Wednesday, 26 October 2022

GẶP CHÚA ĐỂ ĐƯỢC BIẾN ĐỔI


Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc biến đổi của ông Da-kêu, trưởng ban thu thuế. Câu chuyện này nối tiếp với bài Phúc âm tuần trước. Trong đó, thánh sử đã trình bầy về cử chỉ và hành động của hai người, Pha-ri-siêu và thu thuế, trong đền thờ; còn hôm nay là cuộc gặp gỡ của Đức Giê-su và ông Da-kêu, trưởng ban thu thuế.

Trong xã hội Do Thái dưới thời Đức Giê-su thì những người thu thuế được coi là những nhận vật nguy hiểm và bị dân chúng thù ghét. Họ là những người cộng tác với đế quốc Rô-ma, một thể chế đang thống trị và đàn áp dân Do Thái lúc bấy giờ. Họ có một đội ngũ tay sai, điềm chỉ viên, chuyên săn tin và báo cáo cho họ biết ai đã thu hoạch được một vụ mùa bội thu hay ai đã kiếm được một khoản lợi nhuận qua việc trao đổi và buôn bán trên thị trường. Sau đó, những người thu thuế sẽ xuất hiện để đòi chia lợi nhuận dựa trên tỷ lệ phần trăm.

Thậm chí, chính quyền Rô-ma còn cho phép họ đánh thuế bằng hiện vật từ những người nghèo, không có tiền đóng thuế. Có nghĩa là, họ có quyền bắt giữ con cái của các gia đình thiếu thuế làm nô lệ cho họ.

Với phương thức như thế, những người thu thuế dù liêm khiết và thành thật đến mức độ nào cũng trở nên giàu có và bị dân chúng thù ghét. Cụm từ địa chủ hay cường hào ác bá, sống trên xương máu của nhân dân cũng chưa đủ nghĩa để nói lên công việc của những người thu thuế.

Những người Do Thái không chỉ thù ghét họ mà còn tránh né và không bao giờ tiếp xúc nói chi đến việc đưa ra lời mời gợi ý giúp họ thay đổi. Và cũng chỉ vì bị cô lập và bị đối xử tách biệt như thế cho nên những người thu thuế chỉ biết dùng đủ mọi cách thức để tiếp tục làm giầu và vui thích với ý nghĩ của những kẻ có quyền lực bằng sự giầu có mà họ đã tích lũy được.

Trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, chúng ta khám phá rằng không chỉ một lần mà rất nhiều lần các nhân viên thu thuế đã xuất hiện để nghe Thánh Gioan tiền hô và Đức Giê-su rao giảng. Và trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra bản chất và sức mạnh của Đức Giê-su mang đến. Người cảm nhận và kinh nghiệm rằng tình yêu của Thiên Chúa không loại trừ một ai và được thể hiện tại bất cứ nơi nào.

Người lại một lần nữa hoán đổi ngôi vị, từ khách ra chủ. Da-kêu có thể vì tò mò nên ông đã chủ động trong việc tìm kiếm để xem Đức Giê-su mà người ta đang bàn tán là ai. Nhưng khi nhìn thấy ông đang ngồi ở trên cây thì Đức Giê-su đã đi bước trước, không bộc lộ một cử chỉ nào để đáp lại Da-kêu, mà Người đã chủ động tự mời mình đến lưu ngụ tại nhà Da-kêu và Da- kêu đã được biến đổi sau khi nhận lời mời của Người.

Cuộc biến đổi trước tiên đã được mô tả thật rõ ràng qua cử chỉ và việc làm của ông. Ông vội vàng tụt xuống, vui mừng đón tiếp Chúa đến nhà ông. Trong khi đó, đám đông lại bị sốc vì hành động của Đức Giê-su. Người không đứng về phía nhân dân nữa mà lại làm bạn với bọn hút máu mủ của dân chúng. Nhưng điều mà Đức Giê-su quan tâm hôm nay là Da-kêu, một con người bị ruồng bỏ hơn là việc luật lệ hay truyền thống bị xúc phạm. Công việc thu thuế của Da-kêu tuy xấu thật; nhưng con người của Da-kêu, cũng như mọi người chưa hẳn là xấu. Sự thiện hảo và lòng tốt vẫn còn trong ông, nó chưa hẳn bị tê liệt hoàn toàn, cần được hâm nóng và làm cho chỗi dậy.

Khi bước chân vào nhà Da-kêu, Đức Giê-su đã trả lại cho ông phẩm giá của một con người có thể bị đánh mất vì chức nghiệp. Người phục hồi hình ảnh tốt trong ông, Người kéo ông ra khỏi môi trường đã giam cầm ông. Nguyên tắc căn bản mà Đức Giê-su thường xuyên áp dụng, đặc biệt cho hoàn cảnh của Da-kêu hôm nay là giúp ông nhận ra sự quảng đại của Thiên Chúa, Đấng hòa hợp với lòng tốt đang tiềm ẩn trong ông. Da-kêu sẽ không thể thay đổi nếu ông không nhận ra bản tính lương thiện vẫn hiện diện trong ông. Ông đã được hâm nóng và đốt cháy bởi ngọn lửa yêu thương, lòng nhiệt thành và tâm hồn quảng đại của Đức Giê-su.

Có một điểm quan trọng mà chúng ta cần lưu ý ở đây mà áp dụng, đó là phải chú ý đến cách mà Đức Giê-su đã làm. Người không đưa ra yêu cầu hay một việc đền tội nào cho Da-kêu cả. Người tạo cơ hội và không gian để Da-kêu tự do chọn lựa cách thức mà ông muốn chuyển hướng cuộc sống của ông.

Thật không may, phản ứng của chúng ta lại giống như đám đông cùng thời với Đức Giê-su. Chúng ta có thói quen chôn và giam giữ người khác chung với những sai lầm trong quá khứ của họ. Chúng ta lại thường xuyên học theo lối lên án và kết tội người khác hơn là tạo cơ hội giúp cho họ khẳng định các mặt tích cực trong cuộc sống của họ. Tầm nhìn của Đức Giê-su thì rộng và xa hơn những gì mà chúng ta có thể nhìn thấy. Người không nhìn Da-kêu là kẻ tội lỗi, mà luôn coi ông là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham, cũng được thừa hưởng một nguồn ơn cứu thoát.

            Như vậy, qua cuộc gặp gỡ của Đức Giê-su với ông Da-kêu, Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta nhận ra một chân lý lạ lùng này, đó là Người đến để mời gọi con người đặt lại đúng chỗ những gì đã bị mất hay đã hư đi. Da-kêu đã được gặp Chúa và cuộc gặp gỡ này đã đổi mới cuộc đời ông. Trong hành trình đổi mới này, Da-kêu trước tiên đã công khai sửa chữa những việc làm sai trái của ông. Thay vì chạy theo tiền bạc, danh vọng, chức vụ rồi chỉ lo đến mình… bây giờ ông theo Chúa và lo cho người khác, nhất là người nghèo rồi đền bù các thiệt hại do ông gây ra.

Liệu chúng ta đã thực sự gặp Chúa để được đổi mới hay chưa?

Dù cuộc đời chúng ta vẫn gắn liền với sự mỏng dòn, yếu đuối của thân phận làm người và thuờng xuyên phạm tội; nhưng đó cũng chỉ là điều để chúng ta biết rằng chúng ta vẫn là con người, vẫn đang đi trên đuờng, nhắm đích mà tiến buớc. Chúng ta chưa hoàn hảo. Nhưng đừng thất vọng. Chúa vẫn đang ngước mắt tìm và nhìn thấu ta. Còn ta thì hãy buớc ra khỏi chính mình (leo lên cây) để nhìn sự thiện hảo của Thiên Chúa nơi mình; hành động với lòng yêu mến chân thành mà Chúa đã đặt trong mình; rồi mở rộng vòng tay ôm ấp và chào đón nhau trong Chúa. Amen!

Wednesday, 19 October 2022

CON XIN TẠ ƠN VÌ CON LÀ KẺ TỘI LỖI!


Đức Giê-su trong bài Tin Mừng tuần trước đã khuyên chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện. Cầu nguyện liên lỷ. Cầu nguyện không ngừng. Bởi vì, không cầu nguyện con người sẽ mất chỗ dựa, mất đi nguồn sống.

Tiếp tục xoay quanh chủ đề cầu nguyện, bài Tin Mừng hôm nay mô tả việc hai người lên đền thờ cầu nguyện: Một ông Pha-ri-sêu, tự nhận mình là người công chính. Còn ông bên kia là tay thu thuế, cường hào ác bá, bóc lộc dân chúng bằng nghể thâu thuế; và bị coi là phường tội lỗi!

Người Pha-ri-sêu được mô tả thật sống động. Ông đứng thẳng người bộc lộ dáng vẻ tự tin, thì thầm với Thiên Chúa. Chúng ta phải thú nhận rằng những việc ông làm, nào là không trộm cắp, không có hành vi bất chính, không ngoại tình, còn tuân thủ việc đóng thuế thập phân cho đền thờ là những việc tốt và rất đáng khích lệ và ông ta đã hành động theo đúng luật Chúa. Ông ta làm được nhiều việc hơn chúng ta. Thật cảm phục cho các tín hữu dám công khai nói như người Pha-ri-sêu hôm nay.

Ông đã tạ ơn Chúa; nhưng cách ông tạ ơn dường như để khoe khoang chứ không để tỏ bầy cử chỉ tôn thờ Thiên Chúa. Sau đó, đã sai ông lại tiếp tục sai khi vịn vào thành tích rồi hợm mình để chê bai người khác. Ông làm như đã trở thành con người hoàn hảo bởi các việc ông làm.

Chúng ta tưởng rằng chỉ mấy ông Pha-ri-sêu thời Đức Giê-su mới hành xử như thế. Thật ra trong mọi thời đại và dù bất kỳ sống trong môi trường nào thì lối sống như ộng Pha-ri-sêu vẫn còn hiện diện và được khuyến khích trong các cơ cấu, ngay cả các tổ chức công giáo. Họ là những người tự cho mình là đạo đức, dựa vào công nghiệp và những đóng góp rồi coi kẻ khác không ra gì.

Thật ra, ai trong chúng ta cũng đều biết rằng chúng ta có làm được các việc như thế cũng là hống ân của Chúa ban cho. Tất cả đều là hồng ân, là quà tặng của Chúa trao ban để chúng ta chia sẻ cho người khác. Đó là bổn phận, nếu không hành động thì chúng ta là người có lỗi, lấy gì mà vinh vang.

Nếu ai trong chúng ta có muốn so sánh thì hãy lấy tiêu chuẩn của Tin Mừng ra mà so sánh. Tất cả chúng ta, dù là ai hay dù đang nắm giữ tác vụ nào của Hội Thánh, tất cả đều là tội nhân, là những con người khuyết hẳn vinh quang và sự Thánh Thiện của Chúa nơi mình.

Vì thế, hãy học vẻ đẹp của người thu thuế. Ông biết các công việc của ông, như cộng tác với chính quyền, thu thuế và làm giàu trên xương máu của nhân dân khiến cho ông tuy giầu có nhưng lại bị dân chúng ghét bỏ. Ông nhận ra một sự thật là cho dù liêm khiết và thành thật đến đâu thì ông cũng là người có tội với dân tộc và với dân chúng. Chính vì thế, ông chẳng có gì để hãnh diện hay trình bầy thành tích trước mặt Chúa. Ông đứng tự đàng xa, không dám ngước mắt nhìn ai, nhìn vào cõi lòng, hẳn nhiên khi nhìn vào cõi lòng ông thấy sự uy nghiêm và thánh thiện của Chúa, nên ông đấm ngực mà thân thưa cùng Chúa rằng: “Lậy Thiên Chúa, xin thương xót, con là kẻ tội lỗi.”

Giống như anh con thứ trong dụ ngôn Tình Phụ Tử, người cha đã không cho phép anh kể hết các tội của mình, không cho phép anh đánh mất mối tương quan khi anh dự định nói rằng mình không xứng đáng là con của ông. Ông đã cắt đứt việc anh con thứ kể lể về tội của anh thế nào thì ở đây cũng thế. Chúng ta không thấy người thu thuế liệt kê các tội của anh. Với thái độ nhìn rõ sự thật và vị trí trong thân phận của một kẻ có tội, anh đã được Thiên Chúa thương và làm cho anh trở nên công chính. Nói khác đi, anh ra về và được khỏi tội.

Thưa anh chị em,

Nơi câu đầu của dụ ngôn, Thánh Lu-ca đã nói mục đich của dụ ngôn này là bài học mà Đức Giê-su muốn trao ban cho một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê kẻ khác. Chúng ta có nằm trong đối tượng mà Đức Giê-su dậy bảo hôm nay hay không?

Tôi thấy cách hành xử của hai người: Pha-ri-sêu và thu thuế, đều được tôi lập lại trong cuộc sống hằng ngày. Sống trong một môi trường coi trọng thành tích, chúng ta nói cho nhau nghe các thành tựu, liệt kê một mớ bảng tạ ơn hay trọng thưởng. Chúng ta muốn nói cho người khác biết là chúng ta đang làm rất tốt; rồi từ đó chúng ta cũng nghĩ rằng Chúa đang mong đợi các điều tương tự từ nơi chúng ta, Chúa sẽ có ấn tượng tốt qua các thành công của chúng ta. Bị ảnh hưởng bới các yếu tố đó nên ông Pha-ri-sêu của mọi thời đại đã làm giống như người Pha-ri-sêu trong bài Tin Mừng. Cho dù ông mở đầu bằng lời tạ ơn, nhưng tâm tình tạ ơn của ông đâu chẳng thấy mà chỉ thấy ông khoe thành tích, kể công nghiệp hàm ý rằng những gì mà ông đang thụ hưởng là một sự đáp trả mà Chúa phải ban qua các việc ông đã làm. Ông không còn nhận ra những gì mà ông có được là hồng ân từ Chúa thì làm sao ông có thể tạ ơn được. 

 Chúng ta không cần tạo một ấn tượng tốt nơi Thiên Chúa. Chúa biết rõ chúng ta là ai, và Người còn biết tận tường chúng ta muốn gì. Vì thế, việc nhận ra vị trí và thân phận của chính mình là điều tiên quyết mà chúng ta cần có khi đến với Ngài. Thiên Chúa làm gì còn chỗ đứng nơi những kẻ chỉ biết đến mình. Sự thật giúp chúng ta nhận ra rằng mình là người có tội và chính vì thế chúng ta cần Chúa.

Muốn được như thế, chúng ta cùng nghĩ rằng:

·        Bản thân và tất cả những gì chúng ta có được đều thuộc về Thiên Chúa. Đừng nghĩ rằng mình xứng đáng và chiếm hữu nó; trái lại hãy xử dụng mà chia sẻ cho nhau. Như vậy, những gì mà chúng ta có thể làm được cũng là hồng ân của Chúa; chúng ta đâu còn có gì để báo cáo thành tích mà vinh vang.

·        Tất cả mọi người, dù già hay trẻ, cao hay thấp, sang hay hèn, cao trọng hay thứ dân, đều được mời gọi để trở nên công chính và thánh thiện. Mức độ thánh thiện không tùy thuộc vào công trạng của con người nhưng tùy thuộc vào mối tương quan giữa Chúa và ta. Khởi điểm của việc thiết lập mối tương quan đó là nhận ra sự thật than phận tội lỗi của mình mà bám víu vào lòng Thương xót của Thiên Chúa. Không vịn vào công trạng mà là một tâm tình phó thác trọn vẹn vào Đấng luôn yêu thương mình.

·        Sau cùng, giống như người thu thuế, chúng ta hãy can đảm chấp nhận thân phận tội lỗi của mình, đến với Chúa để xin được tha thứ và tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương và muốn cho mọi người được cứu thoát. Đó chính là khởi điểm của cuộc sống mới.  Cuộc sống không bị mặc cảm tội lỗi dầy vò; nhưng qua đó mà chúng ta nhận ra Tình Yêu của Chúa cao cả dường bao. Vì Ngài là tình yêu, và Tình yêu chính là bản chất và sức sống của Thiên Chúa. Amen!

 

 

 

 

 

 

Wednesday, 12 October 2022

GƯƠNG SÁNG CỦA BÀ GÓA


Dụ ngôn trong phần phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật tuần này và tuần sau liên kết với nhau trong một chủ đề, đó là cầu nguyện. Cầu nguyện là đề tài quan trọng trong Tin Mừng theo Thánh Luca. Thánh sử đã cố gắng đặt tất cả các biến cố quan trọng xẩy ra trong sứ vụ của Đức Giê-su trong bối cảnh của việc cầu nguyện.

Nhìn vào cách thức và lời giảng dậy về cầu nguyện của Đức Giê-su, chúng ta nhận ra rằng cầu nguyện là hành động được bộc lộ của lòng tin, đó không chỉ là việc phát sinh từ lòng đạo đức hay cơ hội để chúng ta trình bầy các nhu cầu của con người lên Chúa. Thật vậy, lòng tin của chúng ta cần được biểu lộ bằng việc làm và các việc làm đó phải được phát sinh từ mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Và mối quan hệ này phải có tính bền vững như điều Đức Giê-su nói với các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay. Nếu những ai theo Chúa mà không ngày đêm kêu cứu Chúa, thì thực tế họ không có lòng tin nơi Người. Nói khác đi, cầu nguyện phải đi đôi với việc làm. Đó là lối sống của những ai tin vào Thiên Chúa.

Vì thế, trong câu mở đầu của bài Tin Mừng chúng ta đã nhận ra bài học và ý muốn của Đức Giê-su. Người dậy chúng ta phải siêng năng cầu nguyện. Cầu nguyện với lòng tha thiết và liên lỷ, không được nản chí. Sau đó, Người đã minh họa lời giảng dậy bằng dụ ngôn ông quan tòa bất lương gặp bà góa quấy rầy.

Trước tiên là việc xuất hiện của ông quan tòa. Các chi tiết mô tả về tính nết của ông quan tòa như: bất lương, không sợ trời, chẳng nể đất và cũng chẳng sợ ai được nhấn mạnh nhằm chuẩn bị cho chúng ta nhìn thấy trước khó khăn mà bà góa sẽ phải đối diện. Một ông quan tòa với cá tính như thế thì còn quan tâm và để ý đến lời van xin của ai nữa. Số phận của bà góa thật không may khi việc kiện tụng của bà lại được ông quan tòa ‘không có lòng thương xót’ định đoạt. Việc trình bầy ông quan tòa như thế chuẩn bị cho chúng ta nhìn ra số phận hẩm hiu của bà góa.

Sau đó, một bà góa như tất cả mọi bà góa trong xã hội Do Thái được trình làng. Hoàn cảnh của các bà góa thời Đức Giê-su không được bảo vệ và không có nhiều quyền lợi như các bà góa trong xã hội hiện đại. Họ là những người cô thân cô thế, bị thiệt thòi mọi sự, không ai binh vực. Nhưng lòng kiên tâm của bà được đề cao. Đó là điểm chính yếu của dụ ngôn. Bà cứ kiên trì kêu cầu mãi. Hết ngày này đến hôm khác, bà cứ chờ chực ở cửa quan để đòi công đạo, đòi được minh xét vì bà nghĩ rằng phần lỗi về đối phương, họ đã làm hại đến bà.  

Cuối cùng, vị quan tòa vô tâm và chẳng hề biết sợ ai của chúng ta cũng phải đứng ra xét xử bịnh vực quyền lợi cho bà. Thật lý thú khi chúng ta nghe được lối suy nghỉ của ông khi xét xử, ông ta chẳng vì công lý hay bị lương tâm thúc đẩy mà binh vực cho quyền lợi của bà mà chỉ vì sợ bị bà quấy rầy khiến cho ông bị nhức đầu long óc mà xử cho xong. Từ trong lối suy nghĩ của ông, chúng ta thấy ông quan tòa trước sau vẫn là ông quan tòa, không có một chút thay đổi. Ông ta vẫn ích kỷ và vì quyền lợi của bản thân mà xử quách cho xong để khỏi bị quấy rầy.

Sau khi kể truyện xong, Đức Giê-su mới kết luận: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?” Như vậy, câu đầu tiên và câu cuối cùng của bài Tin Mừng cho chúng ta thấy ý tưởng chính là cần phải cầu nguyện luôn, đừng nản chí.

Cầu nguyện cần đi đôi với việc làm, không chỉ một lần là đủ mà cần sự liên lỷ và bền đỗ. Trong niềm tin và phó thác chúng ta dâng lên Chúa tất cả, không phải cứ mỗi lần chạy đến với Chúa lại là xin ơn.

Ý tưởng nêu trên được minh họa qua truyện kể sau.

Có một gia đình kia không giống như các gia đình khác. Ông chồng của căn nhà này là người cầm lõi, tay hòm chìa khóa thay vì nằm trong tay bà vợ như mọi gia đình khác thì lại nằm trong tay ông. Được một điều là ông rất đại lượng, không chi ly và ít khi chất vấn vợ con về việc này. Thế mà, đã có một lần ông cảm thấy nhức đầu long óc khi những người con của ông, hết cô này đến chú kia, lần lượt đến xin ông điều này, đứa khác lại xin ông cho tiền mua điều nọ. Đứa nào cũng cần. Cái gì các cháu đưa ra cũng đều đúng… Thế mới làm ông khổ. Từ trong nỗi khổ đó ông mới nghiệm ra một điều là con cái của ông dù lớn về phần xác, nhưng chưa một cháu nào trưởng thành và biết suy tính cho cuộc sống của chúng cả. Lúc nào hết xin lại đến cầu, cứ như vậy thì làm thế nào!

Từ hoàn cảnh thực tế mà nhiều gia đình vướng phải anh chị em thử hình dung ra cảnh Chúa phải nghe chúng ta, bao nhiêu tỷ người, lải nhải. Hơn nữa nhiều lúc chúng ta xin điều mà chúng ta không biết mình xin gì nữa.

            Vẫn biết khi đau thì xin khỏi bịnh… Nhưng, tại sao không xin phó thác và can đảm để đối diện với căn bịnh. Đó là chưa kể đến việc nếu bịnh nào Chúa cũng chữa khỏi thì cần gì mấy ông bác sĩ và cũng chẳng cần ngân sách để xây thêm nhà thương và các viện nghiên cứu nữa.

            Rồi trong cảnh nghèo, túng thiếu thì xin no đủ… Nhưng, tại sao không xin chấp nhận và cầu nguyện cho mấy ông nhà giầu biết noi gương Chúa mà sống đại lượng.

Làm thế nào để lời cầu xin của chúng ta được Chúa ban trong khi chúng ta lại sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến nhu cầu, dù thiết yếu, nhưng vẫn là xin cho mình.

Nói chung, dù xin ơn là điều chính đáng và cần thiết. Nhưng chúng ta dễ rơi vào vị trí của những người chỉ biết ỷ lại, chờ đợi sự bố thí của kẻ khác; chưa kể đến các ơn mà chúng ta xin dường như chỉ vì nhu cầu của bản thân…. Tại sao không xin ý Chúa….

Chúa dậy chúng ta phải lo và quan tâm đến cuộc sống của nhau.

Lo bằng tâm (có nghĩa là cầu nguyện), quan tâm bằng hành động (viêc làm).

Để kết thúc, xin anh chị em cùng nghe phần chia sẻ của Đức cố Hồng Y Sin, Tổng giám mục Ma-ni-la, Phi Luật Tân. Trong một bài giảng, Ngài đã kết thúc bằng việc trích dẫn một vài ý trong bài thơ của một tác giả vô danh như sau:

·        Tôi đã xin Chúa cất đi tính kiêu căng và Chúa trả lời: “Không”. Ngài nói rằng không phải Ngài sẽ cất đi tính xấu đó, mà chính tôi mới là người cố gắng chiến đấu để vượt thắng nó.

·        Tôi đã xin Chúa ban cho tôi lòng kiên nhẫn và Chúa đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng kiên nhẫn là hoa trái của thử thách. Ngài không ban cho tôi trái ấy mà để tôi tự tìm lấy.

·        Tôi đã xin Chúa ban cho tôi được hạnh phúc và Chúa đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng Ngài ban ân phúc cho tôi, còn hạnh phúc hay không là tùy vào cách thức tôi đón nhận và hành động.

·        Tôi đã xin Chúa gia tăng tinh thần cho tôi và Chúa đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng tôi phải học để trưởng thành và lớn lên, nhưng Ngài sẽ mài dũa và cắt tỉa để tôi sinh thêm nhiều hoa trái.

·        Tôi đã xin Chúa đừng để tôi đau khổ và Ngài đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng đau khổ là một phần của đời sống và giúp tôi đến gần Ngài.

·        Tôi đã hỏi: “Liệu Ngài có yêu tôi không” và Ngài đã trả lời: “Có”. Ngài nói rằng Tình Yêu là bản chất và lẽ sống của Ngài. Chính Đức Giê-su, người Con mà Ngài yêu nhất đã chết để bộc lộ Tình Yêu đó cho tôi.

·        Sau cùng, tôi đã xin Chúa giúp tôi yêu mến tha nhân như Ngài yêu thương tôi và Chúa nói: “Cuối cùng con đã xin đúng điều Chúa mong đợi”.

Hy vọng, tâm tình và nguyện xin nói trên cũng là tâm tư của chúng ta.

Nguyện xin Chúa ban thêm lòng tin để chúng ta luôn kiên tâm cầu nguyện cho đến khi Người đến vẫn còn thấy lòng tin trên trái đất này. Amen!

Tuesday, 4 October 2022

SỐNG LÀ ĐỘI ƠN và ĐỘI ƠN LÀ SỐNG


Bắt đầu bằng một truyện kể. Số là sau biến cố xẩy ra tại Việt Nam vào tháng 4 năm 1975, người dân miền Nam Việt Nam sống trong hoang mang và lo sợ. Tất cả đều mới. Người lãnh đạo, kẻ thừa hành  và dân chúng đã mò mẫm tìm hướng đi. Nhân lực, tài lực và hầu như tất cả mọi nguồn để xây dựng đất nước đã đổ vào chiến tranh hết. Nay, trước tình hình thực tế, các nguồn viện trợ bị cắt giảm. Chính sách và đường lối điều hành thử đi nghiệm lại sao cho phù hợp với tình hình thực tế khiến mọi người đã nghèo, lại nghèo hơn, nhà nhà đều đói. Trong giai đoạn này, những ai gặp khó khăn về tinh thần cũng như vật chất thường hay chạy đến các cơ sở bác ái, tiêu biểu là chùa chiền và nhà thờ, để cầu may. Chúng ta nói cầu may là bởi vì các vị trụ trì tại các nơi đó cũng chưa chắc có đủ phần ăn hơn dân thường.

Vào một buổi chiều, trước cửa phòng khách của một tu viện xuất hiện một cô gái trẻ. Chị đến xin gặp linh mục bề trên. Sau hồi chuông báo, vị linh mục đó bước ra cửa nhà khách, rảo mắt nhìn chung quanh để tìm xem ai là người muốn gặp ngài. Trước mặt ngài là một cô gái. Sau những lời chào hỏi, chị kể lại các việc cha đã giúp chị vào mấy năm trước mà cha không còn nhớ. Nói xong chị gửi lại số tiền mà cha đã cho chị mượn. Với lòng biết ơn, chị nói: “Cảm ơn cha đã tin con. Chính nhờ vào niềm tin của cha đã khởi động niềm tin trong con. Và giờ đây, với lòng biết ơn con xin hoàn trả lại số tiền mà cha đã cho con mượn năm nào. Thật là quí hóa, bởi vì nếu không có sự giúp đỡ của cha, đời con rồi không biết sẽ trôi dạt đến bến bờ nào đây!” Câu chuyện nói trên có thể minh họa cho nội dung của bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe.

Trình thuật Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su chữa lành cho mười người bị bịnh phong cùi, thế mà chỉ có một người bộc lộ lòng biết ơn, quay trở lại và tôn vinh Thiên Chúa, còn chín người kia tiếp tục đi trình diện với các tư tế.

Có một chi tiết mà chúng ta nên ghi nhận ở đây, đó là trong cơn hoạn nạn thì mười người phong cùi có nhau. Họ không bị gốc gác dân tộc, tôn giáo và niềm tin chia cách. Họ có chung một căn bịnh nên gắn bó để bảo vệ và nâng đỡ nhau. Bản sắc chung của những người bị khinh chê, ruồng bỏ đã đẩy họ trở thành những người thân của nhau. Thế mà, sau khi được chữa khỏi, được tự do, họ lập tức bị ngăn cách. Nhưng, chỉ còn một người xứ Sa-ma-ri-a, vẫn còn bị coi là giống dân ngoại, đã trở lại gặp Đức Giê-su, Đấng vừa ban on cho ông được khỏi bịnh.

Đứng trước phản ứng của chín người kia, những ai khó tính sẽ cảm thấy bị tổn thương và đau lòng vì sự vô ơn của họ. Thật ra, họ đâu có làm điều gì sai, họ vẫn vâng lời Chúa, đang trên đường đến gặp các vị tư tế để xin giấy xác nhận trở về với các sinh hoạt thường nhật như mọi người. Tuy nhiên, vì bám vào lề luật như một bảo đảm cho cuộc sống nên họ đã mất đi cơ hội đón nhận sự thay đổi, điều mới mẻ mà Đức Giê-su vừa thực hiện. Tuy họ không sai nhưng cơ hội để được đổi mới đã vuột khỏi tầm tay của họ. Thật đáng tiếc!

Chúng ta thì sao? Vẫn sống và chu toàn mọi khoản luật như là nguồn sức mạnh cứu thoát chúng ta hay sẵn sàng nhận biết ơn Chúa với lòng cảm tạ mà  tôn vinh và thờ lậy Ngài. Không ai trả lời vấn nạn này thay cho chúng ta.

Đối với Thiên Chúa, điều làm cho con người có giá trị là thái độ và cách ứng xử của chúng ta trước lượng ân sủng vô biên của Thiên Chúa đổ trên chúng ta. Chúng ta đã làm gì với các hồng ân cao cả như thế. Thánh Gioan cho biết: “Tự nguồn sung mãn của Chúa, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.” Ngài ban cho mỗi người những ơn họ cần, tùy thuộc vào khả năng đón nhận của từng người, nhưng cùng mục đích là để họ sống tốt đẹp và thánh thiện hơn. Có nhiều ơn rất tự nhiên, tự nhiên đến độ chúng ta quên luôn người đã tạo ra các ơn huệ đó.

Thí dụ không khí và hơi thở. Trong thời gian chống trả với nạn đại dịch Covid vừa qua, khi chứng kiến các bịnh nhân bị nhiễm Covid, hơi thở mệt nhọc vì thiếu dưỡng khí, tôi mới nhớ lại nguồn năng lực này. Nếu không có dưỡng khí, mấy ai trong chúng ta còn sống được. Hàng triệu người đã chết vì Covid, thế mà chúng ta vẫn còn sống. Không là hồng ân được ban tặng thì là điều gì nữa đây, thế mà chúng ta vẫn sống như người vô ơn!

Trong cuộc sống, đã có bao nhiêu dấu chỉ nói lên sự can thiệp và thông ơn của Thiên Chúa. Nếu không có ơn Chúa thì làm sao vợ chồng có thể yêu thương, kính trọng và luôn làm gương sáng cho con cái được? Nếu Chúa không hoạt động thì làm sao ông cha này bà phước kia hay thầy dòng nọ có thể quên ‘cái tôi’ của bản thân mà hết lòng phục vụ dân Chúa? Kể sao cho hết những ơn lành Chúa ban cho như ơn khôn ngoan, sự hiểu biết, cơ hội phục vụ, sức khỏe tráng kiện, đầu óc minh mẫn, con tim trong sáng, đồng cảm để tha thứ cho nhau, và ngay cả các đau khổ cũng là cơ hội để giúp mình nhận ra sự bất toàn và mỏng dòn của thân phận con người mà nương tựa vào Chúa hơn…, tất cả đều là ơn của Chúa. Điều quan trọng là mắt chúng ta có mở rộng đủ để nhận ra ơn Chúa hay là lại nghĩ rằng đó là những gì mình xứng đáng được, và nếu như thế thì hình như chúng ta đã coi Chúa như là người đầy tớ thay vì Đấng ban ơn rồi!

Đứng trước những ơn lành Chúa ban, chúng ta hay dùng các từ như tạ ơn, cảm ơn, ghi ơn, nhớ ơn, biết ơn…, để diễn tả thái độ của chúng ta, nhưng có lẽ một từ mộc mạc và đầy ý nghĩa nhất mà lâu nay chúng ta quên không dùng đó là ĐỘI ƠN: Ơn Chúa nhiều quá, nặng quá, đến độ ta không cầm, không thể mang, không cách nào khoác vào được, mà phải đội trên đầu, diễn tả sự kính trọng đối với Chúa, với ơn Chúa. Đội trên đầu thì phải sấp mình, quì gối xuống mà tôn vinh Đấng ban ơn. Đó chính là mẫu mực và cách hành xử của người Sa-ma-ri-a làm hôm nay.

Bằng cử chỉ trở lại để đội ơn Chúa đã làm cho người Sa-ma-ri-a được chữa lành hoàn toàn, về phần xác anh được khỏi bịnh phung và phần hồn anh được đổi mới để nhận biết Chúa là gia nghiệp và là sức sống của anh. Thật vậy, điều Chúa phán “Đứng dậy về đi! Lòng tin của con đã cứu chữa con” đã ứng nghiệm trong cuộc sống của anh ngay trong giây phút anh gặp Chúa.

Xin cho cuộc sống của chúng con là một chuỗi ngày đội ơn Chúa, Đấng thường xuyên săn sóc, bảo vệ và ban ơn chữa lành cho chúng ta về phần hồn cũng như phần xác. Amen!