Hôm nay, cùng
với toàn thể Giáo Hội, chúng ta long trọng mừng Lễ Chúa Giê-su lên trời. Bài đọc
một và trình thuật Tin Mừng tuy có một chút khác biệt, nhưng nội dung chính yếu
vẫn nói về việc Đức Giê-su được cất nhắc lên trời trước mắt các môn đệ. Như vậy
câu hỏi đầu tiên chúng ta cần san sẻ cho nhau là trời ở đâu?
Trời là nơi
Chúa ngự. Ngự trị không nhắm đến nơi chốn cho bằng mô tả sự hiện diện của Chúa.
Sự hiện diện này sẽ không còn tuỳ thuộc vào một khoảng không gian nào đó hay một
mốc thời gian nào của lịch sử; nhưng là một sự hiện diện không bị giới hạn bởi
không gian và không lệ thuộc vào thời gian. Thiên Chúa hiện diện từ trước và
cho đến muôn đời, vô thủy vô chung. Như vậy ở đâu có Chúa là ở đó có trời. Và
như lời Chúa đã phán thì ở đâu có hai hay ba người họp lại vì danh Chúa thì
Chúa hiện diện giữa họ. Ý nghĩa của câu này có thể giải thích là ở đâu có sự hiệp
nhất, thông cảm, yêu thương thì có Chúa ở đó; nói khác đi tại nơi đâu mà con
người cùng chia sẻ một đức tin, cùng san sẻ và trao ban một lòng mến thì tại nơi
đó có sự hiện diện của Chúa.
Như vậy, trời
hay thiên đàng không ám chỉ đến địa danh hay nơi chốn nào đó cho bằng đó là một
cách nói để diễn tả nơi Chúa ngự. Nói khác đi, khi nói đến việc Chúa lên trời
là chúng ta nói đến việc Chúa Giê-su ngự bên hữu Thiên Chúa.
Có phải cho đến
hôm nay Chúa mới đuợc đưa lên trời hay không?
Thật ra, Đức
Giê-su đã về nhà Cha, tiếp nhận vinh quang như đã có từ Thiên Chúa ngay khi Người
trút hơi thở và trao ban Thần Khí cho những ai đứng bên Thập Giá. Việc Chúa
Giê-su được cất nhắc về trời hôm nay không phải là việc ra đi để rồi không hiện
diện nữa; nhưng đây chính là một sự hiện diện mới mà chúng ta và các môn đệ cần
nhận ra bằng con mắt đức tin và thể hiện bằng việc làm để minh chứng điều mà
chúng ta và các môn đệ đã tin.
Vì thế, không
có chuyện vắng mặt. Đức Giêsu, Đấng đã chịu thương tích và bị giết vào dịp lễ
Vượt Qua vẫn hiện diện và không hề bỏ rơi các môn đệ; Người đã sống lại và tiếp
tục sống cho họ và ở với họ như những gì mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một
hôm nay, đó là “sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống,
với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và
đàm đạo về Nước Thiên Chúa.”
Cách thức hiện
diện tuy khác, nhưng Người không hề bỏ rơi họ. Trong khi thi hành sứ vụ, Người
đã không thể ở với mọi người tại mọi nơi khác nhau. Nay qua sự chết trong vâng
phục mà Người đã được tôn vinh và hiện diện ở mọi nơi, mọi chốn và ở với mọi
người trong mọi cảnh huống của đời họ.
Chúng ta mừng
sự thay đổi, hân hoan đón nhận cách thức hiện diện mới của Chúa. Tuy, chúng ta
không còn đuợc tiếp cận với con người bằng xương bằng thịt của Chúa nữa. Nhưng
với Thân Thể Mầu nhiệm của Đức Ki-tô là Giáo Hội, chúng ta đuợc liên kết với
Người như Lời Người đã phán: “Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy,
thì Thầy ở giữa họ.”
Mặc dầu các dấu
chỉ biểu lộ uy quyền của Thiên Chúa có thể thay đổi so với các việc làm của các
tín hữu thuộc các công đoàn sơ khai; nhưng nguồn gốc và sức mạnh vẫn xuất phát
từ Chúa. Người vẫn hoạt động thông qua những kẻ đi theo Người. Người về trời ngự
bên hữu Thiên Chúa không phải để đuợc tôn vinh mà thôi, nhưng còn tiếp tục làm
việc nơi các môn đệ qua quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa, đó chính là sức
mạnh của Thánh Linh như Chúa đã hứa “các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần
ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giê-ru-sa-lem,
trong tất cả xứ Giu-đê-a và Sa-ma-ri-a, và cho đến tận cùng trái đất”.
Với sức mạnh
của Chúa Thánh Linh, các Tông Đồ và nhóm môn đệ mọi thời đã hoàn tất sứ mạng của
họ. Còn chúng ta hôm nay thì sao?
Sống trong một
thế giới đầy tranh chấp và bạo lực, chúng ta đuợc mời gọi trở nên sứ giả của
hoà bình.
Sống trong một
tập thể mà người ta tìm cách loại bỏ nhau vì ghen ghét, đố kỵ và thù hằn thì
chúng ta lại đuợc mời gọi sống yêu thương, sống hiệp hành trong tình liên đới với
nhau.
Sống trong
môi trường mà con người chỉ biết tham lam và tranh dành địa vị thì chúng ta lại
được mời gọi sống bác ái và khiêm nhường trong việc phục vụ.
Tất cả đều là
dấu chỉ nói lên lời mời gọi của Chúa Giê-su Phục Sinh, Đấng tiếp tục hiện diện
và hoạt động trong cộng đoàn của các kẻ tin.
Vì thế, câu hỏi
mà chúng ta phải đối diện hôm nay là sống thế nào trong vai trò chứng nhân về sự
hiện diện của Chúa? Đó cũng là thử thách mà Tin mừng đề ra cho các tín hữu tại
Ga-li-lê-a khi xưa và cho chúng ta hôm nay “Hỡi những người Ga-li-lê-a, sao còn
đứng đó nhìn trời.” Có nghĩa là tại sao chúng ta vẫn còn ngồi đó mà tiếc nuối
quá khứ! Sao cứ khư khư ôm lấy vinh quang mà không dám trở về với cuộc sống hiện
tại để chu toàn phận sự đã được trao phó?
Và khi thi
hành nhiệm vụ đã được Chúa trao phó, chúng ta không làm một mình vì chúng ta
tin rằng Chúa đang đồng hành với chúng ta.
Chúng ta vẫn
nương tựa vào Chúa. Chúng ta vẫn gắn bó và nối kết mật thiết với Người. Tuy
nhiên, chúng ta không ngồi đó chờ Người làm thay các việc mà chúng ta cần làm.
Chúng ta sẽ
không yêu cầu Chúa đến làm phép lạ biến chúng ta thành các ngôi sao, thay vào
đó, trong niềm tin, chúng ta tin chắc Người đang đồng hành với chúng ta, soi
sáng và mở mắt để chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa nơi Lời Chúa, trong các việc
làm của Hội Thánh và những sự kiện đang xảy ra quanh chúng ta. Thiên Chúa đã
không hề bỏ rơi chúng ta nhưng hiện diện trong những gì đang diễn ra trong cuộc
sống của chúng ta ngay bây giờ và mãi mãi.
Chúa đã đi
đâu là việc của Chúa! Việc của chúng ta phải làm là thực hiện lịnh truyền mà
Chúa phán trước khi được cất nhắc lên trời, đó là: “anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại
Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”
Đây là niềm vinh dự. Vai trò chứng nhân cho đến tận cùng trái đất được trao cho
Hội Thánh, và nhờ việc làm của Hội Thánh mọi thời mà thế gian nhận biết chúng
ta là môn đệ của Người.
Sau cùng, Lễ
Chúa Lên trời không phải là lễ tưởng niệm cuộc ra đi hay ly biệt của Chúa.
Nhưng, đây là lễ của niềm hy vọng. Chúa Giêsu không còn hiện diện theo cách cũ,
nhưng Ngài vẫn ở giữa chúng ta bằng một sự hiện diện mới: vô hình nhưng đầy sức
mạnh và quyền năng, âm thầm nhưng đầy tác động của yêu thương.
Phần chúng
ta, hãy mở lòng ra để nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong các buổi cử
hành phụng vụ mà cao điểm là Thánh lễ, trong Lời Chúa, nơi tha nhân và trong
chính cuộc đời mình. Và khi cảm nghiệm được việc Chúa đang đồng hành, chúng ta
sẽ không còn cô đơn hay lo sợ, vì biết rằng Chúa đang ở với chúng ta mọi ngày
cho đến tận thế. Amen!
No comments:
Post a Comment