Anh chị em thân mến,
Bài Tin Mừng hôm nay là phần kết luận của diễn từ
‘Chúa Chiên Lành’ trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an. Trong phần này, Chúa Giê-su
mô tả mối quan hệ của Chúa với chúng ta bằng chính kinh nghiệm Người hằng có với
Chúa Cha. Người đã dùng một cách nói thật bình dân mô tả mối quan hệ giữa người
chăn chiên và chiên của mình.
Đức
Giê-su đã làm chứng điều Người nói hôm nay. Người chính là người chăn chiên tốt lành và thiện hảo. Người
biết rõ nhu cầu, sở thích, ưu điểm, khuyết điểm và các thương tích của từng con
chiên. Người đã hy sinh chính mạng sống mình để bảo vệ và ban cho các con chiên
trong ràn sự sống. Đối với Đức Giê-su thì tất cả mọi người không cần phân biệt
chủng tộc hay mầu da, tự do hay nô lệ, tín ngưỡng hay lối sống, nam hay nữ, giầu
sang hay nghèo hèn… Tất cả đều thuộc về ràn chiên mà Chúa Cha đã trao cho Người
để chăm nom. Trong Chúa không có sự tách biệt. Tất cả đều bình đẳng, không ai
hơn ai kém. Mọi người đều có giá trị thật quan trọng trong con tim của Người
chăn chiên tốt lành là Đức Giê-su Kitô.
“Chiên
của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” là một xác định
thật quan trọng nói lên mối tương quan giữa Đức Giê-su và các con chiên. Người
đã phán như một Đấng có uy quyền. Trong mối dây tương quan giữa Chúa Cha và
mình, Đức Giê-su đã xác định một cách thật mạnh mẽ: Tôi là Người Chăn Chiên Tốt,
Tôi biết chiên tôi, chúng biết và nghe tiếng Người. Đây không là vấn đề để
tranh luận hay bàn cãi. Ai tiếp nhận thì điều mà Chúa phán hôm nay nghiễm nhiên
trở thành sự thật và của mình.
Nghe
tiếng Chúa, hôm nay, có nghĩa là nhận ra tiếng Chúa trong mối dây thân mật dưạ
trên tương quan của Tình Yêu, của gắn bó và hiệp thông. Thậm chí đến mức độ,
trong mối tương quan này họ không cần nói, cũng chẳng cần nghe… mọi âm thanh dường
như dừng lại để cho cảm xúc của Tình Yêu và Lòng Mến dâng trào và ngâp tràn
trong giây phút hai người biết nhau, như “Tôi biết chúng và chúng biết tôi.”
Và sau đây là mẩu truyện ngắn. Mới đây, trong trận động đất
tại Thổ Nhĩ Kỳ, giữa đống đổ nát, người ta tìm thấy một bé gái khoảng 5 tuổi.
Khi vừa nghe tiếng kêu của mẹ gọi tên mình từ xa, bé lập tức òa khóc và lặp đi
lặp lại câu nói: “Con biết mẹ sẽ đến!” Chưa cần nhìn thấy mẹ, chỉ cần nghe tiếng
gọi của mẹ, là bé đã yên tâm.
Thật vậy, Chúa biết tên từng người chúng ta. Người không
chỉ thấy ta trong đám đông, mà còn lắng nghe cả những lời thở than thầm kín, những
tâm tư được chôn dấu tận đáy lòng. Người biết rõ mọi sự. Và mẹ chúng ta cũng vậy,
dù bận rộn đến đâu, mẹ vẫn nhận ra tiếng khóc của con mình giữa muôn ngàn tiếng
ồn ào.
Mối tương quan mật thiết này nhắc nhở
tôi nhớ lại ý mà Hội Thánh mời gọi chúng ta cầu nguyện và cổ võ cho ơn gọi
trong Chúa Nhật hôm nay. Và theo tôi, một trong những ơn gọi cao quí nhất đó là
ơn gọi làm mẹ. Mẹ ở đây không phải là nhiệm vụ dành riêng cho các phụ nữ mà
thôi. Nhưng trong vai trò lãnh đạo, hình ảnh của Đấng Chăn Chiên được thể hiện
qua cách cư xử của các bà mẹ. Vì thế tinh thần, phẩm chất và bản năng của người
mẹ cần thiết vô cùng cho những ai được gọi trong vai trò lãnh đạo để phục vụ.
Giờ
đây chúng ta dành vài phút chia sẻ vài cảm nghĩ, đôi dòng suy tư về ơn gọi của
những người mẹ Việt Nam cũng như tất cả các bà mẹ trên toàn thế giới.
Người
ta thường nói mẹ là hình ảnh của tình yêu. Nhưng theo thiển ý của tôi thì mẹ
chính là tình yêu, là sức sống, là hạnh phúc và là nơi nương tựa của đoàn con.
Mẹ đã không vì mẹ mà sống, nhưng cuộc sống của các Người là vì chồng và cho con
cái. Mẹ hy sinh và chấp nhận mọi khó khăn để bầy tỏ tình yêu của mẹ.
Tình yêu của những người mẹ như dòng suối chảy
một chiều: cho đi mà không đòi lấy lại. Chúng ta thường được nghe rằng: “nước mắt
chảy xuôi.” Thật vậy, cho dù con cái đã khôn lớn và vì vô tình hay cố ý mà một
số người con đã không cư xử tốt với mẹ, thì mẹ vẫn yêu thương các con; vì tình
yêu là lẽ sống của mẹ.
Khi
nói mẹ là sự sống thì tôi nhớ lại sự kiện đã xẩy ra bên Nhật. Câu chuyện đó như
sau. Vào năm 1995, sau vụ động đất tại Thành Phố Kô-bê, người ta đào bới và
khám phá dưới đống gạch vụn của một tòa nhà đã đổ nát là hai mẹ con. Người mẹ,
tuy còn sống nhưng đã bất tỉnh; còn đứa cháu gái đang cố gắng ngậm chặt ngón
tay của người mẹ và cố hút nguồn sống bằng máu phát xuất từ thân thể của mẹ
cháu.
Sau
khi phục hồi sức khỏe cho hai mẹ con. Người ta nghe bà mẹ kể lại rằng. Tuy bị
chôn vùi ở dưới đống gạch đổ nát của tòa cao ốc. Nhưng hai mẹ con chúng tôi quả
thật đã gặp vận may. Có một cái đà thay vì đổ xuống đập vào chúng tôi thì lại bị
ngăn lại bởi bức tường và trở thành vật chắn giúp hai mẹ con chúng tôi không bị
đè chết. Sau đó, đứa con vài tháng tuổi của chị đói quá khóc thét lên. Bà mẹ không
biết phải làm gì! Dòng sữa thì khô quặn vì đã mất mấy ngày họ đâu có gì để ăn
và để uống. Bà mẹ mò mẫm trong bóng tối và tay bà đã chạm vào một vật sắc và nhọn.
Với bản năng yêu thương của một người mẹ, bà không kịp suy nghĩ, lập tức dùng
ngay vật nhọn đó cắt vào ngón tay của mình và đặt vào miệng cháu. Cứ thế mỗi lần
con của bà khóc thét lên là một vết cắt của yêu thương được xuất phát từ thân
thể của bà. Cứ thế cho đến khi bà ngất đi vì bât tỉnh và không hề biết những
chuyện xẩy ra sau này.
Người
ta hỏi bà là khi cắt da thịt mình để lấy máu thay sữa cho con, bà không sợ chết
sao? Bà trả lời rằng với bản năng của người mẹ, tôi không có thời gian để suy
nghĩ. Sự sống của con tôi là tất cả những gì mà tôi có thể làm được; cho dù giờ
này biết làm thế rồi chết, tôi vẫn làm.
Và mới đây, trong một vụ cháy rừng ở California, đội cứu
hỏa phát hiện một người mẹ đã chết khi che chở con trong lòng. Điều khiến họ ngỡ
ngàng là đứa bé còn sống nhờ chính thân thể của người mẹ đã che chở cho đứa con
không bị đốt cháy. Chị chết, nhưng con chị được sống.
Còn lời gì để giải thích cho việc làm của người mẹ đáng
kính phục nữa đây! Đó chính là tình yêu hy sinh, là hình ảnh sống động của Chúa
Giêsu, đấng đã chịu chết để cứu đoàn chiên.
Giống như lòng của mẹ, sẵn sàng hy sinh mạng sống
mình cho con được sống, Chúa Giêsu - người Mục Tử Nhân Lành và Từ Bi- luôn để mắt
đến chúng ta. Người đã hy sinh mạng sống để cho chúng ta được sống, một cuộc sống
sung mãn và tràn đầy. Người đã không bị thần chết tiêu diệt. Trái lại, Người đã
vượt qua sự chết để được Phục sinh và luôn ở bên cạnh chúng ta. Người không bao
giờ rời mắt khỏi chúng ta. Niềm tin thâm sâu của chúng ta là, nhờ vào sự hiện
diện âu yếm của Người, chúng ta sẽ bình an đạt tới đích trong sự bao bọc của
Thiên Chúa.
Như
vậy, bản năng và ơn gọi mà Thiên Chúa đã mời mẹ chúng ta lãnh nhận thật cao
quí. Vì thế, để hoàn thành sứ mạng này, mẹ chúng ta có một cuộc sống tuy giản dị
và âm thầm nhưng lại vô cùng kiên trung. Mẹ đặt trọn niềm tin và sự cậy trông
nơi Đấng đã mời gọi mẹ. Mẹ đáp nhận bằng cả con tim yêu thương của mẹ để làm chứng
cho tình yêu của Thiên Chúa. Mẹ thật đáng tôn vinh như những vị anh hùng vô
danh mà chúng ta thường tưởng nhớ, hoặc như những vị thánh âm thầm mà không cần
tuyên phong. Cuộc sống của các Người như những lời mời gọi, như những động lực giúp
chúng ta tiếp tục sứ mạng làm chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa.
Vậy,
giờ đây chúng ta hãy cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một người mẹ,
đã ban cho nhân loại ‘ơn gọi làm mẹ’. Ước gì những ai được mời gọi thừa kế quyền
lãnh đạo của Chúa Giê-su, hãy có con tim của người mẹ, luôn yêu thương và sống
trọn vẹn cho những ai mà Chúa ban cho mẹ
chăm sóc. Mẹ không cần những bài diễn thuyết
chất chứa những tư tưởng cao siêu và trừu tượng. Mẹ dậy chúng con về niềm tin,
niềm hy vọng và luôn trông cậy nơi Chúa tình yêu.
Và, để tạm kết thúc bài suy niệm, tạm kết thúc vì không
có ngôn từ nào có thể diễn tả hết tấm lòng của mẹ, xin mượn tâm tình của một
anh bạn đã chia sẻ như sau: “Tôi không nhớ bài giảng nào của cha xứ thời thơ ấu,
nhưng tôi không bao giờ quên hình ảnh của mẹ chúng tôi khi người quỳ cầu nguyện
mỗi đêm, nhất là tràng chuỗi Mân Côi luôn nằm gọn trong bàn tay gầy còm, đầy
xương sẩu của mẹ, để cùng với Đức Mẹ, dâng lên Chúa đàn con, các đứa cháu, khi mẹ
đã về già. Mẹ chính là người mục tử đầu tiên dắt tôi đến với Chúa. Mẹ luôn là
chốn bình an, chỗ dung thân để tôi quay về!”
Happy
Mother’s Day!
No comments:
Post a Comment