Wednesday, 14 February 2018

VƯỢT QUA THỬ THÁCH BẰNG GÌ?


Anh chị em thân mến,

Câu chuyện nói về việc Đức Giê-su chịu cám dỗ trong bài Tin Mừng năm nay tuy ngắn, nhưng vẫn còn chất chứa các điểm then chốt giúp chúng ta tìm ra các phương thế để đối diện với các thử thách hay cám dỗ trong cuộc sống.

Đó chính là Thần Khí, hơi thở của Thiên Chúa hay còn được gọi là Thánh Thần, Đấng thúc đẩy và hiện diện với Đức Giê-su trong suốt thời gian Người chịu cám dỗ. Sau đó là yếu tố thời gian, phải chăng 40 ngày gợi lại cho chúng ta hành trình 40 năm của dân Israel xưa kia. Sau cùng là yếu tố không gian, đó chính là hoang địa hay sa mạc là nơi xẩy ra việc Đức Giê-su chịu cám dỗ.

Tất cả các chi tiết nói trên gợi lại cho chúng ta hai câu chuyện.
Câu chuyện thứ nhất là hành trình và các thử thách mà dân Is-ra-el đã phải đối diện. Đây là ví dụ cụ thgiúp chúng ta hiểu dân Chúa đã trải qua các cuộc thử nghiệm và bị sa ngã như thế nào. Trong hoang địa, khi phải đối diện với những thử thách, họ đã quên đi công trình tay Chúa, Đấng đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ của Vua Pha-ra-ôn. Trái lại, họ lại nghĩ rằng Thiên Chúa dẫn họ vào đây và sẽ để họ chết trong hoang địa.

Họ đã bất trung, bội phản và sa ngã; thậm chí có lúc họ muốn biến Đức Chúa thành một pho tượng, qua việc xin đắp con bê bằng vàng để thờ lậy. Thực ra, qua việc này, họ muốn điều khiển cả Thiên Chúa nữa. Thay vì để Chúa dẫn đường chỉ lối, họ lại muốn, qua con bê bằng vàng, khiêng Chúa đi đâu theo ý họ.

Trong lúc nhìn lại cách diễn tả việc sa ngã của con người trong trình thuật tạo dựng cho đến hành trình tiến về đất hứa, chúng ta khám phá ra nguyên nhân khiến họ sa ngã. Đó là cách cư xử theo ý riêng và thiếu tin tưởng vào quyền năng và Lời của Chúa.

Còn câu chuyện hôm nay kể lại việc Đức Giêsu, cũng trong hoang địa và với thời gian 40 đêm ngày để chịu ma quỷ cám dỗ. Người trung tín với Cha Ngài và vượt qua mọi thử thách không chỉ trong 40 ngày này mà thôi; nhưng còn được thể hiện trong suốt hành trình cuộc sống hiến dâng và tự hạ của Người. Và, ngày hôm nay, trong lúc chiến đấu với các thử thách, Đức Giêsu đã trọn vẹn để cho Thần Khí hướng dẫn trong cuộc tìm kiếm và làm hài lòng Cha. Tâm tình hiệp nhất này đã lan toả khiến cho bầy thú dữ trong hoang địa không còn là những con vật nguy hiểm nữa; nhưng đã trở thành những con vật thật hiền hòa. Chúng hiện diện với các thiên thần để hầu hạ Chúa.

Phải chăng đây là cảnh sắc của vườn địa đàng được phục hồi bởi sự vâng phục của Đức Giêsu, để đổi lại những gì mà con người đã đánh mất sau khi sa ngã.

Vì thế, thưa anh chị em,

Ngay đầu Mùa Chay, để giúp chúng ta đối diện và chiến đấu với các sa ngã; Hội Thánh muốn nhắc nhở đến thân phận mỏng dòn, yêú đuối và dễ đổ vỡ của mỗi người. Trong phận mỏng dòn đó, chúng ta chỉ có thể vượt qua các sa ngã và mọi thử thách bằng quyền năng của Chúa mà thôi. Hãy nhớ mình từ bụi tro mà ra rồi sẽ trở về tro bụi. Ý nghĩa của lời đó quá rõ ràng. Thiên Chúa đã truyền ban sự sống vào đám tro tàn đó. Rồi có một ngày chúng ta sẽ về với cội nguồn. Hiện tại chúng ta còn sống; có nghĩa là thử thách và cám dỗ vẫn còn. Nó là một phần của cuộc sống. Không ai có thể tránh thoát được. Tất cả vẫn hiện diện. Có nhiều người lầm tưởng là các cám dỗ sẽ đến từ bên ngoài. Thực ra nó ẩn tàng ngay bên trong bản thân và cuộc sống của từng người.


Những thử thách mà chúng ta gặp trong cuộc sống rất khó biện phân như hoàn cảnh và cách thức đối diện với các thử thách của người thanh niên giầu có trong Tin Mừng. Anh đã thất bại và không vuợt qua được thử thách khi để cho cuộc sống của mình bám víu vào những bảo đảm do tiền của mà anh tạo ra. Tiền của và sự giầu sang không dẫn anh đến sa ngã. Nhưng, vì giầu có nên anh không trải nghiệm được cảnh nghèo để khám phá ra rằng những gì anh có đều do Chúa ban cho nên anh cần có cuộc sống lệ thuộc vào Người. Anh không làm được chuyện đó nên lủi thủi bỏ đi và Chúa nhìn anh bằng một cái nhìn thật buồn; bởi vì anh đã chọn sai ưu tiên cho cuộc sống.

Trong dụ ngôn người gieo giống, Chúa đã không báo cho chúng ta biết rằng chính những bụi gai là những vật cản khiến cho các hạt giống không đâm chồi nẩy lộc được hay sao! Bụi gai là thử thách mà chúng ta cần vượt qua. Nhưng bụi gai là gì?

Đối với tôi thì hào quang có thể là những bụi gai làm sai lạc ý hướng trong các công tác phục vụ của tôi. Bụi gai cũng có thể là những việc làm, các câu nói ngoại giao để làm thỏa mãn nhu cầu và thị hiếu của đám đông, và kiếm được vài lời khen tặng hay một tặng vật nào đó từ họ cho mình. Trong khi đó, với sứ mạng ngôn sứ, tuân phục và loan báo Lời của Người là ưu tiên hàng đầu của chúng ta.

Rồi còn nữa, trong dụ ngôn tiệc cưới. Các khách từ chối lời mời nào có tội gì. Họ bận việc và ai cũng có việc phải lo. Họ không sai khi từ chối lời mời của ông chủ tiệc. Nhưng lại một lần nữa, họ và chúng ta thay vì chọn Chúa thì lại chọn ý riêng. Đó chính là nguyên nhân đưa chúng ta đến sa ngã.

Nói chung, để chuẩn bị tham dự vào Mầu Nhiệm Phục Sinh, trong Muà Chay này chúng ta được mời gọi quay trở về với Chúa. Để trở về, chúng ta cần sống phó thác hơn; có nghĩa là ngoài Chúa ra, không ai cung cấp và làm cho cuộc sống của chúng ta được bảo đảm. Một khi chúng ta lo lắng quá nhiều về thành công và an ninh cho cuộc sống của chính mình cũng là lúc chúng ta chấp nhận lối sống thoả hiệp, lối sống ích kỷ, sống mà chỉ biết nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình và quên đi các giá trị đích thực của Tin Mừng. Trở về với Chúa là một hành động quay lưng lại với tất cả tiếng nói khác tiếng nói của Chúa.

Trong tâm tình đó, cùng với Đức Giê-su, nhất là để cho Thần Khí Thiên Chúa tác động, chúng ta cùng bước vào Mùa chay trong không khí thật tưng bừng rộn rã của Mùa Xuân Mậu Tuất 2018 này.


Mùa Chay hay Mùa Xuân đều thuộc về Chúa. Chúa mới là Đấng làm chủ của Mùa Xuân Vĩnh Cửu. Triều đại của những ai thuộc về Mùa Xuân Vĩnh Củu đó đã được khai mạc trong sứ vụ của Đức Giê-su. Người quan tâm, lo lắng và chăm sóc cho từng người. Hồng ân và niềm vui của Chúa Xuân thật bao la. Trong sự phong phú và tràn đầy của khối lượng và thời đại hồng ân này, chúng ta hãy quyết tâm sống đổi mới, sống phù hợp với ý định của Chúa Xuân trong việc phục vụ lẫn nhau. Amen 


No comments:

Post a Comment