Wednesday, 27 December 2017

GIA ĐÌNH NAZARETH



            Hôm nay chúng ta mừng Lễ Thánh Gia; ngày lễ của mọi gia đình, đặc biệt gia đình của Đức Giêsu tại Nazareth khi xưa. Lễ Giáng Sinh và Lễ Thánh gia có một mối tương quan mật thiết với nhau. Trong Lễ Giáng Sinh, chúng ta hân hoan mừng kính Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, đã bị xử tử chết trên Thập Giá dưới thời Philatô. Về mặt lịch sử chúng ta chỉ biết chừng ấy về con người mang tên là Giêsu. Trong phận làm người, Đức Giêsu cũng cần có một gia đình. Gia đình của Người bao gồm một ông Cha và một bà Mẹ. Theo lời dậy bảo của Hội Thánh thì đó chính là Thánh Giuse và Đức Trinh Nữ Maria.

Và trong tinh thần của ngày Lễ, chúng ta cùng tìm kiếm các gương sáng, những mẫu mực mà các thành viên trong gia đình Thánh Gia đã để lại. Người đầu tiên thu hút tôi chính là Đức Maria và vai trò của Mẹ trong gia đình.

Trước tiên chúng ta cùng nhìn nhận rằng, Đức Maria vốn chỉ là một tạo vật, cô thiếu nữ Do Thái, giản dị, bình thường như tất cả các cô gái thời đó. Khi nhìn nhận điều này, chúng ta không bất kính đối với Mẹ. Nhưng nhờ vậy mà chúng ta biết rằng Mẹ đã trải qua những bước thăng trầm trong cuộc sống gia đình như chúng ta. Mẹ đã vượt qua những giây phút đau thương và gian nan khi chu toàn vai trò làm vợ, làm mẹ trong cuộc sống gia đình. Mẹ ý thức rằng công việc chuẩn bị cho con của Mẹ sống theo ý Chúa, chứ không sống theo ý Mẹ là ưu tiên một trong cuộc sống của Mẹ. Như vậy Mẹ cần khám phá và tuân phục ý của Thiên Chúa trước.

Trong trình thuật Tin Mừng của Chúa Nhật mừng lễ Thánh Gia hôm nay, Thánh Luca đã ghi lại việc Đức Giê-su lần đầu tiên lên đền thờ Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt qua. Sau khi mọi nghi lễ đã xong, “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Ðức Giêsu, ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta. (Luca 2:51-52).

Chỉ bằng hai câu vắn tắt, Thánh Luca đã ghi lại cho chúng ta thấy rõ thái độ và cách ứng xử của Đức Giê-su và Mẹ Maria trong vai trò riêng của từng người. Tuy nhiệm vụ riêng biệt; nhưng cả hai đều hỗ tương và giúp nhau hoàn thành ý định của Thiên Chúa hơn là sống và hành động theo ý riêng của mình.

Đức Giê-su vâng phục cha mẹ, càng lớn càng thêm khôn ngoan và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta. Người làm gì có được điều này nếu cha mẹ Người không chuẩn bị trước cho Người. Dựa vào kinh nghiệm của một số người chuyên nuôi cá; đó chính là khi nuôi cá chúng ta còn biết chuẩn bị môi trường tốt để cho cá sống. Thế mà nhiều lúc anh chị em lại quên rằng con cái của chúng mình còn khó dưỡng nuôi hơn cá! Vì thế cha mẹ cần nỗ lực hơn trong việc chuẩn bị môi trường tốt cho con cái mình. Đức Mẹ cũng không ngoại lệ. Mẹ phải cố gắng tìm kiếm ý định của Thiên Chúa mà vâng phục. Ý định của Thiên Chúa không dễ dàng khám phá; rất khó hiểu. Vì thế, Mẹ ghi nhớ, ôn đi nghĩ lại những gì đã xẩy ra, những điều con mình nói và làm rồi trong khả năng Mẹ cố gắng chấp nhận – cho dù đôi lúc không hiểu – Mẹ đã nỗ lực giúp Đức Giêsu hoàn tất ý định của Thiên Chúa. Nói khác đi, Mẹ đã có một cuộc sống chiệm niệm thật thâm sâu. Mối tương quan giữa Thiên Chúa và Mẹ thật thắm thiết. Vì thế, Mẹ sẵn sàng vâng phục và trở thành gương sáng về đức vâng phục cho con mình: Đức Giê-su.

Còn ông Giuse thì sao? Trong Tin Mừng nói rất ít về Ngài. Cuộc sống của Giuse tuy thầm lặng nhưng không phải vì thế mà chúng ta không tìm ra nét hào hùng, tâm hồn nghĩa hiệp như hành động ‘anh hùng cứu mỹ nhân’, và nhất là việc vâng phục, tín thác vào Thiên Chúa và để cho Thiên Chúa thành toàn dự án của Ngài qua việc cộng tác của ông. Muốn nhận ra bài học mà Giuse đã để lại, chúng ta hãy đặt mình trong hoàn cảnh của ông. Có ông chồng nào can đảm đón nhận vị hôn thê về làm vợ khi biết rất rõ là cô ta đã mang thai, và thai nhi đó không do sự cộng tác của mình. Hơn nữa, ông Giuse là người Do Thái sùng đạo, và theo đúng luật thì ông có nhiệm vụ phải tố cáo và hậu quả là cô ta sẽ bị ném đá cho đến chết. Trong lúc bối rối, Giuse cũng định âm thầm lìa bỏ Maria… Dù âm thầm, nhưng nếu Giuse chọn việc lìa bỏ thì số phận của Maria cũng bị ném đá… Trong lúc không biết tính toán thế nào thì Giuse đã nhận được mạc khải từ Chúa cho biết rằng thai nhi mà Maria đang cưu mang là do quyền năng của Thiên Chúa. Các ông nghĩ sao? Các ông có thể chấp nhận được lối giải thích này chăng? Giuse cũng thế, ông cũng phải đối diện với một cuộc chiến đấu thật căng thẳng … Cuối cùng, Giuse đã hành động trong vâng phục và đón Maria về nhà mình. Và theo đúng luật thì Giuse đã trở thành cha, chứ không chỉ là cha nuôi, của con trẻ Giêsu. Vì sao mà Giuse lại được như thế? Những việc làm của Giuse được phát xuất từ mối tương quan thật thắm thiết giữa Thiên Chúa và Ngài. Như vây, Thánh nhân đã trở thành gương sáng về việc tìm kiếm và thi hành ý muốn của Thiên Chúa cho con mình: Đức Giêsu.

Còn đối với Đức Giê-su; gia đình Người không chỉ dừng lại bởi các mối quan hệ dựa trên huyết thống. Người không ca tụng mẹ Người vì lý do huyết nhục. Theo tinh thần của Đức Giê-su thì những ai nghe và thực hành Lời Chúa mới là những người thân của gia đình Người.

Trong gia đình của Người không ai bị loại bỏ. Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay mô tả cho chúng ta thấy cuộc gặp gỡ giữa ông già Si-mê-on và em bé Giêsu. Ông đã ẵm em bé Giêsu trên tay và chúc tụng Thiên Chúa. Đây là món quà tặng mà Thiên Chúa đã ban cho ông trong lúc tuổi già. Trước khi là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại thì hài nhi Giêsu đã là quà tặng cho gia đình và những người láng giềng trước. Còn con cái của chúng ta hôm nay thì sao? Chúng có được đón nhận như món quà quí giá từ Thiên Chúa cho gia đình mình hay không?

Tâm tình đầu tiên của cha mẹ dành cho con cái là đón nhận các cháu trong yêu thương. Đề nghị này nghe qua có vẻ hơi thừa, vì có cha mẹ nào lại không yêu thương con mình! Nhưng tâm tình mà chúng ta muốn bàn đến ở đây, không phải chỉ là tâm tình dành cho các cháu trong một chốc một lát, nhưng là một hành trình đón nhận yêu thương của cả đời cha mẹ. Trên thực tế, có nhiu cha mẹ yêu thương con mình rất vụng về. Yêu con mà không dám dành thời gian cho con mình lại có thể nói là yêu sao? Hơn nữa, tình yêu của cha mẹ dành cho con cái cần đồng đều. Đừng làm cho chúng hiểu lầm là chúng không được yêu thương như mấy người con khác trong gia đình. Điều này chỉ tạo sự ghen tương và thù ghét trong tâm hồn con trẻ.

Với đức tin, chúng ta đều biết mỗi người khi sinh ra đều được Chúa trao ban một sứ mạng đặc biệt. Chúng ta chỉ có thể cộng tác với Thiên Chúa trong việc này chứ không thể tự mình định đọat một cách tuyệt đối được. Vẫn biết rằng, vợ chồng cần phải tính toán trong việc sinh con; theo giáo huấn của Giáo hội. Nhưng thực tế lại khác, nhiều em bé được sinh ra ngòai kế họach của cha mẹ. Vẫn biết đó là ‘accident’; nhưng không vì vậy mà cha mẹ được quyền từ khước sự hiện diện của chúng. Tôi vẫn xác tín rằng nếu con cái không được quyền chọn cha mẹ thì cha mẹ cũng không được phép từ khước chúng. Xua đuổi chúng là hành vi tội lỗi. Và còn hành vi nào tàn nhẫn hơn khi người con vô tội bị hất hủi ngay từ trong lòng mẹ, chưa được mở mắt chào đời, chưa được hưởng khí yêu thương đã phải tống khứ ra khỏi lòng mẹ. Chẳng có lý do nào chính đáng để bào chữa cho việc làm này của cha mẹ. Nhưng cha mẹ có đủ lý do để tín thác vào Chúa khi sinh ra chúng. Trong gia đình của Đức Giê-su không ai bị loại bỏ.

Trong gia đình của Đức Giêsu tất cả đều bình đẳng. Ai cũng có một vị trí và bổn phận trước mặt Chúa. Giai cấp chủ - tớ bị xóa bỏ. Không ai có quyền thống trị ai. Mọi thành viên trong gia đình của Chúa đều có nhiệm vụ duy nhất là phục vụ nhau; giúp nhau khám phá và thực hiện Ý Chúa. Đức Giêsu còn yêu cầu tất cả hãy sống như con trẻ; nghĩa là như con trẻ nương tựa vào cha mẹ thế nào thì mọi thành phần trong gia đình của Người hãy nương tựa vào Chúa như là nguồn sống duy nhất như thế.

Nói như thế thì gia đình là cái nôi, là môi trường vô cùng quan trọng để chuẩn bị cho con cái vào đời. Trong tinh thần đó, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong tâm thư gửi cho các gia đình, Ngài đã ghi lại: "Thiên Chúa đồng hoá với con người, với những người trong gia đình. Thiên Chúa là một với người cha, người mẹ, người bạn trăm năm, người con cái trong gia đình." Như vậy, thật là chí lý khi chúng ta xác quyết rằng gia đình là ngôi trường đầu tiên dạy chúng ta những bài học căn bản của kiếp người; dậy chúng ta biết yêu thương, phục vụ, biết từ bỏ và quên mình. Trong gia đình, cha mẹ trước tiên được mời gọi trở nên những người nêu gương sáng cho con cái. Con cái không được ban tặng để tùng phục hay thi hành ý muốn của cha mẹ; cho bằng tất cả được sai đến để thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Đời sống gương mẫu của cha mẹ có sức thu hút thật mãnh liệt, lôi cuốn con cái đến cùng Chúa. Vì như chúng ta được nghe nói: “lời nói lung lay và gương bầy lôi cuốn.” Hãy xem gương Augustinô. Khi còn trai trẻ, thánh nhân là một chàng trai chơi bời trác táng. Nhưng nhờ lời cầu nguyện và gương sáng của bà mẹ là thánh nữ Monica, cuối cùng Augustinô đã trở lại cùng Chúa.

Chúng ta có thể cho rằng gia đình Thánh gia Nagiarét được diễm phúc hơn mọi gia đình khác, vì có chính Chúa Giêsu hiện diện giữa các ngài. Nhưng nếu xét cho cùng thì các Ngài cũng không có đặc quyền, đặc lợi hơn chúng ta. Các Ngài cũng cần tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa; và các Ngài cũng cần phải có đức tin sâu xa và vững mạnh lắm mới có thể chu toàn trọn vẹn vai trò của mình.

Như vậy, muốn gia đình mình được gọi là gia đình Thánh thì mọi thành phần trong gia đình cần học để vâng phục ý định của Thiên Chúa qua việc chuyên cần suy niệm Lời Ngài. Đúng như lời chúc phúc của Thánh Phao-lô “Nguyện cho Lời Chúa cư ngụ dồi dào trong anh em” để các thành phần trong gia đình của anh chị em sẽ là đền thờ Chúa ngự và cùng giúp nhau tìm kiếm và sống theo ý Chúa. Amen!





Thursday, 21 December 2017

THIÊN CHÚA GIÁNG TRẦN: TRONG HAY NGOÀI MÁNG CỎ?




Chỉ còn vài ngày nữa là lễ Giáng Sinh. Hầu hết mọi người đã chuẩn bị tâm hồn để tham dự các nghi lễ phụng vụ, tưởng niệm một biến cố thật quan trọng đã xẩy ra trong và cho lịch sử nhân loại. Thiên Chúa giáng trần trong thân phận con người và lưu ngụ giữa chúng ta. Nghi lễ tuy cần thiết; nhưng việc sống mầu nhiệm đó nơi bản thân của mỗi người mới là điều quan trọng. Thiên Chúa không còn hiện diện ở một nơi xa xăm nào đó. Ngài cũng chẳng cần nói với chúng ta qua môi miệng của các ngôn sứ nữa. Ngài đã đến và đang đứng bên cửa để chờ lời mời của chúng ta; ai nghe tiếng và mở cửa tâm hồn đón nhận Ngài thì Ngài sẽ đến để dùng bữa với họ (Kh 3:20)

Chúa là ai? Một hài nhi nằm trong máng cỏ theo truyền thống hay là một Đức Kitô trên thập giá và đã được siêu tôn. Thật ra hai điều đó gắn liền với nhau. Ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng Sinh chỉ trọn vẹn khi được nhìn ngắm dưới ánh sáng Phục Sinh. Thế mà, niềm vui Phục sinh là nền tảng của niềm tin Kitô giáo. Trong niềm tin đó chúng ta cùng nhau suy gẫm toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu, từ lúc sinh ra cho đến khi được siêu tôn và hiện diện một cách thật sống động trong cuộc sống của những ai tin vào Người. Chỉ có suy gẫm trong chiều kích đó chúng ta mới thấy đâu là những việc cần làm để chuẩn bị đón mừng Chúa.

Ngày xưa, khi nói đến việc Chúa trở lại, anh em tín hữu tiên khởi chỉ nghĩ đến ngày quang lâm của Chúa. Họ mong chờ Chúa đến trong thái độ tỉnh thức và đợi mong. Trong hân hoan họ mong đợi được đoàn tụ với Đấng mà họ yêu mến. Không sợ hãi nhưng là vui mừng vì biết rằng hồng ân cứu độ sẽ đạt đến mức thành toàn và viên mãn trong ngày đó.

Còn chúng ta hôm nay thế nào? Vẫn còn một số người hoảng sợ khi nghe đến ngày Chúa đến và như vậy thì việc mừng Chúa giáng trần làm sao còn niềm vui! Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chúng ta đặt lại vài vấn đề thật căn bản cho cuộc sống, như: Chúng ta đã sẵn sàng chưa? Tâm hồn chúng ta đã chuẩn bị thế nào để Chúa ngự?

Nhìn vào các cảnh tượng bên ngoài, chúng ta nhận thấy không khí lễ Giáng Sinh thật tưng bừng và rộn rã. Nhà thờ nào cũng làm máng cỏ với ánh sáng muôn mầu rực rỡ lượn đi lượn lại chung quanh hang đá; lại có những dòng suối nhân tạo róc rách chảy. Đủ thứ trang trí và đồ chơi lạ mắt. Trung tâm thương mại tràn ngập người; ai ai cũng hối hả chọn lựa những món quà cho người thân. Con người quá bận rộn cho việc chuẩn bị mừng lễ. Bận đến độ không còn thời gian cho chính mình, không còn nhận ra mình đang thiếu thứ gì, cần trút bỏ điều gì để Chúa bù đắp lại. Nói chung, hình như những cảnh tượng đó có cái gì xa lạ với sứ điệp của Chúa. Những quà tặng của thế gian quá nhiều, nhiều đến độ làm chúng ta bận tâm, bị rối mắt và chẳng biết đâu là đường. Chúng ta cần có một giây phút nào đó, bỏ mọi sự sang một bên, ngồi xuống để trút bỏ từng miếng giấy bóng để tìm ra ý nghĩa đích thực của quà tặng mà Đức Giêsu đem lại trong mầu nhiệm Nhập Thể.  


Chính hài nhi Giêsu đã cho đi tận cùng của kiếp phàm nhân; khiến cho con người dù có bất hạnh hay bị ruồng bỏ đến đâu cũng tìm được niềm vui và tình thân thương. Và nhân lọai cũng đã tìm thấy nơi cuộc sống của hài nhi những câu giải đáp, những thao thức của kiếp nhân sinh. Sứ điệp mà hài nhi sẽ đem lại thay đổi tư tưởng và lối tư duy của mỗi người. Sứ điệp đó còn thách thức nhân lọai qua mọi thời đại. Bởi vì, từ ngày hài nhi Giêsu xuất hiện, bộ mặt của thế giới đã thay đổi, như: ai mất phương hướng tìm được lối đi; kẻ đói khát no đầy ơn phúc; những ai bị giam cầm tìm được sự trợ giúp; trong Người mọi người tìm được giải thoát, muôn dân muôn nước tìm được giải pháp cho hòa bình.

Nhìn vào thực trạng của thế giới nói chung và những sinh họat trong Giáo Hội nói riêng; nhiều lúc tôi cũng muốn mượn lời của Thánh Gio-an tẩy giả: “Thầy có thật là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Chúng ta đã quá quen với lối sống an nhàn, thủ phận, giữ mình bởi những việc đạo đức. Trong khi đó sứ điệp của Chúa thách thức lương tâm của con người trước sức bành trướng của nền văn minh thế tục đang soi mòn bản chất làm người mà mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giê-su đã đem đến.

Thật vậy, qua mầu nhiệm của đêm Giáng Sinh. Thiên Chúa cư ngụ ngay trong hoàn cảnh riêng của từng người. Dù người đó sống trong tình huống nào, Ngài chẳng hề có ý định bỏ rơi chúng ta. Chúa luôn đứng bên cửa để chờ đợi ta. Ngài đã mặc lấy thân phận con người và chờ đợi ta. Ngài đã đến nơi nhà mình. Qua thân phận của các tù nhân. Qua lối sống của những người nghèo khổ, đói khát, cô thân cô thế, không nơi nương tựa. Người đã nên đồng hình đồng dạng với con người nói chung và những dạng người nói trên để qua họ Người trao ban một lời mời gọi khẩn thiết là “hãy yêu thương nhau”, hãy vì Người mà phục vụ, vì Người mà tha thứ và hy sinh cho nhau, vì Người mà tôn trọng và nâng đỡ nhau. Tóm lại, vì Người mà chúng ta làm tất cả mọi sự cho nhau.

Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn có những người bị tẩy chay, loại bỏ. Bao nhiêu người đã bị đẩy ra sống bên lìa xã hội vì họ không nhận được những ánh mắt cảm thông của chúng ta. Vì thành kiến, chúng ta lên án và không tiếp nhận họ. Một mặt chúng ta tin rằng Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta. Mặt khác, chúng ta lại không nhận ra Ngài nơi anh em. Tìm trăm phương ngàn kế để loại trừ nhau, hạ nhau để được ngoi lên. Bằng mọi cách để xua đuổi nhau một cách thiếu khoan dung. Và, cũng chính vì thiếu khoan hồng và dung thứ của chúng ta nên những người tuy đã hối cải lại không được nâng đỡ khi chính bản thân họ muốn sửa đổi và làm lại cuộc đời.

Cách đây mấy năm, tôi được diễm phúc phục vụ các anh em trong các trại giam tại tiểu bang Victoria, Australia. Trong một buổi họp và chia sẻ của quí vị tuyên uý, chúng tôi nhận ra rằng thời gian vừa được tha khỏi trại giam là mốc điểm quan trọng cho các bạn tù của chúng ta. Họ rất cần sự cảm thông và nâng đỡ của chúng ta. Sau một thời gian sống trong lao tù; những ngày đầu tiên được thả ra vô cùng quan trọng đối với họ. Nếu họ được săn sóc trong một môi trường tốt, hầu như họ sẽ làm lại được cuộc sống. Bằng không, những người bạn cũ sẽ tìm đến với họ và con đường dẫn họ đến nhà tù rất gần.

Người ta kể rằng: Trong một xóm giáo kia; những người sống tại đó hầu hết là người công giáo. Ai ai cũng tin vào Chúa. Và có một thanh niên mồ côi cha mẹ. Anh ta nổi tiếng ăn chơi, trộm cắp, xì ke, ma túy, cướp của. Nói chung anh là loại người bại hoại trong xóm giáo. Cuối cùng anh bị bắt đi tù. Trong trại tù anh có nhiều thời gian để suy nghĩ về những thói hư tật xấu và tự hứa sẽ thay đổi. Đến ngày mãn hạn tù. Anh hân hoan bước ra và tràn đầy hy vọng vào cuộc sống tương lai. Nhưng vì thành kiến và sợ hãi nên dân trong xóm xa lánh anh. Với những ánh mắt dè chừng, những nụ cười gượng ép khiến anh cảm thấy như bị xua đuổi. Không lâu sau đó, anh gây ra vụ án khác và lại bị bắt. Trước mặt quan tòa anh ta khai báo: "Vì đời không đón nhận mà lại khinh khi tôi nên tôi trả thù".
Anh không được đón nhận. Anh bị khước từ bởi lầm lỗi đã xẩy ra ở quá khứ. Chính thái độ hoài nghi, thành kiến và thiếu khoan dung của chúng ta đã tạo nên một người tù chung thân. Giả như Thiên Chúa cũng không chấp nhận chúng ta thì giờ đây nhân loại sẽ ra sao!!???

Điều mà chúng ta cần suy nghĩ ở đây là một môi trường tốt không tự nhiện được thành hình. Nó chỉ được xây dựng bởi những bàn tay nhân ái, những con tim vị tha và những tấm lòng khoan dung độ lượng. Vì thế, trong khi mừng lễ giáng sinh hôm nay, chúng ta có cơ hội để nhắc cho nhau rằng Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta. Ngài nhắc cho chúng ta bài học yêu thương, giúp đỡ, đón nhận và tha thứ cho nhau. Vì qua đó chúng ta tiếp tục sinh hạ và giới thiệu Chúa cho người khác.









"NGƯƠI MÀ XÂY NHÀ CHO TA Ở SAO?"(2 Sam)





  
Trong những Chúa Nhật của Mùa Vọng, chúng ta đã cùng nhau suy niệm và cố gắng sống những lời giảng dậy của Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Isaia; học theo gương sáng và hành trình niềm tin của Gioan Tiền Hô và Mẹ Chúa Cứu Thế. Ngôn sứ Isaia đã tăng cường niềm hy vọng của chúng ta, cho những ai đi trong u tối thấy ánh sáng chiếu rọi để biến những ngày tháng u buồn thành niềm vui đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta ngự đến. Với thánh Gio-an tẩy giả, chúng ta nhận ra ơn gọi cao quí của mình là trở thành khí cụ giới thiệu Chúa cho nhau; và một khi Chúa đã đến với họ thì bổn phận của mình cũng hoàn tất; chúng ta cần can đảm lui mình về phía sau để Chúa làm chủ cuộc sống của họ.

Và trong Chúa Nhật thứ tư này, chúng ta thường được mời gọi suy gẫm về hành trình sống đức tin của Đức Maria, Đấng đã cưu mang hài nhi Giêsu trong cung lòng, mà chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên, hôm nay tôi lại bị thu hút bởi một câu mà Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Na-than nói với Vua Đa-Vít trong bài đọc I, bài trích sách Sa-mu-en 2, như sau: “Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao?”

Vua Đa-vít là gương mặt nổi bật nhất trong lịch sử dân Do Thái. Từ tình thế tan tác và lỏng lẻo giữa các bộ lạc với nhau, ông đã lãnh đạo họ thành một quốc gia thái bình với nền chính trị vững bền. Lúc này kẻ thù đã bị đập tan. Vua ngự trị trong một cung điện nguy nga tráng lệ; thế mà Chúa vẫn còn bị ‘nhốt’ trong ‘hòm bia giao ước’ nơi lều trại. Vì thế, ông dự định xây đền thờ cho Chúa ngự. Nhưng ý định của Thiên Chúa vựợt xa những dự tính của con nguời; cho dù đôi khi những ưu tư đó thật chính đáng. Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Nathan đã nhắc cho Vua biết rằng chính Ngài có trách nhiệm trên dân tộc và đất nước Do thái chứ không phải là Vua. Từ một kẻ chăn chiên Ngài đã uốn nắn ông thành Vua. Thiên Chúa mới là người lãnh đạo, là nguyên nhân của sự thành công, là thành lũy che chở giúp Vua Đavid và dân riêng của Ngài chiến thắng các kẻ thù địch và ban cho họ nền hòa bình và thịnh vượng. Và nếu trong quá khứ Thiên Chúa đã bảo vệ dân riêng của Ngài, thì chính Ngài chứ không phải Vua hay bất cứ nguời nào khác có thể bảo đảm tương lai của họ.

Hẳn anh chị em còn nhớ, chính trong hoang địa của hành trình tiến về Đất Hứa, Thiên Chúa đã ký kết giao ước với dân Do Thái: “Các ngươi sẽ là dân riêng của Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi.” Còn về phía dân chúng thì họ đã có một kinh nghiệm vô cùng quí giá là Thiên Chúa hiện diện và cùng đồng hành với họ. Người ngự giữa họ. Từ điểm này, chúng ta có thể ghi nhận một điều vô cùng quan trọng trong cách sống đạo là không ai được phép cầm giữ Thiên Chúa cho riêng mình; và cũng không một tổ chức nào, ngay cả Giáo Hội Công Giáo, được phép nhân danh Chúa mà nói là Thiên Chúa chỉ thuộc về riêng nhóm của chúng tôi mà thôi. Tất cả những ý tưởng đó đều sai lạc với ý tưởng của Thiên Chúa. Đừng nhốt Thiên Chúa trong những cơ cấu do con người nặn ra. Sự tích dân Do Thái đã nỗ lực đúc ‘con bê bằng vàng’ là bài học đích đáng dành cho những ai muốn nặn một Thiên Chúa cho nhóm mình. Thiên Chúa là Thiên Chúa của mọi người.

Sau này khi dân Do Thái bi lưu đầy bên Ba-by-lon và trong thời gian đó đền thờ không còn. Nơi mà họ thờ phượng đã bi phá hủy. Nhưng chính trong hoàn cảnh khó khăn như thế, họ lại cảm nghiệm một cách sâu xa là Thiên Chúa hiện diện và hoạt động một cách mãnh liệt trong cách sống đạo của họ. Ngài cùng đồng hành với họ trong hoàn cảnh tang thương mà họ đang phải gánh chịu. Tương quan đó bắt nguồn từ Thiên Chúa, dành cho con người. Đó là một tương quan linh họat và sống động. Chúng ta không được phép nhốt Ngài ở một nơi chốn cố định nào. Nhà của Thiên Chúa là bản thân của mỗi người. Ngài hoạt động và cùng đi với con người. Như chúng ta đã biết là ngôi nhà không tự nó mọc lên, cần phải có người làm ra và Đấng làm ra mọi sự là Thiên Chúa. Giả như Chúa chẳng xây nhà thì liệu các cố gắng của chúng ta sẽ đi đến đâu! Cho dù trước mặt chúng ta là những ngôi đền thờ nguy nga tráng lệ như đền thờ Giê-ru-sa-lem xưa kia, mà không có Chúa ngự trị, rồi cũng bị sụp đổ tan hoang.

Trong lúc suy nghĩ điều này, tôi nhớ đến hiện tượng xây nhà thờ tại Việt nam trong vài thập niên qua. Vẫn biết rằng bất kỳ cộng đồng nào cũng cần nơi để dân chúng thờ phượng. Nhưng nếu một ngôi nhà thờ được xây dựng nguy nga với những trang hoàng lộng lẫy, lại tọa lạc giữa những mái nhà dột nát và tình trạng thiếu ăn thiếu mặc của dân chúng thì có cân xứng hay không? Chưa kể đến óc não ‘tranh đua’ của chúng ta. Nhà thờ bên cạnh có tháp chuông cao, bàn thờ bằng đá cẩm thạch thì bên này cũng phải cố gắng bằng hoặc hơn bên kia. Thậm chí, tại một vài nơi, nhà thờ còn tạm dùng được lại bị phá đi để xây nhà thờ mới. Cuối cùng việc xây nhà thờ chỉ làm thỏa mãn những tham vọng ‘hơn thua’ của các vị lãnh đạo. Còn dân chúng đã khổ sở lại càng khốn khổ thêm vì những lần quyên góp, những tặng vật cần phải có trong những dịp khánh thành từng chặng. Tại một vài nơi, nhiều nhà thờ được xây cất theo từng giai đọan. Sau khi hoàn tất giai đọan nào thì tổ chức tạ ơn, khánh thành để thực hiện giai đọan tiếp theo. Những người khách được mời vẫn là giáo hữu; dân khố rách áo ôm. Đã đói lại càng đói thêm!



Lịch sử đã khẳng định một điều thật hiển nhiên là bất cứ một triều đại nào dù vững bền đến đâu mà do con người dựng nên cũng có ngày bị sụp đổ; chỉ có triều đại của Thiên Chúa là bền vững qua muôn thế hệ. Thật vậy, sau khi loan tin cho Đức Maria về việc sinh hạ Đức Giê-su, sứ thần khẳng định thêm là triều đại của Ngài sẽ vô cùng vô tận. Triều đại của Thiên Chúa đã viên mãn qua cuộc sống và sứ vụ của Đức Ki-Tô, Đấng đã mặc lấy thân phận con người giống như chúng ta. Nói cách khác, qua Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa đã xây một ngôi nhà vĩnh cửu và tồn tại qua muôn thế hệ. Và qua triều đại của Người mà ngôi đền vĩnh cửu đã được dựng xây và nhờ Người, với Người và trong Người mà nhân lọai được giao hòa với Thiên Chúa.


Như vậy, qua việc hân hoan đón nhận chương trình của Thiên Chúa thực hiện nơi bản thân mình, Đức Trinh Nữ Maria đã cộng tác để đem ơn cứu độ đến cho nhân lọai. Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta vừa là sứ điệp vừa là một thách đố đòi hỏi sự cộng tác của chúng ta. Vì thế, qua cách hành xử trong cuộc sống, chúng ta được mời gọi là ngôi nhà, là đền thờ và triều đại của Thiên Chúa mà nhiều người đang mong đợi. Vậy hãy sống để Đức Giê-su tiếp tục được sinh hạ cho nhân loại. Amen

Friday, 15 December 2017

AI LÀ CHỨNG NHÂN?



Người ta nói ‘con đường dài nhất là con đường từ đầu đến bàn tay’. Câu nói này thường được dùng để ám chỉ đến những người nói nhiều, làm ít hay không làm. Nói thì ai nói mà không được, nhưng biến lời nói thành việc làm là điều thật khó khăn. Thế giới ngày nay cần nhiều chứng nhân hơn là các chứng từ. Chúng ta đều biết ‘lời nói lung lay gương bầy lôi cuốn’. Như vậy, chứng nhân cần sống đúng với chứng từ của mình, điều đó có nghĩa là chứng nhân không có lối sống chạy theo đám đông, hay làm để chiều theo thị hiếu của quần chúng; nhưng là sống thế nào để họ noi gương rồi đi theo.

Trong mấy ngày vừa qua, tôi có gặp một số phu huynh để nghe họ tâm sự. Khi nhìn vào thực trạng đang xẩy ra trong một số gia đình, quí vị cảm thấy như có một gánh nặng đè trên hai vai về lối giữ đạo của con cái họ. Nhà thờ và các nghi lễ phụng vụ không còn hấp dẫn các cháu nữa. Đây không chỉ là vấn đề làm cho quí vị nhức đầu; nhưng đó là thách đố chung của Hội Thánh và cho những ai còn môt chút quan tâm đến cuộc sống của giới trẻ hôm nay. Tuy nhiên, điều làm tôi cảm động khi nghe quí vị chia sẻ rằng một trong những nguyên nhân khiến các cháu có lối sống như thế là do quí vị đã không làm gương sáng. Qua lời than van này, quí vị đã giúp tôi nhớ lại rằng, điều kiện tiên quyết của người làm chứng là sống đúng như chứng từ của mình. Và, Gioan Tẩy giả trong bài Tin Mừng hôm nay là gương mẫu trong sứ mạng làm chứng như thế.

Đời sống và các sinh hoạt tôn giáo của dân Do Thái được nuôi dưỡng bởi các ngôn sứ. Họ đã đóng một vai trò thật quan trọng trong việc nuôi dưỡng niềm tin của dân chúng hướng về ngày cứu độ. Tiên tri Malachi là vị ngôn sứ đã xuất hiện khoảng 450 năm trước khi Gioan đến. khoảng thời gian 450 năm không là một giai đoạn ngắn, ít nhất cũng trải qua 4, 5 thế hệ. Vì không được hướng dẫn bởi các ngôn sứ, cho nên thời gian này có thể được ví như khoảng thời gian dân Do Thái mò mẫm trong đêm tối. Và như vậỵ, họ không chỉ mong chờ mà còn rất cần được Ánh sáng dẫn đường chỉ lối!

Với một bối cảnh như thế, và lòng dân chúng đang mong chờ vị Cứu Tinh, Đấng Cứu Thế sẽ đến để giải thoát họ khỏi ách nô lệ, cứu thoát họ khỏi cảnh lầm than. Vì thế, khi nghe tin Gioan xuất hiện, họ từ Giê-ru-sa-lem, khắp miền Giu-đê và vùng lân cận sông Gio-đan hân hoan kéo đến nghe ông giảng. Trái lại, thái độ của các vị lãnh đạo đền thờ lại khác. Họ sai các tư tế và mấy thầy Lêvi đến chất vấn ông. Nhân dịp này, Gio-an đã làm chứng cho họ biết Ngài không phải là Đức Ki-tô, cũng chẳng phải là Ê-li-a hoặc là ngôn sứ gì cả. Ngài chỉ là tiếng hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đấng Cứu Thế đến như ngôn sứ Isaia đã nói.” (Ga 1: 20-23) Rồi mấy người trong nhóm Pha-ri-sêu lại hỏi tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đức Kitô. Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi, và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1: 26-27)

Giả như Đức Giê-su không xuất hiện và Gio-an không nói sự thật về vai trò của ông thì khách quan mà nói trong bối cảnh xã hội và tôn giáo như thế; Thánh Gio-an Tẩy giả, với lối sống khổ hạnh và lời rao giảng có sức lôi cuốn mãnh liệt, có thể bị ngộ nhận là Đấng Cứu Thế mà toàn dân đang mong chờ. Gioan đã không chỉ làm chứng bằng lời nói; nhưng gương can đảm, sống theo sự thật làm cho chúng ta phải cảm phục. Gioan được ví như cây sậy phất phơ trước gió, nhưng Ngài đã không ngã gục trước quyền lực của những người đến hỏi tội ông. Gio-an cũng không đánh lừa dân chúng. Ngài can đảm nói lên vai trò của nhân chứng về sự thật. Và vì sự thật mà Ngài đã bị xử tử, bị giết chết. Đó chính là con đường mà ngôn sứ phải đi: chỉ biết nói sự thật cho dù phải chết.

Đây quả là một thách đố. Nhiều khi, vì bảo vệ cho sự sinh tồn của cộng đoàn, giáo xứ và địa phận… chúng ta không những chỉ làm ngơ trước bạo lực, đôi khi còn cộng tác với những kẻ có quyền thế và quên đi số phận lầm than của những người mà chúng ta được sai đến để săn sóc và bảo vệ họ. Nguyên tắc trao đổi để đôi bên đều có lợi chưa hẳn được phát xuất từ lòng tin. Theo tôi, đó chỉ là sự khôn ngoan của thế gian!

Gioan không phải là ánh sáng mà chỉ là nhân chứng của ánh sáng. Ánh sáng đích thật là Chúa Giêsu. Vì thế khi Đức Kitô bắt đầu sứ vụ công khai thì vai trò của Gio-an phải lu mờ. Cũng như Gio-an, chúng ta phải biết chấp nhận sự thật về mình, sự giới hạn của mình, không giả tạo, không qui công về mình cái mà mình không có, điều mà mình không làm. Bằng không, chúng ta có thể trở thành những con người bất mãn và chỉ biết đòi hỏi.

Đây là sự cao trọng trong sứ mạng của Gio-an. Chính vì biết mình là ai, và cần phải làm gì trong chương trình của Thiên Chúa, nên Gio-an đã trở thành con người vĩ đại như lời ca tụng của Đức Giêsu: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan tẩy giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước trời còn cao trọng hơn ông.” Bởi vì, vai trò của Gio-an dù có cao trọng đến đâu thì ông vẫn chỉ là người dọn đường; còn chính Chúa Giê-su và những kẻ thuộc về Người mới thuộc về Nước Trời. Đó là giáo lý mới, tin vui mà Chúa Giê-su đã đem lại. Chính Gio-an cũng phải thay đổi lối nhìn và cách sống sao cho phù hợp với những yêu sách của Tin Mừng về Nước Trời. Với Đức Giêsu, trong Vương Quốc của Người, chúng ta hãy cứ để cho ‘cỏ lùng và lúa tốt” cùng mọc lên, cho ‘chiên và dê’ cùng sống chung. Việc phân xử là của Chúa. Thời gian phân xử cũng thuộc về Ngài. Còn bây giờ, chúng ta hãy noi gương Chúa Cứu Thế, đi trên con đường mà Người đã đi, chiếu hy vọng đến những nơi tăm tối, đem tin vui tận hang cùng ngõ hẻm của thế giới; rao giảng Đấng có quyền làm cho “kẻ què được đi (trên con đường của Chúa), người điếc được nghe (tin vui), người mù được nhìn thấy (ánh sáng) và kẻ chết được sống lại từ cõi chết”.

Tóm lại, vai trò của Gio-an là giới thiệu và dọn đường cho Đấng Cứu Thế; còn Chúa Giêsu và chúng ta là niềm hy vọng, nguồn sống sung mãn của Thiên Chúa cho người khác. Có như thế, viêc chúng ta mừng lễ Giáng Sinh không phải là việc tưởng niệm biến cố đã xẩy ra trong quá khứ; nhưng là tiếp tục công việc mà Chúa Giêsu đã làm cho những hạng người nói trên. Ước mong ân huệ của đêm Giáng Sinh sẽ biến cuộc đời của chúng ta trở thành nhân chứng của niềm vui; niềm vui này giống như niềm vui mà sứ thần đã loan báo: “Hôm nay Đấng cứu Thế đã sinh ra” không phải tại Bê-lem nhưng bởi lối sống của chúng tôi, là những người có nhiệm vụ cao trọng hơn Gio-an Tẩy giả.


Và để kết thúc tôi xin gửi đến anh chị em một kinh nghiệm vô cùng quí báu mà tôi đã được chia sẻ vào hôm Thứ Hai, ngày 11.12 vừa qua. Số là có một cháu gái, tôi đoán cô ta khoảng 18 hay 19 tuổi. Cháu đến gặp để chia sẻ niềm vui mà cháu vừa trải nghiệm. Nghe đến đó, tôi chỉ biết âm thầm tạ ơn Chúa, cảm ơn cháu và tiếp tục lắng nghe. Con vừa làm được một việc cả thể và hiện giờ con vui lắm. Vậy sao! Tôi đáp. Cháu tiếp tục, con vừa mới tha cho một người mà con đã ghét cay ghét đắng trong mấy năm qua. Tôi thinh lặng trong giây lát, sau đó gợi ý với cháu rằng hẳn nhiên người mà con ghét cay ghét đắng phải là người vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con mấy năm qua. Không để tôi dứt lời, cháu đã tiếp tục nói đúng thế cha ơi, người đó là bố của đứa con của con. Chúng con quen nhau, và cũng chưa có cưới hỏi gì hết. Nhưng nay không cần nữa vì ông ta đã phụ con. Tôi bèn nói, quả thật là tin vui, không có niềm vui nào to lớn hơn niềm vui tha thứ mà con vừa chia sẻ. Nhưng có một điều cha nhắc cho con biết là niềm vui và sự tha thứ chỉ tồn tại khi nó phát xuất từ kinh nghiệm vui mừng và được tha thứ bởi Thiên Chúa. Cầu chúc con mãi mãi vui khi rộng lượng và tha thứ cho những ai đã phụ mình; bởi vì mình cũng đã nhiều lần phụ Chúa. Đó cũng là lời nguyện chúc cho nhau để chúng mình cùng hoàn tất sứ mạng làm chứng cho niềm vui và sự tha thứ mà chúng ta hân hoan đón nhận trong Mùa Vọng và nhất là qua Mầu Nhiệm Nhập Thể mà chúng ta sẽ cử hành năm nay. Amen

Thursday, 7 December 2017

CHÚA DỌN ĐƯỜNG CHO TA


Song song với sự phát triển kinh tế của một thành phố, người ta phải kể đến việc xây dựng và mở rộng các phương tiện giao thông như đường sá, cầu bè… Để đạt được mục tiêu này, trong một nước dân chủ thì dân chúng trong vùng bị ảnh hưởng sẽ được hỏi ý kiến và ý kiến của họ là tiếng nói thật quan trọng mà chính phủ cần lắng nghe trước khi thực hiện dự án. Và nếu các dự án xây dựng gây thiệt hại cho ai thì chính phủ sẽ đền bù cân xứng cho họ. Tuy dân chúng không mấy hài lòng về dự án của chính phủ đề xuất ra, nhưng họ vẫn phải hy sinh cho một lợi ích chung. Bởi vì, các phương tiện giao thông được mở rộng giúp con người dễ dàng đi đến với nhau, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa mau chóng hơn và từ đó dân chúng sẽ được hưởng những lợi ích do việc phát triển hầu cuộc sống của họ sẽ sung túc và thoải mái hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên lưu ý rằng đường sá càng mở rộng thì cạm bẫy càng nhiều, và nếu đã gây ra tai nạn thì xác xuất bị tử vong cũng cao hơn bình thường. Vì thế, cần coi chừng và giữ một tốc độ an toàn trên đường là việc cần thiết.

Dĩ nhiên khi nói đến con đường thì không phải chỉ có các con đường vật chất bằng đất, nhựa, xi măng hay bê tông cốt sắt; hoặc cũng không chỉ là những con đường trên mặt đất, trên sông biển, trên không trung… Còn có những con đường quan trọng hơn như con đường tình, con đường thiêng liêng. Và, nói chung nếu muốn đạt đến đích thì chúng ta cần vượt qua những trở ngại và gian nan khi gặp trên đường. Thực tế chỉ cho chúng ta thấy rằng đường đời có những chỗ quẹo, khúc quanh bất ngờ mà ít ai trong chúng ta lại mong muốn nó xẩy đến. Đó có thể là những thất bại trong công việc làm ăn, con cái tự nhiên nổi chứng: đứa này hư, đứa kia nghiện, đứa khác bỏ học hoặc sự phản bội của người thân hay người thân bị mang chứng bịnh hiểm nghèo, v.v… Những trắc trở này có thể xẩy ra trong thời gian ngắn, có lúc kéo dài khiến con người mất kiên nhẫn và ảnh hưởng đến niềm tin và sức sống của chúng ta. Dĩ nhiên, đối diện và tìm những phương thể để san cho bằng những chỗ gồ ghề đó không phải là việc dễ dàng. Dựa vào kinh nghiệm sống, chúng ta đều nhận ra rằng, dù con người có cố gắng đến đâu thì việc đạt đến đích điểm hoàn toàn không dựa vào sức lực của bản thân mà thôi. Dưới cái nhìn của người có niềm tin, chúng ta đều có thể khẳng định rằng nếu không có việc quan phòng, trợ giúp và yêu thương của Thiên Chúa thì cho dù có vất vả cũng là uổng công!

Trong chiều hướng đó, chúng ta cùng ôn lại việc Thiên Chúa can thiệp và giúp cho dân mà Ngài đã tuyển chọn. Vì, khi nhìn lại con đường dân Do Thái đã đi khi xưa cũng giúp cho chúng ta nhìn lại con đường của mỗi người, rồi tìm ra những bài học cho cuộc sống. Khi tiến về đất Chúa hứa, dân Do Thái dòng dã 40 năm trường trong hoang địa; họ gặp rất nhiều khó khăn: lúc thiếu nước uống, khi khác thiếu ăn, lại còn phải chiến đấu với quân thù… Rồi thời gian ổn định cũng chẳng bao lâu, họ đã trải qua nhiều gian khổ khác như bị bắt làm nô lệ lưu đầy bên Babylon và bị đô hộ bởi đế quốc Roma dưới thời Chúa Giêsu. Với một cảnh huống đầy khó khăn như thế, lòng dân Do Thái lúc thế này mai lại khác. Nhưng, Thiên Chúa không hề bỏ rơi dân Ngài đã tuyển chọn. Trong hoang địa, Ngài đã sai các thiên thần dẫn đường cho dân, lúc khác lại dùng cột lửa để soi đường chỉ lối cho họ, và luôn nhắc lại lời hứa mà Ngài đã loan báo là họ sẽ là dân của Thiên Chúa.

Và ngày hôm nay, trong bài đọc 1, Ngài đã dùng miệng ngôn sứ Isaia để nhắc lại việc Thiên Chúa đã can thiệp khi họ bị lưu đầy bên Babylon thế nào thì ngày của Đức Mesia, Đấng Cứu Thế đến để giải thoát họ đã gần đến. Như vậy, chúng ta thấy rõ chính Thiên Chúa đã dọn đường cho dân. Điều này đã được đề cập trong Tin Mừng hôm nay. Đó là việc Thiên Chúa sai thánh Gioan qua lối sống và lời rao giảng báo cho dân chúng biết về Đức Kitô sắp xuất hiện. Và đây là sứ mạng và sứ điệp mà Gioan mời gọi chúng ta cùng nghe trong Mùa Vọng này.

Trước hết, khi đặt lời rao giảng của Gioan tẩy giả trong bối cảnh hoang địa, thánh sử muốn nhắc chúng ta nhớ lại kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa của dân Do Thái. Áp dụng vào hoàn cảnh và cuộc sống của chúng ta, tôi khám phá rằng: chỉ ở trong hoang địa chúng ta mới được hạnh phúc nhìn thấy Thiên Chúa. Tức là ở những nơi chúng ta trút bỏ hoàn toàn các mặt nạ của mình, trút bỏ kiêu ngạo, lo lắng, phân tán để lắng nghe Lời Chúa. Nếu chúng ta còn đeo những mặt nạ nói trên thì không thể có cơ hội nhìn thấy Người. Và đây là bài học thứ nhất: Hãy trút bỏ mặt nạ, sống thật với chính mình, không giả hình, không gian dối để được nên một với Chúa và dễ dàng tiếp cận nhau hơn.

Chính trong hoang địa Gioan tiền hô đã gặp gỡ Thiên Chúa và nhận ra sứ mạng cũng như sứ điệp mà Chúa muốn ông làm, đó là kêu gọi dân chúng “Hãy dọn sẵn con đường của Chúa, hãy sửa lối cho thẳng để Người đi…. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Giờ đây chúng ta hãy tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi:  Đường của mình hay Đường của Chúa? Ai dọn đường cho Chúa đến? Ai sửa lối cho thẳng để Người đi?

Như anh chị em đã biết, vai trò của Gioan chỉ là người giới thiệu về Đức Kitô, vì thế sứ điệp của ông vẫn chưa hoàn hảo. Gioan không làm cách mạng, Ngài không bắt người ta phải thay đổi cuộc sống, thay đổi địa vị xã hội. Nhưng Gioan chỉ nhắc nhở, thúc giục mọi người hãy cải thiện đời sống, đổi mới tâm hồn để sẵn sàng chờ đón Chúa đến. Làm theo những lời dậy bảo của Gioan đã là điều tốt. Nhưng, lời mời gọi và yêu cầu của Đức Giêsu vượt trên sứ điệp của Gioan. Vì thế, chúng ta thay vì dọn đường sửa lối để Chúa đến, chúng ta cùng đi con đường của Chúa.

Đâu là con đường của Chúa? Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ lời rao giảng của Chúa Giêsu, Người đã khẳng định rằng Người là đường là sự thật và là sự sống. Người là con đường duy nhất dẫn chúng ta đi về nhà Cha. Ai muốn đến với Cha phải đi qua Người. Trước thách đố quyết liệt của Tin Mừng như thế, Philiphê cũng không hơn gì Tôma, dù đã ở với Đức Giêsu nhưng các ông vẫn chưa nhìn thấy Chúa là con đường sự sống dẫn ta vào sự sống viên mãn của Thiên Chúa. Ai thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha. Qua những lời đối thọai giữa Chúa Giêsu và các tông đồ trong chương 14 của Tin Mừng theo Thánh Gioan, chúng ta nhận biết rằng chỉ có một con đường duy nhất dẫn đưa con người đến sự sống sung mãn nơi Chúa Cha là đi con đường của Chúa.

Đó chính là:

Con đường từ bỏ để giới thiệu Chúa cho nhau. Giống như Gioan Tiền Hô, chúng ta không kêu gọi sự chú ý đến chính mình. Chúng ta đến để giới thiệu và chỉ cho người ta thấy con đường của Chúa. Mượn lời của Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng công bố: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.” Từ bỏ vinh dự cao quí và lui về phía sau để Thiên Chúa thực hiện dự án của Ngài qua sứ mệnh mà chúng ta đã lĩnh nhận là điều tuy cần thiết nhưng rất khó thực hiện. Qua hành động như thế, chúng ta không hoạt động cho vinh quang của mình mà làm cho Danh Chúa được cả sáng hơn. Trong Chúa Giêsu, con đường từ bỏ đã đến mức kiện toàn, như lời của Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Phi-lip-phê như sau “Đức Giê-su Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa…. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang… trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá….”


Con đường yêu thương: Người đã yêu thương ngay khi chúng ta đang là tội nhân; giờ đây nhờ Người mà chúng ta được trở nên công chính. Tình yêu của Người không bút mực hay ngôn từ nào có thể diễn tả hết. Người yêu thương chúng ta và yêu thuơng đến cùng, hạ mình xuống rửa chân như dấu chỉ phục vụ hết mình. Trong Tình yêu của Chúa Giêsu thì không có biên cương, không còn nô lệ hay tự do… không còn kẻ giàu hay người nghèo, kẻ sang hay người hèn; tất cả đều nên một trong lòng mến của Người. Tất cả mọi luật lệ trên trần gian, ngay cả những khỏan luật tôn giáo do con người đặt ra cũng không ngăn cản được tình yêu của Chúa Giêsu, như việc Người chữa lành các bịnh nhân trong ngày hưu lễ. Lề luật chỉ là phương tiện để phục vụ con người. Con người không thể vịn vào lề luật để bóp nghẹt tình yêu hay ngăn chận người ta đến với Thiên Chúa là nguồn suối yêu thương.

Con đường tha thứ như đã được thứ tha. Khi chúng ta biết rằng chúng ta được tha thứ và được cứu độ bởi lòng thương xót của Thiên Chúa trong Đức Giêsu là lúc chúng ta không còn để cho ‘cái tôi’ làm chủ mình nữa; nhưng trở nên mạnh mẽ và dũng cảm hơn trong yêu thương như chúng ta đã được yêu. Chúng ta nhân hậu và từ bi hơn. Chúng ta không chỉ đến với nhau bằng trái tim nhân loại nhưng là trái tim của Chúa Giêsu. Cánh cửa cuộc đời của chúng ta luôn rộng mở cho nhau, ngay cả lúc không có ai cần vào. Lúc đó, cuộc đời của chúng ta trở thành đường mở thênh thang để đón nhận nhau.

Vì thế, theo tinh thần của các bài đọc hôm nay, thay vì chúng ta dọn đường để Chúa đến thì anh chị em cùng đi con đường của Chúa. Và như anh chị em đã biết, chúng ta không thể cùng đồng hành với Chúa mà quên nhau. Chúng ta không thể đến với Thiên Chúa bằng một con đường khác hơn con đường đến với tha nhân. Ngược lại, không thể đến với tha nhân bằng con đường khác hơn con đường đến với Thiên Chúa. Chủ trương chỉ yêu tha nhân không cần đếm xỉa gì đến Thiên Chúa, hay ngược lại, chỉ yêu Thiên Chúa mà không đếm xỉa gì đến tha nhân đều là những tình yêu giả tạo, không thực tế. Do đó, nếu muốn đến và gặp gỡ Thiên Chúa thì không gì tốt đẹp và chắc chắn cho bằng đến gặp gỡ Người nơi tha nhân. Và nếu muốn đến và gặp gỡ nhau thì không gì bảo đảm và tạo hạnh phúc cho nhau cho bằng đến và gặp gỡ nhau trong Thiên Chúa.

Đó là con đường Chúa đã dọn sẵn cho anh chị em. Người đang chờ mỗi người chúng ta cùng bước vào con đuờng đó. Amen.



Friday, 1 December 2017

CHÚA CHỜ TA!



Trong trình thuật Tin Mừng theo Thánh Mác-cô hôm nay, chúng ta nghe và nhận ra lời mời gọi của Chúa: “Hãy coi chừng, hãy tỉnh thức!” mang một giọng điệu thật đáng khích lệ, nhưng đó cũng là một lời cảnh báo. Chúng ta không biết khi nào, giờ nào Chúa sẽ đến. Không còn ai nghi ngờ về điều này. Chúa chắc chắn sẽ đến. Nhưng không ai trong chúng ta biết khi nào, lúc nào và trong hoàn cảnh nào! Vì thế chỉ biết trông cậy và đợi chờ.

Trong khi chờ đợi chúng ta sẽ làm gì và tâm tình của chúng ta ra sao? Qua kinh nghiệm của cuộc sống, chúng ta đã trải qua những cuộc đợi chờ với những tâm tình và các trạng thái khác nhau như: chờ đợi với niềm hy vọng; hứng khởi đợi mong, khao khát chờ ai? Cũng có lúc chờ đợi với tâm trạng thất vọng rồi thiếu kiên nhẫn. Rồi cũng đôi ba lần chờ đợi với lòng ham muốn… Trong các hoàn cảnh đó, chúng ta chỉ muốn nó xẩy ra, ngay bây giờ và trong lúc này; vì chờ lâu quá nên không muốn chờ thêm.

Đã có chờ đợi thì không thoát khỏi những lần lỡ hẹn: Lỡ một chuyến đò hay một chuyến tàu, lỡ một lần hẹn hay lỡ gửi quà cho nguời thân, v.v... Trong những lần lỡ làng của cuộc sống, cũng có cái lỡ có thể bù đắp được; cũng có cái lỡ luôn. Tôi được nghe kể lại, nhiều người trong anh chị em, chỉ vì lỡ một lần hẹn mà tình duyên bị trắc trở. Còn nếu “lỡ” không lắng nghe tiếng Chúa, không nhận ra Chúa đang chờ đợi mình nơi tha nhân thì chúng ta có thể mất tất cả. Cái lỡ này nguy hiểm vô cùng, không ai có thể chuộc lại. Bởi vì chúng ta đâu biết có còn cơ hội để bù đắp những ‘lần lỡ làng’ đó hay không? Chẳng ai biết được lúc nào Chúa sẽ đến: Có thể lúc chập tối, hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.  Vì thế, phương thức tốt nhất là phải chuẩn bị cho những cuôc gặp gỡ Chúa ngay trong giây phút này.

Chờ đợi rõ ràng ám chỉ đến thời gian. Chờ đợi hướng về tương lai, không phải là việc quay đầu lại, dù chỉ là lướt qua, để nhìn về quá khứ. Mong chờ một đổi thay, tìm ra những kinh nghiệm mới. Tất cả hướng về niềm vui và sự chuẩn bị cho sự xuất hiện của Đức Giêsu. Vì thế, dù phải canh thức và chờ đợi; nhưng chúng ta biết rằng chúng ta đang chờ điều gì? Đó là một điều thật tuyệt vời, phù hợp cho mọi thế hệ. Việc Chúa đến lần thứ hai cho dù đã được tiên báo, tuy nhiên những lời tiên báo đó cũng chẳng khẳng định chính xác được điều gì. Chúng ta tin ngày đó sẽ đến. Ngày mà trời mới đất mới sẽ thay thế trời cũ đất cũ. Thật ra, trời cũ đất cũ đã được biến đổi bởi biến cố phục sinh của Chúa Giêsu; chúng ta chờ đợi việc hoàn tất cuộc biến đổi ấy trong ngày Chúa đến lần thứ hai. Vì không biết ngày đó sẽ xẩy ra khi nào, nên chúng ta chỉ biết chờ đợi. Đợi với niềm hy vọng là chúng ta luôn sẵn sàng để gặp Chúa.



Thoáng nhìn lịch sử ơn cứu độ chúng ta nhận biết Chúa luôn đi bước trước đến với con người. Ngay từ ngày đầu tiên con người đã muốn sống tự lập, sống thoát khỏi sự che chở của Thiên Chúa và làm theo ý mình. Nhưng không vì thế mà Chúa bỏ rơi con người. Người đã đến lên tiếng kêu gọi: “Ngươi ở đâu?” Tuy đã nghe được tiếng Chúa, nhưng thay vì đối diện với sự thật để được tha thứ, con người lại lẩn trốn vì sợ hãi. Nhưng tình yêu Thiên Chúa vượt trên mọi công trạng hay việc ‘lẩn trốn’ của con người. Người đã không bỏ mặc con người. Ngoài tin vui loan báo về ơn cứu độ, Thiên Chúa còn làm những chiếc áo bằng da và mặc cho họ. Đó chính là nghĩa cử nói lên lòng quan tâm và yêu thương của Thiên Chúa như đã mô tả trong sách Sáng Thế Ký (Stk 3:15 và 21).

Tuy vậy, thái độ bất trung của con người và sự trung tín của Thiên Chúa vẫn tiếp diễn từ đời này qua đời khác. Và ngay lúc chúng ta không còn làm được gì nữa, thì Thiên Chúa lại đi bước trước để viếng thăm và cứu độ dân Người. Và nếu khi xưa con người đã ‘lẩn trốn’ vì sợ hãi, thì nay Đức Kitô, còn được gọi là: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” đang hịện diện và chờ đợi bàn tay yêu thương, con tim rộng mở và nhân từ của chúng ta.

Như vậy, trong thời gian này, chúng ta không chỉ chuẩn bị chờ đợi để mừng lễ Giáng Sinh; hay mong chờ ngày hạnh phúc vĩnh cửu mà hiện tại chúng ta chỉ có thể cảm nghiệm bằng niềm tin. Thật ra từng giây từng phút Chúa đang chờ đợi ta. Sự biến đổi thế giới này trở thành trời mới đất mới là nhiệm vụ của các tín hữu. Và nét nổi bật trong mùa này là “coi chừng, tỉnh thức và đợi chờ”. Tỉnh thức không phải là thái độ thụ động như người lính canh đồn, thức trắng đêm để đợi chờ; rồi thời gian chờ đợi quá lâu, họ đâm chểnh mảng rồi ngủ gà ngủ gật; chỉ mất sức mà chẳng được việc gì! Nhưng là người tín hữu, chúng ta tỉnh thức bằng cách chu toàn trách nhiệm hiện tại, biết nhận ra những dấu chỉ thời đại, khám phá ra thánh ý Thiên Chúa, kiên tâm phục vụ trong yêu thương, nỗ lực hơn trong các dự án tình thương, những công việc bác ái, ra sức cổ võ cho sự hiệp nhất, rộng tay đón tiếp và chia sẻ cho những người nghèo đói, hoạn nạn. Nói riêng cho những ai đang sống trong bậc gia đình. Anh chị cần tỉnh thức để phục vụ nhau. Đời sống gia đình là môi trường phục vụ lý tưởng nhất. Vợ chồng kitô hữu hiến thân cho nhau, tha thứ cho nhau, biết tận tâm giáo dục con cái, biết dùng của cải Chúa ban để mưu sống gia đình, nhưng đồng thời cũng biết chia cơm sẻ bánh cho người nghèo đói. Tất cả những công việc đó nói lên thái độ tỉnh thức và sẵn sàng đón tiếp Ngày của Chúa.



Cách chung, tôi được mời đến, để sống trọn vẹn bản chất và ơn gọi của tôi; ngay trong thời điểm này. Thiên Chúa hiện diện rất gần trong mỗi giây phút của cụộc sống. Ngài đang sống trong hiện tại. Thiên Chúa không biết thời gian. Chính tôi là những người sống trong khoảng thời gian chứ không phải là Thiên Chúa. Chính tôi là người bị ràng buộc bởi quá khứ và bị cuốn hút bởi tương lai, chứ không phải là Thiên Chúa. Thiên Chúa chỉ có trong hiện tại. Chính vì thế, tôi cần để tâm đến các việc trong hiện tại; vài gợi ý cụ thể như sau:
Hôm nay, tôi có sẵn sàng tham dự các cuộc nấu nướng và dọn bữa cho nhưng ai không có nơi trú ngụ, vô gia cư hay không?
Hôm nay, tôi có sẵn sàng đến trang trí cây thông và thăm các cụ già trong các nhà dưỡng lão và các bịnh viện hay không?
Bây giờ, câu trả lời của tôi sẽ như thế nào khi được mời đến thăm các cháu trong các trại mồ côi hay đến an ủi những ai đang hấp hối trong các khu an dưỡng?
Ngay trong giây phút này, Chúa đang chờ tôi nơi tha nhân; còn thái độ tôi như thế nào?


Thật ra chúng ta có đủ bằng chứng để bị Chúa phạt. Thế nhưng, Ngài không hề quên giao ước mà Ngài đã ký kết với chúng ta. Chúng ta cảm nghiệm được điều này trong tình thương của Đức Giêsu, nhất là trong bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa đã mặc lấy xác thịt trong thân phận loài người, hiện diện giữa chúng ta, rao giảng sự thật cứu rỗi. Cho dù chúng ta tìm đủ cách ‘lẩn trốn’ Ngài. Nhưng Ngài lại có muôn ngàn phương pháp để lôi kéo chúng ta trở về với tư thế sẵn sàng của những người con hân hoan chờ đợi ngày của Chúa. Vậy còn chờ đợi gì nữa, ngay lúc này chúng mình hãy bắt tay vào những công việc nói trên. Tôi nghĩ Chúa sẽ rất hài lòng khi chúng ta chọn thái độ tỉnh thức như thế. Amen





Thursday, 23 November 2017

CHÚA ƠI, NGƯỜI Ở ĐÂU?




Hôm nay, xin kính mời quí ông bà và anh chị em cùng tôi nghe lại một chứng từ. Có lẽ anh chị em đã nghe nhiều về những truyện giống như thế này. Nhưng đối với tôi, câu chuyện mà tôi gọi là chứng từ lòng tin đã có ảnh huởng thật sâu đậm trong tôi. Vị linh mục trong câu chuyện là một trong các vị bề trên của chúng tôi. Cho dù, ngài đã hoàn tất chương trình của Thiên Chúa, và trong nhà Cha trên trời; tôi tin tưởng ngài tiếp tục phù hộ, giúp chúng ta sống tốt như gương sáng của ngài. Còn cô gái là ai thì tôi không hề biết, nhưng việc làm của cô cũng rất đáng ngưỡng mộ và noi theo.

Truyện kể như sau: Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam đã phải đối diện với một sự thay đổi thật bất ngờ; các nhà lãnh đạo cố gắng tìm kiếm đường lối để cai trị. Còn dân chúng, muôn người như một đều băn khoăn và lo lắng cho tương lai của mình. Điều tai hại hơn cả là vì quá sợ hãi nên con người đã mất niềm tin và từ đó họ thiếu niềm tin nơi nhau nữa. Đứng trước sự chuyển biến của đất nước và hoàn cảnh thực tế mà dân chúng đang phải đối diện. Một linh mục trong phần thuyết giảng đã khuyên các tín hữu, hãy tin vào Thiên Chúa, Đấng luôn hiện diện trong các biến cố của đời sống nói riêng và của con dân đất Việt đang phải đối diện nói chung. Ngài nhấn mạnh rằng tin vào Thiên Chúa thôi chưa đủ, mà còn phải tin vào sự soi sáng của Thiên Chúa cho những người lãnh đạo đất nước.

Sau thánh lễ, có người xin phép được găp ngài. Trước mặt ngài là một thiếu nữ mà cha chưa hề quen biết. Sau những lời chào hỏi, cô cho biết là Chúa soi sáng cho cô qua lời giảng dậy của cha hôm nay. Vị linh mục nhìn cô mỉm cười; ngài chưa kịp nói gì thì cô đã tiếp tục: Thưa cha, con từ miền Tây lên Thành phố để kiếm việc; nhưng việc thì không có mà còn bị người ta lừa. Đến lúc này con đã hết tiền. Thật là không may, mới hôm qua con được tin mẹ con bị đau nặng, chẳng biết xoay sở thế nào, nên vào đây mượn cha ít tiền để về lại quê mà lo cho mẹ, con hứa sẽ hoàn trả.

Ông cha nhà ta nghĩ thầm: Thật là oái ăm; trong bài giảng mình vừa khuyên họ phải tin vào Thiên Chúa, và còn khuyên họ tin vào con người nữa. Hơn thế nữa, chẳng thà con bé này cứ nói thật rồi xin ít tiền cho xong chuyện, còn bầy vẽ chuyện vay với mượn. Nghĩ thì nghĩ như thế, nhưng nhìn con bé thât đáng thương, vì thế ngài mới nói: “Con ngồi đây, để cha tính.” Nói xong, cha trở vào trong tu viện.

Phần cô gái đáng thương tiếp tục ngồi chờ đợi ở phòng khách, trong lúc chờ đợi, cô tự nghĩ và nói thầm rằng: “Lại gặp một ông cha chỉ biết nói. Chắc lại tìm cách thoái thác để trốn mình đây?” Cho dù có ý nghĩ như thế; nhưng cô ta cũng chẳng còn biết làm thế nào; đành ngồi đó đợi thêm chút nữa. Đang miệt mài trong các ý tưởng hoài nghi như thế. Thì kìa, cánh cửa phòng khách của tu viện lại được mở ra, trên tay cầm mấy phong thư, vị linh mục vừa trao cho cô vừa nói: “Đây là số tiền mà cha gom góp được con cầm về để lo cho mẹ con.” Thật quá xúc động nên cô đã không thốt nên lời, tần ngần nhận quà và lí nhí hai tiếng cảm ơn. Còn ông cha trở về với công việc và ngài cũng chẳng còn nhớ đến cuộc gặp gỡ này nữa.


Vài năm sau, vào một buổi chiều, có một người con gái đến xin gặp cha. Trước mặt cha là một thiếu nữ hoàn toàn xa lạ mà ngài chưa từng gặp bao giờ. Sau những lời chào hỏi, cô ta kể lại câu chuyện đã trôi qua vài ba năm trước mà cha không còn nhớ. Nói xong cô ta hoàn trả lại số tiền mà ngài đã cho cô mượn, rồi nói thêm; Cảm ơn cha đã tin con. Chính việc cha giúp con đã làm con thay đổi. Cha đã dậy con một bài học thật quan trọng là đừng bao giờ mất niềm tin vào Thiên Chúa, và cần thể hiện niềm tin bằng những việc làm cho nhau; đặc biệt cho những ai đang sống trong các cảnh khốn cùng. Món quà ‘niềm tin’ này còn có giá trị hơn số tiền mà cha đã cho con mượn. Theo tôi thì việc làm của cô gái rất đáng được ca tụng; bởi vì những con người như cô càng ngày càng hiếm thấy trong xã hội hôm nay.

Thưa anh chị em,

Câu chuyện nói trên biểu lộ phần nào ý chính của dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe. Những diễn biến của ngày chung thẩm, ngày phán xét chung được diễn tả trong dụ ngôn quá đầy đủ. Trong ngày đó, Chúa sẽ không chất vấn về lòng sùng đạo qua việc đọc bao nhiêu kinh? Cầu nguyện bao nhiêu lần? Xưng bao nhiêu lần và xưng các tội nào? Rước lễ có theo ý ngay lành hay không? Đã tham gia bao nhiêu chuyến hành hương hay có một lòng một ý khi tham dự các nghi thức phụng vụ như Thánh Lễ hay không? Nhưng, trong ngày đó, Ngài sẽ hỏi chúng ta đã làm gì cho nhau? Muốn có câu trả lời cho ngày đó, thì ngay bây giờ, trong mọi giây phút của cuộc sống; chúng ta cần để cho Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay chất vấn và chỉ có một việc duy nhất mà chúng ta cần thực hiện là nỗ lực làm cho trần gian này trở thành nơi chan chứa tình huynh đệ, nơi không còn chia rẽ, nơi mà những giọt lệ của đau thương sẽ nhường chỗ cho niềm vui và an bình, nơi mà người tốt và xấu có thể sống chung hòa bình. Quả thật, chúng ta không cần chờ đến ngày tận thế mới thấy Chúa. Và nếu chúng ta chờ cho đến ngày đó mới thấy Chúa thì đã quá trễ rồi! Nhất là làm sao chúng ta có thể nhận ra ai là Chúa, một khi trong cuộc sống chúng ta chưa hề gặp gỡ hay có một kinh nghiêm nào về Ngài! Trong khi đó, ngay bây giờ và trong lúc này, Chúa đang ở giữa chúng ta, đặc biệt nơi những người khốn khổ nhất.

Có một chi tiết trong bài Tin mừng gây không ít ngạc nhiên là trong câu trả lời của cả hai nhóm, chiên cũng như dê, những người thực hiện lòng thương xót và những ai không làm, đều không biết đến sự hiện diện của Chúa ở nơi những con người khốn khổ và bé mọn. Họ nói: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, Chúa khát mà cho uống, Chúa trần truồng mà cho áo mặc, Chúa đau yếu hay bị giam trong các nhà tù mà đến thăm rồi phục vụ Chúa đâu?” Như vậy đâu là động lực khiến họ khác nhau? Phải chăng nhóm thuộc về phe chiên là những ai sống theo lương tâm và nhịp đập của con tim, biết rung cảm trước các nỗi khốn cùng của nhau; còn nhóm dê thì không. Như vậy, trước khi để cho Lời Chúa tác động, con người cần sống với chất liệu và nhịp rung cảm của trái tim, để thực hiện lòng thương xót và quan tâm cho nhau trước. Thật ra, chính con tim nhậy cảm mà Chúa đã đặt vào trong thân xác tôi đã dậy cho tôi biết rằng: tha nhân và Chúa không hề tách biệt nhau. Ngoài con tim nhậy cảm, chúng ta còn được Lời Chúa hướng dẫn nữa. Cụ thể, Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay đã tỏ cho tôi biết rằng Chúa đã nên đồng hình đồng dạng với con người, đặc biệt những ai bé mọn: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Còn lời khẳng định nào rõ ràng hơn. Đức Giêsu đã xác định thật rõ ràng về sự liên hệ mật thiết giữa những người bé nhỏ, hèn mọn này với Người. Vì thế, những việc chúng ta làm cho nhau vì Chúa, hay vì được khen thưởng rồi cũng bị phơi bày ra hết.


Như vậy, qua dụ ngôn này, Chúa nhắc nhở và hối thúc chúng ta cần xông xáo ra đi khỏi mình để chia sẻ và xoa dịu những nỗi đau của nhau. Đặc biệt thực hiện lòng thương xót nơi những con nguời thiếu ăn, thiếu mặc, không cửa không nhà, đang bị tù đầy, v.v… Thiếu ăn, thiếu mặc không hẳn là đói khát hay bị lạnh về phần xác, nhưng còn bao nhiêu người thiếu nụ cuời, không đựợc ủi an, tôn trọng. Không chốn nương thân không hẳn là không có nhà để ở, nhưng vì con người ngày nay ích kỷ hơn, không dám mở lòng ra đón nhận nhau và đôi khi còn tạo ra những rào cản để nhốt và giam giữ nhau… Một vài nét tiêu biểu như thế. Còn biết bao nhiêu điều cần làm, kể sao cho hết. Nhưng với ai có con tim nhậy cảm trước nỗi đau của tha nhân thì tự họ sẽ tìm ra các phương thuốc để giúp nhau. Và, đối với các kẻ tin, một lần nữa, với lời xác quyết rõ ràng của Chúa, chúng ta không còn vịn vào bất cứ một lý do nào để từ chối những người mà chúng ta gặp trong cuộc sống. Tất cả đều được quan tâm, không ai bị lọai trừ khỏi lòng mến của Thiên Chúa qua sự hiện diện của Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Người không chỉ hiện diện trong nhà thờ, hay tại những cuộc biểu dương tôn giáo; nhưng mãnh liệt và xác thực hơn cả là Người đang hiện diện trong đời sống của những người bé mọn và khốn cùng.

Dụ ngôn này được công bố vào Chủ nhật cuối của năm phụng vụ và nói đến việc thẩm định của Chúa trong ngày sau cùng. Nhưng không phải là chấm dứt. Cùng với Hội Thánh trên cuộc lữ hành trần thế, chúng ta sống với niềm hy vọng về cùng đích của đời mình là được Đức Kitô đón về nhà Cha để tham dự bữa tiệc hồng phúc, bữa tiệc cánh chung. Với niềm hy vọng đó, chúng ta bắt đầu lại con đường sống đạo bằng một khởi điểm mới phù hợp với những thách đố của Tin Mừng, đó là trong Đức Ki-tô, chúng ta quyết tâm làm chứng cho nhân lọai nhận ra tình thương của Thiên Chúa bằng chính cuộc sống yêu thương và phục vụ lẫn nhau. Amen