Bắt đầu bằng
một truyện kể. Số là sau biến cố xẩy ra tại Việt Nam vào tháng 4 năm 1975, người
dân miền Nam Việt Nam sống trong hoang mang và lo sợ. Tất cả đều mới. Người
lãnh đạo, kẻ thừa hành và dân chúng đã mò mẫm tìm hướng đi. Nhân lực, tài lực
và hầu như tất cả mọi nguồn để xây dựng đất nước đã đổ vào chiến tranh hết.
Nay, trước tình hình thực tế, các nguồn viện trợ bị cắt giảm. Chính sách và đường
lối điều hành thử đi nghiệm lại sao cho phù hợp với tình hình thực tế khiến mọi
người đã nghèo, lại nghèo hơn, nhà nhà đều đói. Trong giai đoạn khó khăn, những
ai gặp khó khăn về tinh thần cũng như vật chất thường hay chạy đến các cơ sở
bác ái, tiêu biểu là chùa chiền và nhà thờ, để cầu may. Chúng ta nói cầu may là
bởi vì các vị trụ trì tại các nơi đó cũng chưa chắc có đủ phần ăn hơn dân thường.
Vào một buổi
chiều, trước cửa phòng khách của một tu viện xuất hiện một cô gái trẻ. Chị đến
xin gặp linh mục quản xứ. Sau hồi chuông báo, vị linh mục đó bước ra cửa nhà
khách, rảo mắt nhìn chung quanh để tìm xem ai là người muốn gặp ngài. Trước mặt
ngài là một cô gái. Sau những lời chào hỏi, chị ta kể lại các việc cha đã giúp
chị vào mấy năm trước mà cha không còn nhớ. Nói xong chị gửi lại số tiền mà cha
đã cho chị mượn. Với lòng biết ơn, chị nói: “Cảm ơn cha đã tin con. Chính nhờ
vào niềm tin của cha đã khởi động niềm tin trong con. Và giờ đây, với lòng biết
ơn con xin hoàn trả lại số tiền mà cha đã cho con mượn năm nào. Thật là quí
hóa, bởi vì nếu không có sự giúp đỡ của cha, đời con rồi không biết sẽ trôi dạt
đến bến bờ nào đây?”
Câu chuyện
nói trên có thể minh họa cho nội dung của bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe.
Trình thuật Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su chữa lành cho mười người
bị bịnh phong cùi, thế mà chỉ có một người bộc lộ lòng biết ơn qua việc trở lại
và tôn vinh Thiên Chúa, mà ông ta lại là người ngoại bang.
Theo các tài liệu về y học cho biết, bịnh phong cùi ảnh hưởng
đến dây thần kinh của tay chân, màng mũi và đường hô hấp. Bịnh còn ảnh hưởng
làm cho da bị loét, hệ thần kinh bị tổn thương và các cơ bắp bị suy nhược. Với
sự tiến bộ của nền y học hiện nay, dù phong cùi vẫn còn là loại bịnh truyền nhiễm;
nhưng nếu ai được chẩn đoán mắc bịnh này trong giai đoạn đầu thì vẫn có thể được
chữa khỏi.
Những người sống
cùng thời với Đức Giê-su chưa hẳn đã khám phá ra bịnh phong cùi. Nhưng lại có một
loại bịnh về da, có sức hủy diệt và lan lây giống như người bị phong cùi ngày
nay. Luật lệ ngăn cắt họ cho nên những ai mắc bịnh này phải sống riêng một mình,
không được phép tiếp xúc với ai. Bất cứ ai chạm đến họ, theo luật Mai-sen, đều
bị coi là ô uế. Vì thế, để tránh bị lây nhiễm, ai mắc bịnh này đi đến đâu cũng
phải hô to ‘ô uế, ô uế’ để những người khác biết mà tránh né.
Cho dù tôi
chưa hề có cơ hội tiếp cận hay trò chuyện với người bị bịnh phong cùi. Nhưng nhắm
mắt lại chúng ta cũng có thể nhận ra được nỗi đau khổ về tinh thần cũng như thể
xác của người bị bịnh đó như thế nào? Họ không còn được đối xử như một con người,
bị ngược đãi và coi như thành phần cùi hủi của xã hội nói gì đến yêu thương. Ai
trong chúng ta khi gặp họ mà lại không né tránh, sợ bị lây! Trong hoàn cảnh đó,
họ không còn gì để mất; thế mà họ không nổi loạn đã là may mắn cho chúng ta lắm
rồi!
Ngoài việc bị
ngược đãi như nói ở trên, theo lề thói của cộng đoàn Do Thái, họ còn bị coi là
những người bị Chúa phạt, họ không được phép lên Đền thờ Giê-ru-sa-lem, và nếu
có được tham dự lễ nghi phụng vụ, họ phải ở trong một căn phòng đặc biệt dành
riêng cho họ. Họ bị đối xử như người ngoại bang.
Bài Tin Mừng
kể lại cuộc gặp gỡ của mười người phong cùi với Đức Giê-su. Trên đường đi Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su băng
qua biên giới giữa Sa-ma-ri và Ga-li-lê, Người tiến vào một ngôi làng thì mười người
phong cùi đã ở đó. Họ đã nghe danh tiếng của Người. Hẳn nhiên, có vài người Do
Thái trong nhóm nên họ không dám bước qua ranh giới của lề luật mà chỉ đứng ở
đàng xa mà kêu gào xin Đức Giê-su thương tình cứu giúp.
Đức Giêsu
không chữa trị cho họ ngay lập tức mà bảo họ đi và trình diện với các tư tế. Theo
luật dậy thì chỉ có các tư tế mới đủ thẩm quyền xác nhận ai sạch ai dơ trước
khi người bị phong cùi được phép trở lại tham dự sinh hoạt với cộng đoàn như mọi
người.
Mười người
phong cùi vâng lời Đức Giê-su đi trình diện các tư tế và đang trên đường đi thì
họ thấy có những sự kiện khác lạ đang xẩy ra trong cơ thể của họ. Tất cả đều thấy
sự tăng trưởng xảy ra: những ngón tay của họ mở rộng thành bàn tay bình thường.
Các vết mụn trên mặt họ liền lại… Khi các điều này xảy ra, cả mười người đã biết
là họ được chữa lành; thế mà chỉ có một người trong nhóm họ quay ngược lại với Đức
Giêsu, để cảm ơn Người; còn chín người kia, hẳn nhiên, vẫn đang trên đường đến
gặp các tư tế theo lịnh truyền của Đức Chúa.
Điều làm cho
Đức Giê-su và mọi người ngạc nhiên là người quay trở lại gặp để nói lời cảm ơn
với Đức Giê-su là người Sa-ma-ri-a. Ông bị
người Do Thái xem như kẻ thù, giống ngoại bang, thế mà lại trở thành kiểu mẫu của
lòng biết ơn và đức tin.
Có một chi tiết
mà chúng ta nên ghi nhận ở đây, đó là trong cơn hoạn nạn thì mười người phong
cùi có nhau. Họ không bị gốc gác dân tộc, tôn giáo và niềm tin chia cách. Họ có
chung một căn bịnh nên gắn bó để bảo vệ và nâng đỡ nhau. Bản sắc chung của những
người bị khinh chê, ruồng bỏ đã đẩy họ trở thành những người thân của nhau. Thế
mà, sau khi được chữa khỏi, được tự do, họ lập tức bị ngăn cách. Nhưng, chỉ còn
một người xứ Sa-ma-ri-a, vẫn còn bị coi là giống ngoại bang, đã trở lại và tiền
về phía Đức Giê-su.
Đứng trước phản
ứng của chín người kia, những ai khó tính sẽ cảm thấy bị tổn thương và đau lòng
vì sự vô ơn của họ. Thật ra, họ đâu có làm điều gì sai, họ vẫn vâng lời Chúa,
đang trên đường đến gặp các vị tư tế để xin giấy xác nhận trở về với các sinh
hoạt thường nhật như mọi người. Tuy nhiên, vì bám vào lề luật như một bảo đảm
cho cuộc sống nên họ đã mất đi cơ hội đón nhận sự thay đổi, điều mới mẻ mà Đức
Giê-su vừa thực hiện. Tuy họ không sai nhưng cơ hội để được đổi mới đã vuột khỏi
tầm tay của họ. Thật đáng tiếc!
Chúng ta thì
sao? Vẫn sống và chu toàn mọi khoản luật như là nguồn sức mạnh cứu thoát chúng
ta hay sẵn sàng nhận biết ơn Chúa với lòng cảm tạ mà tôn vinh và thờ lậy Ngài. Không ai trả lời vấn
nạn này thay cho chúng ta.
Đối với Thiên
Chúa, điều làm cho con người có giá trị là thái độ và cách ứng xử của chúng ta
trước lượng ân sủng vô biên của Thiên Chúa đổ trên chúng ta. Chúng ta đã làm gì
với các hồng ân cao cả như thế. Thánh Gioan cho biết: “Tự nguồn sung mãn của
Chúa, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.” Ngài ban cho mỗi
người những ơn họ cần, tùy thuộc vào khả năng đón nhận của từng người, nhưng
cùng mục đích là để họ sống tốt đẹp và thánh thiện hơn.
Trong cuộc sống,
đã có bao nhiêu dấu chỉ nói lên sự can thiệp và thông ơn của Thiên Chúa. Nếu
không có ơn Chúa thì làm sao vợ chồng có thể yêu thương, kính trọng và luôn làm
gương sáng cho con cái được? Nếu Chúa không hoạt động thì làm sao ông cha này
bà phước kia hay thầy dòng nọ có thể quên ‘cái tôi’ của bản thân mà hết lòng phục
vụ dân Chúa? Kể sao cho hết những ơn lành Chúa ban cho như ơn khôn ngoan, sự hiểu
biết, cơ hội phục vụ, sức khỏe tráng kiện, đầu óc minh mẫn, con tim trong sáng,
đồng cảm để tha thứ cho nhau, và ngay cả các đau khổ cũng là cơ hội để giúp
mình nhận ra sự bất toàn và mỏng dòn của thân phận con người mà nương tựa vào
Chúa hơn…, tất cả đều là ơn của Chúa. Điều quan trọng là mắt chúng ta có mở rộng
đủ để nhận ra ơn Chúa hay là lại nghĩ rằng đó là những gì mình xứng đáng được,
và nếu như thế thì hình như chúng ta đã coi Chúa như là người đầy tớ thay vì Đấng
ban ơn rồi!
Đứng trước những
ơn lành Chúa ban, chúng ta hay dùng các từ như tạ ơn, cảm ơn, ghi ơn, nhớ ơn,
biết ơn…, để diễn tả thái độ của chúng ta, nhưng có lẽ một từ mộc mạc và đầy ý
nghĩa nhất mà lâu nay chúng ta quên không dùng đó là ĐỘI ƠN: Ơn Chúa nhiều quá, nặng quá, đến độ ta không cầm, không thể
mang, không cách nào khoác vào được, mà
phải đội trên đầu, diễn tả sự kính trọng đối với Chúa, với ơn Chúa. Đội
trên đầu thì phải sấp mình, quì gối xuống mà tôn vinh Đấng ban ơn. Đó chính là
mẫu mực và cách hành xử của người Sa-ma-ri-a làm hôm nay. Và Lời của Đức Giê-su
phán xưa kia, là những gì mà Chúa muốn nói cho chúng ta hôm nay: “Đứng dậy về
đi! Lòng tin của con đã cứu chữa con.”
Xin cho chúng
con có lòng tin bằng việc làm như người ngoại bang trong bài Tin Mừng để thờ lậy
và tôn vinh Chúa. Amen!
No comments:
Post a Comment