Cùng với Đức Giê-su và các môn đệ, chúng ta trên đường tiến về
Giê-ru-sa-lem, đỉnh cao của sứ vụ, để thông chia cuộc khổ nạn và sự chết của
Người. Trên con đường đó, Đức Giê-su đã ghé vào làng Samaria và người ta đã từ
chối tiếp đón Người. Cho dù như thế, Đức Giê-su vẫn tiếp tục hành trình, Người
và các môn đệ đã đi sang làng khác và trên lối đi này, Đức Giê-su đã gặp ba người
muốn đi theo Người. Nhưng họ lại vịn vào các lý do, dường như rất hợp lý, để sắp
xếp dự định làm môn đệ theo tiêu chuẩn của họ. Vì thế, nhân cơ hội này, Đức
Giê-su đã đưa ra những yêu cầu mà người môn đệ của Người cần phải có.
Tiếp theo các điều kiện cần có để theo Chúa là bài tường thuật
mô tả việc Đức Giê-su sai nhóm Bẩy Mươi Hai môn đệ ra đi. Sứ mạng của họ không
dễ dàng, họ được sai đi giống như chiên vào giữa đàn sói. Người khuyên bảo họ không
nên chất quá nhiều những thứ không cần thiết, không mang theo túi tiền, bao bị
và giầy dép; nhất là không lãng phí thời gian trên đường đi và gấp rút đến những
nơi có những người sẵn sàng đón tiếp các ông.
Những lời khuyên ‘từ bỏ’ của Đức Giê-su hôm nay nói lên tính
cách khẩn thiết của việc rao giảng Tin Mừng. Điều quan trọng nhất mà người môn
đệ cần có là tấm lòng. Tấm lòng gắn bó với Chúa và tha nhân. Từ mối quan hệ đó,
chúng ta ý thức và chấp nhận giới hạn của chính mình để cần sự dậy bảo của Chúa,
sự trợ giúp của cộng đoàn mà hoàn thành nhiệm vụ đã được Chúa trao phó. Khi đã
có tinh thần và thái độ nhẹ nhàng không dính bén như thế, chúng ta thanh thản
thi hành sứ vụ.
Sứ vụ bao gồm việc làm và lời nói. Dĩ nhiên lời nói và việc
làm của người môn đệ phải hợp nhất. Việc làm là giới thiệu Nước Thiên Chúa đã đến
gần. Đức Giê-su sai nhóm Bẩy Mươi Hai đi vào các nơi mà Người sẽ đến. Bổn phận
của họ là giới thiệu và chuẩn bị cho việc Đức Giê-su sẽ đến. Họ không phải là
Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa ở đây ám chỉ đến sự hiện diện của Đức Giê-su.
Người chính là dấu chỉ biểu hiện Vương
quyền của Thiên Chúa. Còn sứ điệp mà các môn đệ đem đến cho người nghe là gì?
Hãy nghe Chúa phán với các môn đệ khi các con vào nhà nào thì
hãy nói bình an cho họ trước tiên, sau đó loan báo cho họ biết Triều Đại Nước
Thiên Chúa đã đến gần. Chúng ta nên để ý rằng, Đức Giê-su không hề nói các môn
đệ hãy thẩm định hay đánh giá xem đối tượng mà các môn đệ trao ban bình an là
ai? Họ có phải là con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham hay không? Họ có tuân thủ những
điều mà lề luật dậy bảo để xứng đáng đón nhận tin vui mà Người mang đến hay
không? Họ có phải là tín hữu hay không? Không cần biết họ là ai. Chúng ta chỉ cần
biết là họ mở lòng ra đón tiếp. Còn chúng ta vừa bước chân vào nhà của họ thì
việc đầu tiên cần làm là trao cho họ sự bình an.
Như vậy, theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay, mỗi khi
chúng ta đến với người khác, việc đầu tiên chúng ta cần làm là tạo bầu khí an
bình giữa ta và họ, có nghĩa là trước khi chia sẻ bình an cho người khác thì
các môn đệ của Chúa phải có sự an bình trước. An bình ở đây không thể dựa vào sự
khôn ngoan hay tầm hiểu biết của mình. Nó cũng không ám chỉ đến một nơi không
có chiến tranh mà thôi. Nhưng bao hàm lòng quảng đại sẵn sàng mở ra để đón nhận
nhau. Nó diễn tả tình tương thân tương ái và là nguồn động lực thúc đẩy chúng ta,
những môn đệ của Chúa, ra đi để chia sẻ cho người khác niềm vui và sự bình an
đó. Họ là một phần của chúng ta, sự hiện diện của họ khiến chúng ta được trọn vẹn
và đầy đủ hơn.
Nếu nơi đó không có sự bình an thì sự bình an đó sẽ trở về với
chúng ta. Làm thế nào giải thích điều này đây? Bởi vì, một mặt chúng ta cầu
chúc và đem bình an đến cho họ, mặt khác yêu cầu họ phải sẵn sàng để tiếp nhận.
Hình như có một chút ép buộc! Sau đây là một hình ảnh có thể giúp anh chị em hiểu
được phần nào ý nghĩa của việc trao ban và đón nhận bình an nói trên.
Ngày nay với nền tiến bộ của y khoa. Sự sống của con người có
thể được kéo dài qua các cuộc ghép tim, thay gan hay một cơ phận nào đó của cơ
thể. Trước tiên cần người hiến tặng. Nhưng cơ phận của người hiến tặng phải được
chấp nhận bởi người nhận nữa; bằng không thì cuộc ghép cơ phận cũng không thành
công. Cũng giống như thế; người môn đệ đã có bình an; nhưng người môn đệ không
thể ép ai phải nhận sự bình an này nếu họ chưa sẵn sàng được hưởng.
Trên thưc tế, làm thế nào có thể trao ban bình an cho những
người sẵn lòng đón tiếp chúng ta, trong khi đó chúng ta còn lo lắng quá nhiều về
các thứ khác!
Anh chị em thân mến,
Nhìn vào thực trạng của thế giới hiện nay, cho dù có lạc quan
đến đâu, chúng ta cũng không thể phủ nhận hiện tại còn rất nhiều nơi cần đến sự
an bình của Chúa, dĩ nhiên qua bàn tay và con tim của chúng ta. Khi đối mặt với
những bi kịch và thảm họa gây ra bởi chiến tranh và các cuộc khủng bố trên thế
giới khiến lòng chúng ta đau nhói. Cũng chỉ vì những bi kịch đó khiến nhiều người
phải đi tìm sự sống trong cái chết; họ đã trải qua bao nguy hiểm để tìm chốn an
bình. Thế mà với thân phận của những con người tầm trú, họ lại bị khước từ và hất
hủi của thế giới khiến họ lâm vào tình trạng thất vọng. Còn bao nhiêu con người
đang bị đau khổ vì là nạn nhân của sự bất công và bị lạm dụng. Trước các hiện
tượng có vẻ bi quan như thế cũng làm cho chúng ta cảm thấy mình bất lực và tâm
hồn bị tan nát. Làm thế nào để có thể đem an bình đến cho họ đây?
Vài năm trước, tôi đã đến dự đám tang của một người mẹ mất đứa
con trai cả mà chị gọi là ‘cục cưng của chị’. Đối với chị, cháu là báu vật mà
Chúa đã ban tặng. Vì bệnh tâm thần, cháu buồn bã đi tìm lối giải thoát bằng
cách tự kết liễu mạng sống mình. Chị đã khóc và than trách Chúa đã không công bằng.
Tại sao Chúa đã ban cho anh chị một quà tặng tuyệt vời như thế, rồi lại lấy
cháu đi khỏi cuộc dời của chị? Tại sao và tại sao??? Trong hoàn cảnh của chị ta
và những người giống như thế, chúng ta làm thế nào để họ cảm nhận được sự an
bình mà chúng ta sẵn sàng san sẻ cho họ? Vẫn biết rằng chúng ta đồng cảm với họ;
nhưng làm sao có thể giúp họ tìm được an bình khi phải đối diện với nỗi thương
tâm như thế? Đối với tôi điều đó rất khó thực hiện.
Có quá nhiều nỗi đau và tổn thương cần được chữa lành để cuộc
sống được an bình. Vẫn biết là trách nhiệm mà Chúa trao ban cho chúng ta thật cần
thiết; nhưng đã nhiều lần chúng ta vịn vào các lý lẽ như: "Làm thế nào
chúng ta có thể đối phó thỏa đáng với mầm mống của sự ác và những nỗi đau mà nó
gây ra?" Đối với bản thân của chúng ta thì không thể. Chỉ có Chúa mới có
thể mang lại cho chúng ta những gì chúng ta cần. Sức mạnh của Thiên Chúa đã được
ban như năng lượng để chúng ta dễ dàng tiếp cận với người khác. Chúa Giêsu ban
cho chúng ta Thần Khí của Người và trao bình an cho chúng ta vào buổi sáng Phục
Sinh, để chúng ta có thể trở thành sứ giả của an bình.
Như vậy, viêc sai phái Bẩy Mươi Hai môn đệ nhắc nhở và làm sống
sứ điệp của Chúa Phục Sinh ban cho các môn đệ và cả chúng ta nữa. Người muốn tặng
cho chúng ta món quà này hôm nay và sẽ lưu lại trong cuộc sống của chúng mình
luôn mãi. Vì vậy, với con tim an định và một lòng nương tựa vào Chúa, chúng ta
sẽ hoàn tất sứ mạng đem bình an mà chúng ta tiếp nhận từ Chúa rồi chia sẻ cho
người khác. Hãy đứng dậy bước tiếp để làm chứng nhân cho sự hiện diện của Nước
Thiên Chúa và làm cho thế giới của chúng ta đang sống được an bình hơn. Cho dù
có ai phải đối diện với các tai ương và những bi kịch trong cuộc sống thì họ vẫn
có thể tận hưởng được “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lu-ca
2:14)
Và trong phần kết thúc, Thánh Lu-ca đã mở ra cho chúng ta một
kết cục thật đáng suy nghĩ. Đó là việc nhóm Bẩy Mươi Hai trở về hớn hở, hân
hoan và vui mừng báo cáo cho Thầy biết về thành quả mà các ông đã đạt được. Việc
làm của các ông đã khiến cho Sa-tan phải sa xuống. Các môn đệ đã chiến thắng thần
dữ. Tuy nhiên, đó không phải là điều làm cho các môn đệ vui mừng. Niềm vui của
người môn đệ không dựa trên thành quả của công tác và cũng không căn cứ trên con
số đông người tham dự để nghe anh em giảng thuyết hay đọc bài anh em viết.
Nhưng, hãy vui lên vì tên anh em đã được ghi trên trời. Tên được ghi trên trời
thì không như việc ghi tên trong sổ vàng để mọi người ca tụng; nhưng qua việc
ghi tên, Đức Giê-su muốn ám chỉ đến mối tương quan của các môn đệ với Người.
Trong Người, với Người chúng ta cùng vui. Đó là dấu chỉ nói cho thế giới biết rằng
Chúa đang hiện diện. Amen!
No comments:
Post a Comment