Thursday, 22 August 2019

CỬA CÀNG HẸP CÀNG AN TOÀN



Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục nói về cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem của Đức Giê-su. Trên đường đi đã có kẻ hỏi Người rằng “Thưa Thầy, phải chăng chỉ có một số rất ít người được cứu thoát thôi?”

Lời phỏng đoán của ông về số người sẽ được cứu thoát trong bài Tin Mừng có thể là thái độ sống của một số người trong chúng ta. Hiện nay, có những người thờ ơ với tôn giáo đến độ không cần hỏi ai sẽ cứu mình và làm sao để được cứu nữa. Họ sống buông thả, sống theo ước muốn và chiều theo các nhu cầu của bản thân. Vui là chính, không cần biết đến ai khác, ngoại trừ bản thân. Con người chạy theo lối sống tục hóa càng ngày càng nhiều. Không biết “khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Ở đây, Đức Giê-su đã không trả lời trực tiếp là có bao nhiêu người sẽ được cứu độ. Người đã dùng hình ảnh ‘cánh cửa hẹp’ mời gọi chúng ta bước vào. Rồi Đức Giê-su nói tiếp rằng sẽ có rất nhiều người chiến đấu để vượt qua ngưỡng cửa để vào mà không vào được vì quá yếu; và rồi sẽ có rất nhiều người sẽ bị khước từ không được phép vào mà phải đứng bên ngoài cửa.

Hình ảnh cửa hẹp mà Đức Giê-su dùng ở đây khiến tôi nhớ đến một hiện tượng thường xẩy ra vào ngày ‘Boxing Day’; ngày mà các trung tâm thương mại đại hạ giá các món hàng được trưng bầy trong dịp Giáng Sinh. Vào buổi sáng tinh mơ của ngày 26 tháng 12, người ta chờ chực và chen lấn nhau để khi cánh cửa tại các trung tâm mua bán vừa mở ra thì họ ùa vào như đàn ong vỡ tổ. Hình ảnh này nói lên tinh thần chiến đấu của những người mê shopping và chuộng của rẻ.

Kinh nghiệm trong cuộc sống dậy chúng ta luôn cảnh báo để chộp cơ hội. Một khi cơ hội đã vuột khỏi tầm tay thì coi như bị loại. Trên con đường theo chân Chúa, chúng ta cần phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều. Không thể nói và dựa vào ước muốn của chúng ta là đủ. Không ai có thể tự cứu mình. Ngưỡng cửa vẫn hiện diện. Không ai khiêng và quăng chúng ta vào. Cần có phần đáp trả bằng thái độ tự nguyện của con người. Không thể thụ động!

Hãy chiến đấu để bước qua cửa hẹp mà vào, đó là Lời Đức Giê-su phán dậy hôm nay. Căn cứ vào Lời Người phán, chúng ta thường để ý và suy diễn để tìm ra cửa hẹp ở đâu? Làm cách nào để bước vào? Rồi từ đó liệt kê ra một số việc cần làm, những hành động phải hy sinh; các khoản luật cần chu toàn; những điều cần từ bỏ, v.v… Nói chung, làm tất cả để thu gọn vóc dáng sao cho vừa với kích thước của cánh cửa.

Đức Giê-su trong bài Tin Mừng nói với chúng ta hãy qua cửa hẹp mà vào. Ở một nơi khác. Đức Giê-su nói Người chính là cánh cửa. Con đường và cuộc sống của Người là lối đi hẹp. Ngay từ những ngày đầu tiên, Đức Giê-su đã chọn lối sống hy sinh, từ bỏ, phó thác, sống làm vui lòng Cha.  

Con đường hẹp dẫn Đức Giê-su đến cái chết. Thật là ngược đời; nhưng đó lại là ý định của Chúa Cha, Đấng yêu thương nhân loại đến độ không tiếc hy sinh Con của Ngài để thiết lập vương quốc tình yêu qua sự chết. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa hoàn toàn khác xa với tính toán của con người. Đó là sự khôn ngoan đem đến cho con người sự sống đến từ cái chết. Đức Giêsu nói với chúng ta rằng hạt giống phải chết thì mới sinh nhiều hoa trái trái. Trong vương quốc của Đức Giê-su thì người nghèo được chúc phúc, những người đau khổ sẽ vui mừng. Thành viên của Nước đó được mời gọi tha cho kẻ thù và làm ơn cho ai oán ghét mình. Tất cả các điều ấy đã được thể hiện trong cuộc đời của Đức Giê-su, một cánh cửa hẹp của Thiên Chúa.

Đây không phải là những điều làm cho con người cảm thấy bị lôi cuốn và hấp dẫn người ta. Đó là nghịch lý, khác hẳn với quan niệm của thế gian; nhưng đối với những kẻ tin, những ai đang theo Chúa thì qua ‘cánh cửa hẹp mở ra một con đường gian khổ’ này lại chứa đựng một niềm hạnh phúc vô biên và đích thực.

Do đó tất cả những ai đã gặp Người, theo chân Người đều cảm nghiệm được điều đó. Bằng chính cuộc sống cũng như các lời giảng dậy, Đức Giêsu đã là Tin Vui cho người nghèo, những kẻ thấp cổ bé miệng, bị bỏ rơi và thân phận không được tôn trọng. Người đã không chỉ giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi mà thôi, nhưng còn lôi họ ra khỏi sự giam cầm của thứ luật lệ đã giam hãm và làm mất đi phẩm giá của họ. Từ sự giải thoát ấy, họ cảm nghiệm được lối sống phát sinh từ sự tự do của ân sủng nơi Người. Người chính là cánh cửa hồng ân của Thiên Chúa ban cho nhân loại để những ai bước qua ngưỡng cửa đó sẽ trở thành suối nguồn hồng ân cho tha nhân.

Như vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi nhận ra việc Đức Giê-su đã chẳng cho chúng ta biết về nhưng điều cần thiết phải chu toàn để có thể bước qua ngưỡng cửa mà vào. Thay vì giúp chúng ta có câu trả lời rõ ràng; hôm nay, Đức Giê-su lại dùng hình ảnh của một cánh cửa hẹp để cảnh báo những ai đi theo Người phải nhận ra chính Đức Giê-su là cánh cửa hẹp mà họ không nên bỏ lỡ cơ hội để bước vào.

Muốn bước qua ngưỡng cửa này, con người phải nỗ lực bằng không một khi cơ hội đã vuột mất, chúng ta có thể là kẻ mãi mãi ở bên ngoài. Đó là thái độ sống của một số người, sống cùng thời với Đức Giê-su mà lại không nhận ra Người là cánh cửa hồng ân của Thiên Chúa; họ chỉ dựa vào các đặc quyền như là con cháu Abraham, dòng giống được tuyển chọn, dân riêng Thiên Chúa, như là các điều kiện để được cứu thoát. Họ thiếu lòng tin nên không nhận ra cơ hội hay dấu chỉ mà Thiên Chúa gửi đến.

Giống như họ, chúng ta có thể sẽ mặc cả với Đức Giê-su rằng làm sao Người lại không biết chúng tôi. Chúng tôi đã biết Người, đã nói về Người cho người khác nghe; chúng tôi còn rao truyền cho mọi người biết về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nữa; chúng tôi đã nhận bao nhiêu tình thương; nhất là chắc hẳn Ngài còn nhớ là đã tha cho chúng tôi không chỉ một lần mà hằng ngàn lần… Kể không hết. Nói chung, chúng tôi là những con người xứng đáng; vậy tại sao để chúng tôi đứng ngoài mà gõ cửa mãi thế này? Chưa kể, chính Người đã hứa là ai gõ cửa thì Ngài sẽ mở cho. Như vậy, căn cứ vào lý lịch công giáo ‘đạo gốc’ của chúng tôi, các việc chúng tôi đã làm, những điều chúng tôi đã nói; xin Ngài cho biết tại sao lại bị khước từ và chúng tôi còn phải làm thêm điều gì để xứng đáng bước qua ngưỡng cửa mà vào?

Thưa anh chị em,

Con người ngày nay, nếu còn mải mê sống trong một xã hội mà trong đó cách hành xử qui chiếu về mình. Mục tiêu của tôi là giành chiến thắng. Con đường tôi đi phải đưa tôi lên đỉnh cao, tôi phải được về nhất. Và như thế thì ai sẽ vào được cổng! Cho dù cánh cửa có mở rộng, nhưng chúng ta sẽ chết vì chen nhau.

Cánh cửa hẹp đã được dựng nên. Con người cần tự giác và nhắc nhở nhau rằng: cơ hội đã được dọn sẵn, chúng ta đang trên đường, do đó cần nhường bước, quan tâm và giúp nhau đi vào.

Đức Giê-su là cánh cửa hẹp. Người đã đến, hiện diện và hoàn tất sứ mạng một lần cho tất cả. Người không đến cho một cá nhân nào mà cho tất cả mọi người. Do đó, con người cũng đừng có quan niệm chộp bắt Đức Chúa cho mỗi cá nhân và phe nhóm mình.

Và làm thế nào để bước vào cánh cửa đây? Tự cá nhân mình hay cần sự giúp đỡ của nhau. Các điều này tuy cần nhưng không phải là yếu tố quan trọng và then chốt. Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến mình và phe nhóm mình thì không ai trong chúng ta có thể bước qua ngưỡng cửa mà vào trong được. Cần khôn ngoan, biết quan tâm và đối xử thật đại lượng với nhau thì tất cả có cơ may vượt qua cánh cửa mà vào.

Còn một yếu tố quan trọng nhất mà chúng ta không thể bỏ qua. Hãy nhớ rằng Thiên Chúa của chúng ta là nguồn hy vọng, chúng ta được sống và tồn tại trong lòng nhân ái của Chúa. Do đó, nếu chúng ta vẫn tiếp tục đào sâu các kinh nghiệm thật cụ thể và sống động về sự thiện hảo, tình yêu thương và lòng quảng đại của Thiên Chúa đang được thể hiện nơi bản thân, trong gia đình và giữa cộng đồng thì cho dù cánh cửa hay con đường có hẹp đến đâu chúng ta sẽ không chơi vơi.

Cùng với Người, chúng ta sống trong tự do chứ không bị ép buộc để đến với nhau, trao cho nhau con tim chân thành, biết quí trọng và yêu mến nhau, tay trong tay cùng dắt dìu nhau bước vào. Cho dù cánh cửa có hẹp đến đâu, nhưng có Chúa ở cùng thì chúng ta an tâm mà vững bước. Có Người ở bên, còn quyền lực nào có thể làm cho chúng ta nao núng và sợ hãi nữa đây!

Đó chính là lối sống của những người đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa mà phần cuối của bài Tin Mừng đã nói đến. Họ đến từ bốn phương thiên hạ. Trong khi đó, những người gần nhất, những người tự nhận mình là ‘đạo gốc’, những người tự xưng mình là con cháu Abraham, con cháu của các Thánh Tử Đạo; nhưng lại thờ ơ trong lối sống quan tâm, thiếu bác ái, không dám cho đi, không nhận ra các dấu chỉ nói lên sự can thiệp của Thiên Chúa mà cộng tác; cho nên đã bị loại để nhường chỗ cho những người sẵn sàng hơn để tham dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

Tất cả đều được mời gọi để hoán cải và việc thay đổi lối sống không thể trì hoãn vô thời hạn. Chúng ta phải để cho sứ điệp Lời Chúa chất vấn tính ích kỷ, cách suy nghĩ nhỏ mọn và hành động thiếu quảng đại của chúng ta đối với nhau. Cửa hẹp vẫn là con đường duy nhất giúp chúng ta bước vào. Cửa hẹp sẽ giúp chúng ta lọc đi những thứ không cần thiết mà bước vào Nước Thiên Chúa.

Vì thế, hãy chọn lựa, hãy bắt đầu; vì cơ hội tuy có nhiều nhưng không phải lúc nào cũng có. Đừng để đến lúc cửa đã khóa rồi mới thức tỉnh thì quá trễ! Amen.



Friday, 16 August 2019

LỬA ƠI, HÃY CHÁY BÙNG LÊN!



Trước tiên, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của thời còn là các chú học trò tiểu học. Đi học thì lười, nhưng đến giờ ra chơi thì ai cũng hớn hở. Lúc đó, làm gì có i-phone, i-pad hay các ứng dụng điện tử khác để vui chơi và giải trí. Thay vào đó, chúng ta tụ họp và chia nhóm để vui đùa với nhau. Ai mang số 1 đứng vào một nhóm; tương tự như thế cho những người mang số 2 hoặc số 3. Cứ thế mà chia. Rồi khi lớn lên, mỗi khi tham dự các cuộc hội thảo, chúng ta cũng được chia thành từng nhóm, mỗi nhóm từ 5-10 người để dễ dàng thảo luận. Có nhiều cách thức để phân chia nhóm.

Như vậy, óc não phân chia đã nằm sẵn trong lối sống của chúng ta. Giống thì về cùng một phe. Khác thì đứng sang phe kia. Phe nào cũng là phe. Chúng ta không thể nói những người thuộc phe mình là đúng còn phe bên kia là sai. Cách tiếp nhận của chúng ta cũng khác nhau. Hãy học để tôn trọng sự khác biệt và các sở thích khác của nhau.

Hôm nay, lời tuyên bố của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng làm cho chúng ta ‘bị sốc’. Chúng ta không chỉ ngạc nhiên mà còn giật mình khi nghe Người phán: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” 

Thế giới hiện nay có đủ chia rẽ và phân tranh, như vậy chúng ta có cần dựa vào Lời Chúa hôm nay để hỗ trợ cho lập luận nhằm khuyến khích và bảo vệ các nguyên nhân gây ra chia rẽ hay không? Hơn thế nữa, chúng ta đã thường mạnh dạn tuyên xưng, ít nhất bằng miệng, rằng Chúa là Hoàng Tử Bình An, và trong Người chúng ta tìm được sự an bình và hợp nhất. Như vậy Lời Chúa phán sẽ được giải thích thế nào đây?

Nhìn vào hoàn cảnh thực tế, chúng ta nhận ra một điều là những ai trung thành với ơn gọi ngôn sứ thường không có kết quả tốt. Những lời họ nói, các việc họ làm thường là nguyên nhân xẩy ra các cuộc xung đột. Cõi lòng của họ luôn đừng về phía những người bị áp bức, bị đàn áp, bị bóc lột. Họ lên tiếng để binh vực những người cô thân cô thế; đứng về phía các nạn nhân của những vụ đàn áp, bị lạm dụng về tinh thần và thể xác; Họ còn là điểm tựa, chỗ dựa cho những ai bị tổn thương vì bạo hành. Nói chung, những người nghèo, những con người tất bạt bị xã hội ruồng bỏ lại trở thành những những bạn thiết nghĩa của các ngôn sứ.

Chúng ta không thể quên vai trò của các ngôn sứ trong thời Cựu Ước. Các ngài đã lên tiếng chống lạm dụng và bất công, đứng về phía những ai bị bóc lột, binh vực những con người bị đàn áp. Nói lên tiếng nói của sự thật…  Nói chung, các ngài sống vì người nghèo, cô thân, cô thế …. Lối sống và sứ điệp của các ngài lẽ ra được các nhà lãnh đạo hỗ trợ; trái lại lại nhận được sự chống đối, đôi khi dẫn đến bạo hành và co thể bị thanh trừng; thậm chí họ phải đánh đổi cả mạng sống vì ơn gọi.

Nỗi khó khăn nhất mà các ngôn sứ phải đối diện không xuất phát từ những người có quyền hành trên các ngài, họ phải chiến đấu với những người thân trong gia đình; bởi vì một cách nào đó, những người thân của họ không nhận ra sức mạnh thôi thúc ngôn sứ khiến cho họ phải lên tiếng và hành động theo những gì mà họ đã được thúc đẩy bởi Thiên Chúa. Thế là xẩy ra tình trạng đối kháng ngay trong gia đình. Cứ lẽ tự nhiên thì người càng thân, càng gắn bó với mình bao nhiêu thì sức chống đối lại càng mạnh hơn; bởi vì họ lo cho mình!

Trong thời đại của chúng ta, vào những thập niên gần đây, chúng ta nghe đến các tên như Martin Luther King, Nelson Mandala, và Oscar Romero…. Để bảo vệ cho công lý và hòa bình, nhất là binh vực cho quyền làm người, các ngài đã dùng chính cuộc đời và mạng sống để làm chứng. Lời chứng của các ngôn sứ thường không được những vị lãnh đạo về mặt đời cũng như mặt đạo chấp nhận. Ơn gọi ngôn sứ thật cô đơn. Cái giá mà các ngôn sứ đạt được không phải là sự ủng hộ của bạn đồng nghiệp hay sự hỗ trợ của những ai có quyền; thậm chí họ có thể là nạn nhân của những con người mà họ lên tiếng để bảo vệ nữa.

Đức Giê-su nói cho những ai đang lắng nghe Người nhận biết rằng đón nhận sứ điệp và dấn bước theo Người không phải là việc dễ dàng. Tin Mừng và con người của Đức Giê-su có thể gây ra những phản ứng trái chiều, hay ít nhất gây ra một vài bất đồng cho người đón nhận. Có người hân hoan đón nhận và đem ra áp dụng, lại có người khác vì quyền lợi mà ra sức chống đối. Mỗi người một cách thức đón nhận; không ai giống ai. Đây là sự phân rẽ vì niềm tin, vì lối sống. Không chỉ xẩy ra hôm nay; nhưng đã xuất hiện qua bao thế hệ. Ngay từ thủa Hội Thánh còn trong buổi sơ khai, lẽ ra cần có sự hiệp nhất để bảo vệ nhau; trái lại các tín hữu thường bị chính quyền và những người thân cận của mình ghét bỏ.

Nhìn lại giòng lịch sử, chúng ta hãy can đảm nhìn nhận có sự phân rẽ trong sự hình thành và phát triển các cộng đoàn Ki-tô giáo. Vấn đề hoàn toàn không xuất phát từ các nguyên do tạo ra sự chia rẽ cho bằng cách chúng ta hành xử như thế nào về sự chia rẽ. Giả như nhóm nào cũng chủ trương mình là đúng, và chỉ có mình mới xứng đáng giữ truyền thống và có quyền giải thích các mầu nhiệm trong đạo thì chúng ta lại xem thường sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa nơi các nhóm hay giáo phái khác. Thiên Chúa hiện diện và hoạt động ở khắp nơi, khắp chốn.

Thưa anh chị em,

Nói chung, sự trung thành với giáo huấn và lối sống của Đức Giê-su có thể là nguyên nhân gây ra các cuộc chia rẽ trong suốt lịch sử, và vẫn còn xẩy ra trong thời đại của chúng ta.

Trên khắp thế giới ngày nay có hàng ngàn người sợ nói ra công lý bởi vì nếu họ làm như vậy họ có thể phải đối mặt với guồng máy của những người có thế lực rồi bị tra tấn cho đến chết. Hiện tượng này đặc biệt xẩy ra tại các nước Á Châu, bên Châu Mỹ La Tinh và các nước mà nền dân chủ bị khống chế bởi một số người có ‘máu mặt’.

Các phản ứng giống như thế cũng xẩy ra trong gia đình. Trong cuộc sống gia đình, người phối ngẫu phải đối diện với một tình trạng căng thẳng; một bên là sự tha thứ, bên kia là con tim tan vỡ vì sự bất trung của người bạn đường khi đã có quan hệ bất chính với người khác.

Các bậc làm cha mẹ, như đứng trước ngã ba đường, không biết khi nào cần nghiêm khắc và khi nào dễ dãi với các người con mình. Vẫn biết cuối cùng các bậc phụ huynh cũng nhường bước vì yêu thương các cháu, tuy nhiên sẽ làm cho họ đau thấu tâm can.

Tại nơi làm việc, chúng ta có thể bị đối diện với một bên là tiếng nói của lương tâm, sự thúc đẩy của Tin Mừng hay là chọn thái độ im lặng đồng lõa với tội ác để thăng tiến nghề nghiệp và có thể được thăng chức. Họ phải chọn lựa giữa sự phân tranh đó.

Các sinh hoạt tôn giáo cũng có thể đặt con người vào vị trí phải chọn lựa: đóng góp để xây dựng cơ cấu hay con người. Cách thế nào phục vụ Chúa hữu hiệu hơn?

Lối sống của người tín hữu không bao giờ dễ dàng. Chúng ta luôn được đòi hỏi để vươn lên khỏi các thực tại của trần gian này. Trong khi thi hành nhiệm vụ cao quí này chúng ta được mời gọi như những ngọn lửa được ném vào trái đất để xua tan bóng tối. Muốn đạt được điều này, chúng ta hãy nhìn thẳng về phía trước, nơi Đức Giê-su đang ngự trị và mong chờ sự thành tựu sẽ xẩy ra nơi những gì mà Người đã khởi sự. Hãy nhớ rằng: cho dù gặp khó khăn, nhưng nỗi khổ đau và đối kháng mà chúng ta lĩnh nhận chưa bằng những gì mà Đức Giê-su đã chịu đựng, hầu qua đó chúng ta sẽ khỏi mỏi mệt và thất vọng.

 Là những người theo Đức Giê-su, chúng ta liên tục phải đối diện với các tình huống đòi buộc chúng ta phải lựa chọn giữa thiện và ác, tốt và xấu. Đối mặt với những tình huống như thế chúng ta cần có lòng can đảm và sự khôn ngoan. Và lòng can đảm, sự khôn ngoan và khả năng đối phó với các nghịch lý trong cuộc đời chỉ được tìm thấy trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa mà thôi.


Cầu xin Chúa ban cho chúng ta luôn kiên vững trong sứ mạng, đem chân lý và bình an đến cho nhau, để ngọn lửa mà Đức Giê-su đã ném vào bản thân và cuộc sống của chúng ta được cháy bùng lên luôn mãi. Amen!


Wednesday, 7 August 2019

ĐỪNG SỢ KHI NÀO CHÚA ĐẾN!



Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay là lời khuyên của Đức Giê-su, Người phán “đừng sợ”. Nhưng tại sao lại đừng sợ? Bởi vì Chúa Cha đã vui lòng trao ban Nước của Người cho chúng ta. Đây chính là điều khiến chúng ta phải ngạc nhiên. Nước Thiên Chúa là một quà tặng, là hồng ân cao trọng đã được chuẩn bị qua bao thế hệ và nay được xuất hiện nơi bản thân và sứ vụ của Đức Giê-su thì tại sao chúng ta sợ hãi khi đón nhận vương quốc?

Thật ra, cho dù chúng ta yên tâm về lời hứa của Chúa sẽ được thực hiện, nhưng chúng ta cũng phải cảnh giác và hành động thật mau lẹ để chộp bắt lấy kho tàng là vương quốc. Bởi vì triều đại của Thiên Chúa thường xuất hiện qua những dạng thức mà chúng ta không ngờ, và con người thường tìm thấy Nước Thiên Chúa qua những cách thế không giống như cách thế của thế gian.

Các tiêu chuẩn để nhận ra Nước của Người thì khác với những giá trị của trần gian này. Trong khi con người ở thế giới này quan niệm rằng của cải có thể đem đến cho con người một cuộc sống sung túc và hạnh phúc; thì Đức Giê-su lại khuyên đoàn chiên bé nhỏ của Người là hãy tách mình ra khỏi mọi thứ tham lam của vật chất. Con người ở thế gian này thường đánh giá nhau qua diện mạo bề ngoài; còn Đức Giê-su lại khuyên chúng ta hãy nhìn vào con tim của con người, nơi xuất phát và chỉ đạo mọi hành vi bên ngoài. Kho báu ở đâu thì lòng sẽ ở đó. Nếu con tim của chúng ta dẫy tràn yêu thương thì chúng ta sẽ nhìn thế giới này bằng cặp mắt tràn đầy tình yêu. Ngược lại nếu con tim chúng ta chứa đầy hận thù và ghen ghét thì ghen ghét và hận thù sẽ là cách cư xử của chúng ta dành cho nhau.

Quả thật là chính đáng khi chúng ta đón nhận lời khuyên của Đức Giêsu hôm nay là đừng sống trong các nỗi lo sợ, ngay cả việc lo lắng trông chờ Chúa đến; trái lại Người mời gọi chúng ta hãy vui sống trong những phút giây hiện tại. Với tâm tình biết ơn chúng ta đón nhận tất cả đều là những quà tặng mà Thiên Chúa đã trao, rồi đặt trái tim của chúng ta vào một cuộc đời phục vụ, như Lời Chúa phán hãy bán của cải của mình đi mà chia sẻ cho người khác. Đó là phương thức tốt nhất để tậu cho mình một gia tài không bao giờ bị hao hụt.

Nghe đã khó, thực hành còn khó hơn gấp bội. Đây là một trong những thách đố thật quan trọng. Bởi vì, trên thực tế, chúng ta nên can đảm nhìn nhận rằng lối sống của chúng ta vẫn còn dính bén đến của cải. Người ta thường nói: “Đồng tiền liền khúc ruột”, và như vậy làm sao có thể từ bỏ của cải và những gì thuộc về mình để tậu được Nước Trời. Nhưng, trong thân phận của người môn đệ, chúng ta không thể tránh né mà còn được mời gọi làm gương. Hãy nhớ rằng cuộc sống của chúng ta đang sống chỉ có ý nghĩa khi chúng ta hãy sống để phục vụ người khác trong tình yêu. Vì đây chính là lối sống của những người chọn Nước Trời làm gia nghiệp.

Và đó chính là cách sống mà Đức Giê-su đã khuyến khích các môn đệ phải có trong lúc đón tiếp ngày giờ Chủ trở về. Đức Giê-su đã dùng dụ ngôn mà nói. Dụ ngôn này thường được công bố trong các dịp lễ an táng hay cầu hồn. Mục đích là nhắc nhở chúng ta hãy sống tỉnh thức. Tỉnh thức không như người lính thụ động ngồi ngủ gà ngủ gật canh đồn; nhưng tỉnh thức bằng hành động mà dọn sẵn cho mình một kho tàng trong Nước của Người. Kho tàng đó được tích lũy bởi việc chia sẻ của chúng ta cho nhau. Đó là các việc làm nói lên ý chí quyết tâm sống đời môn đệ, trên hành trình theo Chúa của chúng ta.

Như anh chị em đã từng được nghe về các điều kiện để theo Chúa; nào là phải từ bỏ cha mẹ, họ hàng, bạn hữu, vợ con, từ bỏ mình rồi vác Thập Giá hằng ngày mà theo Chúa. Rồi trên hành trình theo Chúa thì hãy nhớ đừng mang nhiều thứ lỉnh kỉnh, cần nhẹ nhàng và thanh thoát để dành nhiều thời gian và tâm sức cho công việc rao giảng.

Muốn theo Chúa, chúng ta cần nhận biết Chúa. Việc nhận biết Chúa còn khó hơn bội phần. Bởi vì, Chúa thường xuất hiện vào những lúc chúng ta không ngờ. Người chẳng ăn diện theo tiêu chuẩn của quân vương hay hàng ngũ quí tộc. Người đã đến với chúng ta qua hình ảnh của những người nghèo, những bịnh nhân mang mầm mống của các căn bịnh di truyền mà không ai trong chúng ta dám đến gần. Người hiện diện ở những dự án mà chúng ta đã cố gắng nhưng vẫn nếm mùi thất bại. Người đến ở trong các mối quan hệ khiến chúng ta bị tổn thương. Người hiện diện trong cuộc sống của người hàng xóm khó tính. Người hiện diện nơi cuộc sống của những người ăn xin khi họ đến với chúng ta vào lúc tâm hồn và thể xác của chúng ta đã mệt lử, v.v… Người có muôn vàn cách thức để đến, ngay bây giờ. Đừng chờ đến ngày sau hết. Ngay trong mọi giây phút của cuộc sống, chúng ta cần tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi sự để đón tiếp mà gặp Người. Đó là bổn phận phải làm của người môn đệ. Nếu không chu toàn là thiếu bổn phận.

Thế mà cách thức mà ông chủ dành cho người đầy tớ khiến chúng ta ngạc nhiên. Ông chủ có cần biểu lộ thái độ ân cần đối với anh ta như thế hay không? Anh ta chỉ chu toàn bổn phận thôi mà. Điều mà ông chủ hành động khiến chúng ta ngạc nhiên. Ông đã thay đổi vị trí, đảo ngược vai trò. Ông chủ trở về, thay vì đi ngủ hay để cho các gia nhân xúm lại hầu hạ ông, trái lại ông đã thắt lưng, đưa từng người vào bàn ăn, đến bên mà phục vụ họ. Không một ông chủ nào của thế gian có thái độ như thế đối với đầy tớ! Chỉ có ông chủ trong Nước Trời mới có thể từ bỏ mình mà nêu gương hầu hạ như thế.

Cách thức mà ông chủ hành động trong bài Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ lại hành động mà Đức Giê-su đã thực hiện trong Bữa Tiệc Ly. Thay vì để cho các môn đệ rửa chân cho Người thì Người đã hoán đổi vị trí, quì xuống mà rửa chân cho các ông.  Nhờ đó, chúng ta nhận biết rằng người lãnh đạo thật là người phục vụ. Đó là lối sống của những ai thuộc về Nước của Người. Và với những ai có lối sống phục vụ như Đức Giê-su thì họ chẳng còn phải lo âu khi nào Chúa đến. Bởi vì, Chúa đã hiện diện trong mọi sự và với tất cả những gì đang xẩy ra cho những ai thuộc về Người rồi. Amen!



Thursday, 1 August 2019

CÁCH THỨC LÀM GIẦU TỐT NHẤT



Nghe xong dụ ngôn hôm nay, các thương gia và những người có đầu óc thương mại sẽ có câu hỏi rằng: “Ông phú hộ trong dụ ngôn đã làm gì sai để bị chê là đồ ngốc.” Bán cái ngốc của ông ta cũng đủ cho nhiều người khỏi cảnh chết đói và sống phủ phê cho đến hết đời.

Ông là một nhà doanh nghiệp khôn ngoan, biết tính toán để làm giầu và lo cho tương lai của cuộc sống. Sau những ngày tháng long đong vất vả, chạy ngược chạy xuôi trên thương trường, chưa kể đến những đêm mất ngủ để theo dõi giá cả thị trường, rồi cũng có một ngày, khi mọi sự đã ổn định, đến lúc đó ông ngồi xuống mà tính toán sao cho cuộc sống được thư dãn và thanh thản để chuẩn bị về hưu. Ông có thể là một gương mẫu cho chúng ta noi theo. Và như thế ông đâu có làm gì sai!

Tuy nhiên, hôm nay sau khi đọc lại bản văn thêm vài lần, tôi mới nhận ra có một chi tiết thật quan trọng mà ông phú hộ lập đi lập lại, đó là ông quên sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng làm chủ mạng sống và trao ban cho ông những gì ông đang có. Ông nhắc đi và nói lại chủ từ tôi. Ông tự nói với chính tôi. Tôi nên làm gì khi tôi không có chỗ để chứa gia sản của tôi nữa? Tôi sẽ làm điều này. Tôi sẽ xây thêm chỗ để lưu trữ và tôi sẽ nói với linh hồn của tôi… Tôi và tôi, rồi chỉ có tôi mà lại quên Chúa và anh em.

Người phú hộ trong bài Tin Mừng có mọi sự; nhưng quên một điều là không bầy tỏ lòng tri ân đối với Thiên Chúa và những ai đã giúp ông có được sản nghiệp như thế. Ông ta có dư thừa lương thực nhưng thiếu lòng quảng đại chia sẻ cho người khác để còn có chỗ mà chất thêm hoa lợi. Ông ta ngủ quên trên các thành tựu, mà quên rằng ngay cả sự sống, sức khỏe, năng lực, trí thông minh, óc khôn ngoan…; nói chung tất cả đều là quà tặng của Thiên Chúa chứ đâu phải của riêng ông. Vì thế, Chúa đã ban thì Chúa có thể lấy đi được!

Ai trong chúng ta đã không biết rằng của cải đâu mua được hạnh phúc. Tiền của có thể mua được bảo hiểm sức khỏe; nhưng không tạo cho chúng ta nguồn sức mạnh. Chẳng có nguồn của cải nào có thể bảo đảm chúng ta không bị đau ốm hay thoát khỏi bi thương và mất mát. Tiền bạc là một trong các yếu tố quan trọng để giữ cho gia đình được hạnh phúc, nhưng không ai mua được hạnh phúc bằng tiền. Trên thực tế, tiền của có thể là nguyên nhân tạo ra sự tranh chấp trong gia đình như đã được nhắc đến trong phần đầu của dụ ngôn hôm nay.

Như vậy, dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay không nhắm đến việc chúng ta cần chuẩn bị cho cuộc sống của mình trong tương lai như thế nào. Chúa không cấm chúng ta có một cuộc sống an nhàn sau những ngày tháng long đong và vất vả. Điều mà Chúa muốn nhắn là cách chọn lựa ưu tiên trong cuộc sống: Thiên Chúa và Tiền bạc, ai là chủ. Chúng ta cần học để biết mà sử dụng các ân huệ của Chúa sao cho được sung túc và sinh nhiều hoa lợi, không cho bản thân, mà là cho Chúa và tha nhân.

Trong tinh thần đó, và nhất là trong những ngày đang chuẩn bị mừng lễ Thánh tổ phụ An Phong, Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế mà tôi vô cùng vinh dự được gọi ngài là cha. Cha ở đây không phải là danh xưng để ám chỉ Thiên Chúa, cho bằng nói lên mối dây tương quan trong gia đình linh tông, những con người cùng đón nhận một đặc sủng và cùng san sẻ một chí hướng, đó là phục vụ người nghèo và được tin mừng hóa bởi họ.

Khi nhìn lại lịch sử của Cha Thánh An Phong, ai trong chúng ta cũng đều nhận định rằng vụ thua kiện đã làm thay đổi lối suy nghĩ và chọn lựa lối sống của Thánh An Phong. Thật ra, không chỉ là như thế. Một vụ kiện đã được xếp đặt và có kết quả trước khi bắt đầu phiên tòa thì ai là trạng sư biện hộ cũng thế. Hơn nữa, giả như vì thế mà Thánh An Phong thay đổi lối sống thì cũng là chọn lựa để làm linh mục. Vào lúc xẩy ra vụ thua kiện, không có sử liệu nào giúp chúng ta xác định Ngài đã có ý định lập Dòng Chúa Cứu Thế?

Trước tiên ngài là linh mục triều. Trong khi chia sẻ tác vụ mục tử, ngài đã đến với các nhóm bị bỏ rơi. Họ tụ họp thành từng nhóm, không ở nhà thờ, thậm chí cũng không có người hướng dẫn. Ngoài việc đó ra, ngài còn phục vụ những con người bị tổn thương bởi các căn bịnh nan y, chưa có cách chữa trị, trong các bịnh viện. Một cách nào đó, ngài đã cảm nhận tình trạng khốn cùng của người nghèo, những tâm hồn tất bạt, những con người bị tổn thương. Sau nhiều ngày tháng miệt mài nhiệt tâm phục vụ tại các họ đạo khiến ngài bị kiệt sức. Vì thế bác sĩ buộc ngài và các bạn đồng hành phải đi dưỡng sức tại Scala thuộc xứ Naples. Vị trí và phong cảnh của Scala thật trữ tình, nó nằm trên một ngọn núi hướng ra mặt biển, không khí thật trong lành. Quả là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, phong cảnh trữ tình và không khí trong lành như thế cũng không quyến rũ được ngài. Trái lại, chính những ngọn gió đó đã làm thay đổi đời ngài. Vì vừa đến nơi Thánh An Phong đã nhận thấy những người nông dân, kẻ chăn chiên và dân chúng tại Scala bị bỏ rơi. Cho dù số giáo sĩ tại vương quốc Naples không thiếu. Dựa trên một bản thống kê tương đối chính xác thì tại Naples có 130 giám mục, 56000 linh mục triều, 31000 nam tu sĩ (bao gồm các cha và các thầy), và 26000 nữ tu; nhưng không một ai được sai đến để lo cho họ.

Với bối cảnh như thế, thay vì nghỉ ngơi, cha An phong và các bạn đồng hành lập tức dậy dỗ và chuẩn bị cho họ lĩnh nhận các bí tích. Nghe tiếng ngài, dân chúng thuộc các vùng lân cận lũ lượt kéo đến để nghe giảng dậy. Qua kinh nghiệm này, ngài nhận rõ con đường phải đi nên đã sáng lập một nhà dòng, gọi là Dòng Chúa Cứu Thế, một hội dòng lo cho những người bị bỏ rơi, những người nghèo khó.

Khi ghi lại những suy tư này để nhận ra rằng cha Thánh An Phong đã được thấm nhuần tinh thần bài Tin Mừng hôm nay. Cuộc đời và thân thế của Ngài giống như ông phú hộ trong bài Tin Mừng. Tuy nhiên, Ngài đã không sử dụng tài năng, trí tuệ, ơn khôn ngoan để phục vụ ý riêng và làm giầu cho bản thân, cho bằng cho Chúa và tha nhân, nhất là những con người bị hai guồng máy chính trị và tôn giáo lúc bấy giờ bỏ rơi họ.

Để nhận ra tâm hồn của Ngài dành cho họ, chúng ta hãnh diện là những người con có đặc sủng như Ngài thì cũng phải khám phá ra rằng nếu không có sự phù trợ của Ngài thì chúng ta sẽ không cảm nhận được sự đổi thay mà người nghèo đem đến cho chúng ta. Họ là quà tặng mà Thiên Chúa đã dùng để cảm hóa chúng ta.

Tuy môi trường xã hội và lịch sử thời của Ngài khác với chúng ta; nhưng phương thức phục vụ và tiếp nhận người nghèo của Ngài rất phù hợp với hoàn cảnh và cuộc sống của chúng ta. Tất cả đều được xuất phát từ Thần Khí của Thiên Chúa, không phải là sáng kiến của bản thân mình. Ngài đã được Thần khí Thiên Chúa hướng dẫn và thúc đẩy để ra khỏi mình mà đến với người nghèo. Lời Chúa phán “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” đã được ứng nghiệm nơi Cha Thánh.

 Ngài là người cha không dùng luật lệ để cư sử với con cái. Ngài đến với họ bằng cõi lòng của Thiên Chúa, một trái tim yêu thương và được yêu thương. Ngài không coi thường thân phận của họ; trái lại Ngài đã len lỏi vào hoàn cảnh cuộc sống thực tế của họ rồi đỡ họ chỗi dậy, và bằng các bài giáo lý, Ngài giúp họ nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng hiện diện và binh vực những người nghèo.

Tóm lại, không giống ông phú hộ trong dụ ngôn, đã tham lam chỉ biết nghĩ đến mình, nên có thể sẽ mất tất cả. Cha Thánh An Phong đã nhận ra những gì Ngài có là bởi Thiên Chúa, nên thay vì bủn xỉn, keo kiệt và tham lam, Ngài đã cho đi tất cả và chỉ lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa mà thôi. Chúng ta thật hãnh diện có một người cha đã dốc hết sức lực cho công việc phục vụ, nhất là những người nghèo. 


Hãy trao cho Ngài con tim của chúng ta, tức khắc Ngài sẽ biến nó thành trái tim nhậy cảm trước các nhu cầu của tha nhân, nhất là nhậy cảm trước hoàn cảnh của những con người, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đang dẫy dụa và sống trong hoàn cảnh bị tổn thương. Xin cho con cõi lòng và Thần Khí tác động của Chúa như Cha Thánh đã có và chia sẻ cho chúng con. Amen!