Friday, 27 September 2019

BỔN PHẬN VỚI NGƯỜI NGHÈO



Dụ ngôn nói về lối sống nhung lụa của ông phú hộ và cảnh nghèo hèn đói khát của La-da-rô hôm nay như một tiếng chuông báo động, nhắc nhở, cảnh tỉnh lối sống vô tâm và vô cảm của chúng ta. Trong dụ ngôn, Đức Giê-su giới thiệu hai nhân vật: Người giàu không có tên, còn ông nghèo hèn kia, tên là La-da-rô. Một nghịch lý, vì theo thói đời, những người giầu có quyền quí mới được khắc tên trên bia đá, bảng vàng để mọi người ghi nhớ; còn có ai dư giờ, rỗi hơi mà ghi tên những người nghèo. Chỉ mình Chúa quan tâm, thương yêu và hay bênh vực họ.

 Trình thuật mô tả hai cảnh đời trái ngược nhau. Chúa không hề nói đến cách làm giàu của ông phú hộ; và cũng không hề ca tụng cảnh nghèo của La-da-rô. Không có chỗ nào nói La-da-rô là một con người nhân đức, anh chỉ được giới thiệu là một người nghèo. Cũng vậy, không có chỗ nào nói ông nhà giầu là kẻ ác ôn, đã vơ vét của cải một cách mờ ám, đã chiếm đoạt, đã bóc lột một cách bất chính, đã lợi dụng hay ngược đãi La-da-rô. Chúa cũng không bảo La-da-rô là người đức hạnh và ông nhà giầu là người xấu xa. Chỉ đơn giản, ông nhà giầu là người giầu, La-da-rô là người nghèo.

Ông nhà giầu đã không nhìn thấy La-da-rô nghèo đói khốn cùng, đang nằm ở ngoài cổng. Giữa họ có một khoảng cách. Khoảng cách không phát sinh từ hoàn cảnh;cho bằng thái độ sống và cách chọn lựa: Lòng vô cảm, không quan tâm của ông nhà giầu.

Giải thích thế nào cũng không vượt qua đuợc trọng tâm mà dụ ngôn muốn gửi đến: Nếu chúng ta không quan tâm, giúp đỡ, thương yêu người nghèo hèn thì chúng ta không còn là bạn của Đức Giê-su nữa.

Vẫn biết sứ điệp thật rõ ràng. Nhưng áp dụng vào hoàn cảnh thực tế không dễ dàng.
Khi còn làm việc tại trung tâm Hoan Thiện, một cơ sở công giáo của người Việt tại Keysborough và các vùng phụ cận thuộc về phía nam của thành phố Melbourne. Tôi thường gặp những hoàn cảnh thật khó xử. Có những người đến xin được giúp đỡ. Dân Việt mình thì xin chứng giấy tờ, bảo đảm đức hạnh. Còn những người khác, người thì xin tiền, kẻ khác đổ xăng hay trả tiền thiếu hụt thuê nhà, v.v.

Lòng thì muốn giúp, thế nhưng đầu óc, kinh nghiệm và những lời khuyên của các vị lão luyện trong việc mục vụ làm tôi chần chừ. Cuối cùng, tôi cũng tìm cách thoái thác và gửi họ đến các văn phòng xã hội lo cho người nghèo, như văn phòng của hội bác ái St. Vincent de Paul. Tuy giải quyết xong vấn nạn. Nhưng lòng tôi cảm thấy không thoải mái khi tiễn chân họ ra khỏi trung tâm. Cách hành xử như thế, tuy là có chút khôn khéo, chưa hẳn là khôn ngoan.

Thật ra, không ai muốn nghèo. Cảnh nghèo thúc đẩy con người không còn chọn lựa; ngay cả nhân phẩm và tư cách cũng có thể bị đổi chác. Tôi còn nhớ rất rõ những gì đã chứng kiến trong chuyến đầu về thăm quê hương vào năm 2005.

Số là sau khi hoàn tất những công việc cần làm. Vào buổi sáng cuối cùng của chuyến viếng thăm đó, thay vì vào nhà dòng, chúng tôi ‘tự thưởng’ cho mình một bữa sáng tại khách sạn. Món ăn thua được cung cấp tại khách sạn không bằng các phần ăn đạm bạc nhưng đầy tình anh em trong nhà dòng. Chỉ được một điều là không khí trang trọng, lịch sự. Khách sạn mà. Đang vui vẻ ba hoa với cha bề trên. Lòng tôi chùng hẳn xuống khi nhìn thấy một nhóm các cô gái, đóan chừng còn rất trẻ, chưa đến 20, đang ôm vai, bá cổ, nhõng nhẹo với mấy người ngọai quốc. Lúc đó, tôi có chia sẻ với cha bề trên rằng. Không hiểu tôi sẽ suy nghĩ và phản ứng thế nào nếu một trong các cô gái đó là con cháu của tôi!

Thưa anh chị em,

Như đã trình bầy ở trên; trọng tâm và sứ điệp của dụ ngôn là việc chia sẻ mối dây yêu thương và lòng quan tâm của chúng ta dành cho người nghèo. Nhưng điều này không chỉ bị hạn hẹp trong việc chia sẻ tiền bạc, cơm bánh mà thôi.
Còn hơn thế nữa.

Tác giả của dụ ngôn truớc tiên nhắm đến những người biệt phái. Chúng ta đừng quên cộng đòan mà Thánh Lu-ca là một cộng đòan dân ngọai gốc Hy lạp. Tuy nhiên, cũng có một số gốc biệt phái. Họ chủ truơng rằng sự giầu sang, thịnh vuợng mà họ đang thụ hưởng là phần thưởng và dấu chỉ mà Thiên Chúa phải trao ban để tưởng thưởng cho các việc lành phúc đức và lối sống chu tòan lề luật của họ. Còn đám dân ngọai kia biết gì về Chúa. Sự hiểu biết thiển cận của họ về lề luật của Chúa nói lên tình trạng nghèo nàn của họ. Trong con mắt của những người biệt phái thì đám dân nghèo đó thật đáng khinh. Họ giống như La-da-rô, ngồi bên ngoài nhà tại cổng ra vào để chờ chực phần ăn rơi rớt từ trên bàn tiệc của những nguời biệt phái vậy.

Quan niệm của những người biệt phái thật sai lầm. Thiên Chúa của Đức Giê-su không hành động như thế. Tất cả mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Con người thật đáng yêu đáng mến. Không có việc lọai trừ hay phân chia giai cấp dựa trên tiêu chuẩn giầu hay nghèo, sang hay hèn. Tất cả đều bình đẳng trong tương quan với Thiên Chúa.
Thánh Phaolô nói rằng không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giê-su. Vì vậy, chúng ta được mời gọi để nhận ra, để nhìn thấy Chúa Giê-su trong nhau, và cũng nhận ra các giá trị thiêng liêng qua việc chia sẻ vật chất dành cho người khác. Và chỉ trong mối dây tương quan mật thiết luôn nghĩ đến nhau, luôn quan tâm cho nhau mới giúp chúng ta lắp đầy hố sâu ngăn cách vì vô tâm, vị kỷ để nối kết con người lại gần nhau hơn, và trở thành một gia đình mà chính Chúa là nguời Cha duy nhất.

Đó là mối quan hệ mà Chúa Giê-su mời gọi chúng ta xây dựng.

Vì vậy, bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta buớc ra khỏi tình trạng an tòan trong cuộc sống để ra đi bằng việc làm hàn gắn các hố sâu ngăn cách và kết nối con người lại với nhau. Chúng ta không cần chờ đến sau khi chết mới thấy hậu quả của cuộc sống “vô cảm, vô tâm” của ông phú hộ trong dụ ngôn hôm nay. Ngay đời này. Mấy ai sống trong nhung lụa mà thấy hạnh phúc. Họ đang tự chôn mình trong nỗi cô đơn mà chính họ tạo ra.

Như vậy, dụ ngôn không hề có ý mô tả cuộc sống mai sau. Dụ ngôn muốn nói rằng cuộc sống hiện tại của mấy ông nhà giầu cho dù có sướng thật, nhưng chưa hẳn là một cuộc sống có giá trị. Sự hiện diện của người nghèo không phải là một gánh nặng trong cuộc sống của ông; trái lại qua những người nghèo, mấy ông nhà giầu phải nhận ra rằng cuộc sống của họ đang thụ hưởng chỉ đem lại hạnh phúc đích thật nếu họ biết chia sẻ, xây dựng mối dây thân ái, tạo sự hiệp thông bằng việc làm như những lời vàng ngọc mà chúng ta đã nghe trong phần Lời Chúa của tuần trước là hãy dùng tiền của bất chính mà gây nhân nghĩa. Nhân nghĩa là xây dựng đền thờ trong tâm hồn con người… Nhưng hình như, uớc muốn của các người nghèo như La-da-rô trong bài Tin Mừng hôm nay không đuợc đáp ứng; và như vậy số phận của ông nhà giầu coi như đã được quyết định.  

Còn chúng ta thì sao?

Không có ai, kể cả người chết sống lại, có thể buộc chúng ta phải yêu mến. Lời Chúa, lề luật và các ngôn sứ đã được gửi đến. Mặc khải đã có sẵn. Đức Giê-su đã đến. Việc đón nhận để áp dụng vào trong cuộc sống là bổn phận của chúng ta.


Vực sâu lớn nhất của cuộc đời là ích kỷ, là vô cảm, là vô tâm và chỉ biết đến bản thân. Vì thế, chỉ có việc quan tâm, để ý đến nhu cầu của người khác mới có thể tạo nên những nhịp cầu, những lối đi dẫn con người đến sự hiệp thông, đến tình liên đới. Khi biết để ý đến người khác, dù chỉ là nụ cười, đôi lời tâm sự, vài phút bên nhau … tất cả đều là dấu chỉ mà Thiên Chúa gửi đến. Và, trong Chúa tất cả đều dễ thương, tất cả đều trở thành cơ hội để hành động. Vì thế, đừng sống vô tâm, đừng đến với nhau như những người vô cảm. Còn rất nhiều La-da-rô trong xã hội, trong lòng Hội Thánh. Họ đang chờ chúng ta băng bó, sưởi ấm để cho thế giới bớt băng giá hơn. Ai trong chúng ta cũng nghèo. Nhận ra tình trạng nghèo của bản thân để biết rằng: chỉ có trong Chúa chúng ta mới giàu có, chỉ có trong Chúa chúng ta mới làm được những gì mà Chúa muốn. Amen!



Thursday, 19 September 2019

XỬ DỤNG TIỀN CỦA THẾ NÀO?



Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật thứ hai mười lăm mùa thường niên mời gọi chúng ta đối diện với một vấn đề rất quen thuộc và vô cùng quan trọng trong lối sống của người môn đệ. Chúng ta cần học để xử dụng của cải như thế nào?
Tiền của có đó. Nhưng cách làm ra tiền và cách xử dụng luôn là những vấn đề then chốt trong cuộc sống của tín hữu. Tiền của có thể là đầy tớ, khi khác lại là ông chủ chi phối cuộc sống của người môn đệ. Nó gần gũi và gắn liền với cuộc sống của chúng ta đến độ đã có nhiều người nói “đồng tiền liền khúc ruột.”  Chúng ta không thể coi thường nó.
Nhìn lại lịch sử và xem lối sống của những người chung quanh, chúng ta khám phá ra một điều thật lạ. Bởi vì có hàng triệu, triệu người đã và đang tin vào tình thương cứu độ của Chúa; rồi lại có hàng hàng lớp lớp những người trẻ có, già có nối đuôi nhau ra đi tham gia vào các công tác thiện nguyện, cứu trợ người nghèo… Thế mà số người chết đói và sống trong cảnh thiếu ăn thiếu mặc vẫn không thuyên giảm! Tài sản mà Thiên Chúa trao ban cho con người thuộc về ai? Chúng ta đã xử dụng nó vào mục tiêu nào? Cho cá nhân hay cho việc chung?
Đối với các tín hữu, chúng ta được dậy là cuộc sống của chúng ta không chỉ lệ thuộc vào tiền của; và tiền bạc cũng không là mục đích tối hậu mà chúng ta nhắm đến. Toàn bộ con người và cuộc sống của chúng ta là để và dành cho việc phục vụ Nước Trời.
Nói thì dễ, làm rất khó. Nhưng đó là bổn phận. Nói chưa đủ, phải làm vì không làm không được.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca tiếp tục thách thức những người tham lam và những ai chỉ biết đến tiền và tiền. Trước tiên chúng ta nghe một dụ ngôn tuy đơn giản, nhưng lại đưa ra nhiều điều hơi khó hiểu. Dụ ngôn nói về tình trạng của một vị quản lý bị tố cáo đã phản bội và không xử lý tốt tài sản của chủ nhân. Ông ta bị chủ cho nghỉ việc. Trước khi bị đuổi việc, ông có thời gian để hoàn bị sổ sách với chủ của mình. Trước quyết định như bị sét đánh, ông quản lý không một chút hoảng hốt, bình tĩnh ngồi lại để suy nghĩ và tính toán cho tương lai mình. Ông bèn nghĩ đến việc thực hiện một vài cuộc giao dịch với các con nợ của chủ ông.
Theo luật Môi-sen và để bảo vệ cho nhóm người nghèo thì người Do Thái không được phép cho cho vay ăn lãi. Tuy nhiên, nếu họ tìm ra được chứng cớ công nhận những khoản cho vay là những vật liệu mà người vay không nằm trong tình trạng cấp bách để dùng thì được quyền tính lời. Vì thế, trong dụ ngôn hôm nay chúng ta thấy dầu và lúa được đề cập; vì nhà nào mà không còn chút ít dầu và lúa để dùng; đây là những thứ dùng để dự trữ, không phải là những vật liệu cứu đói; nên ông quản lý được quyền tính lời. Như vậy, việc giảm thu lãi mà người quản lý làm trong dụ ngôn cũng không làm thiệt hại tài sản của ông chủ.
Bằng cách tính toán này, ông quản lý đã chuẩn bị cho giai đoạn hoạn nạn sau khi bị chủ đuổi; ông sẽ có thêm nhiều bạn hữu, họ sẽ nhớ đến ân tình mà cư xử tốt với ông sau này. Còn phía ông chủ, khi phát hiện ra điều này, khen ngợi sự khôn khéo của viên quản lý.
Đức Giê-su kết thúc dụ ngôn bằng lời khẳng định rằng những người tội lỗi của thế hệ này trong cách cư xử với nhau thì khôn khéo hơn con cái của ánh sáng. Sau đó, Người khuyên chúng ta hãy xử dụng tiền của, tự nó đã là vật bất chính, như một cách để tạo lấy bạn bè, phòng lúc bất trắc, khi lâm vào cảnh cùng cực, thì có người sẽ đưa tay ra để đón rước và dẫn chúng ta vào nơi vĩnh cửu.

Tiền của, tự nó đã có mãnh lực như một vị thần, nhưng khi chúng ta biết làm chủ thì nó không thể điều khiển tâm trí và lối sống của chúng ta; lúc đó tiền của lại có thể làm nên những điều lợi và tuyệt vời. Con cái ánh sáng là những người cố gắng sống theo hướng tốt lành và thiện hảo. Là những người con của sự sáng, chúng ta được mời gọi sống khôn ngoan và chân thật về cách xử dụng những hồng ân đã được ban tặng hầu mưu cầu ích lợi bền vững và lâu dài sau này. Hãy luôn ghi nhớ rằng chúng ta, tất cả, đều là những đầy tớ vô dụng chỉ biết thực hiện nhưng điều Chủ sai khiến.
Quả thật, câu chuyện trong dụ ngôn tuy có nhiều điểm khó giải thích, nhưng lại nêu lên một vấn đề căn bản trong cuộc sống của người tín hữu là cần phải khôn ngoan khi dùng những ân huệ mà chúng ta đã lĩnh nhận. Làm giầu bằng cách cho đi thì ích lợi hơn là lối sống đầu cơ tích lũy ân sủng cho công nghiệp riêng mình.
Viên quản lý đã bất chính trong việc xử dụng tài sản của ông chủ. Nhưng theo Đức Giê-su thì ông lại khôn khéo khi dùng việc giảm thiểu phân lời để tạo thêm tình bạn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là phương thức giải quyết khó khăn tạm thời. Người môn đệ của Chúa phải học để biết cách xử dụng tiền của cho mục tiêu dài hạn theo ý của chủ. Đây mới là điều quan trọng mà chúng ta cần đạt được.
Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta quyền trông coi tài sản của Ngài. Chúng ta chỉ thi hành bổn phận của người quản lý. Một người quản lý trung tín là người biết coi sóc và lệ thuộc vào ông chủ. Chúng ta không xử dụng tài nguyên, năng lực như của riêng, nhưng phải theo ý của chủ. Phải biết tính lời cho chủ chúng ta. Như thế, không chỉ tiền của mà là mọi sự chúng ta có được nhằm cho người khác. Chúng ta chỉ là những tá điền trong vườn nho của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng nên thừa nhận rằng lòng tham là sức mạnh cám dỗ chúng ta trở thành những kẻ lệ thuộc thay vì làm chủ tiền của. Không ai có thể làm tôi hai chủ được. Chúng ta cần học để biết mà sử dụng các ân huệ của Chúa sao cho được sung túc và sinh nhiều hoa lợi, không cho bản thân, mà là cho Chúa và tha nhân. Nói cách khác, một khi chúng ta dấn thân vì nước Trời thì tiền của, năng lực, con người và toàn bộ cuộc sống của chúng ta cũng chỉ là dụng cụ cho việc phục vụ tha nhân theo tiêu chuẩn của Nước Thiên Chúa mà thôi. Amen


Thursday, 12 September 2019

MẤT, TÌM THẤY VÀ VUI MỪNG VÌ CHÚA THƯƠNG TA.



Bài Tin Mừng hôm nay bao gồm ba dụ ngôn: dụ ngôn con chiên bị lạc, dụ ngôn đồng bạc bị mất và dụ ngôn người cha nhân hậu. Chủ đề chính của các dụ ngôn nói về lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót là căn tính đích thực của Thiên Chúa, Đấng luôn thương yêu con người. Lòng thương xót của Thiên Chúa không lệ thuộc vào thái độ của con người. Người yêu và bộc lộ lòng thương xót vì Người là Thiên Chúa.

Vẫn biết là Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài không thể tách rời. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận ra rằng mạc khải về lòng thương xót của Thiên Chúa được diễn tả qua kinh nghiệm sống và tiến trình của dân Ít ra-en trong thời Cựu Ước, được hoàn tất bởi sứ điệp và sứ mạng của Đức Giê-su và vẫn còn hiện diện trong cuộc sống của từng tín hữu và cộng đoàn mà họ thuộc về.

Lịch sử của dân tộc Ít-ra-en cũng bình thường như lịch sử của con người qua muôn thế hệ, đó là một tiến trình đi từ thái độ bất tuân đến hối cải rồi vâng phục, đi từ mất mát đến tìm được, đổ vỡ rồi hàn gắn; vòng tròn đó cứ được lập đi lập lại theo dòng lịch sử của dân Ít-ra-en và của chúng ta hôm nay. Sự tương phản giữa tấm lòng khoan dung, nhân hậu hay thương xót của Thiên Chúa với sự đố kỵ, hẹp hòi hay ghen tương của con người được mô tả thật sống động trong các dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe hôm nay.

Như vậy, thái độ và cách cư xử của những người đồng thời với Đức Giê-su về việc Người làm bạn và cùng ăn uống với những kẻ tội lỗi khiến cho chúng ta phải suy nghĩ; như họ, chúng ta cũng đã cư xử với nhau như thế. Vì thế, sứ điệp của các dụ ngôn không chỉ nói cho họ hôm xưa, mà là cho chúng ta, những kẻ vừa nghe Lời Chúa trong mọi thời đại. Chúng ta cần đổi lòng để nhận ra việc Thiên Chúa thương xót ta dường bao. Những gì mà Đức Giê-su đã nói cho họ thì Người cũng muốn tỏ bầy cho chúng ta. Đức Giê-su muốn mời gọi chúng ta đổi lòng để nhận ra tấm lòng đầy nhân ái và trọn vẹn tình thương xót của Người dành cho chúng ta.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, một lần nữa, chúng ta lại được nghe những lời của Đức Giê-su về lòng thương xót của Thiên Chúa đang hiện diện nơi bản thân Người. Trước mặt Thiên Chúa của Đức Giê-su, ai trong chúng ta cũng đáng được coi trọng. Người không coi thường ai. Không ai có thể thay thế ai. Chín mươi chín con đang sống yên lành cũng không được coi trọng hơn một con chiên bị lạc. Chưa kể đến mức độ nguy hiểm có thể xẩy ra khi chiên được chăn theo bầy; biết đâu, một con chiên bị lạc lại không kéo các con khác cùng đi theo.

Lòng thương xót mạnh mẽ và bao dung biết bao khi người chăn chiên dám điên khùng để lo tìm cho được con chiên đã lạc đàn về với bầy. Chỉ có Thiên Chúa của Đức Giê-su mới có con tim điên rồ và không tính toán vì lòng thương xót của Ngài vĩ đại hơn việc tính toán hơn thiệt giữa số một và số chín mươi chín, số nào lớn hơn!

Tương tự như thế, Thiên Chúa của Đức Giê-su hành động giống như bà nhà quê trong dụ ngôn hôm nay. Bà bị mất chỉ một đồng xu; thế mà đã thắp đèn, quét nhà, lục lọi để tìm kiếm cho được đồng tiền mà bà ấy đã bị mất. Không lẽ đồng xu này lại có giá trị hơn các đồng xu khác chăng? Không hẳn như thế; nhưng chắc một điều là nếu bà không tìm thấy đồng tiền bị mất thì các đồng xu kia cũng chỉ là những đồng tiền rời rạc trong một sâu chuỗi bị đứt. Vì thế, bà ta phải tìm, không chỉ vì giá trị của đồng xu, cho bằng sự nối kết của các đồng xu và tâm tình vui mừng khi bà tìm thấy.

Mặc dù Thánh sử không hề nói với chúng ta về hành động tìm kiếm của bà ấy, nhưng tôi tin rằng bà lục lọi kiếm tìm trong hy vọng là sẽ tìm thấy đồng tiền bị mất. Và, đáng cho chúng ta phải nể phục khi khám phá việc bà gọi bạn bè và hàng xóm đến để ăn mừng. Niềm vui khi tìm thấy có giá trị hơn đồng tiền bị mất.

Vì vậy, điểm mà Lu-ca muốn chúng ta lấy từ bài Tin Mừng hôm nay không nhấn mạnh vào hành động tìm kiếm của bà ta, cho bằng sự kết hợp giữa tinh thần vui vẻ của bà và trái tim rộng mở mà bà muốn chia sẻ với người khác. Tương tự như vậy, Thánh sử cho chúng ta biết các thiên thần của Thiên Chúa cũng vô cùng hân hoan và vui mừng khi một người tội lỗi biết ăn năn trở về.

Và điều này cũng thật xác đáng khi chúng ta áp dụng vào hoàn cảnh của gia đình mà một thành viên bỏ nhà ra đi. Gia đình sẽ mất đi bầu khí gia đình mỗi khi nhớ đến hình ảnh và dáng vẻ của người đã ra đi. Lòng thương xót của Chúa là như thế. Lúc nào cũng ngóng trông và chờ đợi sự hiện diện bằng xương bằng thịt của người vắng mặt. Có tâm trạng như thế, chúng ta mới hiểu được nỗi vui mừng khi gặp lại người đã bị mất.

Chúa Giêsu xử dụng các câu chuyện này để giải thích cho những người Pha-ri-siêu và cho mỗi người chúng ta hiểu rõ lý do tại sao mà Người lại mở lòng ra đón nhận những người tội lỗi và đồng bàn với họ. Tất cả đều có kinh nghiệm này, con chiên bị lạc, đồng xu bị mất và việc đi lạc của câu con thứ đều không quan trọng bằng hành động tìm kiếm và niềm vui khi được tìm thấy.

Thưa anh chị em,

Khi suy niệm tới đây, tôi nhớ lại biến cố đã xẩy ra cho 12 thành viên và vị huấn luyện viên của đội bóng bị lạc, mất liên lạc vì trận lụt bất ngờ xẩy đến quá nhanh tại thạch động Tham Luang , thành phố Chiang Rai bên Thái Lan, vào tháng 6 và tháng 7 năm 2018 vừa qua. Sau bao nhiêu nỗ lực của các nhân viên thuộc các cơ quan thiện nguyện, những nhà hảo tâm và các chuyên viên, cộng thêm với sự may mắn, cuối cùng các cháu đã được cứu thoát. Không chỉ cha mẹ và gia đình các em mà hầu như toàn thể thế giới đều vui mừng và thở phào nhẹ nhõm sau khi chứng kiến trên màn hình cảnh cháu bé cuối cùng của đội bóng được cứu thoát vào ngày 10 tháng 7 năm 2018.

Sự kiện nói trên cùng với sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay giúp cho tôi sống trong hy vọng rằng cho dù bản thân và cuộc sống của tôi có ra sao, Chúa vẫn yêu thương và săn sóc tôi. Chúng ta không bị ruồng bỏ mãi mãi, cho dù đã phạm lỗi lầm. Trái lại hãy nhận ra ngay trong giây phút bị mất hướng, đi lạc hay bị đổ vỡ Chúa vẫn đang ôm ấp chúng ta trong tình yêu và lòng thương xót của Người.

Còn hơn thế nữa, thật là một điều vô cùng khích lệ khi nhận biết rằng Chúa vẫn yêu tôi khi tôi thường xuyên nghĩ và nói hành nói tỏi, thậm chí nói xấu người khác. Chúa vẫn yêu và thương xót tôi khi tôi, dù đã chọn đi theo Chúa, nhưng vẫn quên đặt Chúa làm trung tâm của cuộc đời mình. Chúa còn yêu và thương xót tôi khi tôi nhân danh Chúa và lạm dụng chức vụ để yêu cầu người khác phục vụ và hầu hạ mình, sao đó lại nhắm mắt làm ngơ trước các nhu cầu khẩn thiết cần giúp đỡ của người khác. Chúa vẫn hãnh diện về những việc tôi làm, trong khi đó tôi lại hợm mình, khoe khoang và kể lể những thành tích để đòi tưởng thưởng.

Đó là những điều có thể liệt kê, còn nhiều điều giống như thế và có thể còn nhiều hơn thế nữa. Tuy nhiên, những điều này cũng không làm cho tôi mất đi niềm hy vọng để nhận ra rằng chính nhờ các khuyết điểm này sẽ giúp cho tôi biết mình là ai và đang ở đâu trong mối quan hệ với Đức Giêsu. Tôi tin rằng Người rất vui mừng đón tiếp tôi khi tôi ăn năn, lên đường và trở về với Người.

Các dụ ngôn hôm nay cho thấy rằng chúng ta không chỉ là những người lạc lối mà Đức Giê-su bỏ công sức ra tìm cho bằng được, mà chúng ta còn phải thể hiện và chia sẻ sự quan tâm, mối dây liên lạc và hành động tìm kiếm của chúng ta dành cho những người bị lạc, thậm chí những người chưa phải là thành viên tích cực của cộng đoàn chúng ta. Chúng ta được mời gọi sống sứ điệp của Tin Mừng, như là các sứ giả của lòng thương xót, bằng cách mở rộng mối quan tâm yêu thương và hỗ trợ cho những người chưa có kinh nghiệm về niềm vui gặp lại Chúa như chúng ta.

Niềm vui thúc đẩy niềm vui. Thật vậy, chúng ta hãy chia sẻ niềm vui được Chúa tìm thấy cho nhau. Đây sẽ là một kinh nghiệm sống thật tuyệt vời mà không ai có thể giữ cho riêng mình mà cần phải san sẻ cho nhau.

Thưa anh chị em,

Sau cùng, giống như hai dụ ngôn đầu, nếu dụ ngôn người cha nhân hậu dừng lại ở cảnh ăn mừng ngày cậu con thứ đoàn tụ với gia đình thì vui biết mấy. Đức Giê-su tuy vui, nhưng Người vẫn còn nhớ rằng Người đang nói dụ ngôn này cho ai.

Hình ảnh của người con cả tượng trưng cho chín mươi chín người công chính. Họ là nhóm người đề cao lối sống hoàn hảo dựa vào lề luật như là con đường duy nhất để tiến bước trên con đường nên thánh. Từ đó, họ mải mê khoe khoang về bản thân họ là những người tốt, về việc đối xử đại lương và rộng tay ban phát của họ, và việc thường xuyên tham dự các nghi thức phụng tự và đóng góp công sức của họ vào nhà thờ như thế nào. Họ nghĩ và chủ quan cho rằng chỉ có họ mới là người hoàn hảo và vạch đường cho người khác bước theo. Nhưng lại quên rằng trước mặt Chúa, mọi người đều là những kẻ khó nghèo. Sự giầu có và hoàn hảo giả như có đạt được cũng là hồng ân, là quà tặng của Thiên Chúa ban cho. Bởi vì họ không biết việc đó nên họ mới ngạo mạn; họ là những người sống trong nhà mà không biết mình thuộc về nhà. Họ đã mất mối dây hiệp thông gia đình ngay khi còn ở trong nhà. Anh con cả là đại diện cho nhóm người này. Anh chưa bao giờ có cảm nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa cho nên không hề biết xót thương và thông cảm cho chú em!

Sau cùng, qua các dụ ngôn hôm nay, chúng ta khám phá sự khờ dại của Thiên Chúa khi thể hiện tình yêu thương. Ai trong chúng ta lại dại dột mà bỏ chín mươi chín con chiên để chỉ đi tìm một con chiên lạc, biết đâu khi tìm được con này lại mất con kia. Ai mà chịu hao phí thời gian có khi đáng giá hơn một đồng xu chỉ để tìm lại có một đồng thôi, rồi còn chịu tốn kém trong việc tổ chức tiệc tùng mời người khác chia vui. Nhưng Thiên Chúa của Đức Giêsu và cũng là Thiên Chúa của chúng ta lại cư xử một cách dại dột như thế.

Qua các dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn công bố rằng Thiên Chúa, Cha của Ngài là Đấng giầu lòng thương xót, chậm bất bình và tràn đầy ân sủng. Đức Giê-su vô cùng vui mừng khi người tội lỗi biết ăn năn hối cải, trở về đường ngay nẻo chính, về nhà, tức là trở về tổ ấm yêu thương – đâu có tình yêu thương thì đó là nhà của Thiên Chúa.

Vì thế, khi tiếp xúc và đồng bàn với những người tội lỗi, những con người bị bỏ rơi, nghèo đói và những người bị luật lệ lên án là tội nhân..., Đức Giêsu đã không đi ngược lại với giáo huấn của Người, nhưng còn làm sáng tỏ lời giảng dậy bằng chính lối sống của Người nữa.

Cuối cùng, chúng ta phải xác tín và nhớ rằng Thiên Chúa không bao giờ quên con người. Lòng thương xót của Thiên Chúa trường tồn qua muôn thế hệ. Có cảm nhận được như thế, chúng ta mới không đối xử hẹp hòi với nhau, trái lại sẽ thương xót nhau như Chúa hằng xót thương và không muốn một ai trong chúng ta bị hư đi. Amen!

TỪ BỎ, NÓI HAY LÀM. ĐIỀU NÀO TỐT HƠN?



Khi đọc xong bài Tin Mừng hôm nay, tôi cảm thấy lo sợ; vì những huấn lịnh và các yêu cầu của Chúa dành cho các môn đệ quả thật quá khó khăn. Xét bản thân, tôi nhận ra mình chưa làm được gì, đó là chưa kể đến những lần lạm dụng và vi phạm huấn lịnh của Chúa truyền. Đấm ngực nói lên lòng ăn năn một lần chưa đủ, ngàn lần cũng chưa xong. Vậy làm thế nào?

Có thật Chúa yêu cầu tôi phải dứt bỏ (hay ghét) thành viên trong gia đình và cả bản thân mình rồi mới theo Chúa hay không? Thế nào, lại chẳng có người khuyên tôi là đừng giải thích và hiểu bản văn theo nghĩa đen. Đức Giê-su không khắt khe và yêu cầu con người thực hiện điều mà mình không bao giờ làm được đâu! Hơn thế nữa, nếu thân bằng quyến thuộc mà mình không thương thì ai tin vào tình thương của mình là chân thật nữa?

Nhìn vào hoàn cảnh thực tế và cách cư xử của chúng ta dành cho các đấng các bậc mà chúng ta xếp họ vào lớp người ‘dâng mình cho Chúa’. Sự kính trọng của chúng ta không chỉ dành cho họ mà gia đình họ cũng được thơm lây. Ngay trong cách danh xưng đã thấy khác. Các ngài là cha thì bố mẹ phải là ông bà cố. Vẫn biết rằng sự tôn trọng của giáo dân dành cho những người dâng mình cho Chúa là một việc làm đáng khích lệ. Nhưng việc kính trọng thái quá cũng gây ra phản ứng phụ khiến quí vị thay vì dâng mình cho Chúa, lại bắt giáo dân dâng mình cho họ; rồi từ đó họ cảm thấy mình là ‘ông trời con’ của Ba Ngôi Thiên Chúa mà nhiều người hay gọi các vị đó là ngôi thứ tư Đức Chúa Trời, muốn nói gì hay làm gì cũng được. Thực tế, Ba Ngôi Thiên Chúa ở quá xa, mắt phàm không nhìn thấy, còn ngôi thứ tư lại quá gần khiến bọn dân đen chúng mình còn biết chạy đi đâu!

Như vậy thì ý nghĩa của huấn lịnh mà Đức Giê-su yêu cầu trong bài Tin Mừng hôm nay phải giải thích và áp dụng như thế nào?

Khi Đức Giê-su nói: ai đến với Người mà không ghét (dứt bỏ) cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không đáng làm môn đệ của Người; đây là một kiểu nói so sánh tạo cho người nghe một cú ‘sốc’ và phải chú tâm tìm hiểu. Có nhiều người giải thích là bất kỳ ai yêu thương cha mẹ, con cái và anh chị em hơn Chúa thì không xứng đáng theo chân Chúa. Chúa không ghen với chúng ta. Chúa buộc con người phải chọn lựa ưu tiên. Chúng ta ý thức rằng trước khi thuộc về nhau, con người phải thuộc về Chúa trước. Vì thế, việc chọn lựa ưu tiên trong cuộc sống để thuộc về Chúa sẽ giúp chúng ta gần những người thân trong gia đình hơn.

Với ý tưởng như thế, chúng ta mới khám phá ra có mối dây liên hệ giữa việc sắp đặt thứ tự ưu tiên mà các môn đệ cần chọn lựa giữa hành động dứt bỏ họ hàng với từ bỏ mình.

Từ bỏ mình không phải vì mình đã làm sai điều gì; cũng không phải vì ghét bản thân mình nên từ bỏ nó. Nhưng, Đức Giê-su yêu cầu chúng ta từ bỏ mình có nghĩa là từ bỏ cách suy nghĩ cho mình là trung tâm, từ bỏ cái tôi, từ bỏ ý nghĩ hoang tưởng tự nhận mình là người khôn ngoan, nắm giữ mọi câu trả lời.

Việc từ bỏ theo tinh thần của Đức Chúa nhằm giúp chúng ta tập trung vào việc yêu Chúa với cả tấm lòng và yêu tha nhân như Chúa yêu; rồi từ đó chúng ta sẽ có lối suy nghĩ như Chúa vậy. Từ bỏ mình để chấp nhận và sống theo ý Chúa thì dễ cho chúng ta gần và nối kết với những người thân hơn.

Dường như đó là những gì Đức Giê-su muốn khuyên. Từ bỏ không để trở thành một gương mẫu hay một ‘role model’; nhưng từ bỏ để được tự do và sẵn sàng đón nhận Thập giá mà chung chia với Thập giá của Đức Giê-su, Đấng đã vác để thể hiện tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta nhiều hơn chúng ta dành cho Người.

Từ bỏ bản thân! Còn gì khó thực hiện hơn điều này?

Chúng ta sinh ra và lớn lên trong một môi trường cổ võ cho tính ích kỷ, một cách nào đó suy tôn ‘cái tôi’, mong muốn được mọi người để ý và chăm sóc cho các nhu cầu của chúng ta. Tại sao tôi phải từ bỏ mà không phải ai đó? Tại sao lại là tôi?

Đừng càm nhàm và phàn nàn nữa. Bởi vì, chính trong giây phút đó, chúng ta được mời gọi tiến sâu hơn vào trong cõi lòng của Đức Giê-su. Chúng ta được gọi để chết cho các nhu cầu và khát vọng của bản thân để tìm một lối sống đổi mới trong Chúa. Nói cách khác, chúng ta hiện diện trong thế giới này không vì bản thân mình, nhưng vì người khác.

Giả như, có một ngày nào đó, chúng ta nhận ra mình đã đạt được mọi điều như lòng mong ước, nhưng trên tiến trình chúng ta lại đánh mất chính mình! Đến lúc đó mình sẽ như thế nào?

Thưa anh chị em,

Sứ điệp hãy từ bỏ của Đức Giê-su là một nghịch lý. Thay vì từ bỏ điều này, hy sinh điều kia thì chúng ta hãy cho đi nhiều hơn. Hãy để cho lòng của chúng ta quan tâm đến các nhu cầu của người khác nhiều hơn là nhu cầu của chính chúng ta. Đó là sứ điệp của Chúa, sẵn sàng chết cho ý riêng thì chúng ta sẽ tìm được cuộc sống đích thực.

Hơn thế, theo chân Chúa đòi hỏi một hành động dấn thân tích cực, một tính toán cẩn thận để rồi khi bắt đầu thì không được phép tháo lui. Đó chính là điều mà Đức Giê-su đã ám chỉ trong câu chuyện nói về việc cần chuẩn bị khi xây cất và việc tính toán để đạt được chiến thắng trong trận chiến. Những hình ảnh này ám chỉ đến ý nghĩa mà Đức Giê-su muốn các môn đệ phải suy nghĩ chín chắn trước khi có quyết định dấn thân theo Chúa. Đây không thể là một quyết định dựa trên cảm tính, để rồi khi thấy khó khăn lại tháo lui. Khi quyết định theo Chúa, người môn đệ phải kiên quyết tiếp tục công trình cho đến hoàn thành. Và sau cùng, Thánh Luca đã tóm lược sứ điệp hôm nay bằng một lời giáo huấn then chốt, đó là phải từ bỏ hết những gì mình có, kể cả mạng sống mình. Nếu không kiên quyết thực hiện điều quan trọng này thì không xứng đáng làm môn đệ của Chúa.

Như vậy, điều Chúa muốn là tấm lòng quả cảm, dứt khoát và liều lĩnh khi theo chân Người. Tuy nhiên, đối diện với thực tế của bản thân, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể giữ được ngọn lửa bùng cháy như thế, nhưng chúng ta vẫn là những kẻ lữ hành, đang đồng hành với Đức Giê-su để tiến về Giê-ru-sa-lem, đỉnh cao của sứ vụ và cũng là vinh quang mà Thiên Chúa sẽ dành cho Người và những ai in cậy nơi Người. Vì vậy, trong Chúa, với Chúa thì mọi sự đều có thể. Amen!

NÂNG LÊN HAY HẠ XUỐNG! BẠN CHỌN CÁCH THỨC NÀO?



Anh chị em thân mến,

Ngày nay việc sắp xếp chỗ ngồi trong các bữa tiệc đã được quí vị chủ tiệc hay quản tiệc lo lắng thật chu đáo, vì thế việc tranh dành chỗ ngồi ít khi xẩy ra. Tuy nhiên, việc dành giật địa vị trong xã hội không thiếu; trái lại càng ngày càng tăng; nhất là tại các nước chậm tiến khi mà uy quyền được củng cố và bảo vệ bởi quyền lực mà quên đi cách thức phục vụ. Hơn thế nữa, thái độ khúm núm và sợ sệt của bàn dân thiên hạ khiến cho những người có quyền lại càng thêm hống hách hơn.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã chứng kiến một hoàn cảnh thực tế đang xẩy ra trước mắt Người. Người ta chen lấn nhau để tìm chỗ ngồi. Thấy thế, Đức Giê-su đã dùng dụ ngôn để khuyên chúng ta hãy sống khiêm tốn qua Lời Người phán như sau: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Vẫn biết rằng ai sống khiêm nhường thì được nhiều người quí mến, và con người thích kết bạn với những ai có lối sống khiêm nhường hơn là kiêu căng. Nhưng trên thực tế thì số người có lối sống khiêm nhường thật ít nếu so với những người kiêu căng. Và sống khiêm tốn là lối sống thật khó khăn; bởi vì cuộc sống của chúng ta chịu ảnh hưởng  bởi một nền văn hóa mà trong đó, người ta cho rằng giá trị con người được đo và đánh giá trên năng lực và khả năng mà người đó có thể kiểm soát được.
Đầu tiên, xin mời anh chị em nhớ lại bài học về nhân đức khiêm nhường mà chúng ta đã học trong các lớp luân lý năm nào. Chúng ta biết rằng khiêm nhường gắn liền với thân phận của con người. Tự nguyên thủy, con người ý thức mình bởi đất mà ra và sau cùng cũng trở về đất bụi. Vì thế, khiêm tốn là chấp nhận một sự thật về than phận thụ tạo của con người. Chúng ta cho dù phát minh ra nhiều sự, nhưng không bao giờ thay quyền của Đấng sáng tạo được. Sự hiện diện của chúng ta dầu sao cũng chỉ là một món quà của Đấng sáng tạo dành cho vũ trụ này. Những gì chúng ta mang đến, các nỗ lực chúng ta đóng góp sau này cũng chỉ nói lên bổn phận phải chu toàn để hoàn tất nhiệm vụ đã được sai phái. Đã như thế, thì con người dựa vào đâu mà kiêu hãnh.
 Nói một cách khác, khiêm tốn là thái độ sống mà chúng ta cần có để đối diện và chấp nhận các giới hạn của bản thân mà nhận ra sức mạnh, quyền năng và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đang hoạt động trong mình; để rồi trong thân phận yếu đuối của một thụ tạo, chúng ta sẵn sàng đón nhận sự giúp đỡ của nhau mà hoàn thành nhiệm vụ. Như thế, chúng ta có gì để kiêu căng. Tất cả là hồng ân được ban tặng và sự trợ giúp của tha nhân.
Sau cùng, khiêm  nhường là một trong những nhân đức mà người tín hữu cần trau dồi và thực hành trong cuộc sống. Nói như thế, có nghĩa là người tín hữu sẽ không bao giờ là người tín hữu chân chính nếu không sống khiêm nhường.
Trước khi bước sang phần thứ hai của bài Tin Mừng, chúng ta cùng theo dõi một sự kiện có thật xẩy ra tại một xứ đạo thuộc Địa Phận Long Xuyên cách đây khoảng 50 năm. Sự kiện này xẩy ra vào ngày lễ mở tay của tân linh mục. Trong khi mọi người đang sắp xếp chỗ ngồi cho quan khách đến tham dự thì bỗng nhiên qua loa phóng thanh mọi người nghe giọng cha xứ đang yêu cầu bà cố Giả ngồi lui vào bên trong để nhường chỗ cho thân mẫu của linh mục bước vào đầu ghế.
Số là hoàn cảnh của tân linh mục cũng thật đáng thương. Ông cố mất sớm. Gia đình chỉ còn lại hai mẹ con. Gia đình túng thiếu. Cậu lại hiếu học và chăm chỉ nên nhiều người thương. Trong xứ đạo, có gia đình bà kia tên là Giả, thuộc hạng giầu có, cuộc sống sung túc đã giúp đỡ ngài trong hành trình tu học. Ai trong xứ cũng đều biết việc này.
Trong ngày trọng đại như thế, cả xứ được hãnh diện chứ không riêng gì gia đình cha. Trong niềm vinh dự đó, mọi người cảm thấy lâng lâng, bà Giả nhà ta cũng có tâm trạng như thế, nên dường như cũng hơi bị bốc quá. Trong khi đó, mẹ của tân linh mục lại quá âm thầm, cứ thu mình vào trong góc nhà thờ, với cỗ tràng hạt trên tay để cầu nguyện cho con đường Thập Giá của con mình.
Gần đền giờ cử hành Thánh Lễ mà cha xứ không thấy bà cố đâu, mới sai các chú giúp lễ đi kiếm và mời bà cố lên. Lúc đó thì bà mẹ nuôi tên Giả mới được cha xứ để ý và thấy bà đang ngồi vào vị trí của bà cố thật nên đã dùng loa mời bà cố Giả về vị trí đã được định sẵn, để nhường chỗ cho bà cố, thân mẫu của tân linh mục, đang khúm núm bước vào chỗ ngồi. Truyện kể có thật, minh họa và cảnh báo cho những ai thích xum xoe, tự bốc mình lên. Bà cố Giả, người giả, vật giả đang hiện diện chung quanh mình. Đừng có hợm mình kẻo bị lôi xuống!
Anh chị em thân mến,
Trở lại bản văn Tin Mừng. Sau khi Đức Giê-su nói với khách dự tiệc về giá trị của lối sống khiêm nhường. Trong phần tiếp theo, Đức Giê-su nói với người chủ tiệc. Đây lại là một nghịch lý, một cơ hội để cuộc sống của chúng ta bị đối chất! Trong phân đoạn này, Đức Giê-su đã dậy ông chủ tiệc và cho cả chúng ta một bài học là khi tổ chức tiệc mừng thì hãy nhớ đến những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù mà mời họ cùng dùng bữa. Như thế, chúng ta mới có cơ hội bộc lộ lòng quan tâm, tâm tình chia sẻ và thái độ sống của chúng ta đối với người nghèo nói chung.
Theo thói đời, vào những ngày lễ nghỉ, sau khi tham dự các nghi thức tế tự theo truyền thồng và lề luật dậy bảo, chúng ta thường hay có thói quen tụ họp lại với nhau để mừng lễ. Sau lễ là lạc, lễ lạc là một kiểu nói bình dân mô tả việc mừng lễ qua bàn ăn. Dĩ nhiên, không ai mừng lễ một mình. Chúng ta thường mời thân nhân hay bạn bè đến chia vui.
Dựa vào cách xử thế của đời thường, chúng ta có thói quen mời những người cùng chí hướng, những người bạn có thể cùng nhâm nhi và chia sẻ vui buồn cho nhau. Nói chung, họ là những con người mà chúng ta có thể tương tác được. Không ai thiều khôn ngoan và sáng suốt khi mời những người khách dự tiệc mà chúng ta nghĩ là họ sẽ tạo nên các xung đột và có thể làm cho bầu khí của bữa tiệc mừng trở nên nặng nề, đôi khi trở thành căng thẳng và có thể mất hòa khí nữa. Tinh thần của bữa tiệc tùy thuộc vào thái độ và cách cư xử của người dư tiệc.

Ai trong chúng ta đều muốn có những người bạn tốt. Đức Giê-su không khắt khe đến độ chê trách việc làm của chúng ta như thế là sai. Tuy nhiên, lối sống mà Người muốn các môn đệ của Người và các tín hữu phải có gì khác hơn người thường. Chúng ta là dòng giống được tuyển chọn nên cũng cần chọn lọc cách sống giống như Chúa. Con Chúa mà không giống Chúa thì giống ai!

Người đã đến làm bạn với những người tội lỗi, đồng bàn, cùng ăn cùng uống với họ, cứu giúp những ai đui mù, què quặt, những người không xứng đáng, bị xã hội và cơ cấu đạo đời loại bỏ. Đức Giê-su không hất hủi ai, Người ôm trọn mọi người thành tâm đến với Người. Không ai bị loại bỏ; tất cả đều được đón chào.

Với hiện tình của thế giới hiện nay, những người bị ruồng bỏ có thể là các nạn nhân của các vụ lạm dụng, bạo lực trong gia đình, con người tầm trú, những người bị giai cấp chủ nhân bóc lột, các đứa trẻ không nơi nương tựa, những người thất nghiệp, những người bị các chứng bịnh về thể xác và tinh thần hành hạ… Họ đang chờ bàn tay và lời mời của chúng ta. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta cần có sự khôn ngoan trong việc chọn lựa khách mời. Không ai lại đi mời những người có con tim thù hận, sẵn sàng làm ngòi nổ để khủng bố và giết hại người khác, đến tham dự tiệc.

Lời Chúa đòi hỏi nhiều hơn nữa. Dĩ nhiên, chúng ta phải chịu trách nhiệm về lời mời của chúng ta sao cho khách dự tiệc được vui lòng. Nhưng huấn lịnh của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay cũng không bị bỏ sót và quên lãng. Thân phận của ‘hạng người nghèo mà chúng tôi liệt kê nói trên’ được Thiên Chúa của Đức Giê-su quan tâm đặc biệt. Đức Giê-su dậy bảo rằng lòng từ bi và nhân hậu của Thiên Chúa đổ xuống trên chúng ta là một động lực cấp bách thúc đẩy chúng ta ra đi hoàn tất sứ mạng đã được trao phó hầu đem lại hạnh phúc và một lối sống tốt đẹp hơn cho tha nhân.

Đến đây, như những khách dự tiệc và nhất là trong trách nhiệm của người quản tiệc, chúng ta cần thành thật thú nhận với nhau rằng không mấy ai trong chúng ta đã sống được lời khuyên của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay.

Gương khiêm tốn của Đức Giê-su, đấng đã hạ mình thẩm sâu cho đến độ bằng lòng đón nhận mọi khổ đau, ngay cả sự chết trên Thập Giá. Với việc hạ mình cho đến chết như thế, Đức Giê-su đã bộc lộ lòng vâng phục của Người, để rồi Thiên Chúa Cha đã siêu tôn Người vượt trên mọi danh hiệu. Qủa thật gương tự hạ trong vâng phục của Đức Giê-su luôn là một thách đố muôn đời cho chúng ta. Chúng ta luôn thiếu sót. Chúng ta không bao giờ có thể hoàn thành tốt yêu sách mà Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta cần để cho sứ điệp của Lời Chúa hôm nay chất vấn và đổi mới trong suốt hành trình của cuộc sống.


Chính trong việc tự hạ theo gương Đức Giê-su, chúng ta có thể mở ra để đón tiếp mọi người, không loại trừ một ai; đặc biệt những ai tàn tật, đui mù, khổ đau và nghèo đói sẽ được chúng ta quan tâm hơn; vì theo như Lời Đức Giê-su đã hứa thì họ là những người sau này sẽ đón tiếp chúng ta trong nhà Cha trên trời. Amen!