Bài
Tin Mừng hôm nay bao gồm bốn mối phúc và bốn mối họa (mang tính răn đe hơn là
các lời chúc dữ) mà Thánh sử Lu-ca đã ghi lại. Mới đây, trong Thánh Lễ Giao Thừa,
chúng ta đã được nghe một trình thuật khác nói về các mối phúc thật do Thánh
Mat-thêu biên soạn. Tuy có sự khác biệt giữa hai bản văn; nhưng nói chung tất cả
đều là giáo huấn của Đức Giê-su, do các Thánh sử biên soạn sao cho phù hợp với
tình hình của các cộng đoàn do các ngài coi sóc, và dĩ nhiên những lời chúc
phúc này cũng rất cần cho chúng ta nữa.
Như
anh chị em đã biết, vào các thế kỷ đầu tiên, đời sống và các sinh hoạt tôn giáo
của các tín hữu trong giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn. Họ bị khước từ, bắt
bớ, giam cầm và rất nhiều người trong nhóm họ đã trải qua một cuộc sống rất cơ
cực, nghèo đói, bị ngược đãi thậm chí còn bị giết chết.
Hoàn
cảnh sống của chúng ta tuy đã khá hơn xưa, cuộc sống không còn công khai bị
chèn ép hay bị giết vì danh Đức Ki-tô nữa; nhưng con người ngày nay lại đi tìm
và xây dựng hạnh phúc cho cuộc sống của mình khác xa với những yêu sách của Tin
Mừng. Vì thế, những mối phúc của Đức Giê-su vẫn cần thiết. Và cũng chính vì lối
tìm hạnh phúc của chúng ta khác với hạnh phúc Nước Trời nên chúng ta khó chấp
nhận giáo huấn và những lời chúc phúc của Đức Giê-su và mỗi khi nghe liền cảm
thấy bị chói tai.
Mới đây, nhân dịp đầu năm Kỷ Hợi, anh
chị em đã được nghe cũng như nhận lãnh những lời chúc phúc của Thiên Chúa và từ
trong các lời chúc phúc đó chúng ta đã trao gửi và cầu chúc cho nhau được thêm
nhiều phúc lành của Ngài. Thế nhưng trên thực tế, đã mấy ai trong chúng ta vui
với niềm vui và hạnh phúc của người khác chưa? Và, một khi chúng ta chưa vui với
niềm vui và hạnh phúc của tha nhân thì nói chi đến việc đem hạnh phúc đến cho họ.
Nhìn
vào thực tế, ai trong chúng ta lại không mong có nhiều của cải, ăn nên làm ra.
Thế mà Chúa lại nói: “Phúc cho người nghèo khó”. Ai cũng mong cuộc sống bình
an, thoải mái, không sợ bị theo dõi, bắt bớ. Thế mà Đức Giê-su lại nói: “Phúc
cho các con khi bị bắt bớ”.
Vì thế, hạnh phúc đích thật vẫn chỉ
là những ước mơ, mãi mãi là một khát vọng. Còn đau khổ lại chồng chất: Đau khổ
vì nghèo đói, vì bệnh tật, vì chết chóc. Đau khổ vì thất bại, vì chia ly, vì những
cám dỗ đè nặng.
Thật
ra ai cũng biết rằng nghèo và khổ, đói và khát thường đi đôi với nhau. Sống
trong cảnh nghèo, chúng ta mới thấy được các nỗi khó khăn. Và thật tâm mà nói
thì không ai trong chúng ta cứ muốn sống mãi trong hoàn cảnh cơ cực như thế. Họ
cần vươn lên, cố gắng vượt qua mọi gian nan để tìm cơ hội phát triển và khẳng định
chính bản thân. Nhưng làm thế nào để vươn lên là cách ứng xử và lựa chọn của từng
người.
Có
người chọn các phương tiện bất chính, trái với lương tâm, thiếu đạo đức, thiếu
công bằng … nói chung là họ sẵn sàng làm mọi sự để thoát khỏi cảnh nghèo. Và
khi thoát khỏi cảnh cơ cực về mặt vật chất họ lại rơi vào một vũng lầy của tham
lam, tư lợi và cuộc sống cũng chẳng được hạnh phúc. Đó không phải là cách lựa
chọn đúng đắn.
Trái
lại, nếu chúng ta biết chấp nhận cảnh nghèo, sống ngay thẳng và lương thiện rồi
tìm cách vươn lên bằng các cố gắng của bản thân để bước đi từ những bước nhỏ nhất
thì cho dù chúng ta không thành công, vẫn có thể thành nhân và được mọi người
quí mến. Hạnh phúc là ở đó, không tùy thuộc vào cảnh sống nhưng bằng chính thái
độ trong các hoàn cảnh của cuộc sống khiến cho các phúc lành của Thiên Chúa được
biểu lộ trong cách sống của mình.
Nói
như thế, chúng ta không coi thường người nghèo và ca tụng những người có của; bởi
vì giàu có cũng không là điều tất nhiên đem lại hạnh phúc cho con người. Tiền của có thể mua cho họ đủ thứ,
nhưng họ khó mua được hạnh phúc đích thật. Dựa vào một số thống kê mà chúng ta
biết được con số những người giàu đi tìm cái chết để giải thoát những nỗi cô
đơn, trạng thái trầm cảm đông hơn bọn dân nghèo mà biết chấp nhận. Đối với ai
giầu có thì hạnh phúc đích thật vẫn còn xa tầm với.
Vấn
đề hạnh phúc chủ yếu ở cái tâm, ở tâm hồn; hạnh phúc không hoàn toàn lệ thuộc
vào vật chất hay của cải mà người đó làm ra. Như vậy, mối phúc thứ nhất có thể
nói là mối phúc căn bản, bao gồm các mối phúc khác là “Phúc cho ai có tâm hồn
hay tinh thần nghèo khó”.
Nhìn
lại lịch sử cứu độ, chúng ta nhận thấy ‘người nghèo’ được Thiên Chúa quan tâm
nhiều hơn. Vì trong cảnh nghèo, con người có thể dễ làm bạn với Thiên Chúa hơn.
Theo truyền thống của Thánh Kinh thì những “người nghèo của Thiên Chúa” không
phải là người có đời sống vật chất khó khăn túng quẫn, mà là kẻ trước hết hoàn
toàn tin tưởng phó thác cậy trông nơi Chúa, lấy Chúa làm gia nghiệp, và luôn
luôn sống trong tình liên đới với anh em đồng loại.
Hơn
thế nữa, căn cứ vào những lời giảng dậy của Đức Giêsu, chúng ta nhận ra rằng hoàn
cảnh của “người nghèo của Thiên Chúa” là một cơ hội giúp họ nhận ra họ mới thật
là người có phúc, là người may mắn, vì chính Thiên Chúa sẽ là hạnh phúc của họ.
Nói
chung, các mối phúc thật xét về mặt nội dung thì cũng chỉ là mối phúc duy nhất:
“Phúc cho những người sống tinh thần nghèo khó”. Và, chỉ có những người nào sống
nghèo mới cảm nhận được sự cần thiết phải nương tựa vào Chúa như thế nào.
Thưa
anh chị em,
Vì
chúng ta, Đức Giê-su đã trở thành người nghèo nhất. Trong cảnh nghèo tột cùng
đó, Người đã để cho quyền năng, sức mạnh và sự giầu có của Thiên Chúa được tỏ
hiện. Như vậy, sau cùng các mối phúc hôm nay đều quy về một mối: Phúc cho ai có lối sống như Đức Giêsu.
Thật ra, phúc lành của Thiên Chúa ban
cho tất cả mọi người, không phân biệt và cũng không loại trừ một ai. Tuy nhiên,
với những ai đang sống cảnh nghèo đói và bị ngược đãi thì họ dễ dàng nhận ra lời
chúc phúc của Thiên Chúa dành cho mình hơn. Nhờ nhận ra niềm hạnh phúc đó họ mới
cảm nhận được sự an ủi để bước đi tiếp. Ước mong chúng ta có thể tuyên xưng hay
nói với nhau rằng: những điều chúc phúc của Đức Giê-su trong các mối phúc thật
mà tai chúng ta vừa nghe đã được ứng nghiệm một cách thật hữu hiệu trong cuộc sống
của chúng mình. Amen!
No comments:
Post a Comment