Tuesday, 28 August 2018

BỎ THẦY CON BIẾT THEO AI!




Anh chị em thân mến,

Lời tuyên xưng của Simon Phê-rô “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” không làm cho chúng ta coi thường thái độ và phản ứng của các môn đệ đã bỏ cuộc. Bởi vì, lời tuyên xưng của Phê-rô và việc bỏ cuộc của các môn đệ có thể phản ảnh rất thật trong cuộc sống của mỗi người chúng ta.

Thực tế trong cuộc sống là một bằng chứng hùng hồn giúp chúng ta nhận ra vị trí của chính mình. Có những lúc chúng ta xác tín về việc theo Chúa của mình, nhất là khi gặp được nhiều thuận lợi trong cuộc sống. Tuy nhiên, lại có nhiều khoảnh khắc, nhất là khi phải đối diện với các thử thách vuợt qua sức đón nhận khiến cho chúng ta cảm thấy chán nản, thậm chí có những người lâm vào tình trạng tuyệt vọng và muốn bỏ cuộc.

Vì thế, phụng vụ Lời Chúa trong Chúa nhật hôm nay, đặc biệt nội dung của bài đọc thứ nhất và trình thuật Tin Mừng giúp cho chúng ta có cơ hội để xét mình và nhận ra chúng ta có phải là các tín hữu thực thụ theo yêu cầu của Đức Giê-su hay vẫn chỉ là tín hữu có tiếng mà không có miếng; có nghĩa là cụm từ tín hữu chỉ là bảng hiệu, còn đời sống của chúng ta còn xa với những giá trị mà người tín hữu chân chính cần đem lại trong cuộc sống!

Trình thuật Tin Mừng hôm nay là cao điểm của một cuộc đối đầu mang tính quyết liệt giữa Đức Giê-su và các môn đệ. Họ là những người đã chứng kiến dấu lạ hoá bánh ra nhiều và được nghe lời giải thích của Người về việc làm đó. Tuy lời giải thích của Đức Giê-su mang tính mạc khải, bộc lộ cho các môn đệ biết về sứ mạng của Người là Đấng đến để hiến dâng bản thân cho Cha và ban cho chúng ta sự sống đời đời. Người càng quyết liệt làm sáng tỏ sứ điệp bao nhiêu thì lại nhận được sự chống đối không thiếu phần dứt khoát của một nhóm môn đệ bấy nhiêu.

Như thế, căn cứ theo trình thuật của Thánh Gio-an thì kết quả là có rất nhiều môn đệ đã rút lui và không tiếp tục đi theo Người nữa. Ngay cả nhóm mười hai, Simon Phê-rô khi được Chuá hỏi là các ông cũng muốn bỏ Chúa hay sao, thì ông đã tuyên xưng niềm tin thay cho cả nhóm là tiếp tục theo, vì chỉ có Chúa là Đấng đem cho các ông sự sống đời đời. Thế mà sau này, chính ông là người chối Chúa khi Người cần đến các ông nhất. Như vậy cho chúng ta thấy tuy cách chọn lựa của nhóm muời hai có phần khá hơn các môn đệ kia; nhưng điều mà Phê-rô tuyên xưng hôm nay cũng dựa trên môi miệng, chưa được kể là trọn hảo. Các ông chưa đạt được đến đích điểm, vẫn còn đang đi trên hành trình bằng các nỗ lực và cố gằng hết sức của các ông.

Anh chị em thân mến,

Đặc điểm không tháo lui, tiếp tục dấn bước bằng tất cả nỗ lực và khả năng của mình khiến cho nhóm mười hai gần với chúng ta hơn. Thật vậy, việc chúng ta có thể đến với Chúa, đi theo Chúa trước tiên không phát xuất từ mình. Đó là lời mời gọi, hành động lôi kéo từ Thiên Chúa. Không ai trong chúng ta có thể đến để nối kết, gặp gỡ rồi tin vào Đức Giê-su nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy. Lời mời gọi, hành động lôi kéo đã xuất phát từ Thiên Chúa, bổn phận của chúng ta là thả lỏng, không gồng lên để cưỡng lại; cho dù trên thực tế, một khi bị ai lôi kéo thì tự bản năng chúng ta sẽ tìm cách ghì lại sức kéo của người đó. Chính vì thế, hành vi buông xuôi thả lỏng để Chúa kéo nói lên tính tự nguyện và buông quyền kiểm soát bản thân của chúng ta.

Đây là một sự chọn lựa khôn ngoan của người tín hữu khi họ nhận ra tất cả những gì mình có đều là hồng ân của Chúa, bổn phận còn lại là thi hành việc làm của chủ mình.

Nói thì dễ nhưng thực hành thật khó! Làm thế nào chúng ta vẫn giữ được tâm hồn thanh thản, không tự mãn trước các việc làm đạo đức của mình. Hình ảnh người biệt phái tự mãn hiên ngang đứng trên bục bàn thờ, rồi mang công trạng ra để khoe trước mặt Chúa. Cuối cùng ra về tay không. Còn thái độ của người thu thuế, khúm núm đứng tự đàng xa, sau những hàng ghế cuối của đền thờ; ông đấm ngực nhận mình là kẻ tội lỗi rồi ca tụng những kỳ công mà Chúa thực hiện trong ông là hình ảnh của một kẻ tin biết trao quyền làm chủ những việc mà mình đã làm được vào tay của Thiên Chúa. Ông ra về và trở thành người công chính vì niềm tin và thái độ khiêm cung của ông. 

Các việc lành phúc đức có thể trở thành các vật cản khiến chúng ta chỉ thấy sự thánh thiện của bản thân mà không thấy, cũng chẳng nhìn ra đó là hậu quả của tình thương mà Chúa dành cho mình. Làm thế nào để chúng ta thật sự khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa, trước tha nhân và trước cả lòng mình. Nhận ra mình chỉ là đầy tớ bình thường, thậm chí còn vô dụng vừa là hồng ân vừa là cơ hội giúp chúng ta nhận ra rằng tất cả những gì mà chúng ta làm được hoàn toàn phát sinh từ nguồn suối yêu thương của Thiên Chúa, Đấng làm chủ chương trình và đời của mỗi người chúng ta.

Như vậy, buông lỏng sức mạnh kềm chế bản thân mình là buớc tiên quyết để bộc lộ và trao phó lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về mình. Đây chính là thái độ niềm tin của người tín hữu. Tuy nhiên chính Chúa Cha mới là đấng che chở, bảo vệ và lôi kéo chúng ta đến để đặt trọn niềm tin vào Đức Giê-su, Con của Ngài.

Đó cũng chính là cách thế khôn ngoan mà Gio-duệ đã làm trong bài đọc một. Sau khi Mai-sen chết, ông đã lãnh đạo và đưa dân vào đất hưá. Tuy là người lãnh đạo, nhưng ông đã không áp đặt uy quyền của người lãnh đạo trên dân. Trái lại, ông đã tôn trọng quyền tự do chọn lựa của dân bằng cách triệu tập tất cả 12 chi tộc tại Sikhem và kêu gọi họ hãy chọn lựa: “Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Thiên Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người E-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Thiên Chúa.” Phần dân chúng, họ hồi tưởng và nhận ra công trình của Thiên Chúa, Đấng luôn hiện diện, dẫn đưa, săn sóc và gìn giữ họ cho nên họ đã đáp lại: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Thiên Chúa để phụng thờ các thần khác! …Vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.”

Như vậy, việc Thiên Chúa săn sóc, lôi kéo, dẫn đưa dân Do Thái vẫn là yếu tố tiên quyết khiến họ thành tâm tin tưởng và quyết một lòng phụng thờ Ngài. Và trong cùng một tinh thần đó, trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta ghi nhận lời tuyên xưng của Simon Phê-rô và nhóm mười hai, tuy chưa hoàn hảo, nhưng cũng nói lên ước mong theo Chúa của các ông.

Thưa anh chị em,

Để có thể tuyên xưng lòng tin nơi Đức Giê-su, Đấng được Thiên Chúa sai đến trở thành sự sống đời đời cho mọi người như lời Người phán dậy: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời.” đòi hỏi chúng ta bước ra khỏi mình, dấn thân vào trong cuộc sống của Đức Kitô cho người khác.

Niềm tin của người môn đệ không chỉ được nuôi dưỡng bởi các bí tích, nhưng là người làm nên các bí tích đó. Tât cả các nhiệm tích của Hội Thánh đều dẫn chúng ta về với nguồn của bí tích là Đức Giê-su là Tin Mừng cho các kẻ tin. Nói khác đi, để sống đúng chân tướng của người tin vào Đức Giê-su, thì việc cử hành và lĩnh nhận các bí tích chưa đủ, nhưng truớc hết chúng ta phải trung thành với Con Người của Đức Giê-su Kitô và sống tình huynh đệ với người khác.

Vậy, việc đòi buộc các môn đệ trung tín với Đức Giê-su lệ thuộc vào việc chuyên cần nghe lời giáo huấn của Người, có nghĩa là Tin vào Lời Người phán hôm nay rằng “ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” đồng nghĩa với việc tin vào Đức Giê-su là Đấng nuôi sống chúng ta. Hơn thế nữa, các môn đệ còn đòi buộc bước theo Người, đi con đường Người đã đi và tin rằng đó cũng là con đường dẫn chúng ta đến sự sống đời đời.

Thật vậy, chính Người là Bánh trường sinh, là nguồn động lực giúp chúng ta sống rồi có thể đến với nhau. Muốn đến với nhau thì chúng ta cần đến với Chúa trước. Đến với Chúa, gặp gỡ Chúa rồi tin vào Người là một hành động của người có đức tin.  

Tin rằng Chúa ở trong ta. Tin rằng việc siêng năng đón nhận Mình Máu Thánh Chúa không chỉ là việc làm cho mình thánh thiện hơn, mà là trở nên giống Chúa, nên một với Chúa. Có nghĩa là khi đón nhận Mình Máu Thánh Chúa trong bí tích Thánh Thể là lúc chúng ta cũng chịu lấy thần khí và sự sống của Người; đó cũng là thời khắc để Chúa trở thành sự sống và thần khí của đời ta. Và như thế, cuộc sống của chúng ta trở thành hiến lễ. Hiến lễ cũng trở thành cuộc sống. Hiến lễ và cuộc sống là một trong Đức Giê-su thế nào thì đối với chúng ta cũng như vậy. Chúng ta không thể tách cuộc sống của người môn đệ ra khỏi hành vi hiến tế của Chúa được. Đây là một cuộc gặp gỡ thật trọn vẹn nói lên sự hiện diện đích thật của Đức Kitô với Hội Thánh của Người để ban sự sống cho nhân loại.

Như vậy, nếu không có Đức Giê-su thì cuộc gặp gỡ dù mang tính hy tế cũng chỉ là các nghi thức, và nếu chỉ là các nghi thức thì còn có ích gì! Có Đức Giê-su là có sự sống, và nếu bỏ Đức Giê-su, Thầy yêu dấu ra thì cuộc sống của chúng ta còn có ý nghĩa gì; lúc đó chúng ta còn biết đi theo ai nữa đây! Chỉ có Đức Giê-su Ki-tô vừa là Tin Vui vừa là Đấng trao ban sự sống cho chúng ta mà thôi. Đó là mầu nhiệm của niềm tin. Chúng ta hãy hân hoan tuyên xưng niềm tin ấy trong Chúa Giê-su Thánh Thể, Đấng là Bánh trường sinh nuôi dưỡng muôn người qua muôn thế hệ. Amen!


Thursday, 16 August 2018

THẾ NÀO LÀ Ở TRONG CHÚA?



Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan tiếp tục bàn về ý nghĩa của ‘Bánh trường sinh’, dẫn đưa chúng ta đi vào chiều sâu của phần suy tư mà Ngài và cộng đoàn của Ngài đã trải nghiệm về bí tích Thánh Thể. Anh chị em thuộc các giáo đoàn tiên khởi đã không chỉ tưởng nhớ đến Đức Giê-su, Đấng đã hiến tế trên bàn thờ Thập Giá để làm nguôi lòng Chúa Cha và ban ơn cứu độ cho nhận loại. Họ, qua tiệc Thánh Thể, còn làm chứng rằng Người đang hiện diện với họ. Đức Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống và ở mãi với con người. Thịt Máu Người là quà tặng cho nhân loại được sống, là lương thực đưa đến sự sống vĩnh cửu và là bảo đảm cho sự phục sinh. Đây là điều phải chấp nhận bằng niềm tin.

Kết luận của diễn từ cũng chỉ là nhấn mạnh đến thực tại tính của bí tích Thánh Thể. Điều này đã được ẩn chứa ở phần trên của bài diễn từ, còn ở đây được nói đến trực tiếp. Những điều Đức Giêsu nói trong diễn từ là một cách nói khác với các cử chỉ, ngôn ngữ của Chúa trong bữa Tiệc Ly. Chính vì thế, tác giả Tin Mừng thứ tư không thuật lại việc Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly. Tác giả chỉ đưa ra những suy niệm rất phong phú trong bài diễn từ giải thích dấu lạ hoá bánh ra nhiều.

Đức Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Nghe những lời như thế, phản ứng của những người cùng thời với Chúa và có lẽ ngay cả chúng ta nữa. Đó là: “làm sao ông nầy có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”

Để ca tụng tình mẫu tử chúng ta đã được nghe nhiều câu chuyện, đôi khi mang tính giáo dục để khuyên con người. Tuy vậy, vẫn có những truyện tích nói về sự hy sinh những giọt máu cuối cùng của người mẹ để cứu sống con mình. Trong lần di tản năm nào bên Việt Nam, người ta đã chụp được một tấm hình của một em bé đang nằm trên ngực mẹ, ngấu nghiến, day và nuốt những giòng máu cuối cùng trên thân xác vẫn còn chút hơi ấm của mẹ mình. Cháu được cứu thoát nhờ những giọt máu mà cháu tưởng là sữa của mẹ mình.

Kính thưa anh chị em,

Bí tích Thánh Thể là một mầu nhiệm không phát sinh từ nỗ lực tìm kiếm của con người; nhưng đó là việc Chúa đã cử hành như đã được các sách Tin Mừng ghi lại, cụ thể trong trình thuật của Tin Mừng theo Thánh Mác-cô như sau: “Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy." Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.”

Tất cả các hành động “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao ban” của Đức Giê-su trong bữa tiệc vượt qua đã được thể hiện trọn vẹn trong sự chết, cao điểm của mầu nhiệm hiến dâng mà Đức Giê-su đã thực hiện. Đây không chỉ là huấn lịnh. Đó là việc làm của Đức Giê-su. Người đã làm mọi sự được cử hành trong nghi lễ của bữa tiệc vượt qua này. Thân xác Người là tấm bánh mà Người đã bẻ ra và trao ban để nuôi sống muôn người. Cuộc sống và sứ vụ của Người là bài ca chúc tụng Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã không trao cho chúng ta một kế hoạch, một chương trình để biến đổi xã hội. Người đã không đến để lãnh đạo một cuộc cách mạng chống lại sự chiếm đóng của đế quốc Rô-Ma. Thậm chí, Người cũng không phá hủy và quét sạch chế độ nô lệ mặc dù Người có ý làm như thế. Điều tiên quyết mà Người đã làm là ban chính mình để bộc lộ Tình Yêu khi Người dâng hiến bản thân cho Cha và Thánh Thần. Có nghĩa là Đức Giê-su đã trao ban cho chúng ta quyền thừa hưởng gia nghiệp của Nước Chúa, tạo cho chúng ta một cuộc sống nhằm giải thoát chúng ta khỏi quyền lực và ảnh hưởng của sự ác khiến cho chúng ta không còn phải chết nữa.

Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta tin rằng có một mối dây liên kết không thể phá vỡ được thiết lập giữa chúng ta và Đức Kitô Phục Sinh. Người đã được sinh ra như chúng ta, trưởng thành và lớn lên theo năm tháng như chúng ta, và cuối cùng Người đã chết như tất cả mọi người. Đức Giê-su giống như chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Giờ đây, trong bí tích Thánh Thể, chúng ta làm chứng về sự Phục sinh vĩnh cửu của Người, Đấng đang sống và nuôi dưỡng để chúng ta đủ sức đi chung một con đường về nhà với Người.

Đức Kitô Phục sinh hiện diện với chúng ta trong Thánh Thể là sự hiện diện đích thật mà chúng ta đón nhận đuợc trong niềm tin vào bí tích Thánh Thể. Thân xác Phục sinh đã khải hoàn của Chúa hiện diện nơi đó hơn là thân xác khi còn tại thế của Người. Thân xác Phục sinh là một thân xác hoàn hảo mà Thiên Chúa đã trao ban lại cho Đức Chúa sau cuộc hiến dâng trên Thập Giá của Người.

Qua các hành vi của thân xác, con người có thể tiếp cận và đến với nhau. Cùng một lối suy tư đó, chúng ta có thể nhận ra điều thật sâu sắc trong trình thuật tạo dựng khi tác giả sách Sáng Thế đã trình bầy thật độc đáo về việc tạo dựng con người là thân xác của họ với hơi thở ban sự sống từ Thiên Chúa. Bằng vào thân xác đã được Phục Sinh, Đức Giê-su bây giờ có thể có mặt trong bí tích cho bất kỳ người nào khi Thánh Thể được cử hành. Đây không phải là hiện diện vật chất. Nhưng Chúa Giê-su đến với chúng ta bằng sự hiện diện bí tích của mầu nhiệm Thánh Thể, không chỉ đơn giản là một sự hiện diện bên chúng ta mà Người còn đem chúng ta đến chỗ hoàn hảo ở trong Người nữa.

Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta có giao điểm của quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúa Giêsu đến với chúng ta để chúng ta có thể ăn Mình và Máu Người. Đây chính là của ăn trường tồn và vĩnh cửu biến đổi thân xác chết dở của chúng ta thành thân xác vinh hiển của Đức Chúa. Lúc đó chúng ta sẽ chia sẻ thật trọn vẹn Lời Chúa phán dậy hôm nay: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy."

Tuy được ở trong Chúa là điều cần thiết, nhưng không quan trọng bằng việc Chúa ở trong ta. Có nghĩa là trong tiến trình hiến dâng, chúng ta tập sống từ bỏ để cuộc sống của mình sẽ rập theo khuôn mẫu những việc mà Chúa đã làm cho Chúa Cha và cho chúng ta. Người đã sống nhờ Cha. Người đã trở thành của lễ hiến dâng đẹp lòng Thiên Chúa và cũng trở nên nguồn ơn cứu độ nuôi dưỡng thế gian và những kẻ thuộc về Người thế nào thì trong phận vụ của người môn đệ, chúng ta cũng đuợc hối thúc, để ngày qua ngày, với bí tích Thánh Thể chúng ta sống trong mối dây hiệp thông với Đức Ki-tô để trở thành của lễ hoàn hảo cho Thiên Chúa trong niềm vui phục vụ và trở thành của ăn cho nhau.

Tóm lại, rao giảng Nước Trời và phục vu tha nhân là nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng của người môn đệ. Nhưng, để chu toàn được nhiệm vụ cao cả và quan trọng đó, chúng ta cần được nuôi dưỡng bởi sức sống là Thánh Thể Chúa. Chính bí tích Thánh Thể là nguồn sức mạnh giúp chúng ta làm được những việc mà thế gian không làm được. Thế gian có thể tạo ra những anh hùng nhưng không tạo thành người môn đệ. Người ta có thể hiến dâng vì lý tưởng. Nhưng người môn đệ hiến dâng mình vì Yêu. Nguồn ơn sức mạnh đó chỉ có trong Thánh Thể Chúa. Chúng ta chỉ có thể quên mình để phục vụ người khác hết lòng nếu chúng ta được nuôi dưỡng bởi Tình Yêu của Đấng đã hiến dâng và sẵn sàng chết vì yêu.

Như vậy, chạy đến với bí tích Thánh Thể để nên một với Chúa là nền tảng và mục tiêu trong cuộc sống của người môn đệ. Không có Thánh Thể Chúa, không có người môn đệ đích thật. Có nghĩa là, cho dù người môn đệ có làm được bao việc cao cả đến đâu mà không phát sinh từ Thánh Thể Chúa thì giống như người khờ dại xây nhà trên cát. Ơn khôn ngoan được trao ban để chúng ta chọn lựa sự sống và sự sống đó phát xuất từ Mình và Máu Thánh Chúa. Từ đó chúng ta mới có thể sống và đạt được nguyện ước là trong Chúa, chúng ta sống và trở thành của ăn nuôi dưỡng nhau. Amen!



Thursday, 9 August 2018

NGUỒN SỐNG CHÍNH LÀ CHÚA



Anh chị em thân mến,

Thái độ buồn chán gần như tuyệt vọng của ngôn sứ Elia trong bài đọc một hôm nay khiến tôi nhớ lại cách ứng xử của những ai đã đối diện với các căn bịnh nan y. Họ đã trải qua những tháng ngày đau khổ trên giường bịnh. Có những lúc họ không chịu nổi, chán nản và tuyệt vọng đến nỗi đã phải thốt lên ‘sao Chúa không cất con về cho rồi, cứ để con phải đau khổ mãi thế này.’ Như Elia, đó chính là phản ứng mang tính rất con người của chúng ta. Nhưng đó không phải là bài học hôm nay.

Trong phần tiếp theo, tác giả đã thuật lại việc Thiên Chúa sai sứ giả của Ngài mang bánh cho ông ăn và nước cho ông uống; không phải một lần mà là hai lần. Sau khi được bổ dưỡng, ngôn sứ tiếp tục lên đường và đã hoàn tất cuộc hành trình, đến núi của Thiên Chúa. Như vậy, qua câu chuyện, chúng ta mới thấy lòng quan tâm, săn sóc của Thiên Chúa dành cho Elia và cả chúng ta nữa. Ngài luôn hiện diện để trợ lực và thêm sức giúp chúng ta vượt qua các gian nan và thử thách để hoàn tất cuộc lữ hành.

Thiên Chúa sai sứ giả của Ngài mang bánh và nước đến cho ngôn sứ Elia cho nên ông mới hoàn tất cuộc hành trình. Còn chúng ta thì sao? Có được hưởng đặc ân như ngôn sứ đã được qua bàn tay của các thiên sứ hay không? Câu chuyện minh họa sau đây có thể đem đến cho anh chị em lời giải thích.

Xẩy ra là, dân chúng tại một khu làng kia đã phải chịu một trận lụt thật kinh hoàng. Cũng may là tất cả mọi người dân trong làng đều đuợc di tản đến khu an toàn, ngoại trừ một chàng thanh niên kia đã chọn không di tản vì tin vào việc Chúa sẽ đến giải cứu anh. Việc đầu tiên anh làm là trèo lên tầng thứ nhất của căn nhà để tránh ngập lụt.

Bỗng nhiên, có một người đàn ông chèo ca-nô đi ngang và hỏi anh có cần được giúp đỡ để đến khu an toàn không? Anh trả lời không vì anh tin rằng Chúa sẽ cứu anh.

Mực nước cứ tăng dần. Anh bó buộc phải trèo lên tầng hai. Lại có một chiếc thuyền máy đi ngang qua, viên tài công dừng lại và hỏi anh có cần được giúp đỡ hay không? Anh cũng từ chối và tin rằng Chúa sẽ cứu anh.

Mực nước tiếp tục dâng cao. Đến lúc này anh phải trèo lên mái nhà để tránh nạn. Bỗng nhiên, có một chiếc trực thăng bay ngang qua. Ông phi công mới hỏi anh có cần được giúp đỡ để đến khu an toàn không? Lại một lần nữa anh trả lời không vì tin rằng Chúa sẽ cứu anh. Anh kiên quyết ngồi đó chờ Chúa.

Cuối cùng Chúa đến thật. Anh bị chết đuối và đưa về diện kiến Chúa. Trong giây phút đó, anh đã thân thưa với Chúa rằng: “Con đã hết lòng tin tưởng vào Ngài, tại sao lại để con bị chết đuối.” Chúa từ tốn trả lời anh: “Con ơi, Cha, không chỉ một lần mà là ba lần, đã sai ba sứ giả của Ta đến cứu con mà con có nghe đâu. Con từ chối sự giúp đỡ của Ta mà.”

Qua câu chuyện minh họa nói trên, chúng ta nhận ra mình cũng là sứ giả của Thiên Chúa. Thế mà, chúng ta có nhận ra vai trò sứ giả mà Thiên Chúa dùng để giúp nhau hay lại đi tìm các phương thế phi thường khác để nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa dành cho mình?

Như vậy, vai trò của thiên sứ trong bài đọc một được hiểu như là sứ giả thực hiện lịnh truyền của Thiên Chúa. Và, chính Thiên Chúa mới là Đấng thêm sức bổ dưỡng cho ngôn sứ chỗi dậy và đi tiếp. Thiên Chúa đã không nhận lời cầu xin của Elia, nhưng Ngài hiện diện trong lúc mà ngôn sứ cần đến Ngài!

Anh chị em thân mến,

Trong tinh thần đó, qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta tiếp tục lắng nghe, đón nhận và đào sâu về diễn từ bánh hằng sống của Đức Giê-su. Người chính là bánh trường sinh, bánh hằng sống từ trời xuống nuôi dưỡng và ban thêm sức mạnh cho chúng ta đủ sức đến và cùng dắt tay nhau đi về nhà Cha. Nhưng để Đức Giêsu là sự sống đích thật cho chính mình, chúng ta không được mời gọi đến với bánh, cho dù đó là bánh Thánh; nhưng đến với Đức-Giê-su, một con người thật đã hiện diện giữa thế gian; và trong niềm tin chúng ta nhận ra thân thể Đức Ki-tô trong bí tích Thánh Thể và hình ảnh của Người nơi bản thân anh chị em mà chúng mình gặp trên dòng đời này. Đến với Người bằng sự gắn bó mật thiết mà không một quyền lực nào có thể cắt đứt được.

Bắt đầu phân đoạn này là sự chống đối của người Do Thái khi nghe Đức Giê-su công bố Người từ trời xuống. Chúng ta có thể thông cảm khi họ có cái nhìn định kiến về Đức Giê-su. Vì thành kiến nên họ không nhận ra quyền năng của Thiên Chúa hoạt động trong các kinh nghiệm rất đời thường mà họ đã có với Người. Mắt họ dán vào những dấu lạ bên ngoài mà quên đi một dấu lạ phi thường, đó là uy quyền của Thiên Chúa thường xuyên hiện diện và hoạt động trong các sự kiện bình thường nhất giữa chúng ta. Những gì mà chúng ta loại bỏ thì Thiên Chúa làm nên đá tảng để xây dựng cơ ngơi, nhà của Ngài.

Giờ đây, xin anh chị em cùng đọc thật chậm phân đoạn này của diễn từ và để cho lòng mình chìm sâu vào một số từ ngữ quan trọng và sống động mà Đức Giê-su đã dùng. Đức Giê-su nói rằng Người là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ĂN bánh này sẽ được sống muôn đời; Chúa nói tiếp ‘bánh tôi sẽ ban tặng, chính là THỊT tôi đây, để cho thế gian được sống.’

Trước thái độ hoài nghi, vịn vào lý lẽ rồi từ khước đón nhận Đức Giê-su của người Do Thái, Đức Giê-su tiếp tục nói không ai có thể đến với Người trừ phi Chúa Cha là Đấng đã SAI Người, không LÔI KÉO kẻ ấy, và Đức Giê-su sẽ cho người ấy SỐNG LẠI trong ngày sau hết.

Ở đây, Đức Giê-su đã tỏ bầy cho chúng ta một điều thật quan trọng. Việc chúng ta có thể đến được với Chúa có thể phát sinh từ niềm tin trong việc đáp trả lời mời gọi của Người; nhưng thật ra đó chỉ là điều thứ yếu. Thiên Chúa đã đi bước trước, đã hoạt động bằng cách ‘lôi kéo’ chúng ta đến với Ngài. Dĩ nhiên, Thiên Chúa không ép buộc chúng ta phải tin theo Ngài. Vì yêu thương Thiên Chúa tôn trọng quyền tự do mà Ngài đã ban tặng cho chúng ta. Nhưng không vì các hành vi đó khiến Ngài bỏ cuộc. Ngài luôn làm chủ công trình của Ngài là lôi kéo chúng ta về với nguồn ơn cứu độ đã xuất hiện nơi con người Đức Giê-su là Đấng được SAI đến từ Thiên Chúa.

Tìm đến với Đức Giê-su là tìm gặp được Thiên Chúa. Đến với Chúa không là hậu quả của sự số gắng tìm kiếm phát sinh từ con người. Nhưng đến với Chúa có nghĩa là đón nhận con người của Chúa. Thân thể Đức Ki-tô trở nên của ăn, Máu Người trở nên của uống nuôi sống chúng ta như Lời Chúa nói: “Ai đến với Người sẽ không hề đói. Ai tin vào Người sẽ không hề khát bao giờ”.

Đức Giê-su, hôm nay, cho chúng ta thấy Người là của ăn nuôi dưỡng và ai ăn bánh này sẽ được Chúa cho sống lại trong ngày sau hết. Ngày sau hết không phải là ngày trên quê trời; nhưng được bắt đầu trong mọi thời khắc của cuộc sống mình. Thời điểm nào cũng có thể là giờ phút sau hết của chúng ta. Vì thế, đến với Đức Giê-su như là của ăn đích thật ngay trong giây phút hiện tại là một bảo đảm cho chúng ta đuợc sống lại trong ngày sau hết.

Qua cách suy niệm về công việc của Cha và Con đã làm, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa không hoạt động một mình, cũng không dùng quyền năng từ xa để hướng dẫn hay điều khiển chúng ta. Ngài liên hệ mật thiết với sinh hoạt của dân riêng Ngài nói chung và đến với mỗi người chúng ta nói riêng. Các cử chỉ của Thiên Chúa như ‘lôi keó’, ‘dẫn dắt’, ‘nuôi ăn’, ‘làm cho sống lại’ diễn tả một Thiên Chúa làm việc thật sống động trong đời sống của các tín hữu. Ngài bận rộn trong việc thiết lập và xây dựng mối quan hệ với từng cá nhân nói riêng và cộng đồng dân Chúa nói chung.

Như vậy, nếu chúng ta sẵn lòng để Chúa đi vào trong mọi sinh hoạt của cuộc sống là lúc Chúa hoạt động trong và với chúng ta. Có nghĩa là để Thiên Chúa lôi kéo. Dưạ trên kinh nghiệm trong cuộc sống, khi chấp nhận cho kẻ khác lôi kéo là lúc chúng ta phải thả lỏng cơ thể. Không ai, một mặt chấp nhận cho người khác lôi kéo, mặt khác lại gồng nên để kháng cự. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện tượng này vẫn còn.

Vì thế, cử chỉ mà chúng ta nên làm là mở lòng ra để đón nhận quyền dẫn dắt của Thiên Chúa. Có nghĩa là, chúng ta chấp nhận từ bỏ quyền làm chủ bản thân và cuộc sống mình cũng như tha nhân rồi để Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa thật, Đấng ban sự sống và nuôi dưỡng chúng ta, như Lời Người phán dậy “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” Anh chị em có tin điều đó không?

Thursday, 2 August 2018

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TIN CHÚA LÀ BÁNH BAN SỰ SỐNG?




Thưa anh chị em,

Phản ứng và thái độ của dân Israel trong bài đọc một và bài Tin Mừng hôm nay khiến chúng ta nghĩ đến cách hành xử của các em bé. Rất tự nhiên. Khi còn bé, các cháu lệ thuộc, nương tựa vào tình thương và sự săn sóc của cha mẹ. Khi cháu đói, mẹ cho bú; cháu khóc cha mẹ tìm cách dỗ dành; cháu té, cháu bịnh cả nhà lo lắng… Dù chưa biết nói; nhưng trong thâm tâm cháu nhận ra mình là trung tâm của mọi sinh hoạt trong nhà. Cục cưng của ba, búp bê của mẹ là những ngôn từ diễn tả tình thương mà cha hay mẹ dành cho cháu.

Chỉ cần ghi lại vài sự kiện như thế cũng đủ cho cháu bé nhận ra vị trí của em trong gia đình, thật quan trọng. Giả như không có sự hiện diện của cháu rồi gia đình sẽ ra sao! ‘Cái tôi’ lớn lên song song với ‘các điều trói buộc’ khiến cháu mất tự do để phát triển hoàn hảo. Rồi đến một lúc, cháu nhận ra mọi sự thay đổi. Cháu không còn là trung tâm, chưa kể có những lúc chẳng ai thèm để ý đến cháu như đã từng xẩy ra nữa.

Hoàn cảnh đó kéo dài khiến cho sự hình thành và phát triển của cháu; chưa kể đến một vài trường hợp cá biệt là mất tự tin nơi chính bản thân, và từ đó mất niềm tin nơi kẻ khác. Các giai đọan phát triển này không chỉ xuất hiện nơi trẻ em mà thôi; nó còn đuợc keó dài trong sự hình thành và xây dựng cuộc sống của mỗi người trong chúng ta nữa.

Dân Do thái khi xưa cũng thế. Tôi còn nhớ đã nghe ở đâu đó một câu thật chí lý như sau “Thiên Chúa chỉ cần một ngày để đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập; nhưng Ngài lại dùng đến bốn mươi năm để đưa (sinh hoạt, văn hoá, lối sống) Ai Cập ra khỏi người Do Thái.” Có nghĩa là đoạn đường về đất hứa tuy ngắn, nhưng Thiên Chúa cần bốn mươi năm để thanh luyện và giáo dục để họ nhận ra bàn tay yêu thương và sự chăm sóc của Ngài. Nhưng họ chỉ dán mắt vào ‘Manna’, của ăn vật chất cần cho thân xác. Mắt họ chỉ nhìn thấy Manna nên đã không nhận ra tình yêu của Thiên Chúa qua việc Ngài dùng bàn tay của Mai-sen để giải thoát họ khỏi ách nô lệ bên Ai Cập. Thiên Chúa đã ban bánh cho họ, vì đó là nhu cầu nuôi sống thân xác; nhưng còn một điều cao quí hơn, đó chính là tình thương của Thiên Chúa dành cho họ qua từng biến cố của cuộc sống.

Tuy nhiên, cách hành xử trong lối sống của họ lại giống như tâm tình và sự phát triển của các em bé được ghi nhận ở trên. Khi họ đói, đối diện với hà khắc thì kêu la, đến lúc no và cuộc sống tạm ổn định rồi thì đúc bò để thờ. Rồi khi đối diện với thử thách thì lẩm bẩm rên la: chẳng thà chết vì bơ sữa, trong lụa là, gấm vóc bên Ai Cập còn hơn mặc áo thô chết đói, chết khát, chết bờ chết bụi, không chốn nương thân ở chốn hoang vu này.

Tâm tình đó dường như cũng xuất hiện trong bài Tin Mừng hôm nay. Sau khi được chứng kiến dấu lạ Chúa làm và bụng được no nê, đám đông không thấy Đức Giê-su trên thuyền đâu cả. Họ bèn đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, họ kêu lên “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” Thoáng nghe qua, chúng ta có thể dư đoán và nhận ra tấm lòng khao khát, ao ước mong được gặp Chúa khi họ thưa với Người như thế. Tuy nhiên, câu trả lời của Đức Giê-su khiến chúng ta hiểu rõ lý do thầm kín bên trong cuộc săn tìm này. Họ tìm Chúa không phải để ca tụng vinh quang và quyền năng của Thiên Chúa qua việc Người vừa làm. Họ tìm Người vì nhu cầu được thỏa mãn, vì bụng của được no nê. Thậm chí, họ còn muốn ép rồi tôn vinh Người lên làm vua để giải thoát họ khỏi cảnh cơ cực kiếm miếng ăn cho bản thân. Họ chỉ muốn được như những người không phải làm lụng vất vả mà Thiên Chúa vẫn cung cấp những phép lạ để nuôi sống họ. Họ tìm Chúa, theo Chúa vì muốn Người làm theo ý họ.

Đức Giê-su đã chạnh lòng, tâm hồn Người rối bời trước cảnh bơ vơ của họ như đàn chiên không người chăn dắt. Nhưng, không vì thế mà Người chiều theo các yêu cầu vật chất rồi làm theo ý họ. Người có thể làm thêm vài phép lạ ‘bánh hoá nhiều’ khiến họ khỏi đói. Rồi sau này họ sẽ ra sao! Bánh ăn rồi sẽ phải đói. Nuôi ăn một vài bữa chứ ai nuôi cả đời. Vì thế, thay vì tìm bánh thì hãy nỗ lực tìm người làm ra bánh, đó chính là Đức Giê-su. Người đến để thực hiện ý định của Cha Người. Ý của Cha Người là qua Đức Giê-su, Thiên Chúa muốn họ tìm những gì sâu xa và trường tồn hơn. Người nói: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”

Thưa anh chị em,

Như thế có một điều duy nhất mà Đức Giê-su muốn là chúng ta hãy TIN vào Người. Tin ở đây không chỉ tóm gọn như một nhân đức hay là chấp nhận một số tín điều nào đó trong Hội Thánh. Nhưng đó là VIỆC mà Thiên Chúa muốn chúng ta LÀM.

Tin vào Đức Giê-su không chỉ là Đấng nuôi sống chúng ta. Tin vào Lời Người phán hôm nay rằng ‘ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!’ Vì chính Người là Bánh trường sinh, là nguồn sống cho chúng ta đến với nhau. Muốn đến với nhau thì chúng ta cần đến với Chúa trước. Đến với Chúa là một hành động của niềm tin. Tin rằng Chúa ở trong ta. Tin rằng việc siêng năng đón nhận ‘Bánh Thánh’ không chỉ là việc làm cho mình thánh thiện hơn, mà là trở nên giống Chúa, nên một với Chúa. Nên một với Chúa không phải để cho mình trọn hảo, nhưng đó là nguồn động lực thúc đẩy chúng ta đến với nhau như là anh chị em một nhà, cùng chia sẻ một niềm tin, cùng đến và trao cho nhau một lòng mến. Có như thế, chúng ta mới đủ can đảm và dũng mạnh chia sẻ cuộc đời mình cho nhau.

Nhưng, nhìn vào thưc tế và với lòng can đảm chúng ta phải nhận định rằng đã có bao nhiêu người sống đúng lời mời gọi của Chúa hôm nay! Đến với Chúa qua việc siêng năng đón nhận ‘Mình Thánh’ Chúa thì nhiều, nhưng mấy ai trong chúng ta đã để cho ‘Bánh’ mà chúng ta lĩnh nhận biến đổi chúng ta giống Chúa Ki-tô, qua việc hiến dâng và bẻ cuộc đời cho nhau và cho thế giới; hay là chúng ta lại hành xử giống như người Do Thái, chỉ biết đến với Người nhằm thỏa mãn nhu cầu riêng của mình. Thậm chí, có một số người lập ra các bảng thông kê số người lĩnh nhận Bánh Thánh để báo cáo thành tích và cùng tôn vinh nhau. Như vậy, liệu chúng ta có khác người Do Thái cùng thời với Đức Giê-su hay không?

Tuy nhiên, không vì các hiện tượng tiêu cực đó mà chúng ta quên đi các giá trị cao siêu mà Bánh Thánh của Chúa đã đem lại cho chúng ta. Tôi vô cùng ngưỡng mộ và kính phục thái độ của một số người khi đón nhận Thánh Thể Chúa. Chúng ta không cần biết họ là ai? Quá khứ họ ra sao? Nhưng chỉ nhìn thái độ cung kính với lòng mến yêu khi đón nhận, chúng ta cũng nhận ra sức mạnh của Đức Ki-tô trong tấm bánh đã tác đông và ảnh hưởng trong cuộc sống họ ra sao.

Đó là chưa kể đến một số trường hơp ngoại lệ mà tôi nghe được trong các trại cải tạo. Cho dù vẫn biết rằng việc cử hành và đón nhận Thánh Thể Chúa sẽ đem lại thêm nhiều nguy hiểm cho anh chị em đang bị giam cầm tại các nơi đó. Nhưng nếu họ không nhận ra đó là nguồn sống đích thật thì mấy ai trong anh chị em có đủ can đảm để làm những việc liều lĩnh như thế. Tôi luôn dành cho họ lòng mến yêu và cảm phục.

Thật vậy, cùng với họ, chúng ta tin Đức Giê-su, Đấng không chỉ làm ra bánh nuôi chúng ta, nhưng chính Người là của ăn đích thật, không chỉ bẻ ra một lần mà từng giây từng phút đã trở thành mảnh vụn nuôi sống và hoà tan vào trong cuộc sống của những người môn đệ, những kẻ đặt trọn niềm tin và cuộc sống vào tay Người cho tha nhân.

Khi xưa, Đức Giê-su đã dùng cả cuộc đời để chỉ dâng một Thánh Lễ! Hôm nay, từng giây từng phút trong lòng Hội Thánh đang có hiến lễ được dâng. Vì vậy, xin cho chúng con tin rằng, trong từng hơi thở sống động của Hội Thánh, hoà chung với mọi diễn biến xẩy ra trong vũ trụ này, Đức Giệ-su đang dùng và biến chúng con thành những miếng bánh, do chính Người bẻ ra, để nuôi sống nhau, đặc biệt cho những ai tin vào Người là Bánh trường sinh, là Đấng ban sự sống. Amen!