Wednesday, 18 January 2023

HẠNH PHÚC ƠI, BẠN Ở ĐÂU?

 

Cuối tuần này, những người tín hữu Việt Nam cùng nhau đón mừng năm mới âm lịch: Xuân Quý Mão. Một năm cũ Nhâm Dần đã qua đi với bao tai ương, thử thách pha trộn với muôn ngàn hồng ân. Chúng ta còn hiện diện bên nhau là hồng ân cao cả nhất mà chúng ta nên trân trọng trong giây phút này. Vì thế, trong niềm hân hoan đón mừng năm mới Quý Mão, chúng ta dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn và niềm phó thác, xin vâng.

Ngoài ra cho dù vui xuân, chúng ta không quên nghĩa vụ của mình. Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ ba, mùa thường niên hôm nay, Mẹ Hội Thánh nhắc nhở con cái mình hãy nhớ đến ơn gọi của chính mình. Chúa đã kêu gọi các môn đệ tham dự vào công cuộc truyền giáo trong sứ mạng của người môn đệ thế nào thì hôm nay khi nghe lời mời gọi của Chúa, chúng ta hãy nhớ đến nhiệm vụ Chúa dành cho chúng ta là những môn đệ được Chúa gọi và chọn. Với nghĩa vụ của người được chọn, việc đầu tiên chúng ta cần làm là buông bỏ con người cũ để được Chúa biến đổi thành người mới, như Lời Chúa phán hôm nay: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”

Hãy sám hối không chỉ để sửa một sai lỗi nào đó mà là thay đối cách sống, đổi mới cách nhìn để đón nhận Nước Trời làm gia nghiệp, sống và tuân phục bản hiến chương mà Đức Giê-su công bố trong các mối phúc thật mà chúng ta được nghe trong giây phút linh thiêng và trang trọng giữa năm cũ và mới, giữa phút giây chuyển tiếp, giao lưu giữa hồng ân của năm cũ và ân huệ trong năm mới này. Giao Thừa là thế!

Và, trong giây phút thánh thiêng đêm nay, còn gì ích lợi hơn bằng việc dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn và các lời nguyện xin bằng niềm phó thác. Hai ý nguyện này tưởng chừng như là hai, nhưng thật ra được nối kết với nhau như một: trong Chúa chúng ta đi tìm một ý lực sống cho năm mới này.

Trước hết, chúng ta không chỉ tạ ơn về những hồng ân mà Thiên Chúa, đấng làm chủ đất trời đã ban cho chúng ta trong năm qua. Nhưng ngay cả những thất bại, những bất hạnh, đắng cay đã xẩy ra trong năm cũ cũng là những cơ hội giúp ta gạn lọc và chọn lựa những gì thích hợp với cuộc sống hơn. Nói tóm lại, khi vui cũng như lúc buồn, khi hạnh phúc cũng như lúc đau khổ đều là những cơ hội để chúng ta tạ ơn, vì tất cả đều là hồng ân!

Sau đó, với tâm tình tạ ơn này chúng ta quên đi những khắc khoải, ưu tư, phiền muộn của năm cũ, để bắt đầu năm mới bằng niềm phó thác cho Chúa Xuân những nguyện ước của chúng ta để cầu xin Thiên Chúa ban phúc lành cho ông bà, cha mẹ, anh em họ hàng và bạn bè thân hữu được tràn đầy hạnh phúc, làm ăn phát tài và nhất là được ơn lắng nghe và làm theo Ý Chúa.

Anh chị em thân mến,

Việc cầu mong cho nhau được hạnh phúc là điều thiện hảo, tốt lành. Đó là lối cư xử của những người con cái của Cha trên trời. Thiên Chúa đã chúc lành cho chúng ta, còn chúng ta không mau mau ra đi mà chúc tuổi nhau. Tuy nhiên, thật đáng buồn vì việc chúc phúc này đôi khi đã được thực hiện như là một thói quen, kiểu xã giao ‘ông cho đi bà cho lại’. Và như thế thì việc chúng ta làm cũng chẳng có gì mới lạ. Miệng thì nói lời chúc phúc nhưng mấy ai trong chúng ta vui với hạnh phúc của người khác! Và chưa vui với niềm vui và hạnh phúc của tha nhân thì nói chi đến việc đem hạnh phúc đến cho họ.

Biết như thế, nên ngay ngày đầu năm, Mẹ Giáo hội, trong bài đọc một đã dâng lên lời cầu: Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em. Được Thiên Chúa chúc phúc là điều tốt, nhưng vẫn chưa đủ. Chúng ta còn được mời gọi để đem lời chúc phúc đó cho tha nhân. Muốn được như thế, chúng ta cần ôn lại bài học về ‘Tám mối phúc thật’ mà Chúa dậy chúng ta trong bài Tin Mừng của Thánh lễ đêm Giao Thừa hàng năm. Đó không chỉ là những huấn lịnh hay lời mời gọi của Chúa Giêsu. Nhưng đó là lối sống mà Chúa muốn chúng ta chọn để sống trong năm nay.

Các mối phúc của Chúa không phải là điều dễ chấp nhận. Thật chuớng tai và thua thiệt. Tôi xin chia sẻ cho anh em vài kinh nghiệm sống đã được thu lượm:

Ai cũng mong giầu có thì Chúa lại phán: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó.” Nghèo khó để biết mình và biết được những gì chúng ta đang có là ân huệ của Chúa. Biết để tập sống giầu bằng cách chia sẻ cho nhau mà ca ngợi Chúa.

Vì không chịu nổi việc cấm cách, bị theo dõi, bắt bớ; nên tôi mới liều chết để sang đây. Thế mà Chúa lại nói: “Phúc cho các con khi bị bắt bớ”. Việc đón nhận niềm hạnh phúc khi bị bắt bớ vì Danh Chúa là một ân huệ thật đặc biệt, không phải ai ai cũng được diễm phúc chết vì đạo đâu. Ngay cả các bậc vị vọng đang sống trong môi trường bị cấm đạo cũng có mấy ai nhận được ơn này.

Ngày hôm nay người ta bắt và cấm đạo một cách tinh vi hơn. Một trong những phương thức có thể đang được áp dụng là ‘vỗ cho béo, nuôi cho rửng mỡ’ để các ngôn sứ ngủ quên trên nhung lụa và quên đi vai trò ngôn sứ. Nói như thế thì thử thách này cũng xuất hiện tại các nước bên trời Tây này!

Sống hiền từ là chấp nhận phần thua về mình. Thoạt đầu chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu vì người ta sẽ lấn tới, nhưng lâu dần chính sự hiền từ đó sẽ làm cho người ta thay đổi thái độ và đem lại hiệu quả lâu bền. Chúa đã hiền từ và tha thứ cho chúng ta thì việc đối xử nhân hậu với nhau cũng là phúc lành của Chúa thôi, có phải là của chúng ta đâu!

Tất cả những mối phúc trong ‘Tám mối phúc thật’ là những gì Chúa đã sống. Chúa Giêsu, không trình bầy một lý thuyết về hạnh phúc, mà muốn chia sẻ cho chúng ta chính kinh nghiệm sống của Ngài. Nói chung, tám mối phúc thật xét theo nội dung cũng chỉ là mối phúc duy nhất: Phúc cho ai có lối sống như Chúa Giêsu.

Trong tâm tình đó, Mẹ Hội Thánh ưu tư và ước muốn cho con cái mình được hạnh phúc. Và hạnh phúc đích thật chỉ có thể có được khi chúng ta biết rập khuân theo lối sống của Chúa, theo các tiêu chuẩn của Nước Trời. Vì thế, trong Chúa chúng ta đến với nhau, để mỗi giây mỗi phút chúng ta là nguồn hạnh phúc cho nhau. Để rồi, cho dù mùa xuân của trời đất có qua đi nhưng mùa xuân trong lòng anh chị em vẫn triển nở không ngừng. 

Sau cùng, nhân dịp Xuân về, thay cho lời chúc tuổi, chúng tôi trân trọng gửi đến anh chị em lời nguyện mà tôi không còn nhớ xuất xứ ở đâu nữa. Việc quên xuất xứ này không đáng khích lệ; nhưng tôi hy vọng rằng lời nguyện của tác giả vô danh này sẽ biến đổi chúng ta. Vì thế, chúng ta cùng dâng lên Chúa các lời nguyện này:

“Lậy Chúa, đã bao năm con nài xin sức khoẻ, để con có sức mà làm những việc vĩ đại và hoành tráng; Ngài lại cho đau yếu, để con biết mình yếu đuối.

Con cầu khấn giàu có, để con hạnh phúc; Ngài lại ban nghèo khó, để con khôn ngoan chọn lựa sự giầu có của Thiên Chúa.

Con cầu xin thế lực, để được người đời tôn vinh; Ngài lại cho yếu hèn, để con biết cậy nhờ Chúa.

Con van nài mọi sự, để con sống hưởng thụ; Ngài lại cho sự sống, để con vui hưởng mọi sự.

Con chẳng được ban những điều con nài xin; nhưng lại được tất cả những gì con đang mong chờ.

Và bất kể đời con ra sao; những ước nguyện thầm kín của con Ngài vẫn ban.

Như vậy, con đã được chúc phúc và đời sống con thật phong phú giữa muôn người.”

 

Chúng con xin dâng lời tạ ơn vì Thiên Chúa hằng quan tâm đến chúng con, ngay cả trước khi chúng con khấn xin.

Nguyện xin Thiên Chúa thánh hóa, gìn giữ bản thân chúng ta được vẹn toàn và không có gì đáng trách trong mọi ngày của cuộc sống, nhất là trong năm mới này. Amen!

 

Wednesday, 11 January 2023

CHỨNG THẬT HAY CHỨNG GIAN!


Ngày nay, song song với các phát minh trong các lãnh vực khoa học thì môn công nghệ thông tin có những tiến bộ vượt bực. Mọi tin tức được phát sóng và truyền đi mau hơn khiến chúng ta có ý nghĩ là thế giới bị thu gọn lại. Việc xẩy ra ở tận phương trời nào cũng được tường trình như là các sự kiện xẩy ra trước mắt mình. Đó là công việc của các phóng viên và ký giả mà chúng ta gọi họ là những ‘nhân chứng sống – eyewitness.’ Tuy nhiên, cũng bởi tài năng mà các nhà chuyên môn có thể ‘chỉnh - sửa’ và cho chúng ta nhìn và nghe những gì họ muốn. Nói chung, con người vẫn dành phần kiểm soát thông tin được truyền đi vì lợi ích của mình.

Trong sinh hoạt nhà đạo, môn công nghệ thông tin này cũng được tận dụng. Các nhà giảng thuyết nổi tiếng có tài hùng biện, lập luận vững chắc để thuyết phục người nghe, thêm vào đó là sự hiện diện của các nhân chứng để củng cố cho nội dung các lời giảng dậy của họ. Tuy nhiên, cách xử dụng nhân chúng cũng gây ra nhiều tranh luận. Có những người được dùng làm nhân chứng cò mồi! Trong khi đó chúng ta biêt rằng người làm nhân chứng phải là người giảng thuyết thì chứng từ của họ mới mang tính chân thật và có hiệu quả lâu dài. Chúng ta đừng bao giờ dùng Lời Chúa hay giải thích giáo huấn của Hội Thánh để hỗ trợ cho lập luận và ý tưởng của mình.

Anh chị em than mến,

Bài Phúc Âm hôm nay ghi lại cuộc đối thoại giữa các vị tư tế và các thầy thông luật. Họ đến chất vấn về nguồn gốc và việc làm của Gio-an. Họ hỏi ông có phải là Đức Ki-tô, ngôn sứ Ê-li-a hay một ngôn sứ nào đó hay không? Trước khi nghe câu trả lời của Gio-an, chúng ta hãy dành đôi phút tìm hiểu về nguồn gốc, vị thế và danh tiếng của Gio-an.

Dựa trên các bản văn đã ghi lại trong các sách Tin Mừng, chúng ta được biết Gio-an xuất thân từ một gia đình vọng tộc và danh giá. Ông Da-ca-ri-a, cha của Gio-an thuộc dòng tộc tư tế A-a-ron. Nhưng Gio-an có đuợc dậy dỗ và lớn lên trong khung cảnh của đền thờ hay không thì không ai hay biết. Chúng ta chỉ biết rằng Gio-an càng lớn càng thêm mạnh mẽ. Và, ngay từ thủa ấu thơ, Gio-an đã sống trong hoang địa cho đến ngày ông ra mắt toàn dân Ít-ra-en.

Tại hoang địa, Gio-an đã có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa. Và chính trong hoang địa mà Gio-an đã khám phá ra ơn gọi, sứ mạng mà Thiên Chúa muốn ông thi hành. Qua Gio-an chúng ta nhận thấy bài học của Chúa, có nghĩa là chỉ có những lúc chúng ta đối diện với sự thật của đời mình, trút bỏ hoàn toàn các mặt nạ, trút bỏ kiêu ngạo, lo lắng, phân tán đi vào cõi sa mạc của chính mình để lắng nghe Lời Chúa thì chúng ta mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa, có cơ hội khám phá ra Thánh Ý của Ngài, như trường hợp của Gio-an Tẩy Giả.

Trước khi kêu gọi dân chúng dọn sẵn con đường cho Chúa đến, sửa lối cho thẳng để Người đi thế nào thì bản thân Gio-an cần có cảm nghiệm về việc chuẩn bị, thống hối và dọn đuờng cho Chúa nơi chính mình trước. Như thế, chúng ta nhận ra rằng: thời gian sống trong hoang địa thật quan trọng đối với sứ vụ và sứ điệp của ông. Đây là một hành trình cần phải có để ông chuẩn bị hoàn thành tốt sứ vụ làm người tiền hô, đi trước để dọn đường cho sự xuất hiện của Đức Ki-tô, Đấng sẽ đến để cứu chuộc dân Người.

Ngay tại bờ sông Gio-đan, Thánh nhân đã được nhiều người biết đến. Lối sống và lời rao giảng của Gio-an thu đã hút họ, và người ta đã lầm tưởng và coi ông như Đấng Thiên Sai, nhưng Gio-an chỉ nghĩ đến sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao ban cho là giới thiệu về Đức Giêsu cho nhân loại.

Vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Gio-an đã vô cùng can đảm khi nhìn nhận sự thật và công khai trả lời cho những người đến chất vấn ông biết rằng, ông không phải là Đức Ki-tô, cũng không phải là Ê-li-a hay một vị ngôn sứ nào đó. Ông chỉ là người dọn đường, tiếng hô trong hoang địa.

Ông đã không tự làm chứng về mình. Chứng từ của ông qui về Đức Giê-su. Lời chứng này nói lên điều Gio-an đã thấy. Cái thấy của ông hôm nay là hồng ân được ban tặng từ Chúa Cha, và soi sáng bởi Chúa Thánh Linh, nên Gio-an đã nói “Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” (Gio-an 1:33-34)

Trước đó, Gio-an đã làm chứng và giới thiệu Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian. Khi nghe đến các tước hiệu hay danh xưng này, chúng ta nghĩ và hiểu ngay căn tính của con người mà Gio-an muốn giới thiệu. Đó chính là Đức Giê-su, Con Chiên vẹn toàn đã hy sinh cuộc sống của Người để cứu độ và ban cho chúng ta ơn tha tội. Nhưng những người cùng thời với Đức Giê-su, ngay cả Gio-an vẫn còn mù mờ về chân tướng của Đức Giê-su.

Thật vậy, khi ở trong tù, các môn đệ của Gio-an đã báo cho ông biết về những việc mà Đức Giê-su đã làm khiến ông phải sai họ đến hỏi Chúa rằng: Thầy có phải là Đấng mà chúng tôi đang mong đợi hay chúng tôi còn phải chờ Đấng khác. Có lẽ trong hoàn cảnh đang bị tù đầy như thế, Gio-an đã nghĩ rằng nếu Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a, người được Thiên Chúa tuyển chọn thì Chúa phải vào để cứu ông ra khỏi tù và kết tội vua Herode về tội lỗi mà nhà vua đã phạm. Trái lại, Đức Giê-su dường như không chỉ im lặng trước bạo quyền, không binh vực ông mà còn làm bạn với những người tội lỗi nữa.

Đức Giê-su đã không trả lời trực tiếp câu hỏi của Gio-an, Người nhẹ nhàng nói cho các môn đệ của Gio-an làm nhân chứng về các điều mà họ đã thấy và đã nghe, đó chính là người mù được sáng mắt và nhìn thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết được sống lại và những người nghèo được nghe Tin Mừng. Sau đó, Đức Giê-su còn nhắc khéo cho Gio-an biết rằng ông thật là có phúc, nếu không bị vấp ngã vì các công việc mà Đức Giê-su đã làm. Ở đây, Đức Giê-su muốn nói với Gio-an rằng: qua lời tường trình về các công việc Đức Giê-su đã làm mà các ngôn sứ đã loan báo thì ông có tin Người là Đấng Thiên Sai hay không?

Chúng ta không hề hay biết Gio-an có đón nhận lời chúc phúc của Đức Giê-su hay không? Qua cách nói gián tiếp để ca tụng lối sống chứng nhân của Gio-an, chúng ta thấy được Đức Chúa đã coi trọng Gioan đến dường nào! Ông đuợc ví như cây sậy tuy phất phơ và ngả nghiêng trước gió, nhưng đã không bị lôi cuốn và gục ngã trước quyền lực. Gio-an tôn trọng sự thật nên đã không vì hư danh mà đánh lừa dân chúng. Ngài can đảm làm chứng về sự thật. Và vì sự thật mà Ngài phải giữ đứng vị trí của mình, là tiền hô, người dọn đường cho Đức Chúa. Và đã là người dọn đường thì Gio-an phải biết đứng bên lề đường, nhường lối đi cho người được Thiên Chúa tuyển chọn bước vào. Đó là sự thật mà không mấy ai trong chúng ta đủ can đảm đón nhận.

Thật vậy, lối cư xử của Gio-an hoàn toàn ngược lại với lối sống của một số người trong chúng ta hôm nay. Chúng ta muốn thể hiện chính mình, muốn được tuyên dương công trạng, thích phô trương thành tích, muốn được triệu người ‘like’. Vì thế, chúng ta phải sống ảo. Thật và giả lẫn lộn cho đến một ngày mình cũng không còn biết mình là ai nữa! Sự thật dần dần biến mất để nhường chỗ cho giả dối. Sống giả mà được nhiều người ‘like’ thì vẫn thích hơn là sống thật mà bị ghét là quan niệm sống và giao tiếp của nhiều người hôm nay. Đứng trước các hiện tượng xem ra có vẻ bi quan như thế, chúng ta nên ngồi lại mà chỉnh sửa sao cho đúng với căn tính của người tín hữu.

Gương chứng nhân và chứng từ của Gio-an trong bài Tin Mừng hôm nay là lời mời gọi mà Chúa muốn nhắc nhở chúng ta. Chúng ta xác tín rằng tín hữu không chỉ là một tước hiệu, nhưng đó là đặc ân của Thiên Chúa dành cho những người được Thiên Chúa tuyển chọn. Tín hữu là những người bước theo chân Đức Ki-tô để thực hiện và chia sẻ nhiệm vụ của ‘Chiên Thiên Chúa’, sẵn sàng gánh và hứng chịu những khổ đau của tha nhân.

Như Gio-an, chúng ta tôn trọng sự thật, không sống vì hư danh, không làm để khoe khoang mà sẽ làm mọi sự để thể hiện tình yêu và gương hy sinh của Đức Giê-su trong bổn phận của một nhân chứng, có nghĩa là làm chứng về tình yêu của Chúa qua lối sống hy sinh cho nhau, giống như Đức Giê-su vậy. Amen!

Wednesday, 4 January 2023

HAI CUỘC TÌM KIẾM, AI TÌM AI?


Anh chị em thân mến,

Trình thuật Tin Mừng trong ngày Lễ Chúa Hiển Linh hôm nay mô tả hai cuộc tìm kiếm:

Trước tiên là con đường tìm kiếm Chúa của các nhà chiêm tinh. Họ chuyên nghiên cứu thiên văn và nhìn ngắm sao trời để đoán ra vận mạng con người, cách riêng một số người nổi tiếng. Vào một đêm kia, trong khi nhìn trời ngắm sao, họ bỗng nhận ra có một vì sao lạ xuất hiện bên phương Đông. Ngôi sao này rực chiếu hào quang, tỏa chiếu ánh sáng hơn các vì sao mà họ đã từng ngắm. Theo kinh nghiệm và dựa vào khả năng chuyên môn. Họ biết đây là vì sao chiếu mệnh của một vĩ nhân vừa được sinh ra cho thế giới này. Lập tức, các nhà chiêm tinh tuy ở các nơi khác nhau, họ cũng không có phương tiện truyền thông như điện thoại hay hệ thống mạng để báo cho nhau biết khám phá này. Họ không ai bảo ai, lập tức lên đường tìm kiếm.

Hành trình tìm kiếm của họ không dễ dàng. Dù có ngôi sao dẫn đuờng, nhưng ngôi sao lúc ẩn lúc hiện. Cũng có lúc các ông bị mất dấu; không phải do các ông đi lạc; nhưng ngôi sao không xuất hiện thì biết lối nào để đi. Trong hoàn cảnh đó, họ không hề thất vọng, tiếp tục tìm kiếm bằng cách đến hỏi vua Hê-rô-đê về vị quân vương mới được sinh ra ở nơi nào? Nghe tin ấy, Hê-rô-đê một mặt tìm kiếm mặt khác tìm cách thủ tiêu người có thể tranh quyền đoạt vị với ông ta sau này? Vua hỏi các thượng tế và kinh sư để tìm câu trả lời và báo cho ba nhà chiêm tinh biết về nơi chốn đấng chăn dắt dân của Thiên Chúa sẽ ra đời.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó biết Chúa theo kinh điển mà không hề cất bước đi tìm nên cái biết của họ đã chẳng giúp gì cho họ. Vua Hê-rô-đê cũng biết; nhưng điều mà vua biết không đem vua lại gần Chúa; trái lại cái biết đó lại là nguyên nhân đem đến cho vua nỗi lo sợ. Phát sinh từ nỗi sợ hãi hoang tưởng, sợ mất quyền hành, ông ta đã giết hết những ai là mầm mống đe doạ sẽ lật đổ ngai vàng của ông.

Sau cùng, ngôi sao lại xuất hiện dẫn các nhà chiêm tinh đi đến nơi mà họ muốn đến. Thấy hài nhi được quấn tã nằm trong máng cỏ. Họ đã sụp lậy và dâng tặng những bảo vật quí giá nhất rồi sợ vua Hê-rô-đê giết, họ đã theo đường khác mà về nhà. Thật tiếc cho họ vì họ đã hoàn tất một cuộc hành trình, đã vất vả tìm kiếm, đã đi đến đích nhưng cuối cùng lại trở về nơi xưa chốn cũ. Họ vẫn chỉ là những nhà chiêm tinh. Họ chưa phải là môn đệ của Chúa!

Thật ra, hành trình tìm kiếm của các nhà chiêm tinh tuy đáng quí trọng, nhưng đây không phải là mối bận tâm của Thánh Sử. Điều mà Thánh sử muốn nhấn mạnh là sự xuất hiện của Đức Giê-su trong chương trình yêu thương và tìm kiếm con người trở về nẻo chính đường ngay của Thiên Chúa. Chương trình này đã được khởi sự ngay sau khi con người sa ngã. Người tìm đủ mọi cách để tỏ bầy tình yêu và lòng thương xót để mời gọi con người trở về. Và hôm nay, sau khi Giáng trần, Thiên Chúa muốn tỏ bầy cho nhân loại biết về chân tướng của hài nhi. Do đó, việc Chúa hiển linh là một sáng kiến phát sinh từ kho tàng ân huệ của Thiên Chúa. Ngôi sao cũng là một cách thức để dẫn đưa ba nhà chiêm tinh; thậm chí, Chúa có thể dùng cả những kẻ gian ác như Vua Hê-rô-đê như là cách thức soi sáng, cung cấp thông tin giúp họ khỏi lạc hướng. Như vậy, Thiên Chúa luôn tìm kiếm bằng cách soi sáng cho những ai tha thiết tìm ơn cứu độ, dù đôi khi họ cảm thấy ánh sáng lúc ẩn lúc hiện, đường đi không rõ và tương lai lại mịt mù.

Việc hiển linh đã trở nên trọn vẹn khi Đức Giê-su đã cho đi tận cùng cuộc sống của mình. Chính việc cho đi và tự hiến sau cùng của Người lại là cuộc tỏ mình huy hoàng nhất về chân tuớng đích thật của Người qua biến cố Phục Sinh. Vào ngày đó, Đức Giêsu bộc lộ trọn vẹn thần tính của Thiên Chúa nơi Người. Và chính nhờ ơn Phục Sinh mà chúng ta nhận ra thần tính của Đức Chúa. Các môn đệ là nhân chứng về cuộc Hiển Linh Phục Sinh. Niềm tin của chúng ta hôm nay cũng dựa vào lời chứng của các tín hữu tiên khởi; đó chính là: Thiên Chúa đã tỏ mình trong thân phận con người của Đức Giêsu, Người đã ở giữa chúng tôi và chúng tôi đã thấy vinh quang của Người từ Chúa Cha mà đến.

Anh chị em thân mến,

Như vậy với trình thuật Hiển Linh, Thiên Chúa tỏ mình cho mọi người biết rằng: với Chúa không ai là người ngoài cuộc, tất cả đều được mời gọi đón nhận ơn cứu độ. Ai ai cũng đựợc diễm phúc làm con của Ngài. Ai ai cũng đuợc mời gọi sống để tỏ bầy sự hiện diện của Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã làm người, đã tỏ chân tướng đích thật của Ngài cho chúng ta nhận biết. Nhưng chúng ta đã làm gì để việc hiển linh của Thiên Chúa trở thành lời chứng sống động trong cuộc sống mình? Cũng có lúc chúng ta cảm thấy Chúa quá gần gũi, sát bên mình và thúc giục chúng ta ra đi để thực hiện các việc cả thể. Với ý ngay lành chúng ta tuởng như là Chúa rất cần chúng ta để làm các việc phi thường… Nhưng rồi sứ mạng đâu dễ dàng, trải qua những giây phút chán nản và thất vọng khiến chúng ta muốn bỏ cuộc. Nhưng có một điều khiến ta ngạc nhiên và ngạc nhiên luôn mãi là Thiên Chúa không chán, không thất vọng về ta. Ngài dùng đủ mọi cách thức để bộc lộ và hướng dẫn chúng ta: Từ ngôi sao lúc ẩn lúc hiện, đến người không tin như Hê-rô-đê và các bậc vị vọng am tường đạo Chúa. Thiên Chúa vẫn dùng họ, không chừa một ai, để hỗ trợ, động viên, nhắn gửi cho ta một sứ điệp là ta vẫn đáng tin, đừng chán nản, hãy tiếp tục lên đuờng, căng buồm xuôi gió ra khơi.

Sáng kiến là của Thiên Chúa. Ngài đã đến ngay tại nhà, trong hoàn cảnh riêng của mỗi người. Như các nhà chiêm tinh, chúng ta hãy lên đuờng. Con đuờng làm chứng về việc tỏ mình, hiển linh của Thiên Chúa không nằm xa và ở ngoài khả năng của chúng ta. Nó nằm ngay ở bản thân, trong gia đình, giữa vợ chồng và con cái, giữa kẻ tin và người không tin, giữa những ai đủ can đảm để cho chất ‘người’ lớn hơn và bóp nghẹt chất con (vật) của mình. Để thể hiện lòng quyết tâm này, chúng ta hãy:

-          Trao cho nhau nụ cuời, các câu nói cảm thông hơn là trách móc, ghen tỵ và oán than nhau.

-          Đến với nhau bằng con tim mở rộng để khoan hồng và dung thứ cho những thiếu sót và bất toàn của nhau.

-          Mở rộng đôi tay để đón tiếp hơn là loại bỏ, hất hủi và xua đuổi nhau.

Nói chung, chúng ta làm cho Chúa được hiển linh bằng cách tìm kiếm và thực thi Lời Chúa – lời yêu thương, nâng đỡ, hỗ trợ và khích lệ nhau, hơn là chỉ biết ngồi đó mà kêu nài Lậy Chúa và Lậy Chúa xuông thôi đâu.

Đó là một số đề nghị rất đơn sơ mà ai trong chúng ta cũng có thể thực hiện. Tất cả đều là cơ hội để vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện qua lối sống chứng nhân, tuy tầm thường nhưng lại chứa đựng quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa nơi mình. Cầu xin được như thế. Amen!