mắt các môn đệ. Như vậy câu hỏi đầu tiên chúng ta cần san sẻ cho nhau là trời ở đâu?

Chúng ta không biết nhiều về khoa học không gian, nhất là môn học về vũ trụ thì lại càng khó hiểu. Đó là việc của các nhà chuyên môn. Vào thời Đức Giê-su, và hầu hết những người dân thường ít hiểu biết như chúng ta vẫn còn cho rằng trời ở trên cao, đất là nơi chúng ta đang sống và được bao quanh bởi biển cả và đại dương, và dưới hay trong lòng quả đất này là hỏa ngục.

Từ khái niệm đơn sơ này chúng ta suy diễn về các mốc điểm trong hành trình của chúng ta. Các Thiên Thần và các Thánh thì ở trên trời. Quỉ dữ và những ai thuộc về nó thì bị giam cầm dưới Hỏa Ngục, trong lòng đất. Còn trái đất là nơi chúng ta đang sống và chiến đấu. Chính vì thế, đôi khi chúng ta cho rằng về trời hay lên thiên đàng là phần thưởng dành cho ai đã chiến đấu và chiến thắng quyền lực của sự ác chi phối và hoành hành trên cuộc sống của chúng ta. Vì thế quan niệm sống để thu tích các công việc đạo đức và đưa vào kho lẫm để chờ ngày lãnh nhận phần thưởng đời sau vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng trong cuộc sống của tín hữu. Với lối suy luận như thế, chúng ta có thể sẽ quên đi trách vụ và bổn phận cần phải làm để biến đổi môi trường mà chúng ta đang sống trở thành trời mới đất mới.

Trời là nơi Chúa ngự. Ngự trị không nhắm đến nơi chốn cho bằng mô tả sự hiện diện của Chúa. Sự hiện diện này sẽ không còn tuỳ thuộc vào một khoảng không gian nào đó hay một mốc thời gian nào của lịch sử; nhưng là một sự hiện diện không bị giới hạn bởi không gian và không lệ thuộc vào thời gian. Thiên Chúa hiện diện từ trước và cho đến muôn đời, vô thủy vô chung. Như vậy ở đâu có Chúa là ở đó có trời. Và như lời Chúa đã phán thì ở đâu có hai hay ba người họp lại vì danh Chúa thì Chúa hiện diện giữa họ. Ý nghĩa của câu này có thể giải thích là ở đâu có sự hiệp nhất, thông cảm, yêu thương thì có Chúa ở đó; nói khác đi tại nơi đâu mà con người cùng chia sẻ một đức tin, cùng san sẻ và trao ban một lòng mến thì tại nơi đó có sự hiện diện của Chúa. Như vậy, trời hay thiên đàng không ám chỉ đến địa danh hay nơi chốn nào đó cho bằng một cách mà con người dùng để diễn tả khi nói đến nơi ngự trị của Chúa. Nói khác đi, khi mô tả việc Chúa lên trời có nghĩa là chúng ta nói đến việc Chúa Giê-su ngự trị bên hữu Thiên Chúa.

Trên thực tế, làm sao chúng ta có thể giải thích về ý niệm về một vị Thiên Chúa vừa hiện diện lại vừa vắng mặt trong cuộc sống của chúng ta nói riêng và trong các sinh hoạt của thế giới này nói chung. Rất nhiều người trong chúng ta vẫn còn sống với quan niệm về một vị Thiên Chúa ở trên trời, xa vắng với các sinh hoạt của con người. Với cái nhìn như thế, mỗi khi chúng ta gặp khó khăn là lúc chúng ta chạy đến cầu xin với Ngài đến can thiệp và giải quyết thay cho chúng ta.

Trái lại, với sự hiện diện mới, Chúa Giê-su không còn hiện diện bằng xuơng bằng thịt và cũng không còn bị giới hạn và ràng buộc bởi không gian và thời gian nữa. Người sẽ hoạt động trong con người, nhất là nơi các kẻ tin. Vì thế việc trao ban uy quyền và sứ mạng cho họ cần được thực hiện truớc khi Người trở về với thân phận hằng có trong Thiên Chúa của Người.

Có phải cho đến hôm nay Chúa mới đuợc đưa lên trời hay không? Thật ra, Đức Giê-su đã về nhà Cha, tiếp nhận vinh quang như đã có từ Thiên Chúa ngay khi Người trút hơi thở và trao ban Thần Khí cho những ai đứng bên Thập Giá. Việc Chúa Giê-su được cất nhắc về trời hôm nay không phải là việc ra đi để rồi không hiện diện nữa; nhưng đây chính là một sự hiện diện mới mà chúng ta và các môn đệ cần nhận ra bằng con mắt đức tin và thể hiện bằng việc làm để minh chứng điều mà chúng ta và các môn đệ đã tin.

Vì thế, không có chuyện vắng mặt. Đức Giêsu, Đấng đã chịu thương tích và bị giết vào dịp lễ Vượt Qua; Người vẫn hiện diện và không hề bỏ rơi các môn đệ; Người đã sống lại và tiếp tục sống cho họ và với họ như những gì mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một hôm nay, đó là “sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa.” Cách thức hiện diện tuy khác, nhưng Người không hề bỏ rơi họ. Trong khi thi hành sứ vụ, Người đã không thể ở với mọi người tại mọi nơi khác nhau. Nay qua sự chết trong vâng phục mà Người đã được tôn vinh và hiện diện ở mọi nơi, mọi chốn và ở với mọi người trong mọi cảnh huống của đời họ.

Chúng ta mừng sự thay đổi, hân hoan đón nhận cách thức hiện diện mới của Chúa. Tuy, chúng ta không còn đuợc tiếp cận với con người bằng xương bằng thịt của Chúa nữa. Nhưng với Thân Thể Mầu nhiệm của Đức Ki-tô là Giáo Hội, chúng ta đuợc liên kết với Người như Lời Người đã phán: “Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ.”

Mặc dầu các dấu chỉ biểu lộ uy quyền của Thiên Chúa có thể thay đổi so với các việc làm của các tín hữu thuộc các công đoàn sơ khai; nhưng nguồn gốc và sức mạnh vẫn xuất phát từ Chúa. Người vẫn hoạt động thông qua những kẻ đi theo Người. Người về trời ngự bên hữu Thiên Chúa không phải để đuợc tôn vinh mà thôi, nhưng còn tiếp tục làm việc nơi các môn đệ qua quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa, đó chính là sức mạnh của Thánh Linh như Chúa đã hứa “các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong tất cả xứ Giu-đê-a và Sa-ma-ri-a, và cho đến tận cùng trái đất”.

Với sức mạnh của Chúa Thánh Linh, các Tông Đồ và nhóm môn đệ mọi thời đã hoàn tất sứ mạng của họ. Còn chúng ta hôm nay thì sao?

Sống trong một thế giới đầy tranh chấp và bạo lực, chúng ta đuợc mời gọi trở nên sứ giả của hoà bình.

Sống trong một tập thể mà người ta tìm cách loại bỏ nhau vì ghen ghét, đố kỵ và thù hằn thì chúng ta lại đuợc mời gọi sống yêu thương, tương tác và liên đới với nhau.

Đối diện với một cộng đoàn chỉ biết tham lam và tranh dành địa vị thì chúng ta lại được mời gọi sống bác ái và khiêm nhường trong việc phục vụ.

Tất cả đều là dấu chỉ nói lên lời mời gọi của Chúa Giê-su Phục Sinh, Đấng tiếp tục hiện diện và hoạt động trong cộng đoàn của các kẻ tin.

Vì thế, câu hỏi mà chúng ta phải đối diện hôm nay là sống thế nào trong vai trò chứng nhân về sự hiện diện của Chúa? Đó cũng là thử thách mà Tin mừng đề ra cho các tín hữu tại Ga-li-lê-a khi xưa và cho chúng ta hôm nay “Hỡi những người Ga-li-lê-a, sao còn đứng đó nhìn trời.” Có nghĩa là tại sao chúng ta vẫn còn ngồi đó mà tiếc nuối quá khứ! Sao cứ khư khư ôm lấy vinh quang mà không dám trở về với cuộc sống hiện tại để chu toàn phận sự đã được trao phó?

Khi thi hành nhiệm vụ mà Chúa trao phó hôm nay, chúng ta ý thức rằng mình không tự làm; nhưng sứ mạng được trao ban từ Chúa; Người là vị cứu tinh nhân hậu, đang đồng hành trong mọi sự kiện của cuộc đời chúng ta.

Chúng ta vẫn nương tựa vào Chúa.

Chúng ta vẫn gắn bó và nối kết mật thiết với Người.

Tuy nhiên, chúng ta không ngồi đó chờ Người làm thay các việc mà chúng ta cần làm.

Chúng ta sẽ không yêu cầu Chúa đến để thay đổi những gì đang xảy ra trong cuộc sống của chúng ta.

Thay vào đó, trong niềm tin, chúng ta biết chắc Người đang đồng hành với chúng ta,  soi sáng và mở mắt để chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa trong các sự kiện đang xảy ra. Thiên Chúa đã không rời bỏ chúng ta nhưng hiện diện trong những gì đang diễn ra trong cuộc sống của chúng ta ngay bây giờ và mãi mãi.

Như vậy, Chúa đã đi đâu là việc của Chúa! Việc của chúng ta phải làm là thực hiện lịnh truyền mà Chúa phán trước khi được cất nhắc lên trời, đó là: “anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất”, và nhờ việc làm của anh em mà mọi người sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ của Người. Amen!

Wednesday, 5 May 2021

TRONG CHÚA MẸ LÀ SUỐI YÊU THƯƠNG!

 

Trong bài Tin Mừng tuần trước, Đức Giê-su đã dùng hình ảnh cây nho để diễn tả sự liên kết mật thiết mà người môn đệ không thể thiếu được trong cuộc sống. Như cành nho tiếp nhận nhựa sống từ thân cây nho thế nào thì cuộc sống của các tín hữu, môn đệ của Chúa Phục Sinh cũng phải ở lại trong và với Chúa Giê-su như thế. Và một khi chúng ta ở lại trong Chúa thì chúng ta cũng được mời gọi ra đi để nối kết với anh em mình.

Nhưng làm thế nào để có thể ở lại trong tình thương của Chúa. Câu trả lời được tìm thấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa dẫn chúng ta bước thêm một buớc nữa, buớc sâu xa hơn, cụ thể hơn. Một bước đi không dựa trên lý thuyết nhưng bằng hành động. Đó là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”

Tình thương là sứ điệp căn bản cấu tạo và nuôi dưỡng sức sống cho người môn đệ. Đó không phải là điều chúng ta có thể sở hữu rồi trao ban cho người khác như trong cách diễn tả của chúng ta như: “Tôi yêu anh, yêu chị, yêu em, yêu cha, yêu mẹ… hay con yêu Chúa.” Khi nói với nhau như thế, chúng ta có thể ám chỉ và coi như tình yêu là một thứ gì thuộc về mình rồi mới trao cho tha nhân.

Thật ra, sứ điệp mà Chúa nói với chúng ta hôm nay không phải là tình yêu của chúng ta dành cho Chúa mà là tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ý nghĩa này quá rõ ràng qua Lời Chúa phán hôm nay “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.”

Tình thương mà Đức Giê-su ban phát hoàn toàn xuất phát từ Chúa Cha. Tình thương của Thiên Chúa không lệ thuộc vào tình trạng của con người, có nghĩa là Thiên Chúa yêu tôi không phải vì tôi tốt hay xấu, thánh thiện hay tội lỗi, giầu hay nghèo, sang hay hèn, nam hay nữ, quí tộc hay thứ dân… Ngài yêu chúng ta vì bản chất của Thiên Chúa là Tình yêu. Vì vậy, bất kỳ một khả năng yêu thương nào của chúng ta cũng chỉ là sự mở rộng của Tình Yêu nơi Thiên Chúa. Và một khi chúng ta yêu nhau là lúc chúng ta được lôi kéo vào và sống trong quỹ đạo tình thương của Thiên Chúa.

Như thế, vấn đề đặt ra hôm nay là sống, chứ không phải là giải thích cho người ta hiểu về sứ điệp Yêu Chúa và thương tha nhân như thế nào. Và đây cũng chính là điều mà Đức Giê-su đã thực hiện trong cuộc sống. Người không chỉ dậy chúng ta yêu Thiên Chúa và tha nhân mà thôi; nhưng bằng chính cuộc sống hiến dâng Người đã làm chứng về điều mà Người đã dậy. Người đã hiến mình trên thập giá để cứu độ chúng ta. Người đã chết ngay khi chúng ta còn là tội nhân. Sự chết của Người là giải pháp giúp chúng ta giao hoà với Thiên Chúa. Tình yêu hiến dâng của Chúa là một tình yêu chân chính và vuợt lên trên mọi thứ tình mà thế gian có thể ban tặng. Và đó cũng là thứ tình mà Người muốn chúng ta sống.

Khi nói đến tình yêu đến độ hiến mạng sống mình cho người khác là lúc chúng ta nghĩ đến sự hy sinh của các người mẹ mà chúng ta tôn vinh trong ngày mother’s day hôm nay. Tình yêu và sư sống là những hạt giống quí báu nhất mà Thiên Chúa đã trao ban để các ngài gieo trồng, chăm bón và thu hoạch. Muốn cho các hạt giống này triển nở thì chính mẹ phải đón nhận tình yêu và sự sống như quà tặng mà Thiên Chúa ban cho mình trước.

Khi nói mẹ là sự sống thì tôi nhớ lại đoản truyện ngắn vô cùng thương tâm mà tôi đã đọc được trong nguyệt san ‘Reader’s Digest’. Đó là một sự kiện có thật đã xẩy ra tại Việt Nam vào đầu thập niên 1970. Trong cuộc di tản dân chúng khỏi vùng hỏa tuyến tại miền Trung, phái đoàn y tế Hoa kỳ đã chứng kiến cảnh một cháu bé khoảng chừng 9 tháng đang cố gắng nuốt những giọt sữa hòa chung với dòng máu trên thân xác tuy đã chết nhưng vẫn còn hơi ấm của mẹ em.

Và mới đây, vào năm 1995, sau vụ động đất tại Thành Phố Kô-bê, bên Nhật, người ta đào bới và khám phá dưới đống gạch vụn của một tòa nhà đã đổ nát là hai mẹ con. Người mẹ, tuy còn sống nhưng đã bất tỉnh; còn đứa cháu gái đang cố gắng ngậm chặt ngón tay của người mẹ và cố hút nguồn sống bằng máu phát xuất từ thân thể của mẹ cháu.

Sau khi phục hồi sức khỏe cho hai mẹ con. Người ta nghe bà mẹ kể lại rằng. Tuy bị chôn vùi ở dưới đống gạch đổ nát của tòa cao ốc. Nhưng hai mẹ con chúng tôi quả thật đã gặp vận may. Có một cái đà thay vì đổ suống đập vào chúng tôi thì lại bị ngăn lại bởi bức tường vụn và trở thành vật chắn giúp hai mẹ con chúng tôi không bị đè chết. Sau đó, đứa con vài tháng tuổi của chị đói quá khóc thét lên. Bà mẹ không biết phải làm gì! Dòng sữa thì khô quặn vì đã mất mấy ngày họ đâu có gì để ăn và để uống. Bà mẹ mò mẫm trong bóng tối và tay bà đã chạm vào một vật sắc và nhọn. Với bản năng yêu thương của một người mẹ, bà không kịp suy nghĩ, lập tức dùng ngay vật nhọn đó cắt vào ngón tay của mình và đặt vào miệng cháu. Cứ thế mỗi lần con của bà khóc thét lên là một vết cắt của yêu thương được xuất phát từ thân thể của bà. Cứ thế cho đến khi bà ngất đi vì bất tỉnh và không hề biết những chuyện xẩy ra sau này.

Người ta hỏi bà là khi cắt da thịt mình để lấy máu thay sữa cho con, bà không sợ chết sao? Bà trả lời rằng với bản năng của người mẹ, tôi không có thời gian để suy nghĩ. Sự sống còn của con tôi là tất cả những gì mà tôi có thể làm được; cho dù giờ này biết làm thế rồi chết, tôi vẫn làm.

Anh chị em thân mến,

Tình mẹ thật cao cả. Ơn gọi làm mẹ thật thiêng liêng. Nó không chỉ đơn thuần là một chức năng mang tính thể lý hay sinh vật của người phụ nữ. Ngày nay người ta bàn nhiều về việc trao ban các thừa tác vụ trong Hội Thánh cho phụ nữ. Nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc phong chức cho các phụ nữ làm mẹ hay chưa?

Thật ra, mẹ không cần tôn phong. Mẹ là một Thiên chức mà Thiên Chúa ban tặng cho các người phụ nữ. Theo một nghĩa nào đó, chỉ có mẹ mới có quyền mang thai, nuôi dưỡng và thông ban sự sống cho con người ngay lúc còn trong bụng mẹ. Đó là sự ban tặng thiêng liêng của Thiên Chúa dành cho phụ nữ, họ noi gương Đấng Tạo Hóa trong việc tạo nên những sinh vật mới và giúp chúng tồn tại. Vì cuộc sống là một món quà thiêng liêng từ Thiên Chúa cho nên khi người mẹ mang một cuộc sống mới vào thế giới này là lúc mẹ thực hiện phần vụ đáp trả lời mời gọi thiêng liêng nhất. Bất kỳ một người đàn ông nào, dù có muốn cũng không làm được việc này.

Sau đây là vài chia sẻ của các người mẹ gửi cho các con nhân ngày Mother’s day. Tâm tình của mẹ như thế này: “Mẹ không ngẫu nhiên hay tình cờ là mẹ của các con. Thật ra Mẹ và Ba cũng chẳng có kế hoạch cụ thể khi sinh ra các con. Người lập kế hoạch này là Thiên Chúa. Mẹ chỉ là người cộng tác, thừa hành và đón nhận.

Quả thật, sau khi tạo dựng nên người phụ nữ, Thiên Chúa đã đặt tên cho bà là E-và, có nghĩa “mẹ chúng sinh”. Qua việc đặt tên, Thiên Chúa muốn nhắn gửi cho bà biết rằng chính Thiên Chúa đã tạo nên tình mẫu tử, và Người cũng muốn bà và những người mẹ sau này cộng tác vào chương trình tạo dựng của Người bằng cách sinh hạ chúng sinh. Thật vậy, các con đã được Chúa chọn để ban cho mẹ. Các con nằm trong kế hoạch vẹn toàn của Thiên Chúa để ban cho mẹ. Mẹ chỉ biết xin vâng và cảm ơn Thiên Chúa thay cho các con.”

Và có thêm một bà mẹ khác đã tâm sự rằng: “Sau khi thấy các người con của mẹ lớn khôn và trưởng thành. Mẹ đã thốt lên rằng Chính Chúa làm chứ không phải tôi. Chúa biết mọi sự và hiện diện khắp mọi nơi cho nên mọi điều Người làm là phần ích của con cái tôi. Thiên Chúa không hề sai lầm. Người binh vực và yêu thương các con cho nên tôi tin Chúa đã chọn tôi làm mẹ cho đàn con của mình hơn là tôi tin vào chính tôi nữa.”

Tâm tình của mẹ không bao giờ cạn. Thân xác và hình hài của mẹ có thể bị cất nhắc đi. Nhưng tâm tư của mẹ vẫn còn in thật rõ nét trong cuộc sống của các người con. Mẹ chính là nguồn suối tình yêu tuôn chảy không ngừng. Để đáp trả, chúng ta có một cách nói tuy đơn sơ nhưng diễn tả tất cả, đó là: Thưa mẹ, chúng con thật vinh dự khi có mẹ là mẹ chúng con. Chúng con tôn vinh và tri ân các người mẹ, không phải vì những gì mà mẹ đã làm cho bằng là mẹ của chúng con. Mẹ là tất cả, là thế giới của chúng con. Nhờ mẹ mà chúng con nhận ra tình yêu lân tuất, tình yêu cao cả của Thiên Chúa, Đấng đã tín thác và đặt chúng con vào bụng dạ của mẹ để mẹ giữ gìn và chăm sóc. Xin dâng lời cảm tạ và tri ân. Mẹ mãi mãi là mẹ chúng con. Amen!