Wednesday, 29 May 2024

TƯỞNG NHỚ ĐỂ SỐNG!

 Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta cùng nhau cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa hay còn gọi là Lễ Thánh Thể. Thánh Thể là một bí tích cao trọng mà Chúa Giê-su đã thiết lập trong bữa Tiệc Ly sau cùng. Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giê-su Ki-tô không chỉ ban cho chúng ta chính Mình và Máu của Người, mà còn mời gọi chúng ta sống trong tình yêu và sự hy sinh mà Người đã nêu gương. Trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta thấy rõ tình yêu vô biên của Chúa dành cho chúng ta và toàn thể nhân loại. Người không chỉ nói về tình yêu của Thiên Chúa, mà còn bằng hành động Người đã chứng minh tình yêu đó qua sự hy sinh mạng sống mình trên Thập giá để cứu độ nhân loại.

Khi nói đến điểm này, lòng trí tôi hướng về tình yêu của các người mẹ. Noi gương Chúa, các bà mẹ đã luôn chăm sóc, bảo vệ và hy sinh để đem mọi điều tốt đẹp cho con cái của mình. Và đây là một mẫu gương mà tôi đã ghi lại trong ngày Mother’s Day vừa qua. Xin mời anh chị em cùng nghe lại. 

Vào năm 1995, sau vụ động đất tại Thành Phố Kô-bê, bên Nhật, người ta đào bới và khám phá dưới đống gạch vụn của một tòa nhà đã đổ nát là hai mẹ con. Người mẹ, tuy còn sống nhưng đã bất tỉnh; còn đứa cháu gái đang cố gắng ngậm chặt ngón tay của người mẹ và cố hút nguồn sống bằng máu phát xuất từ thân thể của mẹ cháu.

Sau khi phục hồi sức khỏe cho hai mẹ con. Người ta nghe bà mẹ kể lại rằng. Tuy bị chôn vùi ở dưới đống gạch đổ nát của tòa cao ốc. Nhưng hai mẹ con chúng tôi quả thật đã gặp vận may. Có một cái đà thay vì đổ suống đập vào chúng tôi thì lại bị ngăn lại bởi bức tường vụn và trở thành vật chắn giúp hai mẹ con chúng tôi không bị đè chết. Sau đó, đứa con vài tháng tuổi của chị đói quá khóc thét lên. Bà mẹ không biết phải làm gì! Dòng sữa thì khô quặn vì đã mất mấy ngày họ đâu có gì để ăn và để uống. Bà mẹ mò mẫm trong bóng tối và tay bà đã chạm vào một vật sắc và nhọn. Với bản năng yêu thương của một người mẹ, bà không kịp suy nghĩ, lập tức dùng ngay vật nhọn đó cắt vào ngón tay của mình và đặt vào miệng cháu. Cứ thế mỗi lần con của bà khóc thét lên là một vết cắt của yêu thương được xuất phát từ thân thể của bà. Cứ thế cho đến khi bà ngất đi vì bất tỉnh và không hề biết những chuyện xẩy ra sau này.

Người ta hỏi bà là khi cắt da thịt mình để lấy máu thay sữa cho con, bà không sợ chết sao? Bà trả lời rằng với bản năng của người mẹ, tôi không có thời gian để suy nghĩ. Sự sống còn của con tôi là tất cả những gì mà tôi có thể làm được; cho dù giờ này biết làm thế rồi chết, tôi vẫn làm.

            Câu nói “cho dù giờ này biết làm thế rồi chết, tôi vẫn làm” của người mẹ tại Kô-bê bên Nhật năm 1995 làm tôi nhớ lại lời di chúc của Đức Giê-su đã trối lại rằng: “Hãy làm việc này để nhớ đến Ta.” Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta tưởng nhớ đến Chúa không bằng lời nói, nhưng còn bằng hành động và sau đây là một câu chuyện.

             Có linh mục nọ vốn là giáo sư thần học về bí tích. Một bữa nọ, trong lúc ngài đang dậy về bí tích Thánh Thể ở Đại chủng viện thì được biết ngôi làng mà Ngài hay đến để dâng lễ, đã bị cơn gió lốc xoáy đến độ tàn phá một số nhà của dân nghèo. Trong số những người bị cơn bão tàn phá nhà cửa, có một gia đình kia rất nghèo nàn. Hai cụ tuy đã già mà vẫn chưa có con. Vì thế chẳng có con cháu nào đến giúp sửa chữa cho dễ ở.

Sau bài giảng lễ Chúa nhật hôm đó và các tuần kế tiếp, cha giáo nhắc nhở bà con dự thánh-lễ biết về tình trạng của hai cụ già này.

Mấy tuần sau, cũng trong một Thánh lễ Chúa nhật, cha giáo lại loan báo tuần tới ngài sẽ thôi không dâng lễ cho họ nữa. Bà con rúng động, người này hỏi người nọ: tại sao vậy? Chúng mình đã làm gì? Hay là, cha bị Đức GM đổi đi nơi khác chăng?…. Cha giáo lặng yên, chờ cho tình hình lắng đọng rồi chậm rãi nói: “Cha không bị đổi hay thuyên chuyển đi đâu hết! Cha không đến dâng lễ ở đây nữa vì anh chị em không phải là tín đồ của Chúa?” Cha nói gì vậy? Chúng con đi lễ hàng tuần, bỏ tiền xây nhà thờ và tham gia mọi lần quyên góp. Số người tham dự Thánh lễ và rước lễ hàng tuần gần chật hết nhà thờ; và Chúa nhật nào cũng có người xưng tội… Vậy mà cha lại bảo chúng con không phải là tín hữu…. Đúng vậy, anh chị em không phải là người công giáo. Họ lại lao nhao lên, mỗi người một câu lên tiếng để minh chứng họ là người có đạo…

Cha giáo nhà mình vẫn tiếp tục: “Này nhé, hơn tháng nay, kể từ ngày làng của chúng ta bị cơn lốc xoáy đến tàn phá. Cha đã nói cho anh chị em biết về tình trạng của hai cụ. Hai cụ đã già, lại neo đơn… thế mà có ai đến giúp hai cụ sửa lại căn lều đó đâu!!! Anh em cùng tham dự một bữa tiệc, cùng chia sẻ một tấm bánh, cùng uống chung một chén rượu… Và cha nghe anh chị em thanh-minh và bào chữa rằng chúng ta là tín đồ của Chúa. Vậy mà anh chị em lại khóa cửa lòng trước nhu cầu của người khác.  Anh chị em không sống điều anh chị em tuyên xưng…vậy anh chị em là tín đồ của ai?  Đó là lý do cha sẽ không đến dâng lễ nữa.”

Cả nhà thờ ngồi im lặng, không một tiếng động. Không ai dám nhìn ai…chỉ cúi đầu nhìn xuống đất… Cuối cùng, có một cụ già đứng dậy thưa với cha rằng: “ Cha nói chí lý, chúng con không xứng đáng là tín hữu của Chúa, chúng con chưa sống điều mà chúng con đã lĩnh nhận…. Nhưng thưa cha, nếu cha cũng sống điều mà cha đã nhắc nhở chúng con trong mấy tuần qua thì thật là phải đạo.”

Đến lúc này thì không phải giáo dân cúi đầu xuống, mà là cha giáo. Ngài đứng lặng yên, cúi đầu xuống….Một hồi sau,ngẩng đầu lên Ngài từ từ nói: “Cảm ơn cụ đã can đảm nhắc cho tôi; nào chúng ta cùng đi…”

Thế là thay vì nói lời kết lễ: Lễ xong chúc anh chị em về bình an. Chúa nhật hôm đó cha giáo và giáo dân kéo nhau ra đi thực hiện điều Chúa truyền “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta.

Đó là chuyện của người khác. Còn chúng ta thì sao? Bao nhiêu Thánh lễ chúng ta đã tham dự, bao nhiêu lần đã đón Chúa vào lòng. Nhưng chúng ta đã sống điều Chúa dậy chưa? làm như Chúa làm chưa? Và đây là một gương sáng nữa, xin kể nốt cho anh chị em nghe.

Có hai người bạn trẻ kia yêu nhau tha thiết. Anh chị đã đính hôn được hơn một năm và trong thời gian chuẩn bị hôn lễ thì chị phát hiện mình mắc phải căn bịnh ung thư. Theo sự chẩn đoán của các bác sĩ chuyên khoa lúc bấy giờ thì chị chỉ còn sống được khoảng một năm nữa mà thôi. Trước tình hình đó, chị đề nghị và khuyên anh nên hủy bỏ hôn lễ. Anh đáp lại rằng: anh đã yêu chị lúc mạnh khỏe thì giờ đây anh cũng sẵn sàng yêu thương chị khi lâm cảnh ốm đau. Và đám cưới của anh chị đã diễn ra như đã được dự trù. Kết quả không chỉ là một năm mà anh chị đã sống bên nhau được mười sáu năm trong cuộc chiến với căn bịnh nan y. Anh chị đã có bốn cháu.

Trong Thánh Lễ cuối đời của chị trong căn phòng tại nhà thương. Tuy thể xác rất hốc hác và gầy còm, nhưng tinh thần của chị thật tỉnh táo. Chị đã cùng gia đình dâng hy lễ cuối cùng, của lễ cuộc đời.

Trong lúc đọc lời truyền phép “…Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con.” Vị Linh Mục, bạn và là người đồng hành với gia đình anh chị đã chia sẻ rằng cuộc sống của chị đã đem lại một ý nghĩa mới về Bí Tích Thánh Thể cho gia đình anh chị và những người thân quen.

Thật vậy, cuộc sống của chị đã được chúc phúc. Chị đã được Chúa thương yêu, dìu dắt và dẫn đưa vào mối tình với chồng và các con của chị. Chính Chúa là tác giả của mối tình đó. Bổn phận của chị là đáp trả tình của Chúa bằng cách hy sinh, bẻ (break) cuộc sống của chị, trao cho chồng và con. Và bằng lời chúc tụng chị đã tán dương Tình Yêu của Chúa trong cuộc sống. Chị càng hy sinh bao nhiêu thì sự cao quí và vẻ đẹp của Thiên Chúa trong cuộc sống của chị càng được bộc lộ bấy nhiêu. Chị có thể làm được các việc đó vì chị sẵn sàng để cho tình Chúa tan chảy trong cuộc sống của chị.

Và chuyện gì phải đến, đã đến. Trước giây phút lâm chung, chị đã phó thác bản thân, gia đình và những người thân quen cho Chúa rồi thanh thản ra đi về ngôi nhà thân yêu mà tại nơi đó chị đã được người Cha thân yêu mở rộng vòng tay hân hoan đón chào.

Anh chị em thân mến,

Phần chúng ta, uớc mong Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành trong các Thánh Lễ sẽ làm sống lại những hy sinh cao cả của Chúa Kitô. Người đã tự nguyện chấp nhận đau khổ và cái chết để mở ra con đường cứu rỗi cho chúng ta. Và từ đó, cuộc sống của chúng ta hòa tan trong tình Chúa và trở thành của ăn hiến tặng cho nhau. Amen!     

No comments:

Post a Comment