Wednesday, 5 June 2024

CÓ CHÚA MỌI SỰ SẼ TỐT

 


Anh chị em thân mến,

Trước tiên chúng ta hãy cùng ôn lại một vài hiện tượng đã xuất hiện khi còn trẻ và có thể vẫn còn xẩy ra trong cuộc sống sau này của chúng ta.

Hãy nhìn xem cô cháu gái kia đang tập đi, ngã té liên tục. Có lần cháu chạy quá vội vàng, chẳng để ý gì đến các sự vật chung quanh, vấp té sấp mặt xuống đất rồi hét ầm lên. Nghe cháu hét, bà ngoại vôi vàng chạy đến vỗ về, an ủi, dỗ dành cho cháu bớt khóc. Càng dỗ cháu càng làm nũng và khóc to hơn. Thấy thế, bà mới hỏi ai làm cháu té. Chưa kịp nghe cháu trả lời, bà bèn vỗ tay xuống nền nhà, nơi cháu té và nói tại cái nền nhà này không bằng phẳng, tại cái miếng gạch này hơi trơn khiến cháu của bà té sưng mặt. Thế là cháu bớt khóc.

Lại một lần kia, cháu chạy và xô vào cái bàn. Đau rồi khóc. Lại cũng tại cái bàn kê sai chỗ, cái ghế để không đúng vị trí.

Lớn hơn vài tuổi. Vào một lần kia, anh trai cháu đang vui vẻ với món đồ chơi. Cháu nhào đến dành dật. Kết quả, anh em đánh nhau. Người lớn nhào vào can thiệp. Lại lỗi của anh trai, đã lớn mà không biết nhường nhịn cho em gái.

Đến khi lớn lên thì tại đủ thứ, tại ông, tại bà, tại vợ tại chồng… Đủ muôn ngàn lý do để bào chữa.

Sau khi chết rồi thì người thân bào chữa như: “Lậy Chúa, vì yếu đuối trong thân phận con người cho nên thân nhân của chúng con mới phạm tội…”. Đấy là vì yếu đuối, vì là người cho nên mới phạm vào các tội như thế. Trong khi đó, có ai không biết chúng ta yếu đuối. Chúa còn biết rõ thân phận mỏng dòn, yếu đuối và dễ vở của chúng ta, thế mà  chúng ta cũng cần phải nói ra, sợ Chúa quên và nhất là đó là lý do để bào chữa; rồi Chúa sẽ thông cảm cho mình thôi!

Rõ chán! Lỗi tại mình, mình không dám nhận là chưa yêu Chúa đủ rồi lại đổ thừa và gán cho Người những điều không tích cực.

Gần đây anh chị em nghe nói nhiều về các chuyện liên quan đến cách hành xử tính dục của một số quí vị lãnh đạo trong đạo cũng như ngoài đời. Họ bao gồm đủ mọi giới. Nói chung, họ là những kẻ có quyền, rồi vì thiếu trách nhiệm, bao che cho nhau rồi tìm đủ cách bảo vệ nhau mà không dám nhìn vào hành vi sai lầm của những người lạm dụng gây ra bao tai hại cho kẻ khác… Thế là sự việc lan ra khiến cho nhiều người lại trở thành nạn nhân cho các việc bao che đó.

Nói chung, cho dù cá nhân hay tập thể thì chúng mình vẫn cứ ‘dầm mình trong tội’.

Dạ, thưa quí ông bà và anh chị em. Những điều anh chị em vừa nghe có phải là các sự việc chúng ta đã nghe, đã trải qua và tệ hại hơn là chúng ta tiếp tục làm giống như thế hay không?

Và, qua ngòi bút vô cùng ngoan mục, tác giả sách Sáng Thế đã trình bầy trong bài đọc một hôm nay một câu chuyện bao gồm các chi tiết và lối diễn tả thật gần gũi với cuộc đời của mỗi người. Chúng ta hoàn toàn đồng ý với cách cư xử của Adam và Eva. Chúng ta là những Adam và Eva của mọi thời, luôn muốn ăn trái cấm để thoát ra khỏi mối tương quan với Thiên Chúa và sau cùng là nhận ra mình trần truồng trơ trụi. Đến khi bị chất vấn thì lại chối bỏ trách nhiệm và đổ lỗi cho nhau như tại người đàn bà Chúa ban cho con. Giả như không có bà ấy (lúc này giọng điệu của chúng ta phải là con mẹ ấy) thì con đâu có ăn. Tương quan vợ chồng không còn được đặt trên căn bản của tình yêu nữa, vợ chồng lúc này trở thành gánh nặng cho nhau. Rồi từ đó, các tương quan bị đứt đoạn.

Sau cùng, ông bà không còn ai để đổ lỗi lại đi đổ lỗi cho con rắn, đang từ thân phận là hình ảnh của Thiên Chúa, không dám nhận trách nhiệm và còn đi so sánh mình với thú vật, đổ lỗi cho loài vật không tương xứng với mình. Quả thật là xấu hổ và nực cười. Thật ra, ở đây con rắn là tượng trưng cho quyền lực của sự dữ.

Văn hóa đổ thừa, bán cái trách nhiệm, không dám nhìn nhận sự thật này, như anh chị em chúng ta đã biết thì đó là hậu quả của việc từ chối đón nhận sự săn sóc, quan tâm, bao bọc của Thiên Chúa. Chúng ta sống trong sự tội.

Thưa anh chị em,

Nói đến tội thì chúng ta phải nhìn nhận rằng chúng ta không làm ra tội. Tội có nguồn gốc riêng. Nó đã có trước khi chúng ta hiện hữu. Tội là một thứ quyền lực luôn chống lại Thiên Chúa. Chúng ta là đối tượng cho sự hoành hành đó. Hãy nghe Thánh Phao-lô tâm sự: “Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. (Rm 7:18b-20)

Tội vẫn ở trong ta và chúng ta còn làm cho tội phình to hơn bằng cách hưởng ứng, cổ võ và thực hiện.

Vậy có cách nào giúp chúng ta đây?

Tôi xin đề nghị để anh chị em cùng suy xét. Việc đầu tiên là hãy nhận ra sự thật. Chúng ta thật yếu đuối, mỏng dòn, dễ vỡ và nhất là không đủ sức chống trọi với quyền năng của sự ác đang ở với chúng ta. Không chạy trốn, không bán cái và đổ thừa trách nhiệm cho người khác. Trái lại, nhìn nhận sự thật và biết rằng Thiên Chúa yêu thương ta vô ngần, vô hạn. Người là Đấng yêu thương và săn sóc cho từng người, không muốn xử dụng hình phạt. Giả như đôi lần chúng ta có nghe đền cụm từ phạt vạ thì cũng là cơ hội để chúng ta kiên nhẫn và nhận ra lối hành xử trong tình yêu để chúng ta tốt hơn. Thử thách và gian truân là những cơ hội để rèn luyện chúng ta. Vì thế, hãy sống nương tựa vào tình thương và sự bao bọc của Thiên Chúa.

Nếu Người muốn phạt chúng ta thì Người đâu cần đi tìm. Người đã đi tìm ‘ngươi ở đâu’ để cứu. Con người không thể tự cứu mình. Ơn cứu độ được ban tặng bởi Đức Giê-su. Người đến trần gian này để cứu nhân loại. Thế mà, trong bài Tin Mừng hôm nay có một số người lại cho rằng Người bị quỷ ám, bị điên! Rõ ràng đây là một sự áp đặt. Bản thân mình là tay sai cho thần ác lại đổ thừa cho Chúa. Hành động của mình là kẻ điên lại gán cho Chúa là người điên. Chúng ta mới là những kẻ điên, điên hết cỡ. Thế mà không chịu uống thuốc. Nên điên càng điên hơn. Ngay cả những người thân thuộc, gần gũi, họ hàng với Chúa cũng thế. Họ cho là Chúa bị loạn trí.

Chỉ có những ai thuộc về gia đình của Người. Đó là những kẻ sinh ra trong lòng tin và có cuộc sống bằng lòng mến. Đó là những người lắng nghe và đem Lời Chúa ra thực hành. Hãy để cho Lời Chúa lưu lại một cách thật dồi dào và phong phú trong cuộc sống của chúng ta. Đó là cách thức để Chúa Giê-su không ngừng lớn lên trong ta và trong mọi người. Và, một khi làm đuợc các điều đó, chúng ta làm chứng cho nhân loại biết chúng ta là thành viên trong gia đình của Thiên Chúa, là những người sẵn sàng lắng nghe và đem Lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống.

Như vậy, với Đức Giê-su thì nền văn hoá của đỗ lỗi, bán cái trách nhiệm trong bài đọc một đã bị thay đổi bởi nền văn hoá mới mà Đức Giê-su đem lại, trong đó các thành viên của gia đình mới, gia đình Nuớc Thiên Chúa sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm, dấn thân, xung phong, nhập trận và chọn lựa Chúa là ưu tiên duy nhất cho cuộc đời mình. Chỉ có như thế thì quyền lực của sự dữ mới bị tiêu diệt dần dần để nhường chỗ cho sự hiển trị của Nuớc Thiên Chúa. Amen!

 

 

 

No comments:

Post a Comment