Wednesday, 12 March 2025

HIỂN DUNG: GẶP CHÚA ĐỂ ĐI TIẾP.

 

Anh chị em thân mến,

Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại biến cố Chúa Giê-su tỏ vinh quang cho các môn đệ. Cho dẫu là một con người nhưng Đức Giê-su còn ý thức Người là Con Thiên Chúa, là Đức Mesia, được Thiên Chúa sai đến để chu toàn ý của Thiên Chúa. Và ý của Thiên Chúa muốn Chúa Giê-su thực hiện là hy sinh để cứu độ muôn người. Vì thế, biến cố Hiển Dung hôm nay thật quan trọng. Nó được coi như ‘trình thuật bản lề’ trong hành trình sứ mạng của Đức Giê-su. Biến cố này chấm dứt giai đoạn rao giảng của Đức Giê-su tại Ga-li-lê và mở ra con đường lên Giê-ru-sa-lem của Chúa.

Tại Giê-ru-sa-lem Chúa sẽ bị chối từ, bị đánh đập và cuối cùng bị chết. Đó là điều mà các môn đệ không thể chấp nhận được việc Thầy mình đi vào ngõ cụt. Vì thế, các ông đã lên tiếng ngăn cản Thầy lên Giê-ru sa lem để chịu thống khổ và bị chết. Nhưng các ông có biết đâu rằng quan niệm của các ông về vai trò của Đấng Mesia sai với ý của Thiên Chúa. Các môn đệ nghĩ rằng vai trò của Đấng Mesia là giải thoát dân khỏi ách nô lệ của đế quốc Roma cho nên các ông đã không nhận ra ý của Thiên Chúa muốn Thầy mình phải vượt qua: Đó là phải vượt qua đau khổ mới được vinh quang.

Vì thế, hôm nay qua biến cố hiển dung, Đức Giê-su đã hé mở cho các ông nhìn thấy trước vinh quang Phục sinh mà Người sẽ đón nhận từ tay Thiên Chúa để các ông đủ sức chấp nhận và đồng hành với Người trên con đường khổ nạn và chết đi trên Giê-ru-sa lem.

Sau này, biến cố hiển dung của Đức Giê-su còn đóng một vai trò thật quan trọng trong hành trình đức tin và đời sống của các tín hữu thuộc về các cộng đoàn tiên khởi và chúng ta ngày hôm nay. Quả thật, chúng ta không nên quên thực trạng đời sống của các tín hữu thời sơ khai. Họ đã để lại cho chúng ta một mẫu gương gắn bó với Đức Giê-su và với nhau. Cho dù họ bị chối từ, bị coi thường, bị theo dõi, bị săn lùng và thậm chí bị giết chết; nhưng vẫn quyết tâm và thành tín để trao đổi cho nhau qua việc chia sẻ và nói về Đức Giê-su. Trong số những san sẻ đó có chuyện tích hiển dung hôm nay.

Khi nói về biến cố này, họ đã cảm nghiệm có một sự thay đổi nơi con nguời của họ. Ánh vinh quang cuả Thiên Chúa đã chiếu toả để cho hình ảnh của Thiên Chúa nơi các tín hữu được rõ ràng hơn. Một con người có Chúa là như thế, dung mạo sẽ toát lên một sức mạnh mà chỉ có nhưng ai ở trong Chúa mới có được. Sự hiện diện của Thiên Chúa là thế!

Như vậy, biến cố hiển dung của Đức Giê-su không chỉ nâng đỡ và hỗ trợ cho các môn đệ đủ can đảm đối diện với các thử thách và đau khổ trong khi thi hành sứ vụ; nó còn chất chứa một lời mời gọi tất cả những ai tin vào Chúa là hãy sẵn sàng tham dự vào những gì mà Đức Giê-su đã thực hiện trong cuộc sống. Chúng ta không được phép thụ hưởng, cho dù đó là những giây phút tuyệt diệu nói lên mối dây thân tình giữa ta và Chúa.

Các kinh nghiệm mật thiết đó không làm chúng ta quên đi sứ mạng của chính mình; nhưng đem chúng ta đến vì phần ích và niềm vui của người khác. Tâm tình này cũng giống như uớc muốn của thánh Phao-lô. Kể từ ngày gặp Chúa Giê-su, ngài đã không còn sống cho riêng mình nữa nhưng chỉ sống cho Chúa, chỉ hành động vì danh Chúa, và khao khát được ở với Đức Ki-tô. Nhưng vì ích lợi của các tín hữu mà ngài đã chấp nhận ở lại để chu toàn trách nhiệm là đem niềm vui đức tin cho mọi tín hữu.

Kinh nghiệm gặp gỡ với Chúa lúc ẩn lúc hiện. Ngay lúc chúng ta tưởng như là Người đang hiện diện trước mắt khiến chúng ta vui quá nên đã muốn dựng lều như ý định của Phê-rô hôm nay, lại là lúc Người vụt mất để nhường chỗ cho quyền năng cuả Thiên Chúa được thể hiện qua sự xuất hiện của đám mây và tiếng nói của Ngài “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” Và sau lời tuyên phán cuả Thiên Chúa thì các ông bừng tỉnh, trở về với thực tế và chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. 

Như vậy, qua Lời Chúa phán hôm nay, chúng ta được mời gọi để nhận ra rằng Đức Giê-su không chỉ là Đấng Cứu Thế. Người còn là Con yêu dấu của Thiên Chúa, Đấng mà Thiên Chúa đã tuyển chọn. Ngôi thứ và nhiệm vụ của Người thì vượt xa so với tổ phụ Mai-sen và truyền thống các ngôn sứ mà E-li-a là người đại diện đã xuất hiện hôm nay. Tiếng cuả Thiên Chúa còn yêu cầu chúng ta hãy lắng nghe và vâng theo Lời Đức Giê-su; có nghĩa là hãy nhớ lại các lời tiên báo mà Người sẽ thực hiện tại Giê-ru-sa-lem trong hành trình sắp tới; đó là việc Đức Giê-su sẽ phải chịu muôn vàn thống khổ, bị loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Và, đây có thể là nội dung của cuộc bàn luận của Đức Giê-su với Mai-sen và E-li-a về những gì mà Người sẽ chu toàn tại Giê-ru-sa-lem.

Để tuân theo và hoàn tất ý định của Cha Người, Đức Giêsu sẽ đạt được vinh quang như đã có từ trước với Chúa Cha, khi Người sẵn lòng đón nhận và đi vào các nỗi thống khổ của thế gian để chữa lành và phục hồi những khuôn mặt đã bị biến dạng bởi bạo lực, bởi lòng tham muốn và ích kỷ mà trên thực tế các điều ghê sợ đó vẫn tồn tại trong môi trường của chúng ta đang sống.

Đó chính là con đuờng mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho Đức Giê-su, Con yêu dấu của Ngài và dĩ nhiên cho cả chúng ta nữa. Hành trình càng gian khổ bao nhiêu thì ánh vinh quang càng toả sáng bấy nhiêu. Sứ vụ của Đức Giê-su và cũng là sứ vụ của chúng ta hôm nay không dừng lại ở chốn đau khổ, cũng không chỉ nhắm về tương lai mà quên đi các thử thách và gian nan trong hiện tại. Hai mặt đau khổ và vinh quang cần được nối kết với nhau. Không trải qua gian khổ, không đón nhận cái chết thì vinh quang có được cũng là giả tạo, không bền vững.

Vì thế, trình thuật hiển dung hôm nay không chỉ cần cho chúng ta trong Mùa chay này mà thôi; nhưng ứng dụng của nó cần được thể hiện trong hành trình và sứ vụ của người môn đệ. Đời sống của chúng ta rất cần những giây phút “hiển dung” – những lúc cầu nguyện sốt sắng, cảm nhận tình yêu Chúa, nhưng chúng ta không dừng lại ở đó. Đức tin đích thực không chỉ là những cảm xúc thiêng liêng. Chúa hiển dung để giúp chúng ta biến đổi chính mình. Từ bỏ những thuận lợi của thế gian, ra khỏi tháp ngà của bản thân, dấn thân và hy sinh phục vụ tha nhân.

Như vậy, chúng ta không thể né tránh con đường thập giá. Thử thách, gian nan và đau khổ là một phần trong hành trình của sứ vụ. Nhưng nếu chúng ta cứ mãi mê nhìn và chiến đấu với các khó khăn cũng làm cho chúng ta mệt nhoài. Hãy ôn lại các lần gặp gỡ giữa Chúa và ta, hãy nhớ lại việc Chúa can thiệp để biến đổi chúng ta… tất cả những kinh nghiệm của những lần gặp gỡ Chúa sẽ là những cuộc hiển dung của Thiên Chúa nhằm giúp chúng ta mạnh dạn, can đảm buớc đi và đi mãi cho đến cùng của hành trình Thương Khó, chết đi cho những biến dạng của thế tục và mãi để cho hình ảnh của Thiên Chúa được bộc lộ một cách thật rõ ràng qua thân xác vinh hiển của Đức Ki-tô phục sinh, Đấng đã cho các môn đệ nếm hưởng ánh vinh quang Phục Sinh trong biến cố hiển dung hôm nay. Amen!

No comments:

Post a Comment