Thursday, 5 December 2019

SÁM HỐI ĐỂ SẴN SÀNG



Chúng ta đang sống trong mùa vọng, mùa chuẩn bị tâm hồn mừng mầu nhiệm Con Thiên Chúa giáng trần. Đây cũng là thời gian đặc biệt nhắc nhở chúng ta về việc Chúa sẽ đến lần thứ hai trong quang lâm để chào đón chúng ta vào vương quốc vĩnh cửu của Ngài. Muốn được như thế, chúng ta phải sẵn sàng và tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong các nghi lễ phụng vụ, qua các dấu chỉ của thời đại và nhất là qua con người, bởi Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta.

Việc Thiên Chúa viếng thăm để cứu chuộc dân Người nằm trong dự án của Thiên Chúa. Đó chính là sứ mạng của Thiên Chúa. Còn Ngài thực hiện chương trình cứu độ như thế nào thì hãy nghe Thánh Phao-lô nói rất rõ như sau: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1:1-2) Có nghĩa là, Thiên Chúa luôn đồng hành với nhân loại. Ngài hoạt động để thực hiện lời hứa với cha ông chúng ta. Ngài soi sáng và dùng miệng lưỡi các ngôn sứ để thực hiện sứ mạng và sau cùng Ngài đã sai Thánh Tử Giê-su đến và ở giữa chúng ta. Nói chung Thiên Chúa toàn tâm toàn ý thực hiện và hoàn tất kế hoạch cứu rỗi nhân loại.

Để cho kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa được thể hiện nơi cuộc sống, mỗi người chúng ta hãy nghe lời cảnh báo của Gio-an Tẩy Giả hôm nay: Hãy dọn đường và sửa lối để đón chào Đức Chúa và hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần. Sau này khi bắt đầu sứ vụ, Đức Giê-su đã loan báo như sau: “Anh em hãy sám hối và Tin vào Tin Mừng.” Như vậy, xem ra việc dọn đường, sửa lối, thay đổi cách sống để diễn tả tâm tình sám hối hầu nhận ra Nước Thiên Chúa hiện diện trong bản thân của Đức Giê-su là một lời cảnh báo rất khẩn thiết và quan trọng.

Chúng ta vẫn biết rằng, Thiên Chúa yêu thương và làm bạn với những người tội lỗi. Điều này không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Người thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, với điều kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Người.

Trong cùng một tinh thần đó, Hội Thánh mượn lại lời kêu gọi của Gio-an Tẩy Giả để kêu gọi chúng ta sám hối. Sám hối là gì?

Sám hối là tiến trình của cuộc sống. Sám hối là cơ hội giúp ta đổi mới. Muốn đổi mới, con người cần có can đảm để đối diện với các khuyết điểm của chính mình. Sự can đảm này thật cần thiết, bởi vì theo lẽ thường thì con người thích đi trên lối cũ, sống với những thói quen đã ăn sâu trong cuộc sống, cho nên rất khó thay đổi.

Sám hối là hồng ân, vì tự chính bản thân, ta có thể thấy được gì! Và, chỉ ở trong tình yêu và ánh sáng của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, ta mới thấy các yếu kém của mình để đổi mới. Đó là hồng ân mà Chúa chiếu soi để ta nhận biết mình. Muốn được như thế, chúng ta phải thường xuyên để cho giá trị của Tin Mừng và các tiêu chuẩn của Nước Thiên Chúa chất vấn chúng ta.

Chúng ta thường xuyên bị lầm tưởng tiêu chuẩn của Tin Mừng với các thói quen đạo đức là một. Thật ra, dựa vào tinh thần và những lời giảng dậy của Đức Giê-su, chúng ta khám phá ra một việc, đó là các công việc đạo đức hoàn toàn phát sinh từ sự từ bỏ, quên đi ‘cái tôi’, biết coi trọng nhu cầu của người khác hơn quyền lợi của riêng mình, sẵn sàng tha thứ để yêu thương. Nói chung, người đạo đức là người biết quan tâm đến nhu cầu của người khác, sẵn sàng thua cuộc vì phần ích của tha nhân.

Còn các việc đạo đức như ăn chay, cầu nguyện, tĩnh tâm, tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích... chỉ là những cách thức mà Thiên Chúa dùng để ban thêm ơn hầu qua đó chúng ta biết yêu Chúa và thương nhau hơn. Nếu những việc mà chúng ta gọi là đạo đức nói trên không phát xuất từ tình yêu của chúng ta với Chúa và tha nhân thì chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng, thùng rỗng kêu to. Chưa kể, đôi khi các việc làm đạo đức đó lại trở nên phản tác dụng khi chúng ta dựa vào nó để bắt Chúa ban ơn, thậm chí sinh kiêu căng, tự mãn và coi thường kẻ khác. Vì thế, để sám hối, không gì quan trọng cho bằng hãy để cho ánh sáng và các giá trị của Tin Mừng soi chiếu việc làm của mình mà nhìn ra các khuyết điểm để sửa sai và thành toàn.

Sám hối không chỉ là việc nhận ra mình có tội rồi đi xưng tội để được hòa giải cho được sạch tội mà thôi; nhưng để tin vào Tin Mừng, nghĩa là tin vào lời giảng dậy, việc làm và lối sống của Đức Giêsu, Đấng đã tiêu diệt quyền lực của sự ác trong ta, để nhường chỗ cho sự hiện hiện của Nuớc Thiên Chúa qua Đức Giêsu, Đấng sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của Người với đời sống của ta. Trong niềm hiệp thông đó, chúng ta diễn tả việc sám hối bằng cách sinh hoa kết quả theo lời yêu cầu của Gio-an hôm nay bằng việc đền bù thiệt hại cho những ai mà chúng ta đã xúc phạm và chia sẻ tiền của cho những người nghèo khổ và khốn khó như gương sáng của ông Da-kêu đã làm thủa xưa.

Như vậy, cuộc sống, sứ mạng và sứ điệp của Gio-an Tẩy Giả hôm xưa cũng là của chúng ta hôm nay. Gio-an đã xuất hiện như một ngôn sứ cuối cùng để chuẩn bị con đường cho Đức Me-si-a, Đấng thiên sai ngự đến thế nào thì chúng ta cũng thế. Noi gương Ngài chúng ta được mời gọi ra đi để công bố cho những người chung quanh hãy sống ăn năn, hãy dọn đuờng chào đón Chúa Cứu Thế và tin theo Người.

Giống như Gio-an Tẩy Giả, chúng ta không kêu gọi sự chú ý đến chính mình. Chúng ta đến để giới thiệu và chỉ cho người ta thấy con đường của Chúa. Từ bỏ vinh dự cao quí và lui về phía sau để Thiên Chúa thực hiện dự án của Ngài qua sứ mệnh mà chúng ta đã lĩnh nhận là điều tuy cần thiết nhưng rất khó thực hiện. Qua hành động như thế, chúng ta không hoạt động cho vinh quang của mình mà làm cho Danh Chúa được cả sáng hơn.

Như vậy, con đuờng mà chúng ta chuẩn bị cho Chúa đến là con đuờng đức tin, con đuờng của niềm vui; một niềm vui phát xuất từ bên trong phần sâu thẩm của tâm hồn và chỉ dành cho những ai đã đuợc Chúa chiếm đoạt. Trong sự tự do chúng ta đành mất tất cả để dành phần ích lợi cho anh em.

Tóm lại, trong tinh thần của Mùa Vọng và với gương sáng trong việc chu toàn sứ mạng của Gio-an Tẩy Giả giúp cho chúng ta nhớ lại ơn gọi của chính mình. Chúng ta không chỉ được kêu gọi ăn năn và sám hối để chuẩn bị tâm hồn Mừng Lễ Giáng Sinh mà thôi đâu. Người đã đến trong hoàn cảnh của từng người, với tất cả giới hạn của thân phận gắn liền với đổ vỡ và tội lỗi của mình. Chính trong vùng đất khô cằn như hoang địa như thế, Thiên Chúa đã cất nhắc chúng ta lên, cho phép chúng ta tham dự vào sứ vụ của Người. Vì thế, chúng ta phải ra đi, không chỉ là tiền thân của Đấng Cứu Thế mà còn là hiện thân của Người, Đấng đã từ bỏ và chấp nhận mất tất cả để đem lại ơn cứu độ cho mọi người, không loại trừ một ai.

Nhiệm vụ ‘dọn đường và giới thiệu Đức Ki-tô cho người khác’ thật nặng nề. Gio-an đã làm được. Đức Giê-su đã mở đường. Tin tưởng vào sự trợ giúp của các ngài, chúng ta sẽ làm được. Vì thế, không chỉ trong Mùa Vọng này, mà trong mọi giây mọi phút của cuộc sống, chúng ta không chỉ dọn đường cho Người đến mà hãy cùng bước trên con đường của Người. Con đuờng yêu thương và đón nhận. Con đường tự hiến và hy sinh. Con đuờng tha thứ và chấp nhận. Con đuờng của sự thật để nhận ra tất cả là của Người. Và, khi cùng dắt nhau đi trên con đuờng của Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ rộng mở để đón nhận nhau, nhận ra sự hiện diện của Chúa Cứu Thế nơi tha nhân. Người đã đến giữa chúng ta, trong lòng người và giữa lòng đời. Và nếu chúng ta không nhận ra Người trong cuộc sống của nhau thì việc dọn đuờng để chuẩn bị cho việc mừng Lễ Giáng Sinh cũng là việc làm chiếu lệ, theo thói quen.

Xin hãy mở mắt chúng con nhận ra Người nơi anh em không chỉ trong Mùa Vọng này, nhưng là trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời và nhất là trong các bữa tiệc Lòng Mến mà chúng con đến để trao gửi Chúa cho nhau. Amen!





No comments:

Post a Comment