Wednesday, 28 June 2023

YÊU CHÚA TRÊN HẾT

 


Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin Mừng tuần trước, Đức Giê-su đã khuyên các môn đệ đừng sợ, nhưng hãy can đảm thi hành sứ mạng truyền giáo, cho dù phải hy sinh mạng sống thì cũng đừng lo, bởi vì cuộc sống của người môn đệ chân chính là của Chúa và thuộc về Chúa.

Tin mừng hôm nay là phần kết luận bài giảng truyền giáo của Đức Giê-su. Trong đó, Người đưa ra các tiêu chuẩn mà người môn đệ của Nước Trời cần phải có. Qua Bí Tích Thánh Tẩy chúng ta đã trở thành tín hữu của Chúa và là thành viên của Hội Thánh. Vì thế, việc rao giảng Nước Thiên Chúa là bổn phận. Tuy là như thế, nhưng không phải người tín hữu nào cũng là môn đệ chân chính của Đức Giê-su cả đâu! Có sự khác biệt giữa người môn đệ chân chính và người chỉ khoác trên mình bảng hiệu Ki-tô hữu.

Căn cứ vào những gì mà Đức Giê-su dậy bảo hôm nay, chúng ta nhận thấy điều kiện để trở thành môn đệ của Chúa không lệ thuộc vào các việc như: tuân giữ các giới răn, siêng năng cầu nguyện, lĩnh nhận các Bí Tích, hăng say tham gia công tác trong xứ đạo và những việc đạo đức khác nữa. Vẫn biết rằng, tất cả các điều kể trên là bổn phận của người tín hữu, và chúng ta thật có lỗi nếu không thực hiện các điều này. Nhưng các tiêu chuẩn mà Chúa dành cho các môn đệ hôm nay đòi hỏi chúng ta cần có một chọn lựa, thứ chọn lựa đòi hỏi sự hy sinh. Đây không phải là điều dễ dàng. Bởi vì, yêu sách của Đức Giê-su đưa ra hôm nay rất quyết liệt, khó thực hiện, đòi hỏi người môn đệ phải có thái độ sẵn sàng để dứt bỏ.

Chúng ta cùng nhau nghe lại điều Chúa phán: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.” (Mt 10: 37) Tình Yêu Chúa của người môn đệ phải vượt lên trên tất cả mọi thứ tình yêu khác. Đức Giê-su đã nói thêm rằng chúng ta phải yêu Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn và hết sức mình. Nói chung, yêu Chúa trên hết mọi sự. Yêu Chúa như Chúa yêu. Yêu Chúa rồi làm như Chúa đã dậy trong Bữa Tiệc Ly. Người cầm bánh, dâng lời chúc tụng rồi bẻ ra và trao cho các môn đệ rồi phán “Này là Mình Thầy.” Tình yêu của Đức Giê-su là của lễ hiến dâng lên Cha, rồi trao ban cho các môn đệ. Tất cả cử chỉ của Chúa như hiến dâng, bẻ ra, trao ban đều là các tiêu chuẩn mà các môn đệ của Chúa phải áp dụng.

Chúng ta cũng nhận ra trong các mối quan hệ của con người, tuy hiếm nhưng cũng có vài trường hợp đặc biệt, họ sẵn sàng hy sinh cho nhau. Nhưng động lực để họ hy sinh cho nhau xuất phát từ mối tình của họ đối với Chúa trước, Cho nên, để yêu Chúa hơn tất cả là lúc chúng ta chọn lựa Chúa là người quan trọng nhất, không có Chúa trong cuộc đời thì mọi sự và mọi việc chúng ta làm chẳng có giá trị gì.

Thưa anh chị em,

Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta cũng hồi tâm để kiểm tra xem chúng ta yêu Chúa đến độ nào, có yêu Chúa trên hết mọi sự không? Bởi vì, chỉ có can đảm nhìn nhận, chúng ta mới biết mình là ai? Có phải là môn đệ chân chính của Chúa hay là cứ mãi sống dưới nhãn hiệu của người tín hữu, và các điều cần làm để vui lòng Chúa thì lại bỏ quên.

Để xứng đáng là môn đệ của Chúa, chúng ta phải cố gắng thay đổi nơi chúng ta đang sống thành nơi mà mọi người cùng được nuôi dưỡng và lớn lên trong Tình Yêu Chúa. Và như thế thì mọi mối tương quan mà chúng ta đang xây dựng như vợ chồng, con cái, bạn bè, thân hữu, v.v… đều được đặt trên nền tảng và cùng qui hướng về Tình Yêu Chúa.

Do đó, chúng ta phải nhìn nhận rằng nếu tình yêu của chúng ta dành cho Chúa không quan trọng và chưa lớn hơn tất cả thứ tình yêu khác thì chúng ta làm sao có thể dâng hiến đời mình cho Chúa trong tất cả, đặt Người lên trên mọi sự như thời gian, công sức, tài năng và tiền của cho Người được?

Làm sao chúng ta có thể nói rằng tôi yêu Chúa hơn mọi sự, trên tất cả mọi thứ mà lại không có thời gian để tâm sự với Người. Hơn thế nữa, thời giờ là của Chúa ban cho!

Dựa vào kinh nghiệm trong cuộc sống, khi yêu nhau là muốn ở bên nhau. Có nhiều đôi bạn trẻ đã chia sẻ rằng họ chỉ mong ở bên nhau, thậm chí chẳng biết và chẳng có chuyện gì để nói. Giống như thế, im lặng để nhìn ngắm Chúa và lắng nghe tiếng Người là phương thế cầu nguyện tốt nhất. Anh chị và tôi là những người thật xứng đáng là môn đệ của Chúa, nhưng chúng ta đã yêu Chúa bằng cách dùng thời gian theo ý Chúa hay chưa?

Cùng một cách như thế, chúng ta hãy tự hỏi tôi đã xử dụng khả năng mà Chúa trao ban như thế nào? Để xây dựng công ích, mưu cầu ích lợi chung hay là ích kỷ dùng cho riêng gia đình mình mà thôi.

Tiến xa hơn một bước và cũng thật là khó khăn khi chúng ta đề cập đến việc xử dụng tiền bạc. Vấn đề này rất tế nhị. Bởi vì tiền của gắn liền với sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Trên thực tế, tôi biết rằng có nhiều anh chị em tỏ vẻ chán nản và thất vọng khi nghe linh mục nói đến tiền. Thậm chí, có nhiều người không muốn đến Nhà Thờ vì chẳng nghe được những lời giáo huấn từ cha xứ, thay vào đó chỉ nghe đề cập đến nhà xứ thiếu chỗ này, hụt chỗ kia… tiền ơi là tiền.

Quả thật, bản thân tôi rất ngại khi đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta cần phải đối diện với thách đố là chúng ta đã yêu Chúa và đặt Chúa trên mọi nhu cầu và mãnh lực mà tiền bạc có thể chi phối cuộc sống của chúng ta hay chưa? Như chúng ta thường nghe nói “tiền bạc là ông chủ xấu nhưng lại là một đầy tớ tốt”. Vì thế, anh chị em hãy tự vấn mình đã coi tiền của như phương tiện mà Chúa ban để xây dựng công ích hay lại tôn nó lên vai trò của một ông chủ điều khiển cuộc sống mình.

Người môn đệ chân chính của Chúa hãy học nơi Người lòng quảng đại và tinh thần bác ái trong việc xử dụng tiền của.

Khi suy niệm và trình bầy mấy điểm nói trên, tôi chợt nhớ đến đời sống và gương sáng của Thánh Nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su. Hành trình đời sống của Ngài chỉ vỏn vẹn 24 năm. Ngoài thời gian thơ ấu sống trong sự bao bọc của cha mẹ, thời gian còn lại Ngài sống trong đan viện của Dòng Kín Ca-mê-lô. Cuộc sống nghèo, chẳng có nhiều tiền để cho ai. Công việc của Ngài thật âm thầm, lo việc trong nhà. Thế mà công trạng của Ngài lại được sánh ngang hàng với Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-e bôn ba khắp nơi để truyền giáo. Bởi vì Thánh Nữ đã yêu Chúa bằng cả cuộc đời. Mọi việc Ngài làm, mọi cử chỉ và mọi lời Ngài nói đều phát sinh từ tình yêu mà Ngài dâng tặng cho Chúa để cầu nguyện cho việc truyền giáo.

Giống như Chúa, noi gương Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, chúng ta phải yêu Chúa trên hết mọi sự, chọn Chúa trước khi chọn lựa các điều khác. Trong cử chỉ, lời nói và việc làm của cuộc sống, chúng ta đừng hỏi tôi muốn gì mà là Chúa muốn gì. Đây không phải là điều dễ làm. Chúa biết rõ nỗi khó khăn mà chúng ta sẽ gặp phải. Vì thế, sau khi đưa ra các điều kiện đòi hỏi người môn đệ cần có, Chúa đã phán tiếp: ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng làm môn đệ của Thầy.

Tóm lại, trên hết mọi sự và trong tất cả, chúng ta hãy yêu Chúa trước. Tình yêu Chúa bao hàm việc hy sinh, từ bỏ và dâng hiến. Tình yêu đáp trả mà chúng ta có được cũng xuất phát từ Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu chúng ta trước. Người yêu con người đến nỗi đã gửi người Con duy nhất, hiến mạng sống của người Con làm quà tặng ban cho chúng ta sự sống đời đời.

Một lần nữa, chúng ta tin vào sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta đang cử hành. Đây là quà tặng tình yêu của Thiên Chúa thể hiện trong Thánh Lễ này. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy, nhớ đến thân xác của Thầy đã hy sinh làm của ăn nuôi sống chúng ta.

Trước khi đón nhận Mình Chúa, chúng ta thú nhận mình bất xứng. Và sau đó mới  đón nhận thân xác Người và được biến đổi để xứng đáng thành người môn đệ của Chúa, và giống như Chúa chúng ta sẽ nỗ lực yêu thương và nuôi sống nhau.

Tình Yêu là thế. Chỉ có ai yêu mến Chúa hơn mọi thứ tình trên trần gian này mới thật là người môn đệ của Chúa và sẽ làm được các việc như Chúa đã làm. Amen!

Wednesday, 21 June 2023

ĐỪNG SỢ! HÃY TIN


Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay vỏn vẹn chỉ có 7 câu, thế mà ba lần Đức Giê-su đã nhắn nhủ các môn đệ “anh em đừng sợ”. Đức Giê-su biết rằng nỗi sợ hãi gắn liền với cuộc sống của chúng ta, đến nỗi có một số người quả quyết rằng đời sống của con người bao gồm một chuỗi ngày của sự sợ hãi!

Khi còn bé chúng ta sợ bóng tối, sợ ma cho đến khi nhìn thấy khuôn mặt của cha mẹ hay người bảo hộ thì mới bớt sợ.

Lớn hơn một tý, chúng ta sợ bị bắt nạt, sợ bị chê là học dốt.

Đến tuổi mới lớn, chúng ta sợ bị áp lực, sợ không dám đối diện với thất bại, sợ bị chê mập hay xấu, sợ bị tai tiếng, sợ không bằng chúng bạn… Nhiều nỗi sợ hãi vu vơ khiến con người mất ngủ, thậm chí bị trầm cảm…

Chúng ta nghĩ rằng đến tuổi trưởng thành các nỗi sợ hãi sẽ dừng lại. Nhưng, đến tuổi lớn khôn, chúng ta lại có nhiều nỗi lo sợ khác. Sợ cuộc sống thiếu an toàn vì những điều không may có thể xẩy đến nên mua bảo hiểm, sợ tương lai xấu, sợ con cái hư hỏng, sợ bị mất việc, sợ tai ương ập đến khiến cuộc sống bị bế tắc, sợ khủng bố, sợ chết, v.v…

Dân công giáo thì sợ bị cám dỗ, sợ tội, sợ bị sa hỏa ngục, sợ bị Chúa phạt.

Mỗi người chúng ta đều có nỗi lo sợ riêng, sợ chính mình và sợ nhau nữa.

Anh chị em thử tuởng tuợng sống trong một trạng thái sợ hãi như thế thì cuộc sống sẽ ra sao? Sau đây là một vài kinh nghiệm thực tế mà chúng ta có thể đã trải qua.

Cách đây khoảng hơn chục năm, có một lần tôi đuợc diễm phúc nghe tâm tình của một vị có thẩm quyền chuyên lo về giáo dục cho một nhóm trẻ tại Việt Nam. Ông phân tích về hiện tuợng của thế hệ trẻ sống tại quê nhà. Theo sự nhận xét của ông thì những người trẻ hiện nay, đăc biệt những cháu mà ông có trách nhiệm đào tạo và huớng dẫn, đang sống trong trạng thái nghi ngờ và sợ nhau. Nguyên nhân gây ra hiệu quả này là các cháu được sinh ra và lớn lên trong một môi trường mà trong đó hệ thống ‘gài nguời’ làm ăng-ten (antenna) quá tinh vi, đã cắm rễ sâu trong mọi tổ chức. Để giải quyết cho vấn nạn này, ông và các bạn đồng hành cố gắng đào tạo một thế hệ trẻ biết tin tưởng nhau hơn. Và, để thực hiện điều này, ông cho phép những người trẻ mà ông đang huớng dẫn có dịp nói lên những suy tư và ý nghĩ của họ. Sau khi họ phát biểu; thay vì lắng nghe, ông và các bạn lại lựa những người đã có những ý tưởng nguợc lại với ông và khai trừ họ khỏi tổ chức. Vì sợ mất quyền nên ông đã khai trừ lớp trẻ mà Thiên Chúa đã trao cho ông chăm sóc!

Sự cố nói trên xẩy ra trong môi trường giáo dục, còn đời sống thường nhật trong gia đình thì sao. Có những ông chồng may mắn có đuợc vợ đẹp con khôn. Thay vì tin tuởng lại sợ người phối ngẫu và các con vuột khỏi tầm tay của mình, nên ông đã có lối hành xử thống trị, kiểm sóat khiến cho gia đình thành ngục tù với bầu khí đầy thê luơng và tang tóc…Từ đó, ai cũng sợ và né ông, và sợ nhau nữa. Cuối cùng thì điều ông sợ đã biến thành sự thật: gia đình tan vỡ chỉ vì sợ mà đánh mất đi hai yếu tố căn bản của gia đình là tin tưởng và yêu thương nhau.

Thêm nữa là chuyện của các đấng các bậc. Có tu sĩ hay linh mục, chỉ vì sợ mối tuơng quan giữa họ và Thiên Chúa, giữa họ và tha nhân bị phai lạt. Để bù đắp họ tìm mọi phuơng thức để thành công hầu thu phục và nối lại các mối tuơng quan đó. Nhưng thật ra, họ tìm đủ cách để bồi đắp ‘cái tôi’ của họ. Cuối cùng ‘cái tôi’ và ‘sự sợ hãi’ phát triển đồng đều khiến họ bị rối lọan và có thể lạc đuờng.

Đó là các hậu quả rất tiêu cực của nỗi sợ hãi. Giờ đây chúng ta làm thế nào?

Lần theo các sách Tin Mừng, chúng ta nhận thấy Đức Maria cũng sợ nên thiên thần mới phán “Maria, đừng sợ! vì người đã đắc sủng nơi Thiên Chúa”. Được Thiên Chúa yêu thương và sủng hạnh là khí cụ khiến Mẹ chúng mình bớt sợ và tín thác hơn.

Phêrô nhìn Chúa đi trên biển đến với các ông, nhưng vì sợ nên mới tuởng là ma; cho nên Chúa mới củng cố ông “cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6:51). Cậy vào Lời Chúa nói khiến Phê-rô can đảm bước đi với giông tố để đến với Chúa.

Đức Giê-su cũng sợ, sợ đến độ máu và mô hôi toát ra trong vườn cây dầu. Tuy Người sợ chết, nhưng vui lòng chấp nhận chịu chết vì tin tưởng vào Thánh Ý của Thiên Chúa.

Như vậy, chúng ta nhận thấy giải pháp làm chúng ta bớt sợ, đó là dám đối diện với sự sợ hãi bằng tâm tình phó thác và tin vào Chúa, Đấng luôn yêu thuơng và bao bọc chúng ta. Tin và Yêu là giải pháp giúp chúng ta sống vui hơn. Thật vậy, chúng ta chỉ có thể vuợt qua được nỗi sợ hãi nhờ tin vào Thiên Chúa, Đấng đang hiện diện với chúng ta trong mọi cảnh huống. Ngài yêu thuơng và chăm lo đến từng sợi tóc của chúng ta.

Chúng ta đừng để sợ hãi làm chúng ta vấp ngã. Giả như có vấp ngã - thì cũng là lẽ thường - đừng sợ Chúa phạt. Chúa yêu ta vô bờ bến, thuơng ta ngay lúc ta còn là tội nhân cơ mà. Con người chỉ thắng được các nỗi sợ hãi nhờ tin vào Ðức Giêsu, Ðấng đã không ngã gục vì sợ hãi, đi tới cùng và tuân theo ý định của Thiên Chúa. Qua sự chết Người đi về nhà Cha thế nào thì con đường mà người môn đệ được chọn để thi hành có thể dẫn họ đến cái chết như thế. Tuy vẫn biết kết cục là như thế, nhưng cho dù là sự chết cũng không làm cản trở ơn trung kiên, lòng chung thủy của các môn đệ với Chúa, là Đấng mà chúng ta đã hết lòng tin tưởng và cậy trông.

Sau cùng, chúng ta vẫn biết rằng không ai có thể tránh đuợc cái chết. Vì thế đừng sợ chết. Sự chết không còn là án phạt mà là ngưỡng cửa dẫn chúng ta bước vào sự sống vĩnh cửu với Chúa

Cầu xin Chúa cho chúng ta đủ can đảm để đối diện và vượt qua mọi nỗi sợ hãi trong cuộc sống mà trung thành trong nhiệm vụ của người môn đệ được Chúa yêu thương. Amen!



Wednesday, 14 June 2023

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA ĐÃ SAI TÔI ĐI!


Sau khi hân hoan mừng các ngày Đại Lễ trong Mùa Phục Sinh, rồi các ngày lễ Trọng như Lễ Chúa Ba Ngôi, Lễ Mình Máu Thánh Chúa, Lễ Thánh Tâm chúng ta quay trở về với phụng vụ của Mùa Thường Niên. Tuần này, phụng vụ Lời Chúa nhắc nhở chúng ta về ơn gọi.

Bài Tin Mừng bắt đầu bằng cách mô tả hoàn cảnh của những người theo Chúa. Khuôn mặt họ bộc lộ sự mệt nhọc, những bước chân lê thê, mệt mỏi của họ đã đánh động Lòng thương xót của Chúa. Tâm hồn Chúa bị rung động một cách mãnh liệt. Người biết họ đang khao khát điều gì. Người không thể bỏ rơi họ. Với tấm lòng của người Cha, trái tim Chúa đau nhói vì đám đông theo Người như bầy chiên không người chăn dắt. Người không thể để họ bơ vơ, cho nên Chúa đã động lòng thương và nói với các môn đệ hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về, sai thêm tá điền đến chăm sóc vườn nho của Người.

Theo truyền thống, ơn gọi được hiểu là ơn gọi trở thành linh mục hay tu sĩ. Nếu chúng ta chấp nhận định nghĩa hạn hẹp này thì cũng phải chấp nhận rằng hiện có một cuộc khủng hoảng ơn gọi ở nhiều nơi trên thế giới. Ở nhiều quốc gia thuộc thế giới Tây Phương, rất ít người xin vào các chủng viện hoặc tu viện. Nhiều nhà thờ bị đóng cửa, nhiều sinh hoạt của các giáo xứ bị gom chung lại với nhau vì thiếu linh mục.

Tại Việt Nam và một số nước thuộc thế giới thứ ba, các chủng viện đầy ắp chủng sinh và có nhiều nhà dòng mới được hình thành. Thoáng nhìn thì chúng ta có cảm tưởng tại các nước đó, Giáo Hội không phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu ơn gọi.

Nếu chúng ta nhìn cuộc khủng hoảng ơn gọi từ một góc độ khác, chúng ta có thể coi đó là một cơ hội để nhìn ra quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng vẫn hoạt động trong Hội Thánh từ buổi sơ khai. Ngày nay, có thể lấy mốc điểm từ khi có Công đồng Vat II, hàng giáo sĩ đã chia sẻ nhiệm vụ và trách nhiệm với giáo dân. Chúng ta thấy nhiều giáo dân đóng vai trò là Thầy sáu vĩnh viễn, Thừa tác viên Thánh Thể, Thừa tác viên Lời Chúa. Họ giúp các linh mục quản xứ trong việc phục vụ cộng đoàn, lại có một số người dấn thân toàn thời gian trong các hoạt động tông đồ của Giáo Hội cấp giáo xứ và địa phận. Cánh cửa phục vụ được mở ra để mời gọi mọi thành phần dân Chúa tham gia vào các hoạt động của Giáo Hội và đó là cơ hội để mọi người chu toàn ơn gọi từ Chúa.

Chúa Giê-su kêu gọi các Tông Đồ và mỗi người chúng ta hãy ở với Người và ra đi. Phần đầu tiên là được ở với Người và ở trong Người. Nếu chúng ta không ở với Người thì việc chúng ta ra đi có thể phát xuất từ những lý do rất ích kỷ. Thảm họa thay cho một cộng đoàn nếu những người tham gia vào các sinh hoạt của Hội Thánh chỉ vì thích quyền bính.

Nói chung, chúng ta đóng những vai trò khác nhau trong Hội Thánh. Nhưng ơn gọi nên Thánh là lời mời gọi chung cho mọi tầng lớp. Chúng ta được mời để ở với Chúa rồi sau đó sống theo ý Người muốn chúng ta sống. Đó chính là điều Thánh Phao-lô, tông đồ dậy bảo: “Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ... Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả… Đó là đức mến, lòng thương xót và là nền tảng của mọi ơn gọi.

Anh chị em thân mến,

Nhìn lại lịch sử giáo hội, chúng ta thấy rất nhiều gương sáng của những người đã được Chúa sai đi. Họ được sai bởi Chúa và theo gương Chúa họ sẵn sàng hy sinh tất cả, từ bỏ chốn an nhàn ra đi phục vụ những người nghèo khó. Họ bị đánh động bởi lòng thương xót của Chúa. Cha Thánh An Phong là một trong những người được Chúa đánh động. Mời anh chị em cùng ôn lại gương sáng của Cha Thánh, nhất là sức mạnh của Chúa hoạt động trong Ngài.  

Trước khi sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, Cha Thánh An-phong là một linh mục triều, đã dấn thân phục vụ tại các giáo xứ. Với lòng hăng say và nhiệt thành, ngài đã miệt mài trong các công tác mục vụ khiến ngài bị kiệt sức. Vì thế, theo lời đề nghị của bác sĩ thì ngài nên đi nghỉ và dưỡng sức. Ngài đã chọn Scala, thuộc xứ Naples. Scala nằm trên một ngọn núi hướng ra mặt biển, không khí thật trong lành. Quả là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, phong cảnh trữ tình và không khí trong lành của Scala cũng không quyến rũ được ngài. Trái lại, chính những ngọn gió tại Scala đã làm thay đổi đời ngài. Vì vừa đến nơi Thánh An Phong đã nhận thấy những người nông dân, kẻ chăn chiên và dân chúng tại Scala là những người bơ vơ, không ai đoái hoài, không ai quan tâm và chăm sóc cho họ.

Quả thật, số giáo sĩ tại vương quốc Naples lúc đó không thiếu. Dựa trên một bản thống kê tương đối chính xác thì tại Naples có 130 giám mục, 56.000 linh mục triều, 31.000 nam tu sĩ bao gồm các cha và các thầy và 26.000 nữ tu. Với một con số đông như thế, mà không một ai tình nguyện ra đi để lo cho họ hay giả như có ai được sai đến thì cũng tìm cách khước từ. Họ chọn những nơi có những ‘con chiên béo’ để làm thịt. Chắc hẳn thịt của những ‘con chiên béo’ này thơm và ngon hơn!

Cha Thánh An-Phong và các bạn lập tức mở lớp giáo lý buổi tối tại tư gia để dậy dỗ và chuẩn bị cho họ lĩnh nhận các bí tích. Nghe tiếng ngài, dân chúng thuộc các vùng lân cận lũ lượt kéo đến để nghe giảng dậy.

Tuy Thánh An Phong được sinh ra trong một gia đình quý tộc, giầu sang và quyền thế. Nhưng tâm hồn của ngài đã gắn liền với những người nghèo, con người bơ vơ, bị bỏ rơi. Trông thấy họ, ngài chạnh lòng thương vì họ như những con chiên bị tan tác và không được chăm sóc. Với cảm nghiệm như thế, ngài nhận ra con đường Chúa muốn ngài phải đi, nên đã cùng với các bạn cùng chí hướng ngồi lại với nhau để sáng lập một nhà dòng mà ngày nay chúng ta gọi là Dòng Chúa Cứu Thế, một hội dòng chuyên lo cho những người bị bỏ rơi, bơ vơ không nơi nương tựa, những người nghèo khó.

Noi gương Chúa và được tác động bởi Lòng Thương Xót của Đức Chúa chúng ta đừng để ai sống bơ vơ, bị bỏ rơi và không ai quan tâm. Tâm trạng của người bị bỏ rơi và bơ vơ là trạng thái đau khổ nhất mà con người phải gánh chịu. Muốn chữa lành các vết thương của họ, chúng ta phải đến với họ. Muốn chia sẻ nếp sống của họ chúng ta phải đồng cảm và chia sẻ lối sống của họ. Thật vậy, lời khuyên của cha cố trong Dòng vẫn văng vẳng trong tai tôi. Ngài đã nói như sau: “Muốn công việc phục vụ người tất bạt, bơ vơ, nghèo khổ được hữu hiệu, anh em chúng mình, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế cần phải có con tim rung cảm, con tim bị bốc cháy bằng trái tim nhân hậu và rực cháy lửa yêu mến của Chúa.” Và điều này cần đuợc áp dụng cho anh em mình trước tiên. Đừng bỏ rơi ai và đừng để ai bị bơ vơ!

Còn chúng ta thì sao? Tôi không phải là Chúa. Tôi không thuộc về nhóm 12. Và tôi cũng chẳng phải là Thánh An-Phong. Hẳn nhiên là như thế. Cho dù chúng mình không phải là linh mục hay tu sĩ, nhưng trước hết chúng mình phải là một con người, bình thường, mỏng manh và yếu đuối như bao nhiều người môn đệ khác!

Đúng vậy, xin bạn đừng lo! Bởi vì Chúa không đòi chúng ta trao ban hơn điều chúng ta có thể nhận lĩnh. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mọi chương trình mục vụ trước tiên phải được xuất phát từ lòng từ bi và nhân hậu của Đức Giê-su. Đấng luôn thương yêu con người!

Vì thế, với niềm vinh dự của người môn đệ, nhân danh Chúa Ba Ngôi chúng ta ra đi. Và, trước khi ra đi, chúng ta hãy tập ở với và ở trong Chúa, để đôi mắt của chúng ta nhận ra dấu chân của những con người đang bơ vơ, lạc bước và không ai đoái hoài bằng đôi mắt từ bi, nhân hậu và luôn thương xót của Chúa. Amen!

Wednesday, 7 June 2023

MÌNH VÀ MÁU CHÚA TAN CHẢY TRONG TA.

 

Hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta hân hoan và vui mừng cử hành Lễ Đức Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể. Đây là một ngày rất đặc biệt vì với việc làm này Đức Giê-su đã kiện toàn Lời Người đã phán trước khi về trời: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. “Mt 28: 20b) Cách thức hiện diện của Người rất thâm sâu, Người nên một với mỗi người, Người làm của ăn nuôi dưỡng chúng ta.

Với lòng khiêm tốn, chúng ta cùng nhau suy gẫm về các bài đọc trong Thánh Lễ và ý nghĩa việc mừng trọng thể Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô hôm nay.

Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Mô-sê đã nhắc nhở cho chúng ta nhớ lại vai trò và công trình mà Thiên Chúa đã thực hiện cho dân khi họ lang thang trong hoang địa. Đối diện với các khó khăn mà dân đã trải qua khiến nhiều người chán nản, thất vọng và rên xiết là Thiên Chúa đã bỏ rơi, khiến họ phải chết đói. Thậm chí, có nhiều người lại mong được chết quách bên Ai Cập còn hơn là vất vả theo Chúa, rồi cũng bị mất xác ở nơi hoang vu này. Trong hoàn cảnh đó, Thiên Chúa đã can thiệp và cung cấp của ăn là man-na cho họ. Lần đầu tiên họ nhìn thấy man-na. Họ không biết đó là vật gì. Họ chỉ biết từ trời rơi xuống để nuôi dưỡng cơ thể và làm mới tâm hồn. Thật không may, họ đã nhận món quà theo nghĩa vật lý, đó là thực phẩm làm cho họ khỏi bị chết đói mà hoàn toàn không nắm bắt được ý nghĩa sâu sắc của món quà đó.

Và Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe là một phần trong diễn từ Bánh hằng Sống mà Đức Giê-su đã dùng để giải thích ý nghĩa của Bí Tích Thánh Thể trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an. Đây là một trong các diễn từ quan trọng, có thể thay thế việc thuật lại việc Đức Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể trong truyền thống của Tin Mừng này. Đức Giê-su giải thích cho họ hiểu về ý nghĩa của man-na mới, là chính thân xác và máu huyết của Người. Người là bánh trường sinh, bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Nghe thế, một số người đã không tin, cho nên Chúa Giê-su quả quyết rằng “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Gio-an 6: 53-58)

Anh chị em thân mến,

Để nhận ra ý nghĩa sâu xa của Bí Tích, chúng ta cần có đức tin, và đây không phải là điều mà chúng ta đạt được nhờ vào sự khôn ngoan hay năng lực của mình, nhưng từ sự dẫn dắt và lôi kéo của Thiên Chúa, như Lời Người mới phán: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy,…” (Gio-an 6: 44) Như vậy, mọi sự đều phát nguồn từ Thiên Chúa, Đấng hoạt động liên lỷ, lôi kéo và dẫn dắt mọi người đến với Chúa Con để nhờ Người, với Người và trong Người, chúng ta được ban sự sống bằng chính thân xác và máu của Người ngay từ bây giờ và cho đến sau này.

Vì vậy, trong bữa tiệc hôm nay và mỗi khi cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta nhận được món quà rất đặc biệt: Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô. Đây là món quà quý giá từ Thiên Chúa, trong đó Đức Giêsu ban chính mình cho mỗi người chúng ta. Thật vậy, chúng ta nhận ra rằng mỗi khi tham dự Thánh Lễ và nhận được Mình và Máu Chúa Kitô là lúc Người sống trong ta, nuôi dưỡng, nâng đỡ, củng cố, ban cho chúng ta sự bình an và cho chúng ta can đảm để chấp nhận tất cả, đặc biệt là những điều khó khăn mà chúng ta có thể sẽ trải qua trong cuộc sống này.

Hơn nữa, mỗi khi thông hiệp với Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta trải nghiệm một Lễ Vượt Qua. Chúng ta vượt qua sự tham lam, ích kỷ và tội lỗi để đến với sự tốt đẹp, lối sống tử tế, rộng lượng, đầy khoan dung, chan hòa lòng mến và thánh thiện hơn. Trong Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta được Người chỉ dẫn cho cách sống. Đây là một bước rất quan trọng trong cuộc sống, trên hành trình đức tin của chúng ta. Cuộc hành trình này đã được bắt đầu từ ngày chúng ta đón nhận phép rửa để trở thành con Chúa, thành viên của gia đình Hội Thánh, và là chi thể trong thân thể của Chúa Kitô.

Do đó, trong Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta, con người nhận được thịt và máu của Người làm của ăn để bất cứ ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời. Với sự hiện diện bền bỉ của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, cuộc sống của chúng ta được nối kết, củng cố và duy trì không chỉ với Chúa Kitô mà còn với nhau nữa. Và, tiếp theo sau là lời mời gọi chúng ta hãy chia sẻ đời sống của Chúa Kitô và sống sứ mạng của Người để trở thành của ăn cho nhau.

Trong tinh thần đó, xin mời anh chị em nghe một truyện ngắn.

Có hai người bạn trẻ kia yêu nhau tha thiết. Anh chị đã đính hôn được hơn một năm và trong thời gian chuẩn bị hôn lễ thì chị phát hiện mình mắc phải căn bịnh ung thư. Theo sự chẩn đoán của các bác sĩ chuyên khoa lúc bấy giờ thì chị chỉ còn sống được khoảng một năm nữa mà thôi. Trước tình hình đó, chị đề nghị và khuyên anh nên hủy bỏ hôn lễ. Anh đáp lại rằng: anh đã yêu chị lúc mạnh khỏe thì giờ đây anh cũng sẵn sàng yêu thương chị khi lâm cảnh ốm đau. Và đám cưới của anh chị đã diễn ra như đã được dự trù. Kết quả không chỉ là một năm mà anh chị đã sống bên nhau được mười sáu năm trong cuộc chiến với căn bịnh nan y. Anh chị đã có bốn cháu.

Trong Thánh Lễ cuối đời của chị trong căn phòng tại nhà thương. Tuy thể xác rất hốc hác và gầy còm, nhưng tinh thần của chị thật tỉnh táo. Chị đã cùng gia đình dâng hy lễ cuối cùng, của lễ cuộc đời.

Trong lúc đọc lời truyền phép “…Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con.” Vị Linh Mục, bạn và là người đồng hành với gia đình anh chị đã chia sẻ rằng cuộc sống của chị đã đem lại một ý nghĩa mới về Bí Tích Thánh Thể cho gia đình anh chị và những người thân quen.

Thật vậy, cuộc sống của chị đã được chúc phúc. Chị đã được Chúa thương yêu, dìu dắt và dẫn đưa vào mối tình với chồng và các con của chị. Chính Chúa là tác giả của mối tình đó. Bổn phận của chị là đáp trả tình của Chúa bằng cách hy sinh, bẻ (break) cuộc sống của chị, trao cho chồng và con. Và bằng lời chúc tụng chị đã tán dương Tình Yêu của Chúa trong cuộc sống. Chị càng hy sinh bao nhiêu thì sự cao quí và vẻ đẹp của Thiên Chúa trong cuộc sống của chị càng được bộc lộ bấy nhiêu. Chị có thể làm được các việc đó vì chị sẵn sàng để cho tình Chúa tan chảy trong cuộc sống của chị.

Và chuyện gì phải đến, đã đến. Trước giây phút lâm chung, chị đã phó thác bản thân, gia đình và những người thân quen cho Chúa rồi thanh thản ra đi về ngôi nhà thân yêu mà tại nơi đó chị đã được người Cha thân yêu mở rộng vòng tay hân hoan đón chào.

Phần chúng ta, uớc mong Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành trong các Thánh Lễ sẽ làm cuộc sống mình tan chảy trong tình Chúa và trở thành của ăn hiến tặng nhau. Amen!