Các hành động của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng
theo Thánh Gio-an hôm nay là một ‘dấu chỉ’. Qua dấu chỉ này, Đức Giê-su muốn dậy
cho chúng ta biết rằng Đền Thờ đích thật chính là Thân Thể của Người. Giống như
hoàn cảnh của chúng ta, các môn đệ phải nhờ đến ánh sáng Phục Sinh, có nghĩa là
sau khi Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, họ mới hiểu thấu ý nghĩa của việc Chúa làm hôm nay.
Như chúng ta được biết, đền thờ Giê-ru-sa-lem là trung tâm, giữ một vai
trò quan trọng trong việc thiết lập và phát triển đạo Do Thái. Đó còn là dấu chỉ
nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa và với sự tồn tại của đền thờ, những người
Do Thái còn hãnh diện được làm dân riêng của Thiên Chúa, dòng giống mà Thiên
Chúa đã tuyển chọn.
Thưa anh chị em,
Theo thông lệ, hàng năm, vào dịp lễ Vượt qua, mọi công dân Do Thái buộc
lên đền thờ Giê-ru-sa-lem tham dự các nghi lễ theo luật dậy. Mỗi gia đình phải
dâng tế phẩm cho Thiên Chúa, nộp vào đền thờ các phần hoa lợi trong năm, đồng
thời thi hành các tục lệ và mừng Đại Lễ Vượt qua,
làm sống lại việc can thiệp của Thiên Chúa cứu thoát dân vượt qua Biển Đỏ.
Một điều đáng cho chúng ta lưu tâm là dân từ khắp nơi tuôn về; và các
phương tiện di chuyển thời đó không nhanh chóng và thuận tiện như chúng ta ngày
nay. Nói chung, họ phải đi bộ mấy ngày đường thì làm sao có thể mang theo của lễ
theo như luật dậy. Vì thế, người ta buôn bán những vật liệu cần thiết cho việc
tế tự và xử dụng các loại tiền riêng để nộp thuế đền thờ. Nghĩa là, dịch vụ
buôn bán và đổi chác là các phương tiện cần thiết giúp cho dân thực hành việc tế
lễ.
Nhưng, thay vì xử dụng chức vụ để phục vụ nhu cầu tế tự của dân chúng.
Trái lại, để kiếm lợi, các thầy thượng tế và hàng ngũ tư tế đã tổ chức các bàn đổi
tiền ngay tại sân đền thờ, đồng thời buôn bán những con vật để làm của lễ như
chiên, bò và chim câu. Họ độc quyền trong việc áp dụng bảng giá thật khắt khe để
thu lợi nhiều hơn. Dân đen vẫn là đám thua thiệt và bị chèn ép.
Đó là điều Đức Giêsu không thể chấp nhận, Người nổi giận vì tâm địa tàn
ác, óc não vụ lợi, xử dụng chức quyền vào mục đích riêng tư của cá nhân và phe
nhóm họ. Khi xua đuổi những người đổi tiền và những người buôn bán ra khỏi đền
thờ là Đức Giêsu đã đụng chạm đến quyền lợi, uy danh của tầng lớp thế lực là
các thượng tế và luật sĩ. Thiên Chúa không còn là đối tượng của việc thờ phượng
cho nhóm họ, trái lại Thiên Chúa đã trở thành bình phong cho các mưu đồ riêng
tư của cá nhân và phe nhóm họ.
Đức Giê-su đã không chỉ vì an toàn cho bản thân mà làm ngơ trước hành vi
sai trái của họ. Đức Giê-su còn biết rất rõ là họ sẽ chống đối và tìm cách tiêu
diệt Người. Nhưng vì lòng yêu mến Thiên Chúa và những người dân vô tội, Đức
Giêsu đã hành động quyết liệt: xô đổ bàn
ghế, lấy dây làm roi xua đuổi chiên bò và còn ra lịnh cho họ: hãy đem tất cả những
thứ này ra khỏi nơi đây và đừng biến nhà Cha Người thành hang trộm cướp.
Thưa anh chị em,
Qua hành động rất quyết liệt của Đức Giêsu khiến chúng ta có thể nghĩ rằng:
Người làm như thế không chỉ đơn giản là việc xua đuổi mấy con buôn; nhưng Người
muốn thay đổi một quan điểm, lật nhào một hệ thống tôn giáo đã mất gốc và đem đến
một luồng gió mới, phục hồi lại bản chất đích thực của việc thờ
phượng, tái tạo một lối sống đạo, trong đó Thiên Chúa là gốc và cùng đích của mọi
sinh hoạt. Và, không có một tà thần nào có thể thay thế Thiên Chúa. Không
có một kiểu thờ ngẫu tượng nào thay thế một tâm hồn chân chính trong việc phụng
thờ Thiên Chúa được. Điều này đã đuợc thể hiện thật rõ ràng qua Lời Người phán
“các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người
nói như thế để ám chỉ đến Đền Thờ mới là Thân Thể Người. Nhưng, họ đã không hiểu.
Làm thế nào họ có thể hiểu được khi con tim và đôi mắt của họ chỉ nhắm đến việc
thu vén tiền của và củng cố uy quyền mà thôi.
Theo tinh thần của Đức Giê-su thì tôn giáo
hay đạo không chỉ dựa trên một hệ thống giáo điều và các việc tế tự tập trung
vào trong tay của giai cấp lãnh đạo đền thờ mà thôi. Đạo
chính là con đường, là lối sống đuợc xây dựng trên các mối tương quan giữa những
kẻ tin với nhau. Và trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta nhớ lại lời
dậy bảo của Chúa: Người muốn việc làm của chúng ta được phát sinh bởi lòng mến,
lòng thương xót đối với người khác chứ không bằng hy lễ hay các nghi thức tế tự
mà thôi. Hy lễ tuy cần thiết, nhưng nếu các điều đó không được phát sinh bởi
tình yêu và lòng thương xót thì các nghi thức tế lễ cũng chỉ có tính chất trình
diễn, nặng về mặt hình thức và chúng ta vẫn bị luẩn quẩn trong các nghi thức chết
và không có sức sống (Mt 9: 13).
Đền thờ tuy cần thiết cho tôn giáo, nhưng nếu đền thờ không còn mang ý
nghĩa là tụ điểm của yêu thương, không còn là nơi để con người thờ phượng Chúa
và chia sẻ tình huynh đệ thì cho dù đền thờ có nguy nga, tráng lệ và bền vững đến
đâu cũng chẳng còn ích lợi gì cho lối sống đạo của chúng ta nữa. Ngoài ra, nếu cách
biểu lộ việc sống đạo của chúng ta chỉ còn được diễn tả bằng các hình thức tế tự
tại các đền thờ và quên đi tình yêu và lòng thương xót mà Đức Giê-su đã làm
gương, thì lối sống đạo hình thức đó còn đem lại giá trị và hậu quả gì nữa đây!
Thật vậy, lối sống của Chúa là lối sống mở ra để đón nhận mọi người.
Trong tình yêu thì không có biên cương, không bị giới hạn và trói buộc bởi hệ
thống giáo điều, cơ cấu hay đền đài. Sự sống của Người là lối sống chia sẻ,
nghĩa là sống cho và sống với người khác; đặc biệt là những ai bị bỏ rơi, những
ai bị liệt vào hạng tội lỗi. Tất cả đều được mời gọi đồng bàn với Người; và khi
đồng bàn với Người thì Người ban cho họ sức mạnh đổi mới, mời gọi họ chia sẻ
con đường và lối sống của Người. Đến lúc đó, chúng ta có thể hãnh diện làm chứng
rằng chính thật chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa.
Thưa anh chị em,
Trong tâm tình đó, chúng ta hãy dành đôi phút để nhìn vào thực tế những
gì mà Giáo Hội tại các nước Tây Phương, đặc biệt tại Úc đang phải đối diện. Làm
sao chúng ta không đau lòng khi đọc bản báo cáo của Uỷ Ban Hoàng Gia điều tra về
các vụ lạm dụng tình dục trẻ em, cho rằng có 60% những vụ lạm dụng xẩy ra trong
các tổ chức của Giáo Hội Công Giáo. Họ đã bị lạm dụng bởi vì họ đã trao niềm tin
của họ cho một vài người thuộc giai cấp lãnh đạo, để rồi chính họ đã phải ôm một
mối hận trong lòng mà không làm sao có thể thoát ra được.
Những sự kiện này được gọi là ‘xâm phạm hay lạm dụng tình dục’. Cụm từ
tuy ngắn gọn, nhưng ảnh hưởng và sự thiệt hại của nó rất lớn. Nó ám chỉ đến
hành vi phản bội về mặt tinh thần, tâm lý và sinh lý của một người có chức quyền
đối với người kém thế hơn; đặc biệt là đối với trẻ em. Nó để lại trong tâm hồn
và đời sống của các nạn nhân những vết thương và sự thù ghét Giáo hội. Đôi khi, họ còn mang mặc cảm bị khước từ. Họ cắn răng
chịu đựng trong tủi nhục. Có một số người lại lâm vào trạng thái ‘trầm cảm’ và
nghĩ là mình không còn xứng đáng thuộc về cộng đồng mà họ mong muốn là một
thành viên.
Có một số người trong chúng ta cho rằng Uỷ Ban
Hoàng Gia được thành lập để khai thác và làm mất uy tín của các tổ chức trong
Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là công kích hàng ngũ lãnh đạo. Cái nhìn như thế
xem ra không chính xác. Thật ra, những người trong Uỷ Ban tuy có trình độ chuyên
môn riêng, nhưng họ làm việc theo nhóm. Dù nhiều người trong ủy ban có khả năng
về luật pháp, nhưng họ chỉ đề nghị với các nhà lãnh đạo của các tổ chức liên hệ
tìm cách chấm dứt tình trạng mà chúng ta ngày nay coi như là ‘tội ác’ này. Họ không
kết tội. Họ giúp chúng ta thanh lọc và yêu cầu mọi người tôn trọng công lý để bảo
vệ mọi thành phần có cuộc sống an vui. Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người miễn
là chúng ta nhận ra bàn tay và sự can thiệp của Thiên Chúa nơi các con người đó.
Khi nhìn vào những vết sẹo, những nỗi hằn do các chi thể trong Thân Thể
của Đức Kitô tạo ra, cũng là dịp giúp chúng ta nhận
ra tính mỏng dòn và yếu đuối của con người. Tuy nhiên, chúng ta không nhìn lại
các sự kiện xẩy ra trong quá khứ, đôi khi bị coi là tội ác đó, bằng cái nhìn mặc
cảm, chán nản, thất vọng và buông xuôi. Trái lại, qua đó chúng ta nhận ra được
một điều là chỉ Trong Chúa, con người mới được đổi mới. Với Đức Ki-tô, chúng ta
mới tìm thấy cách thức thờ phượng Thiên Chúa đích thật.
Phần chúng ta, hãy tiếp tục nỗ lực đổi thay bằng cách xây dựng cuộc đời
và lối sống đạo của mình trên nền tảng của Đức Ki-tô Phục Sinh; nghĩa là xây dựng
hình ảnh Đức Ki-tô trong đời mình đến mức hoàn hảo hơn.
No comments:
Post a Comment