Hôm nay chúng ta mừng Lễ Thánh Gia; ngày lễ của mọi gia đình, đặc biệt
gia đình của Đức Giêsu tại Nazareth khi xưa. Lễ Giáng Sinh và Lễ Thánh gia có một
mối tương quan mật thiết với nhau. Trong Lễ Giáng Sinh, chúng ta hân hoan mừng
kính Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, đã bị xử tử chết trên Thập Giá dưới thời
Philatô. Về mặt lịch sử chúng ta chỉ biết chừng ấy về con người mang tên là
Giêsu. Trong phận làm người, Đức Giêsu cũng cần có một gia đình. Gia đình của
Người bao gồm một ông Cha và một bà Mẹ. Theo lời dậy bảo của Hội Thánh thì đó
chính là Thánh Giuse và Đức Trinh Nữ Maria.
Và trong tinh thần của ngày Lễ, chúng
ta cùng tìm kiếm các gương sáng, những mẫu mực mà các thành viên trong gia đình
Thánh Gia đã để lại. Người đầu tiên thu hút tôi chính là Đức Maria và vai trò của Mẹ trong gia đình.
Trước tiên chúng ta cùng nhìn nhận
rằng, Đức Maria vốn chỉ là một tạo vật, cô thiếu nữ Do Thái, giản dị, bình
thường như tất cả các cô gái thời đó. Khi nhìn nhận điều này, chúng ta không
bất kính đối với Mẹ. Nhưng nhờ vậy mà chúng ta biết rằng Mẹ đã trải qua những bước
thăng trầm trong cuộc sống gia đình như chúng ta. Mẹ đã vượt qua những giây phút
đau thương và gian nan khi chu toàn vai trò làm vợ, làm mẹ trong cuộc sống gia
đình. Mẹ ý thức rằng công việc
chuẩn bị cho con của Mẹ sống theo ý Chúa, chứ không sống theo
ý Mẹ là ưu tiên một trong cuộc sống của Mẹ. Như vậy Mẹ cần khám phá và tuân phục ý của Thiên
Chúa trước.
Trong trình thuật Tin Mừng của Chúa
Nhật mừng lễ Thánh Gia hôm nay, Thánh Luca đã ghi lại việc Đức Giê-su lần đầu
tiên lên đền thờ Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt qua. Sau khi mọi nghi lễ đã
xong, “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục
các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong
lòng. Còn Ðức Giêsu, ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân
nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta. (Luca 2:51-52).
Chỉ bằng hai câu vắn tắt, Thánh Luca
đã ghi lại cho chúng ta thấy rõ thái độ và cách ứng xử của Đức Giê-su và Mẹ
Maria trong vai trò riêng của từng người. Tuy nhiệm vụ riêng biệt; nhưng cả hai đều hỗ tương và giúp nhau hoàn
thành ý định của Thiên Chúa hơn là sống và hành động theo ý riêng của mình.
Đức Giê-su vâng phục cha mẹ, càng lớn
càng thêm khôn ngoan và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta. Người
làm gì có được điều này nếu cha mẹ Người không chuẩn bị trước cho Người. Dựa
vào kinh nghiệm của một số người chuyên nuôi cá; đó chính là khi nuôi cá chúng
ta còn biết chuẩn bị môi trường tốt để cho cá sống. Thế mà nhiều lúc anh chị em
lại quên rằng con cái của chúng mình còn khó dưỡng nuôi hơn cá! Vì thế cha mẹ
cần nỗ lực hơn trong việc chuẩn bị môi trường tốt cho con cái mình. Đức Mẹ cũng
không ngoại lệ. Mẹ phải cố gắng tìm kiếm ý định của Thiên Chúa mà vâng phục. Ý
định của Thiên Chúa không dễ dàng khám phá; rất khó hiểu. Vì thế, Mẹ ghi nhớ,
ôn đi nghĩ lại những gì đã xẩy ra, những điều con mình nói và làm rồi trong khả
năng Mẹ cố gắng chấp nhận – cho dù đôi lúc không hiểu – Mẹ đã nỗ lực giúp Đức
Giêsu hoàn tất ý định của Thiên Chúa. Nói khác đi, Mẹ đã có một cuộc sống chiệm
niệm thật thâm sâu. Mối tương quan giữa Thiên Chúa và Mẹ thật thắm thiết. Vì
thế, Mẹ sẵn sàng vâng phục và trở thành
gương sáng về đức vâng phục cho con mình: Đức Giê-su.
Còn ông Giuse thì sao? Trong Tin Mừng
nói rất ít về Ngài. Cuộc sống của Giuse tuy thầm lặng nhưng không phải vì thế
mà chúng ta không tìm ra nét hào hùng, tâm hồn nghĩa hiệp như hành động ‘anh
hùng cứu mỹ nhân’, và nhất là việc vâng phục, tín thác vào Thiên Chúa và để cho
Thiên Chúa thành toàn dự án của Ngài qua việc cộng tác của ông. Muốn nhận ra
bài học mà Giuse đã để lại, chúng ta hãy đặt mình trong hoàn cảnh của ông. Có
ông chồng nào can đảm đón nhận vị hôn thê về làm vợ khi biết rất rõ là cô ta đã
mang thai, và thai nhi đó không do sự cộng tác của mình. Hơn nữa, ông Giuse là
người Do Thái sùng đạo, và theo đúng luật thì ông có nhiệm vụ phải tố cáo và
hậu quả là cô ta sẽ bị ném đá cho đến chết. Trong lúc bối rối, Giuse cũng định
âm thầm lìa bỏ Maria… Dù âm thầm, nhưng nếu Giuse chọn việc lìa bỏ thì số phận
của Maria cũng bị ném đá… Trong lúc không biết tính toán thế nào thì Giuse đã
nhận được mạc khải từ Chúa cho biết rằng thai nhi mà Maria đang cưu mang là do quyền
năng của Thiên Chúa. Các ông nghĩ sao? Các ông có thể chấp nhận được lối giải
thích này chăng? Giuse cũng thế, ông cũng phải đối diện với một cuộc chiến đấu
thật căng thẳng … Cuối cùng, Giuse đã hành động trong vâng phục và đón Maria về
nhà mình. Và theo đúng luật thì Giuse đã trở thành cha, chứ không chỉ là cha
nuôi, của con trẻ Giêsu. Vì sao mà Giuse lại được như thế? Những việc làm của
Giuse được phát xuất từ mối tương quan thật thắm thiết giữa Thiên Chúa và Ngài.
Như vây, Thánh nhân đã trở thành gương sáng
về việc tìm kiếm và thi hành ý muốn của Thiên Chúa cho con mình: Đức Giêsu.
Còn
đối với Đức Giê-su; gia đình Người không chỉ dừng lại bởi các mối quan hệ dựa
trên huyết thống. Người không ca tụng mẹ Người vì lý do huyết nhục. Theo tinh thần của Đức Giê-su thì những ai
nghe và thực hành Lời Chúa mới là những người thân của gia đình Người.
Trong gia đình của Người không ai bị
loại bỏ. Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay mô tả cho chúng
ta thấy cuộc gặp gỡ giữa ông già Si-mê-on và em bé Giêsu. Ông đã ẵm em bé Giêsu
trên tay và chúc tụng Thiên Chúa. Đây là món quà tặng mà Thiên Chúa đã ban cho
ông trong lúc tuổi già. Trước khi là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại thì hài nhi
Giêsu đã là quà tặng cho gia đình và những người láng giềng trước. Còn con cái
của chúng ta hôm nay thì sao? Chúng có được đón nhận như món quà quí giá từ
Thiên Chúa cho gia đình mình hay không?
Tâm
tình đầu tiên của cha mẹ dành cho con cái là đón nhận các cháu trong yêu
thương. Đề nghị này nghe qua có vẻ hơi thừa, vì có cha mẹ nào lại không yêu
thương con mình! Nhưng tâm tình mà chúng ta muốn bàn đến ở đây, không phải chỉ
là tâm tình dành cho các cháu trong một chốc một lát, nhưng là một hành trình
đón nhận yêu thương của cả đời cha mẹ. Trên thực tế, có nhiều cha mẹ yêu
thương con mình rất vụng về. Yêu con mà không dám dành thời gian cho con mình lại
có thể nói là yêu sao? Hơn nữa, tình yêu của cha mẹ dành cho con cái cần đồng
đều. Đừng làm cho chúng hiểu lầm là chúng không được yêu thương như mấy người
con khác trong gia đình. Điều này chỉ tạo sự ghen tương và thù ghét trong tâm
hồn con trẻ.
Với
đức tin, chúng ta đều biết mỗi người khi sinh ra đều được Chúa trao ban một sứ
mạng đặc biệt. Chúng ta chỉ có thể cộng tác với Thiên Chúa trong việc này chứ
không thể tự mình định đọat một cách tuyệt đối được. Vẫn biết rằng, vợ chồng
cần phải tính toán trong việc sinh con; theo giáo huấn của Giáo hội. Nhưng thực
tế lại khác, nhiều em bé được sinh ra ngòai kế họach của cha mẹ. Vẫn biết đó là
‘accident’; nhưng không vì vậy mà cha mẹ được quyền từ khước sự hiện diện của
chúng. Tôi vẫn xác tín rằng nếu con cái không được quyền chọn cha mẹ thì cha mẹ
cũng không được phép từ khước chúng. Xua đuổi chúng là hành vi tội lỗi. Và còn
hành vi nào tàn nhẫn hơn khi người con vô tội bị hất hủi ngay từ trong lòng mẹ,
chưa được mở mắt chào đời, chưa được hưởng khí yêu thương đã phải tống khứ ra khỏi lòng
mẹ. Chẳng có lý do nào chính đáng để bào chữa cho việc làm này của cha mẹ.
Nhưng cha mẹ có đủ lý do để tín thác vào Chúa khi sinh ra chúng. Trong gia đình
của Đức Giê-su không ai
bị loại bỏ.
Trong gia đình của Đức Giêsu tất cả đều
bình đẳng. Ai cũng có một vị trí và bổn phận trước mặt Chúa.
Giai cấp chủ - tớ bị xóa bỏ. Không ai có quyền thống trị ai. Mọi thành viên
trong gia đình của Chúa đều có nhiệm vụ duy nhất là phục vụ nhau; giúp nhau
khám phá và thực hiện Ý Chúa. Đức
Giêsu còn yêu cầu tất cả hãy sống như con trẻ; nghĩa là như con trẻ nương tựa
vào cha mẹ thế nào thì mọi thành phần trong gia đình của Người hãy nương tựa
vào Chúa như là nguồn sống duy nhất như thế.
Nói như thế thì gia đình là cái nôi,
là môi trường vô cùng quan trọng để chuẩn bị cho con cái vào đời. Trong tinh
thần đó, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong tâm thư gửi
cho các gia đình, Ngài đã ghi lại: "Thiên Chúa đồng hoá với con người, với
những người trong gia đình. Thiên Chúa là một với người cha, người mẹ, người
bạn trăm năm, người con cái trong gia đình." Như vậy, thật là chí lý khi chúng ta xác quyết rằng gia đình là ngôi
trường đầu tiên dạy chúng ta những bài học căn bản của kiếp người; dậy chúng ta
biết yêu thương, phục vụ, biết từ bỏ và quên mình. Trong gia đình, cha mẹ
trước tiên được mời gọi trở nên những người nêu gương sáng cho con cái. Con cái
không được ban tặng để tùng phục hay thi hành ý muốn của cha mẹ; cho bằng tất
cả được sai đến để thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Đời sống gương mẫu của cha
mẹ có sức thu hút thật mãnh liệt, lôi cuốn con cái đến cùng Chúa. Vì như chúng
ta được nghe nói: “lời nói lung lay và gương bầy lôi cuốn.” Hãy xem gương
Augustinô. Khi còn trai trẻ, thánh nhân là một chàng trai chơi bời trác táng.
Nhưng nhờ lời cầu nguyện và gương sáng của bà mẹ là thánh nữ Monica, cuối cùng
Augustinô đã trở lại cùng Chúa.
Chúng
ta có thể cho rằng gia đình Thánh gia Nagiarét được diễm phúc hơn mọi gia đình
khác, vì có chính Chúa Giêsu hiện diện giữa các ngài. Nhưng nếu xét cho cùng
thì các Ngài cũng không có đặc quyền, đặc lợi hơn chúng ta. Các Ngài cũng cần
tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa; và các Ngài cũng cần phải có đức tin sâu xa và
vững mạnh lắm mới có thể chu toàn trọn vẹn vai trò của mình.
Như
vậy, muốn gia đình mình được gọi là gia đình Thánh thì mọi thành phần trong gia
đình cần học để vâng phục ý định của Thiên Chúa qua việc chuyên cần suy niệm
Lời Ngài. Đúng như lời chúc phúc của Thánh Phao-lô “Nguyện cho Lời Chúa cư ngụ dồi dào trong anh em” để các thành phần
trong gia đình của anh chị em sẽ là đền thờ Chúa ngự và cùng giúp nhau tìm kiếm
và sống theo ý Chúa. Amen!