Với bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Lu-ca đã đưa chúng ta trở lại
cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem của Đức Giê-su. Người biết ngày hoàn tất sứ vụ
đang đến gần, nên từ giờ phút này trở đi, Người dành nhiều thời gian để hướng dẫn
các môn đệ.
Đức Giê-su nhìn nhận rằng việc gặp khó khăn, có thể bị vấp
ngã hay vi phạm các lỗi lầm là một phần trong sứ vụ của người môn đệ. Nhưng các
môn đệ không nên làm cho các thành viên khác bị vấp ngã bởi lối sống của mình. Đức
Giê-su đã lên án những ai làm cớ vấp phạm cho kẻ bé mọn, Người nói rằng chẳng
thà người đó bị đá cột và xô xuống biển thì hơn. Lời Đức Giê-su vừa phán có vẻ
khá gay gắt, nhưng dường như Người không có ý khuyến khích chúng ta có những
hành vi bạo động đối với những ai làm gương xấu cho kẻ khác. Thật ra, Đức Giê-su
muốn nhắc nhở chúng ta nên nhớ đến bổn phận của mình. Đó là: hãy cẩn thận trong
lời nói và hành động. Đừng làm cho người khác bị lầm đường lạc lối, bị vấp ngã
hay lòng tin bị lung lay.
Nhìn vào tình hình thực tế và quan sát các hiện tượng đã và
đang xẩy ra trong các cộng đoàn; chúng ta không thể nào chối bỏ mức độ ảnh hưởng
mà các vụ bê bối của một số vị trong hàng ngũ lãnh đạo đã gây ra. Gần
đây chúng ta được nghe nhiều về các biến cố xẩy ra trong Giáo hội từ Mỹ sang đến
Úc. Những sự kiện này được gọi là ‘xâm phạm hay lạm dụng tình dục’. Cụm từ tuy
ngắn gọn, nhưng ảnh hưởng và sự thiệt hại của nó rất lớn. Nó ám chỉ đến hành vi
phản bội về mặt tinh thần, tâm lý và sinh lý của một người có chức quyền đối với
người kém thế hơn; đặc biệt là đối với trẻ em. Nó để lại trong tâm hồn và đời sống
của các nạn nhân những vết thương và sự thù ghét Giáo hội. Đôi khi, họ còn mang
mặc cảm bị khước từ. Họ cắn răng chịu đựng trong tủi nhục. Có một số người lại
lâm vào trạng thái ‘trầm cảm’ và nghĩ là mình không còn xứng đáng thuộc về cộng
đồng mà họ mong muốn là một thành viên. Quả thực, nếu Lời Chúa phán hôm nay được hiểu theo mặt chữ và
áp dụng thì những người làm gương xấu đó, chẳng thà bị đá cột rồi ném xuống biển
cho xong.
Tuy nhiên, Đức Giê-su không dừng lại ở lời cảnh báo nghiêm khắc
đó. Người tiếp tục khuyên các môn đệ phải giúp đỡ nhau nhận ra lỗi lầm mà ăn
năn rồi quên đi các lỗi phạm của nhau không chỉ bẩy lần mà là bẩy mươi lần bẩy.
Con số bẩy mươi lần bẩy không ám chỉ đến số lượng mà chúng ta phải tha cho nhau,
nhưng còn nói đến chất lượng của sự tha thứ nữa. Có nghĩa là tha liên tục, tha
không giới hạn và quan trọng hơn cả là chúng ta tha cho nhau vì chúng ta yêu
nhau. Mọi hình thức đổ vỡ chỉ xẩy ra ở nơi không có sự tha thứ.
Làm thế nào có thể đạt được các yêu cầu này. Hãy nhìn vào môi
trường chung quanh, chỗ nào cũng hỗ trợ cho nền văn hóa đề cao chủ nghĩa cá
nhân, lấy ‘cái tôi’ làm trung tâm. Suy nghĩ và cách sống này thấm nhuần và ảnh
hưởng trong đời sống của các tín hữu. Phải chăng chúng ta cũng giống như một nắm
cát rời rạc được bốc và đặt để bên nhau vào các sinh hoạt xẩy ra trong nhà thờ
vào các dịp cuối tuần, rồi sau đó ra về và không còn có quan hệ hay tương tác
nào với nhau. Ai sống mặc ai!
Không phải thế, chúng ta được mời gọi và sống bên nhau như một
gia đình. Chúng ta là phần tử của một thân thể, nối kết và được nuôi dưỡng bởi
một giòng máu của Đức Ki-tô. Chúng ta được mời gọi sống và chia sẻ cho nhau,
chăm sóc lẫn nhau và xây dựng nhau trong gia đình đức tin.
Đó là tâm trạng và cảm nhận của các môn đệ khi họ nghe Chúa
ban các chỉ dẫn về việc làm gương sáng và tha thứ cho nhau. Đây quả thật là một yêu cầu vô cùng trọng đại
và vượt quá sức của họ. Tự mình họ rất khó thực hiện. Vì thế, các tông đồ, thay
mặt cho các môn đệ, xin Chúa:
“HÃY THÊM LÒNG TIN CHO CHÚNG CON.”
Các môn đệ đang cầu xin Chúa Giêsu thêm lòng tin cho họ,
nghĩa là làm cho họ trở thành những môn đệ trung thành. Họ biết rằng nếu họ
tuân theo mệnh lệnh của Người để tha thứ như Chúa thì họ cần sự giúp đỡ. Hành
vi tha thứ này không tự nhiên đến với bất cứ ai, phải được phát sinh từ Chúa. Họ
thấy mình trong một tình huống khó xử. Chúa Giê-su ra lệnh cho họ làm một việc
mà họ chỉ có thể hoàn thành với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Vì thế, họ đã
xin thêm lòng tin.
Đó cũng là lời van xin của chúng ta. Đã có nhiều lúc chúng ta
đối diện với các khó khăn, những trở ngại vượt quá sức mình. Tôi muốn thay đổi
nhưng dường như cảm thấy bất lực trong việc sửa chữa vì vậy tôi, không chỉ một
lần mà rất nhiều lần, đã cầu xin: Chúa ơi, con cần Ngài, xin hãy thêm sức mạnh
và lòng tin cho chúng con.
Ngay lúc đó, Lời Chúa phán hôm nay vọng trong tai tôi: “Nếu
anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật
rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em.” Lòng tin ở
đây là sự phó thác và vâng lời mệnh lệnh mà Chúa muốn. Nó ẩn chứa tấm lòng cậy
trông và tín thác vào Chúa là mình sẽ thực hiện các việc làm gương sáng, mình sẽ
quan tâm và chấp nhận kể cả lỗi lầm của kẻ khác và sẵn sàng tha thứ cho họ nữa.
Lòng tin như thế bao hàm việc làm, không chỉ để lòng tin của mình trưởng thành
hơn, mà còn trở thành gương sáng cho người khác nữa.
Thưa anh chị em,
Tự căn bản lòng tin không xuất phát tự mình, nhưng được ban tặng
từ Chúa cho nên lòng tin phải được bám rễ vào Đức Giê-su và Hội Thánh Người.
Lòng tin cần được chứng minh bằng việc làm. Cho dù, khoa học ngày hôm nay có thể
làm cho rễ của cây dâu bật lên và đem đến một nơi khác để trồng, nhưng đó không
phải là điều làm chúng ta quan tâm. Điều quan trọng mà chúng ta cần thực hiện dưới
sức mạnh của lòng tin vào Chúa, chúng ta sẽ quan tâm, yêu thương, chăm sóc và
giúp đức tin của chúng ta trưởng thành và lớn mạnh để có thể làm được những điều
vĩ đại hơn.
Như vậy, lòng tin mà chúng ta xin hôm nay cũng không phải là
quà tặng được trao ban trong một lúc mà thôi. Sự trưởng thành và lớn mạnh của
lòng tin thì giống như việc lớn lên của hạt giống. Nó phát triển theo các diễn
biến xẩy ra trong các năm tháng của đời người, qua việc sinh lợi bằng các việc
làm. Chúng ta cần được lớn lên mỗi ngày. Nhưng giữa những thực tế của cuộc đời,
biết bao bóng tối có thể bủa vây chúng ta. Chính vì thế chúng ta luôn phải cầu
xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta. Xin Ngài ban
thêm đức tin để chúng ta biết đón nhận Ngài trong mọi người anh em, nhất là nơi
những người thấp hèn, những người bất hạnh, và ngay cả nơi những người thù ghét
chúng ta.
Chúng ta tin
vào tình yêu Chúa Kitô, tin vào bản thân Ngài. Đức tin của chúng ta cần phải trổ
sinh hoa trái bằng việc làm để mọi người có thể hiểu được thế nào là tình yêu
mà chúng ta tin, thế nào là ơn tha thứ mà chúng ta đã lĩnh nhận và trao ban cho
nhau, và trên hết mọi sự là người ta có thể nhận ra khuôn mặt của Đấng Cứu Thế mà
chúng ta đang tôn thờ.
Không ai nhìn thấy lòng tin, phải chăng vì nó nhỏ như hạt cải,
nhưng nó có thể chuyển núi dời non. Lòng tin có thể làm bật gốc rễ của: “dâm
bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng
giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều
khác giống như vậy.” (Ga-lát 5:20-21) và thay vào đó là những việc làm vĩ đại,
như thánh Phao-lô đã viết trong thư gửi cho tín hữu ở Ga-lát, đó chính là: “bác
ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.”
(Ga-lát 5: 23)
Đó là việc làm của lòng tin. Chúng ta tin rằng chỉ có trong Thần
Khí và sức mạnh của Chúa chúng ta mới thực hiện được các điều mà Thánh Phao-lô
khuyên dậy nói trên. Chúng ta không hãnh diện hay đi tìm lời khen thưởng cho
các công việc của mình, bởi vì không phải tự sức riêng mà mình đạt được. Tất cả
đều là hồng ân của Chúa. Thiên Chúa không mắc nợ ai điều gì, trừ phi lòng
thương mến, vì đó là căn tính của Ngài. Giống như Ngài, chúng ta cố gắng yêu và
tha thứ cho nhau trong Chúa, chứ không phải yêu để trả nợ, cho dù đó là món nợ
ân tình.
Và sau khi thi hành xong bổn phận của
người môn đệ, chúng ta có thể hãnh diện mà tuyên xưng rằng: những gì chúng con
đã làm đều là những điều Chúa muốn, vì ngoài Chúa ra chúng con thật vô dụng. Anh
chị em có tin vào điều đó không? Câu trả lời của chúng ta, dĩ nhiên là có rồi.
Và giờ đây, xin anh chị em cùng tuyên xưng lòng tin và cầu xin sức mạnh và ơn
trợ giúp của Chúa sẽ giúp chúng ta sống điều mà chúng ta tuyên xưng với nhau
trong Kinh Tin Kính. Amen!
No comments:
Post a Comment