Wednesday, 5 May 2021

TRONG CHÚA MẸ LÀ SUỐI YÊU THƯƠNG!

 

Trong bài Tin Mừng tuần trước, Đức Giê-su đã dùng hình ảnh cây nho để diễn tả sự liên kết mật thiết mà người môn đệ không thể thiếu được trong cuộc sống. Như cành nho tiếp nhận nhựa sống từ thân cây nho thế nào thì cuộc sống của các tín hữu, môn đệ của Chúa Phục Sinh cũng phải ở lại trong và với Chúa Giê-su như thế. Và một khi chúng ta ở lại trong Chúa thì chúng ta cũng được mời gọi ra đi để nối kết với anh em mình.

Nhưng làm thế nào để có thể ở lại trong tình thương của Chúa. Câu trả lời được tìm thấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa dẫn chúng ta bước thêm một buớc nữa, buớc sâu xa hơn, cụ thể hơn. Một bước đi không dựa trên lý thuyết nhưng bằng hành động. Đó là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”

Tình thương là sứ điệp căn bản cấu tạo và nuôi dưỡng sức sống cho người môn đệ. Đó không phải là điều chúng ta có thể sở hữu rồi trao ban cho người khác như trong cách diễn tả của chúng ta như: “Tôi yêu anh, yêu chị, yêu em, yêu cha, yêu mẹ… hay con yêu Chúa.” Khi nói với nhau như thế, chúng ta có thể ám chỉ và coi như tình yêu là một thứ gì thuộc về mình rồi mới trao cho tha nhân.

Thật ra, sứ điệp mà Chúa nói với chúng ta hôm nay không phải là tình yêu của chúng ta dành cho Chúa mà là tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ý nghĩa này quá rõ ràng qua Lời Chúa phán hôm nay “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.”

Tình thương mà Đức Giê-su ban phát hoàn toàn xuất phát từ Chúa Cha. Tình thương của Thiên Chúa không lệ thuộc vào tình trạng của con người, có nghĩa là Thiên Chúa yêu tôi không phải vì tôi tốt hay xấu, thánh thiện hay tội lỗi, giầu hay nghèo, sang hay hèn, nam hay nữ, quí tộc hay thứ dân… Ngài yêu chúng ta vì bản chất của Thiên Chúa là Tình yêu. Vì vậy, bất kỳ một khả năng yêu thương nào của chúng ta cũng chỉ là sự mở rộng của Tình Yêu nơi Thiên Chúa. Và một khi chúng ta yêu nhau là lúc chúng ta được lôi kéo vào và sống trong quỹ đạo tình thương của Thiên Chúa.

Như thế, vấn đề đặt ra hôm nay là sống, chứ không phải là giải thích cho người ta hiểu về sứ điệp Yêu Chúa và thương tha nhân như thế nào. Và đây cũng chính là điều mà Đức Giê-su đã thực hiện trong cuộc sống. Người không chỉ dậy chúng ta yêu Thiên Chúa và tha nhân mà thôi; nhưng bằng chính cuộc sống hiến dâng Người đã làm chứng về điều mà Người đã dậy. Người đã hiến mình trên thập giá để cứu độ chúng ta. Người đã chết ngay khi chúng ta còn là tội nhân. Sự chết của Người là giải pháp giúp chúng ta giao hoà với Thiên Chúa. Tình yêu hiến dâng của Chúa là một tình yêu chân chính và vuợt lên trên mọi thứ tình mà thế gian có thể ban tặng. Và đó cũng là thứ tình mà Người muốn chúng ta sống.

Khi nói đến tình yêu đến độ hiến mạng sống mình cho người khác là lúc chúng ta nghĩ đến sự hy sinh của các người mẹ mà chúng ta tôn vinh trong ngày mother’s day hôm nay. Tình yêu và sư sống là những hạt giống quí báu nhất mà Thiên Chúa đã trao ban để các ngài gieo trồng, chăm bón và thu hoạch. Muốn cho các hạt giống này triển nở thì chính mẹ phải đón nhận tình yêu và sự sống như quà tặng mà Thiên Chúa ban cho mình trước.

Khi nói mẹ là sự sống thì tôi nhớ lại đoản truyện ngắn vô cùng thương tâm mà tôi đã đọc được trong nguyệt san ‘Reader’s Digest’. Đó là một sự kiện có thật đã xẩy ra tại Việt Nam vào đầu thập niên 1970. Trong cuộc di tản dân chúng khỏi vùng hỏa tuyến tại miền Trung, phái đoàn y tế Hoa kỳ đã chứng kiến cảnh một cháu bé khoảng chừng 9 tháng đang cố gắng nuốt những giọt sữa hòa chung với dòng máu trên thân xác tuy đã chết nhưng vẫn còn hơi ấm của mẹ em.

Và mới đây, vào năm 1995, sau vụ động đất tại Thành Phố Kô-bê, bên Nhật, người ta đào bới và khám phá dưới đống gạch vụn của một tòa nhà đã đổ nát là hai mẹ con. Người mẹ, tuy còn sống nhưng đã bất tỉnh; còn đứa cháu gái đang cố gắng ngậm chặt ngón tay của người mẹ và cố hút nguồn sống bằng máu phát xuất từ thân thể của mẹ cháu.

Sau khi phục hồi sức khỏe cho hai mẹ con. Người ta nghe bà mẹ kể lại rằng. Tuy bị chôn vùi ở dưới đống gạch đổ nát của tòa cao ốc. Nhưng hai mẹ con chúng tôi quả thật đã gặp vận may. Có một cái đà thay vì đổ suống đập vào chúng tôi thì lại bị ngăn lại bởi bức tường vụn và trở thành vật chắn giúp hai mẹ con chúng tôi không bị đè chết. Sau đó, đứa con vài tháng tuổi của chị đói quá khóc thét lên. Bà mẹ không biết phải làm gì! Dòng sữa thì khô quặn vì đã mất mấy ngày họ đâu có gì để ăn và để uống. Bà mẹ mò mẫm trong bóng tối và tay bà đã chạm vào một vật sắc và nhọn. Với bản năng yêu thương của một người mẹ, bà không kịp suy nghĩ, lập tức dùng ngay vật nhọn đó cắt vào ngón tay của mình và đặt vào miệng cháu. Cứ thế mỗi lần con của bà khóc thét lên là một vết cắt của yêu thương được xuất phát từ thân thể của bà. Cứ thế cho đến khi bà ngất đi vì bất tỉnh và không hề biết những chuyện xẩy ra sau này.

Người ta hỏi bà là khi cắt da thịt mình để lấy máu thay sữa cho con, bà không sợ chết sao? Bà trả lời rằng với bản năng của người mẹ, tôi không có thời gian để suy nghĩ. Sự sống còn của con tôi là tất cả những gì mà tôi có thể làm được; cho dù giờ này biết làm thế rồi chết, tôi vẫn làm.

Anh chị em thân mến,

Tình mẹ thật cao cả. Ơn gọi làm mẹ thật thiêng liêng. Nó không chỉ đơn thuần là một chức năng mang tính thể lý hay sinh vật của người phụ nữ. Ngày nay người ta bàn nhiều về việc trao ban các thừa tác vụ trong Hội Thánh cho phụ nữ. Nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc phong chức cho các phụ nữ làm mẹ hay chưa?

Thật ra, mẹ không cần tôn phong. Mẹ là một Thiên chức mà Thiên Chúa ban tặng cho các người phụ nữ. Theo một nghĩa nào đó, chỉ có mẹ mới có quyền mang thai, nuôi dưỡng và thông ban sự sống cho con người ngay lúc còn trong bụng mẹ. Đó là sự ban tặng thiêng liêng của Thiên Chúa dành cho phụ nữ, họ noi gương Đấng Tạo Hóa trong việc tạo nên những sinh vật mới và giúp chúng tồn tại. Vì cuộc sống là một món quà thiêng liêng từ Thiên Chúa cho nên khi người mẹ mang một cuộc sống mới vào thế giới này là lúc mẹ thực hiện phần vụ đáp trả lời mời gọi thiêng liêng nhất. Bất kỳ một người đàn ông nào, dù có muốn cũng không làm được việc này.

Sau đây là vài chia sẻ của các người mẹ gửi cho các con nhân ngày Mother’s day. Tâm tình của mẹ như thế này: “Mẹ không ngẫu nhiên hay tình cờ là mẹ của các con. Thật ra Mẹ và Ba cũng chẳng có kế hoạch cụ thể khi sinh ra các con. Người lập kế hoạch này là Thiên Chúa. Mẹ chỉ là người cộng tác, thừa hành và đón nhận.

Quả thật, sau khi tạo dựng nên người phụ nữ, Thiên Chúa đã đặt tên cho bà là E-và, có nghĩa “mẹ chúng sinh”. Qua việc đặt tên, Thiên Chúa muốn nhắn gửi cho bà biết rằng chính Thiên Chúa đã tạo nên tình mẫu tử, và Người cũng muốn bà và những người mẹ sau này cộng tác vào chương trình tạo dựng của Người bằng cách sinh hạ chúng sinh. Thật vậy, các con đã được Chúa chọn để ban cho mẹ. Các con nằm trong kế hoạch vẹn toàn của Thiên Chúa để ban cho mẹ. Mẹ chỉ biết xin vâng và cảm ơn Thiên Chúa thay cho các con.”

Và có thêm một bà mẹ khác đã tâm sự rằng: “Sau khi thấy các người con của mẹ lớn khôn và trưởng thành. Mẹ đã thốt lên rằng Chính Chúa làm chứ không phải tôi. Chúa biết mọi sự và hiện diện khắp mọi nơi cho nên mọi điều Người làm là phần ích của con cái tôi. Thiên Chúa không hề sai lầm. Người binh vực và yêu thương các con cho nên tôi tin Chúa đã chọn tôi làm mẹ cho đàn con của mình hơn là tôi tin vào chính tôi nữa.”

Tâm tình của mẹ không bao giờ cạn. Thân xác và hình hài của mẹ có thể bị cất nhắc đi. Nhưng tâm tư của mẹ vẫn còn in thật rõ nét trong cuộc sống của các người con. Mẹ chính là nguồn suối tình yêu tuôn chảy không ngừng. Để đáp trả, chúng ta có một cách nói tuy đơn sơ nhưng diễn tả tất cả, đó là: Thưa mẹ, chúng con thật vinh dự khi có mẹ là mẹ chúng con. Chúng con tôn vinh và tri ân các người mẹ, không phải vì những gì mà mẹ đã làm cho bằng là mẹ của chúng con. Mẹ là tất cả, là thế giới của chúng con. Nhờ mẹ mà chúng con nhận ra tình yêu lân tuất, tình yêu cao cả của Thiên Chúa, Đấng đã tín thác và đặt chúng con vào bụng dạ của mẹ để mẹ giữ gìn và chăm sóc. Xin dâng lời cảm tạ và tri ân. Mẹ mãi mãi là mẹ chúng con. Amen!

No comments:

Post a Comment