Thursday, 22 February 2018

HIỂN DUNG: KINH NGHIỆM CHO HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN


Trình thuật Chúa hiển dung hay còn gọi là Chúa biến hình đổi dạng mà chúng ta suy niệm hôm nay đóng một vai trò thật quan trọng trong hành trình của người môn đệ. Qua biến cố này, Đức Giêsu cho các môn đệ ‘nếm một chút’ ánh sáng vinh hiển của Người. Vẫn biết rằng ánh sáng đích thật này chỉ chiếu toả một cách thật trọn vẹn qua biến cố Phục sinh. Nhưng hiện tại, trong phút giây này, trước mắt Người vẫn là hành trình khổ nạn và sau cùng là cái chết trên Thập Giá chứ chưa phải là vinh quang Phục Sinh.

Việc Chúa hiển dung không nhằm vào chính bản thân của Người, nhưng vì lợi ích của các môn đệ. Qua việc hiển dung của Đức Giê-su, chúng ta mới nhận ra việc Chúa yêu thương, săn sóc và lo lắng cho các môn đệ và chúng ta đến độ nào. Người hiểu các nỗi yếu đuối của chúng ta, Người biết lòng trí không ngay thẳng của những ai đang theo Người, Người còn biết rõ ý định sai lạc muốn tìm kiếm địa vị của Gio-an và Gia-cô-bê, v.v... Người còn biết rõ là họ chưa đủ sức để chấp nhận những thống khổ mà Người sẽ đón nhận trong hành trình Thương Khó; và sau cùng làm thế nào các môn đệ có thể hiểu được rằng Thầy mà họ đã theo đuổi bấy lâu, có quyền năng trên các tà thần, làm cho người què đi được, người mù được sáng mắt và thậm chí kẻ chết sống lại… Thế mà lại bị treo trên Thập Giá cho đến chết.

Đức Giê-su biết rõ sự mỏng dòn và yếu đuối của các môn đệ. Nhưng Người lại không hề thất vọng về họ. Người chuẩn bị cho các môn đệ và chúng ta đủ sức để đối diện và CÙNG ĐỒNG HÀNH với cuộc khổ nạn của Người bằng cách cho họ và chúng ta ‘nếm một chút’ vinh quang của Con Thiên Chúa. Kinh nghiệm độc nhất vô nhị này vô cùng quí giá, nó sẽ nâng đỡ chúng ta khi gặp nhưng hòan cảnh tuởng như là quá sức của mình.

Thật vậy, kinh nghịệm ‘Hiển Dung’ sẽ nâng đỡ các môn đệ và chúng ta hiên ngang tiến vào vuờn Giệt-si-ma-ni và sau cùng là đồi Can-vê để đồng hành với Đức Giêsu trên đường Thuơng Khó của Người. Và chúng ta tin rằng tất cả không dừng lại ở đó, nhưng còn mở ra một chân trời hạnh phúc và vinh hiển trong ngày Phục Sinh.

Trong hành trình đức tin, những trải nghiệm ‘Chúa Hiển Dung’ rất quan trọng và cần thiết. Ai trong chúng ta cũng cần và nên ôn đi ôn lại các trải nghiệm này trong cuộc sống. Đôi khi các biến cố đó xẩy ra rất bình thường, nhưng dấu ấn và sự tác động của Thiên Chúa giúp chúng ta nhận ra ý nghĩa và khám phá ra bàn tay của Thiên Chúa can thiệp mới là điểm đáng quan tâm.

Thưa anh chị em, sau đây là vài gợi ý:
Có những bà mẹ đã nhận ra ơn gọi thật cao quí mà Chúa đã trao ban cho bà qua những công việc thường nhật mà các bà thường làm trong công tác của một người nội trợ. Nhìn thấy cảnh chồng con ăn ngon, hạnh phúc đầm ấm bên bàn cơm do công sức của bà chuẩn bị, khiến cho cơn mệt nhọc dường như biến mất, còn lại trong phần sâu thẳm của tâm hồn bà là niềm vui, một niềm vui không sao diễn tả được. Bà đã phải quay mặt đi để dấu những giọt lệ hạnh phúc đang sẵn sàng trào ra trong đôi mắt ngập tràn hạnh phúc của bà.  Bà hãnh diện và nhận ra rằng nhờ sự hy sinh của bà mà gia đình mới vui như thế. Rõ ràng đó là một việc làm bình thường như mọi ngày của cuộc sống, thế mà đến hôm đó bà mới nhận ra sự diệu kỳ và phi thường của nó. Một khoảnh khắc, một kinh nghiệm thật diệu kỳ đã đến với bà qua công việc rất bình thường.

Về đời sống thiêng liêng cũng thế, đã có thời điểm chúng ta trải qua những kinh nghiệm thật đặc biệt, nhận ra sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa qua các việc rất bình thường. Trong những cuộc tĩnh tâm, nội dung các bài giảng, sự tận tâm phục vụ và hướng dẫn của các anh chị em giúp khóa; đều là các yếu tố giúp ta khám phá ra bàn tay và sự tác động của Thiên Chúa. Tác động của Chúa mạnh đến độ chúng ta không cầm được nước mắt. Trong nỗi vui sướng được thay đổi đó, chúng ta đã từng hứa như ý định của Phêrô, xin được ở luôn bên Chúa trên núi, trong bài Tin Mừng hôm nay.

Nhưng, chúng ta được mời gọi đi xa hơn, không dừng lại ở các kinh nghiệm về những lần gặp gỡ mang năng chất tình cảm đó. Việc chiêm ngưỡng dung nhan vinh hiển của Đức Giêsu không làm chúng ta bị chóa mắt, hay quáng gà rồi không còn nhìn thấy những thực tại ở trần gian nữa.

Chúa không còn Thần Hiện để con người nhận ra sự hiện diện của Ngài như kinh nghiệm của Maisen và dân Israel xưa kia, Ngài cũng không biến hình đổi dạng cho các Tông đồ nhìn thấy vinh quang cuả Ngài như trong bài Tin Mừng hôm nay. Ngài đã trở thành người và cư ngụ giữa chúng ta. Ngài chính là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta mọi nơi mọi lúc. Đó là một chứng tích thật diệu kỳ mà chúng ta cần khám phá luôn mãi. Một sự đổi thay mà chỉ có ai ở trong Chúa mới nhận ra. Trong Chúa, chúng ta nhận ra trong mọi người luôn luôn là hình ảnh của Thiên Chúa, và mọi sự Ngài tác tạo đều tốt đẹp, rất dễ thương và như vậy cuộc đời đáng sống và đáng yêu hơn.

Vì thế, với những kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa - qua cầu nguyện, các biến cố xẩy đến trong đời - đều là hồng ân giúp chúng ta trở về với đời sống hàng ngày, đối diện với muôn ngàn thử thách, đắng cay bằng ánh sáng và con tim mới. Với sự hiện diện của Đức Giêsu, không chỉ ở trên núi (Thánh), nhưng ở mọi giây phút của cuộc đời; chúng ta sẽ chấp nhận cuộc sống với tinh thần lạc quan, sẵn sàng chiến đấu mà không ngại gian khổ, chấp nhận những bất tòan của chính bản thân để có thể thông cảm các nỗi yếu đuối và không hòan hảo của nhau; rồi cùng đồng hành với nhau trên con đường mà Chúa đã đi qua.
Xin dung nhan của Chúa Hiển Dung hôm nay và nhất là Ánh Sáng Phục sinh của Đức Kitô luôn dẫn lối chỉ đuờng cho chúng ta, để chúng ta biết đón nhận và sống trọn vẹn mọi phút giây trong cuộc sống và tiếp tục ‘bước theo’ và ‘cùng bước vào’ dấu chân của Đức Kitô đã bước qua.



No comments:

Post a Comment