Thursday, 22 February 2018

HIỂN DUNG: KINH NGHIỆM CHO HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN


Trình thuật Chúa hiển dung hay còn gọi là Chúa biến hình đổi dạng mà chúng ta suy niệm hôm nay đóng một vai trò thật quan trọng trong hành trình của người môn đệ. Qua biến cố này, Đức Giêsu cho các môn đệ ‘nếm một chút’ ánh sáng vinh hiển của Người. Vẫn biết rằng ánh sáng đích thật này chỉ chiếu toả một cách thật trọn vẹn qua biến cố Phục sinh. Nhưng hiện tại, trong phút giây này, trước mắt Người vẫn là hành trình khổ nạn và sau cùng là cái chết trên Thập Giá chứ chưa phải là vinh quang Phục Sinh.

Việc Chúa hiển dung không nhằm vào chính bản thân của Người, nhưng vì lợi ích của các môn đệ. Qua việc hiển dung của Đức Giê-su, chúng ta mới nhận ra việc Chúa yêu thương, săn sóc và lo lắng cho các môn đệ và chúng ta đến độ nào. Người hiểu các nỗi yếu đuối của chúng ta, Người biết lòng trí không ngay thẳng của những ai đang theo Người, Người còn biết rõ ý định sai lạc muốn tìm kiếm địa vị của Gio-an và Gia-cô-bê, v.v... Người còn biết rõ là họ chưa đủ sức để chấp nhận những thống khổ mà Người sẽ đón nhận trong hành trình Thương Khó; và sau cùng làm thế nào các môn đệ có thể hiểu được rằng Thầy mà họ đã theo đuổi bấy lâu, có quyền năng trên các tà thần, làm cho người què đi được, người mù được sáng mắt và thậm chí kẻ chết sống lại… Thế mà lại bị treo trên Thập Giá cho đến chết.

Đức Giê-su biết rõ sự mỏng dòn và yếu đuối của các môn đệ. Nhưng Người lại không hề thất vọng về họ. Người chuẩn bị cho các môn đệ và chúng ta đủ sức để đối diện và CÙNG ĐỒNG HÀNH với cuộc khổ nạn của Người bằng cách cho họ và chúng ta ‘nếm một chút’ vinh quang của Con Thiên Chúa. Kinh nghiệm độc nhất vô nhị này vô cùng quí giá, nó sẽ nâng đỡ chúng ta khi gặp nhưng hòan cảnh tuởng như là quá sức của mình.

Thật vậy, kinh nghịệm ‘Hiển Dung’ sẽ nâng đỡ các môn đệ và chúng ta hiên ngang tiến vào vuờn Giệt-si-ma-ni và sau cùng là đồi Can-vê để đồng hành với Đức Giêsu trên đường Thuơng Khó của Người. Và chúng ta tin rằng tất cả không dừng lại ở đó, nhưng còn mở ra một chân trời hạnh phúc và vinh hiển trong ngày Phục Sinh.

Trong hành trình đức tin, những trải nghiệm ‘Chúa Hiển Dung’ rất quan trọng và cần thiết. Ai trong chúng ta cũng cần và nên ôn đi ôn lại các trải nghiệm này trong cuộc sống. Đôi khi các biến cố đó xẩy ra rất bình thường, nhưng dấu ấn và sự tác động của Thiên Chúa giúp chúng ta nhận ra ý nghĩa và khám phá ra bàn tay của Thiên Chúa can thiệp mới là điểm đáng quan tâm.

Thưa anh chị em, sau đây là vài gợi ý:
Có những bà mẹ đã nhận ra ơn gọi thật cao quí mà Chúa đã trao ban cho bà qua những công việc thường nhật mà các bà thường làm trong công tác của một người nội trợ. Nhìn thấy cảnh chồng con ăn ngon, hạnh phúc đầm ấm bên bàn cơm do công sức của bà chuẩn bị, khiến cho cơn mệt nhọc dường như biến mất, còn lại trong phần sâu thẳm của tâm hồn bà là niềm vui, một niềm vui không sao diễn tả được. Bà đã phải quay mặt đi để dấu những giọt lệ hạnh phúc đang sẵn sàng trào ra trong đôi mắt ngập tràn hạnh phúc của bà.  Bà hãnh diện và nhận ra rằng nhờ sự hy sinh của bà mà gia đình mới vui như thế. Rõ ràng đó là một việc làm bình thường như mọi ngày của cuộc sống, thế mà đến hôm đó bà mới nhận ra sự diệu kỳ và phi thường của nó. Một khoảnh khắc, một kinh nghiệm thật diệu kỳ đã đến với bà qua công việc rất bình thường.

Về đời sống thiêng liêng cũng thế, đã có thời điểm chúng ta trải qua những kinh nghiệm thật đặc biệt, nhận ra sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa qua các việc rất bình thường. Trong những cuộc tĩnh tâm, nội dung các bài giảng, sự tận tâm phục vụ và hướng dẫn của các anh chị em giúp khóa; đều là các yếu tố giúp ta khám phá ra bàn tay và sự tác động của Thiên Chúa. Tác động của Chúa mạnh đến độ chúng ta không cầm được nước mắt. Trong nỗi vui sướng được thay đổi đó, chúng ta đã từng hứa như ý định của Phêrô, xin được ở luôn bên Chúa trên núi, trong bài Tin Mừng hôm nay.

Nhưng, chúng ta được mời gọi đi xa hơn, không dừng lại ở các kinh nghiệm về những lần gặp gỡ mang năng chất tình cảm đó. Việc chiêm ngưỡng dung nhan vinh hiển của Đức Giêsu không làm chúng ta bị chóa mắt, hay quáng gà rồi không còn nhìn thấy những thực tại ở trần gian nữa.

Chúa không còn Thần Hiện để con người nhận ra sự hiện diện của Ngài như kinh nghiệm của Maisen và dân Israel xưa kia, Ngài cũng không biến hình đổi dạng cho các Tông đồ nhìn thấy vinh quang cuả Ngài như trong bài Tin Mừng hôm nay. Ngài đã trở thành người và cư ngụ giữa chúng ta. Ngài chính là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta mọi nơi mọi lúc. Đó là một chứng tích thật diệu kỳ mà chúng ta cần khám phá luôn mãi. Một sự đổi thay mà chỉ có ai ở trong Chúa mới nhận ra. Trong Chúa, chúng ta nhận ra trong mọi người luôn luôn là hình ảnh của Thiên Chúa, và mọi sự Ngài tác tạo đều tốt đẹp, rất dễ thương và như vậy cuộc đời đáng sống và đáng yêu hơn.

Vì thế, với những kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa - qua cầu nguyện, các biến cố xẩy đến trong đời - đều là hồng ân giúp chúng ta trở về với đời sống hàng ngày, đối diện với muôn ngàn thử thách, đắng cay bằng ánh sáng và con tim mới. Với sự hiện diện của Đức Giêsu, không chỉ ở trên núi (Thánh), nhưng ở mọi giây phút của cuộc đời; chúng ta sẽ chấp nhận cuộc sống với tinh thần lạc quan, sẵn sàng chiến đấu mà không ngại gian khổ, chấp nhận những bất tòan của chính bản thân để có thể thông cảm các nỗi yếu đuối và không hòan hảo của nhau; rồi cùng đồng hành với nhau trên con đường mà Chúa đã đi qua.
Xin dung nhan của Chúa Hiển Dung hôm nay và nhất là Ánh Sáng Phục sinh của Đức Kitô luôn dẫn lối chỉ đuờng cho chúng ta, để chúng ta biết đón nhận và sống trọn vẹn mọi phút giây trong cuộc sống và tiếp tục ‘bước theo’ và ‘cùng bước vào’ dấu chân của Đức Kitô đã bước qua.



Wednesday, 14 February 2018

VƯỢT QUA THỬ THÁCH BẰNG GÌ?


Anh chị em thân mến,

Câu chuyện nói về việc Đức Giê-su chịu cám dỗ trong bài Tin Mừng năm nay tuy ngắn, nhưng vẫn còn chất chứa các điểm then chốt giúp chúng ta tìm ra các phương thế để đối diện với các thử thách hay cám dỗ trong cuộc sống.

Đó chính là Thần Khí, hơi thở của Thiên Chúa hay còn được gọi là Thánh Thần, Đấng thúc đẩy và hiện diện với Đức Giê-su trong suốt thời gian Người chịu cám dỗ. Sau đó là yếu tố thời gian, phải chăng 40 ngày gợi lại cho chúng ta hành trình 40 năm của dân Israel xưa kia. Sau cùng là yếu tố không gian, đó chính là hoang địa hay sa mạc là nơi xẩy ra việc Đức Giê-su chịu cám dỗ.

Tất cả các chi tiết nói trên gợi lại cho chúng ta hai câu chuyện.
Câu chuyện thứ nhất là hành trình và các thử thách mà dân Is-ra-el đã phải đối diện. Đây là ví dụ cụ thgiúp chúng ta hiểu dân Chúa đã trải qua các cuộc thử nghiệm và bị sa ngã như thế nào. Trong hoang địa, khi phải đối diện với những thử thách, họ đã quên đi công trình tay Chúa, Đấng đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ của Vua Pha-ra-ôn. Trái lại, họ lại nghĩ rằng Thiên Chúa dẫn họ vào đây và sẽ để họ chết trong hoang địa.

Họ đã bất trung, bội phản và sa ngã; thậm chí có lúc họ muốn biến Đức Chúa thành một pho tượng, qua việc xin đắp con bê bằng vàng để thờ lậy. Thực ra, qua việc này, họ muốn điều khiển cả Thiên Chúa nữa. Thay vì để Chúa dẫn đường chỉ lối, họ lại muốn, qua con bê bằng vàng, khiêng Chúa đi đâu theo ý họ.

Trong lúc nhìn lại cách diễn tả việc sa ngã của con người trong trình thuật tạo dựng cho đến hành trình tiến về đất hứa, chúng ta khám phá ra nguyên nhân khiến họ sa ngã. Đó là cách cư xử theo ý riêng và thiếu tin tưởng vào quyền năng và Lời của Chúa.

Còn câu chuyện hôm nay kể lại việc Đức Giêsu, cũng trong hoang địa và với thời gian 40 đêm ngày để chịu ma quỷ cám dỗ. Người trung tín với Cha Ngài và vượt qua mọi thử thách không chỉ trong 40 ngày này mà thôi; nhưng còn được thể hiện trong suốt hành trình cuộc sống hiến dâng và tự hạ của Người. Và, ngày hôm nay, trong lúc chiến đấu với các thử thách, Đức Giêsu đã trọn vẹn để cho Thần Khí hướng dẫn trong cuộc tìm kiếm và làm hài lòng Cha. Tâm tình hiệp nhất này đã lan toả khiến cho bầy thú dữ trong hoang địa không còn là những con vật nguy hiểm nữa; nhưng đã trở thành những con vật thật hiền hòa. Chúng hiện diện với các thiên thần để hầu hạ Chúa.

Phải chăng đây là cảnh sắc của vườn địa đàng được phục hồi bởi sự vâng phục của Đức Giêsu, để đổi lại những gì mà con người đã đánh mất sau khi sa ngã.

Vì thế, thưa anh chị em,

Ngay đầu Mùa Chay, để giúp chúng ta đối diện và chiến đấu với các sa ngã; Hội Thánh muốn nhắc nhở đến thân phận mỏng dòn, yêú đuối và dễ đổ vỡ của mỗi người. Trong phận mỏng dòn đó, chúng ta chỉ có thể vượt qua các sa ngã và mọi thử thách bằng quyền năng của Chúa mà thôi. Hãy nhớ mình từ bụi tro mà ra rồi sẽ trở về tro bụi. Ý nghĩa của lời đó quá rõ ràng. Thiên Chúa đã truyền ban sự sống vào đám tro tàn đó. Rồi có một ngày chúng ta sẽ về với cội nguồn. Hiện tại chúng ta còn sống; có nghĩa là thử thách và cám dỗ vẫn còn. Nó là một phần của cuộc sống. Không ai có thể tránh thoát được. Tất cả vẫn hiện diện. Có nhiều người lầm tưởng là các cám dỗ sẽ đến từ bên ngoài. Thực ra nó ẩn tàng ngay bên trong bản thân và cuộc sống của từng người.


Những thử thách mà chúng ta gặp trong cuộc sống rất khó biện phân như hoàn cảnh và cách thức đối diện với các thử thách của người thanh niên giầu có trong Tin Mừng. Anh đã thất bại và không vuợt qua được thử thách khi để cho cuộc sống của mình bám víu vào những bảo đảm do tiền của mà anh tạo ra. Tiền của và sự giầu sang không dẫn anh đến sa ngã. Nhưng, vì giầu có nên anh không trải nghiệm được cảnh nghèo để khám phá ra rằng những gì anh có đều do Chúa ban cho nên anh cần có cuộc sống lệ thuộc vào Người. Anh không làm được chuyện đó nên lủi thủi bỏ đi và Chúa nhìn anh bằng một cái nhìn thật buồn; bởi vì anh đã chọn sai ưu tiên cho cuộc sống.

Trong dụ ngôn người gieo giống, Chúa đã không báo cho chúng ta biết rằng chính những bụi gai là những vật cản khiến cho các hạt giống không đâm chồi nẩy lộc được hay sao! Bụi gai là thử thách mà chúng ta cần vượt qua. Nhưng bụi gai là gì?

Đối với tôi thì hào quang có thể là những bụi gai làm sai lạc ý hướng trong các công tác phục vụ của tôi. Bụi gai cũng có thể là những việc làm, các câu nói ngoại giao để làm thỏa mãn nhu cầu và thị hiếu của đám đông, và kiếm được vài lời khen tặng hay một tặng vật nào đó từ họ cho mình. Trong khi đó, với sứ mạng ngôn sứ, tuân phục và loan báo Lời của Người là ưu tiên hàng đầu của chúng ta.

Rồi còn nữa, trong dụ ngôn tiệc cưới. Các khách từ chối lời mời nào có tội gì. Họ bận việc và ai cũng có việc phải lo. Họ không sai khi từ chối lời mời của ông chủ tiệc. Nhưng lại một lần nữa, họ và chúng ta thay vì chọn Chúa thì lại chọn ý riêng. Đó chính là nguyên nhân đưa chúng ta đến sa ngã.

Nói chung, để chuẩn bị tham dự vào Mầu Nhiệm Phục Sinh, trong Muà Chay này chúng ta được mời gọi quay trở về với Chúa. Để trở về, chúng ta cần sống phó thác hơn; có nghĩa là ngoài Chúa ra, không ai cung cấp và làm cho cuộc sống của chúng ta được bảo đảm. Một khi chúng ta lo lắng quá nhiều về thành công và an ninh cho cuộc sống của chính mình cũng là lúc chúng ta chấp nhận lối sống thoả hiệp, lối sống ích kỷ, sống mà chỉ biết nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình và quên đi các giá trị đích thực của Tin Mừng. Trở về với Chúa là một hành động quay lưng lại với tất cả tiếng nói khác tiếng nói của Chúa.

Trong tâm tình đó, cùng với Đức Giê-su, nhất là để cho Thần Khí Thiên Chúa tác động, chúng ta cùng bước vào Mùa chay trong không khí thật tưng bừng rộn rã của Mùa Xuân Mậu Tuất 2018 này.


Mùa Chay hay Mùa Xuân đều thuộc về Chúa. Chúa mới là Đấng làm chủ của Mùa Xuân Vĩnh Cửu. Triều đại của những ai thuộc về Mùa Xuân Vĩnh Củu đó đã được khai mạc trong sứ vụ của Đức Giê-su. Người quan tâm, lo lắng và chăm sóc cho từng người. Hồng ân và niềm vui của Chúa Xuân thật bao la. Trong sự phong phú và tràn đầy của khối lượng và thời đại hồng ân này, chúng ta hãy quyết tâm sống đổi mới, sống phù hợp với ý định của Chúa Xuân trong việc phục vụ lẫn nhau. Amen 


Mùa Chay 2018


Anh chị em thân mến,
Ba việc đạo đức được nhắc nhở trong bài Tin Mừng, khai mạc Mùa chay năm nay là: Bố thí, ăn chay và cầu nguyện. Những việc lành phúc đức này, khi làm thì hãy làm với tấm lòng yêu mến của mình; không làm để khoe khoang. Làm để Thiên Chúa thấu hiểu và biết cho ý nguyện và tấm lòng của chúng ta là đủ rồi.
Ăn chay, kiêng thịt và đón nhận việc xức tro chỉ là hình thức bên ngoài. Canh tân đời sống, nâng cao niềm tin, củng cố đức cậy và phát huy đức ái mới là những điều thiết yếu cần thực hiện trong Mùa chay. Sửa đổi tính nết để trở thành người tốt hơn, đạo đức hơn, thánh thiện hơn. Bớt nói hành, nói xấu, lười biếng việc đạo đức là điều phải thực hành.
Ngay đầu Mùa Chay, Hội Thánh đã nhắc nhở chúng ta nhớ về thân phận mỏng dòn của mình là “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về tro bụi”. Ý nghĩa của lời đó quá rõ ràng: mọi người sẽ trở về tro bụi, có nghĩa là phải chết. Vẫn biết là như thế, nhưng còn sống thì còn phải chấp nhận sự mỏng dòn. Và trong chính sự mỏng dòn, yếu đuối và dễ đổ vỡ nên chúng ta bị quay cuồng bởi các thách đố và thử thách.
Cuối cùng thì điều gì trong cuộc sống khiến chúng ta phải quan tâm? Và nhân đức nào chúng ta cần đào luyện làm nến tảng cho cuộc sống, nhất là trong những ngày chay của năm nay hầu giúp ta đủ sức chia sẻ hành trình Thập giá với Đức Kitô, để được cảm nghiệm sự Phục sinh của Người.
Đức Thánh Cha Benedicto, trong sứ điệp mùa chay năm 2012, đã nhắc cho chúng ta thấy tầm quan trọng của đức ái. Ngài viết: “Tất cả mọi Kitô hữu, nhất là những người làm việc bác ái, cần có đức tin, đó là tụ điểm của sự gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa trong Đức Kitô và cảm nghiệm được tình yêu của Người… Kitô hữu là những người đã được tình yêu Thiên Chúa chinh phục và do đó, dưới ảnh hưởng của tình yêu này, họ hoàn toàn cởi mở cho việc yêu thương tha nhân bằng những phương cách cụ thể”.
Và trong sứ điệp Mùa chay 2014, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói “Lòng bác ái, tình yêu, có nghĩa là chia sẻ trong mọi sự số phận của người mình yêu. Tình yêu làm cho trở nên giống nhau, kiến tạo sự bình đẳng, phá đổ các bức tường và những ngăn cách”.
Cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi ra đi, cởi bỏ chính mình để chia sẻ theo gương của người Samaritano đến chăm sóc tận tình cho người bị bỏ rơi nửa sống nửa chết bên vệ đường.
Khi thực hiện các việc bác ái, chúng ta nên nhớ rằng những việc đó cho dù là những cố gắng riêng của mỗi cá nhân; nhưng trên hết mọi sự, qua các việc làm đó chúng ta minh chứng sự hiện diện của Đức Ki-tô, Đấng đã trở nên nghèo để chúng ta được giàu sang và cũng trong cái nghèo đó, chúng ta được mời gọi hy sinh trong các công việc bác ái chỉ vì ích lợi của người khác.
Đức ái là tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa. Và tình yêu đó phải được thể hiện qua việc phục vụ tha nhân.
Đức ái được xuất phát từ sự thông hiệp với Đức Giê-su mà chúng ta ra đi. Vì thế, chúng ta cần xây dựng mối tương quan giữa ta với Chúa mỗi ngày mỗi thắm thiết hơn.
Rồi khi làm các việc bác ái, chúng ta phải hy sinh. Tôi không tin có người nào ra đi phục vụ tha nhân mà lại không quên mình.
Chính vì thế, ngoài những công việc đạo đức mà chúng ta thường làm. Năm nay, chúng ta hãy chú tâm thực hiện tất cả các việc đó dựa trên nền tảng của lòng mến. Vì, chúng ta là phương tiện mà Chúa dùng để thể hiện lòng mến, tình yêu cho người khác, đặc biệt những người khổ đau, nghèo đói và thiếu thốn tình thương..
Vì thế, trong Mùa chay này chúng ta cố gắng sống:
·        Vui tươi và chấp nhận cuộc sống với những hoàn cảnh thực tế.
·        Niềm nở, tiếp đón nhau.
·        Lắng nghe với tâm tình thông cảm hầu chia sẻ và an ủi nhau.
·        Thay vì đoán xét, phê bình thì tìm ra những điểm tốt của tha nhân để ca tụng Chúa.
·        Lập dự án, kế hoạch cụ thể trong việc thực thi đức ái.


Thursday, 8 February 2018

CHÚA MUỐN, PHONG CÙI BIẾN MẤT. CÒN TA, MUỐN GÌ?


Anh chị em thân mến,

Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giê-su chữa lành cho một người bị bịnh phong cùi. Với sự tiến bộ của nền y học hiện nay, dù phong cùi vẫn là bịnh truyền nhiễm; nhưng nếu ai được chẩn đoán mắc bịnh này trong giai đoạn đầu thì vẫn có thể được chữa khỏi.

Dưới thời Đức Giê-su thì khác. Những ai mắc bịnh này phải sống riêng một mình, không được phép tiếp xúc với ai. Bất cứ ai chạm đến họ đều bị coi là ô uế. Vì thế, để tránh bị lây nhiễm, ai mắc bịnh này đi đến đâu cũng phải hô to ‘ô uế, ô uế’ để những người khác biết mà tránh né.

Cho dù tôi chưa hề có cơ hội tiếp cận hay trò chuyện với người bị bịnh phong cùi. Nhưng nhắm mắt lại chúng ta cũng có thể nhận ra được nỗi đau khổ về tinh thần cũng như thể xác của người bị bịnh đó như thế nào? Họ bị đối xử như một xác chết biết đi. Họ không còn được đối xử như một con người, bị ngược đãi và coi như thành phần cùi hủi của xã hội nói gì đến yêu thương. Trong hoàn cảnh đó, họ không còn gì để mất; thế mà họ không nổi loạn đã là may mắn cho chúng ta lắm rồi!

Ngoài việc bị ngược đãi như nói ở trên, theo lề thói của công đoàn Do Thái, họ còn bị coi là những người bị Chúa phạt, họ không được phép lên Đền thờ Giêrusalem, và nếu có được tham dự lễ nghi phụng vụ, họ phải ở trong một căn phòng đặc biệt dành riêng cho họ. Họ bị đối xử như người đã chết.

Trong hoàn cảnh như thế, tôi ngạc nhiên khi người bị phong cùi trong bài Tin Mừng hôm nay dám liều lĩnh đến gặp Đức Giê-su. Thái độ liều lĩnh này của ông kèm theo lời cầu khẩn, không mang tính ép buộc, “nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” biểu lộ một thái độ tin tưởng của ông ta dành cho Đức Giê-su. Ông tin rằng Đấng đang hiện diện trước mặt ông là ngươì có đầy uy quyền làm cho ông được sống. Tiếp cận Đức Giê-su là gặp gỡ Đấng trả lại vinh dự làm người cho ông; trao lại cho ông sự sống mà theo luật lệ ông đã bị coi như là người đã chết.

Còn Đức Giê-su thì sao? Đức Giê-su sinh ra và lớn lên trong truyền thống Do Thái; hẳn nhiên Người biết rất rõ khoản luật cấm không được chạm đến người bị phong cùi. Thế mà trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su được mô tả là Người không màng đến lề luật, đã chạm vào người bị phong cùi. Vì sao? Bởi vì Người động lòng thương ông ta, giơ tay đụng vào người ông và bảo “Tôi muốn”.

Tất cả các cử chỉ: động lòng, giơ tay, chạm vào rồi lên tiếng phán bảo xẩy ra một loạt.  Qua các cử chỉ này, chúng ta nhận ra tính duy nhất trong con người của Đức Giê-su. Không có việc nghĩ trước làm sau. Tất cả xẩy ra đồng loạt để nói cho chúng ta biết rằng Chúa thương chúng ta vô cùng. Chúa không yêu chúng ta bằng lời nói suông, hay qua các giao uớc dựa trên lý thuyết. Nhưng Đức Giê-su đã yêu chúng ta bằng chính việc làm cụ thể, bằng cuộc sống và sự dấn thân trọn vẹn của Người.

Thật vậy, với Đức Giê-su: Giúp một người bị đau khổ. Phục hồi phẩm vị con người là ưu tiên số một trong cuộc sống và sứ vụ của Đức Giê-su. Người tự do và thoải mái hành động vì hạnh phúc con người. Luật lệ có tồn tại và được áp dụng cũng vì lợi ích cho con người. Một khi những khoản luật ngăn cản con người thể hiện lòng yêu thương thì không còn giá trị. Không có một điều gì có thể ngăn cản việc Đức Giê-su thực hiện ý định của Thiên Chúa. Tình yêu mà Người dành cho Chúa Cha được mô tả và thể hiện ngay trong cuộc sống. Người động lòng thương tất cả mọi người mà Đức Giê-su đã gặp.

Còn một điều mà chúng ta cần lưu ý, cụ thể, trong bài Tin Mừng hôm nay là khi làm cho người phong cùi được sạch, được khỏi bịnh thì chính Đức Giê-su lại bị khó khăn, bị trục xuất và gặp sự đối nghịch của hàng ngũ lãnh đạo, dẫn đến cái chết mà Người sẽ chịu.


Khi Đức Giê-su yêu cầu ông ta đi trình diện với hàng tư tế để chửng tỏ ông đã khỏi bịnh, được sạch sẽ không còn là phường ô uế nữa, và được hoà nhập vào trong mọi sinh hoạt cộng đoàn mà ông ta được hưởng. Nhưng, chính vì việc làm này khiến Đức Giê-su không còn chỗ đứng, như trong bài Tin Mừng đã diễn tả như sau “vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành.” Hay nói khác đi, kẻ bị ly khai vì lề luật thì nay, nhờ Chúa, ông đã được nối kết lại với các sinh hoạt trước đây; còn kẻ làm cho ông ta được khỏi thì lại bị khai trừ vì tính bướng bỉnh và tự tôn của con người.

Tuy biết là như thế. Nhưng vì yêu thương chúng ta, Đức Giê-su sẵn sàng đánh đổ mọi sự để mạc khải cho chúng ta biết rằng Người là Thiên Chúa thật, không còn ở trên cao; nhưng đã cúi mình xuống để đồng hành và chia sẻ các nỗi khổ đau của con người. Người đã cúi mình thật sâu trong biến cố làm người và trong cái chết trên thập giá. Người cúi xuống để nâng con người lên, miễn là con người nhận ra phẩm giá của chính mình và được cứu độ.

Chính vì thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta sống bớt nghi kỵ, biết gạt bỏ thành kiến, chấp nhận các nỗi ô uế của nhau; tôn trọng nhau trong phẩm vị con người; rồi cố gắng đến với nhau, đem cho nhau một chút nữa tình người, yêu và thông cảm nhau hơn. Và với Đức Giê-su, chúng ta xác tín rằng không một ai bị phong cùi mà không được chữa lành, không ai sống trong ô uế mà không được sạch sẽ, không ai chịu đau khổ mà không tìm được hạnh phúc; và không ai sống trong tội lỗi mà không tìm được sự tha thứ mà được cứu độ.

Như vậy, chúng ta thật có phúc để sống trọn vẹn ơn gọi mãi mãi là những quà tặng cao quí nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại.