Lâu lắm rồi,
tôi được nghe cha Peter Robb, một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đã kể lại một câu
chuyện. Truyện này đã xẩy ra tại nơi mà chính phủ chưa đủ khả năng để cung cấp
một nền y tế và bảo vệ sức khoẻ cho người dân, như ở Phi Luật Tân và các quốc
gia nghèo. Truyện kể như sau:
Có hai mẹ con
gốc người dân tộc thiêu số, Đu-Ma-Gat bên Phi luật Tân. Họ nghèo khổ sống với
nhau. Đã xẩy ra là con của chị mắc phải một cơn bịnh hiểm nghèo và cần một khoản
tiền để chữa trị. Hoàn cảnh của họ, tiền ăn còn chưa đủ lấy đâu mà trả tiền viện
phí và thuốc men. Cuối cùng, chị cũng đành bó tay nhìn người con ra đi!
Sau khi lo ma
chay cho cháu xong. Trong một lần dọn dẹp nhà cửa, chị tìm thấy một gói giấy nằm
trong góc tủ, sát bên bức tường bám đầy bụi bặm. Lôi gói giấy đó ra, chị đã lần
mò mở từng lớp rồi từng lớp, cuối cùng chị khám phá ra một xấp tiền, theo sự
suy đoán của chị thì đó là số tiền dành dụm của ông bố chồng. Ông đã nhét vào
nơi đó rồi với cơn bịnh đãng trí nên không còn nhớ đến nó nữa. Cầm xấp tiền
trên tay, chị nghĩ đến chú con trai mình với tâm hồn chua xót, đầy nghẹn ngào
cho số phận của cháu! Số phận của những người nghèo là như thế, cuộc đời của họ
bị bao phủ bởi đắng cay, bạc phước và bất hạnh.
Câu chuyện
nói trên khiến tôi nhớ đến vai trò của Thánh Linh trong cuộc sống mình. Người vẫn
có đó, thế mà nhiều lúc tôi cứ nghĩ Người đi vắng. Như người phụ nữ trong câu
chuyện, chúng ta có thể sở hữu một năng lực phi thường, có thể giúp mình biến đổi
từ trạng thái chết sang sống, thế mà chúng ta nhiều lần đã không nhận ra sự hiện
diện đó.
Nhìn lại lịch
sử cứu độ, đâu đâu chúng ta cũng thấy bàn tay của Thánh Linh, thần khí và sức sống
của Thiên Chúa qua Chúa Thánh Thần. Sơ lược như sau:
Thánh Thần
không chỉ là quà tặng cao quí nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta một lần mà
thôi. Ngay từ thủa sơ khai, trong trình thuật tạo dựng, tác giả sách Sáng thế
đã mô tả sự hiện diện của thần khí Thiên Chúa bay lượn là đà trên mặt nước. Rồi
đến khi tạo dựng con người như hình ảnh của Thiên Chúa; tác giả một lần nữa, bằng
một thể văn rất ấn tượng, ẩn chứa một ý nghĩa thật sâu sắc khi mô tả việc Thiên
Chúa thổi sinh khí vào pho tượng mà ban cho con người sự sống. Chính Thần Khí,
hơi thở của Thiên Chúa là nguồn sự sống của nhân loại.
Thánh Thần hoạt
động liên lỉ trong dòng lịch sử của dân Do Thái nói riêng và toàn thể nhân loại
nói chung. Ngài hiện diện với mọi dân tộc. Ngài xuất hiện tựa làn gió, thổi sức
mạnh và hơi ấm đến mọi người, mọi nơi và mọi chốn. Không một cá nhân hay tổ chức
nào có thể cầm giữ và điều khiển được Ngài.
Rồi đến lượt các Tông đồ, Chúa Thánh Thần hoạt động nơi các ngài.
Trước đó các ngài đã từng theo Chúa, đã từng nghe bao lời dạy dỗ của Chúa, đã từng
chứng kiến bao phép lạ của Chúa. Thế mà chỉ vì sợ hãi nên cho dù sau các lần hiện
ra, với lời chúc bình an và qua việc Chúa thổi hơi trên các ông; thế mà các ông
vẫn lo sợ, trốn chui trốn nhủi trong nhà. Thậm chí đến ngày Chúa về trời và sai
các ông tiếp tục sứ mạng của Chúa, thế mà vẫn còn có các Tông Đồ cho rằng đó là
lúc Người khôi phục vuơng quyền Israel. Thì ra, óc não chính trị, tìm kiếm chức
quyền là những vật cản khiến các ông không nhận ra chân tướng và sứ vụ của Đức
Giê-su.
Thế rồi Chúa
Thánh Thần ngự đến và các ông được biến đổi hoàn toàn: nhiệt thành và can đảm
rao giảng Tin Mừng. Phêrô đã từng run sợ chối Chúa trước mặt những người đầy tớ,
thế mà sau biến cố Thánh Thần ngự xuống, ông đã đứng trước một đám đông rao giảng
hùng hồn về sự chết và sống lại của Đức Giê-su, khiến cho mấy ngàn người bị đánh
đông và trở lại với niềm tin Phục Sinh.
Như Phêrô,
chúng ta đuợc mời gọi đóng góp công sức của mình. Nhưng chính Chúa Thánh Thần mới
là nguồn động lực họat động nơi kẻ nói và người nghe; để ai nói sẽ nói Lời Chúa
và kẻ nghe cũng sẽ đón nhận bằng một con tim bằng thịt mà tin và trở lại với sự
thật là Tình Yêu của Chúa đã thể hiện qua sự chết và Phục sinh của Đức Giê-su.
Một cách cụ
thể, trong bài đọc một mà chúng ta vừa nghe hôm nay. Sau khi Chúa Thánh Thần ngự
xuống, các Tông Đồ nói đuợc các thứ tiếng mà những người nghe đến từ các nơi đều
hiểu các ngài muốn nói gì. Chúng ta có thể giải thích rất đơn giản là các ngài
được ơn nói ngoại ngữ. Thật ra, dân chúng tập hợp tại Giê-ru-sa-lem vẫn còn giữ
nguyên nền tảng cá biệt của dân tộc họ và ngôn ngữ riêng của họ. Nhưng quyền
năng của Chúa Thánh Thần đã hoạt động để các ngài có thể diễn đạt sứ điệp yêu
thương của Thiên Chúa cho mọi người.
Như vậy, tuy
họ vẫn còn sự khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ, chủng tộc hay mầu da; nhưng bằng
Tình yêu con người có thể đón nhận và hiểu sứ điệp của Thiên Chúa muốn nói gì
qua lời rao giảng của các Tông Đồ. Trong Tình yêu, dù vẫn còn khác nhau, nhưng
trong sự khác nhau đó, con người vẫn đồng cảm, thông hiệp và yêu thương nhau
hơn. Chỉ có ngôn ngữ của yêu thương mới giúp con người nối kết được với nhau.
Tình Yêu là hoa quả mà Chúa Thánh Thần tác động và ban cho con người. Nói khác
đi, Chúa Thánh Thần là nguồn suối, hoa quả của yêu thương mà Chúa Cha và Chúa
Con trao ban cho những kẻ thuộc về Người.
Sự thán phục của
dân chúng từ khắp phương thiên hạ kéo về Giê-ru-sa-lem dành cho các Tông Đồ
không phải vì các ngài thông thái hay tài giỏi, can đảm hay mạnh dạn; nhưng vì
các ngài đã để cho Thánh Thần ngự xuống trên môi miệng mà ca tụng và loan báo
những kỳ công của Thiên Chúa. Như vậy, quả là rõ ràng cho chúng ta nhận thấy rằng
Chúa Thánh Thần đã dùng các ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau để truyền đạt sứ
điệp của Chúa cho con người. Khác xa với quan niệm cho rằng chỉ có dân tộc này,
ngôn ngữ kia, văn hoá nọ mới mang tính ưu vượt và duy nhất để truyền đạt tư tưởng
và sứ điệp của Chúa.
Chúa Thánh Thần
hoạt động trong mọi dân tộc, như dân thành Ê-phê-sô khi xưa. Họ chưa từng nghe
biết về Chúa Thánh Thần, nhưng họ đã tin. Đức Tin này không phải là khám phá của
họ, nhưng đó chính là hoa quả của Thần Khí! Ai trong chúng ta dám khẳng định rằng
Thánh Thần chưa hoạt động nơi họ. Nếu đã không dám khẳng định thì tin là giải
pháp thuận lợi nhất.
Anh chị em
thân mến,
Chúa Thánh Thần
đã đuợc diễn tả qua các biểu tượng như gió, cuồng phong và lửa. Và như anh chị
em đã từng có kinh nghiệm: gió muổn thổi đâu thì thổi, nào ai biết được gió từ
đâu đến và sẽ đi về đâu; cuồng phong mà đến thì ai cản được!
Vì thế, nhân
dịp mừng Lễ Chúa Thánh Thần ngự xuống hôm nay, xin mời anh chị em cùng tiếp tục:
·
Hãy nói lời yêu thương. Vì một khi chúng ta nói với nhau bằng tiếng
nói của yêu thương thì chúng ta sẽ chạm đến những cảm xúc chân thật của con tim;
từ đó mọi gắn bó và các dây liên kết của chúng ta sẽ bền chặt hơn bởi Thánh
Linh.
·
Hãy tạo mọi cơ hội để tiếng nói của mình xứng đáng truyền đạt sứ
điệp yêu thương của Thiên Chúa.
·
Và, đừng dập tắt hay từ khước nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh
Thần, Đấng đang hiện diện và hoạt động nơi con người tại các nền tôn giáo khác,
nơi các dân tộc khác, thậm chí ngay cả trong các tổ chức mà nhiều người lầm tưởng
là họ đang chống lại Giáo Hội. Có thể, ở một bình diện nào đó, họ không đồng ý
với lối hành xử thiếu tính con người, không có dân chủ trong một hình thức cơ
chế nào đó của Giáo Hội. Nhưng qua nỗ lực, sự thành tâm và thiện chí xây dựng;
chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần vẫn hiện diện trong các nỗ lực mà họ đang làm
để giúp chúng ta hành xử và xây dựng một thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô theo
đúng ý Chúa hơn.
Sau cùng,
Thánh Linh, khấn xin ngự đến và giúp chúng con nhận ra các hoạt động của Người
không chỉ trong cuộc sống của chúng con mà thôi; nhưng còn mở tung cánh cửa tâm
hồn của chúng con, và tác động thật mãnh liệt để chúng con còn nhận ra sự hiện
diện và tác động của Thánh Linh nơi mọi người; hầu chúng con đủ can đảm ra đi
mà làm chứng cho sự thật, làm chứng cho Tin Mừng như các Tông đồ khi xưa. Amen!
No comments:
Post a Comment