Thursday, 29 May 2025

Về Trời Để Cùng Hiện Diện

 

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta long trọng mừng Lễ Chúa Giê-su lên trời. Bài đọc một và trình thuật Tin Mừng tuy có một chút khác biệt, nhưng nội dung chính yếu vẫn nói về việc Đức Giê-su được cất nhắc lên trời trước mắt các môn đệ. Như vậy câu hỏi đầu tiên chúng ta cần san sẻ cho nhau là trời ở đâu?

Trời là nơi Chúa ngự. Ngự trị không nhắm đến nơi chốn cho bằng mô tả sự hiện diện của Chúa. Sự hiện diện này sẽ không còn tuỳ thuộc vào một khoảng không gian nào đó hay một mốc thời gian nào của lịch sử; nhưng là một sự hiện diện không bị giới hạn bởi không gian và không lệ thuộc vào thời gian. Thiên Chúa hiện diện từ trước và cho đến muôn đời, vô thủy vô chung. Như vậy ở đâu có Chúa là ở đó có trời. Và như lời Chúa đã phán thì ở đâu có hai hay ba người họp lại vì danh Chúa thì Chúa hiện diện giữa họ. Ý nghĩa của câu này có thể giải thích là ở đâu có sự hiệp nhất, thông cảm, yêu thương thì có Chúa ở đó; nói khác đi tại nơi đâu mà con người cùng chia sẻ một đức tin, cùng san sẻ và trao ban một lòng mến thì tại nơi đó có sự hiện diện của Chúa.

Như vậy, trời hay thiên đàng không ám chỉ đến địa danh hay nơi chốn nào đó cho bằng đó là một cách nói để diễn tả nơi Chúa ngự. Nói khác đi, khi nói đến việc Chúa lên trời là chúng ta nói đến việc Chúa Giê-su ngự bên hữu Thiên Chúa.

Có phải cho đến hôm nay Chúa mới đuợc đưa lên trời hay không?

Thật ra, Đức Giê-su đã về nhà Cha, tiếp nhận vinh quang như đã có từ Thiên Chúa ngay khi Người trút hơi thở và trao ban Thần Khí cho những ai đứng bên Thập Giá. Việc Chúa Giê-su được cất nhắc về trời hôm nay không phải là việc ra đi để rồi không hiện diện nữa; nhưng đây chính là một sự hiện diện mới mà chúng ta và các môn đệ cần nhận ra bằng con mắt đức tin và thể hiện bằng việc làm để minh chứng điều mà chúng ta và các môn đệ đã tin.

Vì thế, không có chuyện vắng mặt. Đức Giêsu, Đấng đã chịu thương tích và bị giết vào dịp lễ Vượt Qua vẫn hiện diện và không hề bỏ rơi các môn đệ; Người đã sống lại và tiếp tục sống cho họ và ở với họ như những gì mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một hôm nay, đó là “sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa.”

Cách thức hiện diện tuy khác, nhưng Người không hề bỏ rơi họ. Trong khi thi hành sứ vụ, Người đã không thể ở với mọi người tại mọi nơi khác nhau. Nay qua sự chết trong vâng phục mà Người đã được tôn vinh và hiện diện ở mọi nơi, mọi chốn và ở với mọi người trong mọi cảnh huống của đời họ.

Chúng ta mừng sự thay đổi, hân hoan đón nhận cách thức hiện diện mới của Chúa. Tuy, chúng ta không còn đuợc tiếp cận với con người bằng xương bằng thịt của Chúa nữa. Nhưng với Thân Thể Mầu nhiệm của Đức Ki-tô là Giáo Hội, chúng ta đuợc liên kết với Người như Lời Người đã phán: “Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ.”

Mặc dầu các dấu chỉ biểu lộ uy quyền của Thiên Chúa có thể thay đổi so với các việc làm của các tín hữu thuộc các công đoàn sơ khai; nhưng nguồn gốc và sức mạnh vẫn xuất phát từ Chúa. Người vẫn hoạt động thông qua những kẻ đi theo Người. Người về trời ngự bên hữu Thiên Chúa không phải để đuợc tôn vinh mà thôi, nhưng còn tiếp tục làm việc nơi các môn đệ qua quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa, đó chính là sức mạnh của Thánh Linh như Chúa đã hứa “các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong tất cả xứ Giu-đê-a và Sa-ma-ri-a, và cho đến tận cùng trái đất”.

Với sức mạnh của Chúa Thánh Linh, các Tông Đồ và nhóm môn đệ mọi thời đã hoàn tất sứ mạng của họ. Còn chúng ta hôm nay thì sao?

Sống trong một thế giới đầy tranh chấp và bạo lực, chúng ta đuợc mời gọi trở nên sứ giả của hoà bình.

Sống trong một tập thể mà người ta tìm cách loại bỏ nhau vì ghen ghét, đố kỵ và thù hằn thì chúng ta lại đuợc mời gọi sống yêu thương, sống hiệp hành trong tình liên đới với nhau.

Sống trong môi trường mà con người chỉ biết tham lam và tranh dành địa vị thì chúng ta lại được mời gọi sống bác ái và khiêm nhường trong việc phục vụ.

Tất cả đều là dấu chỉ nói lên lời mời gọi của Chúa Giê-su Phục Sinh, Đấng tiếp tục hiện diện và hoạt động trong cộng đoàn của các kẻ tin.

Vì thế, câu hỏi mà chúng ta phải đối diện hôm nay là sống thế nào trong vai trò chứng nhân về sự hiện diện của Chúa? Đó cũng là thử thách mà Tin mừng đề ra cho các tín hữu tại Ga-li-lê-a khi xưa và cho chúng ta hôm nay “Hỡi những người Ga-li-lê-a, sao còn đứng đó nhìn trời.” Có nghĩa là tại sao chúng ta vẫn còn ngồi đó mà tiếc nuối quá khứ! Sao cứ khư khư ôm lấy vinh quang mà không dám trở về với cuộc sống hiện tại để chu toàn phận sự đã được trao phó?

Và khi thi hành nhiệm vụ đã được Chúa trao phó, chúng ta không làm một mình vì chúng ta tin rằng Chúa đang đồng hành với chúng ta.

Chúng ta vẫn nương tựa vào Chúa. Chúng ta vẫn gắn bó và nối kết mật thiết với Người. Tuy nhiên, chúng ta không ngồi đó chờ Người làm thay các việc mà chúng ta cần làm.

Chúng ta sẽ không yêu cầu Chúa đến làm phép lạ biến chúng ta thành các ngôi sao, thay vào đó, trong niềm tin, chúng ta tin chắc Người đang đồng hành với chúng ta, soi sáng và mở mắt để chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa nơi Lời Chúa, trong các việc làm của Hội Thánh và những sự kiện đang xảy ra quanh chúng ta. Thiên Chúa đã không hề bỏ rơi chúng ta nhưng hiện diện trong những gì đang diễn ra trong cuộc sống của chúng ta ngay bây giờ và mãi mãi.

Chúa đã đi đâu là việc của Chúa! Việc của chúng ta phải làm là thực hiện lịnh truyền mà Chúa phán trước khi được cất nhắc lên trời, đó là: “anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” Đây là niềm vinh dự. Vai trò chứng nhân cho đến tận cùng trái đất được trao cho Hội Thánh, và nhờ việc làm của Hội Thánh mọi thời mà thế gian nhận biết chúng ta là môn đệ của Người.

Sau cùng, Lễ Chúa Lên trời không phải là lễ tưởng niệm cuộc ra đi hay ly biệt của Chúa. Nhưng, đây là lễ của niềm hy vọng. Chúa Giêsu không còn hiện diện theo cách cũ, nhưng Ngài vẫn ở giữa chúng ta bằng một sự hiện diện mới: vô hình nhưng đầy sức mạnh và quyền năng, âm thầm nhưng đầy tác động của yêu thương.

Phần chúng ta, hãy mở lòng ra để nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong các buổi cử hành phụng vụ mà cao điểm là Thánh lễ, trong Lời Chúa, nơi tha nhân và trong chính cuộc đời mình. Và khi cảm nghiệm được việc Chúa đang đồng hành, chúng ta sẽ không còn cô đơn hay lo sợ, vì biết rằng Chúa đang ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Amen!

Saturday, 17 May 2025

TÌNH YÊU THÚC ĐẨY TÌNH YÊU

 

Để bắt đầu bài suy niệm Chúa Nhật thứ Sáu, mùa Phục Sinh năm nay. Xin mời anh chị em nghe một câu chuyện. Câu chuyện này được một thầy già kể lại cho con cháu và các thế hệ đàn em nghe cho vui.

Truyện xẩy ra vào năm 1978, một số tu viện tại Thủ Đức bị chính quyền tịch thu và đóng cửa. Các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, người thì bị giam giữ, người khác bị đuổi về nhà. Nói chung, đời sống cộng đoàn của các tu sĩ bị phá vỡ.

Trong thời gian bị giam giữ, hàng ngày họ phải học tập về chính sách mới. Vào một buổi học tập nọ, để khai mạc, bằng môt lối nói châm biếm, pha chút ngạo mạnđắc thắng anh cán bộ phụ trách đã nói rằng: “Trong những ngày vừa qua chắc các ông đã cầu nguyện nhiều để thoát khỏi tay chúng tôi. Nhưng các ông thấy đó, làm sao có thể thoát khỏi tay chúng tôi được”. Nghe thế, một trong các tu sĩ trong nhóm đã thản nhiên đáp trả: “Quả thật chúng tôi đã cầu nguyện nhiều, nhưng chúng tôi không cầu nguyện để thoát khỏi tay các ông, mà chúng tôi đã cầu nguyện để được ở lại trong bàn tay yêu thương của Chúa. Và chúng tôi cũng cầu nguyện cho các ông được Chúa yêu thương nữa.”

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày đầu của sứ vụ, Đức Giê-su đã mời các môn đệ hãy đến mà xem và họ đã đến, đã xem và ở lại với Chúa. Ở lại trong lòng bàn tay yêu thương của Chúa, ở trong con tim của Người là mục tiêu mà chúng ta, những tín hữu của Chúa phải theo đuổi. Và đây cũng là một trong những sứ điệp mà tác giả của Tin mừng theo Thánh Gio-an muốn nhắm đến.

Bài Tin mừng hôm nay là một phần trong diễn từ cáo biệt của Đức Giê-su. Đó chính là tâm huyết, những lời nhắn nhủ, trăn trối của Đức Giê-su dành cho các môn đệ và những ai mà Người yêu thương hết lòng. Tuy nhiên, các môn đệ làm thế nào có thể hiểu và cảm nghiệm điều Chúa nói hôm nay!

Cũng như chúng ta, các môn đệ hoang mang và lo sợ về sự ra đi của Người. Làm sao các ông có thể hiểu được điều Chúa nói rằng việc ra đi của Chúa sẽ mang lại lợi ích nhiều cho các ông hơn? Thấy vậy, Đức Giêsu đã trấn an các ông, Người ban cho các ông sự bình an để các môn đệ đừng xao xuyến cũng đừng lo âu và sợ hãi, vì Người ra đi rồi sẽ đến cùng và ở với các ông. Người còn nói điều này chỉ xẩy ra cho các ông nếu họ yêu mến Người. Vì thế, Đức Giêsu khuyên các ông hãy giữ mối tình thắm thiết với Người. Đối với Chúa, không có chuyện “xa mặt cách lòng” như chúng ta.

Thật vậy, Đức Giê-su biết rằng giờ ra đi của Người đã đến. Việc Người ra đi để đón nhận cái chết có thể được coi như một cuộc chiến thắng của quyền lực bóng tối, chống lại ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng thật ra đây là dịp để tình yêu của Thiên Chúa được bộc lộ trọn vẹn nơi sự vâng phục của Đức Giê-su. Vì thế, trước khi nói những lời trăn trối này, Đức Giê-su đã khẳng định rằng giờ Người rời bỏ thế gian là giờ mà Thiên Chúa muốn dùng để diễn tả tình yêu cao siêu của Ngài dành cho thế gian mà Ngài vẫn yêu thương họ đến cùng. Tình yêu đó được diễn tả qua việc rửa chân cho các môn đệ. Và Người truyền cho họ hãy noi gương Thầy, học theo cách thức yêu thương của Thầy đối với Chúa Cha.

Qua lối sống yêu thương, chúng ta làm cho Lời Chúa phán “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” được ứng nghiệm. Có nghĩa là, kể từ nay, yêu mến là dấu chứng, là ấn tích về sự hiện diện của Thiên Chúa. Người đến và ở lại với ai yêu mến Thầy.

Lời Chúa nói thật đơn sơ. Không chau chuốt, không phức tạp, không cầu kỳ. Đó là những điều mà chúng ta có kinh nghiệm trong cuộc sống. Khi bạn đã yêu thì chỉ muốn nghe người yêu mình nói chuyện hay ít nhất là được nghe người ta nói về người mình yêu. Mức độ cảm xúc của con tim bạn tùy thuộc vào mức độ yêu thương mà chúng ta dành cho nhau.

Trong thân phận con người mà chúng ta còn hành xử được với nhau như thế, phương chi mối tình của mình với Chúa. Người hết mực yêu thương chúng ta thì việc lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa là việc chính đáng và phải đạo. Và hiệu quả của việc lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa hôm nay là Thiên Chúa sẽ yêu mến chúng ta.

Còn hơn thế nữa, Thiên Chúa và Đức Giê-su sẽ đến và ở lại với người ấy. Đây không chỉ là lời hứa về sự hiện diện mà thôi, đó còn là cách thức chúng ta cần làm để cho Lời của Chúa phán hôm nay được ứng nghiệm.

Sự hiện diện ấy, người tín hữu phải có bổn phận làm lan tỏa cho những người chung quanh nhận biết bằng việc tuân giữ giới răn của Chúa Giêsu, nghĩa là ở lại trong Người, sống với Người, sống bằng chính sức sống của Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến để tiếp tục dậy bảo và nhắc lại mọi điều mà Đức Giê-su đã nói hôm nay.

Chúng ta không thể cho đi điều mình không có. Chúng ta không thể thuyết phục người khác sống yêu thương trong khi mình lại hay giận ghét. Làm thế nào chúng ta chứng tỏ sự hiện diện của Chúa là tình yêu trong khi chúng ta không biết thương nhau. Nói chung, người môn đệ của Chúa sẽ không còn là chứng nhân nếu cuộc sống của họ thiếu chứng từ. Hôm nay, Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách làm chứng cho sự hiện diện ấy, đó là tuân giữ các giới răn của Người, tức là yêu thương nhau.

Theo tương truyền, anh chị em tín hữu tiên khởi đã làm cho những người chưa biết Chúa phải ngạc nhiên về lối sống của họ mà phải thốt lên rằng: “Kìa xem họ yêu thương và săn sóc nhau dường nào!” Đó cũng là thách đố đang được đặt ra cho chúng ta hôm nay là phải có lối sống như thế nào để sự hiện diện của Chúa không chỉ giới hạn trong các nghi thức phụng vụ hay các sinh hoạt tôn giáo, mà phải được thể hiện trước tiên bằng chính cuộc sống của chúng ta.

Lời đáp trả của vị tu sĩ già năm xưa: “Quả thật chúng tôi đã cầu nguyện nhiều, nhưng chúng tôi không cầu nguyện để thoát khỏi tay các ông, mà chúng tôi đã cầu nguyện để được ở lại trong bàn tay yêu thương của Chúa. Và chúng tôi cũng cầu nguyện cho các ông được Chúa yêu thương nữa.” cần được ứng dụng trong cuộc sống yêu thương của chúng ta.

Vì thế, uớc gì qua cuộc sống mỗi ngày, chúng ta luôn được Chúa yêu thương, và sẵn sàng đáp trả tình yêu của Chúa bằng cách lưu lại trong bàn tay và trái tim yêu thương của Ngườiquyết tâm thương yêu nhau để người ta nhận ra chúng ta là môn đệ của Người. Amen. Alleluia!

YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA YÊU

 

Bài Tin Mừng hôm nay, tuy vỏn vẹn chỉ có bốn câu, nhưng chất chứa một sứ điệp thật quan trọng.

Trong hai câu đầu, Thánh sử trình bầy việc ra đi của Giu-đa. Hành động này của ông báo hiệu giờ của đêm tối đã đến. Vẫn biết rằng, tự bản chất, sứ vụ và nội dung các lời giảng dậy của Đức Giê-su đã gây ra nhiều cuộc tranh luận và đã tạo nên một làn sóng xung đột vô cùng căng thẳng với hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo, nói riêng tại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Việc Người bị giao nộp là chuyện đương nhiên sẽ xẩy ra. Nhưng đối với Thiên Chúa thì việc làm của Giu-đa hôm nay lại là cơ hội để Đức Giê-su làm trọn vai trò của Người. Do đó, một cách nào đó chúng ta có thể nhìn việc ra đi của ông giống như hình ảnh của bóng tối. Một khi bóng tối khuất đi thì ánh sáng sẽ xuất hiện.

Đức Giê-su không để cho hành động của Giu-đa ảnh hưởng trên sứ mạng của Người. Người biết sẽ phải làm gì. Người nói “giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.” Hành vi nộp Người của Giu-đa lại biến thành giờ để Đức Giê-su thực hiện và sống ơn gọi của Người một cách trọn vẹn nhất. Qua đó, Chúa được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi việc Chúa bị treo lên. Treo lên để được tôn vinh. Kể từ giờ Con Người bị treo lên thì mọi gối đều phải quì xuống bái lậy mà tôn vinh Người. Cả cuộc đời của Người, bao gồm mọi khoảnh khắc trong khi thi hành sứ vụ, Đức Giê-su luôn hướng về giờ mà Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người. 

Và hôm nay trong giây phút thân tình với các môn đệ, Người đã tâm sự cho các ông biết ý nghĩa về việc được tôn vinh trong vâng phục của Người. Đức Giê-su cảm thấy bị xúc động khi Người phải từ giã các ông. Người trăn trối cho các môn đệ những điều mà Người đã ưu tư, ôm ấp và khát khao thực hiện.

Chúa phán: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” Điều Thầy ban cho các môn đệ đêm nay vô cùng quan trọng.

Trước tiên, Thầy không chỉ truyền lịnh. Nhưng Thầy đã trao cho những người bạn thiết nghĩa của Thầy chính cử chỉ và hành động mà Thầy đã thực hiện trong một bữa ăn, Những lời tâm sự của Thầy nằm trong bối cảnh của bữa tiệc ly, trong bữa ăn đó “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.” (Gio-an 13: 4-5) Hành động của Thầy khiến cho họ ngạc nhiên, nên Người đã giải thích “nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Gio-an 13: 13-14)

Kế đến, đó là lịnh truyền, giới răn, mệnh lệnh của Thầy yêu cầu. Điều Thầy truyền hôm nay vô cùng mới mẻ. Nó khác với cách hành xử mà con người dành cho nhau. Vẫn biết rằng, đạo nào cũng dậy con người làm lành tránh dữ và yêu thương nhau. Nhưng, điều đặc sắc và mới mẻ mà Đức Giê-su tỏ bầy hôm nay, đó là yêu người như Chúa yêu. Đức Giê-su gọi việc làm đó là giới răn, điều luật để trở nên thành viên cho một nhóm; có nghĩa là từ nay yêu thương sẽ là dấu ấn, bằng chứng, bản chất và danh xưng của những người thuộc về nhóm mà người ta gọi là nhóm môn đệ được Chúa yêu thương.

Như vậy, yêu thương là bổn phận và là dấu chỉ chính thức của người môn đệ Chúa. Yêu thương theo mẫu mực của Chúa. Yêu thương như Chúa đã làm là quì xuống rửa chân cho kẻ kém hơn mình, rửa những vết thương hôi thối, rửa những lỗi lầm, xóa bỏ những hận thù ghen ghét đã tạo nên sự nghi kỵ và chia rẽ trong cộng đồng. Rửa chân không nhằm nói đến việc tự hạ cho bằng đó là dịp để Chúa sống trọn vẹn ơn gọi mà Người đã lãnh nhận từ Cha; và trao ban cho các môn đệ. Những việc làm này là bổn phận của mỗi Kitô hữu, môn đệ của Chúa.

Thật vậy, đạo mà chúng ta đang theo là con đường mà Chúa đã đi. Đó không chỉ bao gồm những điều phải tin, và cũng không chỉ gồm tóm những điều khoản phải giữ; nhưng là con đường yêu thương. Vì thế, cách sống đạo đích thật mà chúng ta cần thực hiện là hãy trao ban và đón nhận tình yêu như cách thức của Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần biết mục tiêu và đối tượng để giãi bầy tình yêu; bởi vì không ai trong chúng ta có thể nói rằng mình đang yêu nếu đối tượng mình yêu không thật sự hiện hữu. Sự hiện hữu của đối tượng cũng mang nhiều mức độ và nằm trong nhiều cảnh huống khác nhau. Nhưng, tất cả đều có một mẫu số chung, đó là nếu muốn thể hiện tình yêu thì chúng ta cần từ bỏ tháp ngà, ý riêng của chính bản thân, ra đi để gặp gỡ họ.

Họ là ai? Họ là anh, là chị hoặc tôi, những người thân quen trong gia đình, xóm giáo, các nhóm cầu nguyện và đặc biệt hơn nữa, Thiên Chúa còn hiện diện nơi những người bị bỏ rơi ở ngoài đường hay gầm cầu, phố chơ, v.v… Thiên Chúa và tha nhân đang chờ đợi bàn tay yêu thương, vỗ về, săn sóc và an ủi của chúng ta. Qua viêc làm trong yêu thương, chúng ta sẽ xoa dịu một phần những vết hằn mà người khác đang phải gánh chịu. Yêu thương là thế đấy. 

Trong tình yêu không còn phân biệt giữa tôi và anh, giữa tôi và chị hay giữa tôi và kẻ khác nữa. Tất cả đều được hoà hợp trong một tổng thể duy nhất của lòng yêu thương, nơi đó không còn biên giới, không còn hận thù, tỵ hiềm hay chia rẽ; chỉ còn hiệp thông, tha thứ và bình an.

Nhưng trong thực tế, chúng ta vẫn sống theo tiêu chuẩn lấy lòng mình làm thước đo. Ai tốt với mình thì mình tốt lại. Chúng ta chưa dám dấn thân, cho đi trọn vẹn! Thật ra, việc dấn thân ra đi phục vụ trong yêu thương như mẫu mực của Chúa có tính cách của một sự tái sinh, trở về với Chúa và đổi mới cuộc đời. Và qua việc yêu thương nhau như Chúa yêu, chúng ta dễ dàng gặp Chúa hơn, một cuộc gặp gỡ thân mật để ta được tham gia vào sự sống của Chúa, được trở nên thành viên của cộng đoàn môn đệ mà Chúa yêu mến. Amen!

Wednesday, 7 May 2025

MẸ LÀ NGUỒN SUỐI TÌNH YÊU

 

           Anh chị em thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay là phần kết luận của diễn từ ‘Chúa Chiên Lành’ trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an. Trong phần này, Chúa Giê-su mô tả mối quan hệ của Chúa với chúng ta bằng chính kinh nghiệm Người hằng có với Chúa Cha. Người đã dùng một cách nói thật bình dân mô tả mối quan hệ giữa người chăn chiên và chiên của mình.

Đức Giê-su đã làm chứng điều Người nói hôm nay. Người chính là người chăn chiên tốt lành và thiện hảo. Người biết rõ nhu cầu, sở thích, ưu điểm, khuyết điểm và các thương tích của từng con chiên. Người đã hy sinh chính mạng sống mình để bảo vệ và ban cho các con chiên trong ràn sự sống. Đối với Đức Giê-su thì tất cả mọi người không cần phân biệt chủng tộc hay mầu da, tự do hay nô lệ, tín ngưỡng hay lối sống, nam hay nữ, giầu sang hay nghèo hèn… Tất cả đều thuộc về ràn chiên mà Chúa Cha đã trao cho Người để chăm nom. Trong Chúa không có sự tách biệt. Tất cả đều bình đẳng, không ai hơn ai kém. Mọi người đều có giá trị thật quan trọng trong con tim của Người chăn chiên tốt lành là Đức Giê-su Kitô.

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” là một xác định thật quan trọng nói lên mối tương quan giữa Đức Giê-su và các con chiên. Người đã phán như một Đấng có uy quyền. Trong mối dây tương quan giữa Chúa Cha và mình, Đức Giê-su đã xác định một cách thật mạnh mẽ: Tôi là Người Chăn Chiên Tốt, Tôi biết chiên tôi, chúng biết và nghe tiếng Người. Đây không là vấn đề để tranh luận hay bàn cãi. Ai tiếp nhận thì điều mà Chúa phán hôm nay nghiễm nhiên trở thành sự thật và của mình.

Nghe tiếng Chúa, hôm nay, có nghĩa là nhận ra tiếng Chúa trong mối dây thân mật dưạ trên tương quan của Tình Yêu, của gắn bó và hiệp thông. Thậm chí đến mức độ, trong mối tương quan này họ không cần nói, cũng chẳng cần nghe… mọi âm thanh dường như dừng lại để cho cảm xúc của Tình Yêu và Lòng Mến dâng trào và ngâp tràn trong giây phút hai người biết nhau, như “Tôi biết chúng và chúng biết tôi.”

Và sau đây là mẩu truyện ngắn. Mới đây, trong trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, giữa đống đổ nát, người ta tìm thấy một bé gái khoảng 5 tuổi. Khi vừa nghe tiếng kêu của mẹ gọi tên mình từ xa, bé lập tức òa khóc và lặp đi lặp lại câu nói: “Con biết mẹ sẽ đến!” Chưa cần nhìn thấy mẹ, chỉ cần nghe tiếng gọi của mẹ, là bé đã yên tâm.

Thật vậy, Chúa biết tên từng người chúng ta. Người không chỉ thấy ta trong đám đông, mà còn lắng nghe cả những lời thở than thầm kín, những tâm tư được chôn dấu tận đáy lòng. Người biết rõ mọi sự. Và mẹ chúng ta cũng vậy, dù bận rộn đến đâu, mẹ vẫn nhận ra tiếng khóc của con mình giữa muôn ngàn tiếng ồn ào.

Mối tương quan mật thiết này nhắc nhở tôi nhớ lại ý mà Hội Thánh mời gọi chúng ta cầu nguyện và cổ võ cho ơn gọi trong Chúa Nhật hôm nay. Và theo tôi, một trong những ơn gọi cao quí nhất đó là ơn gọi làm mẹ. Mẹ ở đây không phải là nhiệm vụ dành riêng cho các phụ nữ mà thôi. Nhưng trong vai trò lãnh đạo, hình ảnh của Đấng Chăn Chiên được thể hiện qua cách cư xử của các bà mẹ. Vì thế tinh thần, phẩm chất và bản năng của người mẹ cần thiết vô cùng cho những ai được gọi trong vai trò lãnh đạo để phục vụ.

Giờ đây chúng ta dành vài phút chia sẻ vài cảm nghĩ, đôi dòng suy tư về ơn gọi của những người mẹ Việt Nam cũng như tất cả các bà mẹ trên toàn thế giới.

Người ta thường nói mẹ là hình ảnh của tình yêu. Nhưng theo thiển ý của tôi thì mẹ chính là tình yêu, là sức sống, là hạnh phúc và là nơi nương tựa của đoàn con. Mẹ đã không vì mẹ mà sống, nhưng cuộc sống của các Người là vì chồng và cho con cái. Mẹ hy sinh và chấp nhận mọi khó khăn để bầy tỏ tình yêu của mẹ.

 Tình yêu của những người mẹ như dòng suối chảy một chiều: cho đi mà không đòi lấy lại. Chúng ta thường được nghe rằng: “nước mắt chảy xuôi.” Thật vậy, cho dù con cái đã khôn lớn và vì vô tình hay cố ý mà một số người con đã không cư xử tốt với mẹ, thì mẹ vẫn yêu thương các con; vì tình yêu là lẽ sống của mẹ.

Khi nói mẹ là sự sống thì tôi nhớ lại sự kiện đã xẩy ra bên Nhật. Câu chuyện đó như sau. Vào năm 1995, sau vụ động đất tại Thành Phố Kô-bê, người ta đào bới và khám phá dưới đống gạch vụn của một tòa nhà đã đổ nát là hai mẹ con. Người mẹ, tuy còn sống nhưng đã bất tỉnh; còn đứa cháu gái đang cố gắng ngậm chặt ngón tay của người mẹ và cố hút nguồn sống bằng máu phát xuất từ thân thể của mẹ cháu.

Sau khi phục hồi sức khỏe cho hai mẹ con. Người ta nghe bà mẹ kể lại rằng. Tuy bị chôn vùi ở dưới đống gạch đổ nát của tòa cao ốc. Nhưng hai mẹ con chúng tôi quả thật đã gặp vận may. Có một cái đà thay vì đổ xuống đập vào chúng tôi thì lại bị ngăn lại bởi bức tường và trở thành vật chắn giúp hai mẹ con chúng tôi không bị đè chết. Sau đó, đứa con vài tháng tuổi của chị đói quá khóc thét lên. Bà mẹ không biết phải làm gì! Dòng sữa thì khô quặn vì đã mất mấy ngày họ đâu có gì để ăn và để uống. Bà mẹ mò mẫm trong bóng tối và tay bà đã chạm vào một vật sắc và nhọn. Với bản năng yêu thương của một người mẹ, bà không kịp suy nghĩ, lập tức dùng ngay vật nhọn đó cắt vào ngón tay của mình và đặt vào miệng cháu. Cứ thế mỗi lần con của bà khóc thét lên là một vết cắt của yêu thương được xuất phát từ thân thể của bà. Cứ thế cho đến khi bà ngất đi vì bât tỉnh và không hề biết những chuyện xẩy ra sau này.

Người ta hỏi bà là khi cắt da thịt mình để lấy máu thay sữa cho con, bà không sợ chết sao? Bà trả lời rằng với bản năng của người mẹ, tôi không có thời gian để suy nghĩ. Sự sống của con tôi là tất cả những gì mà tôi có thể làm được; cho dù giờ này biết làm thế rồi chết, tôi vẫn làm.

Và mới đây, trong một vụ cháy rừng ở California, đội cứu hỏa phát hiện một người mẹ đã chết khi che chở con trong lòng. Điều khiến họ ngỡ ngàng là đứa bé còn sống nhờ chính thân thể của người mẹ đã che chở cho đứa con không bị đốt cháy. Chị chết, nhưng con chị được sống.

Còn lời gì để giải thích cho việc làm của người mẹ đáng kính phục nữa đây! Đó chính là tình yêu hy sinh, là hình ảnh sống động của Chúa Giêsu, đấng đã chịu chết để cứu đoàn chiên.

Giống như lòng của mẹ, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho con được sống, Chúa Giêsu - người Mục Tử Nhân Lành và Từ Bi- luôn để mắt đến chúng ta. Người đã hy sinh mạng sống để cho chúng ta được sống, một cuộc sống sung mãn và tràn đầy. Người đã không bị thần chết tiêu diệt. Trái lại, Người đã vượt qua sự chết để được Phục sinh và luôn ở bên cạnh chúng ta. Người không bao giờ rời mắt khỏi chúng ta. Niềm tin thâm sâu của chúng ta là, nhờ vào sự hiện diện âu yếm của Người, chúng ta sẽ bình an đạt tới đích trong sự bao bọc của Thiên Chúa.

Như vậy, bản năng và ơn gọi mà Thiên Chúa đã mời mẹ chúng ta lãnh nhận thật cao quí. Vì thế, để hoàn thành sứ mạng này, mẹ chúng ta có một cuộc sống tuy giản dị và âm thầm nhưng lại vô cùng kiên trung. Mẹ đặt trọn niềm tin và sự cậy trông nơi Đấng đã mời gọi mẹ. Mẹ đáp nhận bằng cả con tim yêu thương của mẹ để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Mẹ thật đáng tôn vinh như những vị anh hùng vô danh mà chúng ta thường tưởng nhớ, hoặc như những vị thánh âm thầm mà không cần tuyên phong. Cuộc sống của các Người như những lời mời gọi, như những động lực giúp chúng ta tiếp tục sứ mạng làm chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa.

Vậy, giờ đây chúng ta hãy cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một người mẹ, đã ban cho nhân loại ‘ơn gọi làm mẹ’. Ước gì những ai được mời gọi thừa kế quyền lãnh đạo của Chúa Giê-su, hãy có con tim của người mẹ, luôn yêu thương và sống trọn vẹn cho những ai mà Chúa ban cho mẹ chăm sóc. Mẹ không cần những bài diễn thuyết chất chứa những tư tưởng cao siêu và trừu tượng. Mẹ dậy chúng con về niềm tin, niềm hy vọng và luôn trông cậy nơi Chúa tình yêu.

Và, để tạm kết thúc bài suy niệm, tạm kết thúc vì không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết tấm lòng của mẹ, xin mượn tâm tình của một anh bạn đã chia sẻ như sau: “Tôi không nhớ bài giảng nào của cha xứ thời thơ ấu, nhưng tôi không bao giờ quên hình ảnh của mẹ chúng tôi khi người quỳ cầu nguyện mỗi đêm, nhất là tràng chuỗi Mân Côi luôn nằm gọn trong bàn tay gầy còm, đầy xương sẩu của mẹ, để cùng với Đức Mẹ, dâng lên Chúa đàn con, các đứa cháu, khi mẹ đã về già. Mẹ chính là người mục tử đầu tiên dắt tôi đến với Chúa. Mẹ luôn là chốn bình an, chỗ dung thân để tôi quay về!”

Happy Mother’s Day!