Để bắt đầu bài suy niệm Chúa Nhật thứ Sáu, mùa Phục Sinh năm nay. Xin mời
anh chị em nghe một câu chuyện. Câu chuyện này được một thầy già kể lại cho con
cháu và các thế hệ đàn em nghe cho vui.
Truyện xẩy ra vào năm 1978, một số tu viện tại Thủ Đức bị chính quyền
tịch thu và đóng cửa. Các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, người thì bị giam giữ,
người khác bị đuổi về nhà. Nói chung, đời sống cộng đoàn của các tu sĩ bị phá vỡ.
Trong thời gian bị giam giữ, hàng ngày họ phải học tập về
chính sách mới. Vào một buổi học tập nọ, để khai mạc, bằng môt lối nói châm biếm, pha chút ngạo
mạn và đắc thắng anh cán bộ phụ trách đã nói rằng:
“Trong những ngày vừa qua chắc các ông đã cầu nguyện nhiều để thoát khỏi tay
chúng tôi. Nhưng các ông thấy đó, làm sao có thể thoát khỏi tay chúng tôi được”.
Nghe thế, một trong các tu sĩ trong nhóm đã thản nhiên đáp trả: “Quả thật chúng
tôi đã cầu nguyện nhiều, nhưng chúng tôi không cầu nguyện để thoát khỏi tay các
ông, mà chúng tôi đã cầu nguyện để được ở lại trong bàn tay yêu thương của
Chúa. Và chúng tôi cũng cầu nguyện cho các ông được Chúa yêu thương nữa.”
Anh chị em thân mến,
Trong những ngày đầu của sứ vụ, Đức
Giê-su đã mời các môn đệ hãy đến mà xem và họ đã đến, đã xem và ở lại với Chúa.
Ở lại trong lòng bàn tay yêu
thương của Chúa, ở trong con tim của Người là mục tiêu mà chúng ta, những tín hữu
của Chúa phải theo đuổi. Và đây cũng là một trong những sứ điệp mà tác giả của Tin
mừng theo Thánh Gio-an muốn nhắm đến.
Bài Tin mừng hôm nay là một phần
trong diễn từ cáo biệt của Đức Giê-su. Đó chính là tâm huyết, những lời nhắn nhủ,
trăn trối của Đức Giê-su dành cho các môn đệ và những ai mà Người yêu thương hết
lòng. Tuy nhiên, các môn đệ làm thế nào có thể hiểu và cảm nghiệm điều Chúa nói
hôm nay!
Cũng như chúng ta, các môn đệ
hoang mang và lo sợ về sự ra đi của Người. Làm sao các ông có thể hiểu được điều
Chúa nói rằng việc ra đi của Chúa sẽ mang lại lợi ích nhiều cho các ông hơn? Thấy
vậy, Đức Giêsu đã trấn an các ông, Người ban cho các ông sự bình an để các môn
đệ đừng xao xuyến cũng đừng lo âu và sợ hãi, vì Người ra đi rồi sẽ đến cùng và ở
với các ông. Người còn nói điều
này chỉ xẩy ra cho các ông nếu họ yêu mến Người. Vì thế, Đức Giêsu khuyên các
ông hãy giữ mối tình thắm thiết với Người. Đối với Chúa, không có chuyện “xa mặt
cách lòng” như chúng ta.
Thật vậy, Đức Giê-su biết rằng giờ
ra đi của Người đã đến. Việc Người ra đi để đón nhận cái chết có thể được coi
như một cuộc chiến thắng của quyền lực bóng tối, chống lại ý muốn của Thiên
Chúa. Nhưng thật ra đây là dịp để tình yêu của Thiên Chúa được bộc lộ trọn vẹn
nơi sự vâng phục của Đức Giê-su. Vì thế, trước khi nói những lời trăn trối này,
Đức Giê-su đã khẳng định rằng giờ Người rời bỏ thế gian là giờ mà Thiên Chúa muốn dùng để diễn tả tình yêu cao siêu của Ngài dành cho thế gian
mà Ngài vẫn yêu thương họ đến cùng. Tình yêu đó được diễn tả qua việc rửa chân
cho các môn đệ. Và Người truyền cho họ hãy noi gương Thầy, học theo cách thức
yêu thương của Thầy đối với Chúa Cha.
Qua lối sống yêu thương, chúng ta
làm cho Lời Chúa phán “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến
người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” được ứng nghiệm. Có
nghĩa là, kể từ nay, yêu mến là dấu chứng, là ấn tích về sự hiện diện của Thiên
Chúa. Người đến và ở lại với ai yêu mến Thầy.
Lời Chúa nói thật đơn sơ. Không
chau chuốt, không phức tạp, không cầu kỳ. Đó là những điều mà chúng ta có kinh
nghiệm trong cuộc sống. Khi bạn đã yêu thì chỉ muốn nghe người yêu mình nói
chuyện hay ít nhất là được nghe người ta nói về người mình yêu. Mức độ cảm xúc
của con tim bạn tùy thuộc vào mức độ yêu thương mà chúng ta dành cho nhau.
Trong thân phận con người mà
chúng ta còn hành xử được với nhau như thế, phương chi mối tình của mình với
Chúa. Người hết mực yêu thương chúng ta thì việc lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa
là việc chính đáng và phải đạo. Và hiệu quả của việc lắng nghe và tuân giữ Lời
Chúa hôm nay là Thiên Chúa sẽ yêu mến chúng ta.
Còn hơn thế nữa, Thiên Chúa và Đức
Giê-su sẽ đến và ở lại với người ấy. Đây không chỉ là lời hứa về sự hiện diện
mà thôi, đó còn là cách thức mà chúng ta cần làm để cho Lời của
Chúa phán hôm nay được ứng nghiệm.
Sự hiện diện ấy, người tín hữu phải
có bổn phận làm lan tỏa cho những người chung quanh nhận biết bằng việc tuân giữ
giới răn của Chúa Giêsu, nghĩa là ở lại trong Người, sống với Người, sống bằng
chính sức sống của Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến để tiếp tục dậy bảo
và nhắc lại mọi điều mà Đức Giê-su
đã nói hôm nay.
Chúng ta không thể cho đi điều
mình không có. Chúng ta không thể thuyết phục người khác sống yêu thương trong
khi mình lại hay giận ghét. Làm thế nào chúng ta chứng tỏ sự hiện diện của Chúa
là tình yêu trong khi chúng ta không biết thương nhau. Nói chung, người môn đệ
của Chúa sẽ không còn là chứng nhân nếu cuộc sống của họ thiếu chứng từ. Hôm
nay, Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách làm chứng cho sự hiện diện ấy, đó là
tuân giữ các giới răn của Người, tức là yêu thương nhau.
Theo tương truyền, anh chị em tín
hữu tiên khởi đã làm cho những người chưa biết Chúa phải ngạc nhiên về lối sống
của họ mà phải thốt lên rằng: “Kìa xem họ yêu thương và săn sóc nhau dường nào!”
Đó cũng là thách đố đang được đặt ra cho chúng ta hôm nay là phải có lối sống như
thế nào để sự hiện diện của Chúa không chỉ giới hạn trong các nghi thức phụng vụ
hay các sinh hoạt tôn giáo, mà phải được thể hiện trước tiên bằng chính cuộc sống
của chúng ta.
Lời đáp trả của vị tu sĩ già năm xưa: “Quả thật chúng tôi đã cầu
nguyện nhiều, nhưng chúng tôi không cầu nguyện để thoát khỏi tay các ông, mà
chúng tôi đã cầu nguyện để được ở lại trong bàn tay yêu thương của Chúa. Và
chúng tôi cũng cầu nguyện cho các ông được Chúa yêu thương nữa.” cần được ứng dụng trong cuộc sống yêu thương của
chúng ta.
Vì thế, uớc gì qua cuộc sống mỗi ngày, chúng ta luôn được Chúa yêu thương, và sẵn sàng đáp trả tình yêu của Chúa bằng cách lưu lại trong bàn tay và trái tim yêu thương của Người và quyết tâm thương yêu nhau để người ta nhận ra chúng ta là
môn đệ của Người. Amen. Alleluia!
No comments:
Post a Comment