Thursday, 28 February 2019

THẬT THẾ, XEM QUẢ THÌ BIẾT CÂY!



Trong các tuần vừa qua, chúng ta đã được nghe giáo huấn và các lời giảng dậy của Đức Giê-su về các mối phúc thật. Thiên Chúa, Cha nhân từ và hay thương xót luôn ban phúc và ân huệ cho mọi người, không phân biệt và cũng không loại trừ một ai. Tất cả mọi người đều được Chúa thương yêu và chúc phúc. Tuy nhiên, những ai sống nghèo khó, đói khát, bị oán ghét, bị nhục mạ và bị bỏ rơi là nhưng người dễ dàng nhận ra việc họ được chúc phúc hơn các người giầu có và có cuộc sống sung túc.

Sau đó, chúng ta lại được nghe một loạt các lời giảng dậy của Đức Giê-su xoay quanh chủ đề yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những ai gây tổn thương cho chúng ta. Tuy các lời giáo huấn và tiêu chuẩn mà Đức Giê-su đòi hỏi quá khó áp dụng, hay nói khác đi là không thể nào thực hiện được; nhưng cũng chính vì thế nên các môn đệ, những ai theo Chúa cần nhìn ra mức giới hạn của bản thân và biết nương tưạ vào Chúa. Chỉ có trong Chúa chúng ta mới áp dụng và sống đúng theo các tiêu chuẩn mà Đức Giê-su đã làm gương là tha thứ và cầu nguyện cho những ai đã làm hại, thậm chí giết Người nữa.

Trong tinh thần đó, bài Tin Mừng hôm nay được coi như là một phần trong bài giảng của Đức Giê-su trên đồng bằng mà chúng ta đã suy niệm trong các tuần vừa qua. Các lời giảng dậy này cũng là ‘khuôn vàng thước ngọc’, là ‘kim chỉ nam’ mà các môn đệ đích thật của Đức Giê-su cần noi theo. Những lời giảng dậy của Đức Giê-su trong trình thuật hôm nay rất thực tế. Lời giảng dậy của Người không hoa mỹ, không dưạ vào thuật hùng biện. Bất cứ ai khi nghe Người giảng dậy, đều phải xét mình và nhận ra thân phận yêú đuối và mỏng dòn của mình. Xét mình trước rồi chúng ta sẽ không còn dám xoi mói đời tư nhau nữa. Và một khi đã xét mình thì chúng ta không còn dám đoán xét người khác nữa. Bởi vì, có ai trong chúng ta đã hoàn thiên đâu! Tốt mặt này lại xấu mặt khác. Không ai là người hoàn hảo thì tại sao lại dám lên án nhau! Hẳn anh chị em vẫn còn nhớ Chúa yêu thương tất cả, ngay “phường gian ác và quân bội ước” mà Chúa cũng chẳng quên!

Nói như thế không có nghĩa là chúng ta quên đi bổn phận giúp đỡ và cùng giúp nhau cầu tiến, thăng hoa bản thân và cách sống sao cho tốt lành và thánh thiện hơn. Chúng ta phải nhận ra một thưc tế là cái xà trong mắt mình lại không nhận ra, nhưng lại xét nét cọng rác trong mắt tha nhân. Đây là một hiên tượng rất phổ thông và dễ bắt chước. Chúng ta thường nhìn ra các sai lỗi của người khác rất rõ, nhưng vì thiếu bác ái và ghen tỵ nên chúng ta coi đó như là cơ hội để xét đoán và phê bình nhau. Thế là chúng ta đã mặc nhiên chiếm chỗ của Thiên Chúa đứng ra phân xử và phán xét kẻ khác dựa trên tiêu chuẩn bất toàn và tội lỗi của mình. Khi làm  như vậy, chúng ta tự nhiên tách chúng ta ra khỏi cuộc sống của những người chung quanh, rồi tự xếp mình vào hạng của những người công chính và thánh thiện nên mới lên án anh em mình.

Và giả như, có đôi lần chúng ta nhìn thấy các sai lỗi của mình đi chăng nữa thì lại có muôn ngàn lý do để bào chữa, như: nào thế này, tại thế kia, rồi nào ai muốn nhưng vì thân phận con người yếu đuối nên mới ra nông nỗi này… Nói chung, trách nhiệm ta làm lại không dám nhận, học theo khuôn và lối hành xử giống như Adam và Eva, đổ thừa cho nhau, sau cùng mình là người lại đi đổ thừa cho thú vật! Hình ảnh của Thiên Chúa nay còn đâu!

Truyện kể mà tôi nghe được sau đây có thể minh họa cho lối sống chỉ nhìn thấy sai lỗi của anh em, câu chuyện như sau: Có một tu sĩ thuộc về hội dòng chuyên về cầu nguyện và chiêm niệm. Vào một ngay kia, có một thầy trẻ tuổi đã phạm một lỗi nặng nào đó. Khổ một điều đây không phải là lỗi riêng tư, không ai biết. Trái lại, các thầy khác đều biết nên họ đã họp lại, lấy danh nghĩa xây dựng để giúp cho thầy dòng có lỗi nói trên. Nhưng càng nói thì các thầy lại càng thấy tội của ông này không thể chấp nhận được, cần được sửa dậy, nhưng không một ai trong nhóm các thầy có quyền đó. Cần có sự hiện diện của cha bề trên hay có thể gọi là Viện Phụ. Vì thế, họ sai người đi mời Viện phụ đến để tham dụ phiên họp sửa sai. Nhận được lời yêu cầu, cha bề trên đến để tham dự. Trước khi đi, ngài lấy một chiếc bao có nhiều lỗ thủng, rồi tự mình đổ cát lên đến miệng bao, đeo vào sau lưng rồi bước đến chỗ họp. Cha đi đến đâu thì cát rơi vãi ra tới đó, rơi đầy dọc đường.

Các tu sĩ kia thấy như thế mới lên tiếng hỏi cha bề trên về ý nghĩa của việc ngài vừa làm. Cha từ tốn trả lời họ rằng: “Các sai phạm của tôi thì giống như hạt cát vừa rơi lại sau lưng trên đường tôi đến đây. Nào tôi có thấy nó đâu. Thế mà anh em lại bảo tôi ngồi xuống đây để kết tội người anh em mình, thì tôi nào dám. Nhưng vì nghe theo lời yêu câù của anh em, nên tôi đã đến!” Nghe đến đâu, các tu sĩ kia cảm thấy xấu hổ và nhận ra ý nghĩa việc làm của cha bề trên vừa làm và không còn ai dám có ý định kết tội ông thầy trẻ tuổi kia nữa. Trái lại họ cùng ngồi lại hàn huyên và kể lại những trải nghiệm trong đời sống tu sĩ cho nhau nghe.

Câu chuyện nói trên minh họa cho lối sống phê phán mà Đức Giê-su thẳng thắn loại bỏ hôm nay. Người nói: hãy lấy cái xà trong mắt mình ra trước, rồi mới tính đến chuyện lấy cái rác khỏi mắt anh em. Nếu không làm như thế thì mắt chúng ta vẫn bị mù thì làm sao  phán đoán người khác; chưa nói đến việc có thể vì thù ghét và ghen tương mà chúng ta thường xuyên hạch tội người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ của mình.

Trong khi đó, Thiên Chúa biết rõ chúng ta hơn ta biết ta. Tội lỗi và sai phạm là một phần của cuộc sống. Nói một cách tích cực hơn là sai lỗi không làm chúng ta xa Chúa. Trái lại, qua đó chúng ta khám phá ra tình thương của Chúa vĩ đại và bao la hơn. Thân phận mỏng dòn và yêú đuối của con người là một cơ hội để nương tựa vào Chúa. Và chỉ có trong Chúa, chúng ta mới có thể đứng vững và trung thành cho đến hôm nay. Còn ngày mai ra sao, vẫn tuỳ thuộc vào sự tiếp nhận hồng ân của chúng ta với Thiên Chúa.

Chính vì không nhận ra khuyết điểm của bản thân, không nhìn ra cái xà trong mắt mình nên chúng ta mới bị mù, thế mà còn dám làm thầy mà dẫn dắt người khác thì còn ra thể thống gì nữa. Trong khi đó, chúng ta đã có một ông thầy để chúng ta noi gương, đó chính là Đức Giê-su. Người không hề thất vọng về các sai phạm của chúng ta. Trái lại, Người luôn tìm mọi cách để hoán cải và mời gọi chúng ta trở về. Hành trình hoán cải và trở về này có thể kéo dài trong suốt cuộc sống. Có nghĩa là cuộc sống của chúng ta là một chuỗi ngày mà Chúa dùng để huấn luyện mình. Người quảng đại và ban ơn tha thứ cho các lỗi phạm của con người. Chính lòng thương xót của Người dành cho chúng ta lại trở thành dụng cụ để chúng ta thương xót và hướng dẫn người khác; bằng không chúng ta sẽ trở thành những người chỉ biết nói mà không biết làm, thậm chí việc làm của mình lại đi ngược với điều mà chúng ta nói. Như vậy chúng ta là người đạo đức giả.

Việc nhận và nhìn ra cái xà trong mắt mình để hoán cải liên tục là cơ hội giúp chúng ta thoát ra cảnh mù loà và để cho ánh sáng của Thiên Chúa chiếu rọi vào trong tâm hồn mình rồi qua việc làm chúng ta giúp cho người khác nhận ra cọng rác trong mắt họ. Tất cả các việc chúng ta làm, những điều chúng ta nói, cách thế chúng ta cư xử đều đuợc xuất phát từ cõi lòng của mình, vì lòng có đầy miệng mới nói ra. Trong cõi lòng đó chỉ có Chúa ngự trị và thấy rõ, không ai trong chúng ta được quyền chen vào. Đó chính là phần sâu thẳm, nơi trú ngụ, chỗ nối kết của Chúa và ta… và cách sống của mình được bộc lộ từ trong cõi lòng mà ra. Tốt hay xấu đều xuất phát từ đó mà ra.


Như thế đoán xét, phê bình và lên án không có chỗ đứng trong cuộc sống của người môn đệ. Trong Chúa, với Chúa thì chỉ có điều thiện hảo, chỉ có yêu thương và tha thứ làm gì có lên án hay đoán xét nhau. Ước gì cuộc sống của chúng ta đươc xây dựng trên nền tảng của Đức Chúa. Vì chính Người là đá tảng để chúng ta dựa vào mà xây dựng cơ ngơi được bền vững cho đến muôn đời. Amen!

Monday, 25 February 2019

KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC



Bài Tin Mừng hôm nay là phần tiếp nối với các mối phúc của Đức Giê-su trong bài giảng ở trên đồng bằng. Đối tượng trước tiên mà Thánh Lu-ca muốn gửi đến là các môn đệ, những người theo chân Chúa trên hành trình rao giảng, sau đó là cộng đoàn của Thánh sử và cho cả chúng ta ngày nay. Giả như các mối phúc của Đức Giê-su mà chúng ta đã nghe vào Chúa nhật tuần trước chưa đánh động hay chạm đến cách xử sự trong cuộc sống của người môn đệ, thì hôm nay, qua những huớng dẫn cụ thể trong bài Tin Mừng Chúa nhật tuần này sẽ đẩy chúng ta đi đến một lựa chọn, không dựa trên lý thuyết nhưng bằng hành động của chúng ta đối với nhau và đặc biệt đối với ai đã có những hành vi làm tổn thương chúng ta.

Làm thế nào để chấp nhận những lời giảng dậy của Đức Giê-su và biến nó thành những hành động cụ thể trong cuộc sống? Như chúng ta còn nhớ, đời sống của các tín hữu của những cộng đoàn sơ khai bị bầm dập dưới ách thống trị của Đế Quốc Rô-ma. Của cải, danh tiếng và sinh mạng của họ hoàn toàn tuỳ thuộc vào những người lính đô hộ. Họ bị khước từ, bắt bớ, giam cầm và rất nhiều người trong nhóm họ đã trải qua một cuộc sống rất cơ cực, nghèo đói, bị ngược đãi thậm chí còn bị giết chết.

Vẫn biết là trong số họ có một vài phe nhóm nổi dậy chống lại chính quyền, nhưng đại đa số quần chúng, những người dân vô tội, chân yêú tay mềm vẫn là con mồi cho bọn cầm quyền và những người thuộc về guồng máy cai trị. Ngay cả sinh mạng còn chưa giữ được phương chi nói đến chuyện đoạt áo choàng, vả má phải hay những hành vi khác của quân thống trị đã gây các thương tích và làm cho nhân phẩm họ bị nhục mạ.

Với một bối cảnh như thế, những lời giảng dậy cuả Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” không nhằm cổ võ cho sự tồn tại và phát triển của sự ác. Người cũng không khuyên họ và chúng ta chấp nhận hoàn cảnh với tinh thần bất bạo động. Người đứng ngoài những đấu tranh về chính trị hay đòi hỏi quyền lợi cho dân.

Thật ra, khi Đức Giêsu đưa ra yêu cầu “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em,” và các việc làm cụ thể để diễn tả lòng yêu thương kẻ thù của chúng ta như; ai vả má phải thì đưa cho họ má trái, ai đoạt áo chòang thì cho luôn họ áo trong, ai xin thì hãy cho và v.vv.. là lúc Người mời gọi chúng ta đi vào phần sâu thẳm, trọng tâm của Tin Mừng. Chỉ có sức mạnh của Tin Mừng mới có thể lấp đầy khoảng trống giữa kẻ thù và chúng ta. Và, nếu chúng ta không chấp nhận và áp dụng lời dậy bảo của Đức Giê-su thì chúng ta chưa xứng đáng là môn đệ của Thầy. Nói khác đi, môt khi không thể hiện lòng yêu thương kẻ thù thì chúng ta chưa là môn đệ của Chúa.

Tình yêu, lòng thương xót dành cho kẻ thù không giống như cách diễn tả tình cảm giữa những người thân trong gia đình, tình bạn, tình hàng xóm láng giềng của những người cùng chia sẻ hoạn nạn với nhau, hay là kiểu ‘phải lòng nhau –falling in love’ của những ai đã từng yêu. Nhưng yêu thương kẻ thù ở đây không chỉ là cách diễn tả tình cảm mà còn là sự cho đi chính bản thân trong cách hành xử ngược lại với cách cư xử mà họ đã làm cho chúng ta bị tổn thương. Điều quan trọng là mọi việc cần được diễn tả bằng hành động chứ không chỉ bằng kiểu nói xuông.

Thật ra, đây không phải là điều dễ làm. Nhưng khi hành xử được như thế là lúc chúng ta noi gương Đức Giê-su, Đấng suốt cuộc đời luôn tìm cách tha thứ và làm ơn cho những kẻ hại Người. Người đã để cho tên đầy tớ tát vào má Người, chịu những roi vọt và mão gai đâm vào mình; Người đã để cho người ta lột tất cả, từ áo ngoaì lẫn áo trong, và sau cùng giang tay trên Thập Giá như một tội nhân. Thế mà, trong giây phút sau cùng đó, Người đã không lên án, nhưng đã cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho những  kẻ haị Người. Nếu ta muốn bắt chước Đức Giêsu, thì việc chọn sống những tâm tình và thái độ của Người là luôn biết tha thứ - nhất là kẻ thù, thiết tưởng là điều vô cùng quan trọng trong sứ mạng của người môn đệ!

Là chứng nhân của Đức Kitô, ta tin rằng Người đang sống trong ta. Chúng ta là hình ảnh sống động của Người. Và một khi chúng ta không có tấm lòng bao dung, sẵn sàng tha thứ cho những ai đã làm tổn thương mình là lúc chúng ta làm mờ hình ảnh của Thiên Chúa nơi bản thân. Như vậy, với con tim nhậy cảm, lòng trí sáng suốt, ánh mắt tinh tuyền rọi chiếu hào quang và lời nói đầy thông cảm và yêu thương của chúng ta là sức mạnh và uy quyền của Đức Chúa, Đấng đang thưc hiện các điều đó trong ta. Và qua đó, chúng ta minh chứng cho thế gian ngày hôm nay biết việc mà Đức Giê-su đã làm khi xưa.

Đức Giê-su đã nói gì, làm gì? Người đã sống và trải qua những khó khăn trong cuộc sống, bị loại bỏ, bị liệt vào phường ác nhân, bị ruồng bỏ và trơ trụi một mình trên Thập giá. Tất cả những gì Người làm, tất cả những gì Người nói đều qui về một mối là chứng tỏ cho nhân loại thấy lòng thương xót và hay tha thứ của Thiên Chúa dành cho tất cả, không loại trừ một ai, bao gồm cả những ai thù ghét Người. Bổn phận của chúng ta, những người con của Cha trên trời, là hãy làm cho thế gian đầy hận thù và ghen ghét này nhận ra quyền năng của Đấng đã và đang ban ơn cho tất cả mọi người, kể cả quân vô ơn và phường gian ác, đang hiện diện và hoạt đông trong bản thân mình.

Tóm lại, ai trong chúng ta có thể thực hiện được những điều Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay! Chỉ có quyền năng và sức mạnh của Chúa mới giúp chúng ta đạt được nguyện ước này. Vì thế, trong giây phút này, Thầy đang nói với chúng ta là những kẻ nghe Lời Người. Còn chúng ta thì sao? Hãy để tâm hồn mình lắng xuống mà chăm chú nghe Lời Người mà thay đổi lối sống. Đây chính là các nguyên tắc và cách sống của người môn đệ của Đức Ki-tô, chúng ta “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. 

Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa.
Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. 
Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. 
Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. 
Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. 
Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. 
Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.
Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.
Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 
Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán.
Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án.
Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 
Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.
Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” (Lk 6: 27-38)


Tuesday, 12 February 2019

PHÚC CHO AI BIẾT SỐNG NƯƠNG TỰA VÀO CHÚA



Bài Tin Mừng hôm nay bao gồm bốn mối phúc và bốn mối họa (mang tính răn đe hơn là các lời chúc dữ) mà Thánh sử Lu-ca đã ghi lại. Mới đây, trong Thánh Lễ Giao Thừa, chúng ta đã được nghe một trình thuật khác nói về các mối phúc thật do Thánh Mat-thêu biên soạn. Tuy có sự khác biệt giữa hai bản văn; nhưng nói chung tất cả đều là giáo huấn của Đức Giê-su, do các Thánh sử biên soạn sao cho phù hợp với tình hình của các cộng đoàn do các ngài coi sóc, và dĩ nhiên những lời chúc phúc này cũng rất cần cho chúng ta nữa.
Như anh chị em đã biết, vào các thế kỷ đầu tiên, đời sống và các sinh hoạt tôn giáo của các tín hữu trong giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn. Họ bị khước từ, bắt bớ, giam cầm và rất nhiều người trong nhóm họ đã trải qua một cuộc sống rất cơ cực, nghèo đói, bị ngược đãi thậm chí còn bị giết chết.
Hoàn cảnh sống của chúng ta tuy đã khá hơn xưa, cuộc sống không còn công khai bị chèn ép hay bị giết vì danh Đức Ki-tô nữa; nhưng con người ngày nay lại đi tìm và xây dựng hạnh phúc cho cuộc sống của mình khác xa với những yêu sách của Tin Mừng. Vì thế, những mối phúc của Đức Giê-su vẫn cần thiết. Và cũng chính vì lối tìm hạnh phúc của chúng ta khác với hạnh phúc Nước Trời nên chúng ta khó chấp nhận giáo huấn và những lời chúc phúc của Đức Giê-su và mỗi khi nghe liền cảm thấy bị chói tai.
Mới đây, nhân dịp đầu năm Kỷ Hợi, anh chị em đã được nghe cũng như nhận lãnh những lời chúc phúc của Thiên Chúa và từ trong các lời chúc phúc đó chúng ta đã trao gửi và cầu chúc cho nhau được thêm nhiều phúc lành của Ngài. Thế nhưng trên thực tế, đã mấy ai trong chúng ta vui với niềm vui và hạnh phúc của người khác chưa? Và, một khi chúng ta chưa vui với niềm vui và hạnh phúc của tha nhân thì nói chi đến việc đem hạnh phúc đến cho họ.
Nhìn vào thực tế, ai trong chúng ta lại không mong có nhiều của cải, ăn nên làm ra. Thế mà Chúa lại nói: “Phúc cho người nghèo khó”. Ai cũng mong cuộc sống bình an, thoải mái, không sợ bị theo dõi, bắt bớ. Thế mà Đức Giê-su lại nói: “Phúc cho các con khi bị bắt bớ”.
Vì thế, hạnh phúc đích thật vẫn chỉ là những ước mơ, mãi mãi là một khát vọng. Còn đau khổ lại chồng chất: Đau khổ vì nghèo đói, vì bệnh tật, vì chết chóc. Đau khổ vì thất bại, vì chia ly, vì những cám dỗ đè nặng.
Thật ra ai cũng biết rằng nghèo và khổ, đói và khát thường đi đôi với nhau. Sống trong cảnh nghèo, chúng ta mới thấy được các nỗi khó khăn. Và thật tâm mà nói thì không ai trong chúng ta cứ muốn sống mãi trong hoàn cảnh cơ cực như thế. Họ cần vươn lên, cố gắng vượt qua mọi gian nan để tìm cơ hội phát triển và khẳng định chính bản thân. Nhưng làm thế nào để vươn lên là cách ứng xử và lựa chọn của từng người.
Có người chọn các phương tiện bất chính, trái với lương tâm, thiếu đạo đức, thiếu công bằng … nói chung là họ sẵn sàng làm mọi sự để thoát khỏi cảnh nghèo. Và khi thoát khỏi cảnh cơ cực về mặt vật chất họ lại rơi vào một vũng lầy của tham lam, tư lợi và cuộc sống cũng chẳng được hạnh phúc. Đó không phải là cách lựa chọn đúng đắn.
Trái lại, nếu chúng ta biết chấp nhận cảnh nghèo, sống ngay thẳng và lương thiện rồi tìm cách vươn lên bằng các cố gắng của bản thân để bước đi từ những bước nhỏ nhất thì cho dù chúng ta không thành công, vẫn có thể thành nhân và được mọi người quí mến. Hạnh phúc là ở đó, không tùy thuộc vào cảnh sống nhưng bằng chính thái độ trong các hoàn cảnh của cuộc sống khiến cho các phúc lành của Thiên Chúa được biểu lộ trong cách sống của mình.
Nói như thế, chúng ta không coi thường người nghèo và ca tụng những người có của; bởi vì giàu có cũng không là điều tất nhiên đem lại hạnh phúc cho con người. Tiền của có thể mua cho họ đủ thứ, nhưng họ khó mua được hạnh phúc đích thật. Dựa vào một số thống kê mà chúng ta biết được con số những người giàu đi tìm cái chết để giải thoát những nỗi cô đơn, trạng thái trầm cảm đông hơn bọn dân nghèo mà biết chấp nhận. Đối với ai giầu có thì hạnh phúc đích thật vẫn còn xa tầm với.
Vấn đề hạnh phúc chủ yếu ở cái tâm, ở tâm hồn; hạnh phúc không hoàn toàn lệ thuộc vào vật chất hay của cải mà người đó làm ra. Như vậy, mối phúc thứ nhất có thể nói là mối phúc căn bản, bao gồm các mối phúc khác là “Phúc cho ai có tâm hồn hay tinh thần nghèo khó”.
Nhìn lại lịch sử cứu độ, chúng ta nhận thấy ‘người nghèo’ được Thiên Chúa quan tâm nhiều hơn. Vì trong cảnh nghèo, con người có thể dễ làm bạn với Thiên Chúa hơn. Theo truyền thống của Thánh Kinh thì những “người nghèo của Thiên Chúa” không phải là người có đời sống vật chất khó khăn túng quẫn, mà là kẻ trước hết hoàn toàn tin tưởng phó thác cậy trông nơi Chúa, lấy Chúa làm gia nghiệp, và luôn luôn sống trong tình liên đới với anh em đồng loại.
Hơn thế nữa, căn cứ vào những lời giảng dậy của Đức Giêsu, chúng ta nhận ra rằng hoàn cảnh của “người nghèo của Thiên Chúa” là một cơ hội giúp họ nhận ra họ mới thật là người có phúc, là người may mắn, vì chính Thiên Chúa sẽ là hạnh phúc của họ.
Nói chung, các mối phúc thật xét về mặt nội dung thì cũng chỉ là mối phúc duy nhất: “Phúc cho những người sống tinh thần nghèo khó”. Và, chỉ có những người nào sống nghèo mới cảm nhận được sự cần thiết phải nương tựa vào Chúa như thế nào.
Thưa anh chị em,
Vì chúng ta, Đức Giê-su đã trở thành người nghèo nhất. Trong cảnh nghèo tột cùng đó, Người đã để cho quyền năng, sức mạnh và sự giầu có của Thiên Chúa được tỏ hiện. Như vậy, sau cùng các mối phúc hôm nay đều quy về một mối: Phúc cho ai có lối sống như Đức Giêsu.
Thật ra, phúc lành của Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người, không phân biệt và cũng không loại trừ một ai. Tuy nhiên, với những ai đang sống cảnh nghèo đói và bị ngược đãi thì họ dễ dàng nhận ra lời chúc phúc của Thiên Chúa dành cho mình hơn. Nhờ nhận ra niềm hạnh phúc đó họ mới cảm nhận được sự an ủi để bước đi tiếp. Ước mong chúng ta có thể tuyên xưng hay nói với nhau rằng: những điều chúc phúc của Đức Giê-su trong các mối phúc thật mà tai chúng ta vừa nghe đã được ứng nghiệm một cách thật hữu hiệu trong cuộc sống của chúng mình. Amen!

Friday, 8 February 2019

VÂNG LỜI THẦY CON THẢ LƯỚI



Anh chị em thân mến,

Xã hội mà chúng ta đang sống là một xã hội trọng nhân tài. Ai có tài thì được trọng dụng. Lẽ đương nhiên ở đây chúng ta cũng phải kể đến yếu tố đức độ của người có tài nữa. Tài năng và đức độ là hai tiêu chuẩn mà chúng ta thường hay áp dụng để được đề bạt hay tuyển dụng. Đó là chưa kể đến yếu tố quen biết, bởi vì nhờ vào sự quen biết, chúng ta dễ kết thân và thuận tiện hơn trong công việc. Có lẽ anh chị em đã từng được nghe nói ‘nhất thân nhì thế’ là như thế. Và chúng ta cũng nên thành thật mà nhận ra rằng lối hành xử như thế vẫn được áp dụng trong các tổ chức tôn giáo; vì thế mới nẩy sinh ra tinh thần phe phái và che giấu sự thật; đó là những nguyên nhân đang làm hoen ố bản chất đích thật của Đấng đã chọn và sai chúng ta ra đi.

Từ trong lề thói cư xử như thế, chúng ta có thể ngộ nhận và cho rằng Thiên Chúa cũng chọn những người tốt và thiện hảo nhất để làm những người lãnh đạo chúng ta. Đường lối của Thiên Chúa khác hẳn cách cư xử của con người. Trước khi tổ phụ Mai-sen được gọi và chọn để lãnh đạo dân tiến về Đất hứa thì ông đã phạm tội sát nhân. Vua David đã được chọn và gọi trong sứ mạng lãnh đạo, triều đại của Đa-vít là một triều đại huy hoàng và thịnh vượng nhất trong lịch sử Do Thái. Thế mà, khi còn thiếu thời ông đã được cưng chiều quá độ, sau này đã lạm dụng chức vụ, chiếm đoạt vợ thuộc hạ và tìm cách giết hại trung thần để công khai rước vợ của trung thần là giai nhân Bét-sai-ba về làm vợ của Vua.

Các bài đọc trong phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đều mang chung một chủ đề là ơn gọi, hay nói một cách khác là sự tuyển chọn của Thiên Chúa. Chúa là người gọi phần đáp trả vẫn thuộc về con người. Tuy nhiên, nghĩ cho cùng thì việc đáp trả cũng là hồng ân được ban tặng. Bởi vì nếu không có tiếng gọi thì tai chúng ta nghe được những gì. Cuối cùng tất cả đều tùy thuộc vào Thiên Chúa.

Trong bài đọc I, chúng ta thấy việc Chúa chọn và gọi Isaia tham dự vào công việc của Ngài trong vai trò ngôn sứ. Việc trước tiên là trong thị kiến, I-sa-ia đã nhìn thấy Thiên Chúa uy linh thánh thiện. Vẻ uy linh và thánh thiên của Thiên Chúa không làm ông khiếp sợ. Trái lại, ánh sáng đó lại soi chiếu tâm can khiến ông nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng toàn năng Thánh Thiện, và cũng chính nguồn sáng đó đã giúp ông nhận ra thân phận tội lỗi, bất toàn và cần được thanh tẩy của mình. Vì thế, sau khi miệng luỡi ông được thanh tẩy, ông đã nhận ra việc Chúa muốn dùng miệng lưỡi của ông để loan báo Lời của Ngài; và ông đã mau mắn đáp lại trong sự tin tưởng và đầy quyết tâm: “Này con đây, xin hãy sai con”. (Is 6,8)

Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phao-lô không trực tiếp kể lại cuộc hoán cải để trở thành tông đồ của Chúa qua kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô trên đường Đa-mas để lùng bắt các kẻ tin vào Chúa; nhưng hôm nay, Phao-lô lại nhấn mạnh đến vai trò tông đồ của ông hoàn toàn phát sinh từ Chúa. Đó là điều ông đã nhận lãnh và giờ đây trao lại cho các tín hữu. Khi thi hành sứ mạng được trao ban, Phao-lô đã gặp nhiều trở ngại, bị khước từ, bắt bớ, bỏ rơi và giam cầm. Nhưng không vì thế mà ông bỏ cuộc; bởi vì ông nhận ra rằng tất cả đều tuỳ thuộc vào ơn của Chúa như tâm sự của Phao-lô: “Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Đấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi”.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su gọi và chọn các môn đệ đầu tiên trong bối cảnh mẻ cá kỳ diệu nơi bờ biển. Bắt đầu là sáng kiến của Đức Giê-su. Người đang giảng dậy trên bờ bỗng nhiên lại muốn ra khơi; có lẽ vì thấy dân chúng tuôn đến quá đông nên Người đã chọn một không gian rộng lớn hơn để mọi người đều có thể nghe được lời giảng dậy của Người. Nhưng việc ở trên thuyền cũng là một sự sắp xếp thật lý thú của Thánh Sử Lu-ca. Không ở trên thuyền làm sao bắt được cá. Phải chăng thuyền là hình ảnh của Hội Thánh!

Sau khi giảng cho dân chúng nghe xong, Người lập tức yêu cầu Si-mon chèo thuyền ra xa để thả luới bắt cá và kết quả là một mẻ lưới lạ lùng!

Có một chi tiết khá lý thú mà chúng ta nên lưu tâm.  Si-mon là người đánh cá chuyên nghiệp, dựa vào năm tháng đầy kinh nghiệm, Si-mon biết là muốn bắt được cá thì cần phải thả lưới ban đêm nên đã thưa với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết” Qua lời phân trần này, Si-mon có ý ám chỉ là cả đêm đã vất vả mà không bắt được con nào, thì trời sáng rồi thì làm sao bắt được cá đây! Nhưng với kết quả của mẻ cá hôm nay đã khiến Si-mon và những ai hay dựa vào kinh nghiệm và tài năng của bản thân phải xấu hổ. Một cách thật nhẹ nhàng, Đức Giê-su đã khiến các ông nhận ra lối suy nghĩ và kinh nghiệm của Phê-rô hôm nay chỉ làm trò cười cho ông mà thôi. Tuy nhiên, một điều đáng quí nơi Phê-rô, đó chính là thái độ vâng lời của ông, nên ông đã thưa với Chúa “nhưng vì Lời Thầy phán, con sẽ thả lưới”; kết quả là một mẻ lưới kỳ diệu.

Đứng trước việc kỳ diệu vừa xẩy ra trước mắt các ông. Si-mon, nhanh nhẩu và mau mắn nhận ra thân phận của mình. Ông biết rằng dựa vào kinh nghiệm và sức riêng chỉ làm cho ông thấy mình tội lỗi, nên ông đã sụp lạy dưới chân Đức Giê-su và thưa: “Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Cả ông Giacôbê và Gioan cũng kinh ngạc như ông.

Lại một lần nữa, Đức Giê-su làm cho Si-mon thấy điều ông đang nghĩ lại sai nữa. Mẻ lưới lạ lùng đã xẩy ra ngay lúc Simon Phê-rô nghĩ mình là người có tội. Tội không cản trở ơn phúc. Đức Giê-su đã thực hiện việc kỳ diệu ngay trong thân phận bất toàn của ông và các môn đệ. Đây quả thật là Tin Mừng.

Thật vậy, như các kinh sư và các người thuộc nhóm Biệt phái khi xưa, chúng ta luống cuống khi tiếp xúc và cư xử với những ai có tội. Trong khi những người thuộc nhóm Biệt phái hay các kinh sư coi thường và cả chúng ta nữa, xếp tội nhân vào loại người không xứng đáng thì Chúa lại có thái độ khác. Người luôn tạo cơ hội cho họ bắt đầu lại.

Thái độ của Đức Giê-su dành cho Si-mon Phê-rô trong bài Tin Mừng hôm nay cũng thế. Trong lúc Phê-sô đang bị mặc cảm tội lỗi dầy vò và dằn vặt khiến ông bất an và nhận ra mình thật bất xứng thì Chúa lại tìm cách lôi ông ta thoát khỏi những ý nghĩ đó. Người nói: “Đừng sợ! từ nay con sẽ là kẻ chinh phục người ta”.  Và các ông đã đưa thuyền vào bờ, từ bỏ mọi sự, nhất là những suy tính dựa trên ý mình, quên đi quá khứ tội lỗi, mà đi theo Người.

Làm sao có thể từ bỏ tất cả để đi theo Người? Đây là việc làm đòi hỏi nhiều quyết tâm và cần thời gian. Không dễ dàng gì để từ bỏ. Điều khó nhất là có thể chúng ta từ bỏ được nhiều điều lệ thuộc của cuộc sống mà lại không từ bỏ được mình, từ bỏ cách suy nghĩ cho mình là trung tâm và ngoài mình ra thì chẳng có ai làm được gì hết!

Ta vẫn là ta, dù có hăng say hay thành công đến đâu đi chăng nữa thì chúng ta muôn đời vẫn chỉ là môn đệ. Môn đệ không thể hơn chủ. Muốn sống, người môn đệ phải biết sống và nương tựa vào Chủ. Muốn được như thế, cần tập sống từ bỏ và trở thành những kẻ nghèo nhất. Và với nếp sống nghèo thì việc tựa nương vào Chúa sẽ dễ dàng hơn. Thiên Chúa là nguồn năng lực duy nhất của người môn đệ. Hãy trông cậy, tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào Đấng đã kêu mời ta.

Thưa anh chị em,

Qua trình thuật kêu gọi và làm cho Simon Phê-rô trở thành kẻ chài lưới người hôm nay. Chúa cho chúng ta biết rằng Phê-rô đã được gọi ngay trong hoàn cảnh sống của riêng ông. Sau này Chúa sẽ ban thêm ơn cho ông. Nhưng ngay lúc này, Chúa dùng khả năng sẵn có của Phê-rô. Nghề của ông là nghề đánh cá chuyên nghiệp thì cá ông bắt lên sẽ là cá chết để nuôi sống bản thân; thì giờ đây Chúa mời gọi ông trở thành kẻ chài lưới người. Phê-rô không còn bắt cá rồi để chết nữa nhưng sứ mạng của ông bây giờ là ra khơi, tìm chỗ sâu, thả lưới, bắt cá rồi đưa vào đàn mà nuôi sống.

Như vậy, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trao ban cho chúng ta một sứ điệp, đó là: Chúa gọi và chọn những người Chúa muốn. Mọi ơn gọi đều phát xuất từ tình thương của Người. Điều quan trọng, con người phải ý thức rằng: mình chẳng là gì trước mặt Chúa, nhưng lại được Chúa yêu thương và tuyển chọn. Phần còn lại, đó là sự đáp trả bằng cách đón nhận và làm giầu có tình thương của Thiên Chúa qua cuộc sống mình.

Thiết nghĩ, với ơn Chúa, chúng ta sẽ làm được tất cả. Hẳn anh chị em còn tin là những ai biết nương tựa vào Chúa thì Ngài sẽ chẳng bỏ rơi họ bao giờ. Vì thế, hãy sống nhờ Người, làm việc với Người và ở trong Người thì cuộc đời của chúng ta sẽ là mẻ cá lạ lùng của Thiên Chúa. Bởi vì, Chúa có thể không nhận lời mà ban cho chúng ta điều mà chúng ta nguyện xin. Nhưng Người luôn có mặt khi chúng ta cần đến Người. Amen!