Wednesday, 14 June 2023

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA ĐÃ SAI TÔI ĐI!


Sau khi hân hoan mừng các ngày Đại Lễ trong Mùa Phục Sinh, rồi các ngày lễ Trọng như Lễ Chúa Ba Ngôi, Lễ Mình Máu Thánh Chúa, Lễ Thánh Tâm chúng ta quay trở về với phụng vụ của Mùa Thường Niên. Tuần này, phụng vụ Lời Chúa nhắc nhở chúng ta về ơn gọi.

Bài Tin Mừng bắt đầu bằng cách mô tả hoàn cảnh của những người theo Chúa. Khuôn mặt họ bộc lộ sự mệt nhọc, những bước chân lê thê, mệt mỏi của họ đã đánh động Lòng thương xót của Chúa. Tâm hồn Chúa bị rung động một cách mãnh liệt. Người biết họ đang khao khát điều gì. Người không thể bỏ rơi họ. Với tấm lòng của người Cha, trái tim Chúa đau nhói vì đám đông theo Người như bầy chiên không người chăn dắt. Người không thể để họ bơ vơ, cho nên Chúa đã động lòng thương và nói với các môn đệ hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về, sai thêm tá điền đến chăm sóc vườn nho của Người.

Theo truyền thống, ơn gọi được hiểu là ơn gọi trở thành linh mục hay tu sĩ. Nếu chúng ta chấp nhận định nghĩa hạn hẹp này thì cũng phải chấp nhận rằng hiện có một cuộc khủng hoảng ơn gọi ở nhiều nơi trên thế giới. Ở nhiều quốc gia thuộc thế giới Tây Phương, rất ít người xin vào các chủng viện hoặc tu viện. Nhiều nhà thờ bị đóng cửa, nhiều sinh hoạt của các giáo xứ bị gom chung lại với nhau vì thiếu linh mục.

Tại Việt Nam và một số nước thuộc thế giới thứ ba, các chủng viện đầy ắp chủng sinh và có nhiều nhà dòng mới được hình thành. Thoáng nhìn thì chúng ta có cảm tưởng tại các nước đó, Giáo Hội không phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu ơn gọi.

Nếu chúng ta nhìn cuộc khủng hoảng ơn gọi từ một góc độ khác, chúng ta có thể coi đó là một cơ hội để nhìn ra quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng vẫn hoạt động trong Hội Thánh từ buổi sơ khai. Ngày nay, có thể lấy mốc điểm từ khi có Công đồng Vat II, hàng giáo sĩ đã chia sẻ nhiệm vụ và trách nhiệm với giáo dân. Chúng ta thấy nhiều giáo dân đóng vai trò là Thầy sáu vĩnh viễn, Thừa tác viên Thánh Thể, Thừa tác viên Lời Chúa. Họ giúp các linh mục quản xứ trong việc phục vụ cộng đoàn, lại có một số người dấn thân toàn thời gian trong các hoạt động tông đồ của Giáo Hội cấp giáo xứ và địa phận. Cánh cửa phục vụ được mở ra để mời gọi mọi thành phần dân Chúa tham gia vào các hoạt động của Giáo Hội và đó là cơ hội để mọi người chu toàn ơn gọi từ Chúa.

Chúa Giê-su kêu gọi các Tông Đồ và mỗi người chúng ta hãy ở với Người và ra đi. Phần đầu tiên là được ở với Người và ở trong Người. Nếu chúng ta không ở với Người thì việc chúng ta ra đi có thể phát xuất từ những lý do rất ích kỷ. Thảm họa thay cho một cộng đoàn nếu những người tham gia vào các sinh hoạt của Hội Thánh chỉ vì thích quyền bính.

Nói chung, chúng ta đóng những vai trò khác nhau trong Hội Thánh. Nhưng ơn gọi nên Thánh là lời mời gọi chung cho mọi tầng lớp. Chúng ta được mời để ở với Chúa rồi sau đó sống theo ý Người muốn chúng ta sống. Đó chính là điều Thánh Phao-lô, tông đồ dậy bảo: “Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ... Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả… Đó là đức mến, lòng thương xót và là nền tảng của mọi ơn gọi.

Anh chị em thân mến,

Nhìn lại lịch sử giáo hội, chúng ta thấy rất nhiều gương sáng của những người đã được Chúa sai đi. Họ được sai bởi Chúa và theo gương Chúa họ sẵn sàng hy sinh tất cả, từ bỏ chốn an nhàn ra đi phục vụ những người nghèo khó. Họ bị đánh động bởi lòng thương xót của Chúa. Cha Thánh An Phong là một trong những người được Chúa đánh động. Mời anh chị em cùng ôn lại gương sáng của Cha Thánh, nhất là sức mạnh của Chúa hoạt động trong Ngài.  

Trước khi sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, Cha Thánh An-phong là một linh mục triều, đã dấn thân phục vụ tại các giáo xứ. Với lòng hăng say và nhiệt thành, ngài đã miệt mài trong các công tác mục vụ khiến ngài bị kiệt sức. Vì thế, theo lời đề nghị của bác sĩ thì ngài nên đi nghỉ và dưỡng sức. Ngài đã chọn Scala, thuộc xứ Naples. Scala nằm trên một ngọn núi hướng ra mặt biển, không khí thật trong lành. Quả là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, phong cảnh trữ tình và không khí trong lành của Scala cũng không quyến rũ được ngài. Trái lại, chính những ngọn gió tại Scala đã làm thay đổi đời ngài. Vì vừa đến nơi Thánh An Phong đã nhận thấy những người nông dân, kẻ chăn chiên và dân chúng tại Scala là những người bơ vơ, không ai đoái hoài, không ai quan tâm và chăm sóc cho họ.

Quả thật, số giáo sĩ tại vương quốc Naples lúc đó không thiếu. Dựa trên một bản thống kê tương đối chính xác thì tại Naples có 130 giám mục, 56.000 linh mục triều, 31.000 nam tu sĩ bao gồm các cha và các thầy và 26.000 nữ tu. Với một con số đông như thế, mà không một ai tình nguyện ra đi để lo cho họ hay giả như có ai được sai đến thì cũng tìm cách khước từ. Họ chọn những nơi có những ‘con chiên béo’ để làm thịt. Chắc hẳn thịt của những ‘con chiên béo’ này thơm và ngon hơn!

Cha Thánh An-Phong và các bạn lập tức mở lớp giáo lý buổi tối tại tư gia để dậy dỗ và chuẩn bị cho họ lĩnh nhận các bí tích. Nghe tiếng ngài, dân chúng thuộc các vùng lân cận lũ lượt kéo đến để nghe giảng dậy.

Tuy Thánh An Phong được sinh ra trong một gia đình quý tộc, giầu sang và quyền thế. Nhưng tâm hồn của ngài đã gắn liền với những người nghèo, con người bơ vơ, bị bỏ rơi. Trông thấy họ, ngài chạnh lòng thương vì họ như những con chiên bị tan tác và không được chăm sóc. Với cảm nghiệm như thế, ngài nhận ra con đường Chúa muốn ngài phải đi, nên đã cùng với các bạn cùng chí hướng ngồi lại với nhau để sáng lập một nhà dòng mà ngày nay chúng ta gọi là Dòng Chúa Cứu Thế, một hội dòng chuyên lo cho những người bị bỏ rơi, bơ vơ không nơi nương tựa, những người nghèo khó.

Noi gương Chúa và được tác động bởi Lòng Thương Xót của Đức Chúa chúng ta đừng để ai sống bơ vơ, bị bỏ rơi và không ai quan tâm. Tâm trạng của người bị bỏ rơi và bơ vơ là trạng thái đau khổ nhất mà con người phải gánh chịu. Muốn chữa lành các vết thương của họ, chúng ta phải đến với họ. Muốn chia sẻ nếp sống của họ chúng ta phải đồng cảm và chia sẻ lối sống của họ. Thật vậy, lời khuyên của cha cố trong Dòng vẫn văng vẳng trong tai tôi. Ngài đã nói như sau: “Muốn công việc phục vụ người tất bạt, bơ vơ, nghèo khổ được hữu hiệu, anh em chúng mình, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế cần phải có con tim rung cảm, con tim bị bốc cháy bằng trái tim nhân hậu và rực cháy lửa yêu mến của Chúa.” Và điều này cần đuợc áp dụng cho anh em mình trước tiên. Đừng bỏ rơi ai và đừng để ai bị bơ vơ!

Còn chúng ta thì sao? Tôi không phải là Chúa. Tôi không thuộc về nhóm 12. Và tôi cũng chẳng phải là Thánh An-Phong. Hẳn nhiên là như thế. Cho dù chúng mình không phải là linh mục hay tu sĩ, nhưng trước hết chúng mình phải là một con người, bình thường, mỏng manh và yếu đuối như bao nhiều người môn đệ khác!

Đúng vậy, xin bạn đừng lo! Bởi vì Chúa không đòi chúng ta trao ban hơn điều chúng ta có thể nhận lĩnh. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mọi chương trình mục vụ trước tiên phải được xuất phát từ lòng từ bi và nhân hậu của Đức Giê-su. Đấng luôn thương yêu con người!

Vì thế, với niềm vinh dự của người môn đệ, nhân danh Chúa Ba Ngôi chúng ta ra đi. Và, trước khi ra đi, chúng ta hãy tập ở với và ở trong Chúa, để đôi mắt của chúng ta nhận ra dấu chân của những con người đang bơ vơ, lạc bước và không ai đoái hoài bằng đôi mắt từ bi, nhân hậu và luôn thương xót của Chúa. Amen!

No comments:

Post a Comment