Wednesday, 26 June 2024

“ĐỪNG SỢ, NHƯNG HÃY TIN.”


Bịnh tật, đau khổ, tai ương và sự chết vẫn làm cho con người lo sợ. Hôm nay trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su đã chứng tỏ cho chúng ta thấy quyền năng của Thiên Chúa ở trong Người khi chữa cho người phụ nữ được khỏi bịnh và làm cho con gái của ông Giai-rô sống lại. Câu chuyện bắt đầu như sau.

Trước tiên, chúng ta hãy nhớ rằng: khi thi hành sứ vụ, Đức Giê-su đã gặp phải sự chống đối của các nhà lãnh đạo tôn giáo, sống cùng thời với Người. Thế mà thái độ của ông Giai-rô dành cho Đức Giê-su hôm nay khiến cho chúng ta phải ngạc nhiên. Tuy, ông cũng thuộc vào lớp người danh giá, có quyền có thế, đường đuờng là viên chức trưởng hội đường, thế mà ông đã phải hạ thấp mình xuống dưới chân Đức Giê-su và van xin Người rằng: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và đuợc sống.”

Sự chết luôn luôn là mối bận tâm của con người. Nó trở thành nỗi lo âu, mối đe dọa thật khủng khiếp cho mọi người, đặc biệt những ai còn trẻ. Hoàn cảnh của cô con gái ông Giai-rô là như thế. Cô ta sắp chết. Cô rất khó để qua khỏi cơn gian nan này. Đặt mình vào hoàn cảnh của một người cha như ông Giai-rô, chúng ta có thể tìm ra vài lời giải thích cho hành động của ông hôm nay. Vì tình thương của người cha dành cho con, xen kẽ với niềm tin vào Đức Giê-su và nhất là ông phải thoát khỏi vòng ảnh huởng của các bạn đồng nghiệp, rồi mở lòng ra để đón nhận Tin Vui của Đức Giê-su mang đến. Đó là các động lực giúp ông can đảm hơn để gặp Chúa. Một cuộc gặp gỡ công khai chứ không thầm kín hay lén lút. Ông cần mạnh dạn để làm điều ông tin. Thật đáng cảm phục!

Tuy là như thế, nhưng con đường đến nhà ông Giai-rô lại bị gián đoạn bởi sự chen lấn của đám đông. Trong đám đông đầy người đó, có một người phụ nữ vô danh, đã tiếp xúc với Đức Giêsu một cách bí mật. Thật ra bà biết rằng theo luật thì bà không được phép đụng chạm đến ai; bởi vì bất kỳ ai tiếp xúc hay chạm vào bà đều bị ô uế và cần tẩy sạch.

Khỏi cần nói nhiều, chúng ta cũng hiểu cuộc sống của bà đau khổ đến dường nào. Đau khổ vì bịnh tật. Đau khổ vì bị sống cách ly khỏi các sinh hoạt của cộng đoàn. Đau khổ khi bị gia đình và người thân bỏ rơi. Thậm chí bà đã bao phen khổ sở vì tìm sai thầy, uống nhầm thuốc khiến cho bà tiền mất tật mang, thế mà không những bịnh vẫn hoàn bịnh mà còn bị nặng hơn. Bà sống trong tình trạng tuyệt vọng, không còn biết trông cậy vào ai là người có thể chữa cho bà được khỏi bịnh và trả lại phẩm vị con người cho bà nữa đây!

Trong cơn đau khổ và gần như tuyệt vọng đó, bà đã tìm gặp Đức Giê-su. Lúc đó bà chỉ nghe người ta nói về Người là Đấng đã chữa cho nhiều người được khỏi bịnh. Trong đầu bà chỉ cầu mong làm thế nào có thể sờ vào tua áo của Người thì sẽ được khỏi bịnh. Một ý nghĩ đơn sơ mang tính dị đoan và chút vụ lợi này của bà đã là khởi điểm giúp bà bước ra khỏi những điều đã giam hãm và đóng kín bà. Bà cần được thoát ra khỏi cái vỏ bên ngoài và bằng vào con người thật bà đến gặp Đức Giê-su.

Ngay khi đó bà ta nhận thấy có một sự thay đổi trong cơ thể của mình. Và, cũng ở thời điểm đó, Đức Giê-su nhận ra có một sự thay đổi trong cơ thể của Người. Không ai nhận ra điều này ngoại trừ Chúa và người phụ nữ biết có sự thay đổi đang xẩy ra nơi họ! Và bà đã đuợc chữa lành. Máu liền ngưng chảy ra. Căn bịnh đã biến mất.

Nhưng, cuộc gặp gỡ giữa Đứa Giê-su và bà không ngừng ở phần chữa lành thể xác. Sau khi thấy lực trong người thoát ra, Chúa nhìn bà. Bằng vào cái nhìn của Đức Giê-su khiến bà cảm thấy sợ phát run lên. Tuy nhiên, không vì nỗi run sợ khiến bà chạy trốn cái nhìn của Chúa. Trái lại, bà can đảm buớc ra khỏi cõi lòng để tự giới thiệu mình với Chúa và trình bầy toàn bộ sự thật. Không ai bắt người phụ nữ này phải làm như thế. Bà vẫn có thể ẩn mình vì máu đã ngưng chảy, căn bịnh băng huyết đã được chữa khỏi. Nhưng hình như bà thấy đuợc cái nhìn mãnh liệt, một cái nhìn soi thấu tâm can của Chúa, khiến bà phải buớc ra để bộc lộ và phơi bầy mọi sự đang xẩy ra cho bà. Nhờ cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su, nhất là với cái nhìn của Người khiến bà thay đổi, nhận ra căn tính và phẩm vị của một con người và buớc vào để thiết lập mối quan hệ với Đức Giê-su, Đấng đã phán: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bịnh.”

Anh chị em thên mến,

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người phụ nữ bị băng huyết đã làm trì hoãn việc Người đến chữa lành cho con gái ông Giai-rô. Nên khi Người đến nơi thì được tin cô bé đã chết. Với nguồn tin sét đánh này, người nhà của ông chủ hội đuờng mới góp ý đừng làm phiền đến Chúa nữa. Họ có lý khi có lối suy nghĩ như thế. Bởi vì, sự chết vẫn là một vấn nạn khiến họ phải bó tay. Chạy đến với Đức Giê-su để xin Người chữa lành bịnh tật là chuyện mà ông Giai-rô và một số người cùng thời với Chúa đã làm; nhưng bây giờ đứa bé đã chết, còn gì để hy vọng nữa đây!

Nghe được những lời bàn như thế, Đức Giê-su quay sang an ủi và động viên ông Giai-rô đừng sợ, nhưng hãy vững tin. Quả thật, đây là một thách đố mới. Thách đố này đòi hỏi ông tiến thêm một buớc trong lòng tin. Ông đã tin rằng Đức Giê-su có thể chữa lành bịnh mà con gái ông phải mang thế nào; thì giờ đây ông hãy tin rằng Chúa còn có quyền trên cả sự chết nữa.

Nói thế rồi, Người tiếp tục bước đến nhà ông Giai-rô, có ba môn đệ thân tín cùng đi với Người. Bước vào nhà, Đức Giê-su liền nói: “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Nghe những lời nói đó, phản ứng của đám đông là chế riễu Người.

Thật vậy, làm sao chúng ta có thể nói một người đã chết là họ đang ngủ. Nhưng, đối với Đức Giê-su thì khác. Người mang đến một giáo lý mới, Người loan báo một Tin Vui. Đó chính là điều mà con người gọi là sự chết thì theo Chúa họ đang nghỉ ngơi, đợi chờ ngày được đánh thức để sống đời đời, để tham dự vào cuộc sống đời đời với Thiên Chúa, Cha Người. Điều này có nghĩa là, khi Đức Giê-su đến thì cái chết không còn là cái chết nữa mà đó chỉ là giấc ngủ.

Đến lúc này là sự đáp trả của ông Giai-rô: Ông có tin hay không?

Ông đã tin và với niềm tin của ông, Đức Giê-su đã tiến vào nơi cháu bé đang nằm, cầm tay cháu và truyền cho nó chỗi dậy. Con bé liền chỗi dậy và đi lại được. Chi tiết đi lại đuợc ám chỉ cho chúng ta biết rằng sau khi đuợc hồi sinh, cháu đã trưởng thành và có thể tự mình đi lại như người lớn. Ngoài ra, việc Đức Giê-su yêu cầu họ cho cô bé ăn chứng minh là cô đã hồi sinh. Cô không chỉ đi lại mà còn ăn uống bình thường như mọi người.

Tóm lại, Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta đến gặp Chúa Cứu Thế. Qua hành trình rao giảng, cùng với các phép lạ kèm theo và sau cùng là sự chết của Người đã ban cho nhân loại ơn chữa lành và cuộc sống được thay đổi, một sự thay đổi toàn diện cho mọi người: không phân biệt giai cấp, không phân chia địa vị, sang giầu hay nghèo hèn, không đánh giá vẻ bên ngoài, không vì tội nhân hay công chính. Nói chung Người không loại trừ một ai và cũng không bỏ rơi ai. Tất cả đều được chữa lành và đổi mới. Có nghĩa là khi gặp Chúa thì con người được đổi mới. Người muốn chúng ta tin rằng Người có sức mạnh đổi mới và hoàn thiện chúng ta.

Còn chúng ta thì sao?

Là thành viên của một cộng đoàn của những kẻ tin, cùng san sẻ một lòng mến, nhất là cùng đón nhận Chúa làm gia nghiệp, chúng ta có thể thay đổi các điều kiện của cuộc sống mình và những người xung quanh hay không? Và, liệu chúng ta có thể mang lại sự chữa lành cho những ai đang lâm vào các hoàn cảnh khó khăn và tuyệt vọng hay không?

Xin Chúa ban cho chúng ta can đảm và tin rằng Chúa sẽ thực hiện trong ta những điều cả thể như thế. Amen!

Friday, 21 June 2024

HÃY TIN VÀO THẦY

 

Trước khi suy ngẫm về trình thuật Tin Mừng hôm nay, tôi mời gọi anh chị em cùng ôn lại hành trình vượt biển năm nào. Tôi tin rằng hầu hết những người Việt Nam đang sống ở nước ngoài đều trải qua những tháng ngày đau thương trong hành trình vượt biên. Tôi không dám và không muốn gợi lại những chuỗi ngày đau khổ đó. Bản thân tôi muốn quên mà vẫn không quên được. Nó là một phần trong cuộc sống. Đối với tôi, biến cố ra đi tìm sự sống qua cõi chết vẫn là một sự cố kinh hoàng mà mỗi khi nhớ đến tôi vẫn còn run sợ.

Trong chuyến vượt biên vào năm 1982, thuyền của chúng tôi đã bị mắc kẹt trong cơn bão, thật ra là gần cuối cơn bão. Chúng tôi đã trải qua những giây phút thật kinh sợ. Hầu như tất cả đều bất lực trước sức mạnh của bão táp và sự tàn phá của thiên tai.

Có khoảng chừng tám mươi người trên tầu. Ngọai trừ gia đình chủ tầu, tài công là những người quen biết nhau từ trước; còn chúng tôi hòan tòan xa lạ đối với nhau. Một số gốc Công giáo; những người khác theo Phật giáo và còn một số là tín đồ của các giáo phái như Cao Đài… Nói chung, trong giây phút nguy hiểm đó, tất cả chúng tôi không cần biết mình thuộc tôn giáo nào nữa. Tất cả đều qui hướng về Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa để cầu xin. Chỗ này lần hạt cầu nguyện, chỗ kia niệm kinh Nam Mô. Chúng tôi cùng chia sẻ một niềm tin vào Đấng Tạo Dựng và điều khiển vũ trụ. Chúng tôi tin rằng chỉ có sức mạnh tối cao từ Đấng Tạo Hóa, Đấng có thể cứu chúng tôi khỏi cơn gian nan đầy nguy hiểm này.

Thời gian cứ thế trôi qua. Sóng biển vẫn tiếp tục gầm thét như muốn ăn tươi nuốt sống chúng tôi vào lòng biển. Tất cả đều quá mệt mỏi và đuối sức đến độ ngay cả lời cầu nguyện cũng im dần. Tất cả đều chờ đợi sự chộp bắt của Thần Chết.

Thật may mắn, sau đó cơn bão đã suy yếu dần. Thuyền của chúng tôi tiếp tục lênh đênh trên biển cả. Năm ngày sau, chúng tôi được sự hướng dẫn của các nhân viên trên dàn khoan dầu, con thuyền từ từ đến đảo Ku-ku, một trong những hòn đảo rất quen thuộc đối với các thuyền nhân tạm cư tại các trại tỵ nạn bên In-đô.

Sau này, tôi đã được nghe anh tài công cho hay khi đi qua cửa biển, con tầu của chúng tôi đã bị các chú công an biên phòng rượt bắt, nhưng họ đã bỏ cuộc, bởi vì họ nghĩ rằng con tầu của chúng tôi, sớm hay muộn, cũng bị đắm chìm khi phải chống chọi với cơn bão. Đúng là vận may đã đến trong cơn hoạn nạn.

Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng không có ai trong chúng ta còn đủ can đảm để đi trên biển trong hoàn cảnh như thế! Và, cho đến hôm nay, mỗi lần đi dạo trên bờ biển, nhất là vào buổi tối, đứng nhìn sự bao la và cũng rất đáng sợ của biển cả, cảm giác sợ hãi vẫn ám ảnh. Tôi nhận ra cuộc vượt biên ra đi tìm sự sống trong cái chết của chúng ta quả thật đáng sợ; và việc đến được bến bờ tự do quả thật diệu kỳ, chỉ còn biết coi đó là hồng ân mà thôi.

Cơn bão vượt biên đã xẩy ra chỉ một lần khiến cho con người khiếp sợ. Trong khi đó bão tố cuộc đời không chỉ xẩy ra một lần mà có thể nhiều lần trong đời. Vậy, chúng ta đối diện thế nào đây?

Thưa anh chị em,

Như anh chị em đã biết, đối với những người sống cùng thời với Chúa Giêsu. Họ tin rằng, sự kết hợp của biển cả và bão tố là biểu tượng của sự tàn phá và hỗn loạn; nó không chỉ làm cho con người khiếp sợ mà còn đe dọa mạng sống của họ nữa. Hơn thế nữa, chúng ta nên để ý đến bối cảnh mà sự việc xẩy ra hôm nay là vào lúc chiều đến. Chi tiết này làm tăng nỗi sợ hãi của các môn đệ trước trận cuồng phong bất chợt ập đến. Thế mà, Đức Giê-su vẫn ngủ yên trên thuyền. Người ngủ vì mệt hay vì say sóng. Có lẽ cả hai lý do nêu trên đều không đúng. Người có được sự bình an, một sự bình an mà ai trong chúng ta cũng mơ ước, bởi vì Chúa Giê-su đặt trọn niềm tin, phó thác sự sống vào tay Cha Người.

Tương tự như thế, nhiều lần chúng ta thấy mình ở nơi đầy tràn hoan lạc và bình an như thế. Chúng ta cảm thấy được yêu thương và dường như đang nằm thu gọn trong vòng tay yêu dấu, ở bên Trái Tim Chúa. Trong khoảnh khắc đó, chúng ta có cảm giác là hiểm nguy nào cũng vượt qua, thử thách nào chúng ta cũng có thể đối diện được… Nhưng sau đó, mọi sự rồi cũng qua đi, mọi cảm xúc cũng biến mất để nhường chỗ cho một thực tại, mình trở về với chính mình, lại muốn tự lập, lại muốn làm chủ và tự mình định liệu cho cuộc sống đầy tham vọng của bản thân. Cái ‘tôi’ được vuốt ve và sự tin cậy và lệ thuộc của chúng ta vào Chúa cũng yếu dần.

Đó là cách phản ứng của các môn đệ. Họ thiếu lòng tin. Dù ngủ hay thức thì Chúa đang ở trên thuyền với họ, nhưng mắt họ chỉ nhìn thấy sóng gió và cuồng phong nên không nhận ra Chúa. Phản ứng thiếu lòng tin của các môn đệ được diễn tả qua câu than vãn “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi mà Thầy không quan tâm gì sao?” Họ cho rằng Chúa không để ý đến sự sống chết mà họ đang đối diện.

Có ai quan tâm đến các môn đệ và mỗi người chúng ta bằng Chúa. Cho dù người mẹ có nhẫn tâm bỏ con, Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chúa nói như thế, thế mà vì lo sợ và hoảng hốt quá nên chúng ta lại quên. Chúa vẫn đồng hành với các môn đệ trên đường về Em-mau, thế mà vì buồn và thất vọng nên các môn đệ không nhìn thấy Chúa. Chúa yêu thương thế gian đến độ hy sinh người Con yêu dấu, thế mà chúng ta lại nói với nhau rằng Chúa chẳng lo cho chúng ta. Một câu nói làm tổn thương Trái Tim Chúa.

Điều này còn xẩy ra trong các mối quan hệ. Hai người đang yêu nhau thắm thiết, thế mà có một hôm chị nói rằng: “Em thấy anh chẳng còn yêu và quan tâm hay để ý gì đến em nữa! Anh đã quên em rồi sao!” Thật là đau lòng! Anh đang mong từng giờ từng phút được ở bên em thế mà chị lại nói một câu làm anh buồn rười rượi. Trong gia đình cũng thế, bố mẹ nào mà lại chẳng thương con! Thế mà, có một hôm người con yêu dấu của họ than rằng: “Bố mẹ chẳng thương con gì hết.”

Thật vậy, “chúng ta chết đến nơi” là tiếng kêu van của các môn đệ về tình trạng bất lực của họ trước sự đe dọa của cơn bão. Nhưng hôm nay, khi nghe câu nói này tôi lại nhớ đến lời mời gọi được chết với Chúa. Chúng ta cùng chết với Người. Chết cho nỗi hoảng sợ của mình. Chết đi cho cái tôi đang giam hãm và trói buộc chúng ta. Chết đi cho các nhu cầu của bản thân. Chết đi cho chính mình. Chết đi cho tội lỗi. Chết đi rồi chỗi dậy với Chúa mà đối diện với các sóng gió cuộc đời bằng chính quyền năng của Chúa, Đấng đã ra lịnh cho biển như đã ra lịnh cho các thần dữ rằng: “Hãy im đi! Hãy câm đi!” tức thì biển lặng yên và gió ngừng thổi.

Vì thế, là những tín hữu, những người có niềm tin, chúng ta thực sự sống cuộc đời của mình như có Chúa, khắc sâu các lịnh truyền của Người vào tâm can và đem ra thực hành thì cuộc sống của mình sẽ không còn giống như cũ nữa. Biển cả vẫn gầm thét. Sóng gió cuộc đời vẫn xẩy ra. Nhưng bão tố không còn là mối đe dọa, trái lại nó lại có tác dụng làm bật tung những thứ bị che đậy để con người có thể nhìn thấy rõ nhu cầu của nhau mà thông cảm và giúp đỡ. Chúng ta thật đã thay đổi. Cái cũ đã qua đi để nhường chỗ cho cái mới. Chúng ta rời bỏ chính mình để “Duc In Altum – Ra Khơi” vào vùng nước sâu, nơi dễ bị phong ba bão táp, nhưng lại có nhiều cá. Tại chỗ đó, chúng ta không còn sống cho chính mình mà là trong Chúa, với Chúa chúng ta sống. Sống trong mầu nhiệm hiệp nhất với Chúa và tha nhân để mọi sự trở nên mới hơn. Không còn sợ hãi, không còn âu lo chỉ còn hoan lạc và bình an để cùng nhau “Ra Khơi” thôi.

Như vậy, sứ điệp mà bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta sống tin tưởng hơn để đối diện với các khó khăn và bão tố trong cuộc sống. Thiên Chúa vẫn còn ở trên con thuyền cuộc đời của chúng ta. Người ở với chúng ta trong mọi cảnh huống. Hãy tin rằng chúng ta được Chúa yêu thuơng. Chúa yêu ta vô bờ bến. Tuy Chúa ngủ, nhưng con tim Chúa vẫn không ngừng tuôn đổ máu huyết để nuôi sống chúng ta. “Đừng nhát đảm! Nhưng hãy tin!”

Thật vậy, con người chỉ thắng được các nỗi sợ hãi nhờ tin vào Ðức Giêsu, Ðấng đã nên một với Thiên Chúa vì Người đã Tin vào quyền năng của Thiên Chúa lúc nào cũng họat động trong Người và với Người. Người đã không ngã gục vì sợ hãi mà đã đi tới cùng cho dù là cái chết, miễn là làm hài lòng Thiên Chúa. Chúng ta sẽ được như thế. Hãy tin và trao tay lái cuộc đời chúng ta cho Người rồi Người sẽ điều khiển và lèo lái con thuyền của chúng ta đến bến bờ bình an. Amen!

Monday, 10 June 2024

LỚN LÊN BỞI CHÚA


Chúng ta bắt đầu bài chia sẻ hôm nay bằng câu chuyện. Nội dung và các tình tiết trong câu chuyện rất thật, thật đến độ có nhiều người tưởng như truyện kể về hoàn cảnh của gia đình mình. Truyện kể như sau.

Có một gia đình kia có 4 người con. Gia đình anh chị mới đến Úc khoảng hơn chục năm. Chân ướt chân ráo tới định cư tại một xã hội hoàn toàn mới lạ với những gì mà họ đã được dậy bảo và trưởng thành ở Việt nam. Tuy bỡ ngỡ nhưng anh chị cố gắng chu tòan bổn phận và trách nhiệm làm cha mẹ trong môi truờng mới.

Khi còn nhỏ, cháu nào cháu ấy thật dễ thương, chăm chỉ học hành, vâng lời anh chị, ngoan ngoãn trong công việc. Đến tuổi dậy thì, các cháu đổ chứng, mỗi đứa một tật khiến cho anh chị lao tâm lao lực, thậm chí chán nản, bị trầm cảm rồi mất lòng trông cậy và chẳng biết bám víu vào ai. Nhưng anh chị vẫn tiếp tục vai trò làm đầy tớ phục vụ nhu cầu các con, làm thầy dậy chỉ bảo đường đi cho các con, làm lang y mỗi khi các cháu ngã bịnh.

Theo tôi, anh chị đã cố gắng hết sức trong việc giáo dục con cái. Tôi thông cảm và rất muốn chia sẻ nỗi khó khăn, niềm lo âu và cơn buồn phiền trong đời sống với họ. Tôi cảm phục lòng can đảm, sự hy sinh, lòng kiên nhẫn nói lên tình yêu của họ dành cho các cháu. Đó chính là công sức mà họ đã đóng góp để cho hạt giống mà Chúa đã gieo, đang gieo và tiếp tục gieo qua cuộc sống của họ và âm thầm mọc lên trong cuộc sống của các cháu. Tất cả được đặt trong niềm hy vọng là các hạt giống đó sẽ sinh hoa kết trái sau này.

Trước hoàn cảnh thật chông gai mà gia đình anh chị, bạn tôi đã và đang đối diện. Anh chị có thể nhận ra mình là kẻ thua cuộc, nhưng anh chị vẫn tin rằng Thiên Chúa yêu thương những người con của anh chị hơn anh chị yêu các cháu. Bởi vì, các cháu trước khi là con của anh chị thì phải là con của Thiên Chúa truớc. Như thế, Ngài có đường lối và cách ứng xử của Ngài. Anh chị tin rằng Ngài không muốn một ai trong chúng ta bị hư đi. Chúng ta là những con người bất tòan mà còn biết hành xử với con cái mình như thế, gieo và tiếp tục gieo hạt giống tin yêu và hy vọng là nó sẽ sinh hoa kết trái; phuơng chi là Thiên Chúa. Người yêu thuơng, tiếp tục ban phát ân huệ, kiên tâm chờ đợi kết quả của ngày mùa, đến mùa thu họach sẽ đuợc bội thu.

Thưa anh chị em,

Tuy truyện kể trên đây không xẩy ra cho mọi gia đình, nhưng tình tiết của câu chuyện không xa lạ với hoàn cảnh sống của gia đình chúng ta. Các bậc cha mẹ dường như đều trải qua những kinh nghiệm giống như thế.

Một cách tương tự, đây cũng là hoàn cảnh của các tín hữu tiên khởi đã phải đối diện. Sau khi Chúa Giê-su về trời, ngự bên hữu Thiên Chúa. Các Tông đồ bắt đầu ra đi rao giảng về Nước Thiên Chúa. Công cuộc rao giảng và gieo trồng Lời Chúa của các môn đệ không được thuận lợi. Các ông bị chống đối, chịu cấm cách, bị bắt bớ, tù đầy thậm chí còn bị giết chết. Trước một thực tế đầy chông gai như thế, anh chị em tiên khởi có thể hỏi nhau rằng làm thế nào Nuớc Thiên Chúa có thể phát triển đây? Câu trả lời được tìm thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Dụ ngôn về Nước Thiên Chúa mà chúng ta vừa nghe có thể đem đến cho họ và cả chúng ta một lời giải đáp. Trước hết, chúng ta cần ghi nhận rằng điểm chính của dụ ngôn nằm ở thái độ của người gieo giống hơn là bổn phận mà ông phải chu toàn. Trong bài Tin Mừng, ông được trình bầy như một kẻ lười biếng, chỉ biết gieo mà không nỗ lực canh tác. Sau khi gieo, ông trở về với cuộc sống thường nhật của mình. Tuy, đó là vẻ bề ngoài của ông, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng: là một nhà trồng cấy chuyên nghiệp, ông có đủ kinh nghiệm để biết rằng thủa đất mà ông vừa gieo hạt giống xuống sẽ bắt đầu một tiến trình khiến cho hạt giống tăng trưởng mà không cần bất kỳ một sự can thiệp nào của ông. Ngoài niềm tin đó, việc kế tiếp mà ông cần làm là quan sát và kiên nhẫn chờ đợi, cho đến khi hạt giống chín thì vác liềm ra gặt mà thu hoa lợi về cho chủ.

Nếu dụ ngôn được hiểu như thế thì chúng ta cũng dễ dàng nhận ra ý của Thánh sử là: Nước Thiên Chúa thuộc về quyền cai quản của Thiên Chúa. Mọi người chúng ta chỉ là những người thợ trong cánh đồng này. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta có bổn phận đóng góp và chu toàn bổn phận của những người con, những người phụ giúp; còn việc làm cho Nước ấy tăng trưởng hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.

Cụ thể hơn, qua mầu nhiệm nhập thể Đức Giê-su đã đảm nhận vai trò đó. Người đến để rao giảng và phát triển Nước Thiên Chúa. Vì thế, Người có bổn phận làm cho hạt giống tăng trưởng. Người mới là người gieo giống chân thật. Còn chúng ta chỉ là những kẻ thừa hành, những người cộng tác.

Hoàn cảnh mà các cộng đoàn tiên khởi đang phải đối diện cũng là số phận mà Đức Giê-su đã trải qua. Người đã thất bại, đã bị khước từ, bị chống đối, loại bỏ khỏi hội đuờng sau cùng bị giết chết. Người xem ra thất bại trước sự cứng tin của người nghe. Tâm hồn họ đã ra chai đá và không mở lòng ra để đón nhận những hạt giống trong Lời rao giảng của Người. Tuy nhiên, không vì thế mà hạt giống không được tăng trưởng. Chúng ta phải tin rằng: Hạt giống được gieo bởi Đức Giê-su. Người biết làm sao để cho hạt giống được tăng trưởng. Và, trong niềm tin, chúng ta chắc chắn rằng không có một sức mạnh nào có thể ngăn cản sự tăng trưởng của hạt giống.

Hạt giống của Chúa chứ không phải lời hay công sức của chúng ta. Vì thế, việc hạt giống nảy mầm, sinh hoa kết trái là của Chúa. Những điều cần làm thì chúng ta vẫn phải làm, vì đó là bổn phận của mình, nguời môn đệ của Chúa. Còn phần còn lại, kết quả của nó, thành công hay thất bại không phải là việc của mình. Kiên nhẫn đợi chờ với tinh thần lạc quan để chờ ngày thu hoạch.

Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy hết lòng tin tưởng với tâm hồn khao khát rằng Nuớc Thiên Chúa, cho dù đã được khai mạc bởi Đức Giê-su, nhưng còn sẽ đến để đem mọi sự đến hoàn thành. Và trong ngày đó, lối sống yêu thương và các công sức của chúng ta sẽ trở thành những bông lúa đầy mầu nắng ấm của tình yêu, sẽ triển nở để báo cho biết mùa gặt đã đến. Và lúc đó, chúng ta chỉ biết dâng lời chúc tụng và tôn vinh Chúa, Đấng đem mọi sự đến mức hoàn hảo và sung mãn nhất theo ý của Ngài.

Vì vậy, Lời Chúa trong dụ ngôn về sự tăng trưởng âm thầm của hạt giống giúp cho tôi xác tín hơn rằng: Chúa chúng ta là Đấng thật quảng đại, kiên tâm trong tình yêu và không hề áp đặt, luôn tôn trọng quyền tự do và mức độ đón nhận của con người. Để đáp trả, chúng ta hãy tự do đứng dậy rồi yêu thuơng, tha thứ và kiên tâm chờ đợi cùng nhau sinh hoa kết trái nhé. Amen

 

Wednesday, 5 June 2024

CÓ CHÚA MỌI SỰ SẼ TỐT

 


Anh chị em thân mến,

Trước tiên chúng ta hãy cùng ôn lại một vài hiện tượng đã xuất hiện khi còn trẻ và có thể vẫn còn xẩy ra trong cuộc sống sau này của chúng ta.

Hãy nhìn xem cô cháu gái kia đang tập đi, ngã té liên tục. Có lần cháu chạy quá vội vàng, chẳng để ý gì đến các sự vật chung quanh, vấp té sấp mặt xuống đất rồi hét ầm lên. Nghe cháu hét, bà ngoại vôi vàng chạy đến vỗ về, an ủi, dỗ dành cho cháu bớt khóc. Càng dỗ cháu càng làm nũng và khóc to hơn. Thấy thế, bà mới hỏi ai làm cháu té. Chưa kịp nghe cháu trả lời, bà bèn vỗ tay xuống nền nhà, nơi cháu té và nói tại cái nền nhà này không bằng phẳng, tại cái miếng gạch này hơi trơn khiến cháu của bà té sưng mặt. Thế là cháu bớt khóc.

Lại một lần kia, cháu chạy và xô vào cái bàn. Đau rồi khóc. Lại cũng tại cái bàn kê sai chỗ, cái ghế để không đúng vị trí.

Lớn hơn vài tuổi. Vào một lần kia, anh trai cháu đang vui vẻ với món đồ chơi. Cháu nhào đến dành dật. Kết quả, anh em đánh nhau. Người lớn nhào vào can thiệp. Lại lỗi của anh trai, đã lớn mà không biết nhường nhịn cho em gái.

Đến khi lớn lên thì tại đủ thứ, tại ông, tại bà, tại vợ tại chồng… Đủ muôn ngàn lý do để bào chữa.

Sau khi chết rồi thì người thân bào chữa như: “Lậy Chúa, vì yếu đuối trong thân phận con người cho nên thân nhân của chúng con mới phạm tội…”. Đấy là vì yếu đuối, vì là người cho nên mới phạm vào các tội như thế. Trong khi đó, có ai không biết chúng ta yếu đuối. Chúa còn biết rõ thân phận mỏng dòn, yếu đuối và dễ vở của chúng ta, thế mà  chúng ta cũng cần phải nói ra, sợ Chúa quên và nhất là đó là lý do để bào chữa; rồi Chúa sẽ thông cảm cho mình thôi!

Rõ chán! Lỗi tại mình, mình không dám nhận là chưa yêu Chúa đủ rồi lại đổ thừa và gán cho Người những điều không tích cực.

Gần đây anh chị em nghe nói nhiều về các chuyện liên quan đến cách hành xử tính dục của một số quí vị lãnh đạo trong đạo cũng như ngoài đời. Họ bao gồm đủ mọi giới. Nói chung, họ là những kẻ có quyền, rồi vì thiếu trách nhiệm, bao che cho nhau rồi tìm đủ cách bảo vệ nhau mà không dám nhìn vào hành vi sai lầm của những người lạm dụng gây ra bao tai hại cho kẻ khác… Thế là sự việc lan ra khiến cho nhiều người lại trở thành nạn nhân cho các việc bao che đó.

Nói chung, cho dù cá nhân hay tập thể thì chúng mình vẫn cứ ‘dầm mình trong tội’.

Dạ, thưa quí ông bà và anh chị em. Những điều anh chị em vừa nghe có phải là các sự việc chúng ta đã nghe, đã trải qua và tệ hại hơn là chúng ta tiếp tục làm giống như thế hay không?

Và, qua ngòi bút vô cùng ngoan mục, tác giả sách Sáng Thế đã trình bầy trong bài đọc một hôm nay một câu chuyện bao gồm các chi tiết và lối diễn tả thật gần gũi với cuộc đời của mỗi người. Chúng ta hoàn toàn đồng ý với cách cư xử của Adam và Eva. Chúng ta là những Adam và Eva của mọi thời, luôn muốn ăn trái cấm để thoát ra khỏi mối tương quan với Thiên Chúa và sau cùng là nhận ra mình trần truồng trơ trụi. Đến khi bị chất vấn thì lại chối bỏ trách nhiệm và đổ lỗi cho nhau như tại người đàn bà Chúa ban cho con. Giả như không có bà ấy (lúc này giọng điệu của chúng ta phải là con mẹ ấy) thì con đâu có ăn. Tương quan vợ chồng không còn được đặt trên căn bản của tình yêu nữa, vợ chồng lúc này trở thành gánh nặng cho nhau. Rồi từ đó, các tương quan bị đứt đoạn.

Sau cùng, ông bà không còn ai để đổ lỗi lại đi đổ lỗi cho con rắn, đang từ thân phận là hình ảnh của Thiên Chúa, không dám nhận trách nhiệm và còn đi so sánh mình với thú vật, đổ lỗi cho loài vật không tương xứng với mình. Quả thật là xấu hổ và nực cười. Thật ra, ở đây con rắn là tượng trưng cho quyền lực của sự dữ.

Văn hóa đổ thừa, bán cái trách nhiệm, không dám nhìn nhận sự thật này, như anh chị em chúng ta đã biết thì đó là hậu quả của việc từ chối đón nhận sự săn sóc, quan tâm, bao bọc của Thiên Chúa. Chúng ta sống trong sự tội.

Thưa anh chị em,

Nói đến tội thì chúng ta phải nhìn nhận rằng chúng ta không làm ra tội. Tội có nguồn gốc riêng. Nó đã có trước khi chúng ta hiện hữu. Tội là một thứ quyền lực luôn chống lại Thiên Chúa. Chúng ta là đối tượng cho sự hoành hành đó. Hãy nghe Thánh Phao-lô tâm sự: “Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. (Rm 7:18b-20)

Tội vẫn ở trong ta và chúng ta còn làm cho tội phình to hơn bằng cách hưởng ứng, cổ võ và thực hiện.

Vậy có cách nào giúp chúng ta đây?

Tôi xin đề nghị để anh chị em cùng suy xét. Việc đầu tiên là hãy nhận ra sự thật. Chúng ta thật yếu đuối, mỏng dòn, dễ vỡ và nhất là không đủ sức chống trọi với quyền năng của sự ác đang ở với chúng ta. Không chạy trốn, không bán cái và đổ thừa trách nhiệm cho người khác. Trái lại, nhìn nhận sự thật và biết rằng Thiên Chúa yêu thương ta vô ngần, vô hạn. Người là Đấng yêu thương và săn sóc cho từng người, không muốn xử dụng hình phạt. Giả như đôi lần chúng ta có nghe đền cụm từ phạt vạ thì cũng là cơ hội để chúng ta kiên nhẫn và nhận ra lối hành xử trong tình yêu để chúng ta tốt hơn. Thử thách và gian truân là những cơ hội để rèn luyện chúng ta. Vì thế, hãy sống nương tựa vào tình thương và sự bao bọc của Thiên Chúa.

Nếu Người muốn phạt chúng ta thì Người đâu cần đi tìm. Người đã đi tìm ‘ngươi ở đâu’ để cứu. Con người không thể tự cứu mình. Ơn cứu độ được ban tặng bởi Đức Giê-su. Người đến trần gian này để cứu nhân loại. Thế mà, trong bài Tin Mừng hôm nay có một số người lại cho rằng Người bị quỷ ám, bị điên! Rõ ràng đây là một sự áp đặt. Bản thân mình là tay sai cho thần ác lại đổ thừa cho Chúa. Hành động của mình là kẻ điên lại gán cho Chúa là người điên. Chúng ta mới là những kẻ điên, điên hết cỡ. Thế mà không chịu uống thuốc. Nên điên càng điên hơn. Ngay cả những người thân thuộc, gần gũi, họ hàng với Chúa cũng thế. Họ cho là Chúa bị loạn trí.

Chỉ có những ai thuộc về gia đình của Người. Đó là những kẻ sinh ra trong lòng tin và có cuộc sống bằng lòng mến. Đó là những người lắng nghe và đem Lời Chúa ra thực hành. Hãy để cho Lời Chúa lưu lại một cách thật dồi dào và phong phú trong cuộc sống của chúng ta. Đó là cách thức để Chúa Giê-su không ngừng lớn lên trong ta và trong mọi người. Và, một khi làm đuợc các điều đó, chúng ta làm chứng cho nhân loại biết chúng ta là thành viên trong gia đình của Thiên Chúa, là những người sẵn sàng lắng nghe và đem Lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống.

Như vậy, với Đức Giê-su thì nền văn hoá của đỗ lỗi, bán cái trách nhiệm trong bài đọc một đã bị thay đổi bởi nền văn hoá mới mà Đức Giê-su đem lại, trong đó các thành viên của gia đình mới, gia đình Nuớc Thiên Chúa sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm, dấn thân, xung phong, nhập trận và chọn lựa Chúa là ưu tiên duy nhất cho cuộc đời mình. Chỉ có như thế thì quyền lực của sự dữ mới bị tiêu diệt dần dần để nhường chỗ cho sự hiển trị của Nuớc Thiên Chúa. Amen!