Tuesday, 24 December 2019

CHỈ THUỘC VỀ NHAU KHI THUỘC VỀ CHÚA



Những dòng suy niệm về Lễ Thánh Gia năm nay được gửi đến anh chị em trong dư âm của những ngày Đại Lễ mừng sinh nhật Chúa. Trong tâm tình hân hoan của tuần bát nhật mừng biến cố ‘Thiên Chúa ở cùng chúng ta,’ chúng tôi xin gửi đến quí cụ, quí ông bà và anh chị em lời nguyện chúc bình an. Ước mong niềm vui và ân huệ của Đấng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, được ứng nghiệm trong cuộc sống của chúng mình.

Thật ra, chúng ta nhận ra rằng giữa hai lễ: Giáng Sinh và Thánh Gia có một sự đồng điệu và bổ túc cho nhau. Trong Lễ Giáng Sinh, chúng ta mừng và kỷ niệm cuộc thăm viếng lần thứ nhất của Thiên Chúa, Đấng đã đến để chia sẻ kiếp người với chúng ta; Người không chỉ chia sẻ một chút ít; nhưng chia sẻ toàn diện, kể cả thử thách; chỉ có một điều khác là trước các thử thách thì con người bị thất bại và sa ngã, còn Đức Chúa thì chiến thắng và vượt qua.

Đến trong kiếp người, Đức Giê-su cũng cần có một gia đình. Và Lễ Thánh Gia là lễ mừng gia đình của Đức Giê-su theo nghĩa hẹp và cũng là lễ của mỗi gia đình chúng ta khi đã có Đức Chúa vừa là chủ vừa là thành viên. Trước khi suy niệm bài Tin Mừng của Lễ Thánh Gia năm nay, trong đó Thánh sử đã kể lại việc Thánh Giu-se đưa vợ mình là bà Ma-ria-a và hài nhi Giê-su trốn cơn lùng bách và ý định giết hại con trẻ của vua Hê-rô-đê. Chủ ý của Hội Thánh khi dùng bài Tin Mừng này trong Lễ Thánh Gia là muốn chúng ta suy niệm một cách rất thực tế về những gì đã xẩy ra trong gia đình của Đức Giê-su, chứ không phải là một mẫu mực lý tưởng của một gia đình nào đó mà chúng ta không thể noi gương bắt chước được.

 Đức Giê-su đã sinh ra và đến trong gia đình có một người cha và người mẹ chưa hoàn hảo như các bức tranh mà người ta vẽ về gia đình Thánh Gia đâu. Các thử thách và muôn vàn khó khăn vẫn bao vây các ngài. Tuy nhiên, các ngài đều nhận ra được một điều là họ được sinh ra và sai đến trong trần gian này để thuộc về nhau. Trước khi học để biết điều này họ cần học để biết rằng họ phải thuộc về Chúa và thi hành ý muốn của Thiên Chúa trước.

Vì thế, việc cần làm là chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại một vài thử thách mà Đức Ma-ri-a đã phải đối diện kể từ khi đón nhận bào thai Giê-su vào trong dạ của mình. Dù việc thụ thai của Người do quyền năng của Thánh Linh; nhưng việc sinh hạ, cho dù diệu kỳ, lại rất bình thường. Người được sinh ra trong một gia đình có cha là Giu-se và mẹ mang tên Maria. Ngay lúc hài nhi Giê-su chỉ là một bào thai nhỏ bé trong cung lòng, Mẹ đã là người lữ hành, đon đả từ giã nơi chôn nhau cắt rốn vội vã đi lên miền sơn cước thăm bà chị họ của ngài tên là Ê-li-sa bét. Mẹ đã ở đó cho đến lúc bà Ê-li-sa-bét sinh hạ Gio-an Tẩy giả rồi trở về nhà. Chúng ta không biết Mẹ ở quê nhà được bao lâu, lại phải lên đường về quê chồng tại Bê-lem, miền Giu-đê để đăng ký theo lệnh của hoàng đế Au-gút-tô. Tuy có Giu-se, chồng mình đi cùng, nhưng lần đi này hai mẹ con vất vả hơn. Cho đến lúc này, ngoài việc tay xách nách mang, bụng mẹ đã lớn khiến cho việc di chuyển trở thành khó khăn và vất vả hơn.  Tuy sự khổ cực này đổ xuống trên thân mình Mẹ, nhưng không vì thế mà không ảnh hưởng đến thai nhi. Mẹ khỏe thì con mới an lành.

Chúng ta chưa biết phúc khí mà Đức Giê-su đem lại cho Mẹ Người sau này như thế nào; nhưng chúng ta chỉ biết từ ngày đón nhận và vâng phục thánh ý của Thiên Chúa, cuộc sống của Mẹ đã thay đổi, phải ra khỏi mình để đi đến tha nhân tại nơi họ đang sống. Mẹ bị bao phủ bởi các nỗi thống khổ. Các điều này rất phù hợp với lời tiên đoán của cụ Si-mê-ôn về cuộc đời của Mẹ như đang có một lưỡi gươm từ từ đâm vào tâm hồn Mẹ vậy.

Tuy các Thánh Sử đã mô tả việc giáng sinh của Đức Giê-su với nhiều tình tiết rất thánh thiêng để nói lên sự can thiệp từ trời, như sự hiện diện của sứ thần hòa chung với ánh sáng được tỏ hiện hợp với tiếng đàn ca xướng hát của các thiên binh từ trời phái xuống. Nhưng tất cả các điều này cũng không làm mất đi tình trạng khó nghèo và bần hàn trong việc sinh ra Đức Giê-su. Bố mẹ Người đang trên đường lữ hành, không tìm ra chỗ ở, đã lấy trời làm nhà, máng cỏ làm nệm, còn may là cha mẹ của Người còn có tấm tã để bọc và che thân hài nhi. Các thử thách như thế không chỉ kết thúc với câu chuyện sinh nở mà còn tiếp diễn bởi hành trình tỵ nạn sang Ai cập mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng của ngày Lễ hôm nay.

Nhìn lại hoàn cảnh thực tế và dựa trên kinh nghiệm của những ai đã từng đi tỵ nạn hay di chuyển từ nơi này sang nơi khác với một em nhỏ vừa sinh ra còn nằm trong tã. Không dễ dàng. Đầy trắc trở. Đó là chưa kể đến việc Ma-ri-a chịu thai vẫn còn là một mối bận tâm mà Giu-se chưa thể nào vượt qua được. Giu-se vẫn bị ám ảnh bởi đã có ý nghĩ lìa bỏ Maria một cách kín đáo. Giu-se vẫn biết rằng hoàn cảnh và kinh nghiệm mà anh được mời gọi để vượt qua rất cá biệt, anh không thể tâm sự với ai khác, ngoài Maria, người vợ cũng đang phải đối diện với các thử thách như anh!

Dựa trên kinh nghiệm của chúng ta, những người đã từng thuộc về một gia đình. Chúng ta nhận ra rằng thật là diễm phúc khi được đón nhận và trưởng thành trong bầu khí của gia đình. Đây chính là một ân phúc tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho. Khi nói như thế, chúng ta cũng không chối cãi các thử thách, các bất đồng, hiểu lầm, va chạm được gây ra bởi những người trong cùng huyết thống. Nói chung, các mâu thuẫn và khó khăn vẫn hiện diện trong cuộc sống của một gia đình mà mọi người được mời gọi để vượt qua.

Tất cả đều được mời gọi để đối diện với các khó khăn. Chúng ta còn được mời sống thế nào để duy trì sự hiệp nhất và yêu thương khi mọi thành viên trong gia đình mang những bản tính khác nhau, theo đúng câu mà chúng ta được nghe: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính.” Không chỉ có thế, chúng ta cần giúp nhau để thăng hoa nhân cách của mình mà không làm cho các thành viên khác bị thiệt thòi.

Sau khi nói như thế, giờ đây chúng ta thử tìm ra một số kinh nghiệm sống trong gia đình Thánh Gia để làm gương và trở thành một gia đình gương mẫu cho mọi gia đình.

Việc đầu tiên là niềm tin mà Giu-se đã dành cho Ma-ri-a. Sau khi được mộng báo về việc mang thai của Ma-ri-a là do quyền năng tác động của Chúa Thánh Thần, Giu-se đã hết mực tin tưởng lời chia sẻ của vợ mình, không chút nghi ngại đã đón vợ về nhà.

Tiếp theo là sự vâng phục của Giu-se đưa gia đình trốn sang Ai cập. Và sau này cũng theo lịnh của sứ thần mà đem gia đình trở về Na-za-rét. Nói chung là sau bốn lần được mộng báo, Giu-se đã vâng theo lời sứ thần truyền mà thi hành. Khi thi hành việc này, Giu-se đã thể hiện trách nhiệm của một người cha, bảo vệ con của ông bà.

Và tất cả các việc mà Giu-se làm để bảo vệ Đức Giê-su đều xuất hiện trong giai đoạn ấu thơ của Người. Phải chăng với các chi tiết này, Thánh sử đã muốn cho chúng ta hiểu rằng sự xuất hiện của Đức Giê-su mở ra một khúc quanh thật quan trọng trong dòng lịch sử, và tất cả những ai có liên hệ đến cuộc sống của Người đều được quan tâm. Vì thế, vai trò và chức năng của Thánh Giu-se không phải là một con người được đặt ra làm bù nhìn; nhưng Ngài chu toàn trách nhiệm trong cương vị của một người cha của Đức Giê-su và để cho kế hoach của Thiên Chúa được thực hiện.

Qua các điểm nay chúng ta học được bài học là muốn đón nhận và vâng theo Thánh ý của Thiên Chúa thì các thành viên trong gia đình phải có con tim mở rộng đón nhận ý Chúa và tin tưởng vào nhau.

Sau niềm tín thác vào Chúa và niềm tin nơi nhau là việc khuyến khích và giúp nhau thực hiện ý Chúa. Trong tiệc cưới tại Ca-na, Đức Ma-ri-a đã không ngần ngại nói với những việc giúp việc làm theo ý Đức Giê-su. Mẹ tin con và không tranh công với con. Trong tất cả các câu chuyện xẩy ra trong các sinh hoạt của gia đình Thánh gia, chúng ta khám phá ra rằng mọi thành viên không bao giờ tranh giành sự chú ý, luôn chấp nhận lui về phía sau để giúp nhau thành toàn. Bài học từ bỏ -kenosis- vì ich lợi của người khác được áp dụng một cách triệt để trong sinh hoạt của Thánh Gia Thất.

Và sau cùng là sự hiện diện thành tín trọn đời với nhau. Một gia đình được phát triển đến mức thành toàn khi mọi người không có ý định loại bỏ nhau. Dù gặp bao nhiêu thử thách, gia đình chỉ còn là gia đình khi mọi người luôn sát cánh và hỗ trợ nhau. Chúng ta thấy rõ điều này trong cách hiện diện của Mẹ Maria. Mẹ đã có mặt ở mọi thời điểm trong cuộc sống của Đức Giê-su, từ khi được sinh ra cho đến lúc Người trút hơi thở để trao ban sự sống mới cho Mẹ và gia đình nhân loại mà người môn đệ Chúa yêu thương là đại diện. Mẹ đã hiện diện trong lúc con được tôn vinh cũng như giây phút bi thương nhất.

Tóm lại, Thánh Gia Thất đã dậy chúng ta một chân lý đó chính là mọi thành viên trong gia đình chỉ thuộc về nhau khi họ thuộc về Chúa và mọi người đều mong ước thi hành ý định của Thiên Chúa.  Xin cho mọi người trong gia đình chúng ta biết quên mình vì ích lợi của người khác mà làm vinh danh Chúa. Amen!

Tuesday, 17 December 2019

HÃY ĐẾN! HÃY ĐẾN! EM-MA-NU-EN.



Chúng ta bước sang tuần thứ Tư Mùa Vọng. Chỉ còn vài ngày nữa là đến Lễ Giáng Sinh. Không khí thật nhộn nhịp. Các buổi hội diễn thánh ca đang diễn ra thật tưng bừng và náo nhiệt. Các ca đoàn thi đua tiếng hát dâng lời ca khen và chúc tụng Thiên Chúa. Nói chung, người người nô nức vui mừng trong niềm hy vọng mà Đấng Cứu Thế đã đem đến cho nhân loại hơn 2000 năm qua.

Bên cạnh đó, không thiếu những cảnh thật thương tâm. Vẫn còn nhiều cảnh đời bất hạnh. Không thiếu những trẻ em sống trong hoàn cảnh éo le trước sự đổ vỡ của cha mẹ mà hậu quả là sự cô đơn, thiếu vắng tình thương mà các cháu phải gánh chịu. Những nạn nhân bị lạm dụng về tinh thần và thể xác bởi việc lạm dụng quyền uy của một số vị lãnh đạo. Còn có những cụ già trong các viện dưỡng lão kiên trì ngồi bên khung cửa để trông chờ và đón đợi con cháu đến thăm… Những ngày như thế này chỉ đem lại cho họ nỗi buồn và tâm trạng tủi thân.

Nói gì thì nói, trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta tin rằng Chúa vẫn đến trong hoàn cảnh riêng của từng người.  Khi bước vào trần gian, Người đã không ngần ngại bước đến với con người trong hoàn cảnh mỏng dòn, bội ước và đầy tham vọng của họ. Đây là sáng kiến của Thiên Chúa. Chính Người đã đi bước trước để làm gương cho con cháu Người. Thiên Chúa không còn ở xa, nhưng đã đồng hình đồng dạng để chia sẻ mọi hoạn nạn khổ đau của con người. Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Em-ma-nu-en chính là thế.

Như mọi người, Con Thiên Chúa mặc lấy thân phận của một thai nhi, tuỳ thuộc và lớn lên trong cung lòng mẹ. Và điều đặc biệt là sự cộng tác trọn vẹn và phó thác của Mẹ đã khiến một biến cố phi thường xẩy ra một cách thật bình thường. Mẹ là người đã sẵn sàng vuợt qua mọi rào cản để Con Thiên Chúa bước vào cuộc đời Mẹ và bước vào thế giới qua cung lòng của Mẹ. Như mọi bào thai, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa đã đón nhận sự nuôi dưỡng, chăm sóc từ những giọt máu đào và dòng sữa yêu thương của Mẹ. Nói về Mẹ thì không bao giờ hết, chẳng có ngôn ngữ nào trên trần gian có thể giúp con người bộc lộ và diễn tả hết tâm tình về mẹ.

Tuy nhiên, theo niên lịch phụng vụ năm nay, Hội Thánh giới thiệu cho chúng ta một nhân vật khác, tuy thầm lặng và ít được nhắc đến nhưng vai trò không kém quan trọng như vai trò của Mẹ. Đó chính là Thánh Giu-se. Bản tính thầm lặng của Thánh Giu-se là một yếu tố giúp chúng ta quên đi những ánh mầu rực rỡ, không khí tưng bừng của ngày đại lễ; cùng nhau ngồi xuống, trong thinh lặng để suy gẫm về mầu nhiệm mà chúng ta sắp cử hành.

Con đường của Thiên Chúa dành cho Giu-se bước đi cũng không dễ dàng. Thánh Kinh mô tả ngài là một người công chính, đã đính hôn với cô gái trạc tuổi trăng tròn, tên là Maria. Bên nhà gái khoảng mười sáu tuổi thì lẽ nào Giu-se lại là một cụ già lụ khụ. Giu-se hẳn nhiên là một cậu thanh niên khôi ngô và tuấn tú như vậy mới xứng đôi với cô Maria trẻ trung và mỹ miều.

Như tất cả mọi người thuộc dân làng Nazareth, Giu-se là một người Do Thái đạo đức, chuyên cần trong các sinh hoạt tại hội đường và ngày đêm mong chờ Đấng Thiên Sai xuất hiện. Như vậy, Giu-se phải biết đến các lời sấm ngôn, nhất là những lời tiên đoán về nguồn gốc và sự xuất hiện của Đấng Me-si-a mà ngôn sứ I-sa-ia đã loan báo. Từ gốc Jes-sê, có nghĩa là từ dòng dõi Đa-vít, Đấng Me-si-a sẽ xuất hiện.

Đặt mình trong hoàn cảnh của một công dân trong một quốc gia đang bị thống trị bởi quyền lực của ngoại bang, dân chúng bị áp bức và trải qua trăm ngàn khổ cực. Giu-se, một con người công chính và đạo đức, hậu duệ từ dòng dõi Đa-vít, có thể mang một ước mơ là biết đâu con của mình sinh ra với Maria, người mà anh mới đính hôn, sẽ được Thiên Chúa chọn và sai đến để giải thoát dân của Thiên Chúa khỏi ách thống trị của dân Rô-ma như Thiên Chúa đã can thiệp và giải thóat dân khỏi ách nô lệ của người Ai-cập thuở xưa.

Mơ ước bao giờ cũng đẹp, thực tế không như thế. Vào một ngày kia, Giu-se phải đối diện với một biến cố thật trọng đại khiến anh bị sốc. Vị hôn thê của anh vừa báo cho anh biết là nàng đã có thai, và điều duy nhất Giu-se biết chắc chắn là thai nhi đó không phải là của mình. Anh biết làm sao đây? Làm sao anh có thể tin được lời của Maria nói là nàng ta mang thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần?

Xuất phát từ lòng đạo đức, Giu-se chỉ biết âm thầm tâm sự với Chúa. Chúng ta không biết Giu-se đã cầu nguyện như thế nào? Hẳn nhiên là anh xin Chúa soi sáng, giúp anh tỉnh thức để khỏi bị kéo vào đêm đen và có những quyết định mất lòng Chúa. Giu-se định âm thầm lìa bỏ Maria. Đó cũng không phải là giải pháp tốt, bởi thai nhi sẽ lớn lên và nếu anh bỏ nàng thì ai sẽ chịu trách nhiệm về bào thai đó. Anh bị bao phủ bởi màn đêm và cứ thế Giu-se đã thiếp đi trong giấc ngủ.

Trong giấc ngủ anh mơ thấy thiên thần. Trong trình thuật truyền tin cho Maria thì thiên thần Chúa hiện đến, trấn an Maria đừng sợ. Nhưng ở đây, Thánh Mát-thêu đã mô tả Giu-se vượt qua trạng thái sợ hãi khi đối diện với thiên thần. Chính nhờ điều này mà Giu-se, con người của niềm hy vọng, đã dễ dàng tin vào sứ điệp của thiên thần nói với ông như sau: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” (Mt 1:21-22)

Giu-se biết rõ tâm tính và lòng đạo đức của Ma-ri-a, nàng không bội ước với anh. Sứ điệp anh nhận được từ sứ thần cũng là những gì mà Ma-ri-a đã nói cho anh. Sao có sự trùng hợp đến thế. Phải chăng đây là việc làm của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy nghe tâm sự của Giu-se và Ma-ri-a. Theo Thánh Lu-ca, Maria đã nói với Giu-se: sứ thần nói với em rằng con trẻ em đang mang trong người sẽ được gọi là Con Đấng Tối cao, và chúng mình sẽ đặt tên cho con là Giê-su. Giu-se đáp lại: đúng đấy em ơi, anh cũng được báo mộng bởi sứ thần là như thế, vì vậy chúng mình sẽ đặt tên cho con là Giê-su. Sau đó Giu-se nói thêm rằng con chúng mình sẽ được gọi là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”

Sau cùng, Mát-thêu đã cho chúng ta biết: khi giật mình thức dậy, Giu-se đã tuân phục ý định của Thiên Chúa qua lịnh truyền của sứ thần và đón vợ về nhà. Lại cũng theo Mát-thêu thì hai người vẫn không ăn ở với nhau, cho đến khi Ma-ri-a sinh một con trai, và Giu-se đã đặt tên cho con trẻ là Giê-su. Theo tục lệ của người thời bấy giờ thì Giu-se đã làm đúng theo luật dậy. Ai đặt tên cho con trẻ thì người đó là cha của đứa trẻ.

Như vậy, ở trong trình thuật hôm nay, tác giả không nhấn mạnh đến việc sinh hạ đồng trinh của Ma-ri-a cho bằng tiết lộ thái độ đón tiếp sứ điệp của Thiên Chúa mà Giu-se đã tuân theo. Giu-se đã để cho quyền năng của Thánh Linh tác động. Anh quả thật là một mẫu người có đức tin đủ kiên cường và mạnh mẽ để tin rằng Thiên Chúa có thể đang thực hiện một dự án mà chính bản thân anh và gia đình anh chưa lường trước và thấy rõ bao giờ. Chỉ biết tuân phục và giao mọi sự cho Người thực hiện và đem đến thành toàn mà thôi.

Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua tình huống mà Giu-se và Ma-ri-a đang đối diện. Khó khăn vẫn còn. Trong hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, khi đi đến quyết định đón vợ về nhà, Giu-se vẫn không tránh khỏi giây phút hoang mang về danh tiếng của anh cũng như hậu quả có thể xuất phát từ vụ xì căng đan bởi việc thụ thai của Ma-ri-a, người vợ mà anh hết lòng yêu thương và tin tưởng. Làm sao mà anh và Maria có thể chứng minh cho người ta biết là bào thai mà vợ anh đang mang là do tác động của Chúa Thánh Thần?

Cuối cùng Giu-se cũng đã kết hợp được sức mạnh của niềm tin với tinh thần khiêm cung trước Thánh Ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Anh và Maria tin rằng, Thiên Chúa sẽ hướng dẫn các ngài vượt qua tất cả. Nhưng ngây bây giờ, trong giây phút này anh phải lựa chọn. Hẳn nhiên sự lựa chọn của anh không phát xuất từ một giây phút bồng bột và bốc đồng. Cả đời Giu-se đã chuẩn bị cho giây phút chọn lựa này, và hơn thế nữa, Giu-se sẽ phải sống với quyết định này cho đến cuối đời ông. Có một điều mà Giu-se có nằm mơ cũng không nghĩ ra rằng quyết định của ngài lại mang tầm ảnh hưởng thật sâu xa đối với lịch sử của thế giới đến như thế. Ngài thật đánh kính trọng.

Noi gương sáng của thánh Giu-se, chúng ta cầu xin có được một con tim rộng mở cho các dự án mà Thiên Chúa thực hiện nơi mình và nơi người khác, mà không một ai trong chúng ta có thể lường trước hay biết rõ được. Nguyện xin lời tuyên xưng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta sẽ trở thành hiện thực trong cuộc sống chứng nhân của chúng ta cho thế giới này. Amen!


Friday, 13 December 2019

CÒN CHỜ CÒN ĐỢI AI NỮA?



                Truyện kể rằng, vào một Chúa nhật cuối năm phụng vụ, linh mục quản xứ long trọng nói cho bà con trong xứ đạo biết về các thành quả mà Giáo Xứ đã đạt được. Ngài cảm thấy rất hài lòng vì Thiên Chúa được vinh danh qua các buổi sinh hoạt phụng vụ như tham dự các Thánh Lễ, chia sẻ lời Chúa, sinh hoạt giới trẻ, chầu Thánh Thể. Thiên Chúa còn được ca tụng qua những công tác từ thiện, giúp đỡ người nghèo, thăm người đau yếu trong các bịnh viện, nhà dưỡng lão… Nói chung vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện qua đời sống phụng vụ và các sinh hoạt của giáo xứ.

                Trong lúc cha xứ đang hân hoan chia sẻ với các tín hữu, bỗng nhiên có một giọng nói rất chậm rãi phát lên từ hàng ghế phía sau của hội trường nhà xứ như sau: “Tạ ơn Chúa, vì các thành quả của chúng ta đã làm để tôn vinh Chúa, thế mà sao chẳng có ma nào trở lại để gia nhập vào Đạo Chúa và học theo lối sống của chúng ta thế này!”

                Thưa anh chị em,

                Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Mát-thêu đã trình bầy cho chúng ta thấy con người thật của Gio-an Tẩy Giả. Lúc này ông đang bị ngồi tù vì dám khiển trách nhà vua đã cả gan cướp vợ của người anh trai lấy làm vợ của mình. Gioan đã cả gan động tới long nhan và đời sống của thiên tử. Nhưng, đứng trước và nhất là khi cần binh vực cho sư thật và công chính, Gio-an nào biết sợ ai! Ngài đã không một chút kiêng dè và sợ hãi ai hết.

                Dù đang bị giam trong tù, nhưng Gio-an vẫn được nhóm môn đệ báo cho ngài biết về sứ vụ của Đức Giê-su khiến cho ngài phải hoang mang. Bởi vì, mới tuần trước chúng ta nghe Gio-an giảng khi Đức Giê-su đến, Người sẽ cầm nia trong tay để sàng lọc thóc, thóc tốt thì thu vào kho, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi. Hình ảnh sàng lọc mà Gio-an nói ở đây ám chỉ đến ngày phán xét. Thế mà những gì Gio-an được nghe về Chúa thì dường như chẳng thấy có sự phán xét hay thẩm tội ai từ Chúa cả; cũng chẳng thấy chỗ nào người ta nói đến việc Đức Giê-su ném những người có tội vào lửa cả. Thay vào đó là Lời rao giảng của Đức Giê-su nhấn mạnh đến thời đại hồng ân của Thiên Chúa, thêm vào đó là việc Đức Giê-su cà kê, ăn uống và làm bạn với phường tội lỗi. Vì thế, Gio-an mới ngộ nhận và sai các môn đệ đến chất vấn về chân tướng của Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?“

                Đức Giê-su nhẹ nhàng nói cho các môn đệ của Gio-an làm nhân chứng về các điều mà họ đã thấy và đã nghe, đó chính là người mù được sáng mắt và nhìn thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết được sống lại và những người nghèo được nghe Tin Mừng, như đã được loan báo bởi ngôn sứ I-sa-i-a mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một. Sau đó, Đức Giê-su còn nhắc khéo cho Gio-an biết rằng ông thật là có phúc, nếu không bị vấp ngã vì các công việc mà Đức Giê-su đã làm. Ở đây, Đức Giê-su muốn nói với Gio-an rằng: qua lời tường trình về các công việc Đức Giê-su đã làm mà các ngôn sứ đã loan báo thì ông có tin Người là Đấng Thiên Sai hay không?

Chúng ta không hề hay biết Gio-an có đón nhận lời chúc phúc của Đức Giê-su hay không? Thay vào đó là lời tán tụng của Đức Giê-su về lối sống chứng nhân của Gio-an. Qua cách nói gián tiếp này chúng ta thấy được vị trí của Gioan trong con mắt của Đức Chúa. Ông đuợc ví như cây sậy phất phơ trước gió, nhưng đã không ngã gục trước quyền lực của những người đến hỏi tội ông. Gio-an cũng không đánh lừa dân chúng. Ngài can đảm nói lên vai trò của nhân chứng về sự thật. Và vì sự thật mà Ngài đã bị xử tử, bị giết chết. Đó chính là con đường mà ngôn sứ phải đi: chỉ biết nói sự thật cho dù phải chết.

Gio-an không phải là ánh sáng mà chỉ là nhân chứng của ánh sáng. Ánh sáng đích thật là Chúa Giêsu. Vì thế khi Đức Kitô bắt đầu sứ vụ công khai thì vai trò của Gio-an phải lu mờ. Cũng như Gio-an, chúng ta phải biết chấp nhận sự thật về mình, sự giới hạn của mình, không giả tạo, không qui công về mình cái mà mình không có, điều mà mình không làm. Bằng không, chúng ta có thể trở thành những con người bất mãn và chỉ biết đòi hỏi.

Đây là sự cao trọng trong sứ mạng của Gio-an. Chính vì biết mình là ai, và cần phải làm gì trong chuơng trình của Thiên Chúa, nên Gio-an đã trở thành con người vĩ đại như lời ca tụng của Đức Giêsu: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan tẩy giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước trời còn cao trọng hơn ông.” Bởi vì, vai trò của Gio-an dù có cao trọng đến đâu thì ông vẫn chỉ là người dọn đường; còn chính Chúa Giê-su và những kẻ thuộc về Người mới thuộc về Nước Trời.

Đó là giáo lý mới, tin vui mà Chúa Giê-su đã đem lại. Chính Gio-an cũng phải thay đổi lối nhìn và cách sống sao cho phù hợp với những yêu sách của Tin Mừng về Nước Trời. Với Đức Giêsu, trong triều đại của Người, chúng ta hãy cứ để cho ‘cỏ lùng và lúa tốt” cùng mọc lên, cho ‘chiên và dê’ cùng sống chung. Việc phân xử là của Chúa. Thời gian phân xử cũng thuộc về Ngài. Còn bây giờ, chúng ta hãy noi gương Chúa Cứu Thế, đi trên con đuờng mà Người đã đi, chiếu hy vọng đến những nơi tăm tối, đem tin vui đến tận hang cùng ngõ hẻm của thế giới; loan báo năm hồng ân, rao giảng và làm nhân chứng cho Đức Giê-su, Đấng có quyền làm cho kẻ què được đi (trên con đường của Chúa), người điếc được nghe (tin vui từ Chúa), người mù được nhìn thấy (ánh sáng của Chúa) và kẻ chết được sống lại từ cõi chết.

                Tóm lại, vai trò của Gio-an là giới thiệu và dọn đường cho Đấng Cứu Thế; còn Chúa Giêsu và chúng ta là niềm hy vọng, nguồn sống sung mãn của Thiên Chúa cho người khác. Có như thế, viêc chúng ta mừng lễ Giáng Sinh không phải là việc tưởng niệm biến cố đã xẩy ra trong quá khứ; nhưng là tiếp tục công việc của Thiên Chúa qua Mầu Nhiệm Nhập Thể của Đức Giê-su, Đấng đã đến trong kiếp người để chia sẻ cuộc sống với những người nghèo khổ, bất hạnh mang đầy thương tích, những nạn nhân của bất công, những con người đang khao khát công lý và an bình. Nguyện xin ân huệ của Ngôi Hai Thiên Chúa luôn biến đổi cuộc đời của chúng ta thành những con đường đem Chúa đến cho người khác. Amen!

Thursday, 5 December 2019

SÁM HỐI ĐỂ SẴN SÀNG



Chúng ta đang sống trong mùa vọng, mùa chuẩn bị tâm hồn mừng mầu nhiệm Con Thiên Chúa giáng trần. Đây cũng là thời gian đặc biệt nhắc nhở chúng ta về việc Chúa sẽ đến lần thứ hai trong quang lâm để chào đón chúng ta vào vương quốc vĩnh cửu của Ngài. Muốn được như thế, chúng ta phải sẵn sàng và tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong các nghi lễ phụng vụ, qua các dấu chỉ của thời đại và nhất là qua con người, bởi Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta.

Việc Thiên Chúa viếng thăm để cứu chuộc dân Người nằm trong dự án của Thiên Chúa. Đó chính là sứ mạng của Thiên Chúa. Còn Ngài thực hiện chương trình cứu độ như thế nào thì hãy nghe Thánh Phao-lô nói rất rõ như sau: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1:1-2) Có nghĩa là, Thiên Chúa luôn đồng hành với nhân loại. Ngài hoạt động để thực hiện lời hứa với cha ông chúng ta. Ngài soi sáng và dùng miệng lưỡi các ngôn sứ để thực hiện sứ mạng và sau cùng Ngài đã sai Thánh Tử Giê-su đến và ở giữa chúng ta. Nói chung Thiên Chúa toàn tâm toàn ý thực hiện và hoàn tất kế hoạch cứu rỗi nhân loại.

Để cho kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa được thể hiện nơi cuộc sống, mỗi người chúng ta hãy nghe lời cảnh báo của Gio-an Tẩy Giả hôm nay: Hãy dọn đường và sửa lối để đón chào Đức Chúa và hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần. Sau này khi bắt đầu sứ vụ, Đức Giê-su đã loan báo như sau: “Anh em hãy sám hối và Tin vào Tin Mừng.” Như vậy, xem ra việc dọn đường, sửa lối, thay đổi cách sống để diễn tả tâm tình sám hối hầu nhận ra Nước Thiên Chúa hiện diện trong bản thân của Đức Giê-su là một lời cảnh báo rất khẩn thiết và quan trọng.

Chúng ta vẫn biết rằng, Thiên Chúa yêu thương và làm bạn với những người tội lỗi. Điều này không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Người thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, với điều kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Người.

Trong cùng một tinh thần đó, Hội Thánh mượn lại lời kêu gọi của Gio-an Tẩy Giả để kêu gọi chúng ta sám hối. Sám hối là gì?

Sám hối là tiến trình của cuộc sống. Sám hối là cơ hội giúp ta đổi mới. Muốn đổi mới, con người cần có can đảm để đối diện với các khuyết điểm của chính mình. Sự can đảm này thật cần thiết, bởi vì theo lẽ thường thì con người thích đi trên lối cũ, sống với những thói quen đã ăn sâu trong cuộc sống, cho nên rất khó thay đổi.

Sám hối là hồng ân, vì tự chính bản thân, ta có thể thấy được gì! Và, chỉ ở trong tình yêu và ánh sáng của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, ta mới thấy các yếu kém của mình để đổi mới. Đó là hồng ân mà Chúa chiếu soi để ta nhận biết mình. Muốn được như thế, chúng ta phải thường xuyên để cho giá trị của Tin Mừng và các tiêu chuẩn của Nước Thiên Chúa chất vấn chúng ta.

Chúng ta thường xuyên bị lầm tưởng tiêu chuẩn của Tin Mừng với các thói quen đạo đức là một. Thật ra, dựa vào tinh thần và những lời giảng dậy của Đức Giê-su, chúng ta khám phá ra một việc, đó là các công việc đạo đức hoàn toàn phát sinh từ sự từ bỏ, quên đi ‘cái tôi’, biết coi trọng nhu cầu của người khác hơn quyền lợi của riêng mình, sẵn sàng tha thứ để yêu thương. Nói chung, người đạo đức là người biết quan tâm đến nhu cầu của người khác, sẵn sàng thua cuộc vì phần ích của tha nhân.

Còn các việc đạo đức như ăn chay, cầu nguyện, tĩnh tâm, tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích... chỉ là những cách thức mà Thiên Chúa dùng để ban thêm ơn hầu qua đó chúng ta biết yêu Chúa và thương nhau hơn. Nếu những việc mà chúng ta gọi là đạo đức nói trên không phát xuất từ tình yêu của chúng ta với Chúa và tha nhân thì chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng, thùng rỗng kêu to. Chưa kể, đôi khi các việc làm đạo đức đó lại trở nên phản tác dụng khi chúng ta dựa vào nó để bắt Chúa ban ơn, thậm chí sinh kiêu căng, tự mãn và coi thường kẻ khác. Vì thế, để sám hối, không gì quan trọng cho bằng hãy để cho ánh sáng và các giá trị của Tin Mừng soi chiếu việc làm của mình mà nhìn ra các khuyết điểm để sửa sai và thành toàn.

Sám hối không chỉ là việc nhận ra mình có tội rồi đi xưng tội để được hòa giải cho được sạch tội mà thôi; nhưng để tin vào Tin Mừng, nghĩa là tin vào lời giảng dậy, việc làm và lối sống của Đức Giêsu, Đấng đã tiêu diệt quyền lực của sự ác trong ta, để nhường chỗ cho sự hiện hiện của Nuớc Thiên Chúa qua Đức Giêsu, Đấng sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của Người với đời sống của ta. Trong niềm hiệp thông đó, chúng ta diễn tả việc sám hối bằng cách sinh hoa kết quả theo lời yêu cầu của Gio-an hôm nay bằng việc đền bù thiệt hại cho những ai mà chúng ta đã xúc phạm và chia sẻ tiền của cho những người nghèo khổ và khốn khó như gương sáng của ông Da-kêu đã làm thủa xưa.

Như vậy, cuộc sống, sứ mạng và sứ điệp của Gio-an Tẩy Giả hôm xưa cũng là của chúng ta hôm nay. Gio-an đã xuất hiện như một ngôn sứ cuối cùng để chuẩn bị con đường cho Đức Me-si-a, Đấng thiên sai ngự đến thế nào thì chúng ta cũng thế. Noi gương Ngài chúng ta được mời gọi ra đi để công bố cho những người chung quanh hãy sống ăn năn, hãy dọn đuờng chào đón Chúa Cứu Thế và tin theo Người.

Giống như Gio-an Tẩy Giả, chúng ta không kêu gọi sự chú ý đến chính mình. Chúng ta đến để giới thiệu và chỉ cho người ta thấy con đường của Chúa. Từ bỏ vinh dự cao quí và lui về phía sau để Thiên Chúa thực hiện dự án của Ngài qua sứ mệnh mà chúng ta đã lĩnh nhận là điều tuy cần thiết nhưng rất khó thực hiện. Qua hành động như thế, chúng ta không hoạt động cho vinh quang của mình mà làm cho Danh Chúa được cả sáng hơn.

Như vậy, con đuờng mà chúng ta chuẩn bị cho Chúa đến là con đuờng đức tin, con đuờng của niềm vui; một niềm vui phát xuất từ bên trong phần sâu thẩm của tâm hồn và chỉ dành cho những ai đã đuợc Chúa chiếm đoạt. Trong sự tự do chúng ta đành mất tất cả để dành phần ích lợi cho anh em.

Tóm lại, trong tinh thần của Mùa Vọng và với gương sáng trong việc chu toàn sứ mạng của Gio-an Tẩy Giả giúp cho chúng ta nhớ lại ơn gọi của chính mình. Chúng ta không chỉ được kêu gọi ăn năn và sám hối để chuẩn bị tâm hồn Mừng Lễ Giáng Sinh mà thôi đâu. Người đã đến trong hoàn cảnh của từng người, với tất cả giới hạn của thân phận gắn liền với đổ vỡ và tội lỗi của mình. Chính trong vùng đất khô cằn như hoang địa như thế, Thiên Chúa đã cất nhắc chúng ta lên, cho phép chúng ta tham dự vào sứ vụ của Người. Vì thế, chúng ta phải ra đi, không chỉ là tiền thân của Đấng Cứu Thế mà còn là hiện thân của Người, Đấng đã từ bỏ và chấp nhận mất tất cả để đem lại ơn cứu độ cho mọi người, không loại trừ một ai.

Nhiệm vụ ‘dọn đường và giới thiệu Đức Ki-tô cho người khác’ thật nặng nề. Gio-an đã làm được. Đức Giê-su đã mở đường. Tin tưởng vào sự trợ giúp của các ngài, chúng ta sẽ làm được. Vì thế, không chỉ trong Mùa Vọng này, mà trong mọi giây mọi phút của cuộc sống, chúng ta không chỉ dọn đường cho Người đến mà hãy cùng bước trên con đường của Người. Con đuờng yêu thương và đón nhận. Con đường tự hiến và hy sinh. Con đuờng tha thứ và chấp nhận. Con đuờng của sự thật để nhận ra tất cả là của Người. Và, khi cùng dắt nhau đi trên con đuờng của Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ rộng mở để đón nhận nhau, nhận ra sự hiện diện của Chúa Cứu Thế nơi tha nhân. Người đã đến giữa chúng ta, trong lòng người và giữa lòng đời. Và nếu chúng ta không nhận ra Người trong cuộc sống của nhau thì việc dọn đuờng để chuẩn bị cho việc mừng Lễ Giáng Sinh cũng là việc làm chiếu lệ, theo thói quen.

Xin hãy mở mắt chúng con nhận ra Người nơi anh em không chỉ trong Mùa Vọng này, nhưng là trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời và nhất là trong các bữa tiệc Lòng Mến mà chúng con đến để trao gửi Chúa cho nhau. Amen!