Wednesday, 11 January 2023

CHỨNG THẬT HAY CHỨNG GIAN!


Ngày nay, song song với các phát minh trong các lãnh vực khoa học thì môn công nghệ thông tin có những tiến bộ vượt bực. Mọi tin tức được phát sóng và truyền đi mau hơn khiến chúng ta có ý nghĩ là thế giới bị thu gọn lại. Việc xẩy ra ở tận phương trời nào cũng được tường trình như là các sự kiện xẩy ra trước mắt mình. Đó là công việc của các phóng viên và ký giả mà chúng ta gọi họ là những ‘nhân chứng sống – eyewitness.’ Tuy nhiên, cũng bởi tài năng mà các nhà chuyên môn có thể ‘chỉnh - sửa’ và cho chúng ta nhìn và nghe những gì họ muốn. Nói chung, con người vẫn dành phần kiểm soát thông tin được truyền đi vì lợi ích của mình.

Trong sinh hoạt nhà đạo, môn công nghệ thông tin này cũng được tận dụng. Các nhà giảng thuyết nổi tiếng có tài hùng biện, lập luận vững chắc để thuyết phục người nghe, thêm vào đó là sự hiện diện của các nhân chứng để củng cố cho nội dung các lời giảng dậy của họ. Tuy nhiên, cách xử dụng nhân chúng cũng gây ra nhiều tranh luận. Có những người được dùng làm nhân chứng cò mồi! Trong khi đó chúng ta biêt rằng người làm nhân chứng phải là người giảng thuyết thì chứng từ của họ mới mang tính chân thật và có hiệu quả lâu dài. Chúng ta đừng bao giờ dùng Lời Chúa hay giải thích giáo huấn của Hội Thánh để hỗ trợ cho lập luận và ý tưởng của mình.

Anh chị em than mến,

Bài Phúc Âm hôm nay ghi lại cuộc đối thoại giữa các vị tư tế và các thầy thông luật. Họ đến chất vấn về nguồn gốc và việc làm của Gio-an. Họ hỏi ông có phải là Đức Ki-tô, ngôn sứ Ê-li-a hay một ngôn sứ nào đó hay không? Trước khi nghe câu trả lời của Gio-an, chúng ta hãy dành đôi phút tìm hiểu về nguồn gốc, vị thế và danh tiếng của Gio-an.

Dựa trên các bản văn đã ghi lại trong các sách Tin Mừng, chúng ta được biết Gio-an xuất thân từ một gia đình vọng tộc và danh giá. Ông Da-ca-ri-a, cha của Gio-an thuộc dòng tộc tư tế A-a-ron. Nhưng Gio-an có đuợc dậy dỗ và lớn lên trong khung cảnh của đền thờ hay không thì không ai hay biết. Chúng ta chỉ biết rằng Gio-an càng lớn càng thêm mạnh mẽ. Và, ngay từ thủa ấu thơ, Gio-an đã sống trong hoang địa cho đến ngày ông ra mắt toàn dân Ít-ra-en.

Tại hoang địa, Gio-an đã có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa. Và chính trong hoang địa mà Gio-an đã khám phá ra ơn gọi, sứ mạng mà Thiên Chúa muốn ông thi hành. Qua Gio-an chúng ta nhận thấy bài học của Chúa, có nghĩa là chỉ có những lúc chúng ta đối diện với sự thật của đời mình, trút bỏ hoàn toàn các mặt nạ, trút bỏ kiêu ngạo, lo lắng, phân tán đi vào cõi sa mạc của chính mình để lắng nghe Lời Chúa thì chúng ta mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa, có cơ hội khám phá ra Thánh Ý của Ngài, như trường hợp của Gio-an Tẩy Giả.

Trước khi kêu gọi dân chúng dọn sẵn con đường cho Chúa đến, sửa lối cho thẳng để Người đi thế nào thì bản thân Gio-an cần có cảm nghiệm về việc chuẩn bị, thống hối và dọn đuờng cho Chúa nơi chính mình trước. Như thế, chúng ta nhận ra rằng: thời gian sống trong hoang địa thật quan trọng đối với sứ vụ và sứ điệp của ông. Đây là một hành trình cần phải có để ông chuẩn bị hoàn thành tốt sứ vụ làm người tiền hô, đi trước để dọn đường cho sự xuất hiện của Đức Ki-tô, Đấng sẽ đến để cứu chuộc dân Người.

Ngay tại bờ sông Gio-đan, Thánh nhân đã được nhiều người biết đến. Lối sống và lời rao giảng của Gio-an thu đã hút họ, và người ta đã lầm tưởng và coi ông như Đấng Thiên Sai, nhưng Gio-an chỉ nghĩ đến sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao ban cho là giới thiệu về Đức Giêsu cho nhân loại.

Vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Gio-an đã vô cùng can đảm khi nhìn nhận sự thật và công khai trả lời cho những người đến chất vấn ông biết rằng, ông không phải là Đức Ki-tô, cũng không phải là Ê-li-a hay một vị ngôn sứ nào đó. Ông chỉ là người dọn đường, tiếng hô trong hoang địa.

Ông đã không tự làm chứng về mình. Chứng từ của ông qui về Đức Giê-su. Lời chứng này nói lên điều Gio-an đã thấy. Cái thấy của ông hôm nay là hồng ân được ban tặng từ Chúa Cha, và soi sáng bởi Chúa Thánh Linh, nên Gio-an đã nói “Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” (Gio-an 1:33-34)

Trước đó, Gio-an đã làm chứng và giới thiệu Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian. Khi nghe đến các tước hiệu hay danh xưng này, chúng ta nghĩ và hiểu ngay căn tính của con người mà Gio-an muốn giới thiệu. Đó chính là Đức Giê-su, Con Chiên vẹn toàn đã hy sinh cuộc sống của Người để cứu độ và ban cho chúng ta ơn tha tội. Nhưng những người cùng thời với Đức Giê-su, ngay cả Gio-an vẫn còn mù mờ về chân tướng của Đức Giê-su.

Thật vậy, khi ở trong tù, các môn đệ của Gio-an đã báo cho ông biết về những việc mà Đức Giê-su đã làm khiến ông phải sai họ đến hỏi Chúa rằng: Thầy có phải là Đấng mà chúng tôi đang mong đợi hay chúng tôi còn phải chờ Đấng khác. Có lẽ trong hoàn cảnh đang bị tù đầy như thế, Gio-an đã nghĩ rằng nếu Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a, người được Thiên Chúa tuyển chọn thì Chúa phải vào để cứu ông ra khỏi tù và kết tội vua Herode về tội lỗi mà nhà vua đã phạm. Trái lại, Đức Giê-su dường như không chỉ im lặng trước bạo quyền, không binh vực ông mà còn làm bạn với những người tội lỗi nữa.

Đức Giê-su đã không trả lời trực tiếp câu hỏi của Gio-an, Người nhẹ nhàng nói cho các môn đệ của Gio-an làm nhân chứng về các điều mà họ đã thấy và đã nghe, đó chính là người mù được sáng mắt và nhìn thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết được sống lại và những người nghèo được nghe Tin Mừng. Sau đó, Đức Giê-su còn nhắc khéo cho Gio-an biết rằng ông thật là có phúc, nếu không bị vấp ngã vì các công việc mà Đức Giê-su đã làm. Ở đây, Đức Giê-su muốn nói với Gio-an rằng: qua lời tường trình về các công việc Đức Giê-su đã làm mà các ngôn sứ đã loan báo thì ông có tin Người là Đấng Thiên Sai hay không?

Chúng ta không hề hay biết Gio-an có đón nhận lời chúc phúc của Đức Giê-su hay không? Qua cách nói gián tiếp để ca tụng lối sống chứng nhân của Gio-an, chúng ta thấy được Đức Chúa đã coi trọng Gioan đến dường nào! Ông đuợc ví như cây sậy tuy phất phơ và ngả nghiêng trước gió, nhưng đã không bị lôi cuốn và gục ngã trước quyền lực. Gio-an tôn trọng sự thật nên đã không vì hư danh mà đánh lừa dân chúng. Ngài can đảm làm chứng về sự thật. Và vì sự thật mà Ngài phải giữ đứng vị trí của mình, là tiền hô, người dọn đường cho Đức Chúa. Và đã là người dọn đường thì Gio-an phải biết đứng bên lề đường, nhường lối đi cho người được Thiên Chúa tuyển chọn bước vào. Đó là sự thật mà không mấy ai trong chúng ta đủ can đảm đón nhận.

Thật vậy, lối cư xử của Gio-an hoàn toàn ngược lại với lối sống của một số người trong chúng ta hôm nay. Chúng ta muốn thể hiện chính mình, muốn được tuyên dương công trạng, thích phô trương thành tích, muốn được triệu người ‘like’. Vì thế, chúng ta phải sống ảo. Thật và giả lẫn lộn cho đến một ngày mình cũng không còn biết mình là ai nữa! Sự thật dần dần biến mất để nhường chỗ cho giả dối. Sống giả mà được nhiều người ‘like’ thì vẫn thích hơn là sống thật mà bị ghét là quan niệm sống và giao tiếp của nhiều người hôm nay. Đứng trước các hiện tượng xem ra có vẻ bi quan như thế, chúng ta nên ngồi lại mà chỉnh sửa sao cho đúng với căn tính của người tín hữu.

Gương chứng nhân và chứng từ của Gio-an trong bài Tin Mừng hôm nay là lời mời gọi mà Chúa muốn nhắc nhở chúng ta. Chúng ta xác tín rằng tín hữu không chỉ là một tước hiệu, nhưng đó là đặc ân của Thiên Chúa dành cho những người được Thiên Chúa tuyển chọn. Tín hữu là những người bước theo chân Đức Ki-tô để thực hiện và chia sẻ nhiệm vụ của ‘Chiên Thiên Chúa’, sẵn sàng gánh và hứng chịu những khổ đau của tha nhân.

Như Gio-an, chúng ta tôn trọng sự thật, không sống vì hư danh, không làm để khoe khoang mà sẽ làm mọi sự để thể hiện tình yêu và gương hy sinh của Đức Giê-su trong bổn phận của một nhân chứng, có nghĩa là làm chứng về tình yêu của Chúa qua lối sống hy sinh cho nhau, giống như Đức Giê-su vậy. Amen!

No comments:

Post a Comment