Thursday, 25 July 2019

HÃY MẶC LẤY TÂM TƯ CỦA CHÚA.



Đề tài của bài Tin Mừng tuần này nói về cầu nguyện và được chia ra ba phần: Phần thứ nhất nói về thể thức cầu nguyện của Đức Giê-su mà chúng ta hay gọi là ‘Kinh Lậy Cha’, sau đó là dụ ngôn khuyên chúng ta kiên tâm trong kinh nguyện và sau cùng là hiệu lực của lời cầu nguyện theo đúng ý Chúa.

Trong phần mở đầu của trình thuật, Thánh Lu-ca đã xếp các lời kinh này sau đoạn nói về việc Đức Giê-su cầu nguyện. Chi tiết này có thể giúp chúng ta suy đoán rằng Người đã không có ý muốn dậy chúng ta một công thức để cầu nguyện cho bằng chia sẻ cho các môn đệ biết tâm tư của Người vừa nói với Cha Người. Hẳn nhiên, khi cầu nguyện Đức Giê-su đã làm gương cho các môn đệ, cho nên khi nhìn thấy Người cầu nguyện quá sốt sắng, quá thân mật nên các ông  mới xin Thầy dậy cho họ cách cầu nguyện.

Bản Kinh lậy Cha mà chúng ta vừa nghe hôm nay được ghi lại bởi Thánh Lu-ca. Các nhà chuyên môn về Thánh kinh thường cho rằng các lời cầu nguyện trong bản văn này đã xuất hiện sớm hơn bản văn trong Tin Mừng của Mát-thêu. Các cụm từ ngắn và đơn giản trong bản văn này giúp cho chúng ta nhận ra ý của Thánh sử là muốn trình bầy mối quan hệ giữa Đức Giê-su và Cha Người.  Và khi cầu nguyện, chúng ta cũng được mời gọi có tâm tình như Đức Giê-su đã có. Tuy nhiên, thật là đáng tiếc khi chúng ta có xu hướng dùng thể thức kinh nguyện này hơi nhiều và quá vội vàng vì thế đã làm giảm mất phần lớn ý nghĩa của các lời kinh.

Đây chính là bản toát yếu của toàn bộ Tin Mừng, là bản tóm tắt toàn bộ chương trình của Đức Giê-su. Giống như vậy, Kinh lậy Cha không chỉ là thể thức mà Đức Giê-su đã dậy chúng ta cách cầu nguyện. Thật ra, các lời kinh này chứa đựng toàn bộ kế hoạch cho đời sống của tín hữu. Vì thế, nếu chúng ta sống theo những gì mà chúng ta cầu thì chúng ta cũng nên một với cuộc sống và sứ vụ của Đức Giê-su, bởi vì đó chính là cách mà Đức Giê-su đã cầu nguyện và đã sống.

Trong bản kinh này, Đức Giê-su đã xưng với Thiên Chúa là ‘Abba’, có nghĩa là ‘Cha, Bố, Ba ơi’. Thời Chúa Giê-su, không mấy người xưng với Thiên Chúa là Abba. Đó là cách gọi của các trẻ em. Như vậy khi dùng danh xưng này để thân thưa với Thiên Chúa, Đức Giê-su cố ý nhấn mạnh đến mối tương quan thân mật, gắn bó, nhất là sự lệ thuộc của Người với Chúa Cha. Khi cầu nguyện bằng Kinh lậy Cha, chúng ta cũng được mời gọi nên một với Đức Giê-su, để như Người lệ thuộc và phó thác vào Chúa Cha thế nào thì chúng ta cũng có tâm tư như thế.

Với tâm tư như thế, như Đức Giê-su chúng ta cũng không chỉ ước nguyện cho Vương quyền của Thiên Chúa ngự đến, mà cần thể hiện bằng lối sống để làm nhân chứng cho sự hiện diện của Vương quốc nơi bản thân của người môn đệ.

Sau đó là những lời cầu xin xem ra liên quan đến nhu cầu và ước muốn của người môn đệ. Nhưng thật ra những ước nguyện này không quy hướng về bản thân cho bằng nói lên ý muốn xin cho được những điều như thế để những ai là môn đệ sẽ được tự do, không còn bận tâm lo chuyên cơm ăn áo mặc, không bị cám dỗ bởi quyền lực của Satan; rồi thanh thản giống như Đức Giê-su dành trọn thời gian và năng lực cho công cuộc rao giảng Nước Chúa.

Sau đó đến lời nguyện ước mà theo tôi cảm thấy là rất khó thực hiện. Chúng ta xin Chúa tha thứ cho các lỗi phạm của chúng ta không biết bao nhiêu lần; thế mà đã bao giờ chúng ta đã tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình chưa? Làm sao chúng ta dám xin Chúa ban cho chúng ta điều mà mình không thể làm được!

Như chúng ta hằng tin tưởng, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của lòng thương xót; Thiên Chúa của sự thứ tha. Như vậy, chúng ta có thể xác tín rằng Thiên Chúa luôn yêu thương và tha thứ cho chúng ta trước khi chúng ta khẩn khoản nài xin Ngài.

Việc chúng ta xin ơn tha thứ để thứ tha cho kẻ khác là mục tiêu của cuộc sống. Việc xin Chúa tha thứ để thứ tha cho người khác thì giống như việc ăn năn tội mà chúng ta thường làm khi đón nhận bí tích giao hòa. Trong giây phút ‘ăn năn’ đó, chúng ta hết sức thành khẩn để bộc lộ tâm tình thống hối cho các sai phạm của mình, thế mà sau đó chúng ta vẫn tái phạm. Nhưng Thiên Chúa biết và thấu hiểu cõi lòng mình; Chúa cũng biết rõ thân phận yếu đuối của mình. Mỗi lần cầu xin như thế, cho dù sau này sẽ tái phạm, nhưng cũng đủ nói lên sự quyết tâm cải thiện của mình. Chúa muốn chúng ta làm hết sức mình. Sau đó Người cũng sẵn sàng tha thứ nếu chúng ta thất bại.

Sau đó là dụ ngôn ‘người bạn quấy rầy’ mà trong phần cuối, Đức Giê-su đã nói người bị quấy rầy đã không dậy vì tình bạn; nhưng vì sự lỳ lợm và không biết xấu hổ của anh bạn. Thật ra, nếu anh ta không thức dậy thì danh dự của anh ta sẽ bị đánh giá thấp. Vì thế, để bảo toàn cho ‘danh thơm’ này anh phải thức dậy mà thể hiện tấm lòng đại lượng của mình.
 
Như vậy, trong thân phận con người, với tất cả giới hạn và yếu đuối mà chúng ta còn biết cư xử với nhau như thế phương chi Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài sẽ bảo vệ ‘Danh Thánh’ bằng cách cho chúng ta những gì tốt đẹp nhất, cả sự sống của Người.

Phần cuối của bài Tin Mừng hôm nay quá khó. Bởi vì căn cứ vào kinh nghiệm trong cuộc sống, chúng ta nhận ra rằng không phải mọi lời chúng ta xin đều được, mọi lần chúng ta gõ cửa thì Ngài sẽ mở cho và khi chúng ta tìm kiếm thì Ngài sẽ xuất hiện.

Thí dụ, chúng ta đã làm gì sai khi cầu nguyện cho người thân được khỏa mạnh và bình an; chúng ta không cầu xin cho bản thân; nhưng cầu xin cho người thân mà. Thế mà họ lại cứ lần lượt ra đi. Già mà ra đi thì còn có thể hiểu được; nhưng nhiều gia đình đã mất những người thân yêu khi còn quá trẻ. Rổi còn bao nhiêu lời cầu xin cho nền hòa bình trên thế giới, thế mà chúng ta vẫn nghe thấy những thảm kịch của chiến tranh, khủng bố, bạo lực, đói khát, bệnh tật và thiên tai.

Nếu Thiên Chúa đã được ví như một bậc cha mẹ luôn yêu thương, mong muốn cho đi những gì tốt đẹp nhất cho con cái mình thì tại sao những lời cầu nguyện chính đáng như thế lại dường như không được trả lời?

Không có câu trả lời đơn giản cho câu hỏi này.

Có những lúc, có lẽ, lời cầu xin của chúng ta chưa phải là lời yêu cầu chính đáng; và Thiên Chúa, vì yêu thương nên đã phải từ chối yêu cầu của chúng ta. Tuy nhiên, lời giải thích này không thể giải thích cho nhiều trường hợp trong đó các yêu cầu của chúng ta chắc chắn phù hợp với ý muốn của Chúa.

Một lời giải thích khác thường được đưa ra là Chúa có chương trình của Ngài, và việc mà chúng ta xin không được xẩy ra vì kết quả của sự việc sẽ không đem lại lợi ích lâu dài cho người xin. Tuy nhiên, lối giải thích này cũng tạo nhiều rắc rối. Bởi vì, như vậy chúng ta giả thiết mọi sự xẩy ra đều là ý Chúa. Như vậy, con người sẽ phủi tay, và đổ thừa cho Chúa về mọi sự - như bạo lực, tra tấn, chết đói hay chết yểu - là ý muốn của Thiên Chúa hay sao. Trong khi đó, chúng ta cần có can đảm để thừa nhận những việc đó xẩy ra một phần là do tội lỗi của mình.

Thế thì chúng ta có thể nói gì về lời cầu nguyện chưa được trả lời? Chúng ta có thể tin rằng Thiên Chúa toàn năng, nhưng Thiên Chúa không phải là quyền lực duy nhất trên thế giới. Có những sức mạnh khác, sức mạnh của Satan và những quyền lực thuộc về nó, sức mạnh của ác quỷ và cái chết, thường được con người chấp nhận và làm cho nó phát triển. Mặc dù, chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã chiến thắng trước những quyền lực này qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu; nhưng trận chiến vẫn còn tiếp diễn, chờ ngày chung cục, ngày Đức Ki-tô ngự đến lần thứ hai trong quang lâm. Vì thế, trong giai đoạn hiện tại, ý định của Thiên Chúa vẫn bị cản trở bởi sự cộng tác của chúng ta với quyền lực của Satan. Chúng ta xử dụng tự do để ngăn trở ý định và chương trình của Thiên Chúa; rồi quì xuống cầu xin cho Nước Cha trị đến thì sao có thể xẩy ra được!

Tại sao phải cầu nguyện? Bởi vì Chúa không bảo chúng ta cầu xin cho bằng được mời vào mối quan hệ với một Thiên Chúa yêu thương. Người muốn chúng ta cộng tác vào chương trình của Người là cứu chuộc chúng ta và đưa mọi tạo vật đến cùng đích trong Người.

Đừng xấu hổ khi chạy đến với Chúa, cũng đừng ngại ngùng khi xin Người. Cứ tiếp tục nói cho Người biết nhu cầu và hy vọng của mình. Nhưng đừng đóng vai ông chủ ra lịnh cho Người làm theo ý TA. Hãy tin vào tình thương của Thiên Chúa. Hãy can đảm phó thác cái ‘TÔI’ của mình cho Ngài, vì Ngài yêu thương và ý của Ngài thì bao giờ cũng tốt cho chúng ta. Không phải điều gì xẩy ra trong đời cũng đều là ý Chúa cả đâu! Có nhiều điều là ý của mình rồi gán cho ý Chúa, oan cho Ngài quá. Chỉ có một điều mà chúng ta nên biết, đó là Thiên Chúa làm cho mọi sự trở thành ích lợi cho những ai yêu mến Người, tức là chúng ta.



Thursday, 18 July 2019

TRONG CHÚA, PHẦN NÀO CŨNG TỐT.



Giả như tôi được vinh dự đón tiếp Chúa ‘ngự đến nhà’ như hai chị em Mar-tha và Ma-ri-a trong bài Tin Mừng hôm nay, thì tôi sẽ chuẩn bị và khoản đãi Ngài như thế nào? Tôi sẽ làm tất cả để chào đón Người như một vị khách quí. Tôi sẽ lau chùi nhà cửa từ trên xuống dưới, rửa sạch và đánh bóng mọi thứ trong nhà và ngoài ngõ. Rồi, với khăn bàn, chén, đĩa, muỗng, đũa, …., tất cả mọi thứ đều là các loại tốt nhất; và tôi sẽ bài trí bàn ăn và trang hoàng phòng ăn với nến và hoa để căn phòng thật ấm cúng. Về thức ăn, tôi chọn món sang trọng nhất. Và, khi tất cả đã sẵn sàng, tôi sẽ trải thảm đỏ ra tận cổng chờ để đón tiếp Người.

Với việc chuẩn bị kỹ đến độ không còn thiếu sót như thế, tôi nghĩ Đức Giê-su sẽ tự hào và hãnh diện về tấm lòng hiếu khách của tôi. Rồi khi Người đến, tôi sẽ đứng hầu bàn cho Người rồi trình cho Người những thành quả đã gặt hái. Tôi nghĩ, Chúa sẽ rất vui và bộc lộ sự thông cảm khi nhìn thấy tôi lúng túng. Khi Người ra về, tôi cảm thấy mọi sự thật tốt đẹp.

Nhưng sau đó, không hiểu vì sao, lòng mình vẫn băn khoăn, cảm thấy hụt hẫng và trống vắng!!! Trong tâm trạng đó, tôi tự hỏi: Qua cuộc viếng thăm của Chúa tôi đã học được điều gì? Người đã để lại trong tôi những gì? Nhìn lại việc chuẩn bị, với tâm tình hiếu khách và một bữa ăn sang trọng đến như thế… tôi nghĩ (cảm tưởng của tôi) thật là hoàn hảo… vậy thì tại sao tôi vẫn băn khoăn.

Nhưng rồi tôi nghe thấy một câu hỏi thứ hai vang lên trong tôi: Tôi quá bận rộn, chạy ngược chạy xuôi, lo việc đón tiếp nên ngoài câu chào hỏi ra tôi chẳng còn tâm trí để ý đến sự hiện diện của Người. Người đến thăm mà tôi lại lăng xăng như thế. Vì thế, cho dù mọi công việc từ khởi sự cho đến hoàn thành được chuẩn bị thật hoàn hảo như thế thì Chúa còn cho tôi thêm điều gì nữa; và phần tôi, cũng chẳng có thời giờ để nghe Chúa tâm sự? Như vậy, Chúa đến thăm tôi làm gì? Chắc hẳn Chúa dự định cho tôi điều gì? Dù đó là điều gì, nhưng vì bận rộn và chỉ muốn hoàn tất các dự định và lo toan của tôi cho nên tôi đã đánh mất cơ hội để Người ban cho tôi. Phải chăng tôi đã chuẩn bị thật hoàn hảo cho việc đón tiếp Chúa nên không cần có thêm điều gì khác nữa?

Thưa anh chị em,

Có những người rất hào phóng và tốt bụng khi cho người khác, nhưng lại rất nghèo nàn khi nhận. Làm sao chúng ta có thể thiết lập quan hệ khi chỉ biết cho và không biết nhận hay ngược lại chỉ biết nhận mà không biết cho đi. Sau đây là vài kinh nghiệm.

Vào một buổi chiều, trên đường rời trại cấm tôi gặp một bà cụ, trên tay cầm gói giấy, lúng túng và thẹn thùng trao cho tôi. Ngạc nhiên tôi hỏi cụ: “Thưa cụ, chuyện gì vậy?” Cụ trả lời “Con thấy cha hy sinh vất vả, vì vậy con biếu cha vài quả trứng gà để tẩm bổ. Đây là quà của trại đã phát cho con dâu của con, cháu đang mang bầu con so, cha ạ.” Lúng túng và ngại ngùng tôi mới thưa với cụ rằng: “Tôi không dám nhận món quà này đâu, vì hoàn cảnh trong trại thật là thiếu thốn, hơn nữa đây là phần bổ duỡng mà cao ủy Liên Hiệp Quốc đã dành các phụ nữ có thai. Thôi cụ cầm về đưa cho con dâu của cụ nhé.” Vừa nghe xong, cụ phật lòng, cầm gói quà, vùng vằng rồi lẩm bẩm “Cha khinh con nghèo, quà không xứng đáng…” Giờ đến lượt tôi choáng váng và chẳng biết phải hành xử thế nào!!!

Ngồi trên xe bus về lại nhà dòng mà tôi còn ân hận và tự hỏi mình rằng mình hành xử như thế có sai không? Và tại sao lại làm bà cụ phật lòng?

Tôi nhớ đến một truyện khác. Có người phụ nữ kia đã từng giúp đỡ mọi người. Nhưng đến khi cần phải nhận một quà tặng để cứu sống bà, thì bà cảm thấy vô cùng bối rối. Bà đã cho rất nhiều, nhưng giờ đây không thể giúp đỡ chính mình. Bà trong lòng luôn luôn muốn được yêu thương. Nhưng nhận được sự yêu thương của người khác thì thật là khó khăn. Bà cần học cách nào để lại trở thành một trẻ nhỏ, khiêm tốn đủ để nhận một món quà. Nhưng điều đó không dễ dàng bởi vì bà hoàn toàn đối lập với điều đó: bà thích cho một cách vị kỷ.

Những người vị kỷ, coi mình là trung tâm ban phát mà lại không thích nhận. Tại sao thế? Bởi vì khi nhận quà, họ cảm thấy mình thấp kém hơn người khác và tự nhận mình là kẻ mắc nợ, ăn bám người khác. Điều họ thích cho, chưa hẳn là điều tốt nhưng phải chăng họ làm điều đó để đề cao và tâng bốc cái tôi của họ, và khiến họ được xếp loại cao sang hơn kẻ khác!!!

Cho là việc quan trọng. Nhưng nhận cũng thế. Không ai trong chúng ta tự cho mình là đủ. Mọi người đều bất toàn. Chúng ta đón nhận và hỗ trợ nhau. Trên hết mọi sự chúng ta cần đón nhận từ Thiên Chúa. Chúng ta không thể cho người khác điều chúng ta không có. Và, thật là thê thảm khi chúng ta không có khả năng để tiếp nhận. Biết cho như thế nào thì cũng phải biết nhận như thể ấy. Cho và nhận đều là những hậu quả của ân sủng.

Câu chuyện Tin Mừng cho chúng ta thấy sự khác nhau giữa Mar-tha và Ma-ri-a. Mar-tha không có khả năng nhận, trong khi Ma-ri-a có. Ma-ri-a không lười. Cô đón tiếp Chúa bằng cả con tim, chú tâm đến sự hiện diện của Người, để mắt đến từng cử chỉ và lời nói của Người. Đối với cô, từ lúc Đức Giê-su bước chân vào nhà thì Người là tất cả. Còn Mar-tha, vì quá bận rộn nên không nhận ra Đức Giê-su là khách. Đức Giê-su đến thăm để bộc lộ ý muốn của Người cho hai chị em mà cô lại bận rộn như thế thì cho dù Người muốn cũng chẳng có cơ hội trao cho Mar-tha. Nói khác đi, vì quá bận rộn, Mar-tha chẳng còn tâm trí hay cơ hội nhận ra ý định của Chúa nữa.

Với cái nhìn nông cạn, chúng ta dễ dàng đồng ý với Chúa là Ma-ri-a đã chọn, không phải là phần tốt nhất mà còn dễ nhất nữa. Ma-ri-a chỉ việc ngồi thừ ra đó, còn bao nhiêu việc tất bật khác thì Mar-tha ôm trọn, thật là khó khăn! Nhưng suy nghĩ kỹ, chúng ta có thể thấy, phần việc của Ma-ri-a khó khăn hơn nhiều trong hai phần việc ấy. Gạt bỏ công việc của mình và chú tâm hoàn toàn vào người khác không phải là việc dễ đâu. Đem sự chú tâm trọn vẹn ấy vào Thiên Chúa lại càng khó hơn. Nhưng đó mới là phương thế tuyệt hảo nhất trong việc hiệp thông để sinh ra lợi ích cho bản thân mình và tha nhân.

Thưa anh chị em,

Như vậy, sự bận rộn trong cuộc sống để hoàn thành việc của mình mà không nhận ra nhu cầu của người thân để quan tâm thì cũng giống như việc chạy đôn chạy đáo mà Mar-tha thể hiện hôm nay. Kết quả mà họ đạt được cũng không đáng khích lệ. Sau đây là vài thí dụ điển hình.

Có một gia đình kia. Anh chị đã sống với nhau trên Hai Mươi năm trời và đã có với nhau ba người con. Họ gặp nhau, yêu nhau rồi cưới nhau. Khi mới cưới, vì trách nhiệm và bổn phận đối với thân nhân của hai bên gia đình còn ở Việt Nam, và nhất là muốn tạo cho gia đình riêng của anh chị một nền tảng vững chắc; cho nên anh chị đã phải cầy cả đêm lẫn ngày, anh chị đã nỗ lực làm việc không biết mệt mỏi. Mỗi người một công việc. Cả anh và chị thành công trong sự nghiệp. Ai cũng làm chủ. Tuy nhiên cái giá phải trả cho sự thành công này cũng không nhẹ. Chỉ vì vật lộn với công ăn việc làm, anh chị không còn nhiều thời gian cho nhau. Về đến nhà chỉ biết ngủ. Mối dây tương quan trong cuộc sống vợ chồng giả như có thì cũng chỉ là bổn phận qua loa cho xong. Đối với con cái, anh chị đã nuôi nấng các cháu rập theo cung cách quản lý nhân viên; mấy người con của anh chị không được lớn lên trong vòng tay yêu thương, vì thế cách hành xử của các cháu cũng bộc lộ một sự thèm muốn được yêu thương!

Người ngoài nhìn vào tưởng họ hạnh phúc chứ ai nào ngờ cảnh ‘phòng không gối chiếc’ hay ‘đồng sàng dị mộng’ đã xẩy ra với họ từ lâu rồi. Giờ này chỉ còn lại là sự chịu đựng cho qua khỏi kiếp này. Cái giả phải trả cho sự bận rộn trong cuộc sống mắc đến độ khi nhìn lại cũng chẳng còn biết làm thế nào để sửa chữa. Thật tội nghiệp!

Trong việc xây dựng mối dây tương quan giữa Chúa và ta cũng thế. Chúng ta đến với Chúa trong lúc bận rộn thì còn giây phút hay tâm tình nào dành cho Ngài đây! Sau đây là một trong những thói quen mà nhiều người đã vấp phải.

Có một bà thưa rằng: “Thưa cha, con đã cầu nguyện hầu như không ngừng suốt đời, và con chưa bao giờ có cảm giác gì về sự hiện diện của Thiên Chúa”. Linh mục đó mới hỏi: “Con có để cho Thiên Chúa có cơ hội lên tiếng không?”. Bà nói: “Ồ không, con đã nói với Người suốt thời gian ấy. Như thế không phải là cầu nguyện sao?” Vị Linh mục đó trả lời: “Không, tôi không nghĩ như thế,” rồi nói tiếp: “Bây giờ, tôi xin đề nghị với cụ thế này nhé: mỗi ngày, cụ hãy dành riêng năm hoặc mười phút để chỉ ngồi trước mặt Thiên Chúa”. Thưa cha, ngồi như thế dễ buồn ngủ lắm! Vị linh mục ôn tồn đáp: “Bà ơi, ngủ trong bàn tay yêu thương của Chúa là một hồng ân đấy, bà cứ tập đi.”

Và bà đã làm như thế. Kết quả là gì? Không lâu sau, bà ta trở lại và nói: “Thưa Cha, thật lạ lùng, khi con cầu nguyện cùng Thiên Chúa, nói cách khác khi con nói với Ngài, con không thấy điều gì. Nhưng khi con ngồi thinh lặng, yên tĩnh, mặt đối mặt với Ngài, con cảm thấy được bao trùm trong sự hiện diện của Ngài”.

Như vậy, Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất. Cô đã không nói gì nhưng trao trọn vẹn tấm lòng và con tim cho Chúa để Chúa họat động. Còn Mar-tha thì bận rộn để phô trương thanh thế, muốn chứng minh rằng mình đã quá đầy đủ, làm việc gì cũng hoàn hảo thì Chúa đâu làm được gì nữa.

Ma-ri-a ngồi dưới chân Chúa bộc lộ tâm tình lệ thuộc; và lắng nghe để nhận chỉ thị và huấn lịnh của Chúa. Còn Mar-tha lại bận rộn rồi yêu cầu Chúa làm điều cô muốn: “nói em con giúp con”.

Như Ma-ri-a chúng ta hãy lệ thuộc vào Chúa. Như Ma-ri-a chúng ta hãy lắng nghe Lời Người chỉ dậy. Và, Chúa sẽ hướng dẫn, thúc đẩy và tác động để chúng ta trở thành những Mar-tha, những Sa-ma-ri-a sống động. Như thế, hãy ngồi để lắng nghe Chúa dậy như Ma-ri-a; rồi với lòng hiếu khách chúng ta cùng đứng dậy, noi gương người Sa-ma-ri-a và Mar-tha, đón tiếp và phục vụ Chúa trong anh em mình nhé. Amen!


Thursday, 11 July 2019

MỌI NGƯỜI ĐỀU LÀ NGƯỜI THÂN CỦA TÔI.



 Câu hỏi của người thông luật “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” mở đầu bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay. “Sự sống đời đời” là một thực tại mà hầu hết mỗi người tín hữu đều nhắm đến. “Tôi phải làm gì?” là vấn nạn nhắc nhở đến bổn phận và trách nhiệm mà chúng ta cần thực hiện ngay bây giờ. Nếu chúng ta không có niềm tin vào sự sống đời đời thì quả thực chúng ta sẽ sống buông thả và thiếu trách nhiệm với Thiên Chúa và tha nhân. Vì thế, cho dù sự sống đời đời thuộc về Thiên Chúa và chúng ta chưa nắm trọn vẹn được; nhưng ngay bây giờ chúng ta cần thực hiện các việc làm để thể hiện lòng mến Chúa và yêu người thì sẽ được sống.

Giả như ông luật sĩ đừng tranh luận thêm và cố gắng thực thi những khoản luật mà ông đã được dậy bảo thì chúng ta không còn gì để tìm hiểu thêm. Nhưng ngay từ đầu của bài tường thuật, người luật sĩ đã không có lòng thành để tìm kiếm, ông đặt câu hỏi nhằm thử Đức Giê-su cho nên giờ này ông nghĩ là tiếp tục bắt bí Người bằng một vấn nạn khác, đó là: “Ai là người thân của tôi?”

Có người cho rằng người thân của họ là những người cùng một huyết thống trong gia tộc: ông bà, cha mẹ, vợ chồng con cái, cháu chắt, v.v… Đúng vậy, và nếu người nhà mình mà mình không yêu, không sống tử tế thì làm sao yêu người khác được. Nhưng, trong thân phận của người tín hữu, chúng ta được mời gọi sống và vượt lên trên tiêu chuẩn nói trên. Và câu trả lời cho câu hỏi “Ai là người thân của tôi?” đã được Đức Giê-su diễn tả thật sống động qua truyện ngắn mà chúng ta hay gọi là dụ ngôn “Người Sa-ma-ri-a nhân hậu.” mà chúng ta vừ nghe trong phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay.

Truyện ấy như thế này: Mọi người cùng thời với Đức Giê-su đều biết rằng con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô là một đoạn đường đầy nguy hiểm, thường xuyên xẩy ra các nạn cướp của và giết người. Xẩy ra là có một người mà chúng ta không hề biết gốc tích, gia thế hay địa vị, nói chung là một người vô danh, không hề có bất cứ một chút quan hệ gì với mỗi người chúng ta. Ông đi ngang qua đó và đã rơi vào tay bọn cướp. Chúng cướp hết tiền bạc, đánh ông nhừ tử, thừa sống thiếu chết rồi quăng ông bên vệ đường. Tình trạng của ông cần được cứu cấp. Cùng vào thời gian đó, có một ông tư tế mà chúng ta hay gọi là ông cha, cũng đi trên con đường đó. Cha nhìn thấy cảnh tượng của người bị nạn bèn quay mặt làm như không thấy gì rồi đi sang lối bên kia để đi. Lại có một ông luật sĩ, thông thạo và giảng dậy cho dân chúng biết về đạo lý, cũng đi qua, cũng nhìn thấy rồi cũng ngoảnh mặt làm ngơ và rẽ sang lối khác để đi. Tuy trong bản văn chúng ta không hề hay biết lý do tại sao họ lại làm như thế! Nhưng cũng có một số lý lẽ được đưa ra để bảo vệ cho hai vị trọng vọng nói trên, đó là các ngài có chuyện gấp cần phải đi hay sợ bị trở thành ô uế khi đụng chạm vào nạn nhân. Nói chung chúng ta có thể coi họ là người ‘vô cảm’.

Tình cờ, lại là truyện tình cờ. Nhưng lần tình cờ này đáng cho chúng ta phải suy nghĩ. Số là, cùng vào lúc đó, có một người thuộc dòng giống Sa-ma-ri-a mà người Do Thái coi họ là kẻ thù; vì họ đã dám phế bỏ truyền thống của tiền nhân, thu nhập các thói tục ngoại giáo và luôn sống trong tình trạng bị ô uế. Họ bị coi như là kẻ thù của người Do Thái. Anh chị em thử thay cụm từ ‘người Sa-ma-ri-a’ bằng một tên nào đó thuộc nhóm khủng bố IS (Hồi Giáo cực đoan) hay là bất cứ nhân vật nào hay nhóm người nào mà bị anh chị coi họ như kẻ thù thì chắc hẳn chúng ta sẽ đọc trình thuật này với ý nghĩ khác. Và, ngày nay khi nghe thấy chữ ‘Sa-ma-ri-a‘ tức khắc chúng ta sẽ nghĩ đến các cụm từ ‘tốt lành hay nhân hậu’ để gán cho người đó. Nhưng, trong trình thuật, Đức Giê-su chỉ gọi ông là người Sa-ma-ri-a mà thôi.

Giống như vị tư tế và ông kinh sư, người Sa-ma-ri-a cũng đang đi trên đường, ông cũng nhìn thấy nạn nhân nửa sống nửa chết, nằm thoi thóp bên vệ đường. Ông cảm thấy như có lưỡi dao đâm vào tim ông. Bỏ hết mọi sự mà ông dự tính thực hiện sang một bên. Ông dừng lại, tiến lại gần, dùng tất cả khả năng và dụng cụ cứu thương sẵn có để cứu giúp nạn nhân. Chưa xong, ông cảm thấy không thể để người bị cướp này nằm ở lề đường. Ông đưa nạn nhân, người mà ông không hề quen biết đến quán trọ và xin chủ quán săn sóc cẩn thận và mọi chi phí sẽ được bồi hòan khi ông trở lại.

Thưa anh chị em,

Sau đó, thay vì tiếp tục cuộc tranh luận và đưa cho nhà thông luật câu trả lời thì Đức Giê-su đã hỏi ý kiến ông ta rằng: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?" Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy". Ðức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy". (Luca 10: 30-37)

Người thông luật trả lời thật là chí lý. Kẻ thực thi lòng thương xót, thực hiện việc bác ái là người thân cận của kẻ đang sống dở chết dở. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây không phải là chuyện lý lẽ. Lời xác định của Đức Giêsu làm cho chúng ta suy nghĩ. Ông hãy đi và làm như vậy.

Người thông luật dĩ nhiên là người có học và thông hiểu giáo lý trong đạo. Nhưng hiểu mà làm gì nếu không biết đem ra thực hành. Đó là điều Đức Giêsu nhấn mạnh ở đây. Quả thật theo trình tự của văn mạch. Sau khi nghe câu trả lời của người thông luật thì, dù muốn hay không, Đức Giêsu cũng cần có ý kiến về câu trả lời của ông ấy. Nhưng Người lại nói “hãy đi và làm như vậy”. Khi nói thế Đức Giêsu muốn cho chúng ta biết ý muốn của Người. Việc xác định ai là người thân của tôi không nằm trong phạm vi tìm kiếm về mặt lý thuyết. Nhưng điểm quan trọng là thái độ và cách sống của chúng ta. Đây không phải là tiêu chuẩn để xác định ai là người thân của mình; nhưng đúng hơn đó là tiêu chuẩn để xác định mình có là người thân của người khác hay không? Người thân cận là người có lòng thương xót, biết động lòng thương, biết rung động trước nhu cầu của người khác. Một khi mà hành trang trong cuộc sống của chúng ta còn thiếu những khí cụ như tình yêu, lòng thương xót, thông cảm và tha thứ cho nhau, … thì mình vẫn xa lạ với chính mình và chưa là người thân của ai hết.

Việc áp dụng lời mời gọi “hãy đi và làm như vậy” của Đức Giêsu hôm nay không phải là điều dễ thực hiện. Nhất là trong những năm gần đây, các hành động thể hiện sự quan tâm và săn sóc của chúng ta dành cho những người bị nạn cũng có thể bị coi là các hành vi lạm dụng. Cho nên, để phòng hờ, chúng ta lại nghiêng về một thái độ cực đoan khác. Đó là nếu thấy ai té ngã trên đường mà chúng ta không có bổn phận thì cũng nên thận trọng trong việc giúp đỡ khi cần đụng chạm đến người đó, nhất là người bị nạn là trẻ em, chúng ta dễ dàng bị vu cáo là vi phạm vào các tiêu chuẩn chức nghiệp làm tổn hại đến người khác. Quả thật không biết đường nào để ứng xử. Gần gũi quá cũng bị hiểu lầm. Không gần gũi thì làm sao thể hiện sự quan tâm đây! Đúng là vàng thau lẫn lộn… Tuy chúng ta cần đến sự khôn ngoan để thẩm định. Nhưng xét cho cùng, nếu chúng ta chẳng còn biết tin vào ai thì việc xác định ‘người thân’ lại càng khó khăn hơn.

Người Sa-ma-ri-a vốn bị liệt vào hàng ngoại giáo, sống ngoài luồng. Hầu hết những người Sa-ma-ri-a đều bị coi là những người xấu. Vậy các cụm từ ‘tốt lành, nhân hậu’ trong tiêu đề của dụ ngôn này ở đâu mà ra. Phải chăng, chúng ta tặng cho họ danh hiệu đó vì các việc làm nhân hậu phát sinh từ một trái tim biết rung cảm trước những khổ đau của tha nhân, biết ‘động lòng thương’ nên ông ta đã trở thành mẫu mực cho những ai tự nhận mình là môn đệ của Đức Giêsu.

Trong vuơng quốc của Đức Giêsu thì tất cả đều bình đẳng, không phân biệt giai cấp. Không ai bị lên án. Tất cả đều có chỗ đứng và không ai bị loại ra ngoài. Họ có chung một mẫu số là ‘động lòng thương’. Đó là nền tảng duy trì các mối tương quan và là sợi dây nối kết họ thành cộng đoàn. Đối tượng của họ không hạn hẹp trong mối quan hệ huyết thống, nhưng được mở ra cho tất cả mọi người. Thế giới của họ rất rộng, vì đối với họ thì ai cũng là người thân.

Người thân cận nhất của họ lại là chính bản thân họ. Thay vì sầu não, buồn phiền và cứ bị dằn vặt về những lỗi phạm được xét dựa vào tính khắc kỷ và những tiêu chuẩn khắt khe của lề luật. Họ nên mở ra để đón nhận tình thương yêu của Thiên Chúa để sống vui tươi hơn. Chúa rất hài lòng đồng bước với những yếu hèn phát sinh từ sự mỏng dòn của thân phận làm người và Người sẽ dìu chúng ta bước đi.

Vẫn biết yêu thương mình đã khó. Nhưng được làm môn đệ của Chúa là một hồng ân, và sống trong kho tàng của nguồn suối yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi ra khỏi chính mình để yêu thương người khác. Đây chính là mẫu mực Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi trao đổi lòng mến cho nhau và cho nhân loại. Tình yêu chỉ trở nên sung mãn khi chúng ta dám ra khỏi mình. Và cũng chỉ trong tình trạng sống như thế thì Thiên Chúa mới có cơ hội ‘bơm’ tình thương của Người vào trong ta.

            Thưa anh chị em,

Ra khỏi mình để đến với người khác là khởi điểm của hành trình ‘hãy đi và làm như vậy’. Đó là con đường duy nhất để tôi làm chứng cho nhân loại biết tất cả đều là người thân của tôi.

Chúng ta hãy trở lại với trình thuật của dụ ngôn. Người thân cận không phải là người nửa sống nửa chết, nằm bên vệ đường, đang cần được chăm sóc. Nhưng là người Sa-ma-ri-a biết ‘động lòng’ trước cảnh khốn cùng của kẻ bị (cuộc đời) cướp đi gần như tất cả những gì ông có.

            Không chỉ là người Sa-ma-ri-a mà thôi. Ngay cả chúng ta nữa. Nếu ai ai cũng có tấm lòng như thế thì dù bất cứ ai coi họ là kẻ thù, nhưng với họ thì chẳng ai là kẻ thù hết. Tất cả đều là người thân của họ. Tất cả những người mà họ gặp trên hành trình sống đều là đối tượng để họ ban phát và ‘động lòng thương’. Đây chính là khoản luật cao trọng mà Đức Giêsu đã dậy Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn thứ nhất, là: ngươi phải yêu người như chính mình”. (Mt 22,37-39) Và qua việc ‘động lòng thương’ chúng ta không chỉ hàn gắn và chữa lành các vết đau của tha nhân mà là chính Chúa, như Lời Chúa phán: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. (Mt 25: 40)

Vì vậy, hãy ra đi và ‘động lòng thương’ bởi vì ai cũng là người thân của mình. Tất cả chúng ta, không phân biệt giới tính, chủng tộc, địa vị, mầu da hay tín ngưỡng... đều là hình ảnh và thành viên của gia đình mà người Cha chung là Thiên Chúa. Tất cả đều xứng đáng thừa hưởng sự kính trọng và yêu thương của chúng ta. Giữa chúng ta không có định kiến hay thù ghét, chỉ có thông cảm và yêu thương. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta vẫn chưa thực hiện trọn vẹn những yêu cầu của Chúa hôm nay. Với ân sủng của Chúa, chúng ta có thể tiến lại gần các nạn nhân, với niềm kính trọng, như người Sa-ma-ri-a đã làm.

Hãy đi và làm như Chúa đã làm là điều Chúa muốn chúng ta thực hiện hôm nay rồi chúng ta sẽ đạt được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Amen!



Thursday, 4 July 2019

BÌNH AN CHO ANH CHỊ EM!



Cùng với Đức Giê-su và các môn đệ, chúng ta trên đường tiến về Giê-ru-sa-lem, đỉnh cao của sứ vụ, để thông chia cuộc khổ nạn và sự chết của Người. Trên con đường đó, Đức Giê-su đã ghé vào làng Samaria và người ta đã từ chối tiếp đón Người. Cho dù như thế, Đức Giê-su vẫn tiếp tục hành trình, Người và các môn đệ đã đi sang làng khác và trên lối đi này, Đức Giê-su đã gặp ba người muốn đi theo Người. Nhưng họ lại vịn vào các lý do, dường như rất hợp lý, để sắp xếp dự định làm môn đệ theo tiêu chuẩn của họ. Vì thế, nhân cơ hội này, Đức Giê-su đã đưa ra những yêu cầu mà người môn đệ của Người cần phải có.

Tiếp theo các điều kiện cần có để theo Chúa là bài tường thuật mô tả việc Đức Giê-su sai nhóm Bẩy Mươi Hai môn đệ ra đi. Sứ mạng của họ không dễ dàng, họ được sai đi giống như chiên vào giữa đàn sói. Người khuyên bảo họ không nên chất quá nhiều những thứ không cần thiết, không mang theo túi tiền, bao bị và giầy dép; nhất là không lãng phí thời gian trên đường đi và gấp rút đến những nơi có những người sẵn sàng đón tiếp các ông. 

Những lời khuyên ‘từ bỏ’ của Đức Giê-su hôm nay nói lên tính cách khẩn thiết của việc rao giảng Tin Mừng. Điều quan trọng nhất mà người môn đệ cần có là tấm lòng. Tấm lòng gắn bó với Chúa và tha nhân. Từ mối quan hệ đó, chúng ta ý thức và chấp nhận giới hạn của chính mình để cần sự dậy bảo của Chúa, sự trợ giúp của cộng đoàn mà hoàn thành nhiệm vụ đã được Chúa trao phó. Khi đã có tinh thần và thái độ nhẹ nhàng không dính bén như thế, chúng ta thanh thản thi hành sứ vụ.

Sứ vụ bao gồm việc làm và lời nói. Dĩ nhiên lời nói và việc làm của người môn đệ phải hợp nhất. Việc làm là giới thiệu Nước Thiên Chúa đã đến gần. Đức Giê-su sai nhóm Bẩy Mươi Hai đi vào các nơi mà Người sẽ đến. Bổn phận của họ là giới thiệu và chuẩn bị cho việc Đức Giê-su sẽ đến. Họ không phải là Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa ở đây ám chỉ đến sự hiện diện của Đức Giê-su. Người chính là dấu chỉ biểu hiện  Vương quyền của Thiên Chúa. Còn sứ điệp mà các môn đệ đem đến cho người nghe là gì?

Hãy nghe Chúa phán với các môn đệ khi các con vào nhà nào thì hãy nói bình an cho họ trước tiên, sau đó loan báo cho họ biết Triều Đại Nước Thiên Chúa đã đến gần. Chúng ta nên để ý rằng, Đức Giê-su không hề nói các môn đệ hãy thẩm định hay đánh giá xem đối tượng mà các môn đệ trao ban bình an là ai? Họ có phải là con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham hay không? Họ có tuân thủ những điều mà lề luật dậy bảo để xứng đáng đón nhận tin vui mà Người mang đến hay không? Họ có phải là tín hữu hay không? Không cần biết họ là ai. Chúng ta chỉ cần biết là họ mở lòng ra đón tiếp. Còn chúng ta vừa bước chân vào nhà của họ thì việc đầu tiên cần làm là trao cho họ sự bình an.         
     
Như vậy, theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay, mỗi khi chúng ta đến với người khác, việc đầu tiên chúng ta cần làm là tạo bầu khí an bình giữa ta và họ, có nghĩa là trước khi chia sẻ bình an cho người khác thì các môn đệ của Chúa phải có sự an bình trước. An bình ở đây không thể dựa vào sự khôn ngoan hay tầm hiểu biết của mình. Nó cũng không ám chỉ đến một nơi không có chiến tranh mà thôi. Nhưng bao hàm lòng quảng đại sẵn sàng mở ra để đón nhận nhau. Nó diễn tả tình tương thân tương ái và là nguồn động lực thúc đẩy chúng ta, những môn đệ của Chúa, ra đi để chia sẻ cho người khác niềm vui và sự bình an đó. Họ là một phần của chúng ta, sự hiện diện của họ khiến chúng ta được trọn vẹn và đầy đủ hơn.

Nếu nơi đó không có sự bình an thì sự bình an đó sẽ trở về với chúng ta. Làm thế nào giải thích điều này đây? Bởi vì, một mặt chúng ta cầu chúc và đem bình an đến cho họ, mặt khác yêu cầu họ phải sẵn sàng để tiếp nhận. Hình như có một chút ép buộc! Sau đây là một hình ảnh có thể giúp anh chị em hiểu được phần nào ý nghĩa của việc trao ban và đón nhận bình an nói trên.

Ngày nay với nền tiến bộ của y khoa. Sự sống của con người có thể được kéo dài qua các cuộc ghép tim, thay gan hay một cơ phận nào đó của cơ thể. Trước tiên cần người hiến tặng. Nhưng cơ phận của người hiến tặng phải được chấp nhận bởi người nhận nữa; bằng không thì cuộc ghép cơ phận cũng không thành công. Cũng giống như thế; người môn đệ đã có bình an; nhưng người môn đệ không thể ép ai phải nhận sự bình an này nếu họ chưa sẵn sàng được hưởng.

Trên thưc tế, làm thế nào có thể trao ban bình an cho những người sẵn lòng đón tiếp chúng ta, trong khi đó chúng ta còn lo lắng quá nhiều về các thứ khác!

Anh chị em thân mến,

Nhìn vào thực trạng của thế giới hiện nay, cho dù có lạc quan đến đâu, chúng ta cũng không thể phủ nhận hiện tại còn rất nhiều nơi cần đến sự an bình của Chúa, dĩ nhiên qua bàn tay và con tim của chúng ta. Khi đối mặt với những bi kịch và thảm họa gây ra bởi chiến tranh và các cuộc khủng bố trên thế giới khiến lòng chúng ta đau nhói. Cũng chỉ vì những bi kịch đó khiến nhiều người phải đi tìm sự sống trong cái chết; họ đã trải qua bao nguy hiểm để tìm chốn an bình. Thế mà với thân phận của những con người tầm trú, họ lại bị khước từ và hất hủi của thế giới khiến họ lâm vào tình trạng thất vọng. Còn bao nhiêu con người đang bị đau khổ vì là nạn nhân của sự bất công và bị lạm dụng. Trước các hiện tượng có vẻ bi quan như thế cũng làm cho chúng ta cảm thấy mình bất lực và tâm hồn bị tan nát. Làm thế nào để có thể đem an bình đến cho họ đây?

Vài năm trước, tôi đã đến dự đám tang của một người mẹ mất đứa con trai cả mà chị gọi là ‘cục cưng của chị’. Đối với chị, cháu là báu vật mà Chúa đã ban tặng. Vì bệnh tâm thần, cháu buồn bã đi tìm lối giải thoát bằng cách tự kết liễu mạng sống mình. Chị đã khóc và than trách Chúa đã không công bằng. Tại sao Chúa đã ban cho anh chị một quà tặng tuyệt vời như thế, rồi lại lấy cháu đi khỏi cuộc dời của chị? Tại sao và tại sao??? Trong hoàn cảnh của chị ta và những người giống như thế, chúng ta làm thế nào để họ cảm nhận được sự an bình mà chúng ta sẵn sàng san sẻ cho họ? Vẫn biết rằng chúng ta đồng cảm với họ; nhưng làm sao có thể giúp họ tìm được an bình khi phải đối diện với nỗi thương tâm như thế? Đối với tôi điều đó rất khó thực hiện.

Có quá nhiều nỗi đau và tổn thương cần được chữa lành để cuộc sống được an bình. Vẫn biết là trách nhiệm mà Chúa trao ban cho chúng ta thật cần thiết; nhưng đã nhiều lần chúng ta vịn vào các lý lẽ như: "Làm thế nào chúng ta có thể đối phó thỏa đáng với mầm mống của sự ác và những nỗi đau mà nó gây ra?" Đối với bản thân của chúng ta thì không thể. Chỉ có Chúa mới có thể mang lại cho chúng ta những gì chúng ta cần. Sức mạnh của Thiên Chúa đã được ban như năng lượng để chúng ta dễ dàng tiếp cận với người khác. Chúa Giêsu ban cho chúng ta Thần Khí của Người và trao bình an cho chúng ta vào buổi sáng Phục Sinh, để chúng ta có thể trở thành sứ giả của an bình.

Như vậy, viêc sai phái Bẩy Mươi Hai môn đệ nhắc nhở và làm sống sứ điệp của Chúa Phục Sinh ban cho các môn đệ và cả chúng ta nữa. Người muốn tặng cho chúng ta món quà này hôm nay và sẽ lưu lại trong cuộc sống của chúng mình luôn mãi. Vì vậy, với con tim an định và một lòng nương tựa vào Chúa, chúng ta sẽ hoàn tất sứ mạng đem bình an mà chúng ta tiếp nhận từ Chúa rồi chia sẻ cho người khác. Hãy đứng dậy bước tiếp để làm chứng nhân cho sự hiện diện của Nước Thiên Chúa và làm cho thế giới của chúng ta đang sống được an bình hơn. Cho dù có ai phải đối diện với các tai ương và những bi kịch trong cuộc sống thì họ vẫn có thể tận hưởng được “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lu-ca 2:14)


Và trong phần kết thúc, Thánh Lu-ca đã mở ra cho chúng ta một kết cục thật đáng suy nghĩ. Đó là việc nhóm Bẩy Mươi Hai trở về hớn hở, hân hoan và vui mừng báo cáo cho Thầy biết về thành quả mà các ông đã đạt được. Việc làm của các ông đã khiến cho Sa-tan phải sa xuống. Các môn đệ đã chiến thắng thần dữ. Tuy nhiên, đó không phải là điều làm cho các môn đệ vui mừng. Niềm vui của người môn đệ không dựa trên thành quả của công tác và cũng không căn cứ trên con số đông người tham dự để nghe anh em giảng thuyết hay đọc bài anh em viết. Nhưng, hãy vui lên vì tên anh em đã được ghi trên trời. Tên được ghi trên trời thì không như việc ghi tên trong sổ vàng để mọi người ca tụng; nhưng qua việc ghi tên, Đức Giê-su muốn ám chỉ đến mối tương quan của các môn đệ với Người. Trong Người, với Người chúng ta cùng vui. Đó là dấu chỉ nói cho thế giới biết rằng Chúa đang hiện diện. Amen!